Nghiên Cứu & Bình Luận
Đọc lại văn xuôi Võ Hồng
15:00 | 11/01/2019

NGUYỄN SỸ TUẤN

Nhân giỗ lần thứ 5 nhà văn Võ Hồng (2013 - 2018)

Đọc lại văn xuôi Võ Hồng

Ngân Sơn là một làng quê nhỏ bé ở Tuy An, Phú Yên, là quê hương của Võ Hồng (1921 - 2013), nên khi đặt bước chân vào con đường văn học ông mang theo cả cảnh sinh hoạt của làng quê vào Mùa gặt, truyện ngắn đầu tay in trên Tiểu thuyết thứ Bảy (1939), với bút danh Ngân Sơn. Những năm trọ học xa, rồi tham gia kháng chiến, qua nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, đã góp thêm vốn sống cho công việc sáng tác sau này của nhà văn. Do đó, ưu điểm dễ nhận ra ở Võ Hồng là ông có khả năng đi sâu khai thác nhiều mảng hiện thực đời sống khác nhau, theo dõi và trình bày nhiều số phận khác nhau, đi qua nhiều không gian và thời gian khác nhau của một đời sống đa diện, nhiều chiều.

Khác với nhiều người, đời văn của Võ Hồng gắn liền với một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Ở quãng đường đi dài cùng với nhân dân miền Nam, ông vẫn giữ cho ngòi bút của mình đứng thẳng, không thách thức nhưng vẫn ngạo nghễ, thái độ khách quan trung thực với lương tâm của người cầm bút. Tất cả những gì hiện ra dưới ngòi bút của ông, trước khi biến thành mực chảy thấm vào trang sách, đã chảy qua trái tim yêu nước bắt nguồn từ truyền thống dân tộc, loang thấm dần qua hai cuộc kháng chiến. Quả thật, không có gì quý bằng, trên quãng đường đi già nửa đời người, ông vẫn giữ được cái màu đặc sánh máu thịt của nhân dân, không hề bị phai loãng. Tư tưởng yêu nước của Võ Hồng, không thể hiện ở quan điểm chính trị khô khan, trực tiếp mà được hiểu ở một nghĩa rộng hơn, nâng lên ở một cấp độ cao hơn, khái quát hơn ở tấm lòng nhân ái, yêu thương nồng nàn đối với con người, với quê hương đất nước. Đó là chủ đề đi dọc quá trình sáng tác của nhà văn.

Xuất thân trong một gia đình khá giả ở nông thôn, những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm đã phổ vào tâm hồn nhạy cảm của ông một tình yêu quê hương sâu sắc; đến tuổi trưởng thành, ông lại được chứng kiến không khí sôi động của những ngày Cách mạng tháng Tám, rồi trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến của toàn dân. Điều ấy có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hình thành văn cách của Võ Hồng. Một số truyện ngắn trong hai tập Hoài cố nhân, Trầm mặc cây rừng và bộ tiểu thuyết liên hoàn Hoa bươm bướm, Như cánh vạc bay đã dựng lại một cách chân thực diện mạo đời sống kháng chiến của nhân dân các tỉnh Nam Trung bộ. Cố nhiên, không thể đòi hỏi ở Võ Hồng những gì mà ông không thể có được. Võ Hồng triển khai mạch văn trên một diện rộng, ngoặt ra nhiều ngả rẽ, hướng về nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống kháng chiến, dưới một hệ thống hình tượng nghệ thuật đa dạng và tập trung thể hiện các nhiệm vụ chính của công tác kháng chiến: chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm.

Bối cảnh làm nên Hoa bươm bướm Như cánh chim bay chỉ giới hạn trong phạm vi một vài địa phương mà người viết đã đi qua trong kháng chiến: Đà Lạt, Dran, Phương Cựu, Tuy Hòa, Phú Yên… nhưng nó có khả năng khái quát được hiện thực kháng chiến ở nhiều vùng, nhiều thời điểm lịch sử khác nhau trong thời gian chín năm ấy, với những phong trào, những sinh hoạt của nhân dân, cùng với con người thuộc đủ mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội, bước vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm một cách hăng hái, nhiệt tình và tự giác. Đó cũng là không khí chung của nhiều miền quê kháng chiến trên khắp đất nước lúc bấy giờ.

Đó là những người dân nghèo khó, khốn cùng “ở trần mãi đã đâm chai đi, đến lúc mặc áo vào lại sinh ra ngứa ngáy, khó chịu” như lão Tâm có cuộc đời “gần sáu mươi tuổi, hồi tưởng lại, không năm nào được thong thả, nghỉ ngơi” [1, Như cánh chim bay, tr.157]. Dẫu cách mạng đến lâu rồi, lão vẫn nghèo, đến nỗi không có cái cuốc để đi phá đường tiêu thổ kháng chiến. Nhưng cái nghèo bây giờ không làm lão nhụt chí, cái nghèo càng thúc đẩy lão lên tiếng bênh vực cách mạng, tranh cãi, đánh lại “kẻ bề trên” đã mấy đời đè đầu cỡi cổ dân đen, như Hương Năm Dòn. Đó là chị Hậu tất bật giữa chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện đồng áng nhưng vẫn không xao nhãng công tác; chị Tha cán bộ tuyên truyền hát sai nhịp nhưng đêm phát thanh nào cũng sẵn sàng lên “giúp vui đồng bào” một tiết mục…

Võ Hồng tỏ ra chân thực và tinh tế khi miêu tả người cán bộ, bộ đội. Đó là những người nông dân mặc áo lính: “Học được mười chữ, đánh vần ngọng nghịu oe, oet, oeo… thì tiếp đến có cuộc hành quân, bắn rát mặt, chạy hụt hơi, đến hồi trú quân giải lao, kiểm tra lại thì chữ nghĩa rơi rớt hết trọi. Chẳng biết rớt ở chặng đường nào, bờ bụi nào” (tr.102). Hiện thực cuộc kháng chiến sôi động, dưới bút lực của Võ Hồng hiện ra không chỉ toàn những điều tốt đẹp. Có cả những thiếu sót sai lầm của bản thân từng cán bộ phần lớn xuất thân từ thành phần lao động, ít học hành, có nhiều hạn chế về năng lực nên có lúc vi phạm cả chính sách (sai sót trong công tác vận động nếp sống mới, bài trừ mê tín, cưỡng bức bình dân học vụ, cố đóng đủ chỉ tiêu tuyển quân,…).

Khung cảnh đời sống kháng chiến hiện ra với tất cả sự phong phú và chân thực, có ý nghĩa phổ biến: cảnh dạy học trong những chòi lá và các cổng gác chận đường đó chữ, cảnh tăng gia sản xuất tự túc, cảnh tiêu thổ kháng chiến, các đường giao thông phải dùng goòng, cảnh làm lễ xung phong nhập ngũ, cuộc sống thiếu thốn phải thay xà phòng tắm bằng lá chuối non… hình như đã từng chứng kiến, đã từng trải qua và khảm vào trong ký ức thành kỷ niệm đẹp đẽ thời trai trẻ của thế hệ, hoặc từng nghe qua lời kể của cha ông thành máu thịt cuộc đời đi qua, để lại cho ta nên vóc nên hình. Không gian của tháng năm kháng chiến được tái hiện trên trang sách sôi động, như một mảng đời luôn cựa quậy, nhắc nhở, phát ra những âm thanh thu hút mọi người.

Hạn chế của Võ Hồng ở các tiểu thuyết này là nhân vật trung tâm chưa được ông dụng công khắc họa nổi bật, chưa có quá trình phát triển tính cách một cách rõ nét và phù hợp với logic đời sống. Người viết thường sa vào các chi tiết vụn vặt để cho chất liệu đời sống ùa vào lấn át sự phát triển của tính cách, làm cho truyện gần với hồi ký hơn là tiểu thuyết. Những hạn chế này được khắc phục trong các truyện ngắn ở hai tập Hoài cố nhân Trầm mặc cây rừng. Đây là những trang đời đầy xúc động về những năm tháng không yên trước và sau cách mạng bùng nổ. Những trang văn đẹp, những hoài niệm trữ tình về thời trai trẻ, có thể nói là một trong những trang văn hay nhất viết về Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Tuy Hòa. Đôi khi chỉ là truyện tình yêu lứa đôi (Hoài cố nhân, Ngày xưa, Hà Vi, Trầm mặc cây rừng… ) vẫn có sức liên tưởng, gợi lên những tình cảm lớn lao về lịch sử oai hùng của dân tộc còn hắt sáng lên trong khoảng sâu thẳm của tâm hồn người đọc, dội mãi vào mai sau.

Viết về thực tại của xã hội vùng tạm chiếm miền Nam, Võ Hồng tiếp tục ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, những người nông dân chân chất sống giản dị, mộc mạc: “Quê hương được nuôi dưỡng, được bồi đắp, được bảo vệ bằng sức cần lao âm thầm của đại đa số những con người sống đạm bạc, nghèo nàn nơi thôn quê chứ đâu phải nhờ lớp thị dân sung sướng nơi thành phố” [2]. Ở truyện dài và tiểu thuyết, Võ Hồng đã dựng được không khí xã hội hiện thực, neo chặt vào dòng chảy của thời gian và có dư vang trong đời sống đa chiều; chỉ ra được con đường phát triển, đời sống nội tâm của nhiều nhân vật tiêu biểu, phổ biến, có tác dụng sâu sắc và lâu bền trong tâm tưởng người đọc.

Qua trang viết, Võ Hồng thường biểu lộ mọi điều tốt lành cho mọi người, mọi nhà… Thế giới nhân vật của ông là thế giới của những con người yêu thương, độ lượng. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật nào cuối cùng cũng có thể trở thành con người tốt. Ông đánh thức thiên lương ở mỗi người, bằng cách kéo tất cả những gì tốt đẹp về phía mình, những người tốt bụng về đứng chật tâm hồn nhân ái, ấm áp tình người của mình. Do vậy, kết thúc của những tác phẩm dài hơi thường bế tắc, phải tìm đến một giải pháp áo tưởng với các thiên đường ở trên cao ở ngoài cuộc đời thực: Thuyên chết, Nhàn về quê nuôi con và lập cơ quan từ thiện (Gió cuốn); cuộc đời khốn cùng của bé Thúy cuối cùng gặp tình thương của dược sĩ Uyên (Nhánh rong phiêu bạc); bé Ngọc cũng gặp được gia đình tốt bụng nhận làm con nuôi (Công chua lạc loài); James Huỳnh không trả thù Khải và Băng Trinh mà bỗng nhiên hào hiệp giải tán băng du đãng để làm lại cuộc đời (Thiên đường ở trên cao). Tư tưởng nhân ái của Võ Hồng đã giúp ông dễ dàng thành công khi xây dựng nhân vật tích cực, chính diện, nhưng đối với nhân vật xấu, nhân vật phản diện ông thường rơi vào mơ hồ, giản đơn. Tâm hồn Võ Hồng như được đúc bằng một khối thủy tinh trong suốt tình thương, không chịu nổi những va chạm mạnh, nên đôi khi lên án cái ác cũng hết sức ngọt ngào.

Đọc Võ Hồng, chúng ta khó tìm thấy những tư tưởng lộ liễu, tính gay cấn và những lời lẽ mạnh mẽ. Như một cao thủ có nội công thâm hậu, ông chỉ nói về những việc bình thường, những chuyện có thật trong đời sống quanh mình, chuyện của chính bản thân và gia đình, những chuyện không có chuyện chi để viết. Tư tưởng sâu sắc lại được biểu hiện qua những chi tiết hết sức bình thường, người đọc không phải truy tìm ở nhiều tầng nhiều lớp xa xôi cũng có thể nhận thức được vấn đề. Biệt tài dựng truyện, tạo không khí cho truyện và xương thịt cho tính cách qua từng nét phác thảo cô đọng, làm cho Võ Hồng gần với Nam Cao. Ở ông có cái hóm hỉnh sinh động của Nguyễn Công Hoan, tình cảm nhẹ nhàng chân chất và thiết tha của Thạch Lam, lại có cả sự sắc sảo của Nam Cao. Không phải là sự cộng lại pha tạp, ảnh hưởng mà là sự nhất quán của một văn cách tài hoa theo kiểu Võ Hồng.

Võ Hồng là người thận trọng, chăm chút, lựa chọn để đặt đúng chỗ, đúng câu, từng chữ ngôn ngữ nhân vật để thể hiện đúng trình độ, lứa tuổi, địa vị xã hội. Cách viết của ông giản dị nhưng giàu hình ảnh, kết hợp với lối tư duy giàu sức liên tưởng, nhờ đó mỗi hình tượng của ông đều có sức gợi cảm theo cấp số nhân, những liên tưởng vừa dí dỏm vừa tinh tế tạo cho ý nghĩa thẩm mỹ nhiều sắc diện đa dạng. Võ Hồng là người có vốn sống phong phú, nhạy cảm, nắm bắt được tâm lý của nhiều loại người khác nhau: sự sa ngã tất yếu của một người xuất thân từ tầng lớp trên sa sút như Thuyên (Gió cuốn), cái sắc sảo của người đàn bà góa ở nông thôn Việt Nam như cô Ba Hường (Dấu chân sa mạc), cái chân chất của người cần lao như anh Năm Nhiều (Thế giới của Năm Nhiều), cái chập chờn khoái cảm của những người nghiện ma túy (Thiên đường ở trên cao), cái ngây thơ hồn nhiên của bé Thúy (Nhánh rong phiêu bạc), bé Ngọc (Công chúa lạc loài)…

Đến với văn học, Võ Hồng đã đặt chân qua nhiều lĩnh vực: thơ, phê bình và cuối cùng tìm thấy chỗ đứng của mình trong văn xuôi. Nhưng có lẽ ở truyện ngắn ông thành công nhiều hơn là truyện dài, tiểu thuyết. Truyện ngắn Võ hồng không đi sâu vào những bi kịch gia đình để khái quát lên thành bi kịch xã hội như ở các thể loại dài hơi, mà đi vào những mảnh đời riêng lẽ, những thoáng chốc chênh vênh trong tâm trạng con người, cũng có khi gợi lên từ những phản cảm để đưa đến đồng cảm. Kết thúc truyện ngắn luôn chặt chẽ, phù hợp với vấn đề theo chu kỳ của ý đồ nghệ thuật. Những truyện ngắn xuất sắc của Võ Hồng, sẽ còn làm say lòng nhiều thế hệ người đọc như Lương Mai, Trong vùng rêu im lặng; những trang viết về nông thôn Việt Nam như Tình yêu đất, Dấu chân sa mạc; những trang miêu tả Hà Nội cổ kính lung linh qua Hoài cố nhân, Ngày xưa; những trang đời đầy nặng ôm lấy số phận những con người miền trung hiền lành, dung dị trong Như con chim sơn ca, Bên đập Đông Cháy… Hình như Võ Hồng không hề viết theo đúng nghĩa của động tác cơ học, mà là thể hiện, trải rộng tâm hồn mình ra trang giấy rồi gài lại, ghim lại từng mối chỉ lóng lánh kim tuyến tạo nên truyện một cách tự nhiên. Nhiều truyện có thể dừng lại nhưng người đọc lại bất ngờ biết thêm một quãng đời của nhân vật mà cũng chặt chẽ, không tản mạn, nhàm chán (Bí mật của anh Đỗ Cúc, Lương Mai, Thế giới của Năm Nhiều).

Võ Hồng rất giỏi kể chuyện. Trình tự phát triển của nghệ thuật miêu tả thường khảm vào một cốt truyện mang tính tự sự. Trong khoảng cách giao thoa ấy bao giờ cũng xuất hiện âm hưởng nồng nàn của tình người. Nhưng cũng chính lối kể chuyện trên lại làm cho các tác phẩm dài hơi của ông rơi vào tản mạn, thiếu tập trung vào chủ đề, thiếu xung đột gây nên những xúc động mạnh mẽ. Truyện của Võ Hồng thường xuất hiện ở ngôi thứ nhất - người dẫn truyện - và hẳn là cũng từ chuyện mình, gia đình mình mà nói ra thành chuyện người, chuyện xã hội. Tâm hồn người viết là khối thủy tinh trong suốt, hắt ra một thứ ánh sáng dịu dàng bao phủ lên từng số phận, soi tỏ xâu chuỗi được tất cả những gì diễn ra trong thực tại.

Bên cạnh đó, tuy nhận ra sức mạnh to lớn của nhân dân, nhưng đôi khi ông tỏ ra thiếu tin tưởng, dao động. Trong khi đó hầu hết nhân vật trung tâm mà Võ Hồng đặt tất cả tình yêu thương của mình mà tập trung khắc họa một cách tích cực, như Luân, Quy (Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay), Ngọc (Công chúa lạc loài), Thúy (Nhánh rong phiêu bạt), Băng Trinh, Khải, Kiều Chân (Thiên đường ở trên cao)… đều là những người xuất thân từ tầng lớp trên, sa cơ thất thế bị đẩy vào khốn cùng. Hạn chế này do định kiến của bản thân người viết, lại là ưu điểm nổi bật của riêng ông khi đi sâu khai thác những bi kịch cá nhân của những người thuộc tầng lớp trên gắn liền với những thăng trầm của đất nước, của dân tộc.

Hai mảng hiện thực lớn được phản ánh trong sáng tác của Võ Hồng bổ sung cho nhau làm tăng thêm sức mạnh tư tưởng yêu nước của nhà văn. Đề cao tính người, với những khát vọng của nó, khẳng định cái phần tốt trong con người để chống chọi lại những nguy cơ hiểm ác từ bên ngoài con người, có cái nhìn bao dung đối với sai lầm, độ lượng đối với phần xấu trong con người để thức tỉnh trong họ sự lương thiện - đó là kiểu viết của Võ Hồng và ông có nhiều thành công đáng ghi nhận.

Điều quan trọng hơn là những vấn đề Võ Hồng đặt ra cho đến nay vẫn chưa hết tính thời sự, những hình mẫu con người được nhà văn tạo ra vẫn sống mãi, những cái ác nhà văn lên án vẫn còn “trường sinh bất lão”, sống dai dẳng trong đời sống xã hội. Bởi lẽ, Võ Hồng đi từ con người, xoay quanh những vấn đề của con người. Lối sống chạy theo đồng tiền chà đạp lên tất thảy mọi giá trị, khuynh hướng vật chất hóa con người, lãnh đạm trong mọi mối quan hệ; những kẻ cơ hội, phản bội, lợi dụng chức quyền tham ô hối lộ thời nào cũng có; tiếng kêu thống thiết chống chiến tranh, xây dựng hòa hợp hòa giải, xây dựng tình thương yêu con người, vì con người,… bàng bạc trong từng câu chữ, khảm vào từng mạch văn làm xao động lòng người.

N.S.T
(SHSDB31/12-2018)

........................................................
[1] Những trích dẫn chỉ ghi số trang là trích từ tác phẩm  của Võ Hồng.
[2] Võ Hồng, Giai phẩm Văn, số đặc biệt về nhà văn Võ  Hồng, 1974.  





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Phương pháp thơ (01/11/2018)