Nghiên Cứu & Bình Luận
Phương pháp thơ
09:29 | 01/11/2018

KHẾ IÊM  

Theo G. K. Chesterton, nhà thơ, triết gia, kịch tác gia người Anh, “cách mạng là phục hồi (restoration) - đoạt lại (recapturing), giới thiệu lại một điều gì đó đã từng được hướng dẫn và truyền cảm hứng trong quá khứ.

Phương pháp thơ
Ảnh: internet

Từ Cách mạng nguyên từ chữ Latinh re-volvere - là cuộn lại (re-roll), quay lại (return), đi vòng quanh một lần nữa.” Tương tự, C.S. Lewis, tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà Trung cổ học, nhà phê bình người Anh, cho rằng “khi chúng ta mất phương hướng, con đường duy nhất thường là quay vòng (revolving) trở lại. Chúng ta nổi loạn, và làm điều đó bằng cách quay trở về nhà”.

Điều nói trên, trái ngược với định nghĩa mang tính chính trị, “cách mạng là xóa bỏ cái cũ, thay thế bằng cái mới, tiến bộ hơn”. Thơ, như vậy, là một cuộc hành trình quay trở lại. Thơ Mỹ, sau một thế kỷ thơ tự do, phiêu lưu đi tìm cái mới, cuối cùng phải quay trở lại thể luật với thơ Tân hình thức Mỹ. Quay trở lại, không có nghĩa là rập khuôn như cũ, mà là trở về với giá trị truyền thống, hòa quyện với hiện đại, làm thành một hình thái khác. Nhưng không phải chỉ có thơ quay trở lại, mà ngay cả giáo dục cũng đang quay trở lại. Nhà thơ Frederick Turner, trong một bài viết cho Poetry Journal In Print (Báo Giấy), “Sinh Khí Thơ của Tam Khoa”, cho rằng, “Tam khoa liên quan tới chương trình giáo dục cổ điển - “ba phương pháp” - văn phạm, lý luận và hùng biện, là nền tảng thiết yếu của thơ.” Theo ông, thể thơ là quan trọng vì đó là nguyên tắc thực hành thơ, nhưng nội dung, thực chất và chủ đề thơ mới là điều cốt yếu, để kết hợp tư tưởng và cảm xúc, đạt tới sinh khí mạch lạc đáng nhớ cho thơ.

Giáo dục cổ điển bắt nguồn từ thời cổ Hy Lạp (thế kỷ thứ 5 trước công nguyên tới năm 146), Pythagoras coi toán học, thiên văn học, âm nhạc là những khoa học gắn bó với nhau. Plato đồng ý và phác thảo lý tưởng giáo dục làm 3 cấp, sơ cấp, trung cấp, và cao cấp. Ở lớp sơ cấp, học sinh học thể dục, âm nhạc và chữ (văn phạm). Ở trung cấp, học sinh học số học, hình học, thiên văn học và âm nhạc (sự hài hòa). Ở lớp cao cấp, học triết học. Đến thời Đế quốc La mã, (thế kỷ 1 trước công nguyên đế năm 476), tiếp nhận quan điểm giáo dục của những nhà Sophist thời cổ Hy lạp với văn phạm, lý luận và hùng biện, và thêm vào các môn số học, hình học, âm nhạc và thiên văn tương đương với sơ và trung cấp thời Hy lạp. Vì vậy, khi nhắc tới giáo dục cổ điển phương Tây, người ta nghĩ tới giáo dục La Hy. Tới thời Trung cổ (500 - 1460 sau công nguyên) được hệ thống hóa thành hai cấp: Tam khoa (Trivium), còn được gọi là nghệ thuật của ngôn ngữ hay văn học, theo tiếng Latin là “nơi ba con đường gặp nhau”, ba giai đoạn giáo dục, từ tiểu học đến hết trung học. Tứ khoa (Quadrivium), bậc đại học, còn gọi là nghệ thuật số (arts of number) hay những nguyên tắc toán học gồm: số học (arithmetic), hình học (geometry), âm nhạc (harmonics), và thiên văn học (astronomy). Cuối thời Trung cổ, giáo dục cổ điển xói mòn cho đến thời Phục hưng (1350 - 1600) mới hồi phục trở lại, quan tâm tới đời sống thế tục thay vì tôn giáo.

Giáo dục Anthens cổ, tiêu biểu cho giáo dục cổ Hy lạp, chỉ có trường tư, bắt đầu lúc 7 tuổi: Học chữ (letters) bao gồm: đọc, viết và số học, thơ của Homer, Iliad và Odyssey. Giai đoạn 2: Âm nhạc, hát và chơi đàn lyre và sáo. Sau khi đọc thông viết thạo, học sinh được dạy về lịch sử, địa lý, đạo đức (ethics), Học Đức hạnh (virtue), lòng can đảm và những vị anh hùng như Achilles, Ulysses. Giai đoạn 3: Thể dục (14 tới 16 tuổi).

Đến 16 tuổi, học sinh hoàn tất chương trình giáo dục căn bản. Sau đó, các học sinh giàu có có thể theo học các trường Academy của triết gia Plato, hoặc Lyceum của triết gia Aristotle. Những trường này giống như các trường đại học, hay có thể chọn theo khoa hùng biện của các thầy Sophist, học cách thuyết phục và tranh luận trong những sinh hoạt chính trị. Mặt khác, học sinh cũng có thể theo học y khoa để trở thành bác sĩ. Như vậy, triết học và những thể chế dân chủ là hai nét đặc trưng của văn minh cổ Hy lạp. Quan niệm về hùng biện cũng khác nhau. Những nhà chính trị chỉ quan tâm tới làm sao để người dân bỏ phiếu cho mình, bất kể sự thực, trong khi những nhà triết học quan niệm hùng biện phải theo đuổi kiến thức, phân biệt sự đúng sai.

Tác phẩm “Vườn xanh” của họa sĩ Lê Thánh Thư


Giáo dục cổ điển

Ngày nay, khi đề cập tới giáo dục cổ điển, người ta thường chỉ còn nhắc tới tam khoa. Tam khoa do những nhà Sophist (học giả) Hy lạp phát minh đầu  tiên,  khi  họ  đi  khắp  các  thành  bang  Hy  lạp  để  truyền  bá  kiến  thức.  Họ  dạy  hùng  biện  theo  cách  biện  chứng  và  với  ngữ  pháp.  “Biện  chứng”  (dialectic)  chứng  là  một  hình  thức  của  lý  luận,  dùng  đối  thoại  và  tranh  luận  (trao  đổi  ý  tưởng)  để  đạt  tới  sự  thật,  là  một  phần  quan  trọng  trong  tư  duy phương Tây, chú tâm  tới ngôn ngữ, qua chữ viết  và lời nói, hơn là hình ảnh.  Học  qua  ngôn  ngữ  khác  với  hình  ảnh.  Học  ngôn  ngữ  đòi  hỏi  tâm  trí  phải  làm  việc  để  chuyển  dịch  hình tượng (chữ trên giấy)  thành  ý  tưởng.  Học  qua  hình  ảnh,  với  màn  hình  (video), tâm trí thụ động,  thảnh  thơi,  ít  bị  bị  căng  thẳng.  Ở  giai  đoạn  đầu,  học  sinh  tiếp  thu  các  dữ  kiện và hình ảnh, nhưng ở giai đoạn sau, chú tâm  vào ngôn ngữ, với với công cụ lý luận, sắp xếp các  dữ kiện, và cuối cùng là sự tự diễn đạt. Tam khoa  tùy thuộc vào 3 tiến trình:

Giai đoạn Văn phạm (Grammar stage): từ lớp 1  đến lớp 4, học sinh tiếp thu kiến thức hay những dữ  kiện, bằng cách học thuộc lòng. Trước 10 tuổi, trẻ  em chỉ ghi nhớ những ý tưởng cụ thể, thích nghe đi  nghe lại những câu truyện kể, những bài hát. Học  sinh học đánh vần, ngữ vựng, luật văn phạm, học  thuộc lòng thơ. Tới tuổi từ 10 đến 12, học sinh nối  kết giữa ngôn ngữ và văn học, qua giác quan, học  về số học cơ bản, địa lý, những câu truyện lịch sử,  loài vật, cơ thể con người...

Giai đoạn Lý luận (Logical stage): Từ lớp 5 đến  lớp 8, học sinh học cách suy nghĩ qua những cuộc  tranh  luận,  học  cách  lý  luận  và  áp  dụng  vào  các  môn học. Lý luận về viết liên quan tới việc cấu trúc  những  đoạn  văn  và  chủ  đề.  Lý  luận  đọc  liên  qua  tới phê bình, phân tích bản văn. Lý luận về lịch sử,  tìm  kiếm  sự  thật  tại  sao  những  cuộc  chiến  tranh  xảy ra. Lý luận khoa học, học những phương pháp  khoa học.  

Từ tuổi 12 tới 15, khi khả năng những suy nghĩ  trừu tượng bắt đầu, học sinh liên kết ngữ vựng với  nhau thành câu, cũng như am hiểu và liên kết các  dữ kiện để tạo ra ý nghĩa. Ở giai đoạn này, học sinh  căn cứ vào những dữ kiện và kiến thức đã thâu đạt,  học  các  phương  pháp  lý  luận,  khơi  dậy  khả  năng  tranh luận, khám phá, tìm kiếm sự thật, phân biệt  đúng  sai,  phân  tích  và  đánh  giá,  đặt  câu  hỏi  về  những biến cố lịch sử...  

Giai  đoạn  Hùng  biện  (Rhetoric  stage):  Từ  lớp  9  tới  lớp  12,  học  sinh  áp  dụng  những  nguyên  tắc  lý  luận  và  kiến  thức  căn  bản  thu  thập  được,  học cách tự diễn đạt qua  cách viết và nói. Từ tuổi  16 tới 18, học sinh được  dạy  về  kỹ  năng  thuyết  trình,  kết  hợp  với  ngôn  ngữ  và  lý  luận,  phát  hiện khả năng phát biểu  trước  đám  đông,  theo  đuổi  những  sinh  hoạt  chính trị...

Phương  Tây,  qua  nhiều  thời  kỳ  văn  minh,  nhưng  tại  sao  giáo  dục  cổ điển vẫn được coi như  nền  tảng  phát  triển  trí  tuệ  con  người?  Cho  đến  bây giờ người ta mới kết  hợp với những khám phá  về  não  bộ  để  giải  thích:  giai  đoạn  văn  phạm  phù  hợp với sự phát triển bán cầu não phải của trẻ em  từ  lúc  mới  sinh,  và  bán  cầu  não  trái  bắt  đầu  hình  thành và đúng vào thời điểm trẻ em bước vào tuổi  đi học. Cả hai kết hợp giữa ý thức và bản năng, giúp  các em phát hiện khả năng phát minh và sáng tạo  ở tuổi trưởng thành.  

1/ Như chúng ta biết, não bộ chia làm bán cầu  não  phải  và  trái,  phát  triển  với  tốc  độ  khác  nhau.  Bán cầu não phải chiếm ưu thế cho đến 3 tuổi. Khi  lưu lượng máu chuyển sang bán cầu não trái, trong  độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi, bán cầu não trái phát triển  đầy  đủ  hơn.  Sau  đó,  bán  cầu  não  phải  phát  triển  đầy đủ hơn ở tuổi thơ trung niên (từ 7 đến 11 tuổi).  Nhưng ở lứa tuổi từ 2 đến 11 tuổi, bán cầu não trái  và phải hoạt động như một thực thể duy nhất. Trẻ  em tự nhiên có khả năng ghi nhớ rất tốt với ngôn  ngữ,  chuỗi  sự  kiện  kết  nối  đơn  giản,  câu  chuyện  giàu tưởng tượng và kỹ năng số học hạn chế, cũng  như các chức năng đếm tiên khởi, ghi nhớ bản cửu  chương.  

Dữ liệu không cần phải hiểu thấu đáo. Phần lớn  dữ liệu được hấp thụ trước tuổi 11, trong thời niên  thiếu  và  tuổi  trưởng  thành,  được  lưu  trữ  trong  bộ  nhớ  ngắn  hạn  (trong  não  trái),  và  sử  dụng  sự  lặp  lại chuyển nó và bộ nhớ dài hạn (trong não phải).  Trẻ em bắt đầu tiểu học về âm nhạc, khiêu vũ, nghệ  thuật thị giác và văn học, tâm trí sẽ bắt đầu được  mở ra và hành động học tập sẽ là niềm vui và phiêu  lưu lâu dài.  

2/ Khi bắt đầu tuổi dậy thì, vào khoảng 11 tuổi,  hai bán cầu não bộ bắt đầu hoạt động tự chủ. Bán  cầu trái tuyến tính hơn, phân tích và khoa học trong  hoạt động; trong khi bán cầu phải toàn diện hơn, tổng hợp và nghệ thuật. Chất lượng của sự hiểu biết trí tuệ bắt đầu đi vào cuộc sống thông qua các quá trình phân tích và tổng hợp. Các dữ liệu thu được trong thời thơ ấu, cũng như được tiếp tục, được chuyển đổi thành thông tin bởi bán cầu não giữ dữ liệu đó trong tâm trí trong khi bán cầu não ngược lại thực hiện phân tích của nó (bên trái) hoặc tổng hợp (bên phải), bắt đầu của giai đoạn Logic của sự hiểu biết. Chữ ‘giáo dục’ trong tiếng Anh có nguồn gốc từ giáo dục Latin, có nghĩa là rút ra. Để rút ra thông tin từ dữ liệu thô, bắt đầu từ giai đoạn văn phạm. Theo Jean Piaget, trẻ em khi sinh ra tới 2 tuổi, tìm hiểu thế giới qua giác quan. Từ 2 tới 7 tuổi phát triển trí nhớ và trí tưởng tượng. Từ 7 tới 11 tuổi, ý thức hơn về những biến cố xảy ra. Và từ 11 tuổi trở lên, bắt đầu sử dụng logic để giải quyết các vấn đề. Tuổi vị thành niên thường được đánh dấu ở tuổi 21 khi sự phát triển xương thường chấm dứt, hóa học cơ thể chuyển hóa từ chủ yếu có tính axit sang độ kiềm, và răng hàm thứ ba (răng khôn) mọc ra. Người lớn bây giờ được định vị hoàn toàn theo nghĩa vật lý. Cơ thể và não bộ tiếp theo không thay đổi cho đến giữa tuổi 50.

Quay trở về nhà

Giáo dục cổ điển từ thời Phục hưng đến 1880s, bắt đầu chuyển qua giáo dục hiện đại, thường được gọi là giáo dục tiến bộ (progressive education), nhanh hơn vào thập niên 1900s. Giáo dục tiến bộ lấy trẻ em làm trung tâm (child-centered), bắt nguồn từ ý tưởng trong luận thuyết giáo dục của Rousseau, cho rằng trẻ em vốn tốt và đơn giản, chỉ cần để trẻ em phát triển một mình theo tính tốt và bản năng tự nhiên của các em. John Dewey được coi là người khởi xướng phong trào trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng tại Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Học sinh được yêu cầu khám phá và đặt câu hỏi về thế giới xung quanh, quá khứ, hiện tại và tương lai, và hiểu biết thế giới với những quan điểm khác nhau. Các kỹ năng học tập và thực hành được tích hợp vào các bối cảnh có ý nghĩa, chịu trách nhiệm không chỉ cho hành động cá nhân, mà còn cho cộng đồng nói chung. Giáo dục nhấn mạnh vào các môn học hữu ích (bao gồm cả nghề nghiệp), “học bằng cách thực hành”, thảo luận nhóm, hơn là giảng dạy hoàn toàn từ sách giáo khoa, chuẩn bị cho học sinh đáp ứng với đời sống xã hội, môi trường đa văn hóa, phát triển các kỹ năng xã hội. Giáo dục tiến bộ phát triển chủ yếu nghiêng về não trái, quan tâm tới khoa học và lý luận để phát triển tâm trí, sản sinh ra lớp người thích cấu trúc, lập kế hoạch, làm việc một mình và giải quyết các vấn đề với logic. Điều ngẫu nhiên, từ khi giáo dục tiến bộ được áp dụng, cũng là thời điểm nổi lên phong trào thơ tự do, một loại thơ thuần lý, ảnh hưởng thế giới phương Tây suốt thế kỷ 20.

Tới năm 1947, trong bài nói chuyện ở đại học Oxford, “Những công cụ học tập đã mất” (The Lost Tools of Learning), Dorothy Sayers quay về giáo dục cổ điển, với sự biến cải. Theo bà, tam khoa là phương pháp xử lý những môn học, còn tứ khoa bao gồm những môn học, vì vậy hồi phục giáo dục cổ điển thật ra chỉ cần hồi phục lại căn bản của giáo dục là tam khoa. Tam khoa, trên thực tế, dạy cho học sinh cách sử dụng đúng đắn các công cụ học tập, trước khi bắt đầu áp dụng chúng vào “những môn học”. Nhưng ý kiến của Dorothy Sayers phải chờ đến hơn 3 thập niên sau, tới năm 1990, Douglas Wilson xuất bản cuốn “Recovering The Lost Tools of Learning”, bài nói chuyện của Sayers mới được nhắc lại, khởi động cho xu hướng quay về với giáo dục cổ điển, với trên 500 trường tư và khoảng 10 ngàn phụ huynh theo đuổi chương trình giáo dục tam khoa. Ở Mỹ có khoảng trên 2000 trường tư, độc lập về tài chánh và đường lối giáo dục, song song với hệ thống giáo dục chính qui. Thật ra, giáo dục tiến bộ, với những mâu thuẫn nội bộ và tư tưởng giữa các nhà sư phạm và quản trị đã dự báo sự sụp đổ của phong trào. Ví dụ, vào năm 1935, một nghiên cứu quốc gia trong đó các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 7000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại 24 trường trên toàn quốc đã chứng minh rằng học sinh trung học không biết nhiều về lịch sử của họ hoặc chính phủ (Emery, 1936). Hartman đánh giá các phong trào giáo dục tiến bộ trong những năm 1950, như là một thất bại bởi vì đã sai lầm trong việc truyền đạt giá trị cho các trường học của Mỹ. Và năm 1955, cơ quan quản trị chính của phong trào giáo dục tiến bộ đóng cửa, định hướng chung của giáo dục Mỹ chấp nhận các nghiên cứu học thuật cổ điển. Cuối năm 1960 và đầu những năm 1970, số lượng các trường học tiến bộ đã suy giảm, và nổi lên phong trào giáo dục tại gia (homeschool), chống lại giáo dục tiến bộ, đã lên tới gần 2 triệu trẻ em vào năm 2003 (homeschool được cung cấp miễn phí software học tập, chương trình giảng dạy, tài liệu giáo khoa, các video giảng dạy). Trở lại với bài nói chuyện, Dorothy Sayers không đặt ra vấn đề tuổi tác (áp dụng cho cả những người lớn tuổi), và tên gọi văn phạm, lý luận và hùng biện của tam khoa cũng chỉ những ẩn dụ, vì tam khoa là phương pháp học về bất cứ môn học nào.

Giai đoạn văn phạm (9 - 11 tuổi), được gọi là Poll-Parrot (bắt chức): Trong giai đoạn này học sinh học thuộc lòng, chấp nhận mọi sự vật không thắc mắc hay đặt câu hỏi. Học sinh ghi nhớ qua thơ và văn xuôi, và làm đầy ký ức với những câu truyện và huyền thoại, học những biến cố, ngày tháng và con người qua lịch sử. Về địa lý, ghi nhớ các thủ đô, những dòng sông, ngọn núi, những kiến thức về cây cối, thú vật, và các hành tinh. Về toán học, những kiến thức về số học, hình học... Tóm lại là những kiến thức cơ bản của mọi bộ môn.

Giai đoạn lý luận, hay biện chứng (dialectic stage), từ 12 - 14 tuổi, được gọi là pert (xấc xược): Giai đoạn này được học cách suy nghĩ, cú pháp và phân tích, viết tiểu luận và phê bình, học số họ, hình học và toán cấp tiến. Về lịch sử, học sinh bàn cãi và tranh luận, nối kết giữa những biến cố. Dorothy Sayers đòi hỏi trẻ em dùng những dữ kiện, kiến thức, những câu truyện và ngày tháng được ghi nhớ trong ký ức ở giai đoạn văn phạm làm tài liệu để tranh luận. Nói tóm lại là dạy học sinh cách tư duy.

Giai đoạn hùng biện (14 - 16 tuổi), được gọi là poetic (thơ mộng): Cũng giống như hai giai đoạn đầu, giai đoạn hùng biện không hạn chế ở bất cứ môn học nào, mà truyền đạt kỹ năng diễn đạt qua mọi chủ đề. Nếu công việc giáo dục hoàn hảo, học sinh sẽ biết làm sao để ghi nhớ, phân tích những dữ kiện này và áp dụng một cách sáng tạo trong cuộc đời. Đến cuối giai đoạn Logic, các học sinh có lẽ bắt đầu tự khám phá ra rằng kiến thức và kinh nghiệm của họ là không đủ. Trí tưởng tượng - thường không hoạt động trong thời kỳ Pert - sẽ tái hiện, và nhắc họ nghi ngờ những hạn chế của logic và lý trí. Điều này có nghĩa rằng, họ đang đi vào thời poetic. Những điều một khi đã học được bằng cách thuộc lòng sẽ nhìn thấy trong các ngữ cảnh mới và những điều một khi phân tích bây giờ có thể tập hợp lại để tạo thành một tổng hợp mới.

Khoảng thập niên 1990s, khi những chức năng não bộ phát triển, nhân loại bước qua một nền văn minh, với công nghệ thông tin, dĩ nhiên giáo dục cũng phải thay đổi để chuẩn bị bước vào thế kỷ 21. Các nguyên tắc giáo dục được liên kết trực tiếp với sự am hiểu khoa học thần kinh - The New Neuroscience Progressive Standards Framework (Khung tiêu chuẩn tiến bộ khoa học thần kinh mới) - bằng cách triển khai giữa triết học, tâm lý học và sinh vật học, khám phá sự học hỏi về lý thuyết, phát triển con người, khoa học và kỹ thuật (technology). Đến đầu năm 2000, khi internet và website phát triển nhanh chóng, giáo dục đang trở thành toàn cầu trên online.

Nếu văn minh cổ Hy lạp ảnh hưởng gián tiếp từ văn minh Ấn độ, qua ngả đường thương buôn cách đây trên 2500 năm, từ Ấn độ qua Mesopotamia (tương ứng với phần lớn Iraq, Kuwait, một phần của miền Bắc Ả Rập Saudi, phần phía đông của Syria, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng dọc theo Thổ Nhĩ Kỳ - Biên giới Syria và Iran - Iraq) tới Mycenaean (Hy lạp), thì nền văn minh bây giờ không còn tùy thuộc vào bất cứ nền văn hóa nào, mà là nền văn minh đa văn hóa. Nếu văn minh Hy lạp phát triển nhờ nền giáo dục phù hợp với sự phát triển của con người, thì giáo dục online hiện nay, cũng đang theo một tiến trình học hỏi, tương tự tam khoa. Những trường đại học nổi tiếng như Havard, Stanford, MIT... đều có những chương trình giáo dục online miễn phí. Phương pháp tự học không cần giáo chức, trường lớp, giai đoạn kiến thức chủ yếu dựa vào lý thuyết hoặc những tài liệu căn bản và có giá trị nghiên cứu của mỗi bộ môn, qua sự cung cấp miễn phí của những cơ quan phi lợi nhuận như The OpenCourseWare (OCW), The Open Learning Initiative (OLI), Learner.org, Academic Earth, The Massachusetts Institute of Technology, Big Think. Giai đoạn hiểu biết (lý luận) thay thế bằng nhóm thảo luận, lập ra những blog riêng, các diễn đàn, hay các phương tiện mạng internet... Tóm lại, phương tiện tự học gồm hai giai đoạn chính, tiếp thu kiến thức (lý thuyết) và thảo luận để có sự hiểu biết cặn kẽ vấn đề.

Phương pháp thơ

Văn minh Hy lạp với những tên tuổi và thành tựu cho đến bây giờ vẫn thường được nhắc đến. Về thơ, với Homer và hai bản hùng ca Iliad va Odyssey. Triết học với các triết gia Socrates, Plato, Aristotle. Toán học và thiên văn: Thales, Euclid, Archimedes, Pythagoras... Và y khoa với danh y, Hyppocates. Và sản sinh ra phương pháp giáo dục cơ bản, góp phần vào việc phát triển nền văn minh phương Tây. Trở lại với tam khoa, nếu “hùng biện” phát sinh từ những sinh hoạt dân chủ, đưa tới những thể chế dân chủ hiện nay ở phương Tây, thì “văn phạm” và “lý luận” là hai phương pháp chính của giáo dục. Lý luận, vì vậy, là cốt lõi của nền giáo dục, tạo môi trường cho học sinh tranh luận, tìm ra ưu khuyết điểm, đúng sai những kiến thức được truyền thụ. Trong khoa học, giúp khám phá và phát minh, trong triết học là tiến trình tìm kiếm chân lý, hình thành những triết thuyết ở mọi thời đại. Và trong văn học, giúp tưởng tượng, kết hợp các tình tiết để trở thành câu truyện trong kịch, tiểu thuyết, và trong thơ, giúp liên kết những ý tưởng để hình thành tư tưởng. Trong phê bình, lý luận phải dựa trên những bằng chứng cụ thể (văn phạm) mới có thể thuyết phục, phân tích để tìm ra cái hay, cái dở, không chỉ là những suy diễn mông lung, không liên hệ gì tới tác phẩm.

Từ trước tới nay, từ Đông qua Tây, thơ là một phần của giáo dục, là phương tiện phát triển ngôn ngữ và văn học, đọc và viết, khơi dậy tưởng tượng, cảm xúc, khả năng ghi nhớ và sáng tạo, cùng mối liên hệ giữa con người và thế giới chung quanh. Tuy nhiên, chương trình chỉ dạy cho học sinh đọc và hiểu có tính cách tổng quát, còn muốn trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp phải theo học những chương trình cao học. Ở Mỹ, với trên 500 trường cao đẳng và đại học có những lớp sáng tác (creative writing) nằm trong chương trình cao học nghệ thuật MFA (master of fine arts) đào tạo những nhà văn, nhà thơ, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Dĩ nhiên, một nhà thơ không cần tới học vị, nhưng cần kiến thức và nguyên tắc bao quát về thơ, là giai đoạn khởi đầu, và tiếp theo là giai đoạn nối kết những yếu tố đã được tiếp nhận trước đó, trong sáng tác, để có tác phẩm mang tính sáng tạo và thuyết phục ở giai đoạn cuối. Tam khoa trong thơ, qua ba giai đoạn: kiến thức, hiểu biết, và tác phẩm.

1/ Kiến thức: Thơ tiếng Anh ngoài những yếu tố như thể thơ, luật tắc, vần, nhịp điệu, các kỹ thuật như sự lập lại âm đầu (Alliteration), sự trùng âm (Assonance), ẩn dụ (metaphor), sự ví von (Simile), và những kỹ thuật của thơ tự do, còn có lý thuyết thơ. Những nhà thơ thể luật, thừa hưởng một nền giáo dục cổ điển, ngoài những sáng tác, còn có những tác phẩm tư duy về thơ. Với những phong trào tiền phong thơ tự do, họ coi lý thuyết cũng quan trọng như sáng tác. Vì vậy, kiến thức về thơ không dễ dàng tiếp thu chỉ với vài năm đại học, mà suốt đời.

2/ Hiểu biết: Thực hành sáng tác, phân tích kỹ thuật, phê bình thông qua những workshop, bao gồm một nhóm học viên cùng đọc, đưa ra những ý kiến phản hồi những tác phẩm của nhau, tập trung vào kỹ năng, cách áp dụng và kết nối những yếu tố thơ, chủ đề, và những kiến thức đã tiếp thu từ giai đoạn trước. Nhóm thảo luận nhấn mạnh đến việc khám phá và phát triển giọng điệu của từng cá nhân, đồng thời giúp chuyển bài thơ liền mạch hơn, những ý tưởng liên hệ và ăn khớp với nhau, đưa tầm nhìn của tác giả ra ánh sáng. Nhiều phong cách, cách tiếp cận thơ khác nhau, và kiến thức mới phát hiện trong các cuộc thảo luận, và học viên được khuyến khích thử nghiệm những phong cách mới.

3/ Tác phẩm: Hàm ý trong giáo dục cổ điển là tự diễn đạt, ở đây là kết hợp giữa giai đoạn kiến thức và hiểu biết trong sáng tạo, thể hiện nơi tác phẩm của người làm thơ.

Những nhà thơ, sau khi tốt nghiệp, vẫn tiếp tục gắn bó với hai giai đoạn kiến thức và hiểu biết trong sinh hoạt, với những bài viết, thảo luận và công bố tác phẩm trên các diễn đàn thơ. Câu hỏi được đặt ra, tiếp thu kiến thức là điều cần thiết trong giáo dục, nhưng tại sao giai đoạn lý luận cũng quan trong không kém? Theo Jean Piaget, nhận thức bao gồm sự chú ý, trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn, lý luận & lý trí, và xử lý thính giác (auditory processing), xử lý thị giác (visual processing), và tốc độ xử lý. Đó là những kỹ năng bộ não sử dụng để suy nghĩ, học hỏi, đọc, ghi nhớ, chú ý và giải quyết các vấn đề (ở đây là sáng tác). Theo mô hình này, sự chú ý, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn phát triển trong độ tuổi từ 2 đến 5. Xử lý thính giác và thị giác, yếu tố quan trọng cho kỹ năng đọc, phát triển từ 5 đến 7 tuổi. Lý luận và lý trí hình thành sau 11 tuổi, có khả năng kết nối tốt hơn giữa các ý tưởng. Trong giai đoạn logic, “liên kết các dữ kiện để tạo ra ý nghĩa, tìm kiếm sự thật, phân biệt đúng sai, học phương cách tư duy”, giúp học sinh chọn lựa những kiến thức quan trọng từ giai đoạn học thuộc lòng, tiếp tục ghi nhớ thêm những kiến thức mới, và đặc biệt, cách suy nghĩ qua tranh luận trở thành thói quen định hình, giúp giải quyết đúng các khó khăn trong cuộc sống.

Lý luận (logic) bắt nguồn từ truyền thống cổ Hy lạp, được khám phá đầy đủ bởi Aristotle. Aristotle định nghĩa logic là “lý luận mới và cần thiết”, “mới” bởi vì nó cho phép học những gì chúng ta chưa biết, và “cần thiết” bởi vì kết luận của nó là không thể tránh khỏi. Hệ thống logic nên có ba điều: nhất quán (không có định lý nào của hệ thống mâu thuẫn với nhau); vững chắc (các quy tắc chứng minh của hệ thống không cho phép suy luận sai lầm từ một tiền đề thực sự); và đầy đủ (không có những ý kiến đúng không thể chứng minh được trong hệ thống, ít nhất về nguyên tắc). Lý luận là nghiên cứu về lập luận (argument). Chữ “argument” xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là cách giải quyết (solution) hoặc bằng chứng (proof), phân biệt lý lẽ tốt, từ lý lẽ xấu. Như vậy có nghĩa là lý luận dùng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu với những bằng chứng cụ thể để lập luận làm sao thuyết phục người nghe về một đề tài nào đó. Trong giáo dục, logic dạy học sinh cách tư duy, kết nối và đào sâu sự hiểu biết những kiến thức mà học sinh đã tiếp thu từ giai đoạn văn phạm.

Tân hình thức Việt

Trong thời đại internet, có cơ hội tiếp xúc với mọi nền văn hóa của nhân loại như từ xa xưa chúng ta đã tiếp nhận các nền văn minh Trung hoa, Ấn độ, và thơ, cũng đã từng ảnh hưởng thơ Pháp, một thời đã là cái nôi văn hóa phương Tây. Ngày nay, đa văn hóa đang trở thành xu hướng toàn cầu. Những tạp chí thơ, tuyển tập, website đã chuyển dịch thơ từ nhiều ngôn ngữ qua ngữ tiếng Anh, và từ đó, được chuyển dịch qua lại nhiều ngôn ngữ khác. Bởi tiếng Anh đang là ngôn ngữ thông dụng nhất hiện nay trên thế giới. Và thơ tiếng Anh, cũng là dòng thơ ảnh hưởng tới nhiều dòng thơ của nhiều quốc gia. Nhưng với một nền giáo dục không có các giai đoạn như logic và hùng biện thì sao? Chúng ta cần bổ túc thêm bằng phương pháp tự học để thay thế chương trình cao học sáng tác như của thơ Anh, Mỹ. Nếu không tự học (kiến thức) và cuốn vào sinh hoạt viết (lý luận), thì những phát biểu sẽ hàm hồ, vô căn cứ, không thuyết phục được người đọc. Cái đọc (tiếp thu kiến thức) dù có chú tâm đến đâu, cũng không nói lên được sự hiểu biết, vì trong lúc đọc, chúng ta thường lướt qua những chi tiết, và chỉ khi viết xuống mới phát hiện ra. Cái biết, lúc đó mới toàn vẹn, và người đọc mới nhận ra sự thiếu sót và yếu kém của mình. Đó là đối với cá nhân, còn với một bộ môn, cần tới những nhóm thảo luận. Trong lúc thảo luận, chúng ta sẽ lọc ra những chi tiết nào trong lý thuyết chưa hiểu, chưa đầy đủ, cần bổ túc thêm, những chi tiết nào quan trọng hay không cần thiết. Thảo luận làm nẩy sinh những ý tưởng mới, nhận ra những ưu khuyết điểm, giúp loại bỏ những ý tưởng khó hiểu, bất hợp lý, sắp xếp lại để thành tư tưởng trong thơ. Thảo luận cũng cho chúng ta biết cách làm sao kết nối những yếu tố thơ phù hợp với những chức năng não bộ đáp ứng tiêu chuẩn nhịp điệu và ý tưởng trong thơ Tân hình thức Việt.

Thơ Tân hình thức Việt cần một phương pháp thơ vì đó là con đường dẫn tới sáng tạo? Trong giai đoạn kiến thức, chúng ta đã biết kiến thức đến từ đâu (tiểu luận Thơ và Không Thơ) nhưng đối với các bộ môn, ở đây là thơ, có hai loại: a/ là phần lý thuyết, đã nằm sẵn trong ký ức, do đọc, hiểu và nhớ. Loại ký ức này dùng để liên kết các yếu tố thơ với nhau, gợi nhớ trong lúc thực hành. b/ Loại kiến thức thứ hai được tiếp nhận qua kinh nghiệm, nghiên cứu (tìm kiếm thông tin trong sách vở hoặc internet), liên quan tới chủ đề thơ. Ở giai đoạn hiểu biết, chúng ta nối kết những ý tưởng liên hệ với nhau, đến từ kiến thức đáp ứng với chủ đề làm thành tư tưởng trong thơ.

Kiến thức là gì và tại sao người làm thơ cần kiến thức trong việc sáng tác? Ngắn gọn, kiến thức là những dữ liệu chuyên môn, hoặc kỹ năng tiếp thu được qua kinh nghiệm hoặc giáo dục bằng cách nhận thức, khám phá hoặc học tập. Còn ý tưởng là những gì chúng ta nghĩ. Sau khi có được kiến thức về một chủ đề đặc biệt nào đó, những ý tưởng được nẩy sinh. Nhưng những ý tưởng cần đến tưởng tượng vì ý tưởng và trí tưởng tượng sẽ không có giá trị cho đến khi nó được chuyển hướng đến một hành động (sáng tác). Trí tưởng tượng dựa trên kinh nghiệm và kiến thức về thế giới xung quanh chúng ta, kết hợp chúng với cái hoàn toàn không biết, để tạo ra một cái gì đó mới mẻ. Nói tóm lại, sáng tạo là dùng tưởng tượng buông lỏng những ý tưởng đã có để tạo nên những ý tưởng mới và giá trị. Vì vậy tưởng tượng quan trọng không kém kiến thức, và là chìa khóa của đổi mới và sáng tạo

1/ Tân hình thức có một lý thuyết thơ (Vũ Điệu Không Vần, Tân Hình Thức và Cách Làm Thơ, Thơ và Không Thơ)(*): cung cấp kiến thức và ưu khuyết điểm của nhiều nguồn thơ, tiêu chuẩn thơ, cách làm thơ, những chức năng não bộ, kết hợp với những yếu tố thơ, cân bằng giữa cảm xúc và trí tuệ trong sáng tạo. Nhưng đó cũng mới chỉ là những gợi ý để từ đó, qua những phương tiện tìm kiếm như google, có thể mở rộng thêm kiến thức chuyên môn.

2/ Thơ Tân hình thức Việt là một thể thơ mới, dùng lại các thể 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ lục bát, thêm những yếu tố như vắt dòng, lập lại, tính truyệnngôn ngữ thông thường. Đó là những yếu tố căn bản, nhưng khi áp dụng vào sáng tác lại không đơn giản. Thơ Tân hình thức Việt có cách làm thơ và và tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ hay, nhịp điệu ý tưởng. Nhịp điệu và ý tưởng là hai chức năng chính trong não bộ phải và trái. Nhịp điệu dùng để chuyên chở cảm xúc và ý tưởng, không đơn giản chỉ lập lại những câu chữ, mà phải kết hợp nhiều yếu tố khác trong thơ như giọng điệu, nội dung... vì khi ý tưởng gắn liền với khả năng sáng tạo thì nhịp điệu cũng vậy.

3/ Diễn đàn thơ Tân hình thức Việt, www. thotanhinhthucviet.com có hiệu quả giống như một wokshop, nếu sử dụng đúng cách.

Trong mục “Thơ Sáng Tác”, các bạn thơ có thể post thơ lên, và góp ý, phê bình với nhau về những bài thơ đó. Góp ý không phải chỉ là những ý kiến khen ngợi vu vơ, mà phải chỉ ra chỗ hay, chỗ dở, dựa vào các yếu tố thơ như cách chọn chữ, liên tưởng, nhịp điệu, hình ảnh và âm thanh; nhận xét về những điểm mạnh, điểm yếu, sự rõ ràng, cảm xúc, giọng điệu, cú pháp, sự ngạc nhiên... và chủ đề, ý nghĩa liên kết mỗi đoạn thơ để thành tư tưởng thơ. Sau đó chỉnh sửa lại cho bài thơ hay hơn.

Trong mục “Thảo Luận”, nhà thơ có thể viết những tư duy của mình về thơ Tân hình thức Việt, dựa theo lý thuyết thơ. Nhà thơ cũng có thể thảo luận với nhau về mọi chi tiết trong lý thuyết thơ, điểm nào quan trọng và cần khai triển thêm, điểm nào chưa rõ ràng cần giải thích và bổ sung. Người tham gia cũng có thể post lên những tiểu luận ngắn về tư duy thơ, đưa ra những ý tưởng mới đóng góp cho việc phát triển thơ Tân hình thức Việt.

Thơ Tân hình thức là một dòng thơ mới, không thể phát triển nếu không có phương pháp tư duy về lý thuyết, sao cho phù hợp với khả năng và kinh nghiệm của mình, và nhận ra, kiến thức và hiểu biết là động lực cơ bản, và nằm trong tiến trình của sáng tạo. Dĩ nhiên, có người không đồng ý và cho rằng, thơ thuộc trạng thái cảm giác chứ không phải lý luận. Với Tân hình thức Việt, thơ là cái toàn thể, cả cảm giác lẫn lý luận. Đúng hơn, thơ là cảm xúc và nhận thức (cảm nhận), và muốn có nhận thức, phải có lý luận, vì thế chúng ta cần một phương pháp thơ.

K.I  
(SHSDB30/09-2018)

----------------
(*) Ba tiểu luận Vũ Điệu Không Vần, Tân Hình Thức và Cách Làm Thơ, Thơ và Không Thơ ở dạng Ebook, PDF, bạn đọc có thể tìm đọc  trong mục “EbooK” nơi các website: - www.thotanhinhthuc.org; - www.thotanhinhthucviet.vn.




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng