Nghiên Cứu & Bình Luận
Mối quan hệ giữa lòng bản và bài bản
09:55 | 11/02/2020

DƯƠNG BÍCH HÀ  

Văn hóa dân gian, trong đó có âm nhạc, là một bộ phận nghệ thuật quan trọng trong nền văn hóa đa dân tộc của Việt Nam. Nó phản ánh sâu sắc những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người. Nó gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của nhân dân và phục vụ nhân dân. Song song với cuộc sống của con người, nó đã tồn tại qua mấy nghìn năm lịch sử đến nay.

Mối quan hệ giữa lòng bản và bài bản
Ban nhạc đờn ca tài tử - Ảnh: wiki

Việt Nam có một nền âm nhạc dân gian phong phú, không những về thể loại, mà còn đa dạng về màu sắc dân tộc, nên nền âm nhạc truyền thống Việt Nam là nền âm nhạc đa sắc tộc. Con người Việt Nam đại đa số là nông dân, họ sống theo một tổ chức xã hội kiểu công xã nông thôn, trong hoàn cảnh ấy, âm nhạc cũng không tách rời đời sống xã hội. Âm nhạc là tiếng nói thiêng liêng, cao cả, đã phản ánh một cách trung thực cuộc sống sinh hoạt, những tâm tư tình cảm, cũng như đời sống tâm linh của con người. Người dân đất Việt rất có ý thức về những gì mà cha ông đã xây dựng nên và truyền lại cho con cháu. Họ bảo vệ, trân trọng những thành quả đã đạt được. Trải qua hàng ngàn năm kinh nghiệm, họ vừa giữ gìn bản sắc của dân tộc, vừa có ý thức học hỏi và sáng tạo. Họ biết tiếp thu, chọn lọc những gì tinh túy nhất của các nước anh em, kết hợp với những gì mình đã có để biến thành cái của mình. Theo thời gian, khó có thể truy tìm ra gốc gác của cái đã được cải biến, sáng tạo… tuy nhiên, “không hẳn mọi loại nhạc nào của người Việt Nam đều là kết quả của hành động tiếp biến, mà sâu thẳm trong tiềm thức người Việt hẳn đã có hình mẫu về cái Đẹp, vừa vững chắc vừa uyển chuyển khiến mọi sáng tạo, mọi cải biến đều phải đối mặt với nó và bị nó chi phối. Bản sắc dân tộc trong văn hóa nói chung, trong âm nhạc nói riêng được khái quát từ kiểu lựa chọn đó…” (PGS - TS Vũ Nhật Thăng).

Người Việt cổ từ xưa đã xây dựng một nền văn hóa riêng, một lối sống riêng. Từ thời đại văn hóa Đông Sơn cho đến thời thuộc Pháp đã trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, mặc dù có một phần nào đó ảnh hưởng của đạo Phật, đạo Nho và của phương Tây, nhưng trước sau, nền văn hóa xóm làng với kiểu gia đình tiểu nông (chế độ công điền, tình nghĩa làng xóm, hướng tới tổ tiên…) vẫn không hề thay đổi.

Như đã nói trên, âm nhạc dân gian nảy sinh từ quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất, tâm tư tình cảm… của con người. Âm nhạc dân gian sinh ra chủ yếu không phải để biểu diễn, mà nó sinh ra để phụ họa và phục vụ cho một nhu cầu nào đó trong sinh hoạt, và vì thế, người ta không đánh giá chất lượng bằng sự phát triển âm nhạc, mà người ta xem nó sinh ra có phục vụ được nhu cầu của con người không?


Những bài bản âm nhạc dân gian không có tên tác giả, không có bản gốc. Do đặc tính truyền khẩu, nên nó chỉ là những bài bản khuyết danh, mang tính sở hữu cộng đồng cao. Âm nhạc dân gian thuộc dạng mô hình và bài bản, trong mối quan hệ chung về văn hóa, cuộc sống… người ta có thể thêm thắt vào bài bản để trở thành bài bản của mình, và những người sử dụng, thể hiện nó chỉ được đào tạo thông qua quá trình tự học, tự tìm hiểu, và tự sáng tạo… Có thể cùng một bài hát, tùy nơi, tùy lúc, tùy theo tình cảm của mình mà chúng ta hát lên theo cảm xúc khác nhau, tạo nên những hiệu quả khác nhau (tất nhiên, vẫn trên cơ sở lòng bản là chính). Tuy vậy, vai trò cá nhân trong âm nhạc dân gian cũng rất nổi, bởi thế nào thì cũng có một người hoặc một nhóm người đưa ra bài hát đầu tiên. Như vậy, người ta vẫn tôn trọng tập thể nhưng không bỏ qua tài năng cá nhân.

Vì là dạng văn hóa phi vật thể, nên âm nhạc dân gian tồn tại trong đời sống của con người, có khi trong một vài cá nhân, mà con người chịu sự chi phối khắc nghiệt của quy luật sinh tồn - một thế hệ, có thể mang theo cả phong tục, tập quán, một nghệ nhân ra đi có thể mang theo một loại hình nghệ thuật. Mặt khác, thử thách của sự hội nhập, sự lựa chọn hai xu hướng: giữ gìn và tiếp thu; nói cách khác - ký ức văn hóa, nếu không được giữ gìn, có thể bị xóa mờ, kéo theo bản sắc dân tộc bị xóa mờ.

Âm nhạc dân gian có nhiều thể loại, mỗi thể loại có những đặc điểm, môi trường diễn xướng, mục đích… khác nhau, nhưng chung quy lại, cái chính vẫn là phục vụ con người (như đã đề cập ở trên) tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, yêu cầu… đấy chính là chất lượng của nó. Các nhà nghiên cứu có thể đem vào lăng kính để xem xét nó trên mọi mặt, áp đặt nó theo kiểu phân tích của lý thuyết phương Tây, hoặc theo cảm nhận chủ quan của họ… nhưng thực tế người dân không ai để ý đến điều đó, họ vẫn vô tư với cuộc sống của họ, và những bài hát dân gian vẫn cứ sống mãi với thời gian mà không cần phải gò ép nó theo một khuôn mẫu nào cả - đấy chính là điều quý giá không gì thay thế được. Vì vậy, xem xét âm nhạc dân gian không thể tách nó ra khỏi môi trường, bối cảnh của nó, và khi tìm hiểu để tìm ra ngọn nguồn âm nhạc, ta phải tìm hiểu về mọi mặt (bởi chỉ có âm nhạc dân gian gắn bó với các hoạt động âm nhạc khác trong một tổng thể nên mới tìm ra được nó).

Trước khi đề cập đến những bài bản trong âm nhạc dân gian, chúng tôi xin đề cập đến dạng bài bản theo quan điểm của phương Tây và dòng âm nhạc mới của Việt Nam là: Người nhạc sĩ sáng tác sáng tạo ra tác phẩm, trình bày ở dạng bản phổ, dựa theo hệ thống ký âm trên 5 dòng kẻ của phương Tây, nhiều khi đạt được sự chính xác, khoa học, và tính trung thực theo ý đồ, cảm xúc sáng tác của tác giả. Bài bản đảm bảo hình thức luôn cố định, có giai điệu nhất định, bao gồm tuyến âm thanh và hình nhịp điệu, kèm với một lời ca nhất định (nếu là tác phẩm thanh nhạc), phần phụ họa hòa âm nhất định nếu có. Hay cách khác, bài bản có tác giả, phản ánh đầy đủ những nhân tố cơ bản của ngôn ngữ âm nhạc như giai điệu, tiết tấu, hòa âm, sắc thái, tình cảm, những biến chuyển và nhịp điệu... Quan trọng là người diễn tấu không thể tùy tiện thay đổi, sửa chữa gì.

Người nghệ sĩ biểu diễn là người sáng tạo thứ hai, làm chức năng tái tạo lại bài bản dựa trên bản phổ của người nhạc sĩ (người sáng tạo đầu tiên). Trên bản phổ, người nghệ sĩ biểu diễn tái tạo ra âm thanh nhạc điệu trước người thưởng thức. Tuy nhiên, nói chính xác là người nghệ sĩ biểu diễn không cố ý tạo ra cái gì khác hoặc mới hơn so với bài bản gốc mà người nhạc sĩ đã sáng tạo, nhiều trường phái biểu diễn vẫn theo quan điểm luôn tuân thủ phương châm là thể hiện nội dung, xử lý kỹ thuật trong tác phẩm của người sáng tác trung thực và chính xác nhất. Ngoài ra, đôi lúc, người biểu diễn - trên cơ sở tác phẩm, vẫn có vài sự sáng tạo, không quá lệ thuộc một cách máy móc vào ý nghĩa công thức của ký âm. Đó là xử lý sắc thái, tình cảm, một số kỹ thuật… như sự kéo dài hay rút ngắn đôi chút về nhịp điệu. Đương nhiên, sự xử lý đó phải hết sức tinh tế, khéo léo, để có thể đạt đến những hiệu quả âm thanh mà nhiều khi tác giả sáng tác không dự liệu hết hoặc không ngờ đến.

Như vậy, theo quan điểm của phương Tây và quan điểm trong sáng tác mới ở Việt Nam, người nghệ sĩ biểu diễn chỉ làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là thể hiện bài bản do người nhạc sĩ sáng tác bằng tiếng đàn, giọng hát của mình. Họ xem thể hiện là sự chuyển tải trung thực nhất đối với bài bản (bản phổ), chứ nhiệm vụ và chức năng của họ không phải là sáng tạo ra bài bản. Có chăng, chỉ là những diễn tấu thêm, bớt theo cảm xúc. Sự thêm bớt đó hết sức tế nhị, không ngoài phạm vi cho phép của những ước lệ ký âm, và còn là sự tôn trọng tác giả - chủ thể sáng tạo. Mục đích cuối cùng cũng chỉ là để thể hiện tác phẩm (bài bản) tốt hơn mà thôi. Bản phổ ở đây, do những điều kiện ở trên, do hệ thống ký âm 5 dòng kẻ… nó không chỉ là phương tiện thuận lợi cho sự sáng tạo, biểu diễn, chuyển tải ý đồ của người sáng tác, biểu diễn, mà còn là phương tiện bảo lưu những sáng tạo đắc lực từ đời này sang đời khác.


Như đã nói trên, âm nhạc dân gian về nguyên tắc là sở hữu công cộng, không phải là sở hữu tác giả nên không có bài bản cố định. Vì vậy, người ta đưa ra khung bài hát gồm một số nốt làm trục chính, một số tiến hành giai điệu cố định, thậm chí một số tiết nhạc cố định, gọi là lòng bản (cái lõi giai điệu của bài bản, làn điệu, có khung nhịp cố định…), trên cơ sở khung đó, tùy theo người hát, người ta có thể luyến láy, thêm thắt tùy theo tình cảm của mình, nhưng vẫn không được sửa đổi khung đó (đây chính là tính thống nhất cộng đồng, cũng là đặc trưng của từng vùng, miền). Từ lòng bản, chúng ta tìm các hình thức biến tấu trên cơ sở của nó. Nói cách khác, lòng bản là bản xướng âm đơn giản và cố định về một bài bản, được cha ông đặt ra để giúp người học nắm vững được cấu trúc, phong cách, Hơi, Điệu, nhịp… sau đó, người diễn tấu có thể thêm bớt nốt trong khuôn khổ khung nhịp cho phù hợp, không đi chệch cấu trúc và phong cách bài bản, làn điệu. Nếu là bài bản dân ca, thì ngoài những điều kiện trên, người ta còn lệ thuộc vào lời ca để thêm hay bớt nốt cho phù hợp, tạo ra lòng bản mới, phong phú hơn.

Do đặc tính nghệ thuật của nó, nên một vài thể loại âm nhạc dân gian chuyển sang, tách dần ra khỏi đời sống thực tiễn và biến thành những hoạt động đậm đà tính nghệ thuật. Khi sử dụng âm nhạc dân gian trong các tác phẩm mới, cần phải xác định rõ là nó có thành một tác phẩm nghệ thuật được không, bởi tính nghệ thuật trong âm nhạc dân gian có nhiều cấp độ khác nhau, nếu không có tay nghề vững vàng, không khéo léo, sẽ không đạt kết quả. Hậu quả sẽ là một số tác phẩm sa vào con đường đặt lời mới, hoặc lấy một phần trong bài hát dân gian làm của mình, làm cho tác phẩm bị gò bó, gượng ép và không hiệu quả, vô hình chung chúng ta xem nhẹ âm nhạc dân gian. Có một số người cho rằng nó không xứng đáng để sống bởi nó quá lạc hậu, nghèo nàn, tùy tiện v.v, và họ sữa chữa, nhào nặn nó theo ý mình, như vậy, đã làm cho nó bị biến dạng. Vì vậy, phải có một cách nhìn đúng đắn và đa chiều về nó.

Bài bản trong âm nhạc dân gian không có một giai điệu cố định, rạch ròi như trong âm nhạc phương Tây, mà chỉ có tính tương đối cố định (lòng bản). Theo lối ký âm cổ truyền, lòng bản là một bài gồm những chữ nhạc (Hò Xự Xang…) và một số ký hiệu về nhịp điệu… Lòng bản được xem như tuyến giai điệu mang tính phác họa, nêu lên phong thái chung về âm điệu và nhịp điệu của bài bản. Trên cơ sở lòng bản, tùy theo tâm trạng, cảm xúc… nhất thời của người diễn tấu, giai điệu có thể thay đổi một chút, nhưng không tự do, tùy tiện, mà phải tuân theo nguyên tắc, quy luật. Đó là đảm bảo sự ổn định của cơ cấu nhịp điệu, nếu người diễn tấu muốn “phá phách” hơn một chút nữa, thì cũng cứ phải ngắt câu, nhịp đúng chỗ, xem như cái khung bất di bất dịch về nhịp điệu của lòng bản. Ngoài ra, phải đảm bảo nhất quán về Hơi, Điệu, về phong cách, nội dung của lòng bản… Điều này đòi hỏi người diễn tấu vừa phải giỏi về kỹ thuật, vừa phải biết đảm bảo những yêu cầu của lòng bản, và vừa phải có tính sáng tạo, ngẫu hứng cao. Như vậy, giữa người diễn tấu các bài bản âm nhạc cổ truyền, và người nhạc sĩ sáng tác các tác phẩm mới có một điểm chung là sáng tạo, chỉ khác một bên là sáng tạo theo kiểu ứng tác, một bên là sáng tạo theo phương pháp tư duy.

Người diễn tấu sáng tạo mang tính ứng tác, đương nhiên, là cơ sở để có thêm nhiều dị bản.

Dị bản là đặc tính vốn có, tự nhiên của các bài bản trong âm nhạc dân gian. Tự bản thân các bài bản, làn điệu còn lưu truyền lại, đã hàm chứa đặc trưng biến thái phát triển trong phương thức truyền miệng từ truyền thống xa xưa, không hề lệ thuộc vào những khuôn mẫu và bản ghi nhất định nào. Vì vậy, trong dân ca không có khái niệm nguyên bản, mà đều là những dị bản, dị bản của truyền thống và dị bản của những làn điệu, bài bản cụ thể. Quá trình lưu truyền này luôn luôn biến đổi tùy theo khả năng, nhận thức và thẩm mỹ của từng tộc người, từng thời đại.

Sở dĩ các bài bản dân ca tồn tại được đến ngày nay là đã trải qua sự sàng lọc của thời gian, của bao thế hệ… để có thể phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của thời đại. Do đó, dị bản được xem như là một quá trình tái tạo, sáng tạo. Một loại hình nghệ thuật dân gian ra đời đều gắn liền với điều kiện sống của con người, xã hội của thời đại nó. Quá trình lưu truyền cũng đồng thời là quá trình hội tụ phát tán, là sự hội nhập và ảnh hưởng qua lại của một truyền thống này với một truyền thống dân gian khác, đã để lại những dấu vết đậm nhạt khác nhau trong bài bản, làn điệu của các vùng dân ca trên khắp mọi miền đất nước.

Việc cùng một làn điệu, bài bản, cùng một không gian, thời gian, nhưng mỗi người lại hát khác nhau một tý, thậm chí, cũng người đó, hát bài đó, nhưng khi hát lại lần khác, tùy theo cảm xúc, đã thấy có khác đi một chút ít rồi, cho chúng ta thấy rằng, việc lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng sự lưu giữ trong ký ức của từng cá thể, làm sao có thể tránh được sự biến thái khách quan!

Quy luật biến thái phát triển tác động quá trình dị bản hóa liên tục trong âm nhạc dân gian. Do đó, cái được gọi là “dị bản” chính là những lòng bản đã trải qua biến thái phát triển, mà chừng mực nào đó, đã ổn định về chất lượng nghệ thuật, được lưu giữ vững bền trong tâm thức con người. Nếu không, thì đã tự thoái hóa và triệt tiêu ngay từ cơ sở. Điều này thể hiện ở chỗ tại sao làn điệu này nhiều dị bản, làn điệu khác lại ít hơn. Tất nhiên, ngoài yếu tố ổn định về chất lượng nghệ thuật, còn có nhiều yếu tố khác về lịch sử, địa lý, điều kiện sống cá nhân và xã hội. Tại sao Lý con sáo, Lý ngựa ô… lại cùng biến thái thành nhiều dị bản trong cùng một khu vực là đồng bằng sông Cửu Long? Và tại sao thể lại phát triển mạnh mẽ trong dân gian ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc? Chắc chắn không phải những thể loại ấy, làn điệu ấy là những dị bản trực tiếp từ một nguyên bản, làn điệu gốc từ trong truyền thống, mà đã trải qua biến thái, dị bản hóa ở cấp độ cao (hình thành thể loại mới) ở một giai đoạn nào đó trong quá trình vận động phát triển của cái cổ sơ…

Như vậy, dị bản được biểu hiện ở hai cấp độ khác nhau, mà ở cấp độ thấp, là “bản khác” của một làn điệu, nhưng là làn điệu đã trải qua biến thái (dị bản của dị bản). Ở đây, ta thấy biểu hiện:

- Các dị bản đó là sự khác đi (so với sự ổn định ban đầu của nó) trong quá trình diễn xướng do người diễn tấu, cách diễn tấu, hoàn cảnh diễn tấu khác nhau. Do lệ thuộc vào trí nhớ của người đi trước truyền lại qua phương thức truyền khẩu, và do nhu cầu, đòi hỏi sáng tạo…

- Với đặc điểm của dân ca là: Từ một làn điệu cụ thể, có thể hát bằng nhiều lời thơ khác nhau, bằng bất cứ cặp thơ lục bát, song thất lục bát… nào. Do nhu cầu về nội dung, dân gian đã “bẻ” làn điệu cho phù hợp với ngữ điệu của thơ, của ca dao. Sự “bẻ điệu” này cũng chỉ ở một vài chỗ trong đường nét giai điệu, còn phần cốt lõi, quan trọng của nó vẫn được dân gian tôn trọng. Vì thế, mới có hiện tượng “cưỡng âm”, đảo lộn trật tự của dấu giọng như việc các dấu sắc, ngã rơi vào âm khu thấp, các dấu nặng, hỏi, huyền lại “trèo” lên âm khu cao. Như vậy, hiện tượng trong cùng một điệu nhạc, nhưng có sự biến đổi giai điệu, là do sự thay đổi lời ca để đảm bảo yêu cầu “tròn vành rõ chữ”. Trong quá trình phát triển, các thành phần trong bản thân mỗi bài bản, làn điệu của âm nhạc dân gian không còn giữ nguyên sự hoang sơ, thuần khiết ban đầu nữa, mà đã có sự phân hóa và phát triển với nhiều phương thức khác nhau. Việc biến đổi giai điệu có thể xảy ra, nhưng vẫn không biến đổi về hình thức nhịp điệu và âm điệu tạo nên do những âm, những tiếng cố định xen vào lời thơ (luyến láy, đệm, đưa hơi…). Bằng phương thức thêm, bớt từ, làm biến thái đi một vài cao độ, trường độ… cũng là cách để thể hiện tài năng, trí tuệ của nghệ nhân dân gian. Một điều quan trọng không thể không nhắc đến, góp một phần không nhỏ vào việc tạo nên những dị bản, đó là sự ảnh hưởng của phương ngữ. Phương ngữ của từng vùng miền, hoặc của trong cùng một vùng dân cư liền kề nhau, nhiều khi có sự khác nhau rất rõ, khi áp dụng cho cùng một khổ thơ, cùng một nội dung, đã có sự khác nhau, có khi cũng phần nào làm cho hình thức, khúc thức bị biến đổi, tất nhiên, vẫn trên cơ sở lòng bản. Quá trình sáng tạo không chỉ dừng lại theo chủ quan của người diễn tấu, mà luôn được tiếp thu, hoàn thiện, để có thể sinh ra nhiều chất liệu bài bản và các thể loại âm nhạc dân gian khác, hình thành những phong cách giai điệu lớn như hát nói, ngâm, ca xướng… Chúng ta thấy rằng, ở một số bài dân ca này chỉ dùng một khổ thơ 6/8, không thêm bớt lời ca, mà khi hát, giai điệu lại biến hóa theo kiểu xen kẽ hoặc lặp lại ở những cao độ khác. Ở một bài khác thì dùng lối ngâm ngợi, kiểu như câu rao, câu dạo đầu… sau đó lại phát triển như dạng ca khúc. Có bài thì câu hát được điệp lại theo kiểu mô phỏng ở một quãng khác… đó chính là quy luật vận động của âm nhạc.

- Với đặc điểm của khí nhạc là: Trên cơ sở của bài bản khí nhạc và thanh nhạc, người diễn tấu dựa vào đặc điểm của từng loại nhạc cụ, kết hợp kỹ thuật cùng với những kỹ năng, kỹ xảo riêng biệt của nhạc cụ, xây dựng nên giai điệu cho khí nhạc có vẻ luôn thay đổi.

Những biến hóa, thay đổi về giai điệu tùy hứng, tùy người diễn tấu nhạc cụ… không phải là hoàn toàn tự do, tùy tiện. Cũng như trong dân ca, tất cả phải tuân theo một nguyên tắc là tôn trọng cơ cấu nhịp điệu của bài bản. Nếu không muốn diễn tấu chính xác bài bản, mà muốn diễn tấu theo tâm trạng, cảm xúc của cá nhân, thì cũng chỉ là sự sáng tạo cho phép trong khuôn nhịp, trong câu nhạc… mà không được phá vỡ cơ cấu nhịp điệu. Nguyên tắc tiếp theo, còn phải đảm bảo sự nhất quán về tính cách âm điệu, về Hơi nhạc, về phong cách và nội dung tình cảm của bài bản. Đòi hỏi người diễn tấu nhạc cụ ngoài sử dụng thuần thục nhạc cụ, kỹ thuật của nhạc cụ, cần phải đạt tiêu chuẩn về tính căn cơ, cốt cách và sáng tạo. Như vậy, từ việc sáng tạo, chuyển hóa các lòng bản của khí nhạc, của thanh nhạc trong dân ca, con đường tự phát theo phương pháp nghệ nhân sẽ dẫn đến một giai đoạn của những lòng bản mới (dị bản của dị bản) xuất phát thẳng từ tư duy khí nhạc, sau cùng là giai đoạn của những bài bản hoàn chỉnh, những nghệ sĩ khác sẽ học và diễn tấu lại đúng theo nguyên bản hoặc áp dụng phương pháp biến tấu, và như vậy, sẽ lại tiếp tục cho ra đời những dị bản khác…

Ở cấp độ cao hơn, thì dị bản là sự chuyển hóa thể loại, tước bỏ những yếu tố không phù hợp, đồng thời, tiếp nhận thêm những yếu tố mới, dẫn đến sự phát sinh những thể loại mới…

Ngoài ra, dị bản còn là quá trình tiếp thu, phát tán ảnh hưởng lẫn nhau của các loại hình nghệ thuật trên cơ sở giao lưu, quan hệ qua lại… Nhiều dị bản của âm nhạc dân gian vùng này, lại mang yếu tố chất liệu của âm nhạc dân gian vùng khác và ngược lại, quá trình này còn xảy ra ở những dân tộc khác nhau trên các quốc gia lân cận.

Quy luật tất yếu của biến thái xã hội là một quá trình vận động, phát triển, kéo theo một quá trình phát triển, vận động, liên tục dị bản hóa các bài bản âm nhạc dân gian. Nếu chỉ là một nguyên bản thô sơ (như chúng ta đòi hỏi) thì quả là khô cứng, máy móc. Âm nhạc dân gian đã nằm sâu trong tiềm thức của nhân dân, luôn tự thân phát triển, phát huy, và càng mạnh mẽ hơn nếu được phát huy trong điều kiện xã hội tích cực và tiến bộ.

Như thế, nếu theo nghĩa rộng, thì dân ca các vùng, miền cũng là những “dị bản” từ truyền thống, từ cội nguồn dân tộc xa xưa. Mặc dù đã hội nhập thêm những sắc tố mới, nhưng vẫn không xa cái gốc ban đầu bao nhiêu. Chính cái gốc được giữ lại đó mà tạo nên nét chung trong ngôn ngữ Việt Nam. Truyền thống là vận động. Lối hát giao duyên đối đáp truyền thống là cái nguyên bản đã biến thái phát triển, chuyển hóa tính chất, phát sinh một thể loại phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sống của con người, tiếp tục là những phiên bản mới của tâm hồn con người trên khắp mọi miền…

Âm nhạc dân gian không chỉ thuần túy đi vào sử sách, bia đá, mà nó là chất nhựa sống len lỏi, nhen nhóm, ươm thấm trong lòng người dân, gặp khi “mưa thuận gió hòa” sẽ nẩy lộc đâm chồi, và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cũng chính vì vậy mà các bài bản, làn điệu không còn nguyên vẹn như cũ, đòi hỏi phải có biện pháp cụ thể để giữ lại và truyền bá những tinh hoa mà ông cha ta đã sáng tạo ra.

Để các bài bản âm nhạc dân gian không bị thất truyền, mai một, và có thể giữ và truyền dạy cho các thế hệ sau, ngoài phương pháp truyền khẩu, truyền nghề truyền ngón, cần phải có một phương pháp hữu hiệu, đó là ký âm lại các bài bản trên cơ sở lòng bản. Việc ký âm các bài bản cũng là điều “đau đầu” đối với các nhà nghiên cứu: Nếu sử dụng lối ký âm 5 dòng kẻ của phương Tây, thì phù hợp ở chỗ là khoa học, dễ hiểu (vì nó phổ cập hơn lối ký âm chữ nhạc cổ truyền), nhưng lại không thể hiện tốt được Hơi, Điệu của bài bản. Nếu ký âm theo lối chữ nhạc cổ truyền, trong chừng mực nào đó nó có thể làm cho người diễn tấu có thể xử lý sắc thái, Hơi, Điệu của bài bản tương đối tốt hơn, nhưng, như đã nói, nó ít được phổ cập nên cũng gây lúng túng cho người diễn tấu, chưa kể còn “kéo” theo một dãy những ký hiệu về nhịp, về âm vực, về các nốt non, già… rất rối rắm. Còn việc truyền khẩu thì đáp ứng tốt việc xử lý Hơi, Điệu, nhưng lại có thể gây ra nguy cơ thất truyền nếu như bắt chước không được, hoặc nghệ nhân lớn tuổi khi mất, mang theo cái kho tàng quý giá ấy về với tổ tiên… Có lẽ tốt nhất, theo chúng tôi, là kết hợp đồng thời cả ba phương pháp trên, mới khả dĩ giữ lại được vốn cổ đó.

Sự tồn tại, vận động phát triển của âm nhạc dân gian, như đã đề cập, tạo ra nhiều dị bản. Các bài bản âm nhạc dân gian, với những “lòng bản” và “dị bản”, có sự quan hệ mật thiết với nhau, đã góp phần làm cho nền âm nhạc cổ truyền của Việt Nam càng thêm phong phú, đa dạng, nhiều sắc màu.  

D.B.H
(SHSDB35/12-2019)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng