Nghiên Cứu & Bình Luận
Chó - Từ biểu tượng văn hóa đến hình tượng văn học độc đáo
08:58 | 12/02/2018

NGUYỄN VĂN HÙNG   

Từ biểu tượng văn hóa, chó đã trở thành đề tài, cảm hứng trong nhiều loại hình nghệ thuật. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn học, với sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc về thế giới loài vật, các nhà văn đã sáng tạo nên những hình tượng đặc sắc, vừa quen thuộc, gần gũi, vừa mới lạ, độc đáo.

Chó - Từ biểu tượng văn hóa đến hình tượng văn học độc đáo

Thông qua thế giới “nhân vật đặc biệt này”, người nghệ sĩ không chỉ khám phá những điều kì diệu của tự nhiên và muôn loài, mà còn thể hiện chiều sâu suy tư, triết lý về thế giới và con người.

Chó - biểu tượng xuyên/liên văn hóa

Từ lâu, chó luôn xuất hiện trong đời sống văn hóa nhiều nước trên thế giới. Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, chó đã trở thành biểu tượng xuyên/liên văn hóa mang sức mạnh biểu trưng cho ý niệm đa chiều về vũ trụ, thiên nhiên, nhân sinh, tâm linh, nhân tính. Không chỉ gắn bó với con người ở cõi dương, trong văn hóa, tín ngưỡng nhiều quốc gia, chó còn mang sứ mệnh dẫn hồn - đồng hành và dẫn dắt con người vào bóng đêm của cõi chết. Trong truyền thuyết, huyền thoại, tôn giáo của nhiều nước trên thế giới, chó thường gắn liền với Thần Chết, âm phủ, với những vương quốc vô hình do các thần âm ty hay thái âm cai quản.

Tuy nhiên, chó không mang biểu tượng thuần nhất, mà ở nó luôn có sự đan cài của những mặt đối nghịch nhau: thánh thiện và quái ác. Ở một số cộng đồng, dân tộc, chó được xem như thủy tổ (khai sinh ra con người sau cơn đại hồng thủy), người anh hùng khai hóa (sinh ra/đánh cắp lửa, thiết lập chu kì nông nghiệp), người bạn trung thành của con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn, chinh phục và làm chủ tự nhiên… Chó được coi là loài vật thiêng liêng, bảo trợ, được thờ ở những nơi trang nghiêm, thần thánh. Nhưng trong tín ngưỡng, quan niệm của một số tôn giáo, dân tộc khác, chó lại biểu hiện cho những gì xấu xa, đê tiện nhất: tham lam, phàm ăn, đam mê nhục dục. Nó được coi là một trong những loài vật bẩn thỉu và đáng khinh nhất.

Trong văn hóa người Á Đông, chó được xếp vị trí thứ 11 trong 12 con giáp, ở chi Tuất, và là một trong những loài vật thuộc lục súc. Với người Việt, chó là biểu tượng của lòng trung thành, sự gần gũi, người bạn đồng hành giúp con người canh giữ đất đai, nhà cửa… Chó đá đặt ở cổng đình chùa, đền miếu, cổng làng, cổng nhà để cảnh báo kẻ gian, xua đuổi tà ma… Tự bao đời, người Việt nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung đều coi chó là con vật có thể mang lại may mắn, thịnh vượng, niềm vui.

Dù có những ý niệm khác nhau trong văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi dân tộc, song chó vẫn là một trong những loài vật đồng hành với nhân loại từ thuở sơ khai. Với những đặc tính thông minh, hiểu ý người, trung thành, sẵn sàng hi sinh bảo vệ chủ, chó được coi là người bạn tin cậy, thân thiết, được con người rất đỗi yêu quý. Từ biểu tượng văn hóa, hình ảnh chó đã dịch chuyển, thẩm thấu, biến hóa trong đời sống con người. Nó chuyên chở nhiều biểu trưng độc đáo, thú vị trong ngôn ngữ và văn hóa nhân loại; trở thành chủ đề được nhiều nhà văn quan tâm thể hiện.

Hình tượng chó trong văn học: hành trình và những bài học nhân sinh

Bằng sự quan sát tinh tế, trí tưởng tượng phong phú, đặc biệt là tình yêu thương và sự đồng cảm sâu sắc, nhiều nhà văn đã vẽ nên những cuộc phiêu lưu thú vị, hấp dẫn và đầy xúc động của loài chó. Trong hành trình ấy, các tác giả đã tiếp cận, khám phá những điều bí ẩn, diệu kì, sinh động trong thế giới loài vật. Ở đó có vẻ đẹp của tình yêu thương, sự thủy chung, lòng trắc ẩn, khát vọng sống; có nỗi đau, tội lỗi, sự hoang dại, phản trắc; và có cả cái khốc liệt, hung bạo của cuộc đấu tranh sinh tồn nghiệt ngã với thiên nhiên và con người. Trên tất cả là những bài học nhẹ nhàng, giản dị, nhưng vô cùng sâu sắc, thâm thúy về nhân sinh, nhân tính.

G.Trôiepônxki trong Con Bim trắng tai đen, Luis Prats trong Hachiko - Chú chó đợi chờ qua hành trình số phận của Bim và Hachiko đã xây dựng biểu tượng về lòng trung thành, tình cảm sâu nặng của những chú chó dành cho người chủ của mình. Bim là chú chó thuộc dòng chó săn quý, bị đồng loại bỏ rơi vì sự khác biệt về màu lông, chú đã được người thợ săn Ivan Ivannưts cưu mang. Từ cuộc gặp gỡ “định mệnh” và suốt bốn năm về sau, chú đã trở thành người bạn duy nhất có thể xua tan nỗi cô độc và những di chứng chiến tranh nơi người lính già. Khi Ivan lên thành phố chữa bệnh, ông đã gửi chú chó thân yêu của mình cho người hàng xóm tốt bụng chăm sóc. Nỗi nhớ chủ không nguôi, chú bỏ ăn, và quyết định đi tìm chủ của mình. Lang thang hết nơi này đến nơi khác, giữa trời đông lạnh giá, với biết bao vất vả, gian nguy, có lúc đói rét, có khi bị bắt nhốt, hành hạ, nhưng chưa bao giờ chú từ bỏ ý định. Đến khi Ivan trở về gặp lại người bạn thân yêu, hành trình của Bim cũng kết thúc, chú đã ra đi mãi mãi.

Nếu Bim đi tìm chủ cho đến lúc chết, thì Hachiko lại đợi chờ sự trở về của người chủ ròng rã suốt 9 năm đến mòn mỏi, cạn kiệt sức lực. Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng, Hachiko theo chân giáo sư Eisaburo Ueno đến nhà ga tiễn ông lên tàu đi làm; buổi chiều, ngày nào cũng vậy, vào lúc 5 giờ chú lại ra ga đón chủ của mình trở về. Với chú, đó không đơn thuần là một thói quen, mà là tình cảm chân thành, là sự chờ mong một niềm vui, một hơi ấm, một sự sẻ chia từ người bạn già. Đến một ngày, cơn đột quỵ đã khiến giáo sư ra đi và không bao giờ trở về, nhưng Hachiko vẫn có mặt ở nhà ga lúc 5 giờ chiều, không kể ngày nắng ngày mưa, bão tuyết hay giá rét, chờ đợi cho đến chuyến tàu cuối cùng lăn bánh trong đêm. Chín năm trôi qua, chú đã già yếu, trở thành con chó hoang không nhà, không ai chăm sóc, sống lay lắt nhờ vào chút bố thí của người qua đường, nhưng chú vẫn không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi chết. Hình ảnh “hai bông tuyết rơi xuống mũi Bim và không tan ra”, và Hachiko tiều tụy nằm bất động, lạnh ngắt, trơ trọi trên sân ga vắng lặng đã làm lay động hàng triệu trái tim trên khắp thế giới.

Không chỉ lòng trung thành, các nhà văn còn khai thác nhiều phẩm chất, đức tính cao quý khác ở chú chó trong những câu chuyện cảm động của mình. Đó là câu chuyện về chú chó Winn-Dixie to lớn, gầy trơ xương, với sự chân thành đến ngờ nghệch đã tìm mọi cách kéo con người xích lại gần nhau, khiến cuộc sống của họ đầy ắp niềm vui, sự cảm thông, sẻ chia, vơi bớt nỗi cô đơn và sự mất mát (Bởi vì Winn-Dixie - Kate DiCamillo). Đó là hình ảnh hài hước về Enzo, một tay đua F1 cừ khôi, thông minh, lém lỉnh, can trường, sống và chiến đấu hết mình bên người chủ Denny (Nghệ thuật đua xe trong mưa - Garth Stein). Hay về Lad, chú chó thuộc dòng Ê-cốt, không chỉ trung thành, thông minh, dũng cảm khi xả thân cứu chủ chết đuối, cưỡng lại bản năng sinh tồn, lao ra nhận đòn của con rắn kịch độc để cứu một em bé; mà trong chú còn có một trái tim biết yêu thương, một tâm hồn cao cả, biết hi sinh và đầy sự bao dung (Lad: Câu chuyện về phẩm giá của một con chó - Albert Payson Terhune). Nhẹ nhàng, vui tươi, Nguyễn Nhật Ánh trong Tôi là Bê Tô, Xin lỗi mày, Tai To, Chú chó nhỏ mang giỏ hoa hồng đã tái hiện một thế giới sinh động của các chú chó đáng yêu: Bê Tô, Tai To, Batô, Xuku, Êmê, Haili, Pig với những tính cách phức tạp và mối quan hệ đa chiều. Mỗi chú chó trong sáng tạo của ông đều có những cá tính và tố chất riêng, thậm chí là những cố tật, khiếm khuyết không lẫn với bất kì con nào trong đàn. Qua các câu chuyện, tác giả đã mang đến cho người đọc câu chuyện cảm động và thông điệp sâu sắc về tình yêu thương đồng loại, sự bao dung với những điểm khác biệt của người khác, và đặc biệt là biết nâng niu bản thân, trân trọng những gì mình đang có, dù chỉ là một cái tên giản dị.

Các nhà văn trong tác phẩm của mình đã xây dựng chó như một nhân vật đặc biệt có tính cách và đời sống nội tâm phong phú. Ngòi bút diệu kì của người nghệ sĩ đã chạm vào những cảm xúc đa chiều, khi vui khi buồn, lúc giận hờn, nhớ mong, lúc tủi thân, cô đơn, và trên hết là những tình cảm sâu nặng dành cho con người của các chú chó. Đó không đơn thuần chỉ là câu chuyện của loài vật, mà ở đó phảng phất câu chuyện của xã hội loài người về cách ứng xử, phẩm giá, lương tri, nhân tính.

Các tác giả khi chọn chó làm nhân vật trong tác phẩm của mình, thường đặt chúng trong những cuộc hành trình: hành trình tranh đấu, hành trình trải nghiệm, hành trình trở về và ra đi, hành trình kiếm tìm bản thể, tự do và chân lý…; và những mối quan hệ đa chiều với thiên nhiên, đồng loại, con người, xã hội… Với mỗi chuyến phiêu lưu và trong từng mối quan hệ, bài học mà chúng có được cũng chính là những thông điệp nhân văn mà các tác giả gửi đến cho con người.

Jack London trong Tiếng gọi của hoang dã Nanh trắng xây dựng hai cuộc hành trình trái ngược nhau: từ văn minh trở về hoang dã và từ hoang dã đi tới văn minh. Sức hấp dẫn và nhân tố quan trọng bậc nhất tạo nên thành công cho cả hai tác phẩm đó là những trang miêu tả, phân tích tâm lý tinh tế, xuất thần của nhà văn. Ông không chỉ miêu tả những chuyển biến phức tạp trong cảm xúc của Buck và Nanh trắng, mà còn chạm đến đáy sâu vô thức, cõi ảo mộng hoang vu, nơi mà cuộc sống văn minh chưa khai phá hết. Đang sống như một bậc vương giả, được kính nể, Buck bị bắt trộm, bán cho cánh lái buôn đưa lên phương Bắc làm nghề kéo xe. Từ đây, cuộc sống của Buck bước sang một trang mới. Những gian nan, thử thách, những mối hiểm nguy rình rập, đặc biệt là cách hành xử bằng “luật dùi cui” của con người đã cho Buck những bài học đắt giá: sự thích ứng và sức mạnh quyền lực/vũ lực; sự trung thành, lòng tận tụy và sự bội phản, tráo trở; niềm tin, lòng tự trọng và sự xấu hổ, tội lỗi… Với Nanh trắng, sinh ra và lớn lên trong sự dữ tợn, khắc nghiệt của loài sói, cùng sự thiếu thốn của tình yêu thương đồng loại, chú đã được giải cứu, thuần hóa và hòa nhập vào thế giới con người, nơi chú được tôn trọng, che chở. Hành trình của Nanh trắng dù chứa đầy nỗi nhọc nhằn, đau đớn nhưng chú vẫn kiên cường bước tiếp để cuối cùng tìm ra chân lý rất đỗi giản dị: chính tình yêu thương chứ không phải bạo lực mới có thể làm thay đổi được tâm tính và hóa giải hận thù.

Cũng với motif hành trình, Phyllis Reynolds Naylor trong series Chú chó Shiloh, Mùa săn Shiloh, Giải cứu Shiloh, Ma Văn Kháng trong Chó Bi, đời lưu lạc và Luis Sepúlveda trong Chuyện con chó có tên là Trung Thành đã khai thác cuộc tranh đấu của Shiloh, chó Bi, Afmau trước mối hiểm họa của cái ác và sự phi nhân tính trong bản chất con người. Nếu như Ma Văn Kháng khắc họa hành trình “lưu lạc” của chó Bi từ quãng đời niên thiếu, thanh xuân tươi đẹp, đến những gian truân khi trưởng thành: bị bọn trộm chó bắt, bị tiêm thuốc độc, bị lôi tuột khỏi căn nhà thân yêu, lên rừng, xuống biển, lạc vào đảo Khỉ, bị truy đuổi… để có thể kiếm tìm chân lý đích thực, vĩnh cửu nơi tự nhiên hoang dã; Phyllis Reynolds Naylor miêu tả hành trình giải cứu Shiloh, và sự thức tỉnh lương tri, hối chuộc lỗi lầm của kẻ thủ ác; thì Luis Sepúlveda lại tái hiện những hồi ức ngọt ngào, tươi đẹp của Afmau về những năm tháng được sống cùng “những con người của Đất”, rồi sau đó quyết tâm bảo vệ “người anh em tốt” dù phải trải qua muôn vàn hiểm nguy. Dù số phận khác nhau, nhưng hình ảnh chú chó được các nhà văn khắc họa như hiện thân của cái Đẹp - lòng tự trọng, sống thủy chung, nặng tình nghĩa, không bao giờ khuất phục trước khó khăn, biết phân biệt tốt xấu. Đặc biệt cái Đẹp ấy có thể thức tỉnh tình cảm, lương tri và đạo đức con người.

Dù có những cách thể hiện khác nhau, Jack London, Ma Văn Kháng, Luis Sepúlveda và nhiều nhà văn khác đều đã truyền tải tới người đọc một thông điệp giản dị, sâu sắc về sự vĩ đại của người mẹ tự nhiên, về mối quan hệ không thể chia tách giữa tự nhiên - xã hội, hoang dã - văn minh, muôn loài - con người. Qua đó nhắn nhủ với con người hiện đại, văn minh: hãy học cách trân trọng và giữ gìn môi trường tự nhiên, không được vượt qua giới hạn và phá vỡ sự hài hòa mà vũ trụ và tạo vật đã sắp đặt, bởi đó là cội nguồn của sự sống, tình yêu, sức mạnh và bình yên. Con người cũng đừng lấy sức mạnh của chúa tể muôn loài, và đừng bao giờ nhân danh văn minh để đàn áp, chiếm dụng và vắt kiệt tự nhiên. Một khi vượt qua giới hạn, phá vỡ sự cân bằng và hài hòa vốn có, tất yếu con người sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Những câu chuyện cảm động, chân thành về những chú chó sẽ còn khiến người đọc khắp nơi trên thế giới thổn thức, trăn trở. Đằng sau những nụ cười và giọt nước mắt, trong mỗi số phận tưởng chừng như nhỏ bé, đời thường, dung dị ấy, các tác giả đã chuyển tải cho con người những bài học ý nghĩa, giàu tính nhân văn về sự gắn kết và tình yêu thương, lòng cao thượng và đức hi sinh, sự bao dung và hóa giải hận thù, nghị lực và khát vọng sống, tranh đấu với cái ác, cái xấu và bảo vệ cái đẹp, cái cao cả, sự hòa hợp và tôn trọng thiên nhiên, muôn loài… Có thể những chú chó không thể làm thay đổi thế giới, nhưng chúng có thể khiến con người có cái nhìn khác về thế giới, và điểm tựa của cái nhìn ấy chính là tình yêu thương chân thành. Và nói như Nguyễn Nhật Ánh trong Chú chó nhỏ mang giỏ hoa hồng: “Nếu con người ta biết yêu thương một con chó thì hiển nhiên người ta biết yêu thương một con người; xã hội nhờ vậy sẽ bớt đi những chuyện đau lòng”.

N.V.H  
(TCSH348/02-2018)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng