Đó là cảm nhận của tôi khi theo dõi cuộc tranh luận của các nhà khoa học xoay quanh chuyện "cao trình của cảng Chân Mây" và chuyện "biên soạn" hay "biên dịch" hay là "dịch" bản Tiêu chuẩn ngành. Tải trọng và tác động (do sóng và do tàu) lên công trình thuỷ. Tiêu chuẩn thiết kế (22-TCN222-95), do "Công ty Khảo sát thiết kế GTVT" biên soạn, được Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định ban hành trong quyết định ngày 24-7-1995 do Thứ trưởng Bộ GTVT GS-TS Lã Ngọc Khuê ký thay bộ trưởng.
Đã là "cảm nhận" thì cũng có thể đúng có thể sai, do vậy tôi cứ trình bày đôi điều về cảm nhận đó để mong nhận được sự thẩm bình của quý độc giả theo dõi câu chuyện đang được đăng tải trên khá nhiều bài báo "Nhà Quản Lý". Lao Động, Đời Sống và Pháp Luật, Pháp Luật TPHCM, Quân Đội Nhân Dân, Người Lao Động... mà tôi đã tìm đọc.
Trong chuyện "tải trọng và tác động do sóng và do tàu", rồi chuyện "giao mùa cao trình của bến cảng cần phải tính hay không tính đến ba hiện tượng tự nhiên: nước dâng, mực nước giao mùa và sóng"... thì tôi là kẻ ngoại đạo. Tôi phải tự nhủ mình, "biết thì thưa thốt, không biết thì..." phải đọc của người khác am hiểu về lĩnh vực này đã phát biểu trên báo. Đọc đi đọc lại, trong đầu lại cứ loay hoay với một câu mà nghề nghiệp của tôi buộc tôi phải nhớ: "Nền văn minh, đó là những con đường, những cảng và những bến cảng", đó là một câu nói súc tích pha chút dí dỏm mang ý vị triết lý của Charle Seignobos được nhắc đến trong Tìm hiểu các nền văn minh của Fernand Braudel. Ngẫm cho kỹ thì quả có thế thật. Dấu ấn của nền văn minh được ghi đậm trên những thành tựu vật chất trường tồn cùng năm tháng.
Nhưng để trường tồn được thì những người thiết kế và thi công "những con đường và những cảng và bến cảng" đó phải ghi dấu ấn của mình, chí ít cũng là tên của mình vào những công trình đó để cho nhỡ ra "phố bỗng thành dòng sông uốn quanh" (mà người ta hài hước nói rằng dân đô thị ta phải làm quen với việc "chung sống với lũ trong mùa mưa") thì người đời còn biết mà réo tên họ. Cảng và bến cảng cũng vậy. Tôi đã từng đến cảng Phú Quý ở Phan Thiết trong một dịp công tác năm nào, năm ngoái trở lại không thấy cảng đâu cả, réo tên ai đây? Dạo tháng 5 vừa rồi, tôi ra Côn Đảo trong một chuyến khảo sát, đứng ở cầu tàu Côn Đảo đã bị sóng đánh sập từng mảng lớn giờ đây đang ngổn ngang những tấm đúc bê tông mà người ta đang cố vá víu cho nơi địa danh lịch sử này, biết réo gọi tên ai, tôi lại nghĩ về câu nói về nền văn minh kia!
Cho hay, một nền văn minh cần xây dựng trước hết ở lòng trung thực của những người thiết kế ra nó, đương nhiên cả người thi công nữa, chứ không chúng hùa nhau "rút ruột" nền văn minh như rút ruột các công trình mà Thủ tướng của ta đã phát biểu tại hội nghị thanh tra toàn quốc vừa qua: "Hầu như công trình xây dựng nào khi tiến hành thanh tra cũng phát hiện sai phạm, thanh tra sờ đâu là thấy sai đó". Chao ơi, tôi bỗng nhớ đến câu thơ ngao ngán của các cụ thời Đông Kinh Nghĩa thục: "Văn minh là thế giới nào, mà ta chìm đắm...".
Không chỉ một cái cảng sẽ "chìm đắm" theo nghĩa đen trần trụi, điều ấy thì xin cứ tin vào lời ông Trưởng Ban Quản lý KCN Dung Quất đã đoán chắc "chịu trách nhiệm", hãy cứ bình tâm, "Sự thực sẽ chứng minh bằng công trình" (Báo Lao Động 26-9-2003), chúng ta đã có tên tuổi cụ thể để có thể réo gọi, nói bỏ quá cho, nhỡ công trình "có mệnh hệ" nào. Mà rồi nếu nhỡ ra nhiều công trình đều không may "có mệnh hệ" thì đã có tên tuổi của một quan chức đóng dấu ký tên hẳn hoi để xác nhận rằng "phương pháp tính toán này đã được áp dụng cho tất cả các cảng biển Việt Nam, các cảng đó đã được đưa vào khai thác an toàn cho đến nay. Sự khẳng định này đồng nghĩa với việc cho phép tính cao trình đỉnh bến cảng biển Việt Nam mà không cần tính đến cao độ nước dâng và cao độ sóng" (Công văn của Bộ Giao thông Vận tải ngày 3-4-2003). Liệu điều này có đặt các cảng biển Việt Nam trong sự uy hiếp của mùa bão lũ, sẽ bị nước dâng, triều cường và sóng đánh sập hay không thì xin hãy chờ, đừng vội kết luận. Một nền văn minh sẽ có chiều kích dài rộng lắm, sẽ có những bia đá tưởng niệm một nền văn minh, mà bia đá có mòn thì "ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", vội gì!
Thế còn chuyện biên soạn, biên dịch và dịch thì hãy mở từ điển ra mà tra cứu. Dễ ợt! Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa biên dịch là "biên tập và phiên dịch"; biên soạn là "sưu tập tài liệu biên thành bài, thành sách"; còn dịch là "đem thứ chữ này diễn sang thứ chữ khác". Từ điển của Viện Ngôn ngữ 1988 thì định nghĩa biên dịch nghĩa là "biên soạn hoặc dịch sách (nói khái quát); biên soạn là "thu thập, chọn lọc tài liệu và viết thành bài, sách"; và dịch là "làm cho một nội dung diễn đạt bằng ngôn ngữ hoặc nói chung hệ thống tín hiệu này được diễn đạt bằng ngôn ngữ hoặc hệ thống tín hiệu khác". Tôi có nhờ tiến sĩ Bùi Quốc Nghĩa rà soát từng chữ, từng câu, từng trang của công trình "Tải trọng và tác động..." bằng tiếng Việt với "nguyên bản tiếng Nga" của 19 viện khoa học của Liên Xô (cũ) là tác giả, thì thấy rằng trong trường hợp này nói dịch là thoả đáng và chính xác nhất. Còn nói là biên soạn hay biên dịch thì e có phần khiên cưỡng và khí bất tiện, cho dù có chuyện "dùng hệ tiêu chuẩn của Liên Xô trước đây làm cơ sở biên soạn tiêu chuẩn này là việc thường làm trong xây dựng tiêu chuẩn ở nước ta".
Mặc dầu đã mất công tra từ điển, tôi vẫn thiếu tự tin về một lĩnh vực mà mình không am hiểu, để chắc ăn, tôi điện hỏi bạn tôi, anh Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ và một nhà phiên dịch có uy tín. Anh Hạo cười khà khà trong máy nói "chuyện ấy mà ông còn phải hỏi cơ à. Tôi không biết ông định làm gì, chỉ nhắc ông rằng, dịch, biên soạn, hay biên dịch (mà thật ra tôi nghĩ rằng hình như từ biên dịch này đúng ra phải là phỏng dịch) thì yêu cầu tối thiểu có tính nguyên tắc là phải ghi tên tác phẩm và tác giả mà mình dịch hoặc dùng tác phẩm của họ để biên dịch (phỏng dịch thì đúng hơn) hay là biên soạn, nếu không làm như thế thì tức là đạo văn, nói chữ nghĩa cho oai, thật ra là ăn cắp! Mà này, ông hãy mở tờ Văn Nghệ số mới ra vừa rồi, đọc bài ở trang 14 "Đạo văn, Đạo danh bất kể mọi nơi - Trần Trung Thực chẳng làm sao được", tôi khỏi nói dài mất thì giờ của ông"!
Tôi vội đọc, và cứ lẩn thẩn suy ngẫm mãi dòng chữ: "Hết lần này đến lần khác phải chịu đắng cay vì nạn đạo bài đạo danh... những cuốn sách đạo bản cũng đạo luôn cả danh nhà xuất bản, vì mạo giả tất cả nên không có cách nào, đầu mối nào để điều tra ra, và cũng vì thế nên bọn đạo tặc vẫn ung dung vô lo...". Cũng may, đây là chuyện xảy ra ở bên Tàu, và ông Trần Trung Thực là một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng. Ở ta khác, ở ta muốn "đạo" cũng khó,vì chẳng là chúng ta có hẳn những "hội đồng nghiệm thu nhà nước...", ở đấy toàn những vị chức sắc có uy tín, có tâm huyết, có lương tâm, những phường đạo tặc làm sao mà "ung dung, vô lo" được.
Nhưng rồi tôi chợt nhớ một khuyến cáo của nhà văn hoá Phạm Văn Đồng mà Phan Đình Diệu ghi lại trong bài viết tưởng niệm ông: "Bây giờ trung thực phải đặt lên trước vì là cái thiếu nhất (*). Đúng vậy thay!
T.L (177/11-03)
---------------------- (*): "Phạm Văn Đồng trong lòng nhân dân...", NXB - CTQG, Hà Nội 2002, tr.693. |