Nghiên Cứu & Bình Luận
Văn học cổ - một trong những nền tảng ban đầu có tác dụng to lớn đào luyện con người mới xã hội chủ nghĩa
14:09 | 27/03/2020


NGUYỄN THẠCH GIANG

Văn học cổ - một trong những nền tảng ban đầu có tác dụng to lớn đào luyện con người mới xã hội chủ nghĩa
Ảnh: internet

Trong các môn học dạy ở nhà trường, thì môn văn học có một tác dụng giáo dục toàn diện hơn cả. Văn học là môn rèn luyện cách làm người cho học sinh. Vì lẽ đó mà người ta gọi văn học là nhân học, nhằm hun đúc cho con người cái chân, cái thiện, cái mỹ.

Những gì không giúp hình thành ba đức tính đó cho học sinh thì cần loại ra khỏi chương trình, đặc biệt là những bài văn gây cái nghĩa lập lờ, nước đôi không lành mạnh. Nhân học đào luyện con người bằng cái vốn văn học dân tộc theo một chương trình thích hợp. Vấn đề mấu chốt trong việc giảng dạy văn học là phải gợi cho học sinh tính tò mò bằng những phương pháp hướng tìm ra kiến thức hay những kết luận, kích thích năng khiếu ham hiểu biết để học sinh suốt đời biết tự học nâng cao mình. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Vì biết mà không tinh, nghĩa là không chắc chắn thấu đáo thì không thể tự mình nâng cao được.

Thứ đến, học văn và dạy văn có liên quan mật thiết với nhau. Thầy giáo là người thay mặt tác giả truyền đạt lại cho học sinh điều bài văn muốn trao gửi, nhắn nhủ lại cho đời. Theo cách nói cũ, thì thầy dạy hay bất kỳ ai làm việc gì khác đều phải thành tâm. Tâm không thành thì không nên được chuyện gì hết.

Riêng văn học cổ đóng một vai trò quan trọng trong việc đào luyện con người. Tác phẩm của mười thế kỷ văn học còn lại không nhiều. Nhưng đây là những giá trị đã được gạn lọc từ bao đời nay mới truyền lại. Đó là một di sản quý. Cũng như ngày nay, thơ văn xuất hiện ngày một nhiều, nhưng số còn lại cho mai sau chắc chắn không bao nhiêu. Chỉ những gì thực sự là tiêu biểu cho văn hóa một thời của dân tộc là tồn tại. Những cái mốt thời thượng hiện nay trong thơ ca... xa lạ với truyền thống sẽ mất đi. Cho nên, chỉ những tác giả biết gắn chặt với cội nguồn dân tộc trước đã rồi tiếp thu cái mới lạ của bốn phương mà đồng hóa và sáng tạo là sống mãi.

Mười thế kỷ văn học dân tộc còn lại với chúng ta đủ các thể loại vừa văn Hán vừa văn Nôm. Văn học có ý thức một cách rành mạch rằng văn học và cả nghệ thuật là công cụ giáo dục đạo đức. Đó là quan điểm các cụ nhà nho. Còn đạo gia tuy không có sách vở bàn về nghệ thuật, nhưng thái độ sùng thượng tự do, tinh thần và sự lý tưởng hóa thiên nhiên của họ là nguồn cảm hứng sâu xa cho các nghệ sĩ tài danh của dân tộc, như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lý Tử Tấn, đến cả Huyền Quang, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... Do đó, bài học hồn nhiên, sinh động chung mà hậu thế nhận được qua di sản văn học cổ là cái đạo nghĩa muôn đời trung hiếu tiết nghĩa, tinh thần yêu non sông đất nước, yêu đồng bào, lòng tự hào dân tộc cùng với những khát vọng tự do và công lý, niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cái chân, cái thiện, cái mỹ. Những giá trị đạo đức ấy từ ngàn xưa đã bàng bạc trong mọi hình thức hoạt động của văn hóa dân gian, đậm đà trong ca dao, dân ca, đã hun đúc nên tinh thần dân tộc, sắc thái văn hóa dân tộc.

Đừng lấy óc phân tích khúc chiết chưa thuần thục của tư duy ngày nay nảy sinh trên nền văn hóa phương Tây mới được du nhập thực sự vào nước ta từ đầu thế kỷ này để đọc, lý giải di sản văn hóa cổ của dân tộc. Vì tác giả của di sản văn hóa kia là người Việt, từ bao đời nay vẫn sống trong một nước nông nghiệp mà cuộc đời không ra khỏi mùa vụ của mảnh đất bao đời cha truyền con nối để lại, tầm mắt không nhìn quá chu kỳ vận hành của trời sao trăng nước, đầu óc không suy nghĩ gì quá ngoài cái trực giác cảm nhận được của thực tại bên ngoài ngàn đời cứ diễn ra và lặp lại.

Cho nên, nguồn gốc nhận thức cho rằng cái đạo trời, tức tự nhiên quay trở lại, bĩ cực thái lai, cho đến những giá trị đạo đức trung, hiếu... kia cũng chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh, của môi trường sống cụ thể đó. Qua văn chương, các tác giả cổ đại đã phát biểu, ghi nhận những điều họ cảm nhận được bằng trực giác mà cốt lõi là cả chiều dày kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của họ. Đối với các khúc ngâm cũng như các truyện diễn ca, có thể nói là họ tuyên truyền, giảng giải đạo lý qua một câu chuyện không cần thiết tính toán đến tính lô-gíc hay bất kỳ một tính quy luật nào khác, vì cái họ muốn nói là những điều vui buồn, yêu ghét, những nỗi hy vọng đợi chờ... là những giá trị đạo đức, những tiêu chuẩn luân lý, chứ không phải là cái cốt truyện mà tình tiết phát triển phải phù hợp với lô-gíc của nội tâm nhân vật, của lịch sử như chúng ta quan niệm ngày nay.

Họ truyền bá đạo đức bằng cách tôn vinh không một tính toán nào hết những người đã sống và thực thi đạo nghĩa truyền thống. Ngược lại họ bất bình không chút dè dặt những cái phi đạo lý, những con người vô đạo, hèn hạ và vô liêm sỉ. Do đó, cái phi lô-gíc không theo một quy luật nào, kể cả tính chất huyền thoại, tính ý chí viễn vông giả tưởng đầy rẫy trong các truyện diễn ca dân gian, truyện ký, truyện cổ và cả trong các khúc ngâm.

Có điều, qua nhận xét trên đây, chúng ta có thể thấy rằng tính chất huyền thoại, phi lô-gíc giả tưởng càng đậm, càng trái khoáy thì tính chất phản kháng căm giận của tác phẩm càng tăng, càng mạnh mẽ. Và, chính điều này đã gây cho người đọc những xúc động hồn nhiên lành mạnh nuôi dưỡng cái chân, cái thiện, cái mỹ ở trong lòng và khơi dậy ở họ ý chí đấu tranh cho lẽ phải, cho công lý. Chính vì thế mà thể loại nào phần lớn cũng cứ lặp đi lặp lại bấy nhiêu đạo lý có thể nói là đơn điệu mà nó vẫn có sức hấp dẫn đối với người đọc, người xem trong mấy trăm năm nay.

Văn dĩ tải đạo. Các tác giả văn học cổ đã chở đạo lý đó bằng văn là lòng tin vững chắc, hồn nhiên của mình mà đời đời kiếp kiếp được tạo nên từ những cảm nhận bằng trực giác nói trên kia. Điều dễ thấy trong các truyện diễn ca là nhân dân, họ từng thất bại ê chề trong cuộc đời của vua tôi, của quan tham lại nhũng, tức là trong một xã hội mà cái hèn hạ, thói nịnh bợ, điều vô đạo chi phối tất cả, thì họ phải thắng trên trang văn, trong ý chí giả tưởng với một niềm tin mãnh liệt vào sự công bằng của tạo hóa, của tự nhiên. Trong đời sống thực tế xã hội cũ đầy rẫy những phi lý, bất chấp đạo đức và lẽ phải, thì ở đây, nhân dân cũng đã đáp lại bằng cách đó. Đây cũng là cách thắng lợi tinh thần, đồng thời cũng là những tia hồi quang của hiện thực được phản ảnh trong văn học cổ.

Những bài văn học cổ để lại cho chúng ta vừa là luân lý xã hội nhằm đem lại nền thịnh vượng cho toàn dân, vừa đồng thời là đạo đức cá nhân, vì thực thi nó thì sẽ được gặp lành... Theo nghĩa rộng của những từ này, thì tác phẩm văn học cổ nào cũng có đề cập đến những giá trị đạo đức cơ bản đó. Phong kiến chăng? Không. Thực ra bấy nhiêu điều là những đạo lý phổ quát của dân gian. Xét về mặt từ nguyên, thì nó đã được hình thành sớm hơn bất cứ một lý thuyết đạo đức nào trong quá khứ. Nhà nho về sau cũng chỉ lấy di sản đạo đức đó của dân gian mà xây dựng thành hệ thống đạo đức trong học thuyết của mình.

Từ những giá trị đạo đức truyền thống trong văn học cổ, nó ngấm ngầm gieo vào lòng ta một niềm tin thần thánh rằng cái lẽ phải muôn đời mà người dân chỉ cảm nhận được bằng trực giác nói trên kia sẽ thắng. Nghĩa là, người trung tuy bị hãm hại, kẻ nịnh dù tạm thời đắc thế, song điều tốt lành, người lương thiện mãi mãi được phù trì, và rồi chung cuộc lẽ phải, chính nghĩa nhất định thắng. Và, từ đó mà căm giận bọn người đen bạc, thả lòng hướng về cái chân, cái thiện, cái mỹ, thuần hóa con người chúng ta với một lòng thanh thản của người làm chủ nắm chắc được chân lý ngàn xưa: Gian tà đắc chí mấy hơi, Mắt thần khôn giấu Iưới trời khôn dung.

Trời là gì? và mắt thần là đâu? Đó là những khái niệm hết sức chung, bao quát những thế lực tự nhiên và xã hội, trong đó có cả sức mạnh của con người, của nhân dân. Đó là một từ ngữ mang ý nghĩa nhân đạo cao cả đã an ủi lòng người ta biết bao đời nay trong đau thương vì những thế lực vô đạo đương quyền trong xã hội cũ.

Di sản văn học cổ dân tộc bao gồm thơ ca, phú, văn tế, truyện ký đến các khúc ngâm, các truyện diễn ca... trong thời buổi ngày nay bên cạnh hàng ngàn mớ lý thuyết có tham vọng đi sâu vào ngõ ngách tri thức của con người được nhập cảng, thì cả cái vốn di sản kia của dân tộc như một thứ đồ cổ, một bông hoa ngàn, hay như một cô thôn nữ chất phác, không phấn son... Trăm ngàn nguồn lý thuyết kia sẽ làm ta chìm ngập, làm ta ngợp mắt và lạc hướng, và rồi không còn biết phương nào mà theo về nữa cả. Trong khi đó, thì chiếc đồ cổ kia sẽ hướng cho ta trở lại với cội nguồn, làm cho ta nhận ra ta với ý thức mạnh mẽ rằng ta có thể trường chinh sánh bước trên con đường đi lớn của lịch sử, thì bông hoa ngàn kia sẽ cho ta một lòng tin, một niềm an ủi về quá khứ của dân tộc, về tiềm lực và trí tuệ của mình. Và cuối cùng, thì cô thôn nữ kia sẽ đưa ta về trong lòng mẹ, lòng bà đã cưu mang chúng ta từ buổi trứng nước và đã từng dạy bảo cho ta những bài học đạo lý từ hạt cơm rơi trong bữa ăn mẹ bắt nhặt lại, từ trong những buổi đứng vòng tay hầu chuyện khách, và rồi quan trọng hơn là từ những tiếng hà ơi qua lời ru của mẹ buổi ấu thơ.

Bây giờ, vốn di sản văn học quá khứ kia là những nhân tố cần thiết vô cùng cho ta đứng vững thăng bằng để tiến bước. Ngọn lông hồng bay trong không trung sẽ rơi và lạc hướng. Song, sợi lông hồng kia được gắn chặt với một trọng lượng bất kỳ, thì trọng lượng càng lớn lông hồng càng bay xa bất chấp gió bão, và điều quan trọng chắc chắn là sẽ bay đến đích. Càng bám sâu vào truyền thống văn học cổ dân tộc là những trọng lượng vĩnh cữu hằng tồn, chúng ta càng tiến xa và tiến vững chắc hơn. Đó cũng là điều Đảng đã dạy chúng ta trong hơn sáu mươi năm qua.

Truyền thống văn nghệ dân tộc ta cũng như phần lớn các dân tộc phương đông, dù là thi ca, hội họa hay bất kỳ nghệ thuật nào là gợi ý (suggestif) chứ không phải khúc chiết (articulé) như văn nghệ phương Tây, vì những vấn đề tri thức luận (épistémologie) từ lâu không được biết đến trong lịch sử tư tưởng của họ. Và, đó cũng chỉ là sản phẩm của một nền sản xuất nông nghiệp từ ngàn đời vẫn lấy điều chiếm hữu tức thời (appréhention immédiate) làm xuất phát điểm nhận thức. Cho nên phân tích, tách bạch quá thì không hiểu được thực chất điều mà tác giả muốn trao gửi cho hậu thế qua tác phẩm của họ.

Lấy óc phân tích của tư duy thời nay mà mổ xẻ di sản văn học cổ dân tộc, ta chỉ thấy những khuyết nhược điểm nhiều hơn. Đem tâm lý thời thượng trước mắt mà tìm hiểu nhân vật, tìm hiểu kết cấu tình tiết các áng văn cổ, thì ta cũng sẽ chỉ thấy những cái phi lô-gíc, cái khập khiểng không ăn nhập vào đâu. Song, cứ lấy cái tâm của ta, đem lòng ta mà lĩnh hội nó, thì cái di sản văn học cổ kia cho ta thấy biết bao cái đẹp hàm chứa bên trong: vẻ chất phác nghiêm nghị của chiếc đồ cổ còn in dấu tài năng và trí tuệ của một thời, cái kín đáo thanh sạch của bông hoa ngàn còn phong nhụy truyền thống dân gian, và cả cái trinh trắng hồn nhiên của cô thôn nữ còn bỡ ngỡ trước những rung động thầm lặng của con tim với hương trời của đạo nghĩa ngàn xưa đất Việt.

Tất cả sẽ giúp ta yên tâm với thực tại. Cả cái di sản văn học cổ của dân tộc nhắn gửi cho hậu thế một niềm an ủi bao la: Những điều không may gặp phải trong cuộc đời, thực ra là những thử thách rất đáng yêu mà tạo hóa, hay số phận chỉ dành riêng cho những ai đã lọt lược vào mắt xanh của người:

Cái thiên dục khốn ngã dĩ giáng quyết nhiệm.
Cố dữ ích lệ chí dĩ tế vu nan...


(Chắc trời muốn rèn ta để trao gánh nặng,
Nên ta càng gắng chí để vượt gian nan - Nguyễn Trãi)...

Và, phải giữ cái tâm ta, giữ lòng ta cho trong sáng, vì dữ lành trong một chữ tâm, đừng để xáo động vì những thói tục của cuộc sống xung quanh:

Thân dữ cô vân trường luyến tụ,
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan...


(Thân cùng mây chiếc mãi yêu chung,
Lòng tựa giếng xưa không gợn sóng - Chu An)...

Mà cố bình thản giữ lấy đạo lý hằng thường, vì chính ta mới là nhân tố quyết định để làm nên những gì ta đã có trong quá khứ, ta đang có trong hiện tại, và ta sẽ có trong tương lai:

Thái bình tu trí lực.
Vạn cổ thử giang san.


(Buổi thái bình càng phải gắng sức,
Non nước mới được vững chãi muôn đời - Trần Quang Khải).

Cũng như sau này Nguyễn Du nói "Có trời mà cũng tại ta", hay "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều", di sản văn học cổ mãi mãi khẳng định, biểu dương và cổ vũ tất cả những cố gắng của con người hướng về cái đẹp, cái lẽ phải công bằng của đạo lý cổ truyền dân tộc, và mãi mãi là nền tảng ban đầu có tác dụng to lớn đào luyện con người.

N.T.G
(TCSH47/01&2-1992)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng