PHAN NGỌC
Tôi kể dưới đây những điều mắt thấy tai nghe. Nó là bình thường đối với thế hệ những người 65 tuổi trở lên nhưng có thể có ích đối với các bạn trẻ mà giai đoạn này đã diễn ra trước khi các bạn ra đời. Cho phép tôi nói một vài sự kiện có tính chất tiểu sử mặc dầu tôi không xem việc kể chuyện gia đình là quan trọng.
Anh tôi Phan Long, mất năm 1944, là bạn thân của Huy Cận, cùng học một lớp với Huy Cận thời cao đẳng tiểu học. Sau đó ra bắc quen thân với Trần Khánh Giư tức Khái Hưng. Anh rể tôi Huỳnh Lý, hiện ở miền Nam là bạn học một lớp với Xuân Diệu. Nhà tôi trước cải cách ruộng đất vẫn còn giữ được những bài thơ Huy Cận làm khi còn là học sinh và những bức thư của Khái Hưng. Những bức thư ấy cùng với sách vở gia đình đều bị đốt. Anh Huỳnh Lý dĩ nhiên còn giữ những bài thơ đầu tiên của Xuân Diệu khi học ở Quy Nhơn, cũng như mọi học sinh vào lứa tuổi tôi, tôi mê văn học và theo dõi sát tình hình văn học trong mối quan hệ của nó với văn học Pháp. Dượng tôi là Phan Đăng Lưu, Trung ương ủy viên của Đảng Cộng sản Đông Dương cho tôi biết những ý kiến của mình về văn học hiện thực, đặc biệt là Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng. Tôi sống trong một gia đình Nho giáo dĩ nhiên không xa lạ đối với văn học. Tôi không dám tự khoe về sự hiểu biết của mình về văn học Pháp nhưng vì ham học nên trộm nghĩ rằng sự am hiểu của mình về nó và về ảnh hưởng của nó cũng không thua quá xa các văn sĩ, thi sĩ giai đoạn 1932-1940.
Điều tôi ngạc nhiên là khi đọc các sách nghiên cứu văn học, dù là về văn xuôi, tiểu thuyết hay thơ thì điều chính tôi đã mắt thấy tai nghe lại khác rất xa so với điều các sách đã viết. Các bạn không tin hãy hỏi những người từ 70 tuổi đến 80 để rõ hơn. Tôi không có ý phê phán ai chỉ nêu lên những sự kiện có thực.
Trong các sách văn học sử nói đến giai đoạn văn học lãng mạn, người ta nói ngay đến ảnh hưởng của văn học lãng mạn Pháp, cụ thể của Hugo, nhất là của Lamartine. Kể ra phải nói một số bài thơ của Hugo và của Lamartine được học sinh thích. Các cô Đồng Khánh vào thế hệ chị tôi người nào cũng có một tập thơ chép thơ Pháp nhất là của Lamartine. Nhưng khách quan mà nói Lamartine và Hugo không ảnh hưởng đến phong cách thơ mới. Cũng vậy khi nói đến văn học hiện thực phê phán, người ta nói ngay đến ảnh hưởng của Balzac. Những cách trình bày như vậy là hợp với lôgic của trí tuệ mà không đúng với thực tế.
Chính những điều trái ngược ấy bắt tôi phải suy nghĩ về một vấn đề có tầm khái quát lớn hơn: một nền văn hóa A tiếp thu một nền văn hóa B trong hoàn cảnh nào? Một điều rất lạ mà ít ai quan tâm là tính đồng thời của hai nền văn hóa. Tại sao Việt Nam lại tiếp thu Tống Nho mà không tiếp thu Hán Nho, Đường Nho, hay đạo Nho từ gốc? Đó là vì Tống Nho là đương thời với đời Lý. Tại sao xu hướng cải cách ở các nhà nho Việt nam rõ ràng là tiếp thu của Thanh Nho, tức là của đương thời. Lúc đầu hiện tượng Văn nghệ phục hưng làm tôi băn khoăn. Sách sử nói người Châu Âu trở về với truyền thống Hy Lạp trước công nguyên và đó là gốc gác của phong trào Hy Lạp hóa ở Châu Âu. Sau này cố tìm hiểu hiện tượng này thì mới thấy rõ. Vào thế kỷ XIII Châu Âu vấp phải sự thách thức của Văn hóa A rập. Trước hết là sự tiếp xúc với văn hóa này, tức là tiếp xúc văn hóa cùng thời. Khi tiếp xúc, Châu Âu mới nhận thấy rằng văn hóa A rập đã kế thừa di sản Hy La và dịch toàn bộ các sách Hy La. Từ đó người Châu Âu mới quay về cội nguồn(*). Khi xét tiếp xúc văn hóa ở Đông Nam Á dù là giữa Đông Nam Á với Ấn Độ, Trung Hoa, hay giữa các nước Đông Nam Á với nhau vấn đề cùng thời vẫn là hiển nhiên. Nhìn sự tiếp xúc giữa văn hóa Việt Nam bốn mươi năm nay với văn hóa Hán, Liên Xô, Mỹ v.v... thì quy luật cùng thời vẫn là hiển nhiên.
Về ảnh hưởng văn học cũng thế. Mỗi thời đại có cách đánh giá của nó về văn học rất khác cách đánh giá thời trước. Người Việt không thể không chịu ảnh hưởng của lối đánh giá người Pháp cùng thời. Cho nên xảy ra một chuyện lý thú. Các nhà văn Việt Nam ở trường văn học Pháp rất thạo về khoảng từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Còn vào nửa cuối XIX và đầu thế kỷ XX họ không học. Thế nhưng thơ văn của họ thì rõ ràng là chịu ảnh hưởng của cái phần trong văn học Pháp không nằm trong trường quy. Có gì đâu. Nếu như y phục có mốt thì văn học cũng có mốt. Không ai cố tình mặc áo quần theo một cái mốt đã bị bỏ, dù cho nó đã từng nổi tiếng một thời. Hugo, Lamartine và cả Balzac nữa đối với thế hệ các ông anh của tôi- vì họ là cùng tuổi với các ông anh của tôi mà thôi- là những cái mốt đã cũ.
Bây giờ nói đến các mốt của giai đoạn 32-40.
Về văn xuôi thì không ai ảnh hưởng nhiều tới các nhà văn Việt Nam bằng André Gide. Đây là danh sách những nhà văn thụ giáo Gide: Nhất Linh trong "Đời mưa gió", "Đôi bạn", "Bướm trắng", "Đoạn tuyệt"; Khái Hưng trong "Hồn bướm mơ tiên", "Nửa chừng xuân"; Nguyễn Tuân trong "Vang bóng một thời", "Thiếu quê hương"; Hoàng Đạo trong "Con đường sáng"; Huy Cận trong "Kinh cầu tự"; Xuân Diệu trong "Phấn thông vàng", v.v.. và vô số nhà văn khác. Tôi chỉ phân xuất vài nét theo kiểu ngôn ngữ học và hy vọng các bạn nghiên cứu văn học Pháp lưu ý. Ở Huế có anh Bửu Ý, ở Quảng Trị có anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, ở thành phố Hồ Chí Minh có anh Nguyễn Văn Trung đều rất thạo về Gide có thể giúp các bạn về mục này để thoát khỏi cái nhìn sách vở. Đây là những đặc điểm của văn Gide mà các bạn sẽ thấy ở trong văn xuôi giai đoạn 32-40.
Phương pháp tự mình phân tích nội tâm mình hết sức công phu và tế nhị, cái này chỉ có thể là sản phẩm của tâm lý học đầu thế kỷ XX, câu văn đầy tính nhạc, như người ta nói xanh xao, đẹp cái đẹp của một cô gái bệnh phổi, thái độ duy mỹ tìm cái đẹp ở ngay hình thức, cuộc đời không có mục đích, mọi việc làm của ta đều chẳng có ích cho ai, chẳng đi đến đâu, nhưng ta phải làm thế để tự thể hiện mình, một cách trống không. Tôn giáo, đạo đức, đều vô nghĩa nhưng cuộc sống ta cũng chẳng có nghĩa gì hơn. Ta chỉ có thể tìm sự an ủi trong giây lát, trong cảm xúc. Các bạn thử nghĩ xem: Loan, Dũng, Trúc của Nhất Linh, Phạm Thái, Quỳnh Như, Lộc, Mai của Khái Hưng, anh chàng Nguyễn của Nguyễn Tuân, Duy của Hoàng Đạo v.v... chẳng phải là "Gidien" từ đầu đến chân là gì?
Gide tạo nên một khao khát trong lớp độc giả trẻ ở Pháp. Họ thấy xã hội cũ đã đổ bởi Cách Mạng tháng 10 nhưng họ không thể theo cách mạng xã hội chủ nghĩa, còn tình trạng hiện tại thì họ chán ghét. Tâm trạng này rất gần tâm trạng lớp nhà văn Việt Nam đương thời. Các nhà văn đương thời chán cái quá khứ kìm hãm cá nhân, chán cái hiện tại bị nô dịch, muốn tìm một cách tự thể hiện cho khác người ta nhưng không đem đến lợi ích cho mình cũng như cho ai hết. Tuyết từ bỏ cuộc sống gia đình để lao vào cuộc đời mưa gió, Quang Ngọc chống lại triều Tây Sơn, Dũng đi vào cách mạng, Nguyễn đi lang thang, Trương phung phí đời mình v.v... không ngoài mục đích tìm cảm giác mới một cách cá nhân chủ nghĩa. Chúng ta do đó hiểu tại sao chủ nghĩa lãng mạn châu Âu không thể có tác dụng tới chủ nghĩa lãng mạn Việt Nam. Chủ nghĩa lãng mạn là con đẻ của cách mạng tư sản khi con người thấy mình tràn đầy khả năng và khí thế. Làm sao nó có thể nhập vào các chàng tiểu tư sản Việt Nam tiên thiên bất túc được? Còn bàn đến chuyện tự do yêu đương, tự do cá nhân là chuyện khác.
Bây giờ nói đến chủ nghĩa hiện thực, lập tức người ta nói đến Balzac. Nhưng vào thời gian ấy, nguồn gốc nó rất khác. Ở nhà trường Balzac được xếp vào cánh lãng mạn. Chủ nghĩa hiện thực Việt Nam có một nguồn gốc rất đặc biệt. Nó là xuất phát từ phóng sự. Vào thời Mặt trận Bình dân phong trào phóng sự rất mạnh. Ai cũng viết phóng sự cả. Tam Lang chẳng phải là nhà văn chiến đấu viết "Tôi kéo xe". Các phóng sự về nhà tù lắm sôi nổi cả dư luận. "Ngục Kon Tum" là một thí dụ. Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn này xuất hiện vô số bài phóng sự. Và một nhà văn hiện thực lỗi lạc như Vũ Trọng Phụng viết "Cơm thầy cơm cô", "Lục xì", "Kỹ nghệ lấy Tây" toàn phóng sự.
Trong giai đoạn ấy có một tác phẩm phóng sự làm chấn động dư luận. Đó là quyển "Satan conduit le bal" (Quỷ xa-tăng cầm đầu cuộc khiêu vũ) của George Angvetil. Ông đã phơi bày toàn bộ sự thối nát, bẩn thỉu của xã hội tư bản, không chịu lược bỏ những trang mà nếu lược bỏ sẽ được trả tiền hàng chục vạn franc, cũng không sợ uy lực của họ. Tác phẩm này lúc bấy giờ ai cũng đọc và rất có ảnh hưởng. Nếu xét qua tác phẩm thì truyện ngắn của Việt Nam chịu ảnh hưởng Maupassant, Nguyễn Công Hoan rõ ràng chịu ảnh hưởng Alphonse Daudet, kịch Đoàn Phú Tứ là chịu ảnh hưởng kịch Musset, phong cách Nguyễn Tuân có mang dáng dấp anh em Goncourt tuy không rõ lắm. Tiểu thuyết Pháp đã góp phần làm cho tiểu thuyết Việt Nam vào giai đoạn này rất thoáng: ít người, ít việc, mang tính chất tâm lý, âm mưu giản dị, nhân vật chủ yếu là tầng lớp thị dân trung lưu.
Về mặt thơ, thơ Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu của thơ Pháp, nhưng chủ yếu là từ Baudelaire về sau chứ không phải từ Baudelaire về trước. Ảnh hưởng Baudelaire rõ nhất là ở Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, và hầu như không có ai không chịu ảnh hưởng của ông. Sau đến trường phái tượng trưng mà tiêu biểu nhất là Verlaine. Xuân Thu Nhã Tập là tuyên ngôn của trường phái tượng trưng Việt Nam. Một bạn nghiên cứu có thể tìm được hàng trăm câu thơ Pháp đã được chuyển thành những câu thơ Việt rất hay. Anh Nguyễn Xuân Sanh thông thạo về mục này lắm. Phải nhờ anh ấy viết thì mới thực chắc. Lúc này mà ta không hỏi những người thuộc thế hệ trước về ảnh hưởng của văn học Pháp đối với họ thì sự hiểu biết của chúng ta về giai đoạn 32-40 sẽ rất hời hợt và sai sót nhiều.
Bởi vì trong giai đoạn này ảnh hưởng của Pháp tới Văn học Việt Nam không kém gì ảnh hưởng của Trung Quốc tới văn học cổ. Trong các nước theo văn hóa Trung Quốc, chỉ có Việt Nam là từ bỏ chữ Hán. Sự từ bỏ này tất yếu tạo nên một sự đứt đoạn của văn hóa so với truyền thống và đẩy mạnh sự xích gần của văn hóa Việt Nam với văn hóa Pháp, trước hết về văn học. Nó là có lợi hay có hại, câu chuyện còn phải bàn. Theo học giả Vendermeersch nó là có hại. Theo tôi, nó có thể có lợi về chính trị vì nó kéo Việt Nam ra khỏi chính trị ngày trước do đó Việt Nam có thể đổi mới về chính trị tương đối dễ dàng. Nhưng thái độ quay lưng với Hán học là một sai lầm. Nó sẽ cản trở không cho phép Việt Nam xây dựng một nền văn hóa thực sự to lớn. Đây là ý kiến của riêng tôi.
Trở lại với ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Ảnh hưởng của văn học Pháp mạnh đến mức đã đổi mới cả thi ca, văn xuôi và ngữ pháp Việt Nam. Tôi đã có một bài viết về ảnh hưởng của cú pháp Pháp tới cú pháp Việt Nam là sâu sắc như thế nào, cho nên ở đây không quay trở lại đề tài ấy. Có một điều thực tế là trong một giai đoạn không đầy mười năm Việt Nam đã chuyển hướng sang thi ca hiện đại mang tính châu Âu cả về hình thức. Đó là điều không thấy ở các nền văn học Châu Á. Phong trào ngũ tứ ở Trung Quốc không làm được điều này. Thực tế thơ Trung Quốc và ở Châu Á có nhiều thí nghiệm nhưng một trào lưu thành công như thơ mới là chưa có. Một thí dụ. Thơ Xuân Diệu tiếp thu rất nhiều của Desborde Valmore, của thơ Pháp, triết học Bergson và cách diễn đạt của người Pháp. Thế mà nó được tiếp nhận dễ dàng. Và tạo nên một phong trào. Thơ Chế Lan Viên chính là thơ Pháp viết bằng một tiếng Việt rất Việt Nam. Không phải chỉ lớp Tây học chịu ảnh hưởng này. Văn xuôi của Ngô Tất Tố, Phan Khôi, thực tế còn tây hơn văn xuôi của bọn tây học chúng tôi.
Chính sự tiếp thu ảnh hưởng Pháp tạo nên cái mới trong giai đoạn này. Tản Đà đã từng nổi tiếng một thời nhưng lúc này không đáp ứng thị hiếu của lớp trẻ vì sự tiếp thu ảnh hưởng phương Tây quá ít. Nguyễn Bính chỉ còn thiếu một hiểu biết tây học nên không thành nổi nhà thơ đầu đàn. Vào khoảng 1940 xét về hình thức sự đổi mới đã có những thành công đáng kể về mọi mặt: ngôn ngữ, văn học, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, y phục. Riêng về lĩnh vực học thuật các công trình khảo cứu, phê bình đều đã theo phương hướng Pháp.
Bây giờ nhìn lại ta thấy nhiều thành tích chứng tỏ khả năng tiếp nhận cái mới của người Việt rất nhạy bén. Nhưng có một điểm cần lưu ý là sự từ bỏ cái cũ quá dễ dàng. Tình trạng thiếu một học vấn sâu sắc, công phu về văn hóa cũ khiến chúng ta coi nhẹ cái cũ. Chữ Hán bị quên đi đến mức ngày nay các nhà văn hóa xem nó là không cần thiết. Có quan niệm dân tộc chỉ là cái vỏ, chỉ có nội dung mới là quan trọng. Mà nội dung là xã hội chủ nghĩa. Cứ theo đà ấy, hôm kia bỏ chữ Hán, hôm qua bỏ chữ Pháp, ngày mai lại học và học với mục đích thiển cận là "đi Tây" nước Việt Nam sẽ có tất cả, nhưng tất cả đều hời hợt, Nhật Bản đã không làm như vậy, và Trung Quốc đã từ bỏ con đường nóng vội. Chúng ta đã vứt bỏ cái công cụ nhờ đó ta hiểu quá khứ dân tộc và toàn bộ Đông Á. Rồi chúng ta vứt bỏ luôn một ngôn ngữ cho phép ta dễ dàng hiểu văn hóa phương Tây. Cái nhìn văn hóa lệ thuộc vào chính trị quá trực tiếp đã khiến chúng ta bỏ mất hai lợi thế mà thế giới thèm muốn: cách đây vài chục năm thôi Việt Nam có những người am hiểu Hán cổ bậc nhất thế giới và những người thạo tiếng Pháp nhất Châu Á. Nhưng rồi chúng ta sẽ phí vô vàn công sức để có lại cái chúng ta đã vứt, mà lại không bao giờ đạt được như xưa. Không nên nhìn văn hóa như một thứ áo khoác, tiện gì mặc nấy. Hôm nay bỏ văn hóa Đông Nam Á, mặc áo Hán, mai bỏ áo Hán mặc áo Pháp, rồi bỏ áo Pháp mặc áo Nga... Rồi... nếu cứ đi con đường ấy, làm thế nào có được một văn hóa dân tộc thực sự to lớn, đủ để đối phó với mọi biến đổi của thế giới hiện tại?
P.N
(TCSH48/03&4-1992)
-------------
(*) chứ không phải tự thân cái lôgích của tư tưởng dẫn tới cội nguồn.