TRIỀU NGUYÊN
1. Đặt vấn đề
- “Truyền thuyết là một thể loại chuyện kể truyền miệng nằm trong loại hình tự sự dân gian; nội dung cốt truyện của nó là kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân, biện pháp nghệ thuật phổ biến của nó là khoa trương, phóng đại, đồng thời nó cũng sử dụng những yếu tố hư ảo, thần kì như cổ tích và thần thoại; nó khác cổ tích ở chỗ không nhằm phản ánh xung đột gia đình, sinh hoạt xã hội và số phận cá nhân, mà thường phản ánh những vấn đề thuộc phạm vi quốc gia, dân tộc rộng lớn; nó khác thần thoại ở chỗ nhào nặn tự nhiên và xã hội trên cơ sở sự thật lịch sử cụ thể, chứ không phải hoàn toàn trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng” [4, 18-19].
Theo sự phân loại của [5/I, 35](1), thì thể loại truyền thuyết gồm ba tiểu thể loại, là truyền thuyết nhân vật, truyền thuyết địa danh và truyền thuyết phong - vật; truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm là một bộ phận quan trọng của tiểu thể loại truyền thuyết nhân vật.
- Anh hùng chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc khác với anh hùng chống ngoại xâm của truyền thuyết. Điều được thừa nhận rộng rãi nhất, đó là: một bên là danh hiệu được ban tặng, thuộc khoa học lịch sử, với tính chất cụ thể, rõ ràng, có các đơn vị tập thể; một bên thuộc văn học, văn hóa dân gian, ít nhiều sử dụng hư cấu, mang tính kì bí, huyền ảo, chỉ có cá nhân (hầu hết không có anh hùng tập thể), và gắn bó với lĩnh vực thờ cúng, tín ngưỡng dân gian.
Chẳng hạn, vào thời hiện tại, chỉ riêng với các anh hùng chống ngoại xâm: “Tính đến năm 2006, có 3.738 đơn vị được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 36 đơn vị được tuyên dương danh hiệu này 2 lần, 4 đơn vị được tuyên dương 3 lần. Về cá nhân, đã có 1.286 quân nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gồm 148 vị trong kháng chiến chống Pháp, 859 vị trong kháng chiến chống Mỹ, 279 vị trong các cuộc chiến khác. Trong số này, 160 vị anh hùng là nữ và 163 vị anh hùng là người dân tộc thiểu số”. (Nguồn: https://vi.wikipedia.org, truy cập ngày 26/4/2019). Con số vừa ghi chỉ tính trong khoảng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bây giờ). Các anh hùng này, cả đơn vị và cá nhân, dù số lượng không nhỏ(2), đều có hành trạng cụ thể, rõ ràng, được lịch sử chính thống ghi nhận.
- Bài viết này nhằm phân định giữa truyền thuyết người Việt về các anh hùng chống ngoại xâm với một số loại hình văn hóa gần gũi khác, như thần thoại, dã sử, truyện truyền kì, truyện cổ tích, diễn ca, vè lịch sử,…
2. Sự phân định giữa truyền thuyết về các anh hùng chống ngoại xâm với một số loại hình văn hóa gần gũi khác
2.1. Phân định truyền thuyết các anh hùng chống ngoại xâm với thần thoại
A. “Thần thoại là truyện kể về các “thần”, do người thời cổ tưởng tượng ra để giải thích nguồn gốc, ý nghĩa một số hiện tượng tự nhiên và xã hội được coi là có liên quan trực tiếp đến sự sống còn của tập thể thị tộc, bộ lạc (như nguồn gốc của trời, đất, núi, sông, mưa gió, hạn hán, lũ lụt, v.v; nguồn gốc của muôn loài, của loài người và các dân tộc; nguồn gốc của một số nghề nghiệp, công cụ, vũ khí,…). Những truyện kể đó cũng nói lên ước mơ của loài người ở thời thơ ấu của mình, muốn chinh phục, chi phối các sức mạnh tự nhiên, chiến thắng các lực lượng thù địch, để có cuộc sống no đủ, yên vui” (Huỳnh Lí, Võ Phi Hùng, Nguyễn Quốc Tuý (1994), Văn 6, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 12).
Việc phân định giữa thần thoại với truyền thuyết đặt ra, khi một số văn bản liên quan có nhà nghiên cứu cho thuộc thể loại này, trong lúc người khác không cho như vậy. Đọc các văn bản sau:
1/ Nguyễn Định (2002), “Truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh là thần thoại hay truyền thuyết?”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4;
2/ Nguyễn Xuân Đức (2002), “Vấn đề thể loại của Truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5;
3/ Tài liệu Văn 6, sđd. (xem Sơn Tinh - Thủy Tinh là một bài học của truyền thuyết);
4/ Các Tài liệu Truyền thuyết Hùng Vương (Lê Tượng, Nguyễn Lộc, Bùi Quang Thanh (1981), Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú xuất bản - (I)) và Truyền thuyết dân gian người Việt [5]- (II).
Hai tài liệu đầu xếp truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh thuộc thể loại thần thoại; trong lúc, các tài liệu sau lại cho như vậy là sai (và xếp truyện này vào truyền thuyết).
Cũng có tài liệu định nghĩa “Truyện thần thoại Việt Nam là tập hợp những truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc thế giới và đời sống con người” (nguồn: https://voer.edu.vn/m/truyen-than-thoai-viet-nam/8bf32951, truy cập ngày 18/11/2019). Thật ra, vế “các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa”, nên hiểu là “các nhân vật anh hùng thần linh, các nhân vật sáng tạo văn hóa thần linh”(3), để tránh nhầm lẫn. Bởi thần linh khác với người bình thường (dù có là anh hùng hay sáng tạo văn hóa).
B. Giữa truyền thuyết về các anh hùng chống ngoại xâm và thần thoại đã có sự lẫn lộn như đã nêu; đặc biệt là trong trường hợp anh hùng chống ngoại xâm được bắt gặp ở cả thần thoại lẫn truyền thuyết - một số tài liệu đã khẳng định, chẳng hạn: “Truyền thuyết bắt nguồn từ thần thoại, và có quan hệ với thần thoại về nhiều phương diện. Ở nước ta, có nhiều truyện dân gian mang tính chất lưỡng tính, tính chất trung gian quá độ giữa thần thoại và truyền thuyết. Vd.: truyện Họ Hồng Bàng, truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh,…” (nguồn: Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Đồng Chủ biên) (1999), Từ điển Thuật ngữ Văn học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 310 - 311).
Trở lại với truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, hai tài liệu I và II không chỉ chép truyện này (với cùng tên gọi, là “Truyện Tản Viên Sơn Thánh”(4)), mà còn chép số truyện liên quan: “Tản Viên đón vợ” (tr. 35-I & 252-II), “Sơn Tinh dạy dân săn bắn” (tr. 42-I & 249-II), “Sơn Tinh làm lửa” (tr. 42-I & 250-II), “Sơn Tinh cùng dân đánh cá” (tr. 44-I & 251-II), “Sơn Tinh đánh giặc” (tr. 37-I & 246-II),… Rõ ràng, Sơn Tinh là một anh hùng chống ngoại xâm - như “Sơn Tinh đánh giặc”, kể việc Sơn Tinh là con rể của Hùng Vương thứ 18, đã cùng các tướng sĩ lãnh đạo hàng chục vạn người đánh quân Thục Phán tan tác. Trong việc đánh giặc này, Sơn Tinh cũng có thiên thần hỗ trợ, gây mưa to gió lớn, phối hợp với “nỏ thần” của bản thân (mỗi phát bắn trăm tên) khiến quân Thục tan vỡ.
Có thể thấy (ở truyện “Sơn Tinh - Thủy Tinh”): a) Thủy Tinh không phải là anh hùng chống ngoại xâm; b) Trong chùm truyện về Sơn Tinh, ngài cũng có cuộc sống như người bình thường (qua các mẩu đã ghi). Do đó, không thể cho “Truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh” là thần thoại, mà là một truyền thuyết. Dù đây không phải là một truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm tiêu biểu.
2.2. Phân định truyền thuyết các anh hùng chống ngoại xâm với dã sử
Dã sử là loại lịch sử về những truyện lưu truyền trong dân gian, thường dùng khi phân biệt với chính sử. Ai cũng biết, thời Hùng Vương, và các giai đoạn Bắc thuộc (không tính thời kỳ Bắc thuộc 1407 - 1427), lịch sử nước ta chủ yếu dựa vào dã sử, chưa có chính sử(5). Mà truyền thuyết thời kỳ này có không ít mẩu trùng với dã sử, tức có mối quan hệ khắng khít giữa truyền thuyết về các anh hùng chống ngoại xâm với dã sử.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đã dựa vào truyền thuyết (và các loại truyện kể dân gian khác), để viết sử. Tất nhiên, họ ít nhiều đã phân biệt giữa chính sử với dã sử. Sự phân biệt này có chú ý đến những yếu tố thuộc văn hóa xã hội của dân tộc, như cách xây dựng xã hội; các thiết chế; vận hưng thịnh, suy vong của triều đại được nêu;… (thường không phải do truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm đảm trách, mà bởi các thể loại, loại hình phụ trợ khác, nhất là thần thoại, truyện cổ tích, truyện thơ, diễn ca,…).
Thật ra, dã sử còn được tạo nên bên cạnh lịch sử chính thống, do nhân dân sáng tác, khi chính sử xa rời họ. Điều không có gì ngạc nhiên này được tìm thấy trong khá nhiều hiện tượng gần đây. Chẳng hạn, bài “Vè thất thủ kinh đô”, kể về trận đánh Pháp ngày 4/7/1885 (đêm 22 rạng ngày 23 - 5 Ất Dậu) thất bại, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi bỏ chạy vào vùng rừng núi Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh,… dấy lên phong trào Cần Vương. Trong khi kể, nhân dân đã ca ngợi Tôn Thất Thuyết, hạ bệ Nguyễn Văn Tường, là hai vị đại thần đầu triều lúc ấy(6). Đến 122 năm sau (ngày 3 tháng 6 năm 2007), Hội Khoa học Lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế mới tặng bia cho ông Tường (gọi theo một số chức vụ, danh hiệu thuở ấy, là quan Thái phó, Cần Chánh điện đại học sĩ, lãnh(7) Lại bộ thượng Thư, kiêm sung Cơ mật viện đại thần, Kì Vĩ quận công), để ghi nhận công lao của ông này đối với đất nước.
Điều nhân dân nhầm tưởng về ông Tường là rất dễ xảy ra, vì họ chỉ nghe kể lại chứ không chứng kiến toàn cục (như chúng ta hiện nay, được đọc nhiều văn bản, cả chính sử lẫn dã sử). Mà nhân vật lại nửa chìm nửa nổi chứ không nổi rõ ràng (như tướng Thuyết), thì biết làm sao! Đáng trách chăng là sự thật đến với mọi người khá muộn màng, tức chính sử đã không gần gũi họ - dù ai cũng biết lịch sử phải có độ lùi nhất định, khi cần luận định một cá nhân, một sự kiện, nhưng đến hơn một trăm hai mươi năm sau khi xảy ra sự việc, thì không thể cho là ít.
2.3. Phân định truyền thuyết các anh hùng chống ngoại xâm với truyền kì
A. Truyền kì được hiểu là: “Một hình thức văn xuôi tự sự cổ điển Trung Quốc, vốn bắt nguồn từ truyện kể dân gian, sau được các nhà văn nâng lên thành văn chương bác học, sử dụng những motif kì quái, hoang đường, lồng trong một cốt truyện có ý nghĩa trần thế, phần lớn là truyện tình, để gợi hứng thú cho người đọc. […] Sự tham gia của yếu tố thần kì vào câu chuyện không phải là do những nhân vật có phép lạ như kiểu trời, bụt, thần tiên,… trong truyện cổ tích thần kì, mà phần lớn ở ngay hình thức “phi nhân tính” của nhân vật (ma quỷ, hồ li, vật hóa người…). Tuy nhiên, trong truyện bao giờ cũng có những nhân vật là người thật, và chính những nhân vật mang hình thức “phi nhân” thì cũng là sự cách điệu, phóng đại của tâm lí, tính cách một loại người nào đấy, và vì thế, truyện truyền kì vẫn mang rất đậm yếu tố nhân bản, có giá trị nhân bản sâu sắc”(8). Ở nước ta, có Truyện truyền kì, 3 quyển (Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), 2009, Nxb. Giáo dục Việt Nam), với hơn 2000 trang, khổ 16cm x 24cm; gồm 262 mẩu (cả truyền kì lẫn phỏng truyền kì), trong 7 thế kỉ (từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XX), bắt nguồn từ 21 tập truyện chữ Hán (216 truyện), và 14 tập truyện chữ Quốc ngữ (46 truyện). Trong số các sách chữ Hán, có Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), Công dư tiệp kí (Vũ Phương Đề), Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh), Vân nang tiểu sử (Phạm Đình Dục), Hát Đông thư dị (Nguyễn Thượng Hiền),…
B. Không khó nhận ra:
+ Truyền thuyết là một thể loại của văn học dân gian, trong lúc truyền kì thuộc văn chương bác học.
+ Dù trong truyện truyền kì có những nhân vật lớn (kiểu Thượng thư Lương Hữu Khánh, Thám hoa Quách Giai, Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, Thánh Tông hoàng đế,…(9)), nhưng do đặc điểm thể loại, cho dù có chiến đấu chống ngoại xâm, thì chúng vẫn khác với truyền thuyết.
2.4. Phân định truyền thuyết các anh hùng chống ngoại xâm với truyện cổ tích
A. “Truyện cổ tích là một loại truyện kể dân gian ra đời từ thời kỳ cổ đại, gắn liền với quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, hình thành của gia đình phụ quyền và phân hóa giai cấp trong xã hội, nó hướng vào những vấn đề cơ bản, những hiện tượng có tính phổ biến trong đời sống nhân dân, đặc biệt là những xung đột có tính chất riêng tư giữa người với người trong phạm vi gia đình và xã hội. Nó dùng một thứ tưởng tượng và hư cấu riêng (có thể gọi là “tưởng tượng và hư cấu cổ tích”), kết hợp với các thủ pháp nghệ thuật đặc thù khác để phản ánh đời sống và mơ ước của nhân dân, đáp ứng nhu cầu nhận thức, thẩm mĩ, giáo dục và giải trí của nhân dân trong những thời kỳ, những hoàn cảnh lịch sử khác nhau của xã hội có giai cấp (ở nước ta, chủ yếu là xã hội phong kiến)” [3, 42 - 43].
Tài liệu [5/I, 17] đã nêu, vừa dẫn theo Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 1957, tr. 60), vừa theo cách hiểu riêng, đã viết: “Truyền thuyết là tất cả những chuyện lưu hành trong dân gian có thật xảy ra hay không thì không có gì đảm bảo. Như vậy, có những truyền thuyết lịch sử, mà cũng có những truyền thuyết khác, hoặc dính dáng về một đặc điểm địa lí (Chuyện nàng Tô Thị, Chuyện Núi Vọng Phu,…), hoặc kể lại gốc tích một sự vật gì (Chuyện Trầu Cau,…), hoặc giải thích phong tục tập quán, hoặc nói về sự tích các nghề nghiệp, và tất cả những chuyện kì lạ khác”.
Tài liệu vừa ghi không bình luận gì thêm. Trong lúc đó, “Chuyện nàng Tô Thị”(10), “Chuyện Núi Vọng Phu” và “Chuyện Trầu Cau”,… được kể, ghi chép như truyện cổ tích. Chẳng hạn, tài liệu Truyện cổ tích người Việt, 6 quyển (Nguyễn Thị Huế (Chủ biên) (2014), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội); ở tr. 372-394, Quyển III, đã chép cụm “Truyện cây cau”, “Trầu cau”, “Sự tích trầu cau”, “Sự tích trầu, cau và vôi”, “Truyện trầu cau”,…; ở tr. 178 - 194, Quyển IV, đã chép cụm các truyện “Truyện thần núi Vọng Phu”, “Sự tích đá vọng phu”, “Sự tích hòn Vọng Phu”, “Hòn Vọng Phu”, “Đá Trông chồng”,…
Tức đã có sự nhầm lẫn giữa truyện cổ tích và truyền thuyết, khiến cần phân định giữa chúng.
B. Bộ phận truyền thuyết về các anh hùng chống ngoại xâm phân biệt với truyện cổ tích ở chỗ, một bên là các nhân vật anh hùng chống ngoại xâm của truyền thuyết, được bà con ngưỡng mộ, thờ phụng, bên kia là các nhân vật, có thể là vua quan, nhưng không chống ngoại xâm. Chưa kể sự khác nhau của mỗi bên: nếu cổ tích nhằm phản ánh các xung đột gia đình, sinh hoạt xã hội và số phận cá nhân, thì truyền thuyết thường phản ánh những vấn đề thuộc phạm vi quốc gia, dân tộc rộng lớn hơn (theo [3, 42], đã nêu). Các đặc điểm về thể loại, tiểu thể loại giữa hai đằng được huy động tương ứng, khi cần phân định.
Giả sử, có một truyện kể tương tự với các mẩu truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm, thì sau khi thẩm định nhân vật, sự kiện liên quan (vì hầu hết loại nhân vật, sự kiện đặt ra, đều được lịch sử dân tộc ghi nhận), nếu xác thực, cần đặt mẩu truyện này vào thể loại truyền thuyết. Đây là một ưu tiên, bởi cả lý thuyết lẫn thực tiễn, không gì cao bằng việc chống ngoại xâm.
Với các loại khác thuộc truyền thuyết nhân vật, như “Truyện trầu cau”, thì cơ sở để cho là truyền thuyết khi người soạn sách quan niệm có tiểu thể loại truyền thuyết về phong, vật. Bấy giờ, truyện nhằm phản ánh tục ăn cau trầu của người Việt Nam từ xa xưa(11). Nhưng có những người làm việc liên quan đến truyện cổ tích, đặc biệt là các nhà biên soạn, lại cho nó thuộc về cổ tích, bởi thể loại này cũng có một nhóm truyện đậm màu sắc phong tục, tập quán như vậy(12), thì sự việc sẽ trở nên phức tạp. Do vấn đề không thuộc phạm vi giải quyết của bài viết này, nên đành gác lại.
2.5. Phân định truyền thuyết các anh hùng chống ngoại xâm với giai thoại
A. “Giai thoại là một loại hình văn hóa, dạng tự sự ngắn bằng văn xuôi, có kết cấu thông dụng gồm một sự việc cốt lõi và các sự việc phụ trợ, nội dung kể về người thật việc thật, bao gồm các lĩnh vực lịch sử, văn học, và văn hóa dân gian”(13).
Việc phân định truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm với giai thoại, cần thực hiện khi có mối quan hệ khó nắm bắt giữa truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm với nhóm giai thoại về văn hóa dân gian(14). Trên đại thể, việc phân định này tương tự với việc “Phân định giữa giai thoại với truyền thuyết”.
Theo các tác giả của Từ điển Văn học (Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (Đồng Chủ biên) (2004), Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 519), thì “giai thoại” là “giai thoại văn học”; và “thường không có phân giới rõ rệt với truyền thuyết”. Hoặc như nhận xét của Võ Phúc Châu: “Có công trình gộp chung mọi tự sự dân gian vào giai thoại (Giai thoại dân gian Đồng Tháp Mười, Nxb. Đồng Tháp, 1988). Có tập sách gọi một số tác phẩm là giai thoại, trong khi chúng hội đủ những đặc trưng của truyền thuyết: “Giai thoại về Thiên hộ Dương”, “Giai thoại về ông Phòng Biểu”,…” (“Bước đầu phân biệt truyền thuyết và giai thoại”, https://vanchuongviet.org/ truy cập ngày 19/11/2019). Tức, theo các tác giả vừa nêu, đã có sự lẫn lộn giữa giai thoại và truyền thuyết.
B. Thật ra, khi dựa vào đặc điểm của mỗi bên, và chỉ xét giai thoại văn hóa dân gian, thì sự phân giới (hiểu là phân định ranh giới) giữa hai đằng không đến nỗi mơ hồ, thiếu sáng rõ. Còn khi cứ vào lịch sử, thì vấn đề có khó hơn. Bấy giờ, cả giai thoại lẫn truyền thuyết đều thuộc lĩnh vực phi chính thống, và để tồn tại, tất yếu chúng phải dựa vào chính thống (ở đây, là lịch sử chính thống) - cần lưu ý, các giai đoạn Bắc thuộc (trừ thời kì 1407 - 1427 đã nêu), và thời Hùng Vương, do không có chính sử, thường dùng nhiều loại hình văn hóa, đặc biệt là truyền thuyết và giai thoại, để thay thế.
Chẳng hạn, nhân vật Trần Thủ Độ, người từng nói câu khí phách trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (khi đứng trước triều đình): “Đầu thần chưa rơi xuống đất, Bệ hạ chớ có lo gì”; đồng thời, là người từng dọa chặt một ngón chân của kẻ đến xin với vợ ông để được làm chức Câu đương ở làng xã, khiến người này phải xin xỏ mãi ông mới chịu tha (từ đó, không ai tới nhà Trần Thủ Độ vì việc riêng nữa). Câu nói của ông Trần thì được nhiều bộ sử ghi lại, còn việc ông ta dọa chặt một ngón chân của người kia thì được lưu truyền chủ yếu trong giai thoại. Khi ghép cả hai lại, mới lộ rõ vai trò, bản chất của con người thuộc lịch sử này, điều giai thoại cho là thú vị.
Vấn đề đặt ra là mối quan hệ giữa truyền thuyết và giai thoại trong truyện này, khi cả hai bên đều dựa vào lịch sử? Có thể nhận thấy: 1/ Đây không phải là truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm; bởi truyện không kể việc chống nước ngoài nào của ông Trần; 2/ Đây không phải là giai thoại văn hóa dân gian (mà là giai thoại về lịch sử; theo định nghĩa về giai thoại ở đầu tiểu mục). Cho nên, truyện vừa ghi chỉ được nêu để bàn rộng vấn đề, chứ không thuộc diện được xét ở đây.
2.6. Phân định truyền thuyết các anh hùng chống ngoại xâm với diễn ca và vè lịch sử
2.6.1. Khái quát về diễn ca và vè lịch sử
A. Diễn ca lịch sử (hay “sử ca”), là lịch sử của một thời kỳ nhất định được “diễn ca” qua các thể thơ truyền thống của tiếng mẹ đẻ; nhằm giúp người đọc dễ nhớ, dễ thuộc lịch sử. Diễn ca lịch sử đã sử dụng chữ Nôm và dùng một số thể thơ của dân tộc, như lục bát, song thất lục bát. Một số văn bản diễn ca lịch sử, như:
- Thiên Nam minh giám (Gương sáng trời Nam), xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XVII, thời Trịnh Tráng (1623 - 1657), gồm 938 dòng thơ, thể song thất lục bát, chép lịch sử nước Nam từ họ Hồng Bàng đến đời Lê Trung hưng;
- Thiên Nam ngữ lục, ra đời vào thế kỉ XVII, gồm 8.136 dòng thơ lục bát (cùng 31 bài thơ chữ Hán và 2 bài thơ chữ Nôm), chép lịch sử nước Nam từ thời các vua Hùng đến Lê Trịnh;
- Đại Nam quốc sử diễn ca, ra đời vào thời Tự Đức, do Lê Ngô Cát biên soạn với 1.887 câu lục bát (3.774 dòng) - Phạm Đình Toái sửa lại thành 1.027 câu, chép lịch sử nước Nam từ họ Hồng Bàng đến hết đời nhà Lê(15)…
Vè là một thể loại tự sự bằng văn vần của văn học dân gian, dạng “khẩu báo” (báo miệng), kể về các hiện tượng tự nhiên (có tác động lớn đến con người), về con người và xã hội, các đối tượng này đều “có vấn đề”, khiến những người ở địa bàn liên quan muốn biết, muốn thể hiện sự quan tâm của họ; vè có phong cách tường minh, cụ thể(16). Vè có bốn tính chất chính: 1/ Tính chất kể lể; 2/ Tính chất mộc mạc, không trau chuốt; 3/ Tính chất thời sự; và 4/ Tính chất địa phương.
B. Tài liệu [4, 81], nêu “nguồn gốc cấu tạo thể tài truyền thuyết anh hùng” như sơ đồ sau:
Sơ đồ cho thấy, nằm trong dòng chảy của các thể loại văn học dân gian, tiểu thể loại truyền thuyết anh hùng (trong đó chủ đạo là các anh hùng chống ngoại xâm, đã nói), chẳng những có quan hệ với thần thoại, truyện cổ tích, mà còn có quan hệ gần gũi với diễn ca và vè lịch sử. Tài liệu trên nói rõ hơn: nguồn gốc cấu tạo của truyền thuyết anh hùng gồm có hai bộ phận: bộ phận thứ nhất là hiện thực lịch sử thời phong kiến (sự kiện và con người anh hùng lịch sử có thật); bộ phận thứ hai là sáng tác dân gian truyền thống tiền phong kiến (thần thoại và cổ tích).
Điều giải thích này sẽ xác thực khi truyền thuyết anh hùng xuất hiện sau cổ tích và được hình thành trong xã hội phong kiến. Truyện cổ tích được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận gồm ba tiểu loại, là cổ tích thần kì, cổ tích thế tục (hay sinh hoạt) và cổ tích loài vật (xuất phát từ hai loại lớn hơn, là cổ tích về người và cổ tích về vật)(17). Truyện cổ tích không hẳn xuất hiện trước (tiền) thời phong kiến, mà có thể trong và sau đó; truyền thuyết cũng vậy. Vả lại, khái niệm “phong kiến” ở nước ta được dùng để chỉ thời kỳ từ 1945 trở về trước(18); nhưng trừ việc cai quản về mặt nhà nước là vua quan mà ai cũng biết ra, nhiều vấn đề khác của phạm trù phong kiến, chưa được xác định cụ thể, rõ ràng.
Việc truyện cổ tích ra đời trong thời phong kiến có nhiều, như phần lớn loại thế tục, chẳng hạn: truyện “Vừng khoai lang” (Kể chuyện cô gái nhà giàu dắt bò đi ăn ở thửa ruộng khoai của một chàng trai nghèo, và yêu anh ta. Nhà trai dẫn cưới, chỉ có một ít trầu cau và một vừng khoai lang mà thôi. Ông nhà giàu cho mời họ, mời làng đến dự. Người trong họ đành chọn các củ nhỏ, nhường những củ lớn cho người làng. Đôi trai gái cho đó là bình thường, họ vẫn đến với nhau. Từ đó có câu hát: Cô Nhiêu giữ bò quàng sừng/ Cậu Nhiêu đi dạm một vừng khoai lang/ Củ nhớn thì để cho làng/ Bao nhiêu củ nhỏ, họ hàng ta ăn(19)); và “Sự tích cây rau răm” (Kể về một người đàn bà nghèo, vào Đồng Tháp Mười sinh sống, không may, chồng bị rắn độc cắn chết, phải nuôi đàn con và mẹ anh ta. Hôm nọ, đói quá, bà ta phải đến nhà ông hương quản để vay lúa, và bị ông này làm nhục. Suốt con đường từ nhà hương quản đến chỗ mình ở, người đàn bà cúi mặt trước những lời xỉa xói của xóm giềng, nước mắt tuôn trào. Sau đó, bà ta qua đời, hai bên vệ đường người phụ nữ đi, mọc lên một loài cây lá nhỏ, trên mặt xanh biếc mà dưới tím bầm, vị đắng, mùi thơm. Dân gian gọi cây ấy là rau răm, và có câu hát: Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay)(20). Có thể nhận ra, hai truyện vừa dẫn chỉ xảy ra chừng vài ba thế kỷ trước. Theo đó, các diễn giải vừa nêu cho thấy, sự nhìn nhận ở [4, 81] không được chuẩn xác lắm.
2.6.2. Việc phân định truyền thuyết về các anh hùng chống ngoại xâm với diễn ca và vè lịch sử, có thể tìm thấy ở đặc điểm của mỗi bên. Mặt khác, chỉ phân định khi hai đằng đều đề cập đến lịch sử (gồm nhân vật và sự kiện).
+ Ở bình diện khái quát: a) Truyền thuyết về các anh hùng chống ngoại xâm được kể bằng văn xuôi, trong lúc diễn ca và vè lịch sử bằng văn vần; b) Truyền thuyết về các anh hùng chống ngoại xâm thường có dung lượng ngắn hơn diễn ca và vè lịch sử.
+ Ở bình diện cụ thể:
- So với diễn ca lịch sử: a) Diễn ca lịch sử thuộc ngành lịch sử (hoặc văn học thành văn - trường hợp văn triết sử bất phân của thời trung đại), trong lúc truyền thuyết thuộc văn học dân gian; b) Diễn ca lịch sử thường nêu cả giai đoạn lịch sử, có thời gian dài, không gian rộng lớn gấp hàng chục hoặc hàng trăm lần(21); truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm thường kể về một con người cụ thể, có thời gian, không gian bé nhỏ, hạn hẹp; c) Dung lượng lời của văn bản diễn ca lịch sử dài hơn truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm (nếu tính lượng trang, thì riêng Thiên Nam minh giám, một diễn ca lịch sử ngắn, đã gấp chừng 20 - 30 lần truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm).
- So với vè lịch sử:
a) Không tính các bài vè dài, có nhiều nhân vật, sự việc (kiểu “Vè Thất thủ kinh đô”, “Vè thất thủ Thuận An”,…), khác với truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm, chỉ một nhân vật, thì với đa số các bài vè về nhân vật lịch sử có dung lượng lời lớn hơn truyền thuyết, tỉ số này khoảng 3 - 2, nghiêng về vè. Chẳng hạn, riêng vè Nghệ Tĩnh, Ninh Viết Giao đã sử dụng 670 trang sách, khổ 14,5 x 20,5 cm, của tập VIII - gồm 4 phần: 1/ Những bài vè về thời Tự Đức; 2/ Những bài vè nói về cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất, 1874; 3/ Những bài vè nói về Phong trào Cần vương; 4/ Những bài vè nói về Phong trào Duy tân và Đông du - để ghi 107 bài(22); trong lúc đó, với 802 trang sách cùng khổ, của hai quyển 2 và 3, tài liệu [5], ghi được 218 mẩu truyện - tính cả số thuộc bản khác(23).
b) Truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm gồm nhiều nhân vật của thời xa xưa, trong lúc vè lịch sử chủ yếu ghi nhận các con người thời cận đại; nếu lấy thế kỷ XVII làm mốc, thì thời xa xưa được kể từ đó lùi về trước, thời cận đại từ điểm mốc vừa nêu trở về sau - mà con người ở thời cận đại thường không quá khó khi cần phân định một cá nhân, cá thể thuộc truyền thuyết hay vè.
c) Có một số trường hợp đặc biệt, vè lịch sử biến thành truyện thơ (như “Vè chàng Lía” thành truyện thơ “Văn Doan diễn ca”; “Vè Cai Vàng” thành truyện thơ “Cai Vàng tân truyện”(24);…), trong lúc truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm, thì chưa thấy điều này (nhiều khả năng do việc khác thể văn của hai loại hình đang bàn mà ra).
3. Nhận xét, kết luận
- Trong nghiên cứu, việc phân định giữa các thực thể, đối tượng khi cần nắm bắt chúng luôn cần thiết. Sự phân định giữa truyền thuyết (ở đây là truyền thuyết người Việt về các anh hùng chống ngoại xâm) với một số loại hình văn hóa gần gũi khác, như thần thoại, truyện truyền kỳ, truyện cổ tích, diễn ca lịch sử,… cũng không ngoại lệ.
- Có mấy điều cần chú ý khi phân định giữa truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm với một số loại hình văn hóa gần gũi khác, là giữa chúng có sự khác biệt: a) Về phạm trù (văn học dân gian, văn chương bác học), như truyện truyền kì, diễn ca lịch sử thuộc văn chương bác học hay lịch sử, còn truyền thuyết thuộc văn học dân gian; b) Về thể văn (văn xuôi, văn vần) và dung lượng lời (lớn, bé), như diễn ca, vè lịch sử,… thường bằng văn vần, có dung lượng lời lớn, trong lúc truyền thuyết (ở đây, là truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm), thì bằng văn xuôi, dung lượng lời bé;…
- Từ việc phân định này, có thể thấy, truyền thuyết về các anh hùng chống ngoại xâm chẳng những là một bộ phận quan trọng của tiểu thể loại truyền thuyết nhân vật (tiểu thể loại hàng đầu của thể loại truyền thuyết), mà còn có vai trò, vị trí đặc biệt trong truyền thuyết. Vai trò, vị trí ấy khiến truyền thuyết dễ phân định với thần thoại, dã sử, truyện truyền kì, truyện cổ tích, diễn ca, vè lịch sử, và giai thoại văn hóa dân gian. Chính sự chân thật lịch sử (qua các nhân vật truyền thuyết), khiến khó lẫn với các lĩnh vực khác, và bên cạnh các vấn đề vừa đề cập, nó cũng trở thành một nhân tố cơ bản để phân định với các loại hình văn hóa kia.
T.N
(TCSH379/09-2020)
------------------
1. Ký hiệu [5/I, 35] hiểu là: tài liệu số 5 (Truyền thuyết dân gian người Việt), quyển I, trang 35 (chỉ sử dụng khi số trang đánh theo từng quyển/tập, không đánh liên tục). Người thực hiện tài liệu [5] và [4] (vừa nêu), là một.
2. Riêng số cá nhân đã hơn gấp đôi các loại anh hùng trong truyền thuyết in trong 6 tập (mỗi tập khoảng 450 tr., khổ 14,5 x 20,5 cm) mà tài liệu [5] tập hợp - suốt cả chiều dài lịch sử người Việt, gồm nhiều lĩnh vực - tài liệu này ghi nhận được 514 mẩu truyện (theo thống kê của [5], không tính các bản khác). Với loại “anh hùng tập thể”, “đơn vị anh hùng”, ngày trước, ít được nghe nói. Điều cần nêu ở đây, là số truyền thuyết thường bị bóng thời gian phủ lên, khi chúng càng lùi vào quá khứ, cái bóng ấy càng dày đặc, sự việc liên quan có thể trở nên huyễn hoặc, sai lệch.
3. Là lối viết, cách hiểu của tài liệu [6, 25].
4. Tài liệu [5, 202-233], sử dụng 31 trang để ghi từ ngọc phả núi Tản, trong lúc [7, 32-35] chỉ dùng ba trang để chép lại từ tập sách cùng tên, xuất bản năm 1974 (không ghi tên người biên soạn ở đầu sách). Chỗ khác ở hai tài liệu: 1/ Tài liệu [5] (ghi phần đầu): “Đời Hùng Vương thứ 18, ở tỉnh Hưng Hóa, phủ Gia Hưng, huyện Thanh Sơn có động Lăng Xương. […] Thời bấy giờ có ông Nguyễn Công Hạnh, tuổi đã bảy mươi, vợ là Đinh Thị Điên, năm mươi tuổi, sinh sống ở đó. Ông bà tích đức tu nhân, khói hương không dứt, một đời phú quý, phong lưu, của cải dư thừa. Bỗng một ngày trông thấy trong động mây lành vương vấn, khí tốt rực rỡ, một con rồng vàng xuống lấy nước, phun sóng ngọc châu, đáy giếng cuộn lên mây trời khí tốt, du dương khúc nhạc dậy đất trời. […] (Thái bà) cảm thấy trong người phấn chấn lạ thường. Tự nhiên thấy mình như có mang thai. Mười bốn tháng sau, nhằm ngày tháng giêng năm Đinh Tỵ […] bà sinh hạ được một người con trai […]. Được 100 ngày sau, đặt tên là Nguyễn Tuấn”; 2/ Tài liệu [7] (có phần tương ứng): “Động Lăng Xương bên sông Đà, có một người đàn bà tên Hàn xấu xí, nghèo khổ, không ai lấy. Một hôm, bà đi cấy, giẫm phải một vết chân to, cảm động mà thụ thai. Dân làng đuổi bà vào rừng. Bà dựng lều ở, ngày ngày có hổ mang thịt tới nuôi bà cho tới kỳ sinh nở. Sau 14 tháng mang thai, bà đẻ được một người con trai, đặt tên là Tuấn…” (Thật ra, tài liệu [7] không kể việc Sơn Tinh cưới công chúa Ngọc Hoa, con Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18), việc mấy lần ông này đánh Thục Phán, giữ yên bờ cõi).
5. Năm 1272, Lê Văn Hưu soạn bộ Đại Việt sử kí, gồm 30 quyển (bộ sử đầu tiên của nước ta hiện không còn nữa, nhưng Ngô Sĩ Liên vào thời Lê đã tham khảo để soạn ra bộ Đại Việt sử kí toàn thư, trong đó có trích một số lời bình của bộ sử này về các nhân vật). Sau khi hoàn thành bộ sách, Lê Văn Hưu đã đem nó dâng lên vua Trần Thánh Tông.
6. Bài vè phân biệt giữa hai ông theo cách, dùng “quan Tướng” để chỉ Tôn Thất Thuyết (do ông này nhiều lần làm tướng, và đang giữ chức Thượng thư bộ Binh), “quan Quận” để chỉ Nguyễn Văn Tường (có thể do tiếng “quận”, trong “Kì Vĩ quận công”, một tước phong, mà ra). Như đoạn kể việc đang đánh thì hết “thuốc đạn”, lính chạy đến hỏi Tường, được ông này trả lời: “Bây ra sau chốn Hậu Bô/ Thưa cùng quan Tướng, ngài vô ngài tìm/ Tao chừ thất lạc như chim/ Thắng thì tao ở, bại thì tao tìm đi xa!” - Hậu Bô: vùng đất phía sau hoàng thành, nơi để thuốc đạn (Lương An (1983), Vè chống Pháp: Thất thủ kinh đô; Thất thủ Thuận An (1883-1885), Nxb. Thuận Hóa, Huế).
7. Lãnh: lĩnh (nhận lấy, như lĩnh thưởng, lĩnh lương) - khá nhiều “lĩnh” (danh từ, danh ngữ, hoặc động từ, động ngữ) của Đàng Ngoài, tương ứng với Đàng Trong là “lãnh” (như quần lĩnh - “lĩnh”: “hàng dệt bằng tơ nõn, mặt bóng mịn, các sợi dọc phủ kín sợi ngang” (Hoàng Phê (Chủ biên) (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội, tr. 550)g quần lãnh; lĩnh lươngg lãnh lương; lĩnh hộig lãnh hội…).
8. Nguyễn Kim Hưng (1984), “Truyền kì”, trong: Nhiều tác giả, Từ điển văn học, tập 2: N-Y, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 447.
9. Đọc bốn truyện vừa nêu ở: Công dư tiệp kí, Tang thương ngẫu lục (hoặc Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên) (2009), Truyện truyền kì, sđd., quyển 2, các tr.: 21, 44, 84 & 235).
10. “Chuyện nàng Tô Thị” tương tự với “Sự tích đá vọng phu” (Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, 2 tập, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 273-274). Cũng có thể xem truyện này ở: Minh Thảo (kể), Ngô Xuân Khôi (vẽ) (2010), Chuyện nàng Tô Thị, Nxb. Mĩ thuật, Hà Nội.
11. Theo: [7, 13 - 14], “Truyện cây cau”.
12. a) Như Truyện cổ tích người Việt, 6 quyển (sđd.), vừa nêu; hoặc “Sự tích trầu, cau và vôi” (Nguyễn Đổng Chi (1993), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, 5 tập, Viện Văn học xuất bản, Hà Nội); b) Điều này cho thấy, việc phân loại của [5] về truyền thuyết, cần xem lại.
13. Theo: Triều Nguyên (2016), Luận về giai thoại, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 365.
14. Có người cho giai thoại lịch sử thuộc văn hóa dân gian, nhưng cũng có một số nhà nghiên cứu lịch sử (như Kiều Văn (2012), tác giả của Giai thoại lịch sử Việt Nam, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 8 tập; Nguyễn Khắc Thuần (2006), tác giả của Việt sử giai thoại, 8 tập, sắp dẫn;…), lại không cho như vậy.
15. Có thể đọc các tác phẩm vừa nêu (đã xuất bản): a) Nguyễn Thạch Giang (1994), Thiên Nam minh giám, Nxb. Thuận Hóa, Huế; b) Nguyễn Lương Ngọc, Đinh Gia Khánh (1958), Thiên Nam ngữ lục, 2 tập, Nxb. Văn hóa, Hà Nội; c) Lê Ngô Cát, Đặng Huy Trứ (2018), Đại Nam quốc sử diễn ca, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
16. Định nghĩa này trích từ Tìm hiểu về vè người Việt, một chuyên luận của người viết, sắp được công bố.
17. Xem thêm: 1/ [3, 49]; 2/ Ba tài liệu: a) Tăng Kim Ngân (1997), Cổ tích thần kì người Việt: Đặc điểm cấu tạo cốt truyện, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997; b) Triều Nguyên (2017), Tìm hiểu về truyện cổ tích thế tục Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế; c) Triều Nguyên (2017), Tìm hiểu về truyện cổ tích loài vật Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
18. Từ 1945 đến nay, tên các quốc hiệu thời kỳ này: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
19. Một số từ ngữ: nhiêu: chức vị được miễn tạp dịch, phải bỏ tiền ra mua, ở làng xã thời phong kiến (Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, sđd., tr. 696); quàng sừng: sừng bị lệch, không bình thường; vừng: một khối lớn, một bậng (cả lớp) lớn (Huỳnh Tịnh Paulus Của (1998), Đại Nam quốc âm tự vị, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 1179); nhớn: lớn (phương ngữ bắc).
20. Theo: Nguyễn Thị Huế (Chủ biên) (2014), Truyện cổ tích người Việt, quyển 6 (sđd.), tr. 278-280 (truyện đầu) & 49-50 (truyện sau).
21. “Hàng chục” khi tính trọn một đời người (từ lúc sinh đến lúc mất); “hàng trăm” khi tính thời gian con người có thể đóng góp cho lịch sử (thường dưới hai mươi năm).
22. a) Theo: Ninh Viết Giao (1999 - 2000), Kho tàng Vè xứ Nghệ, 9 tập, Nxb. Nghệ An. b) Với số bài vè dài, liên quan đến cá nhân (như “Vè chàng Lía”, “Vè bà Ba Cai Vàng”,…), có thể biến thành truyện thơ (kiểu Văn Doan diễn ca, Cai Vàng tân truyện,… - Văn Doan là tên gọi khác của [chàng] Lía).
23. Tỉ số 3 - 2 tính theo cách: lấy 670 : 107 # 6 trang/bài; lấy 802 : 218 # 4 trang/bài (tỉ số 6 - 4 tương đương với 3 - 2) - ký hiệu # hiểu là gần bằng hoặc xấp xỉ.
24. Có thể đọc hai truyện thơ này ở: a) Huỳnh Tịnh Paulus Của, Couduries & Montégout (1906), Văn Doan diễn ca, ký hiệu VS 477, Thư viện Tp. Hồ Chí Minh - dẫn lại, theo Trần Thị Huyền Trang (2014), Chàng Lía từ góc nhìn văn hóa dân gian, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 247-514; b) Trương Chính, Đinh Xuân Lâm (1993), Cai Vàng tân truyện, Tạp chí Hán Nôm, số 1, https://www.scribd.com/document/51534909/Cai-Vang-Tan-Truyen- Nom/ truy cập ngày 11/12/2019.
...................................................
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Văn Nguyên và tgk. (1978), “Chương II. Thần thoại và truyền thuyết”, trong: Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I: Văn học dân gian (phần I), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 68 - 115.
2. Chu Xuân Diên (1984), “Truyền thuyết”, trong: Nhiều tác giả, Từ điển văn học, Tập II N-Y, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 449-450.
3. Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian Việt Nam, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 24-40.
4. Kiều Thu Hoạch (1969), “Truyền thuyết anh hùng trong thời kỳ phong kiến”, trong: Văn học dân gian người Việt, dưới góc nhìn thể loại (sách tập hợp các bài nghiên cứu), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 15 - 84.
5. Kiều Thu Hoạch (Chủ biên), Trần Thị An, Mai Ngọc Hồng (2014), Truyền thuyết dân gian người Việt, 6 quyển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Lê Chí Quế (2001), “Truyền thyết”, trong: Lê Chí Quế (Chủ biên), Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ, Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 46 - 66.
7. Lê Tượng, Nguyễn Lộc, Bùi Quang Thanh (1981), Truyền thuyết Hùng Vương, Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú xuất bản.