Nghiên Cứu & Bình Luận
Văn hóa đọc và đọc văn hóa
09:07 | 06/06/2018

PHẠM PHÚ PHONG    

Những trang sách này thể hiện nỗ lực nhìn và làm cho nhìn thấy Con người sẽ như thế nào và đòi hỏi điều gì, nếu ta đặt Con người vào khung cảnh của những hiện tượng bề ngoài, một cách toàn diện và triệt để. (Pierre Teilhard de Chardin).

Văn hóa đọc và đọc văn hóa
Ảnh: internet

Hãy cầm lấy và đọc (Nxb. Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2016), là công trình sưu tập những bài báo ngắn của giáo sư tiến sĩ Huỳnh Như Phương, dày 343 trang, gồm có hai phần như tác giả đã giải bày trong Lời nói đầu rằng: “Cuốn sách gồm hai phần. Phần đầu dành cho những bài viết bàn về việc đọc sách cùng một số hiện tượng của xuất bản và tiếp nhận văn học. Phần sau là những bài viết về một số tác giả, tác phẩm văn học hiện đại mà người viết có cơ may tiếp xúc” (tr.9-10). Nội dung của hai phần này thực chất là sự trình bày quan điểm của tác giả về văn hóa đọc và đọc văn hóa.

Phần 1, cũng mang tiêu đề là Hãy cầm lấy và đọc, gồm có 27 bài (mỗi bài từ 4 đến 14 trang), hướng theo một chủ đề rất rõ, đó là văn hóa đọc. Người viết đã tập trung lý giải, phân tích mục tiêu, động lực, tác dụng của việc đọc sách, các cách/nghệ thuật đọc sách, lợi ích đem lại từ tấm gương của người đọc nhiều sách (Hãy cầm lấy và đọc, Có chăng nghệ thuật đọc sách, Một tượng đài văn hóa đọc), rồi đi vào công việc bếp núc của người viết sách, in sách, các loại sách, các loại giải thưởng dành cho sách hay, các tủ sách gia đình, các hiện tượng xuất bản, thị trường tiêu thụ và môi trường tiếp nhận tác phẩm văn học… Điều hiển nhiên trong cuộc sống, từ thuở thơ ấu còn cắp sách đến trường cho đến lúc trưởng thành, con người ai cũng ít nhiều cần đến sách, nhưng mấy ai nhận ra rằng: “Cùng với thức ăn để duy trì sự sống của cơ thể, con người còn cần thức ăn nuôi dưỡng cho tinh thần. Đọc là một cách nạp năng lượng cho sự sống tinh thần. Người tuyệt thực, không ăn uống, có thể chết. Người không đọc, không xem, không nghe cũng có thể “chết”, cái chết dần dần, êm ái, không dễ nhận ra” [1, tr.14]. Không dừng lại ở ý nghĩa vật chất của nó, người viết còn khẳng định ý nghĩa cao cả của việc tiếp nhận tác phẩm văn học, không chỉ là việc thu nạp năng lượng tinh thần, mà còn tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm. Đọc là quá trình thổi hồn cho tác phẩm, là hình thức sáng tạo lại tác phẩm, nên mỗi người đọc phát hiện ra một thế giới hình tượng, một chỉnh thể nghệ thuật trong tâm tưởng của riêng mình, đó chính là tiếp nhận tác phẩm văn học với ý thức văn hóa: “Có thể nói số phận lịch sử của tác phẩm văn học phụ thuộc rất lớn vào sự tiếp nhận của người đọc. Qua sự tiếp nhận đó, các thế hệ người đọc đã thổi sức sống của thời đại mình vào tác phẩm, làm cho nó không bao giờ già cũ mà luôn luôn mới mẻ. Đọc tác phẩm là mở rộng chân trời văn bản và đưa nó vào những mối quan hệ mới với bối cảnh và tâm lý của người tiếp nhận, cả tác phẩm và người đọc đều được hưởng lợi từ mối quan hệ đó. Như vậy, đọc là khám phá, sáng tạo lại tác phẩm và cũng đồng thời là khám phá, sáng tạo chính bản thân mình” [tr.55-56].

Ngày nay, khi công nghệ nghe, nhìn phát triển cao, tất cả mọi thông tin đều dễ dàng tiếp cận qua máy tính hoặc qua chiếc điện thoại di động. Ngay cả đọc sách qua mạng cũng tiện ích hơn nhiều. Nhưng suy cho cùng, đọc mạng chỉ là nhằm để cập nhật thông tin nhanh và mới, còn đọc có sự suy ngẫm từ trang đầu đến trang cuối, có sự so sánh, đối chiếu, liên tưởng có tính chất liên văn bản… nghĩa là văn hóa đọc theo đúng nghĩa của từ này, thì đọc trên trang giấy tỏ ra tiện ích hơn. Tôi nhớ, cách đây mấy năm, trên sóng truyền hình trong chương trình Người đương thời, nhà báo Tạ Bích Loan có gặp gỡ trao đổi với tổng giám đốc của một nhà máy giấy, xen kẻ với câu chuyện trao đổi, trên màn hình xuất hiện một thống kê nhằm khẳng định nước nào dùng giấy để phục vụ văn hóa đọc cao nhất, nước đó là nước văn minh nhất. Số lượng giấy tiêu tốn cho văn hóa đọc, tính bình quân trên mỗi đầu người trong một năm, nước đứng đầu là Mỹ 440kg, xếp thứ nhì là Nhật 220kg,… nước ta mỗi năm chỉ có 10kg! Những nước khoa học công nghệ phát triển đến đỉnh cao và trở thành hàng đầu thế giới, mọi thứ hầu như đã được số hóa, cứ tưởng họ hoàn toàn lệ thuộc vào công nghệ, nhưng hóa ra, họ vẫn cần đến sách, nhất là tác phẩm văn chương, bởi lẽ, hồn của văn nằm ép mình trên từng trang sách. Chỉ là động tác cơ học thôi, nhưng chữ được viết nên bởi tay người. Chữ qua tay ai, đều mang hơi ấm tâm hồn người đó. Chính vì thế, khi xác định mục tiêu của hành động đọc, có liên quan đến chức năng của văn chương, Huỳnh Như Phương cũng đã nhấn mạnh rằng: “Đọc văn là một cách thế để con người mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác, thông qua những mối tương giao tinh thần với nhân loại. Đọc tác phẩm là mở tâm hồn mình ra, là nỗ lực khắc phục nỗi cô đơn, là bộc lộ nhu cầu được giao tiếp, trao đổi, giãi bày và thông cảm với tha nhân. Văn học là nhịp cầu cho sự giao lưu đó, là cánh cửa của đối thoại. Vì vậy, về bản chất, văn học đích thực mâu thuẫn với sự phong bế, đóng kín và những rào cản” [tr.54]. Ở tầm khái quát rộng lớn hơn có ý nghĩa nhân loại, trong thời gian lịch sử và không gian địa lý, đặt trong mối quan hệ giao lưu với các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới: “Có thể nói, sách văn học chính là cánh cửa của đối thoại, nhịp cầu của sự giao lưu văn hóa. Đọc văn học là hướng tâm hồn mình về những nền văn hóa khác, là đánh thức khát vọng đồng cảm với nỗi thống khổ và niềm hạnh phúc của nhân loại. Sách văn học mở rộng sự giao tiếp không chỉ về mặt thời gian - giữa các thế hệ, các thời đại khác nhau, mà còn về mặt không gian - giữa các dân tộc và các nền văn hóa xa cách nhau” [tr.73-74]. Đọc cũng là đi tìm hồn của văn bản. Sách có hồn sách, chữ có hồn của chữ. Sách gắn liền với chữ. Theo các nhà cổ học, chữ xuất hiện trong đời sống con người khoảng từ thiên niên kỷ thứ IX đến thiên niên kỷ thứ IV trước Công nguyên. Ở nước ta, có ba cuộc “cách mạng” về chữ viết, trong đó có hai lần, xét về mục tiêu ban đầu, gắn liền với sự phát triển của tôn giáo: chữ Hán du nhập vào Việt Nam từ thời Triệu Đà và sau đó trở thành công cụ chép kinh của các nhà sư, và sau này khi các nhà truyền giáo phương Tây sáng tạo ra chữ quốc ngữ cũng gắn với nhu cầu truyền giáo của các cha cố. Ở một phương diện nào đó, các trí thức sáng tạo ra chữ Nôm, từ trong ý thức đã nhằm mục đích thoát Trung, mang đầy hào khí của lòng tự tôn dân tộc. Hồn dân tộc đước đánh thức trong từng bước đi của đất nước. Chữ thông qua sách là phương tiện dùng để cố định và lưu truyền cho hậu thế dưới nhiều dạng vật chất, nhưng tiện ích nhất lâu nay vẫn là trang giấy. Hàng nghìn năm nay, sách đã gắn bó với người và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Và, về căn bản, “sách không đơn thuần là một tập hợp những trang giấy, hay ngược thời gian, những thanh tre, tấm lá cọ, những phiến đất sét nung như gạch ngói ta vẫn dùng… sách có hồn, hồn của sách chính là hồn nhân loại” [2, tr.30].

Là người quê gốc Quảng Ngãi, nhưng gần nửa thế kỷ sống và làm việc ở Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, Huỳnh Như Phương đã trở thành công dân “thứ thiệt” của thành phố, bởi cách anh phân tích, lý giải các vấn đề đều xuất phát từ các sự kiện/hiện tượng của thành phố, đều lấy thành phố làm trung tâm (Người Sài Gòn và tình yêu sách, Sách ở miền Nam trước 1975 được tái bản, Truyện ngắn lên hương, Những nhà xuất bản đoản mệnh,…). Điều quan trọng hơn, là lúc nào anh cũng nhìn mọi việc bằng con mắt của người thành phố, bằng tâm thức sáng tạo của người thành phố, dường như tất cả mọi thứ, từ ánh nắng ban mai, âm thanh xe cộ, tiếng chim hót, tiếng rao hàng, đến những dịp hội hè, giao lưu văn hóa, ngày hội thi sách, tủ sách gia đình… đều phát ra từ hơi thở và nhịp đập của trái tim tác giả, về một thành phố văn hóa sôi động, một thị trường tiêu thụ tất cả các loại sách, từ sách văn học đến sách giáo khoa, sách dạy kỹ năng sống, sách mới, sách cũ, tuyển tập, toàn tập… có thể nói là cả sản xuất và tiêu thụ đều vào loại bậc nhất nước ta. Là nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận phê bình và hoạt động văn hóa, đã từng sống trong vùng tạm bị chiếm của chế độ cũ, với cái nhìn trung thực, thẳng thắn, tạo cho anh lối viết điềm đạm với đầy đủ số liệu, dữ liệu của văn chương thông tấn, xen lẫn với lối trần thuật mang tính chất hồi ký (Đưa sách về vùng xa, Sách ơi, nhiều lỗi quá…), đặc biệt là những phát hiện thú vị và có giá trị đối với đời sống văn học, về các gia đình có anh em ruột đều là người hoạt động văn chương nghệ thuật như ba anh em Phạm Văn Ký, Phạm Hổ và Phạm Thế Mỹ, hai anh em Nhật Tiến, Nhật Tuấn, rồi Chinh Văn, Chinh Ba hoặc Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn) và Lê Vĩnh Hòa (Đoàn Thế Hối). Điều đáng lưu ý là sáng tác của họ ra đời trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, ý thức hệ chính trị khác nhau, thậm chí trên hai chiến tuyến đối lập nhau, nay đã bắt đầu có dấu hiệu xích gần lại với nhau, trong khát vọng chung của cả đất nước là hòa hợp hòa giải dân tộc, thông qua Tác phẩm văn chương như chiếc vé trở về: “Khi rời đất nước ra đi, nhiều nhà văn Sài Gòn chỉ cầm trên tay chiếc vé một chiều. Không phải vé khứ hồi. Nhưng tự trong thâm tâm, người Việt đi xa nào không mong có một chiếc vé trở về, về với nơi chôn nhau cắt rốn, với anh em ruột thịt, với bà con, đồng bào (…), tác phẩm văn chương mang nặng tình tự dân tộc của họ thực sự là những chiếc vé trở về, là nhịp cầu nối lại những chia xa, là thuốc chữa những vết thương còn rỉ máu. Chính những chiếc vé đó đã ghi rõ địa chỉ của ga cuối: Quê nhà, Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng, Đường về nước, Quê hương tôi… [tr.140]. Là một người viết báo, phản ánh và cổ vũ cho những hoạt động xuất bản, in ấn, giới thiệu và đọc sách, trong đó có việc đề xuất giải pháp để Hướng tới một thị trường xuất bản lành mạnh. Là nhà văn, nhà khoa học, anh khẳng định ý nghĩa khách quan và tích cực ủng hộ để Trả lại vị trí xứng đáng cho những tác phẩm giá trị trong lịch sử văn học đã từng bị vùi lấp bởi những thiên kiến nằm bên ngoài văn học. Nhiều vấn đề được tác giả nêu ra không còn vấn đề của một nhóm người, một giới, một tầng lớp người trong xã hội, không còn nằm trong phạm vi của thành phố, của cái “miền Nam trước 1975” của anh, mà đã trở thành vấn đề buộc cả nước hoặc cả thế giới phải quan tâm như Khi nhà giáo viết sách, Sách và giáo dục, Sách cho thiếu nhi, Sách - nhịp cầu giao lưu văn hóa, Mùa xuân, sinh thái và văn chương…

Phần 2, Sách và người gồm có 34 bài phê bình về tác giả và tác phẩm, thậm chí đôi khi chỉ Từ một bài báo xuân của Đoàn Giỏi, Huỳnh Như Phương đã tạo dựng thành một bài phê bình tác phẩm Nhớ cố hương của Đoàn Giỏi rất thú vị và làm giàu có thêm cho giọng điệu phê bình điềm đạm mà đặc sắc. Tất nhiên, không phải bao giờ cũng phải đọc sách để viết phê bình mới là văn hóa, nhưng có lẽ trước tiên hoạt động đọc của người làm công việc phê bình là hành động văn hóa, hơn nữa, đối tượng lại là sản phẩm văn hóa, nên đọc để phê bình chẳng khác nào đọc văn hóa. Lại một lần nữa, tác giả dù vô tình hay cố ý, đã chứng minh mình là nhà phê bình của một vùng đất, một thành phố, bởi vì các tác giả, tác phẩm trở thành đối tượng người viết cảm thụ và rút ra hiệu ứng thẩm mỹ đều phần lớn ở thành phố Hồ Chí Minh.

Về phần sách, Huỳnh Như Phương giới thiệu các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, như tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, tản văn, tạp văn của các tác giả như Lê Văn Thảo, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Hồ, Trần Kim Trắc, Nguyễn Nhật Ánh, Phan Triều Hải, Trần Nhã Thụy, Lê Văn Nghĩa, Việt Linh, Huỳnh Dũng Nhân, nhà văn, nhà giáo Việt kiều Cao Huy Thuần… Người viết phê bình thường chọn lựa tác giả, tác phẩm mà mình yêu thích, trong đó thông thường vẫn là những tác giả thời danh, tên tuổi đã trở nên quen thuộc đối với bạn đọc. Huỳnh Như Phương còn quan tâm đến những tác giả trẻ hoặc những tên tuổi mới xuất hiện còn lạ lẫm đối với người đọc (tập hợp trong tập sách này có đến 9 lời tựa, lời bạt anh viết cho các tập sách), nhưng tác phẩm của họ đã sớm tạo nên ấn tượng mạnh mẻ đối với người đọc như hồi ký Cùng anh đi suốt cuộc đời của bà Trương Thị Sáu là vợ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và con gái là Nguyễn Thị Minh, hồi ký Nhớ và quên của hai vợ chồng Phạm Hồng Sơn và Đặng Anh Đào, bút ký Đi… và tìm trong đất của nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, tập văn thông tấn Bật một que diêm của nhà báo Lưu Đình Triều, tập thơ Giọt sương lạc loài của Trương Quang, một chuyên gia ngành quản trị hành chính, sống và làm việc tại Hà Lan, tập truyện ngắn Một phút tự do của nữ tác giả Việt kiều Elena Pucillo Trương… Nhiều nhất là sách nghiên cứu lý luận phê bình như Tự điển văn học bộ mới (nhiều tác giả), Tuyển tập Hoàng Như Mai, Từ bục giảng đến văn đàn (Trần Hữu Tá), Cảm nhận và suy tưởng (Hoàng Thiệu Khang), Cảm nhận mỹ học âm nhạc (Thế Bảo), Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Marx phương Tây (Phương Lựu), Mênh mông chật chội (Lại Nguyên Ân), Trần Tiêu - nhà văn độc đáo của Tự Lực văn đoàn (Vu Gia), Ấn tượng văn chương phương Nam (Nguyễn Mẫn)… Không dừng lại ở văn chương, tác giả còn “lấn sân” sang các lĩnh vực khác như Trò chuyện triết học của Bùi Văn Sơn Nam hoặc Tìm về dân tộc sách chính luận của Lý Chánh Trung. Có một trường hợp cần lưu ý là tập chân dung văn học Những gương mặt - những câu thơ của nhà thơ Ý Nhi, tuy người viết có ý đặt nó trong lĩnh vực sáng tác, nhưng thực ra nó không dừng lại ở tiểu loại ký chân dung, mà từng diện mạo các tác giả sừng sững như những tượng đài, đã trở thành những chân dung văn nghệ, có thể xếp vào lĩnh vực nghiên cứu phê bình, hoặc chí ít cũng nằm trong vùng giao thoa giữa hai lĩnh vực. Ngay cả khi rút ra các phẩm chất ít nhiều có tính chất đối lập trong các nhà thơ nữ như Phan Thị Thanh Nhàn “vừa duyên dáng vừa vụng về, vừa sâu sắc vừa nông nổi, vừa chi chút vừa hào phóng”; Phạm Thị Ngọc Liên “vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ, vừa cả tin vừa tự tín, vừa mê đắm vừa sáng suốt, vừa hồn nhiên vừa cay đắng”… [309-310], là cách nói thường gặp trong phê bình văn học, mà có lẽ người mở đầu là Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam thuở nào.

Sách do người sáng tạo ra, nên phần người đã ít nhiều được đề cập đến trong những bài viết về sách, mà biểu hiện rõ nhất có sự giao thoa giữa hai yếu tố này là bài Ba cuốn sách, một tấm lòng viết về ba công trình nghiên cứu của Hà Minh Đức về ba nhà thơ mới Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, ra đời trong cùng một thời điểm (2009, 2010). Chẳng hạn, mấy câu sau đây thể hiện rõ sự hòa quyện giữa sách và người: “Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, Hà Minh Đức hãy còn là nhà phê bình trẻ. Nhưng nhờ năng lực nghiên cứu, cùng với thái độ hòa nhã, điềm đạm trong giao tiếp, ông có nhiều dịp làm việc chung với các nhà thơ lớn. Tiếp cận với tác phẩm qua bản thảo nguyên gốc của nó, ông nắm được đặc trưng của lao động sáng tạo và ngôn từ nghệ thuật của nhà thơ. Với cuốn sổ tay bên mình, ông cẩn trọng ghi lại những ý kiến thẳng thắn, sắc sảo mà họ bày tỏ trong việc đánh giá đồng nghiệp cũng như tự đánh giá bản thân mình” [tr.208-209]. Bên cạnh đó, còn có những phác thảo chân thực và cảm động của Huỳnh Như Phương trong tập sách là chân dung các tác giả như Võ Hồng, Trang Thế Hy, Lê Hồng Sâm, Hoàng Như Mai… Vào đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi cũng đã có thời gian hàng tháng trời làm việc với nhà văn tài danh và đáng kính Võ Hồng, nên rất tâm đắc và khâm phục Võ Hồng trong trí nhớ của Huỳnh Như Phương với nét bút tài hoa và lịch lãm: “Lần đầu tiên gặp ông mà tôi cảm thấy như mình đã quen từ lâu cái dáng người cao ráo mảnh mai, đôi mắt tinh anh giấu sau cặp kiếng lão, nụ cười hóm hỉnh và giọng nói Phú Yên thuần chất đó. Đúng như trong hình dung của tôi khi đọc văn ông và xem tấm ảnh ông đăng trên bìa tạp chí Văn, ông là một nhà giáo thuần thành và một nhà văn đôn hậu” [tr.174]. Xúc động hơn, anh buồn bã tiễn đưa Trang Thế Hy về nơi an nghĩ cuối cùng, bỗng hiện lên cái ý nghĩ về cuộc sống lặng lẽ, hiu hắt của nhà văn và nỗi nhớ/buồn phố thị: “Những năm tháng cuối đời, trong căn nhà bên một con lộ nhỏ ở ngõ vào thành phố Bến Tre, đêm đêm Trang Thế Hy nghe tiếng thời gian qua những tàu lá dừa khô rụng ngoài vườn. Chắc có lúc ông nhớ đến tiếng rền u u đơn điệu gây buồn ngủ của nhà đèn Chợ Quán, tiếng chuông xe điện leng keng trên đại lộ Galliéni, tiếng cười nói ồn ào trước chung cư Nam Kỳ Khởi Nghĩa nơi cái thành phố đã mở cánh cửa văn chương cho ông nhìn ra thế giới. Nhưng thế giới của ông bây giờ thu lại trong những suy tưởng miên man về phận người và đời văn: Đêm nay mực chảy thành thơ/ Giữa tiếng cười man dại/ Tôi ngồi một mình trong bóng tối/ Thách tất cả gông cùm trên thế giới/ Làm sao xiềng đôi cánh của tình thương/ Đêm qua Trang Thế Hy ra đi trong tiếng lá dừa rơi…” [tr.183].

Tôi bỗng nhận ra rằng, tuy là người làm lý luận phê bình, nhưng văn chương của Huỳnh Như phường cùng “tạng” với kiểu văn chương của Thạch Lam, Võ Hồng, Trang Thế Hy, Trần Thùy Mai… Cái kiểu người không nghĩ xấu về về ai bao giờ, nên văn chương cũng khó mà tả hay về cái ác, chỉ một giọng điệu buồn thương man mác, nhẹ như sương khói, đẹp mà buồn. Anh không phải là kiểu nhà phê bình văn học lớn tiếng với nhiều kiểu nhân danh hoặc chuyên vạch lá tìm sâu. Hãy xem nhà phê bình tỏ ra thiếu tin tưởng khi nhận ra trong một công trình nghiên cứu phê bình về Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Marx phương Tây lại sử dụng nguồn tài liệu chủ yếu từ phương Đông, không được chú thích thận trọng: “Viết về những trường phái lý luận phương Tây, nhưng nguồn tài liệu chủ yếu mà tác giả sử dụng là của Trung Quốc, với một số trích dẫn không được chú thích đầy đủ, cũng có thể khiến cho những bạn đọc trong giới chuyên môn băn khoăn” [tr.199]. Hoặc khi chê nhà văn Lê Văn Thảo miêu tả về tình yêu quá khô khan và vụng về, anh chuyển giao điều đó trở thành trách nhiệm của độc giả, còn anh chỉ là người đặt câu hỏi mà thôi: “Có điều đáng tiếc là nhà văn kể chuyện tình yêu hiền quá. Từ hồi nào tới giờ, kể cả khi viết Chuyện nhỏ tình yêu, hầu như ông không tính rằng tình yêu tất yếu đi liền với tình dục. Suốt cả cuốn tiểu thuyết này, quan hệ của Tân với Quyên và Thắm, của Khiêm với An là những tình yêu thuần khiết, họ không hề bày tỏ một chút khát khao, không hề trao cho nhau một nụ hôn ngay khi có cơ hội bên nhau, riêng nhau, may lắm là cái đụng nhẹ vô đôi vai rất mềm của cô gái. Đó là ưu điểm hay là nhược điểm của nhà văn?” [tr.260-261]. Nhà phê bình ơi, riêng tôi vẫn nhận thấy rằng, kiểu phê bình nhược điểm của “ông” còn “hiền” hơn cả việc miêu tả tình yêu của nhà văn Lê Văn Thảo! Hơn nữa, trong tập sách này, tôi tìm mãi trong cả 61 bài viết, rất hiếm khi tìm thấy những lời chê trách. Tuy tác giả có rào đón một cách khiêm tốn rằng, “những bài viết trong tập sách này thường có tính chất giới thiệu, điểm sách” nhưng đã đem lại hiệu ứng thẩm mỹ sâu sắc, thể hiện phong cách và bản lĩnh của nhà phê bình, nhất là khả năng đọc và cảm thụ tác phẩm vừa rộng vừa sâu, thể hiện sức kiến dồi dào, nếu không muốn nói là uyên bác. Điều đặc biệt là, đọc Huỳnh Như Phương - hay theo dõi sự “đọc” của anh, ta dễ nhận ra một không khí văn hóa được tạo nên bởi một nhân cách trí thức.

Không chỉ có người sáng tác, mà ngay cả những người làm nghiên cứu lý luận, phê bình - một công việc mà theo Huỳnh Như Phương “là rất nhàm chán đối với người sáng tác” [tr.309], xét cho cùng, mỗi người đều có một cái nhìn ấm áp đối với con người và cuộc sống, để từ đó tìm một lối riêng, một thứ ánh sáng lung linh mà chỉ một mình mình theo đuổi để tiếp cận đời sống tâm hồn con người, ở một tầm cao mang ý nghĩa văn hóa nhân văn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Teilhard de Chardin, trong Hiện tượng con người, đã dẫn nhập bắt đầu từ cái nhìn làm cho thấy con người: “Nhìn. Chúng ta có thể nói rằng tất cả Sự Sống là việc đó - nếu không phải sau chót thì ít nhất căn bản cũng là việc đó. Tồn tại hơn nữa tức là thống nhất hơn nữa - đó chính là lời tóm tắt và thậm chí là kết luận của cuốn sách này. Nhưng, chúng ta hãy nhấn mạnh lại rằng tính thống nhất chỉ tăng lên nếu được hỗ trợ bởi sự phát triển của ý thức, hay chính là của sự nhìn” [3, tr.23]. Chắc chắn đây không phải là tác phẩm cuối cùng của Huỳnh Như Phương. Người đọc còn mong đợi ở anh hiều trang viết tham gia vào đời sống văn học sôi động, bên cạnh các giáo trình, các công trình nghiên cứu trọng điểm của quốc gia, mà anh đã và đang thực hiện. Hơn ai hết, anh phải ý thức về điều đó, về trách nhiệm của một trí thức trong quá trình phát triển của đất nước. Khi viết về tác phẩm Tìm về dân tộc (Nxb. Trình Bày, 1967) của Lý Chánh Trung xuất bản công khai ở Sài Gòn (Nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn tái bản lần thứ hai năm 1973, Nxb. Trẻ tp Hồ Chí Minh tái bản lần thứ ba năm 1990), Huỳnh Như Phương tôn vinh bản lĩnh về Sự chọn lựa của người trí thức, tôi xin mượn câu kết trong bài viết của anh làm câu kết cho bài viết của mình: “Ở một thời điểm mà đất nước đứng trước yêu cầu cấp bách phải vừa tự đổi mới để hòa nhập vào thế giới hiện đại, vừa phải giữ gìn bản sắc của chính mình, thì việc suy nghĩ về truyền thống dân tộc, về môi trường văn hóa mà nhân dân đang hít thở, về những bài học của lịch sử và những nhiệm vụ của ngày hôm nay, đó hẳn là một công việc mà những người trí thức phải gánh trên vai của mình và không bao giờ có thể xem như đã hoàn tất” [tr.189].

P.P.P
(TCSH351/05-2018)


---------------------
[1] Những trích dẫn đánh số trang, là trích từ tác phẩm Hãy cầm lấy và đọc của Huỳnh Như Phương.
[2] Phan Quang (2016), “Người bạn muôn đời” tạp chí Hồn Việt, số 110, tháng 12 năm 2016.
[3] Teilhard de Chardin (2014), Hiện tượng con người, bản dịch của Đặng Xuân Thảo, Nxb. Tri Thức.  





 

Các bài mới
Các bài đã đăng