Nghiên Cứu & Bình Luận
Biên luận về trà với thơ
15:05 | 02/05/2018

ĐỖ QUYÊN   

Chè ngon, nước chát xin mời
Nước non non nước, nghĩa người chớ quên.

                        (Ca dao) 

Biên luận về trà với thơ
Ảnh: internet

Một trà, một rượu, một thơ ca

Người ta đã không nhầm tí tẹo nào khi bảo tại đâu có cái sự nhâm nhi trà (chè) và rượu, ở đó tất kèm theo thơ. Ngược lại, chỗ nào có thơ, hẳn nơi ấy hiện diện chén rượu, tách trà. Mà không phải chỉ ở xứ ta, khắp trên trái đất. Giữa nhiều khuynh hướng thơ xưa nay có một dòng thơ về rượu, có một dòng thơ về trà. Một trà, một rượu, một thơ ca... Và bạn yêu thơ có thể dùng câu trên đối lại câu từng ám ảnh bao trang nam nhi chi chí: Một trà, một rượu, một đàn bà...

Thơ về rượu và rượu với thơ, hẳn có vô số sáng tác, bài sách khảo cứu. Còn thơ về trà và trà với thơ cũng không kém cạnh. Có điều, bổn tính trà khiêm cung lại nghiêng về suy tư trầm mặc, chớ không bốc men lửa say sưa tình như rượu, thành thử ít được nổi.

Câu thơ đứng đầu bảng trà

Nó nằm trong bài cổ tương truyền chữ Hán với 4 câu hiếm ai từng nhấp dù chỉ nửa ngụm trà lại không xổ nho chùm: “Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh sổ trản trà/ Nhất nhật cứ như thử/ Lương y bất đáo gia”. Nguyễn Tuân, bậc văn nhân thượng thặng về ngôn từ Việt và ẩm thực Việt, ở tùy bút “Chén trà trong sương sớm”, từng chuyển nghĩa: “Mai sớm một tuần trà/ Canh khuya dăm chén rượu/ Mỗi ngày mỗi được thế/ Thầy thuốc xa nhà ta”. Qua thiên truyện, Nguyễn tiên sinh đã minh họa rất điệu nghệ chân lý này khi gắn với thi ca: “Sớm nay, cụ Ấm cũng ngâm thơ. (...) Mỗi buổi sớm ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể và để đón lấy khí lành đầu tiên của trời đất. Âu cũng là một quan niệm về vệ sinh của thời cũ. Và người xưa uống trà là để giữ mình cho lành mạnh.”

Có điều nơi trang viết súc tích mà dường như chưa bản văn tiếng Việt nào hay hơn khi bàn về dùng trà trong buổi sớm, Nguyễn thiếu “đất” để nhắc tới câu thơ đầu tiên của nguyên văn chữ Hán. Cái câu từng tạo “théc méc” từ biết bao nội tướng của các tửu đồ: Sao khi không đang đêm các chả được chồm dậy nốc tới ba chén rượu lận? Các cư dân mạng giải mã câu thơ cổ như vầy... Đông y vốn theo thuyết cân bằng âm dương của kinh Dịch. Buổi tối là âm là tĩnh, con người lý tưởng nên ngủ sớm từ 8 giờ tối đến 12 giờ khuya. Ở thời khắc 1 giờ sáng hôm sau thiên hạ bắt đầu chuyển qua dương, qua trạng thái động thì ta nên thức dậy mà uống rượu. Uống lúc đó dạ dày sẽ vận hành nhẹ nhàng, thận lợi vô cùng. Còn sao phải đúng “tam bôi”? Thế mới hiệu quả, ít quá thuốc không thông, nhiều quá gan chuốc hại. Chú ý quan trọng: Cái đồ uống để người xưa “bán dạ tam bôi tửu” chính là ba chung rượu thuốc ngâm thảo dược, chứ đâu phải cuốc lủi ba xị đế, quyết không thể Brandy hay Vodka đâu mấy cha! Đừng bé cái nhầm mà chết (với) các bà!?

Như thế, các cụ dưỡng sinh bằng cách chỉ ngủ thật sự từ khoảng 8 giờ tối đến tầm 1 giờ sáng. Những giờ khắc sau chỉ là... ngủ chơi; mơ màng vớ vẩn.

Nối tiếp “Bình minh sổ trản trà”, không biết đã có bao nhiêu vần thơ tương tự lưu danh?

“Uống trà trong nắng sớm/ Vườn tâm đầy hương hoa” của thiền sư Viên Ngộ. Hai chữ “vườn tâm” gói cả người, trà và thiên nhiên lại. Học giả có tiếng trong nhiều thập niên qua - Tuệ Sỹ đã có những câu tưởng như ai cũng có thể viết được: “Sương mai lịm khói trà/ Gió lạnh vuốt tờ hoa/ Nhè nhẹ tay nâng bút/ Nghe lòng rộn âm ba.”

Trà, người bạn đường thường nhật


Không chỉ với sáng, có thể uống trà trưa, chiều, tối, đêm tại bất cứ cơ hội nào trong ngày, trong tháng của một người, một nhóm người thân sơ bất kể. Người nước Nam ta quen uống trà cũng như hàng ngày ăn cơm vậy thôi.

Nguyễn Du hãn hữu “dùng trà” trong kiệt tác Truyện Kiều thì phải? (Quý bạn nào rành hãy cho biết?) Chúng tôi sẽ lần tìm sau, còn đây câu thơ xao xuyến về nghệ thuật và bản lề về nội dung; ai cũng nhớ: “Khi hương sớm khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn.” Gặp Thúc Sinh là đỉnh cao tình cảm dẫn tới vực sâu đầy đọa của Thúy Kiều, đại thi hào đã dành hết lời cạn ý cho trường đoạn này với nhiều câu đóng đinh bảng vàng các câu thơ hay Việt Nam, trong đó hai câu tiếp ngay sau câu “trà trưa” là: “Miệt mài trong cuộc truy hoan/ Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình.”

“Thư nhàn xin lửa pha trà mới/ Vui thú bên thông ngắm chiều qua”: mới đọc qua khó đoán đến từ Cao Bá Quát. Vị thánh của ngôi đền thi ca dân tộc hẳn đã dùng trà sớm, trà trưa mà vẫn chưa “phê”. Phải thêm vài chiêu trà chiều, thậm chí lân sang trà tối, trà đêm mới “qua” hết một khoảnh “thư nhàn” trong suốt cuộc đời oan nghiệt và lẫm liệt của mình.

Từ trà đến thiền

Lẽ tự nhiên các thiền sư làm nhiều thơ về trà. Trà và thiền là một, như lời cổ nhân “Trà vị thiền vị thị nhất vị”. Tập thiền và thưởng trà cùng một kết quả: tâm thăng hoa, hồn thuần khiết. Và một trong các phương pháp thiền tông là uống trà, được gọi là trà thiền. Trong 10 bài hát thực tập chánh niệm có thi kệ bất hủ là “Thiền trà”; tin là bạn đọc dẫu không nghiện trà chẳng ham thiền cũng từng biết vài câu ý trong bài: “Chén trà trong hai tay/ Chánh niệm dâng tròn đầy/ Thân và tâm an trú/ Bây giờ và ở đây/ Khi uống chén trà trong/ Ta nhớ cội nhớ nguồn/ Khi nhấm chén trà thơm/ Hỏi nước đến từ đâu/ Nước từ nguồn suối cao/ Nước từ lòng đất sâu/ Nước mầu nhiệm tuôn chảy/ Ơn nước luôn tràn đầy”. Bây giờ và ở đây - đó là điều hệ trọng nhất của thiền tông. Hiện tại (thiền, chánh niệm) là đến từ quá khứ (trà, nước). Biện chứng quá rồi còn gì!

Trà đạo Nhật với thơ haiku

Đến cuối thế kỷ 12, tiếp thu văn hóa trà từ Trung Hoa, các thiền sư Nhật đã chuyển hóa việc dùng trà bình thường sang nghi lễ chuẩn bị và phong cách thưởng thức trà xanh và đã khai sinh ra Trà đạo. Như một cuộc cách mạng trong các phương pháp tu thiền, trà đạo trở thành một đạo lý, một mỹ học mang bản sắc thuần Nhật; đó là, đầu tiên phải nhập mình vào thiên nhiên, thứ đến tu chỉnh tâm nuôi dưỡng tính và cuối cùng giác ngộ. Tức, trà đạo có nhiều nét tương đồng với thiền tông.

Và như thế, sau thiền tông, trà đạo đã chuẩn bị như một “VIP” tham gia vào thơ haiku được ra đời vào thế kỉ 17 như một quốc hồn quốc túy Nhật về văn học. Thiền sư thi sĩ xuất chúng Matsuo Basho chính là cha đẻ thể thơ ngắn nhất thế giới đó, với thông thường chỉ 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5.

Đã đến lúc cống hiến bạn đọc một điều tra thú vị: Theo tuyển chọn kèm bản dịch của Thái Bá Tân với 800 bài haiku của Basho, chúng tôi “mò” ra cả thảy 17 bài có trà là nhân vật, đối tượng chính (còn với rượu là 10 bài). Thật ngẫu nhiên ở con số 17 - số xương cốt làm nên một bài haiku.

Trà, ông tơ bà nguyệt

Trà là chính chủ cho đám hỏi, lễ cưới. Các nhà thơ còn nhìn thấy vật báu mộc mạc này có mặt trên từng cây số đường tình duyên.

Đệ nhất thượng đẳng thơ-tình-chân-quê Nguyễn Bính với thi phẩm “Trăng sáng vườn chè” đã dùng “vườn chè” như một không gian nghệ thuật để đan dệt tính đảm đang, thu vén giữa giấc mộng trăm năm nuôi chồng đi thi của người phụ nữ xưa. Trong khuôn khổ 9 cặp lục bát không thể hoàn hảo hơn về kỹ thuật vần điệu, thi đoản thời Thơ mới Âu hóa tràn ngập nước Nam sao mà như áng văn vần dân gian thiên thu Việt! Dẫu đã nằm lòng mỗi chúng ta, vẫn muốn dẫn lại 2 câu đầu, 4 câu giữa và 2 câu cuối: “Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau (...) Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bõ công đèn sách từ ngày lấy tôi (...) Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa/ ‘Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng’ (...) Đêm nay mới thật là đêm/ Ai đem trăng sáng giãi lên vườn chè.”

Nàng là búp trà, chàng là củi lửa; không nên duyên mới lạ! Già dặn và đau đời hơn, như Hoàng Năng Trọng: “Ví không sánh chát từ xanh tóc/ Đâu dễ dư hương đến bạc đầu/ Trăm tuổi người đi trà ở lại/ Khói sương lãng đãng để bền lâu.” Đời người đấy hay đời trà đây?

Trà, bàn tay bạn hữu

Khách đến mời trà là phong tục phổ biến của rất nhiều dân tộc, từ Á qua Âu. Ở nước ta cũng vậy. “Chén trà là đầu câu chuyện”. Uống trà kết bạn, chuyện trò giao hảo, trong nhà ngoài ngõ... Thơ không thể bỏ qua, vì tại các hội ngộ có không ít người thơ.

Viên Chiếu, một trong 7 vị thiền sư thuộc hệ 7 dòng Vô Ngôn Thông, cũng là anh em họ với vua Lý Thánh Tông có hai câu thơ được đời sau dịch lại: “Tiễn chân ai bước đường xa/ Miệng cười đưa một bình trà tặng nhau”. Cao đẹp quá và tài quá, tình quá! Dễ hình dung, “chân” và “miệng” là hai hoán dụ đối ngẫu trong câu lục câu bát. Thoắt, cả cái bình trà (đâu phải nhỏ gọn) lại có thể nở hoa trên miệng. Miệng hoa, bởi tâm hoa. Hành vi tặng bình trà vụt trở nên sang cả. Làm nhớ ca dao “Mình về mình nhớ ta chăng/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.”

Thi bá thời hiện đại với Bàn Thành Tứ Hữu lừng danh một thuở là Quách Tấn đã hạ những câu trở thành kinh điển: “Hương trà chưa cạn chén hàn ôn/ Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn/ Ngắm vợi mây thu ùn mặt biển/ Gác chuông thành cổ đọng hoàng hôn”. Đủ thấy trà là nhân vật lớn trong cuộc chia ly bằng hữu trước trời thu biển rộng thành sâu. Như trong những “Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn” (Bà Huyện Thanh quan), “Tiệc rồi giãi chuyện hàn ôn/ Gấm chen vẻ quý, rượu ngon giọng tình.” (Nhị Độ Mai), “chén hàn ôn” là cụm từ mà đám tuổi teen thời a-còng kêu là “ngồi cà-phê tám chuyện thời tiết”.

Hậu sinh cứ thế mà theo: “Nhà lá đơn sơ/ Tấm lòng rộng mở/ Nồi cơm nấu dở/ Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.”

Trà, hạnh phúc nhàn tản


Nếu định nghĩa hạnh phúc là nhàn tản thì uống trà sẽ đến hạnh phúc nhanh và dễ nhất. “Thi sĩ thảo dân” Nguyễn Duy đã nhìn ra, qua những người khách lạ trưa hè tạt quán nhỏ đường trường hay bà mẹ quê gập lưng còng miệng cười móm mém nhai trầu trước hiên nhà ngóng con; “Nước chè tươi rót vàng mơ/ Đôi khi hạnh phúc đơn sơ vô cùng.” Cũng như thế những căn nhà dù tồi tàn cô quạnh hay gác tía lầu phượng đều có thể trở nên sống động trong chốc lát, vì “Mỗi sớm pha ấm trà/ Niềm vui đến chật nhà.” (Phạm Thuận Thành).

Trà và thi sĩ, văn nhân

Trong trà có chất thơ, có người thơ. Kể về việc thơ những khi dùng trà là điều dễ dàng với thi sĩ.

Ông tổ Đông y Việt Nam, và cũng là nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có những vần thơ tâm đắc về trà: “Danh trà yêu khách ẩm/ Đàm tiếu xuất hương yên. (Mời khách uống thứ trà ngon/ Nói cười thoảng hương bay”). Luật nhân quả về giao đãi giữa văn nhân, nhận vào mình thức ngon quý từ bạn hiền thì hành vi phát ra nên đẹp đẽ. Hay: “Trà biết thi hoa thiểu/ Cầm dư khách tứ đa. (Hết trà, thơ nghĩ không ra/ Buông đàn nỗi khách lại là chứa chan”). Thưởng trà ít cũng mươi phút, nhiều là già buổi. Mà thơ chưa chịu về cho, may có tiếng đàn đãi khách thâm tình. Làm thơ khó sao!

Hơn hai thế kỷ sau, có hậu sinh tài năng là Yến Lan trong một bài tứ tuyệt đã nảy tứ thơ tương tự: “Chè đọt đang kỳ điểm lá ba/ Giọt sương lách tách cửa song nhòa/ Thơ ngồi suốt buổi không ra tứ/ Cháu đã đun tràn ấm nước pha.” Trà ngoài vườn thúc dục, trà trong ấm vẫy gọi; thi cảnh bên hiên ám ảnh, đứa cháu ngoan hầu quanh. Sướng bằng giời, thi sĩ vẫn bất lực trước Nàng thơ đỏng đảnh. Âu cũng chuyện thường tình. Của thơ, mà trà rất thấu.

Với văn nhân văn hóa thế giới, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: “Say mùi đạo, chè ba chén/ Tả lòng phiền, thơ bốn câu.” Lời tiên tri: “lòng phiền” của thi nhân mà “chè ba chén” thấu hiểu mãi nhiều thập niên sau mới hiển lộ và nhiều thế kỷ sau chưa hiểu thấu.

Ta hãy dừng lại với Ức Trai. Ngay từ năm 1435, chính con người bách khoa đó đã thảo pho sách “Dư địa chí” với câu khai mở: “Nước ta mới mở gồm có sông núi, phía đông giáp biển, phía tây đến nước Thục, phía nam đến Chiêm thành, phía bắc đến hồ Động đình. (Trong hồ có hai quả núi: một núi gọi là Quân sơn, núi ấy sản thứ hồng quất, thứ trà tước thiệt, thứ trúc đồi mồi). Trà tước thiệt là thứ trà nhỏ như lưỡi chim sẻ, đã nổi tiếng từ thời cổ và đã được coi là sản vật quí của nước Việt cổ.”

Trà, ca dao


Từ bộ sưu tập của Wikiquote (vi.wikiquote.org) “Ca dao Việt Nam” với hơn 650 cặp lục bát, chúng tôi lại “lần” ra được 5 câu về trà (và với rượu là 7) như sau:

1. “Đi đâu mà bỏ mẹ già/ Gối nghiêng ai sửa, tách trà ai dâng.”; 2. “Người ta rượu sớm trà trưa/ Thân em đi sớm về trưa cả đời.”; 3. “Chú tôi hay tửu hay tăm/ Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.”; 4. “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ nồi cơm nguội, nhớ riêu nước chè.”; 5. “Ai về Hà Tĩnh thì về/ Mặc lụa chợ Hạ, uống chè hương sen.”

Đủ các sắc màu tình cảm! Thân thương là câu số 1. Tội nghiệp ở câu 2. Đáng trách với câu 3. Buồn buồn sao câu 4. Vui vui nhỉ câu 5. Ấy thế nhưng, theo hiểu biết chưa đầy đủ của chúng tôi, cái câu ca dao về trà tuyệt hơn cả được chọn làm đề từ cho toàn bài lại không có trong tuyển chọn này. Nếu có ta sẽ nói: Cao cả như câu 6.

Trà, trường ca

Vào năm 2011 nhà thơ Phạm Văn Sau cho ra mắt tập sách “Lục bát Trà” gồm 4889 câu thơ theo thể lục bát truyền thống. Đây như một “hiện tượng kép”, về nghệ thuật và về nội dung: lần đầu tiên có một công trình tìm hiểu về trà bằng thơ Việt, và cũng lần đầu tiên hình thức thơ trường ca Việt có một tác phẩm lấy trà làm đối tượng văn học.

Những câu khai mở: “Thú đời lẫn lộn sạch nhơ/ Chén trà tinh khiết thỏa mơ thú nhàn”, đến các thao tác pha trà: “Ngón hoa nâng ấm xoay nghiêng/ Đường cong hư huyễn phong duyên kín vào/ Nghe từng cánh nở xôn xao/ Phút giây giao hội ngạt ngào tỏa hương”. Cứ thế qua 6 chương chỉn chu mang từng chủ đề như một khảo cứu khoa học, tác giả đã suôn sẻ, lôi cuốn và mượt mà kể mọi thứ về trà bằng thơ: từ lịch sử nguồn gốc phát sinh, phát triển đến các giai thoại, điển tích, những nhân vật nổi tiếng trong nghệ thuật thẩm trà...

Đừng quên, tác giả Phạm Văn Sau còn là dân đất Thần Kinh - nơi có trà đạo Huế trở thành tập tục Việt kể từ triều nhà Nguyễn.

Câu thơ về trà thích nhất của người viết

Với quan niệm thơ hay ở chỗ tạo ám ảnh. Ngày xuân bên “chén trà hàn ôn”, muốn cởi lòng cùng bạn bốn phương điều này: “Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Không đổi giọng Tân Cương” là câu thơ chúng tôi thích nhất, về trà. Người thơ phải đeo tới 3 tiêu chí “tài cao”, “phận thấp”, “chí khí uất” mới sinh sản ra tuyệt bút đến thế.

Tân Cương! Các bạn hệ a-còng ưa chu du thiên hạ hơn là thăm thú giang san cẩm tú Tổ quốc hoặc mấy anh chị Tây ba lô mới học tiếng ta nhiều khi cứ tưởng ấy là một khu tự trị của nước Trung Hoa?! Không, Tân Cương trong thơ họ Phùng đích thị khu vực Tân Cương thuộc tỉnh Thái Nguyên - được xem như thủ phủ trà Việt Nam. Còn nữa, vẫn với khảo cứu của PGS Đỗ Ngọc Quỹ, “cây chè Thái Nguyên, theo sách cổ có nguồn gốc từ Phú Thọ. Công đầu thuộc về ông Đội Năm coi sóc vùng Tân Cương đã mang giống chè này về trồng, không ngờ với đặc điểm thổ nhưỡng tuyệt vời, chè trồng ở Thái Nguyên trở thành đệ nhất danh trà.” Bậc tiền bối nhiều công lao ấy, tên thật là Võ Văn Thiệt, đã di thực cây chè trong các năm đầu thập niên 1920.

Thu chén trà nồng

Trà nồng cũng đến hồi thu chén. “Nhất phiến tài tình” Nguyễn Tuân chẳng đã từng có lời tại tuyệt bút nêu trên đó sao, “trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý.”

Trà ngấm vào thơ, thơ đượm trong trà...

Vancouver - Xuân 2018
Đ.Q  
(SHSDB28/03-2018)





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng