PHAN ĐÌNH DŨNG
1. Có thể tìm hiểu những đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỉ XI - thế kỉ XIV qua một số phương diện tiêu biểu như ngôn ngữ, thế giới nghệ thuật hay hình tượng (con người, thiên nhiên, không/thời gian nghệ thuật), thể thơ, kết cấu, cách miêu tả thể hiện, giọng điệu… Đây là cách nghiên cứu “diện”.
Tuy nhiên, cũng có thể khảo sát “điểm”. Cụ thể là khảo sát một khía cạnh, một chi tiết nghệ thuật trong thơ Thiền Lý - Trần. Chẳng hạn như chúng ta có thể trình bày một số cảm nhận của mình về việc miêu tả sắc thân trong thơ Thiền giai đoạn trên. Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu một chi tiết nghệ thuật chọn lọc, có thể phát hiện ít nhiều về những quan niệm nghệ thuật về con người, về cách cảm nhận thế giới cũng như khuynh hướng nghệ thuật của thời đại Lý - Trần.
2. Thuộc phạm vi khảo sát của đề tài này không phải là toàn bộ thơ Thiền Lý - Trần nói chung mà chỉ là những bài thơ tiêu biểu trong tập Thơ Thiền Lý - Trần1. Cụ thể:
- Trước tiên là những bài thơ trực tiếp miêu tả sắc thân. Dấu hiệu dễ nhận ra là ở chúng có sự xuất hiện của từ thân trong bản phiên âm của bài thơ. Có điều, hàm nghĩa của từ này phải là chỉ sắc thân, ngoại hình chứ không phải là chỉ thân thế (Thân thế quang âm nhược phi tiễn - Thân thế và tháng năm tựa như mũi tên bay), chỉ sự thân thiết giữa các đối tượng (Dữ vật vô thân - Cùng vật không thân)…
- Hoặc là chỉ đề cập một vài bộ phận của thân thể như: đầu, tóc, chân, tay, mặt, mũi, ngực, bụng… Ví dụ: Cáo tật thị chúng (Mãn Giác), Thị chúng kệ (Giác Hải), Phàm thánh bất dị (Tuệ Trung Thượng Sĩ), Đăng Bảo Đài Sơn (Trần Nhân Tông), Địa lô tức sự (Huyền Quang), Giới am ngâm (Trần Minh Tông)…
- Hoặc là chỉ miêu tả những hiện tượng có liên quan đến sắc thân như sinh, lão, bệnh, tử. Chẳng hạn như: Thị đệ tử Bản Tịch (Thuần Chân), Sinh lão bệnh tử (Diệu Nhân), Sinh tử nhàn nhi dĩ (Tuệ Trung Thượng Sĩ)… Đôi khi lại khéo dùng cách nói ẩn dụ quen thuộc để kín đáo bàn luận về sắc thân như Thị tịch (Ngộ Ấn), Mộc trung hữu hỏa (Khuông Việt)…
3. Thử khảo sát, thống kê những bài thơ trực tiếp miêu tả sắc thân trong tuyển thơ đã đề cập, chúng tôi nhận thấy chúng đã hiện diện với một số lượng không nhỏ: 20/80 bài. Điều này chứng tỏ rằng vấn đề sắc thân cũng là một trong những ám ảnh thơ ca, trở thành một trong những vấn đề quan yếu của những nhà thơ Thiền tông Lý- Trần.
Có thể đi tìm một vài nguyên nhân của hiện tượng trên từ nguồn cội văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam.
Phật giáo Thiền tông dù đi trực tiếp từ Ấn Độ sang hoặc theo đường vòng từ Trung Hoa lại bao giờ cũng phải dung hợp với tư tưởng truyền thống Việt Nam - yêu nước và nhân đạo - để trở thành Phật giáo Thiền tông Việt Nam, một khuynh hướng Phật giáo giàu tính thực tiễn, đại chúng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa Đạo và Đời, giàu bản sắc dân tộc Việt Nam.
Trong tư tưởng nhân đạo của văn học truyền thống, chữ thân cũng là một ám ảnh ghê gớm, một ý thức thường trực. Tục ngữ Việt Nam đề cao tư tưởng nhân ái giữa người với người thì “thương thân” vừa là xuất phát điểm vừa là cái đích để hướng tới (Thương người như thể thương thân). Các nhà nghiên cứu ca dao Việt Nam thường hay nhắc tới motif “Thân em như” trở đi trở lại trong nhiều bài ca dao trữ tình: “Thân em như tấm lụa đào”, “Thân em như lá đài bi”, “Thân em như hạt mưa sa”, “Thân em như chổi đầu hè”, v.v. Motif này góp phần khẳng định bi kịch số phận của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Đồng cảm với bi kịch số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã tiếp biến nhiều cách nói, cách cảm nghĩ, cách dùng từ ngữ của ca dao dân tộc. Do vậy, chữ thân có nhiều lí do để chiếm một số lượng đáng kể bên trong kiệt tác của nhà thơ thiên tài. Thống kê sơ bộ cũng có thể bắt gặp sự hiện diện của nó trong Đoạn trường tân thanh trên dưới 40 lần, đặc biệt là những thời điểm quan trọng trong cuộc đời Kiều, nhân vật trung tâm gánh chịu một chuỗi những bi kịch của “phận đàn bà” trong xã hội cũ:
- Thà rằng liều một thân con (Gia biến).
- Thân nghìn vàng để ô danh má hồng (Thất thân với Mã Giám Sinh).
- Thân lươn bao quản lấm đầu (Quyết định tiếp khách).
- Đục trong thân cũng là thân (Quan hệ với Thúc Sinh).
- Tấm thân rày đã nhẹ nhàng (Sống với Từ Hải).
- Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương (Dằn vặt trước khi tự trầm).
- Thân tàn gạn đục khơi trong (Đoàn viên).
Mục đích của Thiền là “hiểu rõ thân tâm” (Liễu ngộ thân tâm - Nguyện Học), là tìm đến “Niết bàn tâm tịch tịch” (Mê ngộ bất dị - Tuệ Trung Thượng Sĩ). Song, muốn tâm ngộ trước hết phải nhận thức về sắc thân một cách rốt ráo. Nhìn chung, các nhà thơ Thiền Lý - Trần hay khẳng định, nhấn mạnh tính chất huyễn ảo, vô thường của thân:
- Thân như bóng chớp có rồi không (Thị đệ tử - Vạn Hạnh).
- Thân như tường vách đã đến lúc đổ nát (Tâm không - Viên Chiếu).
- Thân là hiện tượng sinh ra và mất đi (Thị đệ tử Bản Tịch - Thuần Chân).
- Vốn từ không tịch ảo thân sinh ( Thị tịch - Bản Tịch).
- Thân như băng gặp nắng trời (Sơ nhật vô thường kệ - Trần Thái Tông).
- Tấm thân nổi rồi lại chìm (Nhật mộ vô thường kệ - Trần Thái Tông).
- Không biết tấm thân là hư ảo (Bán dạ vô thường kệ - Trần Thái Tông).
- Thân như gương ảo, nghiệp như bóng (Vạn sự qui như - Tuệ Trung).
- Cái thân do huyễn ảo hóa thành rồi cũng phải diệt (Sinh tử nhàn nhi dĩ - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Thân từ vô tướng vốn là không (Phàm thánh bất dị - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
Tại sao các nhà thơ thiền Lý - Trần lại cho rằng sắc thân là huyễn ảo, vô thường? Có lẽ phải đi tìm lí do từ trong cảm thức thế giới của văn học trung đại nói chung và quan điểm bản thể luận của Phật giáo Thiền tông nói riêng. Trong cảm nhận của con người trung đại thì thế giới với con người là một (thiên nhân hợp nhất). Đi vào lĩnh vực văn hóa, văn học, con người cảm thấy có mình trong tự nhiên bắt đầu từ thân thể. Đây là cơ sở cho luận điểm “thân thể vũ trụ” của M. Bakhtin, nhà nghiên cứu văn học Liên Xô (cũ) khi phân tích một số hình tượng trong nghệ thuật cổ đại, trung đại. Và ngược lại, họ, những con người trung đại, cũng tự nhận thấy trong bản thân có cả vũ trụ. Nói như thiền sư Tăng Triệu là “thiên địa dữ ngã đồng căn - Vạn vật dữ ngã nhất thể” (Trời đất với ta cùng một gốc - Muôn vật với ta cũng cùng một thể). Mới hiểu vì sao các nhà thơ Thiền Việt Nam thế kỉ XI - thế kỉ XIV đã cụ thể hóa luận điểm này bằng một loạt những so sánh giữa sắc thân với những hiện tượng tự nhiên: hoa sen, cành mai, mùa thu, hoa bướm, mây ngàn, nước suối, ánh trăng, cây cỏ, giọt sương… Thậm chí quan hệ giữa thiên nhiên và sắc thân giàu tính huyễn ảo đã hóa thành tứ thơ trong một bài thơ thiền cụ thể:
“Thông reo trăng nước sáng
Không ảnh cũng không hình
Sắc thân cũng thế vậy
Hư không tìm tiếng vang”
(Tầm hưởng - Minh Trí)
Sắc thân là hư ảo cũng như “bướm hoa đều huyễn ảo”. Cũng theo quan điểm Phật giáo thì toàn bộ thế giới sự vật, hiện tượng này - thế giới hình tướng - cũng là huyễn ảo. Bởi lẽ, Phật giáo quan niệm rằng cái sắc thân của mỗi người mở rộng ra là toàn bộ thế giới chỉ là “giả hợp”, “vốn từ chỗ trống không lặng lẽ mà sinh ra” (Thị tịch - Bản Tịch). Chúng sinh ra từ bốn yếu tố - “tứ đại” - (đất, nước, lửa, gió) tùy thuộc nghiệp duyên, theo luật nhân quả của nhà Phật. Do vậy, con người tu hành chớ nên “chấp” vào sắc thân mà nên biết “quên thân”, “buông bỏ hình hài” xem chuyện “sinh lão bệnh tử - Lẽ thường tự nhiên” (Sinh lão bệnh tử - Diệu Nhân). Một khi cái tâm đã “ngộ” về lẽ vô thường của sắc thân, giọng điệu thơ Thiền Lý - Trần, đặc biệt ở khá nhiều bài thơ dặn dò đệ tử trước khi viên tịch - sẽ mang cái vẻ ung dung, thanh thản hiếm có.
4. Cái nhìn ung dung, tự tại đối với sắc thân đồng thời cũng là cái nhìn biện chứng. Một mặt, các thiền sư thi sĩ Lý - Trần xem thân là sắc tướng, là “có”. Mặt khác, họ lại cho rằng thân là “tứ đại”, “vốn dĩ đều là không” (nguyên lai nhất thiết không - Sắc thân dữ diệu thể I, Đạo Huệ). Thân đi từ sinh đến diệt: “Thân như bóng chớp có rồi không” (Thị đệ tử - Vạn Hạnh). Những bậc tu chứng một khi đã giác ngộ “thực tướng” (Niết bàn, Chân như) có thể vượt lên lẽ sinh diệt, chuyển sắc thân thành pháp thân. Bấy giờ con người sẽ là “một thân nhàn nhã dứt muôn duyên” (Thị tịch - Pháp Loa), “vươn mình một cái vượt ra khỏi lồng” (Thoát thế - Tuệ Trung) ung dung đi lại giữa “ba cõi mênh mông”. Trái lại, “bậc chân nhân chưa thành Phật cũng chỉ là một khối thịt đỏ hỏn” (Vô vị chân nhân xích nhục đoàn - Phổ thuyết sắc thân kệ, Trần Nhân Tông). Chưa có điều kiện để bàn đến cái nhìn duy tâm, trừu tượng về một thế giới khác trong những ý thơ trên ; ở đây, chúng ta chỉ lưu tâm tới cái nhìn bình đẳng, không phân biệt giữa phàm và thánh trong thơ Trần Nhân Tông (bài Phổ thuyết sắc thân kệ), thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ (bài Phàm thánh bất dị), thơ Trần Minh Tông (bài Giới am ngâm) nói riêng, tiêu biểu cho thơ Thiền Lý - Trần nói chung. Điều này thật đáng quí. Nó khiến cho Phật giáo Thiền tông vừa giống vừa không giống với những tôn giáo khác. Giống ở ý nghĩa nhân bản khẳng định, đề cao con người. Khác ở tính chất vô thần vốn xa lạ với bản chất của tôn giáo nói chung. Phải chăng đây cũng chính là cơ sở cho thấy Thiền tông gần gũi với cách sống, lối sống hơn là một nguyên lí triết học?
Đi sâu hơn nữa vào mảng thơ Thiền miêu tả, đề cập đến một số bộ phận của thân thể trong thơ của những thiền sư Lý - Trần, chúng ta sẽ càng thú vị, ngạc nhiên hơn khi chứng kiến nhiều suy tư, cảm nhận rất người về cách sống, lối sống.
Trước tiên, các nhà thơ hay nói đến một lối sống phù hợp với những qui luật của tự nhiên mang ý vị Lão - Trang. Họ hay nhắc đến trong thơ của mình hình ảnh tuổi già, tóc trắng, điều mà người đời xưa cũng như nay thường luôn lo nghĩ: “Trên đầu già đến rồi” (Thị đệ tử - Vạn Hạnh); “Tóc xuân ngầm điểm trắng” (Sơ nhật vô thường kệ - Trần Thái Tông) ; “Biết dùng gái đầu bạc (Thị chúng kệ - Giác Hải)”. Song khác với thơ Nho ở cái giọng cảm khái, bùi ngùi khi miêu tả tuổi già, đầu bạc2, trong thơ Thiền Lý - Trần, hình ảnh đầu bạc biểu hiện lẽ biến dịch, tính chất vô thường của sắc thân. Người tu chứng ngộ tiếp nhận nó với giọng thơ ung dung, thanh thản của những con người lúc nào cũng có cái nhìn “lạc đạo tùy duyên”) luôn luôn gắn bó với hiện tại, trong cái đổi thay, sinh diệt vẫn đạt được cái không đổi thay, sinh diệt (Biết dùng gái đầu bạc). Hình ảnh “ông sư già bận bịu” trong bài thơ Địa lô tức sự của thiền sư thi sĩ Huyền Quang chẳng phải là cách sống “lạc đạo tùy duyên” tích cực, giàu giá trị nhân bản của các lão sư Lý - Trần hay sao?
Điểm đáng chú ý thứ hai là một số câu thơ miêu tả cử chỉ, tư thế của các thiền sư có liên quan đến sắc thân. Có những tư thế, cử chỉ rất “động”: “Tài trai lập chí xông trời thẳm” (Thị tịch - Quảng Nghiêm); “Xoay mình một ném vượt ra lồng” (Thoát thế - Tuệ Trung Thượng Sĩ); “Bước trên đầu Phật trèo lên đỉnh (Phật tâm ca - Tuệ Trung Thượng Sĩ)”. Xưa nay, các nhà nghiên cứu văn học như Lý Tử Tấn, Lê Quý Đôn, Đặng Thai Mai, Đinh Gia Khánh… cứ ngờ ngợ cho rằng đây là những câu thơ “phi Thiền” chủ yếu phản ánh bản lĩnh, khí phách của con người thời đại Lý - Trần. Thật ra, những con người ấy, nói như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, “vẫn nằm trong giáo lí Thiền tông”. Chất Thiền ở đây vẫn là tinh thần phá chấp của Thiền tông đồng thời còn là những biểu hiện trạng thái chứng ngộ của các thiền sư bấy giờ. Thơ Thiền Lý - Trần là thế, rất Đạo mà vẫn rất Đời, quyện hòa giữa thiền vị và thi vị. Đặc biệt là những câu thơ miêu tả những cử chỉ, tư thế rất “tĩnh” của những thiền sư:
- Uổng miệng không nói (Sinh lão bệnh tử - Diệu Nhân).
- Giữa nhà không nói chỉ ngồi yên
Nhàn ngắm Côn Luân sợi khói lên (Ngẫu tác - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Đứng tựa lan can cầm ngang sáo ngọc
Trăng sáng rọi đầy cả ngực bụng (Đăng Bảo Đài sơn - Trần Nhân Tôn).
- Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng (Xuân vãn - Trần Nhân Tông).
- Khách ra về tăng không nói gì
Khắp mặt đất ngát mùi hương hoa thông (Đề Gia Lâm tự - Trần Quang Triều).
- Ngồi lặng đìu hiu mát cả giường (Tâm vương - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
Những câu thơ trên, đặc biệt là những câu thơ đời Trần (của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tôn, Trần Quang Triều, Huyền Quang) bộc lộ sự hòa điệu tự nhiên, trọn vẹn giữa con người và ngoại vật. Khó mà phân biệt đâu là mùi tục, đâu là vị thiền. Thiên nhiên vừa được chiêm ngưỡng qua cái nhìn ung dung, tự tại của thiền sư, vừa hiện lên một cách hồn nhiên, gợi cảm dưới đôi mắt của thi nhân. Chất triết lí (đạo học) và chất trữ tình (chất thơ) hòa quyện, gắn bó.
5. Cuối cùng, chúng tôi muốn bàn đến một hiện tượng thơ ca có liên quan đến sắc thân trong thơ Thiền Lý - Trần. Đó là cách dùng một loại ẩn dụ từ vựng nhằm chỉ cái tính nguyên thủy của vạn vật (bổn tánh), cái tâm bản thể chứa đựng trong mỗi sự vật:
- Muốn biết đâu là khuôn mặt thực (Tâm vương - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Khuôn trăng người mẹ ai hay biết (An định thời tiết - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Khúc kì diệu “bản lai” nên cất giọng hát (Thị chúng - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
- Một buổi sáng chợt phát hiện ra khuôn mặt người mẹ (Độc đại tuệ ngữ lục hữu cảm - Trần Thánh Tông).
- Nhận ra được bộ mặt thật vốn có (Tự thuật - Trần Thánh Tông).
Ở đây có hiện tượng dùng “thân” để chỉ “tâm”. Dùng một bộ phận tiêu biểu của “sắc thân” để chỉ “diệu thể”. Hiện tượng này, một mặt, bắt nguồn từ cái nhìn triết học “vạn vật nhất thể” trong tư tưởng trung đại, mặt khác, gần gũi hơn, nó đến từ cái nhìn biện chứng, không phân biệt của Thiền tông. Bởi, theo các thiền sư:
- Sắc thân và diệu thể
Chẳng hợp chẳng chia lìa (Sắc thân dữ diệu thể II - Đạo Huệ).
Để gây ấn tượng mạnh mẽ về sự thống nhất, hài hòa giữa “thân” và “tâm”, các thiền sư thi sĩ thường dùng một hình ảnh ẩn dụ mang tính ước lệ: hoa sen trong lò lửa:
- Trong lò một cành hoa (Sắc thân dữ diệu thể I - Đạo Huệ).
- Trong lò sen nở sắc thường tươi (Thị tịch - Ngộ Ấn).
- Một đóa sen trong lò lửa hồng (Phật tâm ca - Tuệ Trung Thượng Sĩ).
Đôi khi các nhà thơ Thiền Lý - Trần lại dùng một hình ảnh ẩn dụ khác:
- Cái thân vàng cao quí của Di Đà ở ngay trong lòng (Thị du Tây phương bối - Tuệ Trung Thượng Sĩ). Có lẽ các thiền sư muốn nhắc nhở chúng ta rằng Phật tính không ở đâu xa, Phật tính có sẵn trong tâm mỗi người?
Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng vừa sâu sắc, vừa dung dị. Sâu sắc về triết học, dung dị về lối sống. Albert Einstein (1879-1955), một trong những bộ óc vĩ đại của loài người ở thế kỉ XX, rất có lí khi cho rằng trong tương lai của loài người Phật giáo sẽ trở thành người bạn đồng hành với khoa học, đồng hành cùng nhân loại trên bước đường mưu cầu bình yên, sự thanh thản thân tâm.
P.Đ.D
(SHSDB37/06-2020)
.......................
1. Đoàn Thị Thu Vân - Thơ Thiền Lý - Trần, Nxb. Văn nghệ Tp. HCM, 1998.
2. Cảm hoài của Đặng Dung; Tự thán I, II; U cư I, II; Mạn hứng I, II của Nguyễn Du.