Nghiên Cứu & Bình Luận
Những chuyển đổi trong sáng tạo văn học và xã hội Việt Nam sau Đổi mới - từ góc nhìn một biên khảo
09:30 | 12/03/2021

YẾN THANH    

Mất gần sáu năm, từ khi còn đang là một nhà phê bình trẻ đầy xông xáo trên văn đàn, cho đến khi trở thành một người có thẩm quyền và uy tín trong lĩnh vực của mình, bạn đọc yêu mến nhà phê bình Đoàn Ánh Dương mới lại được hội ngộ anh qua một chuyên luận nghiên cứu văn học.

Những chuyển đổi trong sáng tạo văn học và xã hội Việt Nam sau Đổi mới - từ góc nhìn một biên khảo
Ảnh: internet

Công trình Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi - văn học và xã hội Việt Nam sau Đổi mới [Nxb. Hội Nhà văn và Tao đàn, Hà Nội, năm 2020 - mọi trích dẫn đều theo nguồn này] vừa ra đời đã tạo nhiều hiệu ứng tiếp nhận tích cực trên văn đàn. Đoàn Ánh Dương trong chừng ấy năm không nghỉ ngơi ngòi bút, anh vẫn xuất hiện liên tục trên báo chí, hiện diện như một thương hiệu thông qua những bài phê bình giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam mỗi lần xuất bản hay tái bản, và cả sự góp mặt trong những công trình chung có tín thế học thuật như Phong Hóa thời hiện đại - Tự lực văn đoàn trong tình thế thuộc địa ở Việt Nam đầu thế kỷ XX [Nxb. Hội Nhà văn và Tao đàn năm 2020]. Tuy vậy, sự tái hiện diện trên văn đàn, thông qua một công trình dày dặn vẫn là điều mà bạn đọc chờ đón đối với một nhà phê bình có phong cách, cá tính rất riêng biệt, điều mà những bài viết đơn lẻ hay công trình in chung sẽ không thể nào thực hiện được trọn vẹn.

Về cơ bản, mối quan tâm của Đoàn Ánh Dương trong nghiên cứu văn học vẫn không có gì mới so với công trình đầu tay Không gian văn học đương đại (phê bình vấn đề và hiện tượng văn học) [Nxb. Phụ nữ năm 2014]. Anh vẫn miệt mài khảo tả, nhận định và kiểm kê các hiện tượng văn học đương đại. Tuy nhiên, phạm vi vấn đề trong chuyên luận này rộng hơn cả về không gian lẫn thời gian. Về không gian, Đoàn Ánh Dương đã mở rộng sự quan tâm của mình ra khỏi phạm vi văn học, để khái quát cả một giai đoạn lịch sử, chính trị, ngoại giao, văn hóa của Việt Nam. Về thời gian, Đoàn Ánh Dương không chỉ quan tâm đến đời sống văn chương và xã hội trong mươi năm đầu thế kỷ XXI, mà mở rộng ra từ những năm Đổi mới bắt đầu manh nha (thập niên 80 thế kỷ trước).

Nhìn nghiêng từ phương pháp, có thể thấy Đoàn Ánh Dương vẫn sử dụng xã hội học làm cách tiếp cận, cắt nghĩa và diễn giải các hiện tượng văn học. Đây là phương pháp sở trường của anh, thể hiện được khả năng thu thập, tổng hợp tư liệu đáng nể, cũng như cách nhìn văn học lấn rộng ra những khung khổ lớn hơn ở bên ngoài như thời đại, dân tộc, lịch sử, văn hóa… Đoàn Ánh Dương là người mạnh về tư liệu, những tri thức và thông tin trong các bài phê bình của anh dễ khiến bạn đọc choáng ngợp. Điểm mạnh ấy, kết hợp với phương pháp xã hội học trong phê bình, cũng như đặc trưng nghề nghiệp của anh tại Viện Văn học vốn dĩ thường xuyên phải tổng kết, miêu thuật, viết lịch sử văn học đương đại, đã khiến công trình Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi được tác giả định danh là một biên khảo văn học, chứ không phải là phê bình văn học, lịch sử văn học hay lý luận văn học.

Về cơ bản, công trình Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi không thể hiện hết những gì tinh túy, thú vị nhất của Đoàn Ánh Dương, nhưng nó là công trình điển hình nhất cho cách làm việc và thế mạnh của anh khi làm phê bình. Những tiểu luận thể hiện rõ nhất cách Đoàn Ánh Dương tư duy và thao tác vận hành nghiên cứu khoa học, ví dụ các phần nghiên cứu về sự du nhập của văn học Mỹ Latin vào Việt Nam như một kinh nghiệm; sự bung ra của đời sống xuất bản dưới ảnh hưởng của tư nhân (đầu nậu); những sự kiện chính trị xã hội mở ra giai đoạn Đổi mới…

Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi là một chuyên luận dày dặn với gần 300 trang khổ lớn. Công trình được chia làm bốn phần bao gồm: 1. Khủng hoảng và đổi mới; 2. Tái thiết kinh nghiệm thẩm mỹ; 3. Sáng tác văn học và kiến tạo xã hội; 4. Văn học và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam thời kỳ chuyển đổi. Công trình đặc biệt có những tư liệu công phu và đáng chú ý trong phụ lục, có giá trị tương đương với phần chính văn. Những bạn đọc là nhà phê bình văn học chuyên nghiệp hẳn sẽ rất hứng khởi với những phụ lục này, bởi tác giả đã công phu thống kê, trình bày rõ ràng, hệ thống những công trình, bài viết có liên quan đến những vấn đề anh nghiên cứu. Đó là chưa kể hệ thống từ mục index, cùng tài liệu tham khảo khá đồ sộ, chi tiết của chuyên luận. Đoàn Ánh Dương thể hiện anh không chỉ là người làm việc bao quát, có tầm nhìn xa, mà còn là một người làm tư liệu rất công phu, đáng tin cậy. Sự tỉ mẩn, chi tiết trong lối viết lẫn cấu trúc những chuyên luận của Đoàn Ánh Dương là một thế mạnh hiển nhiên, song đôi khi cũng là giới hạn của anh như mặt trái của những chiếc huân chương. Nhiều chỗ anh khiến bạn đọc, nhất là bạn đọc phổ thông cảm thấy mệt mỏi, những chi tiết đôi chỗ ngồn ngộn, tràn ngập khiến cái tổng thể, tư tưởng bao quát trở nên mờ đi, tâm lý tiếp nhận cũng trĩu nặng. Tuy vậy, đối với bộ phận bạn đọc hàn lâm, chuyên nghiệp, công trình này là một nguồn tư liệu quý báu.

Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi của Đoàn Ánh Dương về cơ bản là một kiểm thảo, thống kê và phê bình văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới, song anh không nhìn văn học trong tính cô lập, cát cứ, từ những tác gia và tác phẩm cụ thể như trong công trình trước, mà nhìn khái quát từ những vận động chính trị, xã hội, kinh tế, đối ngoại của đất nước trong hơn 30 năm qua.

Luận điểm cốt lõi của công trình này, một cách khát quát đó là, văn học Việt Nam giai đoạn Đổi mới (từ 1986 đến nay) chính là thời kỳ văn học chuyển đổi. Sự chuyển đổi này trước tiên là chuyển đổi về hoàn cảnh xã hội bên ngoài, bao gồm những đổi mới về chính trị, kinh tế, ngoại giao, do Đảng đề xuất sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), được những nhà lãnh đạo chính trị đề xướng như Tổng Bí thư Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh. Luận điểm này làm rõ một vấn đề, đó là văn học và chính trị luôn song hành, tương tác, mọi ý định tách rời, đối lập giữa chính trị và văn học đều trở nên bất khả thi. Một nền văn học tự trị, tự thân, độc lập với chính trị là không tưởng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn Đổi mới lại càng không thể diễn ra. Rõ ràng văn học Việt Nam Đổi mới, như tôi từng nhận định trong chuyên luận của mình xuất bản một năm trước đây (Văn học Việt Nam Đổi mới - từ những điểm nhìn tham chiếu - Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, 2019), là giai đoạn hoàng kim thứ hai của văn học Việt Nam thời hiện đại, sau giai đoạn 1930 - 1945. Sự hoàng kim ở đây có ý nghĩa mang tinh thần Phục hưng của một nền văn học. Đó là giai đoạn mà văn học quay trở lại với những vấn đề bản thể, nhân sinh, những mối quan tâm đời tư, thế sự, dưới góc nhìn phản tư, nhân bản. Dưới một góc độ nào đó, văn học Việt Nam Đổi mới cũng là giai đoạn văn học Việt Nam hậu hiện đại (hóa).

Đoàn Ánh Dương cũng nhận ra, càng trở về sau, từ năm 2000 trở đi xu hướng ngoại biên hóa càng trở nên mạnh mẽ trong văn học Việt Nam. Văn học trong thời kỳ Đổi mới ngày càng tham dự sâu sát hơn vào thực tiễn, người nghệ sĩ gia tăng sự dấn thân vào với cuộc đời. Ở đây, tôi hoàn toàn nhất trí với Đoàn Ánh Dương trong việc viết hoa thuật ngữ “Đổi mới”, và trong thực tế các tiểu luận lẫn chuyên luận của chúng tôi, đều sử dụng thuật ngữ Đổi mới (viết hoa) nhằm chỉ một giai đoạn nghệ thuật đặc thù của Việt Nam cuối thế kỷ XX cho đến ngày nay. Nội hàm khái niệm Đổi mới ở đây, theo Đoàn Ánh Dương là nhằm chỉ thời gian (một giai đoạn lịch sử), lại chỉ một tính chất của thời đại đó (tính chất canh tân, đổi mới).

Trong chuyên luận, Đoàn Ánh Dương đã thực hiện sự quy đồng, hoặc chí ít là sự tương liên hóa mật thiết giữa các thuật ngữ: Đổi mới với toàn cầu hóa, quốc tế hóa, hậu hiện đại. Văn học Việt Nam (thời kỳ/giai đoạn) Đổi mới như thế, cũng có ý nghĩa là văn học Việt Nam thời kỳ toàn cầu hóa, văn học Việt Nam hậu hiện đại. Đoàn Ánh Dương đã mạnh dạn chỉ ra bản chất văn học Việt Nam giai đoạn Đổi mới mang chiều kích của thời gian hậu thực dân và không gian hậu hiện đại. Dĩ nhiên, quan điểm này có thể gây ra nhiều tranh cãi, song Đoàn Ánh Dương vẫn thể hiện sự kiên trì theo các luận điểm mình nghiên cứu, bất chấp những nghi kỵ mà anh đã từng hứng phải trên văn đàn thời gian qua.

Trong bốn phần của quyển biên khảo, phần một (Khủng hoảng và đổi mới) tập trung vào những điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế, ngoại giao của Việt Nam thập niên 70, 80 của thế kỷ XX. Đây có vẻ là một phần ngoại vi, song lại có ý nghĩa quyết định đối với sự hình thành của văn học Đổi mới. Đoàn Ánh Dương với lối viết trực diện, gai góc đã nhìn nhận thẳng vào những yếu kém, khủng hoảng của xã hội Việt Nam hậu chiến. Từ những chính sách kinh tế sai lầm, quan liêu bao cấp, cho đến tình trạng bị bao vây, cô lập trên trường quốc tế, lẫn những vết thương chiến tranh biên giới. Nền kinh tế nước ta khủng hoảng sâu sắc, thủ đô Hà Nội thiếu lương thực dẫn đến những hoạt động “xé rào”, “bung ra” trước Đổi mới trên lĩnh vực kinh tế. Đổi mới vừa là một sáng kiến, một tầm nhìn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, song nó cũng là yêu cầu tất yếu của lịch sử đối với chính quyền cách mạng, trước những nguy cơ hiển hiện và trách nhiệm đối với dân tộc.

Đọc phần này, bạn đọc phần nào hình dung một bối cảnh xã hội phức tạp, nhiều mối quan hệ chằng chịt trì níu, mâu thuẫn nhau của Việt Nam cuối thế kỷ trước. Sự ra đời của một nền văn học mới, do đó, luôn là một sự hoài thai đớn đau, đầy trăn trở, đầy băn khoăn và giằng xé của nhà văn trước thời cuộc. Chuyên luận đã dẫn ra những sự kiện tối quan trọng trong giai đoạn này, mở đầu cho một nền văn học mới như cuộc gặp gỡ lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ Hà Nội vào tháng 10 năm 1987, hay sự kiện Hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học chuẩn bị cho Đại hội Nhà văn lần thứ III năm 1979, với bản trình bày đề dẫn của Nguyên Ngọc; quan điểm của Hoàng Ngọc Hiến về “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”; hay Nguyễn Minh Châu viết tiểu luận “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”…

Tất cả những sự kiện ấy đã dẫn đến sự hình thành một tâm thế phản tư trong đời sống văn học. Trước tiên từ những nhà lãnh đạo văn nghệ, những nhà lý luận phê bình rồi đến các nhà văn. Đoàn Ánh Dương thể hiện rõ thế mạnh về tư liệu lịch sử, báo chí trong phần này, với dày đặc những thông tin cụ thể, chính xác. Tuy nhiên, trong quan điểm của một số học giả được nhắc đến trong biên khảo, giai đoạn Đổi mới chỉ kéo dài trong hai hay ba năm, từ 1986 đến khoảng 1989, vì “xu hướng đổi mới văn học nghệ thuật (được sự hỗ trợ) từ trên xuống dừng lại ở thời điểm này. Trong quan điểm của họ, đổi mới đến đây là kết thúc, những gì diễn ra sau đó nên được hiểu là hậu-đổi mới” [tr.73]. Quan điểm của cá nhân tôi đó là Đổi mới vẫn kéo dài cho đến ngày nay, cho dù từng chặng nhỏ sẽ có tính chất khác đi, còn bản chất hội nhập, quốc tế hóa, hậu hiện đại hóa, đa nguyên văn học là vẫn không thay đổi. Đoàn Ánh Dương đồng quan điểm với tôi, anh viết “Nỗ lực đổi mới ở Việt Nam, đáng được xem như một cuộc cải cách, diễn ra từng bước, lâu bền, với những thành công và hạn chế, và với rất nhiều điều chỉnh cho phù hợp với sự biến đổi của hoàn cảnh” [tr.73]. Tuy vậy, khá ngạc nhiên khi anh vẫn lựa chọn thuật ngữ “sau đổi mới” trong tựa đề biên khảo của mình.

Phần hai của biên khảo (Tái thiết kinh nghiệm thẩm mỹ) tác giả tập trung vào sự đổi thay trong tư duy lý luận văn học. Như vậy là, khác với quy luật từ thực tiễn sáng tác trừu xuất, tổng kết nên lý luận - phê bình văn học, ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn Đổi mới, chính lý luận văn học là lĩnh vực tiên phong trong tiến trình đổi mới. Khởi đi từ chính trị với những chính sách, chế độ có tính chất “cởi trói”, lý luận văn học là lĩnh vực thứ hai khởi động cho công cuộc đổi mới. Bốn sự kiện văn học quan trọng trong giai đoạn đầu Đổi mới đều liên quan đến lý luận văn học như: bài viết Văn nghệ và chính trị (1987) của Lê Ngọc Trà; tọa đàm Văn học và hiện thực (1988) do Viện Văn học tổ chức; Hội thảo Những vấn đề thời sự của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (1989) do Viện Văn học và khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức; những cuộc tranh luận liên quan đến công trình Lý luận và văn học (1990) của Lê Ngọc Trà. Về cơ bản, những sự kiện này đều là các nỗ lực tìm tòi đổi mới văn học từ góc độ lý thuyết, từ chỗ mở rộng phạm vi của phản ánh luận (văn học phản ánh hiện thực) sang chỗ văn học nghiền ngẫm hiện thực, đi đến chỗ thảo luận về mối quan hệ giữa văn học và chính trị. Theo quan điểm mới, văn học không tòng thuộc chính trị, mà bản chất văn học luôn mang tính chính trị, chứ không phải văn học là sự minh họa, chịu điều khiển của chính trị. Xét từ góc độ ý thức xã hội, văn học bình đẳng với chính trị trong xã hội, dù văn học không tách rời được chính trị. Sự đổi mới, nới rộng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như là phương pháp sáng tác thống trị trong đời sống văn học nước nhà, thông qua việc dịch và tiếp nhận chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin cũng được nghiên cứu đến khá chi tiết trong phần này. Sự hình thành thị trường văn học Việt Nam, dưới ảnh hưởng của những “đầu nậu” tư nhân, phá vỡ đời sống văn học quan liêu bao cấp trước đây cũng đã được khảo cứu khá công phu, có nhiều tư liệu thông tin quý giá.

Phần ba của công trình biên khảo (Sáng tác văn học và kiến tạo xã hội), Đoàn Ánh Dương đi sâu vào các hiện tượng văn học cụ thể, đặc thù của văn học Đổi mới, như văn học viết về đề tài chiến tranh, văn học chấn thương hậu chiến, văn học đô thị, văn học giới/ nữ quyền; văn học (hư cấu) viết về đề tài lịch sử… Như vậy là, sự đổi mới về chính trị, rồi đến đường lối quản lý văn nghệ của Đảng đã tác động đến sự vận động cách tân của lý luận phê bình văn học, và cuối cùng đã tác động đến thực tiễn sáng tạo văn học. Đặc trưng chung của văn học giai đoạn Đổi mới đó là sự gia tăng tính chất đời tư - thế sự, vượt dần ra khỏi sự kiềm tỏa của cảm hứng sử thi trong văn học kháng chiến. Những chấn thương, những khát vọng nhục cảm, những góc khuất đời tư, sự thất bại của con người trong đời sống hòa bình hậu chiến, nỗi cô đơn và ý thức phái tính, sự tái diễn giải lịch sử từ góc độ cá nhân, giải thiêng thần tượng và nặng về hư cấu lịch sử… có thể xem là những đặc trưng, đồng thời cũng là những thành tựu đáng ghi nhận của văn chương thời Đổi mới.

Viết phần này, do được mặc sức thi triển sở trường phê bình đối với những tác gia, tác phẩm cụ thể, nên ngòi bút Đoàn Ánh Dương trở nên phóng túng, quyến rũ hơn những phần trước. Ví dụ: “Nó làm cho văn học nữ giai đoạn này đẹp một cách vừa vặn nhỏ xinh, cho một khoảnh khắc bất ngờ được lịch sử trao tặng vị thế và tự do vừa đủ cho sự thổ lộ, bộc bạch, về một hình ảnh đàn bà được tưởng tượng, cái ốc đảo của người nữ giữa sa mạc đàn ông, mà ngay cả bầu trời vẫn vẩn lên đám mây mang hình bóng của người nữ xưa cũ, của truyền thống nam quyền xưa cũ” [tr.183].


Phần cuối của quyển sách (Văn học và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam thời kỳ chuyển đổi) được viết như một phần kết luận, tổng quan cho toàn bộ công trình. Phần bốn này tập trung nhấn mạnh đến sự tự chủ văn học ngày một gia tăng trong tiến trình phát triển của văn học Đổi mới. Bên cạnh sự vai trò quan trọng của những đầu nậu tư nhân trong in ấn, phát hành, xin giấy phép xuất bản tác phẩm văn học, cho đến sự hình thành thị trường văn học đúng nghĩa, tuân theo quy luật cung - cầu, và cuối cùng là sự nhấn mạnh, suy tôn chức năng giải trí trong văn học. Như vậy, văn học Việt Nam Đổi mới dưới cái nhìn của Đoàn Ánh Dương, được khởi đi từ những cuộc vận động dân chủ hóa, tự do hóa trong chính trị và quản lý văn nghệ. Sau đó là những tranh luận, chuyển dạ đớn đau trong lý luận văn học, rồi đến sự chuyển mình của thực tiễn sáng tạo văn chương. Nhưng sáng tạo văn chương trong giai đoạn này không phải để minh họa, hay tòng thuộc chính trị, mà ngược lại, giá trị của văn học Đổi mới là giá trị khai phóng, giá trị nhân bản và giá trị dân chủ, phản tư.

Đoàn Ánh Dương có thể vẫn còn những hạn chế cố hữu trong lối viết, như câu từ rối rắm, rậm rịt, nhiều chỗ sa đà vào liệt kê tư liệu, thông tin gây mệt mỏi trong tiếp nhận, nhiều từ lạ/ mới có thể là do anh “chế ra”… nhưng rõ ràng lối viết của anh so với công trình trước đã tiết chế đi rất nhiều, trưởng thành và nghiêm ngắn hơn. Sáng tạo trong tình thế chuyển đổi, dẫu theo cách tiếp nhận nào đi chăng nữa, cũng là công trình biên khảo văn học đáng đọc và đáng kể nhất trong năm 2020, cho dù có thể nó sẽ không đạt một giải thưởng nào bởi những va chạm, khiêu khích học thuật, lẫn cách đặt vấn đề trực diện, đậm phong cách cá tính Đoàn Ánh Dương. Đến đây, tôi chợt nhớ đến lời của Hoàng Ngọc Hiến dành cho Nguyễn Huy Thiệp, “tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió…”.

Y.T  
(TCSH383/01-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng