Nghiên Cứu & Bình Luận
Mực in dần dần biến mất: thơ vào cuối thời văn hóa in ấn
09:56 | 29/06/2018

DANA GIOIA

Bởi vì tất cả mọi phương tiện truyền thông đều là phân mảnh của chính chúng ta kéo dài đến lãnh vực công cộng, bất cứ tác động nào trên chúng ta của bất cứ phương tiện truyền thông nào cũng có khuynh hướng mang những ý nghĩa khác vào một quan hệ mới.
            (Marshall McLuhan, Understanding Media)   

Mực in dần dần biến mất: thơ vào cuối thời văn hóa in ấn
Tác giả Dana Gioia và tập “99 bài thơ”

Dana Gioia là một tác giả đa dạng, là nhà thơ, nhà phê bình, nhà giảng dạy.

Ông sinh năm 1950, đã xuất bản hai tập thơ Daily Horoscope và The Gods of Winter. Ông cũng đã xuất bản tập tiểu luận nổi tiếng, Can Poetry Matter? (tiểu luận Can Poetry Matter đã được dịch và đăng trên Tạp chí Thơ số 20, mùa Xuân 2001). Tập thơ dịch Motteti: Poem of Love của Eugenio Montale. Cùng với William Jay Smith biên tập Poems from Italy, và với Michael Palma, New Italian Poets. Ông biên tập cuốn The Ceremony and Other Stories của Weldon Kees. Tác phẩm mới nhất của ông, 99 Poems: New & Selected, xuất bản năm 2016. Tác phẩm của ông xuất hiện trên The New Yorker, The Hudson Review, và nhiều tạp chí khác.

Ông soạn nhiều tuyển tập như Twentieth-Century American Poetry (Thơ Mỹ thế kỷ 20), 100 Great Poets of the English Language (100 nhà thơ nổi tiếng ngôn ngữ Anh), The Longman Anthology of Short Fiction, Literature: An Introduction to Fiction, Poetry, Drama, and Writing (Sách văn học soạn cùng với W. J. Kennedy, 2000 trang, tái bản lần thứ 7 vào năm 1999).

Ông được tổng thống George Bush bổ nhiệm là Chủ tịch Quỹ Ủy ban Yểm trợ Nghệ thuật, NEA (National Endowment for the Arts), với sự chuẩn thuận của Thượng viện, nhiệm kỳ 2005 - 2009. Ông cũng được thống đốc Edmund G. Brown bổ nhiệm là Nhà thơ Danh dự Tiểu bang California (Poet Laureate of California), với sự chuẩn thuận của thượng viện tiểu bang, nhiệm kỳ 2015 - 2017. Ông hiện giảng dạy về thơ và văn hóa đại chúng (Public Culture) tại University of Southern California, Los Angeles. (Xin đọc thêm trên website của ông www.danagioia.com).

Ông cũng cộng tác thường xuyên với Sông Hương, với Báo Giấy, Poetry Journal In Print; cùng với các nhà thơ Frederick Turner, Frederick Feirstein, William B Noseworthy, Alexander Kotowske, Angela Saunders tham gia kỷ yếu hội thảo “Thơ Tân Hình Thức Việt: Tiếp Nhận và Sáng Tạo”. Những tiểu luận và thơ dịch của ông xuất hiện trên Tạp chí Thơ, Báo Giấy, Sông Hương, Poetry Journal In Print, các website www.thotanhinhthucviet.vn, www.thotanhinhthuc.org, www.vanviet.info… với các dịch giả như Điểm Thọ, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phạm Kiều Tùng… Ông cũng là người tổ chức buổi đọc thơ song ngữ Anh Việt, tại quận Cam, California ngày 20 tháng 11/2016, trong chương trình đọc thơ khắp 58 quận thuộc tiểu bang California, công việc của nhà thơ danh dự tiểu bang, với sự tham gia của Khế Iêm và nhà nghiên cứu âm nhạc trẻ Tina Huỳnh.

K.I (giới thiệu) 



I. Kết thúc của Văn hóa in

Chúng ta hiện đang sống giữa thời cách mạng văn hóa đồ sộ. Đây là lần đầu tiên kể từ lúc phát triển ấn loát cuối thế kỷ mười lăm, bản in mất đi địa vị đứng đầu trong truyền thông. Sự tăng trưởng nhanh chóng của kỹ thuật điện tử đã đi xa hơn trong việc cung cấp những phương tiện mới cho truyền thông, lưu trữ và phục hồi dữ kiện: phương tiện truyền thông mới dần dà thay đổi không phải chỉ riêng trong cách chúng ta nhận thức ngôn ngữ và ý tưởng, mà cũng luôn cả thế giới và chính mình. Sự dời đổi trong những phương cách thông tin có một tác động khác thường trên từng khía cạnh đời sống đương đại, nhưng văn học, là một cơ ngơi tưởng tượng được cấu tạo hoàn toàn bằng chữ, đã bị ảnh hưởng sâu xa trong những cách mà chúng ta vẫn còn trong tiến trình tìm hiểu. Làm sao để miêu tả sự thay đổi văn hóa này? Một vài thống kê tổng quát có thể giúp ta định rõ đặc điểm của môi trường chung. Theo một nghiên cứu gần đây, hiện nay người Mỹ trung bình bỏ ra khoảng hai mươi bốn phút một ngày để đọc, không phải chỉ đọc có sách thôi, mà bất cứ gì - báo hàng ngày, tạp chí, bí quyết ăn kiêng, và Chương trình Truyền hình (TV Guide). Cách đầu tư thời gian nhỏ bé này được so sánh bằng khoảng bốn giờ xem truyền hình mỗi ngày, và hơn ba giờ nghe radio. Khoảng dưới phân nửa, các gia đình Hoa Kỳ hiện nay đọc báo hàng ngày, và nhiều tờ báo họ thường theo dõi, thí dụ như USA Today, ngày càng mô hình sự chú ý ngắn ngủi của họ theo kiểu truyền hình. Thanh niên (tuổi 18 đến 30) đọc sách rất ít so với người lớn tuổi hơn. Trẻ con hiện nay lớn lên trong một thế giới mà đọc sách đã bị tràn lấp bởi những lựa chọn khác cho thông tin và giải trí. Theo một thống kê năm 1999, vào lúc đó, trẻ con Mỹ trung bình sống trong một gia đình có hai máy truyền hình, ba máy thu, ba radio, hai máy thu cassettes, hai máy hát dĩa CD, một máy chơi điện tử, và một máy điện toán. Thống kê đã không kể đến việc gia đình ấy có cuốn sách nào không, nhưng có lưu ý rằng đứa trẻ bỏ ra 5 giờ 48 phút mỗi ngày cho việc sử dụng điện tử so với 44 phút dành cho loại in ấn. Cũng đáng lưu ý rằng thời gian đứa trẻ dành cho loại in ấn kể luôn cả hoạt động phải làm bài vở trường học.

Nhiều nhà chuyên môn cũng cảm thấy rằng tình trạng mù chữ đang tăng lên ở Mỹ. Theo nghiên cứu năm 1986 của Cục Điều tra Dân số Hoa kỳ (United States Bureau of Census), 13 % người Mỹ trên 20 tuổi mù chữ. Thống kê ấy có nghĩa rằng ở Hoa Kỳ trong cùng năm ấy, mức đo chính thức là 99% biết chữ, có khoảng 19 triệu người lớn không thể đọc được với trình độ tối thiểu. Đáng kể hơn nữa, những đo lường tình trạng mù chữ theo sau đó gây ra tranh cãi bởi vì các nhà chuyên môn không đồng ý với nhau về việc biết chữ là sao, điều này đã từ lâu biến thành vấn đề chia rẽ tư tưởng trong ngành giáo dục. Giản dị hơn ở thời xa xưa xấu xí, khi Cục Điều tra Dân số tự động cho những người học hết lớp bốn là biết chữ. Riêng tôi rất thích sự đo lường này vì, hoàn toàn do tình cờ, cả hai ông nội ngoại của tôi đều ngừng học sau lớp bốn. Ông nội tôi học ở Sicily, cho nên lấy ông làm thí dụ không hẳn là có dính dáng gì, nhưng ông ngoại tôi, nửa Mễ nửa Da đỏ, với bốn năm ở trường học trong khu dành riêng Da đỏ-Mễ tây cơ, đã học vừa đủ để thành một độc giả suốt đời khao khát đọc. Tuy nhiên, ngày nay, khi trẻ con ở tuổi đi học bỏ ra nhiều thì giờ đáng kể để coi truyền hình hơn là trong lớp học, trình độ học thức không còn là một dự đoán biết chữ chính xác nữa.

Nhiều nhà trí thức và hàn lâm, qua nhiều năm, đã quan sát các khuynh hướng này với lẫn lộn thất vọng và thờ ơ. Trong khi than thở cho tình trạng biết chữ đáng buồn trong công chúng, họ vẫn giữ tin tưởng vào sức mạnh của văn hóa in ấn nơi những người Mỹ có học. Sự tin tưởng này hiện nay dường như đã đặt sai chỗ. Sách vở, tạp chí, và báo chí hàng ngày không biến mất, nhưng vị trí của chúng trong văn hóa đã thay đổi đáng kể trong vài chục năm nay, ngay cả giữa những người có học thức. Giờ thì chúng ta thấy thế hệ đầu tiên của các nhà trí thức trẻ không thích trầm mình trong thế giới sách vở. Họ không chống lại việc đọc sách, nhưng họ thấy đó chỉ là một trong nhiều lựa chọn cho thông tin. Như nhà thơ-phê bình, Jack Foley, đã nói, “Thời buổi này viết lách bắt đầu có vẻ “lỗi thời”

Đối với các nhà trí thức, những liên can với việc dời đổi từ văn hóa ấn loát ra thông tin điện tử thì quá lớn, phức tạp, và thường là có vấn đề. Trường hợp này chạm đến từng khía cạnh của đời sống văn hóa, và rất nhiều tranh luận trí thức đánh cuộc trên những vấn đề đang lâm vào hiểm nghèo. Trong văn hóa của chúng ta, có lẽ không có tranh luận nào quan trọng hơn bởi vì vấn đề này chú trọng vào những phương tiện mà xã hội chúng ta sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, và ý tưởng để biểu trưng cho hiện thực. Ấn loát là phương tiện chính của sự lập mã, trưng bày và bảo tồn thông tin trong văn hóa của chúng ta, sự giảm sút của nó không phải chỉ là thay đổi phương pháp; đấy là một biến đổi nhận thức. Như Neil Postman đã quan sát, sự di dời từ in ấn sang truyền hình “di dời một cách đột ngột và không thể đảo ngược được nội dung và ý nghĩa của nghị luận công chúng, bởi vì hai phương tiện (truyền thông) khác nhau quá lớn không thể thích nghi cho cùng những ý tưởng.” Công nghệ dùng để trình bày thông tin không bao giờ trung lập. Những cách mà phương tiện truyền thông dùng đến, điều khiển nội dung mà nó truyền đạt, hay nhắc lại công thức nổi tiếng của Marshall McLuhan, phương tiện tiền xác định thông điệp.

II. Thơ vần không còn là một kỹ thuật chết nữa

Kết thúc của văn hóa in, đưa ra nhiều câu hỏi rắc rối về địa vị của thơ trong những thay đổi văn hóa và công nghệ rộng lớn này. Đâu là chỗ đứng của nhà thơ trong một xã hội ngày càng ít dùng đến sách vở, ít thì giờ cho văn hóa nghiêm túc, ít kiến thức về quá khứ, ít đồng tâm về giá trị văn học, và - ngay cả giữa những nhà trí thức với nhau - ít niềm tin vào chính thơ? Những câu hỏi này thúc ép nhiều hơn trong đời sống hàn lâm Mỹ, nơi mà nghệ thuật thơ thường bị đặt bên lề trong những tìm hiểu học thuật để dành chỗ riêng cho lý thuyết văn học và nghiên cứu văn hóa.

Bất cứ cố gắng nghiêm chỉnh nào để định giá vị trí hiện tại của thơ cũng cần phải tiến tới bằng những cách không chính thống - không phải từ chỗ ngoan cố trí thức mà từ chỗ tất yếu tuyệt đối - bởi vì quan điểm chính thống của thơ đương đại không còn hữu ích hay chính xác trong việc miêu tả sự đổi dạng nhanh chóng của nghệ thuật. Cái nhìn học thuật bình thường xem thơ như là một chuỗi bản văn đặt trong một khung lịch sử hay có chủ đề của những bản in khác. Cách tiếp cận truyền thống này vô giá trong việc phán đoán quá khứ, nhưng trong việc định giá lối thay đổi cấp tiến, nó lại gắn bó một cách vô vọng trong thứ mà McLuhan gọi là “suy- nghĩ-kiểu-kiếng-chiếu-hậu”. Không có người tài xế nào có thể đương đầu với ngã quẹo bất thần bằng cách nhìn phía sau, và một nhà phê bình cũng vậy, không thể thấy chính xác cái gì là canh tân nhất trong thơ đương đại xuyên qua những giả định giờ- đã-cổ-lổ-xỉ của chủ nghĩa Hiện Đại và nhóm tiên phong (avant garde). Những ý tưởng mạnh mẽ từng tạo ra nghệ thuật lớn, nhưng giờ thì, sau một thế kỷ, chúng phản chiếu lại một nền văn hóa không có radio, phim nói, truyền hình, video cassette, máy điện toán, phone cầm tay, dĩa vệ tinh, và Mạng Toàn Cầu. Ngay cả khi giới hàn lâm tấn công và loại bỏ chủ nghĩa Hiện Đại, nó vẫn bị nghẽn trong cái khung khái niệm của mình, ít ra là trong việc luận bàn thơ. Cái khung lịch sử đối chiếu ấy không còn dính dáng nữa bởi vì những sức mạnh ảnh hưởng nhiều nhất đến thơ đương đại giờ thì hầu hết cùng nhau tập họp lại ở bên ngoài truyền thống ấy.

Khi những phương thức thông thường dường như không còn đủ để hiểu những phát triển mới, đây là lúc để đưa ra những câu hỏi khác. Cho nên tiểu luận này sẽ nhìn đến thơ đương đại từ một điểm thuận lợi không quen thuộc. Cái nhận thức khác thường này thoạt đầu có thể khiến vài ba độc giả bực mình và làm những độc giả khác lầm lẫn, nhưng, như một tranh luận dần mở ra, sẽ trở nên rõ ràng hơn khi nó cho phép ta thấy rõ vài ba thay đổi có ý nghĩa, có thể ngay cả bản chất, sự thay đổi trong thơ Mỹ đã không được dễ dàng nhìn thấy.

Hãy xem xét câu hỏi sau đây: Biến cố nào có ảnh hưởng và bất ngờ nhất trong thơ Mỹ suốt hai mươi năm vừa qua? Thơ Ngôn Ngữ? Thơ Tân Hình Thức? Lý thuyết Phê bình? Chủ nghĩa Đa văn hóa? Thơ Kể chuyện mới (New Narrative)? Thơ Đồng Diện (Identity Poetics)? Tất cả đều là những xu hướng quan trọng, nhưng không có cái nào là ngạc nhiên riêng biệt cả - và tất cả mọi phong trào này, phần lớn là giam hãm trong tiểu văn hóa hàn lâm (nhóm văn hóa nằm trong một nền văn hóa khác). Lạ lùng là cái khuynh hướng quan trọng nhất lại không được tìm thấy trong thứ mà nhà thơ Ngôn ngữ Charles Bernstein gọi là “văn hóa thơ chính thức” (official verse culture) - một mạng lưới văn học tuy nhỏ nhưng đáng trọng của nhiều sách vở, định kỳ, đại hội, và chương trình viết văn đại học. Thay vào đó nó lại được khám phá ra trong văn hóa chung chung nơi những tác phẩm thơ được theo dõi rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Không nghi ngờ gì nữa, phát triển ngạc nhiên nhất và đáng kể nhất trong thơ Mỹ gần đây là sự tái xuất rộng lớn và bất ngờ của thơ đại chúng - ấy là rap, thơ cowboy, thơ slams, và vài ba loại công khai dễ hiểu của thứ đã từng được cho là avant- garde một cách bướng bỉnh, (đó là) thơ trình diễn. Những hình thể mới của thơ vần đại chúng này trở thành những lực lượng quan trọng trong văn hóa Mỹ, dường như từ đâu đến không ai biết. Nhất là Rap, ở khắp nơi, đâu cũng có trong xã hội chúng ta - không phải chỉ có ở những rạp hát đầy khán giả và trên các chương trình radio mà còn nghe và thấy trong điện ảnh, truyền hình, và rạp (trình diễn) sống. Mặc dù kém phần thương mại hơn, những thể thức khác cũng cho thấy có sức sống kinh khủng. Và tất cả những hình thức thi vị này đều phát triển mạnh, không cần đến sự ủng hộ của đại học hay tổ chức văn học.

Trong một nền văn hóa mà suốt hầu hết thế kỷ hai mươi đã tuyên bố thơ vần là một kỹ xảo đang chết, không ai có thể đoán trước được sự hồi sinh đại chúng vô cùng lớn này. Bằng những cách mà Edmund Wilson sẽ không bao giờ biết trước, thơ vần đã biến đổi thành một kỹ nghệ sinh trưởng, mặc dù sự phục hồi của nó đã xảy ra hầu hết là ở bên ngoài giấy in. Bất cứ gì mà ta có thể nghĩ về phẩm chất thẩm mỹ của những hình thức thi vị mới này, phải thừa nhận rằng ít ra chúng đã cho thấy một cách trấn an rằng việc (con người) cần đến thơ không thay đổi. Xin lưu ý rằng trong lúc ngưỡng mộ sinh lực phục hồi, tôi không khăng khăng cho rằng những thể thơ mới đại chúng này đại diện cho thơ mới hay nhất của thời đại. Xem xét riêng biệt như tác phẩm nghệ thuật văn học thì hầu hết chúng đều không phân biệt được hoặc dở hơn, mặc dù nó có vài ba tác phẩm nhức nhối và sống động. Tuy nhiên, xem xét tập thể thì nó có những ẩn ý vĩ đại cho tương lai thơ. Không phải chỉ riêng việc nó đưa ra nghi vấn về nhiều giả định đương đại nói đến tình trạng hiện thời của thơ; mà thơ mới đại chúng cũng phản ánh lại những sức lực văn hóa rộng lớn đang tạo lại hình dạng tất cả mọi thứ nghệ thuật văn học.

Trong khi thơ mới đại chúng nhận được nhiều theo dõi tường trình của các thứ truyền thông điện tử và báo chí, tương đối nó đã thu được một ít chú ý của giới trí thức và hầu như hoàn toàn không có gì hết từ giới phê bình thơ có tên tuổi. Ta có thể hiểu được sự ngần ngại của các nhà phê bình học thuật. Nếu họ có để ý gì đến thơ mới đại chúng, ngay lập tức họ nhận thấy chúng có rất ít điểm chung với những loại thơ mà họ đã được huấn luyện để xem có đáng để nghiên cứu hay không. Nó không sinh ra từ những truyền thống lâu đời, nghệ thuật cao, được nghiên cứu kỹ lưỡng của chủ nghĩa Cổ điển, Lãng mạn, Hiện đại, hay Hậu hiện đại. Thật ra, nói chung, nó không dính líu gì mấy với bất cứ khái niệm hàn lâm thông thường nào của thơ văn học. Một nhà phê bình có lương tâm sẽ làm gì với một Eminem hay Jay-Z? Như bài “Doggy Style” của Snoop Dogg hay “The Cowboy Curmudgeon” của Wallace McRae, để phân tích riêng rẽ, chúng cho Harold Bloom hay Helen Vendler ít cơ hội để bày ra những cú chém phê bình của họ.

Trong khi đó, sự theo dõi tường trình rộng rãi về thơ mới đại chúng chú trọng vào thứ mà nó thường làm - nhân vật nổi tiếng, những thành công kinh ngạc của họ, những thất bại đáng tiếc, và lợi tức thường niên chóa mắt của họ. Trong truyền thông điện tử, tất cả mọi truyện đều có khuynh hướng rút gọn trong cá tính và bi hài kịch nhân loại - cho con người, đấy là, những người có thể thật sự được thấy hay được nghe trên radio. Những bình luận có giới hạn về thơ mới đại chúng cung cấp trong truyền thông đại chúng bởi những nhà trí thức có thói quen chú trọng vào những vấn đề tư tưởng, nhất là trong trường hợp nhạc rap, đã được khảo sát gần như toàn thể về chủ đề hay tầm quan trọng tâm lý xã hội của nó.

Tuy nhiên, từ nhận thức của một nhà thơ, cả hai truyền thông đại chúng và phê bình văn hóa bỏ sót khía cạnh lý thú nhất của thơ mới đại chúng, đấy không phải là những cá tính phóng túng của người sáng tạo ra chúng hay đặc tính tâm lý xã hội của nội dung; không phải thế, đấy là một pha trộn khác thường của canh tân cấp tiến và chủ nghĩa truyền thống không chính thức trong cấu trúc của chính tác phẩm và những cách trình diễn, truyền đạt và tiếp thu của nó. Những khía cạnh này vạch ra những thay đổi sâu xa có ảnh hưởng trong cơ cấu văn học Mỹ, cho thấy nhiều hơn nữa về trường hợp đương thời của thơ, nhiều hơn bất cứ con số nào về các chủ đề học thuật thời thượng.

Tuy vậy, để bàn luận về những khuynh hướng này, ta phải nói đến hai vấn đề sơ bộ. Vấn đề đầu tiên lưu ý đến thuật ngữ. Một điều trở nên rõ ràng ngay lập tức khi so sánh những cách thức khác nhau của thơ đương đại - có thể kể được là sự thiếu thốn/không thích đáng của từ ngữ văn học thông thường. Thí dụ như từ chung chung, thơ, giờ thì nó tóm gồm rất nhiều cơ cấu nghệ thuật, phân chia đủ loại và thường không hòa giải được với nhau, chứng tỏ nó không đủ sức phân biệt những vấn đề quan trọng đang lâm cảnh hiểm nghèo. Bài tiểu luận này sẽ dùng từ thơ trong một nghĩa bao- gồm-tất-cả để kể luôn cả mọi thể dạng thơ vần - viết ra hay nói bằng miệng - đã uốn nắn ngôn ngữ cho ảnh hưởng văn học. Từ này được dùng như một miêu tả trung lập mà không quy bất cứ giá trị văn học nào trên một đối tượng hay nhiều đối tượng mà nó nhắc đến. Nhưng, với mục đích phân biệt và so sánh những thể dạng căn bản khác nhau của thơ vần đang được thực hành, thường đó sẽ là nhu cầu định giá chữ thơ với một tính từ cốt yếu. Tựa đề thông thường thơ văn học/literary poetry sẽ được dùng để gồm luôn tất cả mọi thơ viết, thơ nghệ thuật cao của bất cứ trường phái nào. Tương tự như cụm từ thơ đại chúng/popular poetry đã được dùng để bàn luận về những thi dạng mới của thơ vần đã xuất hiện bên ngoài cơ cấu văn học chính thức. Tại sao những cụm từ như thế là cần thiết, điều này sẽ nhanh chóng trở thành hiển nhiên khi chúng ta khảo sát những phát triển gần đây trong thơ Mỹ.

Vấn đề sơ bộ thứ hai dính líu tới định giá. Thế giới thơ đương đại có rất nhiều bè phái. Một nhà phê bình không nên luận bàn thơ mới mà không công khai khen tặng hay thẳng thừng chỉ trích nó. Nhưng đôi khi, đó không phài là nhu cầu phân tích và miêu tả những gì ta tìm thấy (trong thơ) bằng những từ ngữ trung lập, phải không? Và thứ quan điểm vô tư ấy rất quan trọng với những hiện tượng gây tranh cãi và phân cực như nhạc rap và thơ slams, phải không? Định giá thơ mới đại chúng là vấn đề lý thú, nhưng nó nằm ngoài phạm vi bài tiểu luận này. Điều rất cần hiện giờ là một miêu tả chính xác về cái gì đang xảy ra trong cả hai thứ, thơ đại chúng và thơ văn học - một bản đồ đường cập nhật hóa về thơ Mỹ, chứ không phải là bảng phân hạng nhà hàng Michelin.

Điểm Thọ dịch
Nguyên tác:
Disappearing Ink: Poetry at the End of Print Culture
(Còn nữa)  
(TCSH352&SDB29/06-2018)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng