NGUYỄN MẠNH TIẾN
(Lập trường Phong Hóa về xã hội nông thôn)
Trên Phong Hóa1 số 60 (18/8/1933), mục Từ cao đến thấp, có đăng một biếm họa, bàn về Ba cách xử trí của Ngạc Mai2. Tranh trình bày ba cách xử trí, hay nói khác, ba thái độ, ba lập trường của ba cộng đồng tri thức nổi bật thời bấy giờ đối với một phong tục trong ngày cưới của người Việt, khi rước dâu về, cô dâu phải bước qua cái hỏa lò để ở cửa chính nhà chồng3. Lời thuyết minh ở chân tranh: Phái cũ xử trí: - Khư khư giữ lấy cái hỏa lò. Phái dung hòa hai văn minh Âu, Á (Phái ông Phạm Quỳnh) xử trí: - Muốn giữ được quốc túy Việt Nam và thâu nhập được văn hóa Âu Tây thì nên thay cái hỏa lò than bằng cái hỏa lò điện. Phái mới - Bỏ quách!
Phái mới, được hiểu đó chính là Tự Lực Văn Đoàn mà cơ quan ngôn luận của họ là hai tuần báo Phong Hóa và Ngày Nay.
“Bỏ quách!” - hai tiếng ấy đầy quả quyết và dứt khoát!
*
Tiểu luận này thử nắm bắt cái nhìn của Tự Lực Văn Đoàn về xã hội nông thôn trên tuần báo Phong Hóa, tuần báo ra đời 1932 và đóng cửa năm 1936, để sau đó, Ngày Nay sẽ tiếp tục sự nghiệp mà Phong Hóa mở đường. Hoạt động trên Phong Hóa, tuổi trung bình các thành viên trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn, lúc bấy giờ, chỉ xấp xỉ trên dưới 30. Một độ tuổi rất trẻ4. Nhóm trí thức trẻ này, hoạt động dưới sự điều phối của thủ lĩnh Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã gây nên những ảnh hưởng thực sự lớn với xã hội Việt Nam thập niên 1930 - 19405.
Phong Hóa, như đã biết, chia làm hai thời kỳ. Thời kỳ đầu, là tuần báo ra ngày thứ năm, từ số 1 (16/6/1932) đến số 13 (8/9/1932) được phụ trách bởi Nguyễn Xuân Mai (Le Directeur) và Phạm Hữu Ninh (Le Gérant). Báo ra không được bạn đọc đón nhận, sắp đi vào chỗ khai tử. Từ số 14 (22/9/1932) Phong Hóa được mua lại và quản lý bởi Nhất Linh Nguyễn Tường Tam6. Từ đây, Phong Hóa, tuần báo ra ngày thứ sáu7, đã làm một cuộc cách mạng, trở thành tờ báo “bán chạy như tôm tươi” ngay từ những số đầu8, là tờ báo được đón đọc nhất cho đến khi nó phải đóng cửa. Người ta có xu hướng thường phân đôi hai thời kỳ, coi Phong Hóa của Nhất Linh như là một sự lột xác hoàn toàn, một sự đoạn tuyệt với số phận hẩm hiu của Phong Hóa 13 số đầu. Tuy nhiên, cả hai hóa thân của Phong Hóa, dù số phận khác hẳn nhau, nhưng mục đích, theo quan sát của nghiên cứu này, lại có sự thống nhất đó là cải tạo phong hóa nước nhà, mà trọng tâm là cải tổ phong hóa làng xã, chìa khóa mở vào xã hội Việt Nam.
Trong tư duy của những người lãnh đạo Phong Hóa hai thời kỳ, chắc chắn, họ nhận thấy - như là hầu hết mọi cái nhìn thời bấy giờ và sau này - nhận diện xã hội Việt Nam là xã hội làng xã. Vì thế, muốn cải tổ xã hội Việt Nam, thì không thể không cải tổ xã hội nông thôn, từ đó, dẫn đến bất cứ một tổ chức nào muốn biến cải xã hội Việt Nam đều phải có một lập trường đối với xã hội nông thôn, đời người nông dân. So sánh lập trường của Phong Hóa hai thời kỳ, có thể nhận thấy một sự tương đồng cao trong nhiều quan điểm lớn về xã hội nông thôn. Phong Hóa ở cả hai thời kỳ, đều mang chung lập trường cải đổi nông thôn vì nông thôn gắn liền với ý niệm lạc hậu, là nơi thành trì hủ tục làm tổ, vì thế muốn cách mạng nông thôn thì phải sửa đổi, phá bỏ hủ tục, đưa vào xã hội Việt Nam những giá trị phương Tây, gắn liền với văn minh. Phong Hóa bộ cũ, ngay số đầu tiên (số 1, 16/6/1932), Mấy lời kính cáo quốc dân, in trang nhất có đoạn “…bỏ điều giở, vạch điều hay của lễ nghi phong tục để cùng Quốc Dân tấn thủ thi hành, đó là tôn chỉ của tờ Phong Hóa Tuần Báo”. Mà Phong tục là gì, chính là “luân lý bình dân”. Phong Hóa mới, do Nguyễn Tường Tam chủ chương, ngay số đầu tiên, trang nhất, bài đầu tiên của báo, cũng là bài đầu tiên do chính Nguyễn Đông Sơn (một bút danh của Nguyễn Tường Tam - Nhất Linh) chấp bút là “Biết dân quê” (số 14 - 22/9/1932) để có thể cải tạo xã hội dân quê theo hướng văn minh, hiện đại. Có thể nói, những chủ đề của Phong Hóa cũ (lưu ý chỉ là chủ đề), lại được Phong Hóa mới lặp lại.
Tuy nhiên, sự khác biệt căn bản để hai Phong Hóa, dù cùng một chủ đích, khai thác cùng một số chủ đề chìa khóa, nhưng lại có hai số phận khác nhau đó chính là do cái cách thức mà những người chủ trương đã tiến hành. Có thể nói, Phong Hóa cũ của Phạm Hữu Ninh đã thực hành sự cải tổ xã hội theo một phong cách nghiêm túc, kiểu cách mạng của chính kịch. Trái lại, Nguyễn Tường Tam lại cấp cho Phong Hóa mới, một thực hành cải tổ xã hội vui nhộn, bằng sức mạnh của tiếng cười, kiểu cách mạng của hài kịch.
Nguyễn Tường Tam ảnh hưởng trực tiếp của tờ Vịt buộc (Le Canard Enchaỵne) và báo chí trào phúng Pháp, chứng kiến sức công phá của tiếng cười được thâu nhận trong thời gian du học ở Pháp đã giúp ông làm cách mạng báo chí Việt Nam9, mà hiện thân thành công đầu tiên là Phong Hóa. Tiếng cười ấy, lên Phong Hóa, lại còn được nhào trộn với tính hài hước, châm biếm của văn hóa dân gian, như truyện cười hay tranh khắc10, khiến nó trở nên rất quen, gần gũi với tiếp nhận của độc giả người Việt đương thời. Tờ báo từ các bài chính luận nghiêm trang, rất nhiều chữ, vài hình minh họa vừa nghèo nàn, vừa lặp đi lặp lại, đã hóa thân thành tờ báo trào phúng đầu tiên ở Việt Nam với đa dạng chuyên mục, hình ảnh biếm họa sôi nổi, hầu như trang nào cũng có, động đến mọi vấn đề, mọi nơi, mọi giới có máu mặt nhất đương thời. Sự thay đổi phong cách ấy, của hai Phong Hóa, cũ và mới, có thể nói biểu hiện rõ nét nhất ở cùng một con người Trần Khánh Giư - Nhị Linh - Khái Hưng. Với bút hiệu cũng là tên thật Trần Khánh Giư, ông viết nhiệt tình và là cây bút chủ lực cho các bài xã luận nghiêm túc trên Phong Hóa cũ. Các tiểu luận trên Phong Hóa cũ của Trần Khánh Giư11 cho thấy một trí thức có phổ quan tâm rộng nhưng phong cách viết là nghiêm túc, cổ điển của lối văn chính luận đã phổ biến thời bấy giờ, mà “bà già” Nam Phong là mẫu mực. Chỉ từ khi Nhất Linh tiếp quản, Trần Khánh Giư tái xuất với bút danh mới, phổ biến hơn với Nhị Linh khi viết xã luận và Khái Hưng khi viết tiểu thuyết, Trần Khánh Giư ngày cũ mới thực sự lột xác trở thành ngôi sao sáng. Ngôi sao ấy, thi thoảng còn xuất hiện với những tranh biếm họa sắc sảo đúng phong cách Phong Hóa.
Một cảm nhận ban đầu, người ta dễ chấp nhận thái độ của Phong Hóa là sự dứt khoát đoạn tuyệt với các truyền thống cũ, “bỏ quách!”, như ý đồ hiển ngôn của Phong Hóa cũng như các diễn giải về tuần báo và nhóm Tự Lực Văn Đoàn sau này phổ biến trong nước, sau 1986. Nỗ lực Tây hóa xã hội Việt Nam, xã hội về cơ bản là nông thôn, làng xã xen lẫn với các cụm đô thị vẫn còn giữ nhiều ràng buộc với tập tính sinh hoạt và luân lý làng mạc của những người thanh niên viết dưới lí tưởng Tự Lực Văn Đoàn đã thành tuyên ngôn, tôn chỉ, mục đích hành động. Trên Phong Hóa, người đọc bắt gặp thường xuyên điệp khúc, qua các bài xã thuyết, xã luận của các yếu nhân chủ chốt tờ báo như Nhất Linh, Nhị Linh và Tứ Ly về việc cần phá bỏ hủ tục nông thôn, bỏ các giá trị lỗi thời, nhất là Khổng giáo, để: “Âu hóa dân quê - một quan niệm mới” như đúng tên một bài đăng trang nhất, hai kỳ của Nhị Linh (Phong Hóa số 107 & 108, 7/1934). Lần lượt, chúng ta sẽ xem xét lập trường đối với nông thôn của Tự Lực Văn Đoàn thời kỳ Phong Hóa và trên Phong Hóa qua vài đại diện quan trọng của Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Nhị Linh và Tứ Ly. Những người viết gối bài lẫn nhau trong cùng một chuyên mục (như “Vấn đề dân sinh”, đăng rất nhiều số), hay phụ trách riêng một chuyên mục nào đó, và thậm chí, không loại trừ có thể đứng tên nhau, để cùng bàn luận về các vấn đề dân quê. Điều ấy, cho thấy, họ đã có một sự “thống nhất ý chí” khá cao. Những bàn luận về dân quê, hầu hết, đăng trang nhất, và thường là các bài nhiều kỳ. Ngay cái vị trí - trang nhất - tự nó đã cho thấy vấn đề nông thôn được định vị như thế nào đối với mối bận tâm của Phong Hóa.
Yếu nhân số một của Tự Lực Văn Đoàn, thủ lĩnh cũng như người điều hành Phong Hóa - Nhất Linh luôn có một sự quan tâm sâu và hệ thống với vấn đề dân quê. Như đã nói, ngay số đầu tiên của Phong Hóa mới và ngay mục đầu tiên trên trang nhất có bài “Biết dân quê” ký Nguyễn Đông Sơn - một bút danh khác của Nhất Linh (số 14, 22/9/1932). Hiểu biết về đời sống dân quê là nhiệm vụ quan trọng mà người trí thức cần hướng đến. Ông chỉ trích bọn học thức xa rời đời sống sinh hoạt dân quê, nên, đã không thực sự thông hiểu họ. Đó là một trong các nguyên nhân thất bại của các nhà trí thức muốn cách mạng dân quê. Ông kêu gọi giới trí thức phải có sự thông hiểu dân quê thực thụ. Đồng thời, ông cũng chỉ trích bọn hiểu dân quê là tổng lý, nhưng bọn này hiểu là cốt bóc lột dân để thu lợi về mình. Trong đám tổng lý chỉ có rất ít người thực sự vì dân quê mà hành động (Phong Hóa, số 48, 26/5/1933). Cách mạng đời sống dân quê là một công cuộc vất vả, bởi “đổi cả cái quan niệm về cuộc đời của một hạng người thật là khó, nhưng có làm được thế thì mọi việc cải cách trong đám dân quê mới được dễ dàng” (Phong Hóa, số 48, 26/5/1933). Cụ thể, Nhất Linh bàn tiếp: “phá bỏ cuộc đời mê muội huyền bí của họ đi, lấy cái đời hợp lý (vie rationnelle) thay vào” (Phong Hóa, số 49, 2/6/1933). Cái đời hợp lý, của Nhất Linh là rất cụ thể: “Một người thường dân cần cái gì? Cần một túp nhà sạch sẽ, sáng sủa, hợp vệ sinh, cần một ngày hai bữa cơm cho ngon bổ, cần quần áo cho ấm thân, cho lành lặn. Phải cho họ biết những cái đó là những cái cần thứ nhất trong đời họ.” (Phong Hóa, số 49, 2/6/1933). Nhất Linh trong cái nhìn của mình, cho rằng, nền luân lý cũ mà Khổng giáo là đại diện đã đưa người dân quê vào đời sống siêu hình tù hãm, nô lệ thần linh, chạy theo các giá trị hão huyền của danh phận, ngôi thứ và đánh mất con người cá nhân với các nhu cầu tự thân. Đó là nguồn gốc của lạc hậu, của sự khổ sở trong đời người dân quê. Vì thế, ông muốn đưa ra một chương trình thiết thực, cụ thể mà ngày nay ta hiểu là cách mạng sinh hoạt thường ngày. Phong Hóa cũng như Nhất Linh, do vậy, trong chương trình hành động của mình sẽ trực tiếp đi vào các khía cạnh cụ thể của sinh hoạt thường ngày, làm cách mạng: ăn, uống, mặc, ở… Do đó, trên Phong Hóa, mục “Vấn đề dân sinh” hay “Sự sống của dân quê” là mối quan tâm thường xuyên của nhiều cây bút, mà Nhất Linh là chủ đạo, sau đó, Nhị Linh và Tứ Ly tiếp nối. Nhất Linh trong các đề xuất của mình để phục vụ dân sinh có về di dân lên thượng du (Phong Hóa, số 43, 21/4/1933), tương trợ nam - bắc (Phong Hóa, số 44, 28/4/1933); mở hàng người Nam bán cho người Nam, sáng kiến cái nhà vàng (Phong Hóa, số 50, 9/6/1933), cải tạo đường xá (Phong Hóa, số 46, 12/5/1933)…
Tinh thần cách mạng đời sống dân quê, cuộc cách mạng không đi vào tranh luận hay diễn giải các khái niệm mà chú trọng đề xuất phương pháp, cách thức thực hiện và đi vào thực hành nhằm đổi thay đời sống dân quê bằng chính sinh hoạt tại thế của họ được mở ra bởi Nhất Linh, các đồng chí của ông tiếp bút. Người ít thì viết một vài bài, như Thạch Lam (kí Việt Sinh) viết về mở mang kỹ nghệ nhỏ (Phong Hóa, số 47, 19/5/1933), đả phá hủ tục lễ tết (Phong Hóa, số 166, 13/12/1935)... Tứ Ly thường xuyên hơn, và đáng chú ý hơn cả là những bài viết nhằm cải tổ tinh thần luật pháp, tri thức cho người dân quê (Phong Hóa, số 91, 30/3/1934; số 93, 13/4/1934; số 183, 17/4/1936;…). Nhưng Nhị Linh, cùng với Nhất Linh, mới chính là người có nhiều bài hơn cả phục vụ vấn đề dân sinh. Trên Phong Hóa, cặp Nhất - Nhị [Linh] tạo thế nên thế song song của hai chủ lực quan trọng nhất, kéo Phong Hóa mạnh mẽ chiếm hữu, áp đảo làng báo 1932 - 1936. Sở trường viết xã thuyết, xã luận trên Phong Hóa cũ được tiếp nối trên Phong Hóa mới, Nhị Linh Trần Khánh Giư viết đa dạng, nhiều chủ đề, trong đấy, nếu có bài trùng chủ đề với bài của các tác giả khác thì sẽ được Nhị Linh trình bày theo góc nhìn của ông, khác đi và cố gắng tạo cho nó một sự sinh động. Điểm đáng chú ý, các bài viết của Nhị Linh, để có tính thuyết phục cao, thường xuất phát từ thực tế “làng tôi”12 Chiến lược viết này nhằm tạo dựng nên sự khả tín của kiểu trải nghiệm bên trong. Nhị Linh viết đa dạng, ông kêu gọi trừ khử man trá, hà lạm trong dân, bàn cách xây công quĩ hương thôn, cách mạng vệ sinh (Phong Hóa, số 52, 23/6/1933; số 53, 30/6/1933), trị an (Phong Hóa, số 54, 7/7/1933), bài trừ kiện tụng, lễ lạc (Phong Hóa, số 56, 21/7/1933; số 57, 28/7/1933), đả phá tục đốt vàng mã là giả dối (Phong Hóa, số 114, 7/9/1934), bỏ hẳn luân lý Khổng giáo, luân lý Tàu (Phong Hóa số 100; 1/6/1934; số 106, 13/7/1934). Đáng chú ý là bài nhiều kỳ trên các mục Giáo dục trong dân quê của Nhị Linh nhằm cải tổ giáo dục, cải đổi tôn giáo, lễ tang, đổi thói hư danh của người nhà quê (Phong Hóa, số 58, 4/8/1933; số 59, 11/8/1933; số 60, 18/8/1933). Mục Một bản chương trình (Phong Hóa, số 83, 26/1/1934; số 84, 2/2/1934; số 86, 23/2/1934), Nhị Linh lập luận cần phá bỏ lũy tre xanh, thành trì khép kín tự trị làng xã, thay đổi trang phục, vệ sinh nước uống, nhà ở. Cũng Nhị Linh đưa ra tuyên ngôn: Âu hóa dân quê - quan niệm mới, là mục đích trong hành động của tuần báo (Phong Hóa, số 107, 20/7/1934; số 108, 27/7/1934). Liên tiếp 5 số Phong Hóa, Nhị Linh lại đề ra hướng đạo sinh ở chốn thôn quê, để giúp cuộc cải cách thôn quê thành công (Phong Hóa, số 137, 22/2/1935; số 138, 1/3/1935; số 139, 8/3/1935; số 140, 15/4/1935; số 141, 22/4/1935)… Trên đây chỉ là một số dẫn liệu căn bản, để tạm hình dung nên một cái nhìn. Thực tế, các thành viên của Tự Lực Văn Đoàn, nhất là Nhất Linh và Nhị Linh còn viết nhiều hơn thế, đồng thời, rộng sân tham gia nhiều chuyên mục khác nhau về các vấn đề thuộc xã hội nông thôn. Phần tổng thuật sơ lược những bài báo đáng chú ý hơn cả ở trên sẽ được phân tích như là chất liệu chính, là cơ sở để nắm bắt cái nhìn của Tự Lực Văn Đoàn đối với vấn đề nông thôn. Như thế, có cơ sở để nhận thấy, trong tư duy của Phong Hóa, vấn đề nông thôn là một vấn đề thiết yếu bậc nhất (các bài thường đăng trang nhất, và liên tục xuất hiện). Nó dường như, và về cơ bản là thực sự đã được qui giản thành hai bước nhận thức: 1. Nông thôn với hàng loạt những tục lệ ngàn đời là thành trì hủ tục, lạc hậu, làm kìm hãm sự phát triển quốc gia; 2. Do đó, cần cải tạo nông thôn, mà cụ thể, bỏ tục cũ, theo lý mới của văn minh phương Tây. Điều này, giống như một lời kêu gọi của Nhị Linh “cải cách xã hội thì phải mạnh bạo, quả quyết theo âu, phải âu hóa” (Phong Hóa, số 107, 20/7/1934). Lời kêu gọi ấy, như là lời hạt nhân, được lặp đi lặp lại trong nhiều bài báo Phong Hóa. Đỉnh điểm của những cái nhìn về nông thôn như là biểu trưng của hủ lậu, cần đập phá, tháo dỡ, có thể kể đến mấy bài thơ của Tú Mỡ mà tiêu biểu như “Bỏ cái đình” (Phong Hóa số 142, 29/3/1935). Bài thơ, một cách thúc giục kêu gọi dỡ đình, phá đình - biểu tượng quan trọng nhất của tinh thần làng mạc người Việt.
Nhìn tổng thể từ các bài xã thuyết/luận, cái nhìn nông thôn của Tự Lực Văn Đoàn thuộc về cái nhìn phê phán làng xã, vốn là một trong những cái nhìn phổ biến và bao trùm lên toàn bộ thời đại kêu gọi “cải lương hương chính”, lên rất cao vào thời những người thanh niên Tây học Tự Lực Văn Đoàn hoạt động. Cái nhìn phê phán này, nhìn phong hóa xã hội nông thôn như là thành trì hủ tục cần cải tạo, còn kéo dài lâu mãi về sau. Một thái độ như Tú Mỡ cũng không xa lạ gì, đả phá kết án cái đình, sau này, cũng là “tâm sự chung” không chỉ dân Tây học, mà còn cả ký giả nhà văn xuất thân ông đồ như Ngô Tất Tố (viết Tập án cái đình năm 1939). Cái nhìn xã hội mang tính tiến hóa này, có lúc khá cực đoan, xem xã hội nông thôn là lạc hậu, xã hội đô thị theo văn minh Âu hóa là tiến bộ, do đó, cần cải tạo xã hội nông thôn theo đường Âu hóa là một cái nhìn bao trùm lên Phong Hóa. Và bấy lâu, người ta chấp nhận nhận thức ấy như một công thức khá rõ nét và rắn chắc, lấy chính nhóm Tự Lực Văn Đoàn là ví dụ tiêu biểu cho tinh thần Âu hóa triệt để - chú ý từ “triệt để” (!) - từ khóa cho các chiến lược ngôn từ diễn giải các vấn đề theo hướng biểu nghĩa một chiều, cũng có thể hiểu là mang sắc màu của sự cực đoan.
Nhưng thực tế, cái thực tế đầy phức tạp của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX chứa đựng trong nó nhiều tình thế lưỡng lự. Người ta nhận thấy, ngay trong các bài xã thuyết của các thành viên Tự Lực Văn Đoàn hăng hái nhất vẫn bộc lộ những mâu thuẫn nội tại, một sự “bối rối”, ở đâu đó vẫn cứ trôi nổi, vướng víu, tồn tại. Nhị Linh vừa có bài kêu gọi bỏ hẳn luân lý Khổng giáo (Phong Hóa số 100, 1/6/1934), đúng với tôn chỉ thứ 8 “Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa” trong tuyên ngôn của Tự Lực Văn Đoàn (Phong Hóa, số 87, 2/3/1934). Đồng thời, Nhị Linh ở đâu đó, dù không thường xuyên, vẫn sử dụng các kinh nghiệm, điển tích, luân lý Khổng giáo cho những lập luận trong việc phá bỏ hủ tục, mà theo ông, chứa đựng chính nền luân lý này vốn đã bám rễ sâu, chặt ở thôn quê. Trên Phong Hóa số 60 (18/8/1933), khi đưa ra một bản chương trình dự định cho giáo dục dân quê, Nhị Linh vẫn lập luận trong tư cách một người tiếp thu Khổng giáo khá sâu sắc khi dẫn thiên Hương đảng sách Luận ngữ để xây dựng nền giáo dục mới! [Phong Hóa số 80 (5/1/1934)]. Chỗ khác, ông lại dùng tư tưởng Khổng giáo để vận động dân quê phá hủy lũy tre xanh. Trên nền của cuộc vận động Âu hóa của Tự Lực Văn Đoàn, vì thế, khoác tấm áo của sự theo đuổi văn minh phương Tây một cách mạnh mẽ, nhưng những người thanh niên trẻ tuổi cầm trịch Phong Hóa và Ngày Nay, từ nhiều ràng buộc, vẫn cho thấy một sự vướng víu không hề nhỏ từ truyền thống. Truyền thống hay hiện đại, thực chất, là không dễ để có thể định nghĩa rõ ràng. Diễn giải về Tự Lực Văn Đoàn, cũng như bối cảnh tri thức, xã hội Việt Nam cận đại, bởi vậy, không dễ để “quy” các vấn đề vốn phức hợp ấy vào chỉ một vài “kết luận sáng rõ” nào đó.
N.M.T
(TCSH359/01-2019)
.............................................
1. Nghiên cứu này sử dụng bản PDF hai tạp chí Phong Hóa và Ngày Nay trên trang chủ web Thư Viện người Việt [nguồn: https://www.nguoi-viet.com/ThuVienNguoiViet/thuvien-NV.php]. Nhân đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã có công tiến hành số hóa và thực hiện hảo ý đáng trân trọng đưa lên trên internet hai tạp chí quan trọng này, biến nó thành tài sản chung của tất cả mọi người.
2. Một bút hiệu của họa sĩ Trần Quang Trân, cộng tác viên Phong Hóa.
3. Theo quan niệm dân gian có ảnh hưởng văn hóa Hán, lửa hỏa lò nhằm tẩy uế những xui xẻo đi theo cô dâu khi về/gia nhập vào gia đình mới. Phong tục này, không phổ biến ở mọi cộng đồng người Việt, mà nó chỉ rõ nét hơn cả và gắn với/ở người Hoa.
4.
5. Năm 1936, theo Marr, xuất hiện tới 230 tờ báo mới, là đỉnh điểm của một quá trình phát triển báo chí liên tục từ kể từ thập niên 1920 [David Marr, “A Passion for Modernity: Intellectuals and the Media,” in Postwar Vietnam: Dynamics of a Transforming Society, ed. Hy V. Luong, Rowman and Littlefield, 2003, p.261]. Phong Hóa đến thời điểm 6/1936, thời điểm bị đóng cửa, là tuần báo dẫn đầu về lượng độc giả. Vài điểm đáng chú ý về lượng phát hành tuần báo này, vào tháng 7/1933, ấn bản tuần báo lên đến 10.000. Nguyễn Văn Ký ước tính độc giả Phong Hóa là khoảng 15.850 và của Ngày Nay là khoảng 7.850 [Dutton, G., “Lý Toét in the City: Coming to Terms with the Modern in 1930s Vietnam”, Journal of Vietnamese Studies, Vol. 2, No. 1, 2007, p.80;82).
6. Thời gian đầu tiếp quản Phong Hóa, trên trang nhất, chính giữa đề Ng Tường Tam (Directeur), bên phải vẫn đề tên Phạm Hữu Ninh (Administrateur Gérant) và bên trái đề Nguyễn Xuân Mai (Fondateur Directeur politique). Về sau này, chỉ còn đề duy nhất Le Gérant Nguyễn Tường Tam ở trang cuối.
7. Phong Hóa từ số 14 đến số 19, vẫn đề tuần báo ra ngày thứ năm, nhưng từ số 20, trang nhất, chạy dòng chữ in hoa lớn, chính thức đề tuần báo ta ngày thứ sáu.
8. Nguyễn Vỹ, Tuấn chàng trai nước Việt - chứng tích thời đại từ 1900 - 1970 (2 tập), Sài Gòn, 1970, chương 30.
9. Về nước, Nguyễn Tường Tam xin chính quyền thực dân giấy phép làm tờ Tiếng cười, phỏng theo tờ Le Rire nhưng không được trả lời chấp nhận. Sau đó, ông mua lại tờ báo Phong Hóa “sắp chết” của Phạm Hữu Ninh, và như Nguyễn Tường Bách kể lại, bao nhiêu dự định làm Tiếng cười, anh Tam dồn hết vào Phong Hóa [Nguyễn Tường Bách, Việt Nam, một thế kỷ qua, USA, 1980 (nguồn: www.vietnamvanhien. org/VietNamMotTheKyQua.pdf); Strašáková, Mgr. Mária, Life and Writings of Nguyễn Tường Tam - Život a dílo Nguyễn Tường Tama, Ph.D. diss., Univerzita Karlova v Praze., 2011, p.2). Về xác nhận báo chí trào phúng Pháp có ảnh hưởng đến Nguyễn Tường Tam, xem Dutton (tlđd, 2007: 85) và Nguyen, Martina T. [The Self-Reliant Literary Group (Tự Lực Văn Đoàn): Colonial Modernism in Vietnam, 1932-1941, Ph.D. diss., University of California, Berkeley, 2012, viii]. Ảnh hưởng của báo trào phúng Pháp, không chỉ với Phong Hóa, Ngày Nay mà còn ở nhiều báo khác, nhiều nhà văn khác như hình ảnh biếm họa các ông Nghị, rồi nhân vật Nghị Hách trong Giông Tố, và nhất là tuần báo Vịt đực làm nhớ đến tờ Le Canard Enchaỵne [Nguyễn Văn Ký, La société vietnamienne face à la modernité. Le tonkin de la fin du XIXe siècleà la seconde guerre mondiale, Thèse de doctorat d’histoire, 1992].
10. Cội nguồn tiếng cười châm biếm trên Phong Hóa, Ngày Nay gắn với căn rễ tiếng cười dân gian, xem thêm phân tích của Martina T. Nguyen (tlđd, 2012), và đúng như phân tích của Martina, tiếng cười trên Phong Hóa là sự hòa trộn cả hai, truyền thống dân gian và ảnh hưởng tiếng cười trên báo chí trào phúng phương Tây.
11. Phong Hóa cũ, Trần Khánh Giư là bút chủ lực, một số thường viết hai đến 3 bài lớn, và bài thường nằm trang nhất. Ví dụ, chỉ ba số đầu tiên: “Tân học Cựu học chỉ là hai tiếng”, (Phong Hóa, số 1, 16/6/1932); hai bài “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, “Ý nghĩa bồi thường trong sự hình phạt ở Á Đông (Phong Hóa, số 2, 23/6/1932); “Một câu hỏi” (Phong Hóa, số 3, 30/6/1932). Trước Phong Hóa, Trần Khánh Giư cũng đã cộng tác viết báo, nhưng thời kỳ này rất khó kiểm kê, nên chúng ta không biết rõ phong cách viết của ông như thế nào. Nhưng có thể, ta dự đoán được phong cách viết ấy là không khác bao nhiêu thời ông viết cho Phong Hóa cũ. Chỉ từ Phong Hóa của Nhất Linh, Nhị Linh mới định hình phong cách và thực sự thành công.
12. Mặc dù quê quán ở Cổ Am (Hải Phòng) một làng khoa bảng khét tiếng đất Bắc, lại là con gia đình quan lại, nhưng Nhị Linh Trần Khánh Giư thường sử dụng nhân dạng người làng trong dẫn giải nhiều vấn đề liên quan đến cách mạng đời sống làng xã. Giư giống như nhiều thành viên khác của Tự Lực Văn Đoàn, như anh em Nguyễn Tường cũng là gia đình quan lại, bố mất sớm, mẹ buôn bán ở phố huyện Cẩm Giàng, nhưng không vì thế mà họ xa rời cuộc sống lam lũ, trái lại, chính họ có một tuổi thơ đầy lam lũ, sống với người nghèo khó ở phố chợ. Thêm nữa, đô thị Việt Nam cận đại, dẫu sao cũng chỉ là một lớp sơn phủ khá mỏng manh trước nguồn gốc phố chợ trương nở lên của xã hội nông thôn, đậm tính làng mạc. Em trai của Giư - Trần Tiêu với tiểu thuyết nổi tiếng Con trâu (bắt đầu đăng trên Ngày Nay từ số 140, 10/12/1938) và nhiều truyện liên quan đến làng mạc (với chung bối cảnh một ngôi làng châu thổ Bắc Bộ, làng Cầm) nằm trong cái nhìn phê phán làng xã, nhưng đồng thời cho thấy một sự hiểu biết thâm sâu về đời sống làng mạc. Đây là một quyển tiểu thuyết dân tộc chí rất đáng chú ý. Tiểu thuyết này, miêu tả những tập tục người dân quê, đặc biệt, có những tập tục rất hiếm thấy như tục thờ thần mục đồng của trẻ chăn trâu. Chính từ tập tục này được nói đến bởi Trần Tiêu, cho chúng ta biết vì sao Đinh Tiên Hoàng khi tấm bé cầm đầu đám trẻ mục đồng thì đã để lộ ra tư chất một thủ lĩnh lớn về sau. Như thế, khó có thể qui kết các thành viên nhóm này không có hiểu biết đời người dân quê hay dân nghèo. Họ có thể xuất thân ở tầng lớp trên (tư sản hay quan lại - một sự qui định thân phận, xét đến cùng khá mong manh trong xã hội Việt Nam), nhưng điều ấy không có nghĩa họ không hiểu sâu đời sống nông dân hay dân nghèo thành thị. Trái lại, từ những gì họ để lại qua trang viết của nhóm, cho thấy, họ mới thực là những người có một sự hiểu biết đáng kể, đáng nể về những chủ đề này, mà lập luận, nhiều khi dựa trên sự “trải nghiệm bên trong”.