Nghiên Cứu & Bình Luận
Đường bay của chữ
09:51 | 22/02/2019

VĂN THÀNH LÊ

1.
Còn nhớ, bế mạc Hội Sách thành phố Hồ Chí Minh lần 8/2014, lần đầu tiên top 10 cuốn sách bán chạy gọi tên những tựa sách mà đọc lên, nhiều người viết gạo cội cứ thấy sao sao, sên sến, lòng vòng luẩn quẩn,…

Đường bay của chữ
Hội sách TP.HCM lần thứ VIII - 2014 - Ảnh: VNAV

Buồn làm sao buông, Người yêu cũ có người yêu mới, Thương nhau để đó, Nếu như không thể nói nếu như. Và tác giả, lần lượt là Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương, Jun Phạm, những người viết trẻ măng, xa lạ với văn đàn. Đứng cạnh 4 cuốn sách trên đều là những tác giả - tác phẩm nặng kí, với Hỏa ngục của Dan Brown, Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh, Thám tử Conan của Gosho Aoyama, Đảo của Nguyễn Ngọc Tư, Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie. Chưa hết, Anh Khang qua mặt luôn “ông kẹ” của mọi kì Hội Sách, là Nguyễn Nhật Ánh, khi Buồn làm sao buông xếp đầu bảng.

Mặc kệ người viết đi trước dạn dày kinh nghiệm chữ giật mình pha hoảng hốt, không hiểu sao những cuốn sách ghi chép cảm xúc mới lớn kiểu vụn vặt, triết lý nửa vời, thậm chí vẽ ra thế giới ở nơi xa lắc nào đó, không thực, lại có thể bán chạy được? Mặc kệ người đọc khó tính thắc mắc đây có phải là văn chương không, hay chữ đội lốt văn chương? Mặc kệ sau Hội Sách, có nhà văn phát ngôn trên mạng xã hội, đại ý: Không phải cứ nhiều trang giấy có chữ được kẹp giữa hai cái bìa thì đều gọi là sách. Một nhà văn khác, là biên tập viên của đơn vị xuất bản tên tuổi, được giám đốc nhà xuất bản ấy đặt cuốn Buồn làm sao buông trước mặt, nói đọc xem có thể viết được như vậy để thành sách best seller không? Nhà văn này đọc rồi ngơ ngác, bảo không nuốt hết được. Mặc kệ tất cả những điều ấy, một thế hệ viết mới, một cộng đồng viết mới, đa số sinh sau 1990, đã xuất hiện, đông đảo, khác hẳn thế hệ 8x trở về trước, và thực sự phả một làn gió mới vào thị trường sách có phần bình bình, đều đều như vốn dĩ trước giờ vẫn thế.

Nếu nhìn lại, trước đó chưa lâu, khởi đi đã có lứa văn trẻ 8x xuất hiện theo trào lưu văn chương mạng, với những cái tên như Hà Kin (Chuyện tình New York), Trần Thu Trang (Cocktail cho tình yêu, Phải lấy người như anh, Nhật ký tình yêu TIO), Keng (Dị bản, Hồng Gai - Về nhan sắc danh giá và phù phiếm, Đôi mắt không còn ướt nước), Gào (Cho em gần anh thêm chút nữa, Nhật kí son môi,…) v.v. Tuy nhiên, cảm giác văn chương mạng 8x mới chỉ dừng ở những cuộc chạy đà, phải đến sự kiện Hội Sách thành phố Hồ Chí Minh lần 8 với thế hệ viết 9x thì thể loại được gọi với hai từ “ngôn tình” này mới chính thức lên ngôi.

2.
Thực tế, khách hàng tạo nên/ quy định thị trường. Và Sài Gòn luôn là thị trường lớn nhất cả nước, trong đó có thị trường sách. Thành phố phương Nam này luôn là nơi bắt đầu, khởi đi, định dạng những trào lưu, xu hướng. Phần đa những xé rào, mới mẻ là từ đây. Văn chương cũng không là ngoại lệ. Những hội/ nhóm chính thống/ phi chính chống (văn chương ngoại biên) xuất hiện sớm ở Sài Gòn, như nhóm Ngựa Trời, rồi Mở Miệng. Văn chương đề tài đồng tính cũng bước ra từ đây, bởi nhà văn Bùi Anh Tấn. Vì vậy, dù Trang Hạ ở miền Bắc, là người đưa ngôn tình từ Trung Quốc, Đài Loan vào Việt Nam, thì ngôn tình vẫn chọn Sài Gòn để nảy nở cũng không có gì là khó hiểu. Đấy là từ phía người viết.

Thực tế nữa, hiện nay đọc sách nhiều nhất là giới trẻ, quan sát người đi nhà sách, đến Đường sách/ Phố sách, đặt sách online đều dễ dàng nhận ra điều này. Độc giả ở phổ tuổi từ học sinh phổ thông đến sinh viên chiếm tỷ lệ cao nhất, là độ tuổi có thời gian để đọc sách và có điều kiện để mua sách, nhất là ở Sài Gòn. Và đây là từ phía người đọc.

Từ điều kiện cần và đủ trên, những cuốn sách của Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Jun Phạm, tiếp đến là Nguyễn Ngọc Thạch, Phan Ý Yên, Ploy Ngọc Bích, Kawi Hồng Phương, Born, Sơn Paris cùng rất nhiều những cái tên khác nữa, hoặc thuần Việt hoặc nửa tây nửa ta, kể hết phải dằng dặc dài, liên tục ra mắt người đọc trẻ, thậm chí với mật độ dày đặc.

Qua rồi thời văn chương chữ nghĩa hữu xạ tự nhiên hương. Với các tác giả cuối 8x đầu 9x này, hình ảnh người viết “đóng cửa bảo chữ” cho tư duy tràn ra bàn phím chứ không tràn ra theo đường miệng, đã xưa như… cổ tích. Các cây viết này làm hình ảnh, từ ăn mặc, kiểu tóc, đến tương tác trên mạng xã hội để kéo fan không khác gì diễn viên, ca sĩ. Sự kiện ra mắt sách được chăm chút từng li từng tí. Ra mắt sách không đơn giản là câu chuyện của… sách, mà là cả chương trình nghệ thuật tạp kĩ, với ca hát, với biểu diễn nghệ thuật đường phố, với sao này sao khác tới dự… Mỗi cuốn sách còn kèm ca khúc MV đầu tư lộng lẫy đi kèm. Cả một ekip và kế hoạch truyền thông được chuẩn bị từ khi tác giả mới nghĩ ra… tên cuốn sách. Thậm chí, chấp nhận cả truyền thông “bẩn”, gây tác dụng ngược, miễn là tạo được sự chú ý.

Bên cạnh văn xuôi là thơ. Hàng loạt những tác giả thơ với trang cá nhân có lượng fan lớn được các công ty sách chăm bẳm, như Du Phong, Huyền Thư, Nguyễn Phong Việt… Các tập thơ phát hành trên 5.000 bản, con số mơ ước của những nhà thơ gạo cội. Thậm chí có tập thơ của Nguyễn Phong Việt phát hành trên 30.000 bản. Tất nhiên, đấy là con số truyền thông. Hầu như sách của các tác giả trẻ mới chỉ ra mắt độ nửa tháng, khi báo/ đài chưa tiêu hóa hết thông cáo báo chí, đã kịp nã thêm thông cáo báo “win - chiến thắng” trong việc phát hành, với những con số như đã bán hết 3.000, 5.000 hay 10.000 bản và loan đi quyết định tái bản. Đám đông độc giả mới lớn được dịp lên đồng. Mỗi người làm sách và người biết “soi” thị trường sách hiểu con số này thực hư ra sao. Bởi kể cả có in vài chục nghìn bản, thì cũng không đồng nghĩa với việc sách rời khỏi đơn vị làm sách là đã đến tay độc giả, sách vẫn còn nằm trên kệ của các đơn vị phát hành, thậm chí ở kho sách của các nhà phát hành để chờ vào vòng giảm giá sâu ở các kì hội sách vốn diễn ra dày đặc vài năm gần đây là chuyện thường.

3.
Có anh bạn biên tập viên kì cựu và say nghề, khi cà kê chuyện về văn chương và thị hiếu đọc hiện nay, tỏ ra lo ngại cho người trẻ. Tôi trấn an với hai lý do, thứ nhất: văn chương càng thật sự là văn chương, càng không phải của số đông. Dù không thể phủ định sự cần thiết của truyền thông thì văn chương vẫn không đứng về phía ồn ào; thứ hai: cái gì thuộc về trào lưu, thời trang sẽ đến nhanh và qua cũng nhanh. Kể cả người tạo ra nó lẫn người tiếp nhận nó.

Những tác giả văn chương mạng thời kì đầu như Hà Kin, Trần Thu Trang, Keng… đã yên bề phía nào đó mà không chọn đi cùng với chữ nữa. Các tác phẩm của họ cũng trôi cùng tác giả. Hội Sách thành phố Hồ Chí Minh lần 10/2018 vừa rồi, “nhiệt” ở các cuộc giao lưu ra mắt sách của các tác giả ngôn tình cũng giảm xuống, thậm chí giảm sâu. Quẩn quanh cỡ trên dưới 50 độc giả hiện hữu ở các buổi giao lưu. Dù chụp lên hình vẫn thấy đông, đấy là người ở… gian hàng sách kế bên chứ không phải đến với tác giả như cách đây 4 năm.

Thêm nữa, độc giả 9x giờ đã lớn, họ bắt đầu đọc khác rồi, những bạn sinh sau năm 2000 cũng đọc khác. Sau 4 năm, tôi lờ mờ nhận ra thời ngôn tình sắp qua. Thay vào đó là sách du kí - trải nghiệm cá nhân, sách kĩ năng, sách giúp người trẻ nhân diện bản ngã, đánh thức tiềm năng, định hướng tương lai đang được tiếp nhận mạnh mẽ hơn. Những tác giả như Đinh Hằng (Quá trẻ để chết - Hành trình nước Mỹ, Chân đi không mỏi - Hành trình Đông Nam Á), Khải Đơn (MeKong phù sa phiêu bạt, Đừng tháo xuống nụ cười), Rosie Nguyễn (Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Ta ba lô trên đất Á),… đang hút người đọc trẻ hơn.

Và thời nào, các tác phẩm văn chương thật sự vẫn đứng “riêng một góc trời”, khu biệt, ít lẫn với những ồn ào.

4.
Ở góc độ phát triển và thị trường, các trào lưu, xu hướng như văn chương mạng, văn chương ngôn tình là tự nhiên, cần thiết. Văn đàn sẽ đa dạng và phong phú hơn. Nhưng rõ ràng, căn cứ vào bộ phận nhỏ này để đo sức khỏe của văn học trẻ là lệch lạc và thiếu thuyết phục.

Và thời nào cũng luôn có những người trẻ lao động chữ nghiêm cẩn thực sự, hướng đến văn chương theo nghĩa… văn chương. Dẫu là thầm lặng. Người trẻ tìm tòi, xác quyết con đường khó, để chạm đến… chính mình. Nếu như độc giả quy định thị trường chữ thì nhà văn thực sự sẽ tự biết cách quy định văn chương của mình, chứ không chiều theo thị hiếu đám đông. Như cách nhà văn trẻ Tiểu Quyên từng chia sẻ ở bàn tròn Nhân diện văn chương trẻ phương Nam trên sóng Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, rằng: “Viết, trước hết là chiều chính bản thân mình, phải tự biết tạng viết của mình, để đi đến tận cùng mình”.

Còn đó, nhiều người viết trẻ nữa, như Tiểu Quyên.

Ở văn xuôi là Nguyễn Thị Kim Hòa (Cửa sổ phía Đông, Con chim phụng cuối cùng…), Đinh Phương (Nhụy khúc, Đợi đến lượt…), Lê Vũ Trường Giang (Đi như là ở lại, Nở - tàn biên niên kí), Trần Băng Khuê (Bức tường trong chai tequila), Tru Sa (Trăng tang, Ảo giác mù)… rồi 9x là Nguyễn Dương Quỳnh (Đỏ, Thị trấn của chúng ta, Thỏ rơi từ mặt trăng), Huỳnh Trọng Khang (Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ), Cao Nguyệt Nguyên (Trăng màu hổ phách, Nguyện của đêm),… Thơ là Nhã Thuyên (Rìa vực, Từ thở, ngững người lạ), Du Nguyên (Mục xó xỉnh cười, Khúc lêu hêu mùa hè), Nguyễn Thế Hoàng Linh (Em giấu gì ở trong lòng thế, Mật thư, Ra vườn nhặt nắng), Nồng Nàn Phố (Anh ngủ thêm đi anh em phải dậy lấy chồng, Yêu lần nào cũng đau, Mang san hà đổi lấy duy nhất một người thương), Từ Hồng Sơn (Hà Nội mùa hổ phách, Hà Nội mùa mộc phách)…, vừa văn xuôi vừa thơ là Nguyễn Thiên Ngân (Những chuyển điệu, Đường còn dài còn dài, Mình phải sống như mùa hè năm ấy, Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời…), Hồ Huy Sơn (Ngày lạ, Một cảnh không có trên phim…), Lê Quang Trạng (Áp tai vào đất, Dòng sông không trôi)… Phê bình là Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Đình Minh Khuê… Vui nữa, là có những tác giả vẫn quan tâm viết cho thiếu nhi, như Võ Thu Hương, Dương Hằng, Vân Vũ, Mây v.v.

Sau cùng, tôi vẫn tin vào đường đi của chữ. Sau tất cả những ồn ào, trào lưu, văn chương lại trở về với quỹ đạo của nó. Tôi tin như tin vào đường đi của các cây bút trẻ, mê mãi miệt mài không chạy theo đám đông.

Sài Gòn, 3/12/2018
V.T.L  
(TCSH359/01-2019)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Phương pháp thơ (01/11/2018)