Nghiên Cứu & Bình Luận
Lê Anh Hoài - Tạp kỹ của những dị truyện
14:49 | 01/10/2020

THÁI PHAN VÀNG ANH    

Trong tiểu thuyết Khải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà từng giễu kiểu người sính chức danh với cacvidit dài dằng dặc những nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhà nghệ thuật học…, rằng: “nhiều nhà như thế đáng nhẽ phải gọi là phố”.

Lê Anh Hoài - Tạp kỹ của những dị truyện
Ảnh: tuoitre

Lê Anh Hoài không có cacvidit để “khoe”, để mưu cầu sự nổi tiếng. Nếu không, ắt anh đích thị là một “phố”, theo cái nghĩa không hề giễu nhại. Bởi Lê Anh Hoài thật sự có tài, có “danh” ở tất cả những lĩnh vực anh yêu thích và dấn thân. Lê Anh Hoài sớm xác lập một phong cách sáng tạo rất riêng, dẫu anh đến với nghệ thuật muộn và không chuyên, dẫu viết văn, vẽ tranh hay làm nghệ thuật sắp đặt trước hết là cách để tác giả “quậy”, chơi, để gây ra một sự bối rối trong tiếp nhận của công chúng.

Lê Anh Hoài không có một sự nghiệp văn học đồ sộ1. Anh cũng không chuyên chú hẳn ở một thể loại bởi “không chịu chơi mãi một trò”. Song lịch sử văn học thế kỉ XXI, nhất là 20 năm đầu thế kỷ, hẳn không thể không nhắc đến Lê Anh Hoài. Bởi bằng cách “chơi” ngôn ngữ, “chơi” cấu trúc, “chơi” thể loại, Lê Anh Hoài đã góp phần khẳng định một xu hướng xem văn học là trò chơi, trước hết là trò chơi của người sáng tạo. Đáng chú ý là, với các truyện kể của Lê Anh Hoài, tác giả… không chết và trò chơi có thể được kéo dài bất tận cùng với sự chơi cộng hưởng của độc giả. Nhất là khi những câu chuyện “kì”, “dị”, “tạp” ấy được kể lại với sự hỗn độn của thủ pháp, của thực tại. Có thể nói, là một tay chơi thứ thiệt lắm trò và bằng những cách kể chuyện đặc biệt, Lê Anh Hoài đã có vai trò tiên phong trong việc khẳng định một thứ văn chương mang hình hài, diện mạo khác trước, văn chương hậu hiện đại. Sáng tác của Lê Anh Hoài là những dị truyện của thời tạp kỹ. Hay nói cách khác, Lê Anh Hoài đã dùng những tạp kỹ để kể chuyện, nhất là những câu chuyện @ tình2 như tên gọi một tiểu thuyết của nhà văn - CHUYỆN TÌNH MÙA TẠP KỸ.
 

1. Dị truyện những @ tình

Không còn đòi hỏi “văn dĩ tải đạo” như văn học truyền thống, văn học hiện đại đã mở rộng đề tài, bám sát đời sống thường nhật, bình dị của con người. Tuy vậy, không ít độc giả và cả nhà văn vẫn cần đến một thông điệp, một tư tưởng, một quan niệm nghệ thuật hòng “cứu rỗi đời sống” ở văn chương. Lê Anh Hoài dường như không nghĩ thế. Anh không quan tâm quá nhiều đến sự đón nhận, mà đa phần là dè chừng, “dị ứng” của người đọc với những sản phẩm sáng tạo, thể nghiệm, những trò chơi ngôn ngữ của mình. Có khi, gây hoang mang mới chính là chủ đích của Lê Anh Hoài, nhằm buộc độc giả phải nghĩ khác, hay ít ra, quen dần với những cách nghĩ khác. Và nhờ tư duy khác, lựa chọn lối viết khác, Lê Anh Hoài trở thành gương mặt tiêu biểu và sớm nhất của làn sóng văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, gắn liền với tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ.

Tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ có hình thức chương hồi, cơ bản viết về tình yêu, luận bàn về tính dục. Chọn hình thức thể loại truyền thống, lấy chuyện hoa tình làm đề tài trung tâm, có vẻ như Lê Anh Hoài muốn quay trở lại, xem tiểu thuyết là những “chuyện đầu đường xó chợ” như quan niệm nguyên khởi của thể loại. Song, không giống như Kim Bình Mai, một trong những cuốn tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh đề cập rất táo bạo đến chuyện dục tình, vốn được viết một cách nghiêm túc, dẫu chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”, những câu chuyện tình tạm bợ, vội vã trong tiểu thuyết của Lê Anh Hoài được viết với một tâm thế khác. Ý thức bông đùa, gây hấn bởi những dị biệt ngay trong quá trình viết của tác giả khiến Chuyện tình mùa tạp kỹ không nhằm giáo hóa, cũng không chỉ để mua vui. Chuyện tình yêu, tình dục trở thành trường nhìn để Lê Anh Hoài nhận diện những hỗn loạn của xã hội, những mảnh vỡ của tâm hồn con người trong một thời đại đã nhòe mờ các chân giá trị. Chuyện tình mùa tạp kỹ vì vậy trở thành bản mô tả, nhận diện khá sớm cảm quan hậu hiện đại của xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI.

Dị truyện và giải thiêng

Với 49 hồi, kết thúc bằng một vở kịch mang âm hưởng Ionesco, Lê Anh Hoài dường như đã gom góp và dồn tất cả những câu chuyện tình yêu vụn vặt thời @ vào tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ. Chọn đề tài “tầm thường”, kể những câu chuyện không đầu không cuối, ngỡ như cuốn tiểu thuyết không có chiều sâu. Nhưng Chuyện tình mùa tạp kỹ không đơn giản như vậy. Có thể xem đây là một trong những tiểu thuyết hội tụ nhiều yếu tố của hậu hiện đại, ở đó nguyên tắc trò chơi được thể hiện một cách có ý thức, vừa hài hước, cợt nhả vừa ngầm ẩn những triết lí, suy tư thế sự. Xoay quanh những câu chuyện thường ngày của giới trí thức, nghệ sĩ (giáo sư, phóng viên, đạo diễn, nữ thi sĩ, họa sĩ, biên tập viên…), Lê Anh Hoài viết về cuộc sống với những hỗn độn, bất tuân của nó. Nhà văn đùa cợt, gây hấn một cách có chủ ý, buộc người đọc phải sục vào tầng chìm của những câu chuyện yêu đương, qua đó, thấu hiểu những bản thể người.

Chuyện tình mùa tạp kỹ kể về hai nhân vật chính là Trình và Hà, những người đàn ông luôn loay hoay giữa tình dục và tình yêu. Họ vừa hạnh phúc lại vừa khổ đau vì những người phụ nữ như Mai, Trà (người yêu cũ và mới của Trình) hay Nhã (người tình/vợ hờ của Hà). Ngoài các mối tình tương đối gắn bó nói trên, tiểu thuyết còn chêm xen các kiểu tình yêu muôn hình vạn trạng. Tình đơn phương của họa sĩ Đăng với nữ thi sĩ Thanh đưa đẩy, lẳng lơ (sau Thanh thành người tình của Hà). Tình trong tưởng tượng của Dung với người yêu lý tưởng không tồn tại. Tình trong nước mắt của Quy với ông hiệu trưởng luôn mang mặt nạ và đã có gia đình. Tình vô vọng của Hậu với L, vốn đã có chồng nhưng vờ ngây thơ trong vẻ hồn nhiên thiếu nữ… Không tham gia vào các câu chuyện tình nhưng đóng vai trò quan trọng trong những luận giải về tình yêu, tình dục, về cả đạo và đời trong Chuyện tình mùa tạp kỹ là nhân vật giáo sư Lương. Những đối thoại, trò chuyện giữa Trình và giáo sư Lương tuy không chi phối đến sự phát triển của cốt truyện, song lại là “kênh” chính để giải thiêng, phá bỏ đại tự sự về tình yêu, hôn nhân, về triết học, tôn giáo - chủ đích của cuốn tiểu thuyết ngỡ chỉ thuần túy kể, tả về những mối tình thời @, góp phần làm tăng tính hỗn độn và bất tín nhận thức của toàn bộ cuốn tiểu thuyết.

Với 49 hồi, trừ hồi cuối cùng xuất hiện “thông báo” của tác giả: “Đến đây là hết truyện, tiếp theo là phần kịch”, Chuyện tình mùa tạp kỹ có tổng cộng 96 lời mở và kết hồi, tóm lược và đánh giá tác phẩm theo từng mảnh truyện. Từ nội dung của phần paratext này, có thể dễ dàng thấy sự hỗn loạn, kì dị của “mùa tạp kỹ” và thái độ của người kể chuyện đối với thời thế, xuất phát từ những giễu nhại chua xót về các mối tình “lạ lùng”, khó có thể “đánh giá” nếu chỉ dựa vào các chuẩn mực đạo đức truyền thống. Có cái nực cười tréo ngoe ngay từ lời mở ở hồi thứ 2: “Giáo sư về hưu soạn bí kíp làm tình - Giải quyết nhà đất, tìm ra cách thẩm định phụ nữ”. Có cả cái châm biếm nghẹn ngào về các mối quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng qua lời kết hồi 47, “Bán dâm đâu chỉ lấy tiền - Quần hồng tụt xuống võ biền thất kinh”. Từ lời mở và lời kết từng hồi, độc giả dễ dàng đúc kết nội dung của “chuyện”. Chuyện giáo sư Lương dựa vào hai cuốn tạp chí Playboy và bản photo “Tố nữ kinh” do học trò tìm giúp từ Thư viện Hán Nôm để viết “cuốn sách chứa đầy các bí quyết làm tình chữa bệnh dưỡng sinh”. Chuyện Hậu dùng chuyện mời chào của đám bạn đọc đi kiện về nhà đất để trắc nghiệm, thẩm định phụ nữ, căn cứ từ lời lẽ, ánh mắt, hay những điều vi tế trong lúc làm tình của họ. Hay chuyện về mối quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng của Hà và Nhã rốt cuộc cũng tan vỡ bởi những đáp trả, những tự trào họ dành cho nhau và cho chính bản thân, một mối quan hệ mà xét đến cùng, với Hà là “chơi gái nhà lành còn biết đeo nhẫn đính hôn”, và với Nhã là “bán dâm mà không nhận được tiền”. Dường như, ở Chuyện tình mùa tạp kỹ, mọi cái thiêng liêng đều bị lột trần để phơi bày cái tầm thường nhất. Trình viết truyện ngắn vào những lúc có tiền, và viết tiểu phẩm kiểu “Vượt qua những trục trặc đêm tân hôn” đăng tạp chí Phụ nữ khi túng thiếu, cố gắng vạch ra ranh giới giữa cái cao quý và cái thấp hèn. Rốt cuộc thì truyện và tiểu phẩm của Trình lẫn lộn với nhau. Cũng chỉ vì yêu đương trong sáng, thuần khiết mà Trình đã để lỡ mất mối tình đầu cùng những băn khoăn vì sao ngày ấy anh đã không chiếm đoạt cô, vì sao khi gặp lại anh vẫn không thể chiếm đoạt cô dù họ yêu nhau và anh hoàn toàn không bất lực với những người phụ nữ khác? Tình yêu thiêng liêng, loại trừ tình dục liệu có là cao cả và có đủ cho hạnh phúc? Đã có một quan niệm khác về tình yêu và nhu cầu được yêu bằng cả xác thịt của con người. Đảo lộn, thay đổi và xác lập lại các giá trị có lẽ là mục đích lớn nhất của Lê Anh Hoài khi thử “quậy” bằng một tiểu thuyết giải thiêng truyền thống, từ đề tài, chủ đề, tư tưởng đến kết cấu thể loại, và đặc biệt là nhân vật. Nhân vật trong Chuyện tình mùa tạp kỹ thường chông chênh giữa cực này và cực kia của tốt - xấu, thật - giả. Họ có nhiều vai mà “trong các vai diễn, diễn chính mình là khó nhất”. Đạo diễn Hà luôn coi thường chức vụ, cười nhạo các loại danh hiệu, khen thưởng, song vẫn không thực sự vui vì “được” mất chức, vẫn hứng chí, “bồng bềnh” khi được nhận huy chương. Mai, Trà, Nhã vừa cần tình yêu, tình dục, vừa cần sự chính danh, cần cái vỏ của ổn định, của thứ hạnh phúc được định giá bởi đám đông xã hội… Xét đến cùng Trình, Hà lẫn Mai, Trà, Nhã đều khó có thể “hiền minh trong lưỡng lự hay lưỡng lự một cách hiền minh” như “lý với luận một màu xám ngoét”. Họ cũng như tất thảy nhân loại đều không biết bao giờ mới hết lưỡng lự, mới có thể hiền lương khi luôn phải đối diện cái bản ngã chân thật và vô cùng phức tạp. Với Chuyện tình mùa tạp kỹ, Lê Anh Hoài không chỉ xóa bỏ ranh giới giữa cái cao cả và cái tầm thường mà còn khiến mọi thứ thiêng liêng trở nên thô tục và trần trụi nhất. Nhưng nhờ đó, con người mới thực sự được diễn đúng vai mình.

Tình yêu hay tình dục

Chuyện tình mùa tạp kỹ lan man nhiều chuyện, nhưng qua những mẩu chuyện lan man, vụn vặt đó là những luận bàn về tình yêu, tình dục: “Tình yêu đáng lẽ chỉ đem đến cảm giác hạnh phúc vì được chia sẻ và hưởng thụ thì còn đem đến cả cảm giác cô đơn và ý thức về cái chết nữa”; “Tình dục chỉ cần kỹ thuật hay phải có cảm hứng và điều bí ẩn trong sự kết hợp giữa hai cá thể người”... Bằng lối viết cợt nhả, giễu nhại, Lê Anh Hoài đã đi đến cùng cõi nhục thể để đối thoại với cái nhìn khô xác, đầy định kiến về tình dục: “Xin lỗi mày nhé, dường như nói về nhu cầu thể xác vẫn còn là xa lạ với chú mày và với cả xã hội này”. Phải chăng, trong Chuyện tình mùa tạp kỹ, “Dưới những mặt nạ thời thượng, người kể chuyện cùng các nhân vật của mình dường như cố tìm cái “động cơ” thật sự của tình cảm. Là xác thịt chăng? Là tinh thần chăng? Hay đơn giản là một sự phân vân muôn thuở?” (Nguyễn Chí Hoan). Tình yêu hay tình dục mới là sự lựa chọn thật sự của con người?

Hoài nghi đại tự sự, giễu nhại cái chính thống, văn học hậu hiện đại có xu hướng chú ý đến tình dục hơn tình yêu. Các nhà văn (chẳng hạn như Milan Kundera với tập truyện Những mối tình nực cười, cũng như hầu hết tiểu thuyết của ông) thiên về miêu tả, nhận diện cái rẻ rúng, tội nghiệp, hài hước thay vì cái thiêng liêng, cao cả của tình ái. Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hoài cũng chọn nói về tình dục thay vì tình yêu, cắt nghĩa tình yêu từ góc độ dục tình, giới tính. Chiếm một lượng lớn trong tiểu thuyết là những chuyện tiếu lâm của Hà, những bài viết trên báo Phụ nữ nơi Trình làm việc, những nghiên cứu, tiểu luận của giáo sư Lương về kinh nghiệm làm tình, sự khác biệt của đàn ông và phụ nữ trong những mơ tưởng hay hành vi về sex. Những lời rao ở đầu và cuối mỗi hồi cũng chủ yếu xoay quanh các cặp phạm trù đàn ông/đàn bà, tình yêu/tình dục: “Làm trai cứ nước hai mà nói/ Làm gái không biết giữ thiệt thân”, “Người quân tử chẳng tỏ được lòng son/ Trong tình yêu đàn bà thường sở hữu”… Khai thác cái “nực cười” của tình dục, Lê Anh Hoài đã công khai hoài nghi về cái gọi là “đạo đức” của con người, định vị lại cách nhìn về tình dục.

Tình dục trong Chuyện tình mùa tạp kỹ phần lớn không kèm với tình yêu. Tình một đêm với Quy cho Trình biết “tình dục có thể thanh và sạch, không hệ lụy”, “không hề giống cảm giác với những cô gái mà Hậu dẫn đến”. Mối quan hệ “đàn ông đàn bà muôn thuở sau đó thản nhiên vo viên mọi chuyện rồi vứt vào cái sọt rác tình bạn” của Thanh với Đăng cho thấy trong trò chơi nam nữ, người ta hoàn toàn có thể “đeo mặt nạ” để vờ vĩnh vô tư. Tình dục là cái cớ để họ tự lừa dối về một tình yêu, một mối tình đã đến hồi không thể cứu vãn. Kể cả với mối tình thuần khiết của Trình và Mai, trở ngại tình dục ngày gặp lại cũng khiến chuyện tình của họ rơi vào ê chề, tuyệt vọng. Cái hài hước rẻ rúng của tình dục mà Trình vốn bị ám ảnh, đã khiến Trình không thể yêu Mai bằng cách của bản năng, giống như sự đối lập giữa cái từng trải, sành sỏi của Hậu và cái ngây ngô, trẻ con của L khiến họ mất phướng trong trò chơi tình yêu không tình dục. Dường như, trong tiểu thuyết Lê Anh Hoài, tình yêu, tình dục không thể hòa vào nhau. Oái ăm là con người chỉ có thể lựa chọn cái này hoặc cái kia. Và lựa chọn nào cũng đầy dằn vặt, đau khổ.

2. Tạp kỹ “mảnh mảnh mảnh”3

Xem văn chương là một cuộc chơi, Lê Anh Hoài từ chối cái nhìn “nghiêm túc hóa” đối với mọi phương diện của đời sống. Người nghệ sĩ sắp đặt Lê Anh Hoài để giải thiêng, phá bỏ đại tự sự, đã lựa chọn một lối viết “khác”, nhằm “trình diễn” một thế giới “khác”. Chủ đích làm “khác”, thay vì chỉ làm “mới”, nói đến cái “khác”, thay vì cái “mới” đã xác lập lối viết “hậu hiện đại” của Lê Anh Hoài, đặt anh vào một vị trí “khác” so với nhiều cây bút tiểu thuyết “đổi mới” vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỉ XXI ở Việt Nam. Cá tính, xu hướng tiền phong, ưa thể nghiệm, cũng khiến Lê Anh Hoài không ngại sử dụng bất kì một kỹ thuật viết nào, miễn là đẩy văn chương đến tận cùng của sáng tạo, bất chấp độc giả có thể “quay lưng”, chối bỏ. Nói Lê Anh Hoài sử dụng “tạp kỹ” để viết văn là vì thế; cái “tạp” của thủ pháp để nhận diện cái “tạp” khác của đời sống, của thời đại, của những câu chuyện tình thời tạp kỹ.

Hỗn độn và đứt gãy, dán ghép

Với cảm thức giải trung tâm, Lê Anh Hoài dường như có chủ ý khi biến Chuyện tình mùa tạp kỹ thành một tác phẩm sắp đặt với sự lắp ghép của nhiều mảnh vỡ. Cuốn tiểu thuyết này gồm hai phần chính: truyện và kịch (do các nhân vật thủ vai). Đáng chú ý là hai phần này tồn tại biệt lập và tự thân đều đủ sức làm nên một cấu trúc văn bản hoàn chỉnh. Phần “Truyện” là những “chuyện” của nhân vật được sắp xếp không theo trình tự thời gian. Phần “Kịch” là ngoại truyện mà tác giả viết thêm để làm rõ các vai diễn của nhân vật trong tiểu thuyết với chú thích sáng rõ Tạp kỹ, kịch của Lê Anh Hoài, tạo nên độ mờ và sự chồng lấn giữa tác giả thực, tác giả hiển thị và nhân vật tác giả. Phần kịch bao gồm mười ba lớp với những mô tả, chỉ dẫn chi tiết về sân khấu, về vai diễn, và cũng không kém phần hỗn độn khi trải ra ở nhiều không gian, nhiều bối cảnh. Với sự lắp ghép cơ học giữa hai phần khác xa về đặc trưng thể loại ấy, Chuyện tình mùa tạp kỹ đã định vị lại cái nhìn về thể loại tiểu thuyết, từ cảm quan hậu hiện đại của tác giả.

Trong Chuyện tình mùa tạp kỹ, xét về đặc trưng thể loại, phần “Truyện” gần với tiểu thuyết hơn, chứa nhiều sự kiện có chất “chuyện” hơn. Tuy vậy, dường như Lê Anh Hoài từ chối xếp hạng chính phụ cho hai phần này khi để người đọc toàn quyền lựa chọn đọc tất cả, hay chỉ đọc một trong hai phần, tùy cảm hứng. Nhà văn liên tục đảo xáo, ghép dán các mảnh đời sống, mảnh thân phận, hay các hành động kịch của nhân vật. Vai trò của người kể chuyện mờ nhòe dẫu về cơ bản, tác phẩm được trần thuật từ ngôi thứ ba với người kể chuyện giấu mặt, toàn tri. Người đọc chỉ có thể biết được “chuyện” nhờ vào việc xâu chuỗi, lắp ghép những mảnh ghép rời rạc qua lời kể, lời thoại của nhân vật, qua thư, nhật ký… Tính chất đa chủ thể kể chuyện cộng với hình thức liên văn bản khiến mạch trần thuật đứt gãy. Và bằng trò chơi cấu trúc này, Lê Anh Hoài đã khiến “chuyện” không còn là của riêng nhân vật. Chuyện tình thời tạp kỹ có thể là chuyện của bất kỳ ai trong một thời đại đổ vỡ các giá trị, niềm tin. Những câu chuyện @ tình ấy còn móc nối với nhiều vấn đề ngổn ngang của thời đại. Với cách chơi chữ, kết nối văn bản, lồng văn bản…, qua từng mảng hẹp, vụn đời sống, nhà văn tạo khoảng rộng, gợi đối thoại. Sự chồng lấn các văn bản, độ tương tác các mã văn hóa, lịch sử, tôn giáo (thiền, pháp môn Tịnh độ) tình yêu, tình dục, y khoa; sự xâm nhập thể loại/tiểu thể loại, ngoại biên và trung tâm (truyện tiếu lâm, giai thoại, truyện dân gian, cổ tích hiện đại, tạp văn, luận bàn, những mẫu câu lấy từ báo chí…) đan lồng một cách phi logic. Những phần paratext được lồng ghép chêm xen vào mạch trần thuật chính này hầu như không như không can dự đến “cốt truyện” song vẫn vừa cấu thành và một mặt vừa làm tan rã, vừa mở rộng cấu trúc thể loại của Chuyện tình mùa tạp kỹ so với tiểu thuyết truyền thống và nhiều tiểu thuyết cùng thời. Tuy vậy, những liên tưởng đằng sau cấu trúc bề mặt văn bản lộn xộn (như lời người kể chuyện: “Trình hay ngẫm nghĩ linh tinh. Những ý nghĩ xuất hiện bất chợt, những liên tưởng bỗng dưng móc nối, không bị một rào cản nào…”) làm nên mạch nối kết ngầm, khiến tác phẩm vẫn giữ được chất tiểu thuyết là cốt lõi của thể loại.

Nhại và “mặt nạ tác giả”

Gắn với cái bất tín nhận thức về một hiện thực hỗn độn và tâm thức giải thiêng, văn học hậu hiện đại thường đậm đặc ý thức nhại của nhà văn, bao gồm cả nhại văn, nhại từ cảm hứng và nhại qua giọng điệu. Dường như Lê Anh Hoài nhại tất, từ “Những con đực, trống ngày càng yếu ớt. Phái nam ngày càng dịu dàng. Giờ đây ít người biết sử dụng đao kiếm nhưng lại biết sử dụng mỹ phẩm và nước hoa”, hay những cô nàng “điên cuồng kiểu Jamilia, kiểu Scarlet, kiểu con chim cố tình lao vào bụi mận gai, kiểu tình sử Angielic nhiều tập”… Nhại “Hạnh phúc của một tang gia” trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Lê Anh Hoài đã để đám đông kể đến mười câu chuyện “ngồi lê đôi mách” về tình yêu, tình dục, về mối quan hệ đàn ông, đàn bà. Cái đám đông vừa nhập vào đám tang chờ viếng, vừa bắt đầu thư giãn ấy, dường như chưa bao giờ thôi nhố nhăng từ thời của những Xuân tóc đỏ đến nay. Cảm hứng giễu nhại cũng lộ rõ khi Lê Anh Hoài mượn mùi hương trên tóc Mai để cười những hoài niệm thi vị, lãng mạn hóa tình yêu của Trình: “Ngày xưa, Mai hay gội đầu bồ kết hay cỏ mần trầu hay chanh. Sau lúc đi chơi về, vai áo Trình, chỗ nàng tựa đầu vào hôm sau vẫn còn thơm. Bây giờ mùi tóc nàng đã khác rồi (Chú thích của tác giả: Đây là ý nghĩ của Trình, chứ thật ra bồ kết hay cỏ mần trầu hay chanh không thần diệu như thế)”. Nhại không chỉ từ “lời” người kể chuyện mang mặt nạ tác giả, mà ngập tràn trong ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật, với cái nhìn trần trụi hóa: “Mà không phải chỉ là tóc. Hay là nàng dùng Refre Whitening - sản phẩm khử mùi và ngăn tiết mồ hôi hiệu quả cộng với tác dụng làm trắng vùng da dưới cánh tay với hương thơm mát”. Diễn ngôn quảng cáo chen vào trong cả những cảm nhận đang ngây ngất vì tình yêu của Trình như một hình thức đánh tráo chủ thể và điểm nhìn trần thuật. Chủ ý nhại, nhất là nhại thể loại, đối thoại với tiểu thuyết cổ điển rất rõ trong tác phẩm. Từ khung hình chính là nhại/giả hình thức chương hồi, nhà văn lồng khung, nhại tiểu thuyết lãng mạn, nhại tiểu phẩm, diễn ngôn quảng cáo, thơ haiku, nhạc vàng, phóng sự truyền hình, phim ảnh, chính kịch… góp phần gia tăng tính đối thoại, tạo độ cộng hưởng đối với người đọc. Tính chất hổ lốn của cái được gọi là tiểu thuyết ấy có khi chính là chủ ý gây sốc thể loại của tác giả khi xem văn học là một trò chơi ngôn ngữ. Ranh giới thể loại được xóa bỏ. Đẳng cấp, địa vị của thể loại cũng được cào bằng.

Làm nên chất hài hước, giễu nhại của Chuyện tình mùa tạp kỹ, ngoài chủ ý nhại từ tâm thức tác giả, thông qua giọng điệu của người kể chuyện hàm ẩn, không thể không nhắc đến vai kể của Hà, người kể chuyện hài/thằng hề cùng một loạt câu chuyện tiếu lâm, những chuyện tình cười ra nước mắt. Chiếm một dung lượng lớn của tiểu thuyết là hàng loạt mẩu truyện luôn được người kể chuyện chú thích “Chuyện Hà kể”, bên cạnh những câu chuyện do đám đông, do Trình kể, L kể hay do Quy kể, Dung kể bằng thư từ, nhật ký. Và, để gia tăng tính đối thoại trong trò chơi nhại này, Lê Anh Hoài đã sử dụng hình thức mặt nạ tác giả, xem đây là một thủ pháp cần thiết để “mê hoặc”, “thao túng” công chúng. Mặc kệ những triết lý nghiêm túc của Trình về bi kịch “loài người vẫn cứ đau đớn khôn nguôi và vẫn cứ tiếp tục làm người khác đau đớn”, người kể chuyện không ngớt cười cợt, bằng cách mở ngoặc đơn bình luận, không để tâm đến thái độ của độc giả: (Chú thích của tác giả: sến quá! Nhưng vì tôn trọng suy nghĩ của anh Trình nên cứ đưa vào). Nhại tiểu phẩm của Trình rốt cuộc cũng câu khách, rẻ tiền, theo đúng kiểu mẫu “đạo đức” của các trang báo tư vấn tình yêu, hôn nhân, tác giả hiển thị với mặt nạ tác giả cũng đã không ngại ngần nhảy xổ vào trang viết: Cuối cùng tiểu phẩm của Trình thành ra như sau (bạn đọc không thích có thể bỏ qua). Cái “như sau” đó là bài báo đã đổi nhan đề Từ “hồng nhan tri kỷ” đến “phòng nhì” thành “Lập “phòng nhì” dễ trở nên bơ vơ”, dẫu bớt hấp dẫn song thể hiện rõ lập trường định hướng của tòa soạn. Hay để giễu cợt sự “diễn” của Nhã và Hà cùng những lời cảm ơn nhau sau ân ái, bên cạnh nhận xét của người kể chuyện “Suy cho cùng, lịch sự chỉ có lợi. Lịch sự cả ở trên giường”, tác giả còn chua thêm “Lời bình của người viết truyện: Sao không thấy GS Lương đưa vào các nghiên cứu của ông? Có lẽ sắp”. Chủ ý bỡn cợt, giễu nhại được thể hiện chủ quan, lộ liễu. Và nhờ vào trò chơi mặt nạ tác giả, hiệu quả trần thuật “nhại” của toàn bộ tiểu thuyết gia tăng. Có thể nói, giải thiêng và giễu nhại là cách Lê Anh Hoài tạo ra một lối viết khác, định hình một kiểu nghệ thuật hậu hiện đại, nơi truyền thống, sự cũ mòn, khuôn mẫu bị đả phá, hòng định vị lại các quan niệm về những chân giá trị ổn định, bất biến.

Cảm quan hậu hiện đại xuất hiện khi loài người bắt đầu nhận ra thế giới vốn không nguyên khối và hỗn độn, bất tín nhận thức, vừa thế này lại vừa thế kia, thay vì rạch ròi kiểu nhị nguyên theo cái nhìn truyền thống. Với xu hướng nhận diện đời sống từ những mảnh vỡ, từ cái khác biệt thay vì đối lập, Lê Anh Hoài đã sớm mang tâm thức hậu hiện đại và thể nghiệm vào nghệ thuật. Dẫu xã hội Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thực sự có hoàn cảnh/điều kiện hậu hiện đại, dẫu quan niệm về văn học hậu hiện đại vẫn không ngừng gây hoài nghi, tranh cãi, Lê Anh Hoài vẫn chấp nhận khác người và kiên trì một mình một lối đi riêng. Lê Anh Hoài không chỉ khẳng định được phong cách sáng tạo rất riêng mà còn góp phần xác lập một khuynh hướng văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, ngay từ khi độc giả còn e dè, dị ứng. Có thể nói, với những chiêu trò gây sốc về thể loại, về giọng điệu, Lê Anh Hoài chưa thật sự được đón nhận nhiều ở Việt Nam. Song, bằng cách trình hiện sự đáng thương của con người trong một thế giới tạp nham, lộn xộn, vô chung vô thủy, Lê Anh Hoài đã vượt qua sự bắt chước thủ pháp, sự ra vẻ học đòi của không ít tác giả Việt Nam vốn nóng lòng xác lập phong cách hậu hiện đại chỉ từ sự hỗn tạp, kì dị của lối viết. Và dẫu đã có nhà phê bình đưa ra phản đề, cho rằng tác phẩm của Lê Anh Hoài nếu “đáng gọi là hay thì chúng cứ hay mà chẳng cần đến cái gọi là “giọng điệu đặc thù hậu hiện đại”, điều đó hoàn toàn không có nghĩa giọng điệu hậu hiện đại không làm nên phong cách của nhà văn. Lê Anh Hoài có thể không cần hậu hiện đại để làm nên tên tuổi của bản thân, nhưng văn học và cả nghệ thuật hậu hiện đại Việt Nam ắt vẫn cần đến Lê Anh Hoài để “gây hoang mang”, “gây chú ý”. Nói cách khác, nghệ thuật hậu hiện đại đã cho Lê Anh Hoài một chỗ đứng đáng kể, bất chấp mọi định danh, định giá về những sáng tạo của nhà văn.

T.P.V.A
(TCSH378/08-2020)

---------------------
1. Lê Anh Hoài đã xuất bản 2 tập thơ (Những giấc mơ bên đường, Mảnh mảnh mảnh), 1 tiểu thuyết (Chuyện tình  mùa tạp kỹ) và 2 tập truyện ngắn (Trinh nữ ma-nơ-canh, Tẩy sạch vết yêu). Tác giả cũng đang chờ xuất bản thêm 1 cuốn tiểu thuyết (Nghệ sĩ thành phố). Tuy vậy, so với một số tác giả cùng thời, cùng trào lưu, các tác phẩm của Lê Anh Hoài vẫn còn tương đối khiêm tốn, nhất là tiểu thuyết.
2. @ tình là tên gọi khác của tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ, khi cuốn này được tái bản vào năm 2010 và Lê  Anh Hoài muốn đổi tên. Chọn cái tên mới này, hẳn Lê Anh Hoài không chỉ muốn nhấn mạnh đến bối cảnh hỗn độn của các câu chuyện tình trong tiểu thuyết (thời tạp kỹ) mà muốn nói lên tính chất của tình yêu thời công nghệ số, thời của thông tin, của sự chóng vánh, và cũng là của cái ảo, cái bấp bênh, trống rỗng, hư vô.
3. Mảnh mảnh mảnh là tên một tập thơ mang rõ dấu ấn hậu hiện đại của Lê Anh Hoài, từ nội dung đến hình thức.  Tập thơ này được viết bằng nhiều ngôn ngữ, những ngôn ngữ nằm ở khu vực ngoại biên (trừ tiếng Kinh/ Việt). Ý thức chơi trò chơi ghép mảnh được thể hiện rõ trong tập thơ, cũng như ở nhiều truyện ngắn, tác phẩm trình diễn, sắp đặt của nhà văn, nhà nghệ sĩ đa tài này. Phân mảnh cũng là đặc điểm dễ nhận thấy của tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc Kafka (03/07/2020)