KHẾ IÊM
Lâu nay, thơ Tân hình thức ít khi nhận được những góp ý rõ ràng, thẳng thắn, để mở ra những thảo luận, làm sáng tỏ thắc mắc của bạn đọc.
Và hôm nay, chúng tôi may mắn có một góp ý như thế, khá cụ thể, từ một tác giả đã làm thơ Tân hình thức (lâu và nhiều), với một bài thơ được lắp ráp xen kẽ từng đoạn thơ Tân hình thức và tự do, làm cho bài thơ không còn là bài thơ Tân hình thức cũ, đồng thời đưa ra những khẳng định: “Cái khung cũ của Tân hình thức bó chặt khả năng chuyển tải và thăng hoa của ngôn ngữ thơ”, và rằng “Đếm chữ xuống dòng là một trở ngại mang tính bản chất của thơ Tân hình thức. Nó sẵn sàng giết chết ngôn ngữ thơ ngay từ bản chất”. Quả là những khẳng định đầy thách đố, đánh thẳng vào tâm điểm của dòng thơ mới. Và nếu không được trả lời thỏa đáng, sẽ làm mất niềm tin nơi bạn thơ và bạn đọc.
Thật ra, mọi vấn đề thơ Tân hình thức đã được đề cập tới đầy đủ trong hai tập tiểu luận “Vũ điệu không vần” và “Tân hình thức, nghĩ về cách làm thơ”, nhưng trong thời đại tràn ngập thông tin, ít ai có thì giờ đọc, vả lại, những chi tiết quan trọng thường bị chìm lấp trong hàng trăm trang viết. Theo đó, những góp ý nêu trên là cần thiết, đã nói lên được thắc mắc của nhiều người. Cứ mường tượng, nếu chúng ta làm một bài thơ vần điệu rồi cắt khúc, xen vào đó những đoạn thơ tự do, như vậy không biết phải gọi đó là loại thơ gì? Thơ tự do giễu nhại vần điệu? Chắc là không, vì không có nội dung giễu nhại. Trước khi phân tích vấn đề, chúng ta cần đính chính, thơ tự do không phải là một thành phần trong thơ truyền thống, mà đối nghịch và phủ nhận truyền thống. Và “ngôn ngữ thơ ngay từ bản chất” ở đây, có lẽ, tác giả muốn đề cập tới ngôn ngữ của thơ vần điệu, chữ (ngôn ngữ thăng hoa)?
Trong khi thơ Tân hình thức chủ trương ngôn ngữ đời thường, hay ngôn ngữ thông thường, dễ hiểu. Vì thế, Tân hình thức không hề giết chết “ngôn ngữ thơ ngay từ bản chất” mà chỉ sử dụng một loại ngôn ngữ thơ khác. Nhà thơ Mỹ William Carlos Williams, ảnh hưởng mạnh tới hầu hết những phong trào tiền phong quan trọng, từ Thế hệ Beat, Black Mountain, Trường phái New York cho tới tận hôm nay, “đã dùng một thứ ngôn ngữ giản dị đến mèo chó cũng có thể đọc”, theo nhận xét của nhà thơ Marianne Moore (Marianne Moore wrote Williams had used ‘plain American which cats and dogs can read’). Cuối cùng, nếu bỏ “cái khung cũ” đi, là những thể thơ 5 chữ, 7 chữ, lục bát... thì còn gì là thơ Tân hình thức? Không những thế, vô tình đã phủ nhận và làm hỏng phần lý thuyết căn bản của dòng thơ, nối kết quá khứ và hiện tại - quá khứ như một nửa giấc mơ được nhớ lại - giữa truyền thống và hiện đại, giữa nền văn hóa này và nền văn hóa khác, theo quan điểm tân chiết trung. Điều ngạc nhiên, những nhà thơ Mỹ, cả tự do lẫn thể luật (Thơ dịch, đọc như Tân hình thức Việt), lại đang có xu hướng chui vào những “cái khung cũ”, giống như Tân hình thức Việt.
Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, nên khi thơ vần điệu vướng vào vần, khó có thể chuyển tải tư tưởng, vì vậy, người làm thơ chỉ cần nương theo cảm xúc (dựa vào chữ) để làm. Hơn nữa cơ chế vần điệu đã có sẵn, người làm thơ không cần phải tìm kiếm nhịp điệu trong thơ. Thơ, vì thế dễ bị nhàm chán vì vần và điệu. Khi người làm thơ ít phải bận tâm tới nhịp điệu, rảnh rang tìm chữ, chọn chữ, xáo trộn cú pháp, tạo nên những hình ảnh (thi ảnh) khó hiểu, làm người đọc hiểu lầm, thơ phải khó hiểu mới hay. Cái hay của thơ đơn thuần chỉ là cái hay của chữ. Trong khi cái hay của thơ Tân hình thức là cái hay của ý tưởng và nhịp điệu. Ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, nhưng nhịp điệu và ý tưởng phải mới mẻ và sâu sắc. Bây giờ, đến một câu hỏi cốt lõi: Đếm chữ xuống dòng có phải là bản chất của thơ Tân hình thức hay không? Dứt khoát là không. Khi làm công việc lắp ráp bài thơ giữa tự do và Tân hình thức, chúng ta nhận ra, tác giả đã dùng chức năng của lý trí, chứ không phải của người làm thơ Tân hình thức. Và như vậy, từ bao lâu nay, đa phần người làm thơ Tân hình thức vẫn viết một đoạn văn xuôi, lập lại câu chữ một cách máy móc, rồi đếm chữ xuống dòng. Một đoạn văn, nghĩ sao viết vậy, rồi đếm chữ xuống dòng, thì không cần tới kỹ thuật vắt dòng. Vắt dòng là vắt ý tưởng từ dòng này qua dòng khác, làm cho những ý tưởng liền lạc với nhau, hình thành tứ thơ hay tư tưởng trong thơ. Bài thơ với ý tưởng nghèo nàn, kể lể dông dài, buồn chán, thiếu sinh động, thì chỉ cần đếm chữ xuống dòng là đủ. Nhưng cách làm đó không phải của thơ Tân hình thức.
“Mỗi thể loại thơ có cách làm thơ khác nhau, thơ vần điệu dựa vào cảm xúc, thơ tự do dùng tâm trí, còn thơ Tân hình thức kết hợp giữa cảm xúc và tâm trí. Khi làm thơ, trong trạng thái lơ mơ giữa thức và ngủ đó, chúng ta phải tìm cách nhớ lại những câu chữ vừa mới sáng tác, bằng cách đọc lên (đọc thầm trong đầu), và đọc đi đọc lại nhiều lần, vì không có sẵn giấy bút để ghi lại. Khi sáng tác thơ vần điệu, người ta ngâm nga, mục đích làm những âm thanh bằng trắc và vần, nhịp nhàng với nhau, để tạo nhạc tính. Thơ tự do viết và sửa đi sửa lại trên trang giấy (đa số những nhà thơ tự do nổi tiếng, đều sửa đi sửa lại thơ họ). Còn thơ Tân hình thức, nếu không đọc lên thì làm sao phối hợp những âm thanh bằng trắc và những chữ “lập lại trong bài thơ để tạo thành nhịp điệu? Những chữ kép lập lại đóng vai trò như vần trong thơ vần điệu, nhưng rải ra khắp bài thơ, nên không rơi vào sự đều đặn, hạn chế như vần ở cuối giòng của thơ vần điệu. Điều này làm cho nhịp điệu trong thơ Tân hình thức Việt phong phú và khác biệt, nơi từng bài thơ và từng người làm thơ, đẩy tới nhiều mức độ khác nhau, từ trầm lắng đến sôi nổi. Nhưng dù ở mức độ nào, người đọc cũng phải nhận ra được nhịp điệu thơ.
“Câu chuyện trên rút ra kết luận: Không có gì bắt buộc chúng ta phải sáng tác trong lúc ngủ, mà có thể sáng tác bất cứ lúc nào cảm thấy có hứng khởi, ban ngày cũng như ban đêm, lúc thức cũng như lúc ngủ. Trong trường hợp này, hành động đọc đi đọc lại nhiều lần, không phải để nhớ, mà để hình dung ra nhịp điệu của thơ. Và việc ghi lại trên giấy mới có tác dụng để nhớ. Khi đọc, và đọc đi đọc lại, sẽ hạn chế sự nghĩ của tâm trí, và bài thơ tiến hành theo những cảm nhận tự nhiên, chứ không phải từ những sắp xếp của lý trí. Sự ghi lại trên giấy khi bài thơ hoàn tất, chẳng khác nào quay trở lại một truyền thống mới là chữ in trong thời đại mà chữ in đang dần dần bị lãng quên, có lẽ là điều mà nhà thơ Frederick Turner gọi là ‘Truyền thống mới cái đẹp xưa’ chăng?” (Trích, “Nhịp điệu thơ Tân hình thức Việt trong tiến trình sáng tác”).
Mục đích của Tân hình thức là tạo nhịp điệu thơ. Nếu bài thơ đọc lên, nghe âm hưởng của văn xuôi, là bởi người làm thơ theo cách viết trên giấy của thơ tự do, rồi đếm chữ xuống dòng. Nhịp điệu bài nào cũng hao hao giống nhau, vì đó là nhịp điệu văn xuôi. Còn nếu làm theo cách của thơ Tân hinh thức, sẽ tạo được nhịp điệu thật sự cho thơ, không bài nào giống bài nào. Đến đây, có ba điểm cần ghi nhận: 1/ thơ Tân hình thức dùng ngôn ngữ thông thường còn có tác dụng dễ nhớ; 2/ bài thơ chỉ được ghi lại trên trang giấy, sau khi hoàn tất; 3/ “đếm chữ xuống dòng” là khâu cuối cùng, dùng để chỉnh sửa, sau khi bài thơ đã làm xong. Lúc đó, chúng ta mới quyết định xem phải dùng thể thơ nào cho phù hợp với nhịp điệu bài thơ. Thể thơ 5 chữ cho nhịp điệu nhanh, 7 chữ cho nhịp điệu vừa, và lục bát cho thơ kể chuyện. Cách làm thơ như vậy, dễ thành thơ và kích thích người làm, bạn nào muốn thay đổi hoặc mới làm thơ Tân hình thức, cứ thử xem sao, không chừng lại có hiệu quả.
Ở mọi thể loại thơ, người làm thơ bế tắc là chuyện bình thường, thơ hay thì ít, thơ dở quá nhiều, cũng là chuyện bình thường, nhưng không vì thế mà cho rằng những thể loại thơ đó có vấn đề. Người làm thơ có nhiều chọn lựa, nếu thấy thể loại này không hợp thì tìm một thể loại khác hợp hơn. Thơ vần điệu và tự do có cả hàng ngàn nhà thơ, thơ Tân hình thức chẳng có bao nhiêu người, lại là một thể thơ mới, đa phần người làm thơ chưa thật sự am hiểu, vẫn còn theo cách nghĩ và làm của thơ cũ, sự khó khăn gặp phải là gấp bội, tỉ lệ hay dở cũng chênh lệch rất nhiều. Nhưng một dòng thơ đã có những bài thơ hay, thì không có gì là dở, lại mang tới cho người làm thơ một cơ hội thay đổi, thì có gì là sai. Hay dở, đúng sai là do người làm thơ.
Thật ra, hay dở, đúng sai cũng chỉ là chuyện tương đối, không có gì quan trọng. Trong văn học nghệ thuật, cá nhân chẳng có nghĩa lý gì, tất cả đều do cơ duyên mà ra. Họa sĩ Pháp, Édouard Manet (1932 - 83) là một họa sĩ hiện thực, nhưng do tình cờ ảnh hưởng loại tranh gỗ Nhật Bản, ngẫu nhiên trở thành một họa sĩ khởi đầu của chủ nghĩa Ấn tượng, bức tranh Luncheon On the Grass, cách mạng trong hình thể với những mảng màu phẳng dẹp (flat), khác hẳn truyền thống với không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều. Đó là gặp may, chứ đâu phải ông từ trên trời rơi xuống, tự mình tạo ra một trường phái hội họa hiện đại. Người làm thơ, làm được một bài thơ hay thì vui, còn không thì cứ coi việc làm thơ như một cái thú trong đời. Vì cuối cùng, ai rồi cũng bị vùi dập và quên lãng theo thời gian.
Nhưng cách làm thơ Tân hình thức có khó không? Dễ không dễ, khó không khó, chẳng qua là do thói quen. Cách làm đó không đơn thuần là lý thuyết suông, mà do kinh nghiệm của người viết. Tôi làm thơ vần điệu, thơ tự do, và Tân hình thức, tất cả đều làm theo cách đọc thầm trong đầu. Nhưng ngay cả thơ tự do, với những bài thơ ngắn, cũng có nhịp điệu rất mạnh. Và sau này, Tân hình thức là dòng thơ quan tâm tới nhịp điệu, nên tôi thấy đó là cách làm thơ thích hợp nhất. Vấn đề bây giờ là sự khao khát đổi mới của những nhà thơ tham gia sáng tác thơ Tân hình thức, có đủ mạnh để thay đổi thói quen đã được lập trình trong tiềm thức hay không. Và nếu thật sự muốn, phải làm sao để cách làm và lý thuyết thơ Tân hình thức nắm được và thay thói quen cũ trong tiềm thức (người làm thơ không còn bị ám ảnh và bận tâm tới những cái khung và kỹ thuật thơ), lúc đó khả năng sáng tạo mới có thể bộc phát và thành thơ. Để được như thế, phải nghiền ngẫm và ngấm dần qua năm tháng (ở thời đại internet, thói quen đọc lướt, làm không ít người thiếu kiên nhẫn tìm hiểu thơ Tân hình thức đến nơi đến chốn). Vì trong tiềm thức chúng ta là cả một dãy trường thành những thói quen, thói quen nghĩ và làm thơ cũ, khó có thể vượt qua?
Người làm thơ trước khi làm thơ Tân hình thức có thể họ đã là những nhà thơ vần điệu hay tự do. Khi tham gia thơ Tân hình thức, nếu thấy không hợp, họ có thể trở về với vần điệu hay tự do. Thực tế, đâu có ai vừa làm thơ vần điệu vừa làm thơ tự do, vì như thế sẽ chẳng đi đến đâu, mỗi dòng thơ có cách làm khác nhau. Nhưng khi đã dấn thân vào con đường thơ Tân hình thức, họ phải thôi làm thơ vần điệu hay tự do. Lý do, thơ Tân hình thức sẽ bị vướng vào vần điệu của thơ vần, hoặc làm thơ theo cách nghĩ của thơ tự do. Như vậy sẽ làm hỏng thơ Tân hình thức, và sớm hay muộn gì cũng rơi vào bế tắc và phải bỏ cuộc. Hết đợt này tới đợt khác, đến rồi đi, đã chứng tỏ, cách làm thơ mới chưa được những người làm thơ Tân hình thức hưởng ứng và quan tâm. Tôi đề nghị các bạn thơ đang bế tắc hoặc đã bỏ cuộc, hãy áp dụng thử, biết đâu có khi lại cảm thấy hào hứng làm thơ trở lại. Dĩ nhiên, chúng ta không thể bỏ ngay cách làm thơ cũ, nhưng thay đổi từ từ cho tới khi quen dần. Chẳng hạn, ghi xuống trên giấy từng đoạn thơ, rồi tiếp tục làm theo cách đọc thầm trong đầu, cho đến khi bài thơ hoàn tất.
“Theo khám phá những chức năng của não bộ, sáng tạo trong thơ là sự kết hợp giữa bán cầu não trái và phải, liên quan đến hoạt động của toàn thể não bộ. Trong suốt quá trình, cả khía cạnh lý trí và cảm xúc phải làm việc toàn diện với nhau. Thơ vần điệu sáng tác nghiêng về bán cầu não phải, với nhạc tính, nhịp điệu, cảm xúc, trong khi thơ tự do nghiêng về bán cầu não trái với ngôn ngữ và kiến thức. Trong thơ thể luật tiếng Anh, dù có vần hay không vần, vì là ngôn ngữ đa âm, với kỹ thuật vắt dòng, người làm thơ có tài năng vẫn có thể kết hợp hai bán cầu não với nhau. Trong khi thơ vần điệu Việt, không thể vắt dòng, vần ở cuối dòng giống như bức tường ngăn cản hai bán cầu não thông thương với nhau, thơ hoàn toàn sáng tác với bán cầu não phải. Thơ tự do, vì là dòng thơ trí tuệ, dĩ nhiên phải sáng tác theo bán cầu não trái. Thơ Tân hình thức Việt sáng tác với cả hai bán cầu não, nên khó cũng là điều đương nhiên.
“Nhưng chúng ta chỉ mới biết những chức năng của não bộ mới đây, nên chưa vận dụng được khả năng sáng tạo và phối hợp những yếu tố thơ trong bán cầu não phải như tưởng tượng, cảm xúc, trực giác, nhịp điệu, vần... Đồng thời cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của kiến thức và tư duy nghệ thuật trong việc phát triển nội dung thơ. Bây giờ, nếu kết hợp giữa cách làm thơ Tân hình thức và những chức năng não bộ trong sáng tạo, giữa nghệ thuật thơ và đời sống thực tại, giữa “kiến thức và kinh nghiệm trong tiềm thức”, như ý kiến của Jesper, chúng ta hy vọng sẽ có được những nhà thơ Tân hình thức thực sự. Cụ thể hơn, thơ khẩn thiết cần một nội dung mới.” (Trích, Thơ và không thơ, chưa xuất bản).
Nếu không có sẵn cách làm thơ, chúng ta khó lòng biện giải và bảo vệ dòng thơ, vốn đã quá nhiều gian nan, trong tìm kiếm và học hỏi. Có sự trùng hợp, trong khi sáng tác thơ Tân hình thức rơi vào bế tắc, sự khám phá những chức năng sáng tạo trong não bộ, kết hợp hai bán cầu não trong sáng tác, lại phù hợp với cách làm và lý thuyết thơ Tân hình thức. Qua đó, thơ Tân hình thức là một dòng thơ thật sự có tiềm năng, với một qui trình sáng tác và lý thuyết mang tính nền tảng.
Thơ thể luật (hay vần điệu) đã có cả ngàn năm, thơ tự do cũng có lịch sử hơn trăm năm, mỗi loại thơ đều có cái hay của nó, ai thích thì làm, vì mục đích của thơ là mang lại niềm vui cho người làm và đọc thơ. Thơ Tân hình thức chỉ cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu cho những ai muốn thay đổi thơ. Nhưng nếu muốn thay đổi, phải hiểu rõ tường tận từng thể loại thơ. Đặc biệt, thơ tự do xuất phát từ Mỹ với hàng loạt những phong trào tiền phong, và thơ thể luật tiếng Anh, với quá trình thay đổi có bài bản và học thuật. Thơ Tân hình thức Việt nối kết và trầm tư nhiều thể loại thơ, rút tỉa một số nguyên tắc căn bản để làm thơ. Trong tiến trình của sáng tạo, từ những nguyên tắc căn bản đó làm điểm tựa, sẽ còn vô số những biến đổi không ngừng, làm phong phú cho thể loại thơ này. Do vậy, dù có người tham gia hay không, tài tử hay chuyên nghiệp, đúng hay sai, đến hay đi, hay hay dở... hẳn thơ Tân hình thức Việt vẫn cứ mãi tồn tại với thời gian?
K.I
(SHSDB28/03-2018)