NGUYỄN HỒNG DŨNG
(Phần cuối, tiếp theo Sông Hương số 350, tháng 4/2018)
Vấn đề nhân vật bao giờ cũng là một giới hạn mở của lịch sử sáng tạo nghệ thuật. Xưa nay người ta vẫn nói về một nhà văn tài năng bằng câu: ông rất hiểu về con người, hay ông biết rất rõ về con người. Đây chỉ là cách nói quá để ca ngợi, chứ thực ra không một ai có thể hiểu hết về con người. Bởi vì, nhà văn là người sáng tạo ra nhân vật, chứ không phải sáng tạo ra con người. Mỗi thời đại lại đặt ra những vấn đề mới về nhân vật, và như vậy, lịch sử nhân vật là lịch sử kéo dài của phả hệ nhân vật cùng các loại hình nhân vật cơ bản. Và càng về sau, thì diện nghiên cứu càng mở rộng. Đến văn học hậu hiện đại, thì phạm trù nhân vật trở thành một đột biến của tư duy nghệ thuật nhân loại, với một số vấn đề khác biệt sau:
Thứ nhất, việc nghiên cứu nhân vật trong văn học hiện đại, hậu hiện đại phải được đặt trong việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng tư sản, phạm trù nhân vật cần được xem xét dưới những tác động của tư tưởng tư sản, trong mối quan hệ tư bản chủ nghĩa. Đây chưa phải là góc độ tham chiếu duy nhất, nhưng quan trọng nhất. Tư tưởng tư sản sau hơn ba thế kỷ tồn tại đã thâm nhập khắp các ngóc ngách của đời sống con người, xã hội. Tinh thần và quan niệm sống của nó gắn chặt với những điều kiện vật chất, tác động sâu sắc và toàn diện đến tổ chức xã hội, tổ chức gia đình và cả tổ chức đời sống cá nhân. Quyền lực chính trị, sức mạnh kinh tế, vai trò tôn giáo, đời sống văn hóa…, đều không thể thoát khỏi sự bao phủ của tư tưởng tư sản. Trong đó, vấn đề con người trở thành trung tâm tương tác của những quan hệ xã hội và biến đổi xã hội. Con người được các nhà nghiên cứu xem như hàn thử biểu để đo các giá trị, được trừu xuất từ các chính sách, các sách lược và chiến lược kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, tôn giáo… Con người thời hiện đại và hậu hiện đại nhiều khi đã trở thành công cụ cho những cỗ máy tính toán, những thể nghiệm phi nhân bản… Tất cả những điều trên đã đẩy con người đến chỗ thay đổi triệt để quan niệm về tại thế, trong một chiều hướng ngày càng tiêu cực. Trong những tiểu thuyết Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Trí nhớ suy tàn, Ngồi của Nguyễn Bình Phương, Lão Khổ của Tạ Duy Anh, SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái, Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn, Pari 11 tháng 8 của Thuận, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, Song song của Vũ Đình Giang, Blogger của Phong Điệp… các nhân vật hoặc bị giằng xé đến kiệt lực, hoặc trở nên máy móc, vô cảm khi bị đè nén, áp chế bởi những mối quan hệ phi nhân tính, vụ lợi của xã hội, và cả trong gia đình, đã đẩy nhân vật đến những quan niệm và hành vi sống mang tính tiêu cực.
Thứ hai, triết học lịch sử và triết học nhân sinh hiện đại đã đưa đến nhận thức: con người không thể thay đổi được những gì đã tạo nên nó bởi tự nhiên, nhưng nó được quyền thay đổi quan niệm về chính nó trước xã hội. Việc thay đổi quan niệm về con người chủ yếu tập trung ở thay đổi quan niệm về quan hệ và được cụ thể hóa qua các mối quan hệ. Quan niệm về các mối quan hệ càng nhiều thì xã hội, một mặt, càng phức tạp, mặt khác, càng trở nên có ý hướng dân chủ hơn. Hai điều này thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn, nhưng nó có logic của nó, đó là vấn đề bình đẳng, không phải bình đẳng ở các thiết chế xã hội được thiết lập do con người hay bình đẳng giữa con người với con người, mà là sự bình đẳng trước vũ trụ, điều mà nhà thơ Mỹ W. Whitman đã viết rất hay trong tập thơ Lá cỏ. Nhà văn hiện đại là người đi phân tích cái phi lý của tồn tại qua các lớp nghĩa của khái niệm bình đẳng gắn với đời sống. Nhà văn hậu hiện đại còn mở rộng vấn đề xa hơn, không chỉ đặt nó trong quan hệ nhân sinh, mà cả trong quan hệ với vũ trụ, để thấy được sự khắc khoải hiện sinh sâu thẳm hơn nơi con người. Thêm vào đó, con người thời hậu hiện đại còn bị hành hạ bởi một cảm thức nằm trong chính bản thân nó, đó là sự nghi ngờ - bi quan về chính sự tồn tại của nó. Cảm thức này len lỏi vào trong toàn bộ hoạt động nhận thức của con người. Điều này đã được triết học và nghệ thuật hiện sinh luận giải rất sâu sắc, và chủ nghĩa hậu hiện đại đã sử dụng tư tưởng hiện sinh như một phần trong cơ chế lý thuyết của mình. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh; Vào cõi, Thoạt kỳ thủy, Trí nhớ suy tàn của Nguyễn Bình Phương; Người sông Mê của Châu Diên; Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái; T mất tích của Thuận; Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng… đã đặt các nhân vật trong sự vây bủa của tình trạng sinh tồn cụ thể và trong sự đối diện với sự ám ảnh đường đời, từ đó phái sinh ra những mẫu nhân vật đa chiều, là hiện thân của cảm quan hậu hiện đại về “hỗn độn - hư vô”.
Thứ ba, nhân cách con người chính là quan niệm của con người về bản thân nó trong mối quan hệ có tính tương tác. Sự tương tác giữa cá nhân với cộng đồng và ngược lại, vừa mang tính quy chiếu vừa mang tính khúc xạ. Trong đó, nhìn theo trường đoạn lịch sử, cá nhân luôn phải giữ sự kiềm chế, còn cộng đồng luôn giữ sự áp chế. Tính dung hòa tương đối này giữ sự ổn định trên bề mặt cho cả hai phía. Tuy vậy, cá nhân luôn có thái độ phản ứng, hay cao hơn, chống đối sự áp chế của cộng đồng. Nhưng thiết chế cộng đồng bao giờ cũng mạnh hơn cá nhân, mặc dù cộng đồng chính là các cá nhân liên kết lại. Như vậy, ý thức cộng đồng kiềm giữ vô thức cá nhân. Nhưng vấn đề chưa dừng lại ở đây, bên cạnh ý thức cộng đồng, còn có vô thức cộng đồng hỗ trợ cho nó trong việc kiềm giữ cá nhân. Jung đã xem vô thức cộng đồng như là sự hợp tụ của những điều thuộc về tinh thần được nuôi dưỡng lâu dài trong đời sống dân tộc, là tài sản chung. Vì vậy, có thể xem vô thức cộng đồng, trong một khía cạnh nào đó, là công cụ hỗ trợ cho ý thức cộng đồng. Bản thân Freud và Jung đều đã nhấn mạnh đến việc cộng đồng luôn duy trì sự áp chế lên cá nhân. Như vậy, vấn đề ý thức và vô thức (cá nhân hay cộng đồng), cần phải được đặt trong mối quan hệ để lý giải. Xem xét các vấn đề từ khái niệm quan hệ để từ đó soi chiếu vào các khái niệm thể tính, yếu tính, phổ biến tính… trong lịch sử các quan hệ là tinh thần chung của nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại. Vấn đề nhân vật cũng được nhìn nhận từ góc độ này, được xem như tính căn nguyên, để bổ sung cho việc nghiên cứu nhân vật được hoàn chỉnh hơn.
Như vậy, trong xã hội hiện đại và hậu hiện đại, cá nhân ngày càng trở nên yếu ớt. Những sức mạnh siêu nhiên nằm ngay trong lòng xã hội đã chèn ép và tước đoạt con người cá nhân, đẩy nó càng lúc càng cô đơn. Vì vậy, lời nói được xem như là phương tiện chứng minh và biện minh cho sự tồn tại của cá nhân. Điều mà chúng ta nhận thấy là trong diễn ngôn hậu hiện đại, các nhân vật nói rất nhiều, dưới dạng thức đối thoại hay độc thoại. Nói được xem như nhu cầu giải thoát, để chắc chắn là mình còn tồn tại. Tồn tại nghĩa là nói. Nói chứ không phải phát ngôn. Vì phát ngôn là mang tính chính kiến, là có nội dung phát ngôn. Còn nói thì không cần thiết phải có đối tượng giao tiếp. Trong Thiên thần sám hối, sự phát triển của truyện hoàn toàn dựa vào diễn ngôn, các diễn ngôn từ nhiều phía lấp đầy văn bản. Nhà văn còn cho cả thai nhi “nghe” và “nói”, để diễn giải về cái thế giới đầy tai ương này, cái thế giới mà khi còn trong bụng mẹ đã phải chuẩn bị tâm thế để ứng phó mà sống. Trong Thoạt kỳ thủy, nhân vật Tính, một kẻ điên loạn, nhưng có một nhu cầu được nói rất cao, với những lớp ngôn từ chất chứa nhiều dạng cảm xúc. Có hai tiếng nói trong con người này, một tiếng nói có tính đối thoại, mong muốn được giãi bày, che chở; một tiếng nói độc thoại, bộc lộ bản năng và ẩn ức, hướng tới những đòi hỏi ác tính. Cả hai tiếng nói này đan xen vào nhau, xoáy sâu vào những vùng khuất tối trong tâm thức con người. Trong Ngồi, các nhân vật gặp nhau là nói, nói mà không cần sự phản hồi giao tiếp. Nếu không có âm thanh ngôn ngữ, thì sẽ có những âm thanh khác thay thế. Tất cả hòa trộn vào nhau, vừa tịnh lắng vừa ầm ào, vừa cụ thể vừa hư ảo, một thứ ngôn ngữ “ma trận”, chỉ có trong văn học hậu hiện đại.
Thứ tư, từ sự diễn giải về khái niệm quan hệ và tương tác, chúng ta thấy được sự khác nhau trong vấn đề nhân vật giữa văn học hiện đại và hậu hiện đại, đó là cách lý giải về trung tâm và ngoại biên, qua đó đặt ra những phương thức khác nhau trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Văn học hiện đại tuy nhìn nhận thế giới trong sự hỗn độn và không thể sắp xếp lại được, nhưng vẫn đặt nhân vật trong mối quan hệ lấy trung tâm làm tiêu điểm và lấy các dạng mâu thuẫn và đời sống tinh thần cá nhân để xử lý quan hệ. Điều này chúng ta đã nhìn thấy trong các tác phẩm của các nhà văn nước ngoài như W. James, M. Proust, W. Faulkner, Th. Mann, H. Hess…, và ở các nhà văn Việt Nam như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Chu Lai, Ma Văn Kháng, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường… Còn văn học hậu hiện đại lấy ngoại biên làm đối tượng và lấy bi kịch con người và hư vô thời gian để xử lý quan hệ. Dick Higgins thì cho rằng con người từ hiện đại trở về trước và con người hậu hiện đại có sự khác biệt về cảm thức, đó là “sự tương phản giữa tính cách tri thức luận và tính cách hậu tri thức luận trong tư duy, và tư duy ấy được phản ánh qua nghệ thuật”(12). Khi so sánh con người hiện đại và thời hậu hiện đại, “Alan Wilde và Max Apple nhận thấy con người hậu hiện đại khác với con người hiện đại ở chỗ: con người hiện đại muốn đứng ở một vị trí khách quan, bên trên và bên ngoài khối hỗn mang của thế giới, để làm chủ nó và điều chỉnh nó theo một trật tự lý tưởng; ngược lại, con người hậu hiện đại cho rằng nỗ lực làm chủ và điều chỉnh thế giới là ảo tưởng, và họ chấp nhận rằng bản chất của thế giới là hỗn mang”(13).
Trong tiểu thuyết của Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Châu Diên, Thuận, Đặng Thân, Phong Điệp…, các nhân vật hầu như không được chú ý nhiều về cá tính, không vị trí xã hội và rất ít được thể hiện trong hoạt động xã hội. Nghĩa là, những gì thuộc về đời sống xã hội đều là thứ yếu và bị tước bỏ, những thứ trước đây bị xem là ngoài lề thì bây giờ trở trở thành chính yếu. Nhân vật chỉ được gợi nhớ bởi một đặc điểm nào đó về tâm lý: sự chấn thương tinh thần, như Kiên (Nỗi buồn chiến tranh), lão Khổ (Lão Khổ), “Tôi”, Bà Tư (Tấm ván phóng dao); sự cô đơn bản thể, như “Em” (Trí nhớ suy tàn), Khẩn (Ngồi), T (T mất tích), “Tôi” (Đi tìm nhân vật), Quỳnh (Kín); mặc cảm tha phương, lạc loài như Liên, Mai Lan (Pari 11 tháng 8), An Mi (Và khi tro bụi); dồn nén bản năng, như Tính (Thoạt kỳ thủy), H và G.g (Song song), Mộng Hường (3.3.3,9 [Những mảnh hồn trần]); những rối loạn cảm xúc, như “Tôi” (Mưa ở kiếp sau), Vân Vy (Vân Vy), Hoàn (Người đi vắng); những thúc ép ác tính, như Cốc, Vũ, Phũ (Cõi người rung chuông tận thế), Luật Sư (SBC là săn bắt chuột), Lâm, Trần Bình (Cơ hội của Chúa), Chi (Mưa ở kiếp sau), Giác (Thần thánh và bươm bướm)… Hoặc nhân vật được gợi nhớ bởi những cái “không giống ai”, như bé Hon, Hoài, Quang lùn (Thiên sứ), “bào thai” (Thiên thần sám hối), Mai Trừng (Cõi người rung chuông tận thế), những linh hồn Hoa, Hương, Khánh (Sông Mê), Tân (Trong sương hồng hiện ra), Savitri (Đức Phật, nàng Savitri và tôi), Hạ (Blogger)…
Thứ năm, vấn đề nhân vật ngoại biên trong tiểu thuyết hậu hiện đại đã được đẩy đến độ biến dạng sâu sắc về khung hình, tạo sự nhiễu loạn về phả hệ nhân vật. Đó là, thay cho việc xây dựng các nhân vật “có chiều sâu” và khả năng khái quát (phổ biến trong tiểu thuyết truyền thống), các nhà văn hậu hiện đại xây dựng nhân vật bằng “sự biến thể nhân vật”, dạng sơ khởi của hình thức nhân vật “ngụy tạo” (vật thế vì), chứ không phải dạng thức “phản - nhân vật” như trong “Tiểu thuyết Mới”. Các nhà văn Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Châu Diên, Nguyễn Đình Tú đã có những thể nghiệm về kiểu nhân vật này, nhưng Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng và Blogger của Phong Điệp được xem là ấn tượng hơn cả.
Trong Mưa ở kiếp sau, nhân vật Chi - hồn ma - sống trong cơ thể của Mai: “Loáng thoáng đâu đó trong cơn mộng mị và trong ý thức, tôi cũng đã nhìn thấy bóng dáng và hơi hám, của một đứa con gái khác sống cùng tôi”. Sự hiện diện của Chi trong Mai khiến cho tác phẩm đầy chất ma mị, làm cho người đọc mường tượng về sự tồn tại song trùng của hai thế giới. Hồn ma Chi nương tựa vào thể xác Mai, điều khiển con người Mai khiến Mai không thể tự quyết định được cuộc sống của mình. Chi và Mai, cõi âm và cõi dương, hòa trộn vào nhau, vừa hợp nhất lại vừa đối chọi, tạo nên sự bất định trong cuộc đời: “Nó đã vạch sẵn một lằn ranh chia thành phố thành hai bên. Tôi không biết bên nào là phía của sự sống và bên nào là xứ chết, tôi chỉ biết mình đang đi trên một cái lằn đứa con gái đang vừa đi vừa cười vạch ra, tôi đi trên đường biên giới…”. Mai đã phải chọn cái chết để có thể được giải thoát ở kiếp sau với hy vọng bớt nặng nề và u uất hơn. Với kiểu nhân vật Chi, nhà văn đã góp phần làm mới phạm trù nhân vật ở tiểu thuyết hậu hiện đại, khi xem xét mọi hiện tượng sinh tồn trong cảm quan bất định và đưa cái hư vô vào nhân vật, không chỉ trong sự đối diện mà nằm ngay trong chính bản thể.
Trong Blogger, Phong Điệp xây dựng một nhân vật nữ blogger, nhân vật này viết một cuốn tiểu thuyết về một nữ nhân vật tên là Hạ. Hạ có cuộc sống bất ổn, trong tình yêu, công việc, quan hệ với người khác và cuối cùng đã tìm đến cái chết. Rồi ngay trong Hạ cũng phân thân thành hai: “Nó” và “Cô ta”: “Nhưng nó có thể nhẫn tâm ra đi mà biết chắc rằng cô ta sẽ chết? Cơ thể ấy đã bao bọc nó hơn hai chục năm qua. Nó đã ngỡ có thể chung sống cả đời với cơ thể ấy. Cô ta cùng tuổi với nó. Họ đã cùng chung sống qua những tháng ngày thật vô tư hồn nhiên. Nhưng theo thời gian, họ ngày càng cách xa nhau”. Nhà văn tạo ra câu chuyện về nhân vật viết về nhân vật, giữa hai nhân vật lại có sự nhập nhằng, nhiều khi khó phân định, cố ý tạo ra bản sao (Hạ) từ một bản sao (nữ blogger), mà bản gốc của nó lại nằm đâu đó thì “nữ blogger - tôi” cũng không rõ:
“Mục “About me” ghi: KHÔNG CÒN SỐNG.
- Cả tháng nay, chỉ thấy nó quanh quẩn ở nhà. (Lời bà cụ bán hàng nước trên vỉa hè, gần nhà Em thuê)
- Đã chết rồi cơ à? (Lời cô trực điện thoại cơ quan Em)
- Cô ta không có tên trong sổ lương của chúng tôi. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về cái chết của cô ấy. (Lời vị lãnh đạo cơ quan Em).
Mục Hậu kỳ (phần kết), hai câu văn được tung ra, mơ hồ và bất định, cố ý làm rối tung truyện kể và nhân vật một lần nữa:
“Sau khi đã hình dung tường tận về tang lễ của mình, nó quyết định thay đổi kế hoạch.
Giống như thao tác delete một entry”...
Có thể nói, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết hậu hiện đại là những mảnh đời được nhà văn tạo dựng, mỗi kiểu dạng là một phiên bản của khối hợp chủng có tính hỗn hợp và hòa trộn. Chúng là kết quả của sự ám thị của nhà văn về một thế giới không hoàn tất, một thế giới mà trong quan hệ phải đối diện với sự hỗn độn và ám ảnh bởi hư vô. J. W. Aldridge đã nhận xét: “Trong văn chương hư cấu (những nhà văn hậu hiện đại)… hầu như mọi sự việc và con người đều hiện hữu trong một trạng thái bị bóp méo và làm sai lệch tận gốc rễ đến nỗi không còn cách nào xác định được chúng đã xuất phát từ những điều kiện nào trong thế giới hiện thực, hay chúng đã rời bỏ tiêu chuẩn lành mạnh nào. Những quy ước về tính trung thực và lành mạnh đã bị phế bỏ. Nhân vật truyện sống trong một phương thái hiện hữu phi cấu trúc trong đó thái độ của họ trở nên tùy tiện không thể giải thích nổi và không thể xét đoán nổi vì chính tác phẩm hư cấu cũng tồn tại như một ẩn dụ về sự phá vỡ trật tự mà ẩn dụ đó hình như không mang ý định khích bác nào cả và vượt ra ngoài mọi sự lượng định” (14).
N.H.D
(TCSH351/05-2018)
----------------------
(12) Lại Nguyên Ân (biên soạn), Văn học hậu hiện đại thế giới - những vấn đề lý thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, H. 2003, tr.222.
(13) Lại Nguyên Ân (biên soạn), Văn học hậu hiện đại thế giới - những vấn đề lý thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, H. 2003,tr.222.
(14) Lại Nguyên Ân (biên soạn), Văn học hậu hiện đại thế giới - những vấn đề lý thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, H. 2003, tr.239.