Nghiên Cứu & Bình Luận
Đạo Mẫu dưới góc nhìn cấu trúc luận của Claude Levi-Strauss
10:12 | 06/01/2020

TRẦN HỮU SƠN     

Đạo Mẫu là hình thức tôn giáo quan trọng ở Việt Nam. Hiện nay, đạo Mẫu đang có bước “chuyển mình” và phát triển mạnh mẽ cả về thiết chế và đối tượng tham gia. Vì vậy, đạo Mẫu đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Đạo Mẫu dưới góc nhìn cấu trúc luận của Claude Levi-Strauss
Bà chúa Thượng ngàn - Tranh dân gian Hàng Trống - Ảnh: internet

Một số học giả đã vận dụng lý thuyết về phân tâm học của S.Freud; lý thuyết vốn xã hội của Bourdieu, Portes, Coleman; lý thuyết chủ thể văn hóa1; lý thuyết giá trị văn hóa2; lý thuyết nam tính, nữ tính của Geert Hofstede3 để nghiên cứu đạo Mẫu. Trong bài viết này, vận dụng nguyên tắc nhị phân (nguyên tắc các cặp đối lập) trong lý thuyết Cấu trúc luận của Claude Levi-Strauss tìm hiểu về điện thần, nghi lễ, diễn xướng, trang phục, đạo cụ… của đạo Mẫu. Đồng thời, phân tích quá trình chuyển hóa, tăng quyền của đạo Mẫu. Từ đó, đề xuất một số khuyến nghị về ứng xử với đạo Mẫu hiện nay.

1.

Cấu trúc luận (structuralism) là trào lưu khoa học nổi bật trong thế kỷ XX. Trong nhân học, Claude Levi-Strauss (1908 - 2009) là người tiên phong phát triển lý thuyết cấu trúc. Ông cho rằng: một cấu trúc phải thể hiện đặc trưng hệ thống. Nó bao gồm các yếu tố sao cho bất kỳ biến đổi nào của chúng cũng tạo ra sự biến đổi của tất cả các yếu tố khác4. Dựa vào cấu trúc luận trong ngôn ngữ của các tác giả Sau- ssure và R.Jakovson, ông đưa ra quan điểm nhị nguyên luận và cho rằng những con người các bộ tộc thời cổ đều có trình độ tư duy nhận xét thế giới (các nền văn hóa) theo hình thức các cặp đối lập mà cơ bản nhất, nổi trội nhất là hai cặp Trời/Đất Đực/Cái5. Từ các cặp đối lập cơ bản này, xuất hiện hình thức đối lập theo kiểu nhị nguyên như văn hóa/tự nhiên, nóng/lạnh, sống/chín… Ông cũng đề xuất quan điểm vận dụng nguyên tắc tương phản nhị nguyên vào nghiên cứu nhân học như nghiên cứu thần thoại, nghi lễ, ẩm thực… Công trình nghiên cứu đầu tiên thể hiện cấu trúc luận nhị nguyên là tác phẩm “Các cấu trúc cơ bản của hệ thống thân tộc” xuất bản năm 1949. Năm 1958, Claude Levi-Strauss xuất bản công trình “Nhân loại học cấu trúc” hệ thống lại các khái niệm, các mô hình, phân tích cấu trúc trong ngôn ngữ, tổ chức xã hội, mat thuật và tôn giáo, nghệ thuật. Từ 1964 - 1971, ông cho xuất bản bộ công trình nghiên cứu “Các huyền thoại học” gồm 4 tập. Trong công trình này, ông phân tích sâu mô hình tư duy nhị nguyên mang tính phổ quát ở các huyền thoại (Cái sống cái chín - 1964; Từ mật ong đến tro - 1967; Nguồn gốc các cách ăn - 1968; Con người trần truồng - 1971).

Trong các công trình nghiên cứu, Claude Levi-Strauss đưa ra và phân tích quan điểm nhị nguyên luận về các cặp đối lập tạo thành hệ thống. Đặc biệt, ông cũng đề xuất nhân tố “trung gian”. Từ các cặp đối lập mặt trời/trái đất, tự nhiên/văn hóa, sự sống/cái chết… đều xuất hiện các yếu tố trung gian như: sương mù làm trung gian giữa trời đất; áo quần là trung gian giữa tự nhiên văn hóa; rác thải là trung gian giữa một làng có người ở ngoài rừng6. Ở đây, vai trò của trung gian rất quan trọng, y phục (quần áo, giày) là trung gian giữa tự nhiên (hoang dã) và văn hóa (tốt lành). Vì thế trong truyện cổ tích “Tấm Cám” ở Việt Nam, nhờ có bộ quần áo đẹp và rơi chiếc hài trong lễ hội mà cô Tấm gặp Hoàng Tử7.

Như vậy, quan điểm nổi bật trong lý thuyết cấu trúc của Claude Levi- Strauss là quan điểm nhị nguyên luận. Mọi quan hệ giữa các ký hiệu được quy về các dạng cấu trúc nhị phân. Cấu trúc nhị phân đó lại phát triển thành nguyên lý 3 nhân tố: hai cặp đối lập và nhân tố trung gian.

2.

Đạo Mẫu là một tôn giáo được hình thành trên cơ sở của cấu trúc lưỡng phân, lưỡng hợp, phản ánh đậm nét đặc trưng nhị nguyên trong hệ thống điện thần, nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc và múa), trang phục…

Trong điện thần xuất hiện hai dòng thờ nữ thần và nam thần. Nữ thần: Thánh Mẫu, Chầu Bà, Các Cô và nam thần hàng các Quan, ông Hoàng, Cậu bé. Cặp nhị nguyên nữ/nam hiện diện và chi phối xuyên suốt nghi lễ thờ đạo Mẫu.



Trên cơ sở của cặp đôi nữ thần/nam thần, xuất hiện hai dòng thờ là dòng mẹ và dòng cha theo huyền thoại “bố rồng, mẹ tiên”. Dòng mẹ là dòng tiên nữ, là thế giới ở miền rừng (nhạc phủ). Dòng cha là rồng - thế giới ở nước, biển (thoải phủ)8.



Như vậy, trong điện thờ đạo Mẫu xuất hiện các cấu trúc nhị nguyên như Tiên/Rồng; Mẹ/Cha; rừng/biển. Ngay số lượng các vị thần theo dòng mẹ (nữ tiên rừng) thường là số chẵn và bội số của số chẵn. Còn số bên dòng cha (nam, biển, rồng) là số lẻ hoặc bội số của số lẻ9.

Khi lên đồng, người được các thánh nhập vào vai các thánh đều sử dụng đạo cụ và múa theo đạo cụ.

- Các Chầu bà đều sử dụng mồi lửa và quạt làm đạo cụ múa, gọi là múa mồi và múa quạt. Chầu Hòa Bình có nguồn gốc vùng sông nước, sẽ múa chèo đò. Chầu Bát Nàn - vị tướng của Hai Bà Trưng sẽ múa kiếm, múa đao, múa cờ như các vị nam thần910.

- Các Quan đều sử dụng vũ khí làm đạo cụ múa. Quan đệ nhất múa song kiếm; Quan đệ tam sử dụng đôi gậy (hèo); Quan đệ tứ múa kiếm; Quan đệ ngũ, Quan tuần sử dụng cây lao và kích11.

- Các ông Hoàng chủ yếu múa hèo, múa cờ. Ông Hoàng Bơ múa kiếm và múa cờ. Ông Hoàng Bảy múa hèo, múa cờ. Riêng ông Hoàng Mười múa bút và múa quạt12.

- Các Cô sử dụng nhiều đạo cụ khác nhau theo sự tích về các Cô. Cô Nhất dùng đôi khăn voan mỏng để múa. Cô Chín múa dệt vải, múa quat. Cô Cam Đường lại sử dụng đôi quang gánh, gánh hàng xén vừa đi vừa nhún nhảy. Cô Đôi múa mồi lửa, múa quạt. Cô Bơ nguồn gốc Thoải phủ nên dùng quạt trắng múa và múa chèo đò. Cô Ba múa hái hoa; Cô Bé Thượng lại múa dâng hoa… Các Cậu dùng lục lạc múa theo nhịp lục lạc13.

Như vậy, các điệu múa và đạo cụ của các thánh cũng phân chia theo giới, theo phủ. Các thánh nam chủ yếu múa hèo, kiếm, đao (dao). Các thánh nữ múa mồi, quạt, chèo đò, dệt vải, dâng hoa (Xem biểu).

Nghệ thuật múa theo thánh nữ/thánh nam



Tuy nhiên, có trường hợp Chầu Bát Nàn múa kiếm, múa đao, múa cờ như nam thánh (phản ánh vị trí xuất thân võ tướng của Hai Bà Trưng). Hoặc ông Hoàng Mười giỏi thơ văn, khi giáng đồng lại múa bút đề thơ trên quạt1014.

Các động tác múa và đạo cụ cũng phân biệt hai cặp nhạc phủ thoải phủ. Ở nhạc phủ thường nữ thánh khi giáng đồng múa dâng hoa (Cô Bé Bắc Lệ, Cô Bé Thượng Ngàn). Ở thoải phủ các nữ thánh múa chèo đò.

Trong nghệ thuật âm nhạc của đạo Mẫu cũng xuất hiện các cặp đôi nhị nguyên. Trước hết, đó là cặp đôi nam thánh/nữ thánh phản ánh trong âm nhạc thờ đạo Mẫu. Tiến sĩ Barley Norton ở đại học London (Anh) có công trình nghiên cứu sâu sắc về cấu tạo âm nhạc của lên đồng1511.Ông cho rằng âm nhạc lên đồng của người Việt đều phân chia theo các cặp đôi đối lập nam thánh/nữ thánh; miền rừng/miền sông nước; già/trẻ.

Nhạc lễ dùng trong lên đồng của nam thánh là các điệu phú - uy nghi và nghiêm túc. Còn nhạc cho các bài nữ thánh miền xuôi là các điệu cờn, nữ thánh miền núi là các điệu. “Các điệu phú tràn đầy nam tính, uy nghi và nghiêm túc trong khi các điệu cờn tràn đầy nữ tính, mượt mà và trữ tình”16. Nam/nữ cũng khác nhau về giai điệu. Giai điệu Văn Hãm được dành cho nữ thánh miền sông nước, miền xuôi còn kiều dương lại dành cho nam thánh. Riêng điệu chỉ dành cho nữ thánh miền núi.

Địa vị và tuổi tác cũng được phân biệt trong âm nhạc. Các điệu Phú Kiều dương thường được dùng cho màn giáng đồng của các Quan nam thánh có địa vị cao nhất (hàng các Quan). Nhạc cảnh của hàng các ông Hoàng đôi khi có dùng điệu phú nhưng lại chọn các giai điệu khác. Điệu phú không bao giờ là nhạc cảnh của các ông Cậu còn trẻ.

Trong nghệ thuật tạo hình (phản ánh ở trang phục, đạo cụ) của các vị thánh cũng phân biệt rõ theo các cặp nam/nữ; Nhạc phủ/Thoải phủ. Nổi bật nhất là nghệ thuật sử dụng sắc màu theo các phủ:

- Thoải phủ (màu trắng)/Nhạc phủ (màu xanh).

- Thiên phủ (màu đỏ)/Địa phủ (màu vàng).

Nhưng ở đây, có các vị thánh xuất thân từ dòng Thoải phủ nhưng lại cai quản vùng Nhạc phủ thì màu sắc lại mang tính chất trung tính. Điển hình là ông Hoàng Bẩy, nguồn gốc là con vua cha Bát Hải Long Vương nhưng cai quản ở vùng rừng núi Bảo Hà nên trang phục lại là màu tím, màu lam…

3.

Trong cấu trúc luận của C.Levi-Strauss, nhân tố trung gian luôn hiện diện và đóng vai trò quan trọng. Các yếu tố trung gian làm cho các cặp đôi đối lập được thay bằng đối lập ít gay gắt hơn như sương mù là trung gian giữa bầu trời/mặt đất; loài ăn xác chết là trung gian giữa loài ăn thịt và loài ăn cỏ… “Cơ chế hoạt động của vật trung gian thể hiện ở chỗ đối lập cơ bản giữa cuộc sống và cái chết được tạm thay bằng đối lập ít gay gắt hơn giữa thế giới động vật và thế giới thực vật và đến lượt mình, đối lập này lại được thay bằng đối lập nhẹ hơn giữa động vật ăn cỏ và động vật ăn thịt1712.Trung gian còn góp phần chuyển đổi các cặp đối lập y phục - vật trung gian góp phần thay đổi số phận nhân vật. Thần y phục xuất hiện như các vị phúc thần cứu tinh, y phục làm thay đổi giữa người sống người chết, thay đổi giữa người nghèo, số phận bi thương với người giàu sung sướng.

Vận dụng vai trò của vật trung gian của C.Levi-Strauss phân tích quá trình nghi lễ lên đồng, quá trình chuyển hóa giữa người thường với thánh cũng có nhiều đặc điểm riêng. Trong nghi lễ lên đồng, vai trò của y phục rất quan trọng. C.Levi-Strauss cho rằng y phục (quần áo, giày, khăn…) là vật trung gian giữa tự nhiên văn hóa. Y phục làm cho con người gặp nhiều điều may mắn, thần y phục lại là vị cứu tinh. Trong nghi lễ lên đồng, y phục (đặc biệt là chiếc khăn phủ diện màu đỏ) đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa giữa người thường (chưa lên đồng) trở thành các vị thánh (khi nhập đồng, thánh giáng đồng). Y phục (khăn, quần áo, đạo cụ) là vật môi giới, vật có sức mạnh giúp người lên đồng chuyển hóa. Trước năm 1954, trang phục của người lên đồng rất đơn giản. Các đồng chỉ có bộ quần áo dài màu đỏ, ở vùng quê chỉ là bộ quần áo nâu mới nhưng họ đều có chiếc khăn phủ diện màu đỏ và thắt lưng 4 màu, đại diện cho tứ phủ: phủ Thiên (miền trời) màu đỏ; phủ Địa (miền đất) màu vàng; Nhạc phủ (miền rừng) màu xanh lá cây và Thoải phủ (miền sông nước, biển) màu trắng1813.Trong trang phục người lên đồng, chiếc khăn phủ diện màu đỏ - vật trung gian nổi bật. Khăn phủ diện là tấm khăn choàng lớn gần như che lấp toàn thân người lên đồng mỗi khi thánh thăng hay giáng. Tính trung gian của khăn phản ánh rõ ở chức năng của khăn. Khi tâm khăn phủ diện choàng lên người, người lên đồng đã chuyển hóa. Trước khi choàng khăn, họ là người thường nhưng khi đã choàng khăn họ đã chuyển hóa thành các thánh. Hiện tượng khăn là vật trung gian giữa Người Thần giữa đời thường linh thiêng, là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều dân tộc1914.Nhưng chức năng của tấm khăn này vẫn là vật trung gian chuyển hóa người thường trở thành thánh hoặc người thường trở thành ông thầy shaman có khả năng xuất hồn sang thế giới bên kia. Khăn phủ diện thực sự trở thành vật thiêng.

Bên cạnh khăn phủ diện, trang phục còn trở thành vật trung gian chuyển hóa người lên đồng trở thành các thánh ở từng phủ, từng hàng khác nhau. Trước năm 1954, người lên đồng chưa có trang phục đặc biệt của từng vị thánh. Nhưng người lên đồng ngoài tấm khăn phủ diện màu đỏ còn có thắt lưng 4 màu tượng trưng tứ phủ. Về sau, cư dân đô thị đã sắm trang phục đặc trưng của các vị thánh. Hiện nay, bộ lễ phục khăn chầu áo ngự của các con đồng dành cho các giá hàng Mẫu, hàng Quan, hàng Chầu, hàng ông Hoàng… rất phong phú, mang đặc trưng riêng. Nhưng các thánh ở miền nào (phủ nào) đều nghiêm ngặt tuân theo màu của phủ vùng (ngoại trừ một số thánh đặc biệt). Như vậy, chức năng của trang phục không chỉ giúp con đồng chuyển hóa từ người sang thần mà còn có chức năng phân biệt địa vị các thánh ở các phủ.

Người lên đồng khi lên đồng không chỉ nhờ trang phục mà còn nhờ cả hệ thống âm nhạc, múa, không khí của buổi lễ… Lên đồng là khoảnh khắc thăng hoa, chuyển đổi thân phận từ người thường lên vị trí thánh, từ nam chuyển sang nữ, từ trẻ trở thành già, từ địa vị dân thường trở thành các Quan và Chúa… Sự chuyển hóa đó có được là nhờ sự tiếp xúc của người thường với các giác quan ngập tràn không khí linh thiêng. Thính giác cảm nhận được âm nhạc sôi động, thôi thúc và tha thiết, lắng đọng. Thị giác nhìn nhận được các vũ điệu trang nghiêm, “bốc lửa” hoặc mềm mại, chèo đò. Thị giác còn phân biệt được màu sắc của từng phủ ứng với nguồn gốc xuất thân của các vị thánh. Khứu giác tiếp xúc với mùi hương trầm ngào ngạt. Vị giác còn nếm vị cay của trầu… Như vậy, các giác quan là những nhân tố tạo điều kiện cho người lên đồng thăng hoa. Trong đó, âm nhạc và trang phục đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trong nghi lễ lên đồng, không chỉ trang phục, đạo cụ, màu sắc, âm thanh… đóng vai trò truyền dẫn trung gian mà ngay bản thân những người lên đồng (thành viên chủ chốt của các bản hội) cũng mang tính “trung gian, trung tính”. Các công trình nghiên cứu của Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Thị Hiền, Phạm Quỳnh Phương, Nguyễn Ngọc Mai… đều nhận xét về sự “trung tính” của những con đồng. Ngô Đức Thịnh (2015) cho rằng người lên đồng nam đều mang yếu tố nữ tính hoặc ái nam ái nữ. Mai Thị Hạnh (2015) quan sát ở bản hội Phúc Minh thì hầu hết đàn ông đều là những người đồng tính, ăn mặc như nữ. Quan sát của chúng tôi ở 5 hội về dự lễ ở đền Ông Cuông vào đầu xuân 2015 (ngày 6 tháng 3 năm Ất Mùi) đều thấy nam giới hoặc mang tính nữ hoặc như kiểu ái nam ái nữ. Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng: “Yếu tố nữ tính tạo sinh nền móng, yếu tố thiên tính nữ đóng vai trò quyết định để dẫn dắt nhiều thanh đồng trở thành đồng thầy”2015.  

Mặt khác, lực lượng chủ yếu tham gia các bản hội là phụ nữ. Một số tác giả cho rằng đạo Mẫu là đạo chủ yếu của phái nữ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, vì trước hết những người đến cửa thánh đều cầu xin thuận lợi, may mắn cho gia đình (trong đó người chồng, con trai là đối tượng được cầu xin nhiều nhất). So với nữ giới, nam giới ít có mặt hơn trong các bản hội nhưng thực chất sự hiện diện của nam giới vẫn tồn tại. Đặc biệt, nữ giới khi tham gia hầu đồng do những hoàn cảnh éo le hoặc họ là “những kẻ loại trừ” (Mai Thị Hạnh, 2015). Gặp những hoàn cảnh khó khăn người phụ nữ phải tự vươn lên, do đó khi tham gia bản hội hoặc khi lên đồng họ đều mang nam tính mãnh liệt, có tính quyết đoán cao, cứng rắn, có nhiều hành động như nam giới (hút thuốc, phong thái uy nghi, dáng đi mạnh mẽ…). Như vậy, những người tham gia bản hội có chung một hiện tượng: nam giới thì “mềm yếu”, mang thiên tính nữ; Ngược lại, nữ giới tham gia bản hội lại “mạnh mẽ”, mang thiên tính nam. Quá trình thăng hoa, chuyển hóa khi lên đồng và cả quá trình tham gia bản hội, con người cũng biến đổi theo xu hướng “trung tính”: Nữ mang thiên tính nam, còn nam mang thiên tính nữ.

4.

Từ khi nước ta chuyển đổi sang cơ chế thị trường, đạo Mẫu ngày càng phát triển mạnh. Số điện thờ Mẫu tăng nhanh. Các tỉnh miền núi như Lào Cai, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, các đền thờ Mẫu được trùng tu và xây dựng mới. Hiện tượng mở điện tư gia phát triển ở hầu khắp các đô thị và vùng ngoại vi. Điểm đặc biệt, mối quan hệ giữa đạo Phật và đạo Mẫu trước đây đã hình thành thì nay mối quan hệ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trước kia, hiện tượng chùa có phủ Mẫu không nhiều thì hiện nay hàng loạt các chùa ở Hà Nội đều có điện Mẫu và tổ chức lên đồng hầu bóng2116.Số con nhang đệ tử hành hương về các di tích thờ Mẫu và các thánh trong đạo Mẫu tăng nhanh. Năm 2012, trong mùa lễ hội ông Hoàng Bẩy Bảo Hà (tháng 7) có khoảng 2 vạn người hành hương thì đầu mùa lễ hội năm 2015 đã tăng lên 5 vạn người. Các điểm du lịch thờ Mẫu ở vùng Yên Bái - Lào Cai, Bắc Giang - Lạng Sơn đều thu hút được nhiều người hành hương, nhiều bản hội tổ chức hàng ngàn canh hầu. Đạo Mẫu có sức hút mạnh mẽ các con nhang đệ tử và người dân tham gia. Vì vậy, cần ứng xử đạo Mẫu như ứng xử với một tôn giáo và có chính sách như một tôn giáo. Mặt khác, tác động của kinh tế thị trường vào đạo Mẫu cũng diễn ra mạnh mẽ, có nhiều ảnh hưởng cả chiều tích cực và tiêu cực. Các canh hầu, các đồng thầy hành lễ... không chỉ còn là hành động tôn giáo mà chuyển sang “dịch vụ tâm linh”. Từ các mặt tiêu cực, biến thái cũng đặt ra hàng loạt vấn đề về quản lý nhà nước.

Kết luận

- Quan niệm nhị nguyên luận của Levi-Strauss cặp đôi đối lập, trung gian giúp chuyển hóa, ít đối lập. Những cặp đôi của đạo Mẫu chỉ là sự khác biệt, hòa hợp tổng thể thống nhất2217.  

- Levi- Strauss có đề cập đến vai trò trung gian như y phục, sương mù, bếp lò... trong các huyền thoại ở châu Mỹ. Ông cho rằng các nhân tố trung gian vừa làm nhẹ tính đối kháng, vừa giúp chuyển hóa cặp đối lập. Tìm hiểu trong hệ thống đạo Mẫu, nhờ có y phục, âm nhạc... đặc biệt là chiếc khăn phủ diện đã chuyển hóa người thường trở thành các vị thánh. Không chỉ các vận dụng trong đạo Mẫu mang tính trung gian mà ngay các đồng nam, đồng nữ cũng mang tính trung gian. Họ đa phần là đồng tính hoặc nam giới có thiên tính nữ cao, còn nữ giới lại có thiên tính nam cao. Đây cũng là một nhân tố trung gian góp phần chuyển hóa trong đạo Mẫu. Đạo Mẫu chưa có một hệ thống tổ chức chặt chẽ, thống nhất nhưng thực sự đạo Mẫu cũng là một tôn giáo. Vì vậy, cần ứng xử và có chính sách quản lý đạo Mẫu như ứng xử, thực thi chính sách như các tôn giáo khác.

T.H.S   
(TCSH370/12-2019)

Tài liệu tham khảo:

1. Barley Norton (2004), “Lên đồng Việt Nam: cấu tạo âm nhạc của thần thánh” trong: Đạo Mẫu và các hình thức sa man trong các tộc người Việt Nam và châu Á - Ngô Đức Thịnh (Chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội.
2. Nguyễn Chí Bền (2013), Lễ hội cổ truyền của người Việt, cấu trúc và thành tố, Nxb. Khoa học xã hội.
3. Claude Levi-Strauss (1958), Nhân loại học cấu trúc - bản dịch của Từ Chi, Thư viện Viện Dân tộc học.
4. Claude Levi-Strauss (2006), Cấu trúc của thần thoại trong “Những vấn đề nhân học tôn giáo”, Hội Sử học Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng.
5. Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb. Văn học.
6. E.M.Maletinsky (2004), Thi pháp của huyền thoại, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
7. Nguyễn Thị Hiền (2007), Bệnh âm chuẩn đoán và chữa bệnh trong lên đồng của người Việt trong “Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận Nhân học”, Nxb. Đại học quốc gia Tp.Hồ Chí Minh.
8. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng - Lịch sử và giá trị, Nxb. Văn hóa Thông tin.
9. Hà Hữu Nga, Bài thuyết trình Cấu trúc luận Levi-Strauss trong nghiên cứu nhân học và văn hóa dân gian, tại Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
10. Nguyễn Văn Thắng (2015), Thiên tính nữ của nam đồng thầy tử góc nhìn lý thuyết nam tính, nữ tính của Geert Hofstede, Văn hóa Dân gian.
11. Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.
12. Ngô Đức Thịnh (2015), Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

---------------
1. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng - Lịch sử và giá trị, Nxb. Văn hóa Thông tin, trang 24 - 31.  
2. Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, trang 355 - 418.  
3. Nguyễn Văn Thắng (2015), Thiên tính nữ của nam đồng thầy tử góc nhìn lý thuyết nam tính, nữ tính  của Geert Hofstede, Văn hóa Dân gian, số 5, trang 65-73.
4. Claude Levi-Strauss (1958), Nhân loại học cấu trúc - bản dịch của Từ Chi, Thư viện Viện Dân tộc học.  
5. Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb. Văn học, trang 28.
6. Claude Levi-Strauss (2006), Cấu trúc của thần thoại trong “Những vấn đề nhân học tôn giáo”, Hội  Sử học Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, trang 235.
7. Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học sđd, trang 30.  
8, 9. Ngô Đức Thịnh (2015), Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, Nxb. Thế giới, Hà Nội, trang 83-84.
9, 10, 11, 12, 13. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng - Lịch sử và giá trị, Nxb. Văn hóa Thông tin,  trang 242-248, 249, 251.  
14. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng sđd, trang 256.  
15, 16. Barley Norton (2004), “Lên đồng Việt Nam: cấu tạo âm nhạc của thần thánh” trong: Đạo Mẫu và các hình thức sa man trong các tộc người Việt Nam và châu Á - Ngô Đức Thịnh (Chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, trang 310-341, 323.
17. E.M.Maletinsky (2004), Thi pháp của huyền thoại, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, trang 104.  
18. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng sđd, trang 127.  
19. Ở người Hmông Sa Pa, thầy shaman (chí nếnh) khi làm lễ xuất hồn đi vào thế giới thần linh đều  phải trùm khăn màu đen phủ mặt. Trong một số nghi lễ xuất hồn chữa bệnh của người Dao đỏ ở Lào Cai cũng sử dụng khăn của phụ nữ.
20. Nguyễn Văn Thắng (2015), “Thiên tính nữ của nam đồng thầy từ góc nhìn lý thuyết nam tính, nữ  tính của Geert Hofstede” trong Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 5, trang 72.
21. Nguyễn Ngọc Mai, sđd, trang 188.  
22. Hà Hữu Nga, Bài thuyết trình Cấu trúc luận Levi-Strauss trong nghiên cứu nhân học và văn hóa dân gian tại Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.   




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng