Nghiên Cứu & Bình Luận
Nam bộ đầu thế kỷ 20 qua tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras
09:32 | 25/09/2018

NGUYỄN THỊ TUYẾT   

Cuộc đời của Marguerite Duras (1914 - 1996) gần như ôm trọn thế kỷ hai mươi đầy biến động, và tác phẩm của bà, dù thuộc loại hình nghệ thuật nào (văn chương, kịch bản phim, sân khấu), cũng góp phần diễn giải về thời đại bà sống và viết.

Nam bộ đầu thế kỷ 20 qua tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras
Ảnh: internet

Sinh ra và lớn lên ở Gia Định (Sài Gòn), suốt mười tám năm đầu đời đã để lại nhiều ký ức khó phai về mảnh đất Đông Dương thuộc Pháp, không chỉ đối với đời sống tư tưởng tình cảm mà còn với mạch nguồn sáng tạo cho văn chương của bà. Vùng không gian tuổi thơ ấy trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của bà như Một con đập ngăn Thái Bình Dương (1950), Người tình (1984) và Người tình Hoa Bắc (1991). Trong đó, tác phẩm mang tính chất hồi ký Người tình đã phản ánh nhiều vấn đề của chủ nghĩa thực dân hiện đại, từ câu chuyện tình yêu của cô gái da trắng mười lăm tuổi rưỡi và chàng trai gốc Hoa hai mươi bảy tuổi, thoát thai từ mối tình đầu của Duras và thương gia Huỳnh Thủy Lê. Vết tích của mối tình ấy còn được lưu dấu tại ngôi nhà cổ gần một trăm ba mươi tuổi tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Ngày nay, ngôi nhà ấy là điểm tham quan du lịch nổi tiếng, chứng tích của câu chuyện tình buồn, chứng tích của lịch sử dân tộc, thời thuộc Pháp.

Người tình (L’Amant) lần đầu tiên xuất bản ở Pháp năm 1984 và trở thành một hiện tượng văn học thế giới, khi nó nhanh chóng được dịch ra 43 thứ tiếng và tiêu thụ hơn 2,4 triệu bản. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết mang tính chất hồi ký này đã phá vỡ quy định của hội đồng trao giải thưởng Goncourt, giải thưởng danh giá nhất về văn chương ở Pháp, ngay trong năm xuất bản, với tiêu chí tìm kiếm gương mặt mới tài năng thì “gương mặt mới” bảy mươi tuổi ấy (1914 - 1984) đã có kinh nghiệm bốn mươi năm cầm bút. Tác phẩm được đạo diễn nổi tiếng người Pháp, Jean-Jacques Annaud (1943) chuyển thể thành phim cùng tên vào năm 1990, làm cho cuốn tiểu thuyết càng được biết đến rộng rãi hơn.

Cha mẹ của Duras là Henri Donnadieu và Marie Donnadieu, đến Đông Dương với khát vọng làm lại cuộc đời (họ đến với nhau sau thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên), song khát vọng đó sớm rơi vào tuyệt vọng, ông Henri mắc bệnh kiết lỵ và qua đời năm 1918, khi nhà văn tương lai lên bốn tuổi. Một mình bà Marie bám trụ lại chốn thuộc địa này với đồng lương giáo viên tiểu học eo hẹp để nuôi dạy ba đứa con khôn lớn. Nhưng bất hạnh thay, đứa con trai cả thì nghiện ngập, đứa trai thứ thì yếu đuối và sai lầm nữa, khi bà dồn tiền mua mảnh đất không thể canh tác, ở Prey Nop ven Vịnh Thái Lan, mặc dù bà đã nỗ lực xây bức tường (nhiều lần) ngăn nước biển tràn vào đất trồng trọt… Cuộc sống chốn thuộc địa đã bào mòn sức khỏe, trí tuệ, tinh thần bà Marie; từ một người đầy đam mê và khát vọng, bà trở nên mòn mỏi và điên loạn. Bi kịch gia đình ấy là nỗi ám ảnh tuổi thơ Duras, đồng thời, đó cũng là văn liệu quan trọng góp phần hình thành nên thế giới nghệ thuật của nhà văn. Người tình là tác phẩm xuất sắc, chứa đựng những bi kịch tình yêu, gia đình, thời đại chốn thuộc địa, từ điểm nhìn bên trong của một thiếu nữ Pháp mười lăm tuổi rưỡi, điểm nhìn ấy di động, chồng chéo tâm sự của một bà già bảy mươi. Tác phẩm là bức tranh ấn tượng về Nam Bộ đầu thế kỷ 20, đặc biệt, qua từng góc quay của bộ phim cùng tên, bức tranh ấy lại rực rỡ, chân thực hơn bội phần. Đó là bức tranh sông nước mênh mông in đậm văn hóa con người Việt và khung cảnh phố người Hoa rực rỡ, hoa lệ ở Chợ Lớn, giữa lòng Sài Gòn, nơi quần cư của thương nhân gốc Hoa, thời Pháp thuộc.

1. Văn hóa sông nước

Sông nước trở thành nét riêng biệt trong địa hình Nam Bộ và hình thành nên đặc thù văn hóa của vùng đất này. Hệ thống sông ngòi dày đặc vừa hình thành nên hệ thống giao thông đường thủy quan trọng, vừa quy định không gian cư trú, đời sống văn hóa của người dân nơi đây: Không đi thì nhớ thì thương/ Đi thì lại mắc cái mương cái cầu (Ca dao). Vì vậy, gọi đò, xuôi thuyền, qua phà hay chợ nổi,… là những cách ứng phó với thiên nhiên, với sông nước của người dân nơi đây. Nó đã đi vào lời ăn tiếng nói, như một duyên cớ, một không gian văn hóa để con người bày tỏ nỗi lòng: Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai nhắc kỷ niệm xưa/ Tiếng ca gợi trong tim bao nhiêu niềm đau chưa lãng quên (Chiều qua phà Hậu Giang - Trịnh Lâm Ngân). Mở đầu tác phẩm của Duras là cảnh một cô gái Pháp bần hàn nhưng cá tính, mang niềm kiêu hãnh bị tổn thương, đứng hờ hững tựa vào lan can trên chuyến phà Sa Đéc - Vĩnh Long. Chuyến phà ồn ào, đông nghịt ấy làm nền, nổi bật lên cô gái da trắng và chiếc xe Limousine đen sang trọng của anh chàng người Hoa. Và cũng từ đây mở ra câu chuyện tình nóng bỏng của hai thân xác, bi kịch của hai tâm hồn.

Không-thời gian qua phà trên sông Mê Kông trở nên ngưng đọng và là sự kiện duy nhất trong tác phẩm trở đi trở lại như một nguyên cớ để nhân vật bộc lộ cảm xúc: “Tôi mười lăm tuổi rưỡi. Trên chuyến phà qua sông Cửu Long. Cái hình ảnh kéo dài suốt chuyến qua sông” (Chương 1). Một cô gái da trắng xinh đẹp có mặt sáng sớm trên chuyến phà bản xứ “thật là cả một sự ngạc nhiên” (Chương 9). Và dường như những năm tháng sau đó của cuộc đời, cho đến ngày bà viết Người tình thì tâm trí của bà cũng đang quy chiếu vào cái thời khắc qua sông ấy. Trải dài theo độ dày văn bản là độ dài thời gian cuộc đời của người kể chuyện từ năm mười lăm tuổi rưỡi đến lúc “ngay lúc tôi đang viết đây” (tức là năm 70 tuổi), dòng cảm xúc hỗn độn của tác giả, của người kể chuyện không tuân bất cứ quy luật nào, xoay quanh chi tiết cô gái da trắng mười lăm tuổi rưỡi qua sông trên chuyến phà Sa Đéc - Vĩnh Long trên một nhánh của sông Mê Kông, gặp người tình gốc Hoa. Đó là chi tiết chủ đạo chi phối toàn bộ kết cấu tác phẩm nghệ thuật như mảng khối chủ đạo trong bức tranh, như một điệp khúc trong bản nhạc trầm buồn, như tâm của những đường tròn đồng tâm, là vùng của những giao thoa và cộng hưởng. “Chuyến qua sông đó sẽ quan trọng như thế nào đối với cuộc đời tôi”, cuộc đời của một con người và một kẻ sáng tạo? Giờ đây hình ảnh chuyến phà Mỹ Thuận ấy chỉ còn là ký ức, chiếc cầu Mỹ Thuận (khánh thành năm 2000) đã khép lại vai trò lịch sử của nó, bến phà nối liền sông Tiền và sông Hậu của dòng Cửu Long mênh mông. Những trang văn của Duras không chỉ lưu giữ kỷ niệm cuộc đời, cuộc tình của riêng bà mà còn lưu giữ nếp sống, văn hóa Việt xưa.

Bên cạnh hình ảnh qua phà là chi tiết trung tâm của tác phẩm thì hình ảnh những dòng sông còn xuôi dài theo dòng chữ, chỉ 177 trang sách mỏng có đến 59 lần nhắc đến sông, 17 lần xuất hiện từ dòng chảy… Những dòng sông miên man như chạm đến chân trời, lặng lẽ trôi như máu chảy trong huyết quản, gắn với tuổi thơ tắm sông, hay kỷ niệm “săn beo đen trong những đầm lầy ngoài cửa sông”, hoặc có những lúc suy tư “nhìn xuống dòng sông”… Sông không chỉ êm đềm yên ả chở phù sa, mà lắm lúc cũng bạo liệt với những cơn bão quay cuồng dưới lòng nước và mang theo phần xác của cuộc sống vùng khí hậu nhiệt đới: “Những mái nhà tranh, những cánh rừng, những đám cháy đã tàn, những xác chim chết, chó chết, cọp và trâu chết đuối, người chết chìm, người bù nhìn, những đám lục bình”… (Chương 6).

Cô gái da trắng ấy thân thuộc với những dòng sông như bất kỳ cô gái bản địa nào, cô “đã biết người đưa phà từ khi cô còn là đứa bé”, và khi quyển sách này được viết, sông trở thành nỗi niềm thao thức khôn nguôi của bà già bảy mươi, nhớ về chốn đã nuôi dưỡng tuổi thơ và tâm hồn mình, bà nuối tiếc mãi: “Sẽ chẳng bao giờ tôi được thấy lại những dòng sông đẹp như vậy, lớn như vậy, hoang dã như vậy đâu, như sông Mê Kông và những nhánh của nó xuôi ra biển, những vùng nước sắp sửa biến mất trong các vực thẳm của đại dương ấy. Trong mênh mang hút mắt, những dòng sông ấy chảy xiết, nước đổ như thể mặt đất nghiêng” (Chương 3). Dẫu hình ảnh người bản địa duy nhất trong tác phẩm xuất hiện trong tác phẩm là chị Đỗ, người giúp việc của gia đình Duras, song bóng dáng người Việt vẫn đậm nét, từ tiếng chó sủa, vọng đến từ mọi phía, từ các thôn làng trong một sớm tinh sương, từ hình ảnh cánh đồng lúa bùn sình mênh mông trong gió, từ những dòng sông chảy dài man mác với thời gian…

2. Người Hoa ở Chợ Lớn

Hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên, tò mò vì sao người Pháp gọi Nam kỳ là Cochinchine (Giao Chỉ Trung Hoa) trong khi Bắc Kỳ được gọi là Tonkin (Đông Kinh), và Trung Kỳ là Annam (An Nam) dưới thời Pháp thuộc (1887 - 1945). Cần nói thêm rằng thuật ngữ Cochinchine đã có lịch sử lâu dài và phức tạp: “Cochinchine (hoặc các biến thể Cocinchina, Cauchinchina, Cochinchina) ban đầu dùng để gọi toàn bộ lãnh thổ quốc gia Đại Việt. Đến đầu thế kỷ 17, khi Trịnh - Nguyễn phân tranh, nước Đại Việt phân đôi thành Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì Cochinchine được dùng để chỉ Đàng Trong, còn Tonkin chỉ Đàng Ngoài. Thời Pháp thuộc, Cochinchine mới được dùng để chỉ Nam Kỳ” (An Chi, 1995, tr.71 - 73). Tác giả An Chi khẳng định, danh xưng Cochinchine “đã được dùng để chỉ miền Bắc, miền Trung rồi cuối cùng mới được dùng để chỉ miền Nam (Nam Bộ)”. Tuy nhiên, kết luận như vậy vẫn chưa giải thích được vì sao thời Pháp thuộc, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, lại gọi Nam Bộ là Cochinchine.

Ngay buổi đầu, người Minh Hương di cư sang Việt Nam với quy mô lớn để tránh sự truy kích của chính quyền nhà Thanh sau các phong trào “phản Thanh phục Minh” thất bại cuối thế kỷ 17. Đáng chú ý là các nhóm di dân do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu dẫn đầu, đến định cư, mở mang đất đai, thông thương mậu dịch ở vùng Biên Hòa, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Định Tường, Hà Tiên,... Người Hoa di cư đến Nam Bộ theo nhiều đợt khác nhau, làm nhiều nghề khác nhau, song thành công nhất vẫn là buôn bán ở các đô thị. Người tình trong tác phẩm của Duras không có tên, song nguyên mẫu là ông Huỳnh Thủy Lê, con trai của thương gia giàu có Huỳnh Cẩm Thuận, một trong những người giàu có nức danh ở Sa Đéc lúc bấy giờ. Nhờ óc quan sát và tài kinh doanh, ông (Huỳnh Cẩm Thuận) “thuộc nhóm nhỏ những tay tư bản gốc Tàu, những người làm chủ tất cả những khu nhà đất của đám nhân dân lao động ở thuộc địa” (Chương 9). Khởi sự từ nghề xây nhà rồi cho người bản xứ thuê, ban đầu là vài dãy nhà cho thuê rẻ tiền, sát vách nhau, “nhưng rồi ông bán chúng đi để mua đất xây cất ở phía Nam Chợ Lớn”. Dần dà ông làm chủ nhiều đường phố, và “xây lên cả một loạt nhà cho thuê có bao lơn nhìn xuống đường phố”, “làm cho phố xá rất sáng sủa và xinh xắn” (Chương 9)… Địa danh Chợ Lớn được lặp lại 27 lần trong câu chuyện của Duras và trong không gian ấy bao giờ cũng gắn với người tình gốc Hoa của mình (Người tình ở Chợ Lớn, Người đàn ông trong Chợ Lớn). Đặc biệt, tác phẩm miêu tả tỉ mỉ, cặn kẽ đồ đạc trong căn phòng của người tình mà cô đến sau buổi học sáng thứ Năm: bức tường quét vôi trắng, tấm rèm vải, cánh cửa hình vòng cung, khu vườn lộ thiên, những dãy lan can màu xanh như những lan can ở ngôi biệt thự lớn ở Sa Ðéc… Bởi đây là không gian gắn với buổi chiều oi nồng mà cô thiếu nữ trở thành đàn bà, “buổi chiều ấy nàng sẽ không bao giờ quên”, buổi chiều hoan lạc nhuốm màu chết chóc, điêu tàn… Và cho tận đến lúc bà viết tác phẩm này, từng chi tiết nhỏ cũng sống dậy trong không gian hỗn tạp của mọi thứ âm thanh (tiếng guốc gỗ khua trên phố, tiếng nói chí chóe đến chói tai, tiếng còi hú, tiếng ồn ào của xe cộ,…), và hỗn tạp của mọi mùi vị (mùi caramen bay vào phòng, mùi lạc rang, thịt nướng, thảo mộc, hoa nhài, bụi bặm, xăng dầu, lửa than củi…). Bên cạnh những mùi vị, âm thanh hỗn tạp của một khu phố tấp nập thì mùi xa hoa, giàu có toát lên. Chàng người tình ở Chợ Lớn là một dạng cô ấm cậu chiêu, một phiên bản công tử Bạc Liêu rất phổ biến vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở Nam Bộ.

Với hàng trăm loại hàng hóa để buôn bán, làm giàu của các thương nhân người Hoa và với muôn vàn kiểu ăn chơi của các cô ấm cậu chiêu, song Duras chỉ nhắc đến hoạt động mua bán và hút thuốc phiện như một thú vui phổ biến thời đó. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, một trong những tội thực dân Pháp là “làm cho nòi giống ta suy nhược” bằng thuốc phiện nhưng có lẽ thủ phạm trước nhất là một bộ phận thương nhân người Hoa, với hoạt động buôn bán thuốc phiện (và nhiều loại hàng hóa khác) độc quyền trên quy mô rộng lớn, toàn Đông Nam Á. Chính quyền Pháp và các nước phương Tây “bảo hộ” ở các nước thuộc địa chịu sự chi phối ngầm của những ông trùm thuốc phiện, ngược lại chính quyền thực dân cũng thu được nguồn lợi lớn đóng góp vào ngân sách. Tác phẩm Người tình đã cho thấy thực trạng mua bán và sử dụng rộng rãi thuốc phiện, nó như một hàng hóa thiết yếu đầu thế kỷ 20 ở Nam Kỳ. Từ thói quen sử dụng thuốc phiện của một số người Hoa, họ di cư vào Việt Nam trong nhiều thời điểm và vùng miền khác nhau, cùng với cái bắt tay ủng hộ cho thương nhân người Hoa làm giàu của chính quyền thực dân, khiến cho “nơi nào có người Hoa, nơi đó có thuốc phiện” (dẫn theo Nguyễn Xuân Hồng, Bùi Trúc Linh, 2011, tr.11). Nhân vật Người tình đã nói về cha mình “Suốt mười năm qua ông ta chỉ ngồi nhìn sông, dính chặt vào bàn đèn thuốc phiện” (chương 9) và chính anh ta cũng chỉ là một con nghiện… Dân nghèo bản địa, và cả người Pháp cũng trở thành thị trường tiêu thụ thuốc phiện, điển hình là người anh trai cả của Duras, một kẻ phá nát gia sản, là gánh nặng của người mẹ, là nỗi sợ hãi của các em, là một tên trộm cắp, lục lọi đáng khinh bỉ. Như vậy, bên cạnh việc phát triển thương mại, hình thành nên các đô thị lớn thì một bộ phận thương nhân buôn bán thuốc phiện, làm giàu trên nỗi đau của người khác, gieo rắc tội ác và sự suy đồi. Đó là một vấn nạn của xã hội đương thời mà được chính quyền thực dân dung túng.

3. Những xung đột trong lòng xã hội thuộc địa

Nam Bộ vốn là vùng đất mới dung hợp cư dân và văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm,..). Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cùng với công cuộc đẩy mạnh khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, diện mạo cơ cấu xã hội có sự thay đổi sâu sắc. Đặc biệt, sự góp mặt của người Pháp (Tây) ở đây làm cho thành phần chủng tộc vốn đa dạng lại càng phức tạp hơn. Bản thân người Pháp xa lìa mẫu quốc đến các vùng thuộc địa cũng có nhiều thành phần khác nhau: tầng lớp tinh hoa và tầng lớp bình dân. Nếu tầng lớp tinh hoa sang Đông Dương (Việt Nam) để khai thác, thống trị thuộc địa thì thành phần bình dân mang khao khát làm giàu để đổi đời ở vùng viễn xứ xa xôi. Cha mẹ Duras là một trong số đó. Nhưng giấc mơ của họ đã thất bại khi ông Henri bị nhiễm bệnh nặng và phải trở về Pháp, bỏ lại người vợ trẻ bơ vơ, sa vào cảnh nghèo túng khi bà mua miếng đất ở Cam Bốt, miếng đất không thể canh tác vì nửa năm bị nước biển xâm thực. Những đứa con của họ đều được sinh ra vùng đất xa mẫu quốc. Dù trong huyết quản của Duras hoàn toàn là dòng máu thuần chủng da trắng, nhưng bà tự xem mình là “người đàn bà lai” (Bouthors - Paillart, 2008), với “làn da nước mưa”.

Cô gái mười lăm tuổi rưỡi ấy sống trong không gian chỉ có “một mùa nóng bức, đơn điệu, chúng tôi ở trong một vành đai nóng bức của trái đất, nơi không có mùa xuân, không có sự phục hồi” (Chương 1). Sự ngột ngạt tù bức ấy không chỉ là thời tiết, mà còn là không gian tâm lý cô đặc, nặng nề bao quanh ngôi nhà cô gái da trắng, vì vậy cô luôn trải qua những phút giây khủng khiếp. Mặc dù họ là người da trắng, mang niềm kiêu hãnh của người văn minh đi khai hóa thuộc địa song họ lại nghèo, lại sa sút: “Đôi khi chúng tôi phải ăn đồ lòng ruột, cò vạc, cá sấu con”. Họ phải bán ghế bàn và đồ dùng trong gia đình, họ phải mua đồ hạ giá… Họ vừa là nỗi hổ thẹn của người da trắng thực dân, vừa phải giữ chút kiêu hãnh còn sót lại đối với người dân thuộc địa; họ chênh vênh ở giữa, không thuộc về những người cùng chủng tộc Đông Dương này và cũng xa cách với mảnh đất mình đứng dưới chân. Và để cứu vãn gia đình khỏi cơn khủng hoảng, đói khát cô gái da trắng mười lăm tuổi rưỡi đã đồng ý làm người tình của người đàn ông gốc Hoa hai mươi bảy tuổi, giàu có. Chi tiết này phản ánh những mặt phức tạp trong đời sống xã hội Nam Bộ đầu thế kỷ: sự phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội. Một mặt người da trắng luôn cố tỏ vẻ lạnh lùng kiêu hãnh song cái vẻ ấy lại đối lập hoàn toàn với thực tại nghèo đói, khủng hoảng: bà mẹ một mình lo toan cho cả gia đình đến mức điên loạn, người anh cả là một kẻ nghiện ngập, trộm cắp, người anh kế là kẻ yếu đuối vô tích sự, cô em út hiểu được tình hình của gia đình và lựa chọn cách cứu vãn cả gia đình bằng mối quan hệ tình - tiền với người đàn ông Trung Hoa. Mặc dù họ cảm thấy xấu hổ vì em gái của họ có quan hệ với người đàn ông da vàng, châu Á, thuộc địa, nhưng họ lại ăn uống ngấu nghiến khi được mời ăn tại một nhà hàng sang trọng ở Chợ Lớn. Họ xem người tình của nàng là không khí, là trong suốt hoặc không đáng để được nhìn tới. Mặc dù coi thường anh nhưng lại tìm mọi cách để được tiêu tiền của anh, khao khát có tiền của anh. Ngược lại, anh chàng gốc Hoa lịch lãm sang trọng, từ trong sâu thẳm, lại mang tâm lý tự ty, thua kém chủng tộc khi anh nhìn thấy cô gái da trắng trên phà. Người đàn ông thanh lịch, đi xe hơi hiệu Limousin bóng loáng, hút thuốc lá Ăng-lê bị kích động trước cô gái đội chiếc mũ dạ đàn ông, “tay ông run run” khi mời cô hút thuốc. Hành động đó bộc lộ sự tự ty về chủng tộc mặc dù anh rất có địa vị xã hội. Nếu cả gia đình cô gái da trắng khinh thường anh thì cha của người đàn ông gốc Hoa cũng khẳng định “sẽ không để con trai mình lấy một con điếm nhỏ da trắng ở Sa Đéc” (chương 9).

Như vậy mối tình của chàng và nàng cho thấy mối quan hệ xã hội phức tạp ở Nam kỳ nửa đầu thế kỷ và cho thấy người da trắng chưa hẳn giàu có, văn minh, người da vàng chưa hẳn là kẻ cần được “khai hóa”. Mối quan hệ tình cảm (tình yêu) giữa người da trắng (kẻ thống trị) và người da vàng (kẻ bị trị) có thể hài hòa ở tư cách cá nhân, nhưng từ phương diện gia đình và xã hội, mãi mãi còn là khoảng cách rất lớn, khoảng cách chủng tộc và văn hóa. Chính vì hiểu được điều đó nên chàng và nàng đã chấp nhận ngay từ đầu “chúng tôi không thể có một tương lai chung nào cả” (chương 12) và sau một năm rưỡi kéo dài, nàng trở về Pháp, chàng cưới người vợ đã được hứa hôn từ trước, dẫu đau đớn nhưng ai cũng giữ nỗi đau đó cho riêng mình, và cho đến cuối đời họ vẫn là người tình của nhau. Như thực tế Huỳnh Thủy Lê đã sang Pháp gặp Duras trước lúc từ giã cõi đời, còn với Duras, người tình thời tuổi trẻ ấy luôn sống động và liên tục được tái sinh trong trái tim, trong hoạt động sáng tạo văn chương của bà (Người tình, Người tình Hoa Bắc).

Người tình không chỉ cho thấy bi kịch của mối tình bị ngăn cách vì chủng tộc và văn hóa mà còn là sự phơi bày những bi kịch trong gia đình cô gái da trắng ở thuộc địa, Duras. Xuyên suốt tác phẩm là tâm trạng uể oải, lời nói rời rạc của cô gái sống trong một ngôi nhà mà sự nặng nề và chết chóc bao trùm. Cô gái lặng lẽ tìm cách thoát ra khỏi những bất hạnh của cuộc đời mẹ cô bằng những hy vọng bà đặt lên đôi vai cô, bà mẹ để lại nỗi ám ảnh khôn nguôi trong cả giấc mơ: “một người mẹ bị trầy xước bởi sự nghèo khổ hoặc bị quẩn trí và càu nhàu trong sự hoang vắng”… (Chương 12); Cô tìm cách thoát khỏi sự man rợ và độc ác của người anh cả, như niềm kinh hãi cô phải đối diện với chiến tranh và ngược lại, cô phải đối diện với anh cả: “Tôi thấy thời chiến và sự thống trị của người anh cả tôi là một”. “Tôi nhìn chiến tranh như tôi nhìn thấy anh, lan tràn khắp nơi, xâm nhập mọi chỗ, trộm cắp, giam cầm, luôn luôn ở đó, pha trộn lẫn lộn với mọi thứ, hiện diện trong thân xác, trong tinh thần, khi thức dậy và thiếp ngủ…” (Chương 12). Cô còn lại chút niềm thương mến với người anh kế yếu đuối, luôn bị người anh cả đàn áp. Có lẽ, giữa họ không còn là gia đình, không có tình thân khi họ luôn phải giấu diếm cảm xúc và né tránh lẫn nhau, sẵn sàng loại trừ nhau, và sự sống chết của nhau không còn ý nghĩa... Gia đình đó như một mô hình thu nhỏ của chế độ thực dân đối với cô gái nhỏ Marguerite, cách cô lựa chọn đến bên người tình là lựa chọn loại bỏ những gọng kìm kẹp tâm hồn mình, dẫu biết rằng: “Ngay từ lúc bước vào chiếc xe màu đen nàng đã biết nàng bị loại trừ ra khỏi gia đình lần đầu tiên và mãi mãi” (Chương 9).

Thời gian bối cảnh tác phẩm Người tình diễn ra vào những năm 1929 - 1931, gắn với thời gian cuộc tình từ lúc cô gái mười lăm tuổi rưỡi đến lúc cô mười tám tuổi, trở về Pháp, nhưng thời gian tâm tưởng có lẽ “cả cuộc đời người kể chuyện” (Phùng Văn Tửu, 2002, tr.176). Vì vậy, mỗi sự kiện được người kể chuyện phân tích, nghiền ngẫm, mỗi sự kiện được sống nhiều đời sống khác nhau, cả nỗi hoan lạc mê đắm và sự cô đơn xa lạ trong chính gia đình mình, cả tuổi thơ trong sáng và những ám ảnh về khổ đau, chết chóc… Người tình vượt lên trên câu chuyện với người tình gốc Hoa là câu chuyện về cuộc đời Duras (như một cuốn hồi ký), câu chuyện về xã hội chốn thuộc địa (Đông Dương) đầu thế kỷ 20.

*

Cuốn tiểu thuyết 16 chương, với nhiều cách tân, sáng tạo nghệ thuật trên các phương diện kết cấu, nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ, giọng điệu Người tình cùng với bộ phim chuyển thể cùng tên đã lưu giữ những ngấn tích về “tình yêu và ký ức về miền Nam Kỳ” (Hà Thanh Vân, 2015) của nhà văn M. Duras. Mối tình của cô gái da trắng sa sút mười lăm tuổi rưỡi với người đàn ông gốc Hoa giàu có hai mươi bảy tuổi là mối tình đặc biệt vừa phản ảnh những đối lập về quan niệm văn hóa, vừa cho thấy những bi kịch của cá nhân và thời đại. Song đây không phải là mối tình duy nhất của hai con người khác biệt, hai chủng tộc, hai nền văn hóa xa lạ trên mảnh đất Nam Bộ. Với khả năng lắng lọc và tiếp biến linh hoạt sự xa cách sẽ được rút gần, giao thoa và trở thành một cộng đồng chung, như chính cuộc đời và văn chương Duras. Tuổi thơ ở Đông Dương là nền tảng để bà bước vào đời ở cố quốc và mối tình tuổi hoa ở thuộc địa, nơi chốn chưa một lần bà trở lại, luôn sống mãi trong tim, từ lúc trẻ trung cho đến cuối đời; và bà đã viết, viết mãi về Người tình, Người tình Hoa Bắc.

Nếu không gian sông nước mênh mông tiêu biểu cho không gian nông thôn yên bình ở Lục Tỉnh Nam kỳ thì khu phố tấp nập Chợ Lớn là không gian đô thị mới vừa xa hoa vừa ngột ngạt. Tiểu thuyết Người tình đã vẽ những dáng vẻ khác nhau của vùng văn hóa độc đáo này qua lăng kính của hoài niệm. Nam Bộ hiện lên thật đẹp nhưng cũng thật oi bức và tù túng như chính sự tù túng trong tâm hồn cô gái trẻ, ở đó ẩn chứa những ám ảnh về nghèo đói, chết chóc và chiến tranh, thông qua bi kịch gia đình, bi kịch cuộc tình đầu đời của chính nữ nhà văn.

N.T.T
(TCSH355/09-2018)

 
---------------------------
Tài liệu tham khảo:


1. An Chi. 1995. Chuyện đông chuyện tây. Tạp chí kiến thức ngày nay số 186, Nxb.Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
2. Bouthors - Paillart, Catherine. 2008. Duras người đàn bà lai. Hoàng Cường dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội.
3. Duras, Marguerite. 2008. Người tình Hoa Bắc. Lê Hồng Sâm dịch, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
4. Duras, Marguerite. 2010. Người tình. Lê Ngọc Mai dịch, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
5. Nguyễn Xuân Hồng, Bùi Trúc Linh. 2011. Một số hệ quả kinh doanh thuốc phiện của người Hoa ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XIX. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số tháng 4, tr.10-17.
6. Phùng Văn Tửu. 2003. Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI, Nxb. Giáo dục.
7. Hà Thanh Vân. Marguerite Duras với tình yêu và ký ức về miền Nam Kỳ lục tỉnh. Nguồn: http://khoanguvan.com.vn, ngày truy cập: 20/6/2018.  






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng