NGUYỄN NGỌC THIỆN
Một trong những điều làm nên cái phần đáng quý và nét độc đáo trong văn nghiệp Hoài Thanh, theo tôi có lẽ tập trung và nổi bật ở chỗ này chăng: với thời gian và sự chín muồi của tư duy nghệ thuật, bằng hoạt động thực tiễn của cây bút và lời nói, ông đã đinh ninh xác quyết và dần dần hoàn thiện quan điểm văn học nhất quán, đi từ chỗ phiến diện, thiên lệch, nặng về phía chủ quan của cái riêng, cái tôi, cái đặc thù - mặc dù là có lý, nhưng còn nhiều khiếm khuyết quá - đến chỗ hài hòa, biện chứng, có sức thuyết phục bởi đúng đắn, đầy đủ, không cực đoan.
Trước Cách mạng Tháng Tám, những ngày đầu mới cầm bút đeo đuổi nghề văn, ông tìm thấy ở văn chương không phải chỉ là một phương tiện để kiếm kế sinh nhai, mà quan trọng không kém, đó là một nghiệp, một lẽ sống trong một cách tồn tại có lựa chọn. Ông và một thế hệ thanh niên đến với văn chương như tìm thấy một ốc đảo, một tháp ngà giúp cho mình tự giải thoát khỏi những bức bối, ấm ức về tinh thần trước cuộc đời và xã hội thực dân tối tăm, ô trọc đè nặng lên những con người yếu đuối, lạc lõng, bơ vơ, bế tắc vì bất lực và không thấy đường ra.
Chính trong một chỗ đứng, một tâm thế như vậy - mà ông gọi là thoát ly, quay lưng lại Cách mạng một cách ích kỷ, thiếu trách nhiệm và ảo tưởng về con đường thứ ba, con đường văn chương thuần túy, thay vì cho đại nghĩa - ông đã chủ động "kiếm chuyện" tranh luận với Hải Triều, trình bày công khai một loại quan điểm văn học mà thâm tâm ông cho là duy nhất đúng, cần đề cao và được bảo vệ.
Tuy chỉ tham gia tranh luận với Hải Triều sau khi Thiếu Sơn đã rút lui chấm dứt màn mở đầu không mấy sôi nổi, và chỉ nhập cuộc thật sự với dăm bài đăng trên báo Tràng an nửa cuối năm 1935(1) Hoài Thanh đã làm cho cuộc tranh luận trở nên hào hứng, cuốn hút nhiều người tham gia. Phía Hải Triều đã thành lập một "chiến tuyến duy nhất" để phê phán, tranh biện với quan điểm của Hoài Thanh và sau đó là Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Phan Văn Dật... Mặc dù Hoài Thanh không thừa nhận mình chủ trương thuyết "nghệ thuật vị nghệ thuật" và là người đứng đầu nhóm đối lập với phía của Hải Triều, nhưng phải nhận rằng ý kiến của ông được trình bày rất hấp dẫn, sắc sảo thật sự tiêu biểu cho một loại quan điểm đang thịnh hành hồi đó.
Tóm tắt quan điểm khi ấy của ông là: Văn chương là chính nó, chứ không phải là một cái gì khác xa lạ với "chân tướng lộng lẫy" của nó. Văn chương là sản phẩm kết tinh của sự rung động trong tâm hồn nghệ sỹ trước Cái Đẹp vĩnh cửu, trước những buồn vui muôn thuở của Con người viết hoa, tức con người thuộc về nhân loại mà thôi. Tác phẩm văn chương là bông hoa mọc trên cuộc sống đầy rẫy những nỗi nhọc nhằn, chật vật, nó giúp cho người ta một sự thoát tục, say sưa vươn tới cái Đạo, cái Thâm chân huyền diệu. Thiên chức của nhà văn là tôn thờ và phụng sự cái đẹp, cái hay, cái tốt qua hình thức biểu hiện nghệ thuật của tác phẩm - điều phải chú trọng trên hết, trước hết. Nhà văn với tài năng độc đáo và bút pháp (cách tả, lối văn) mang tính nghệ thuật. Viết về cái gì cũng được lấy tài liệu ở ngoại giới hay tâm giới đâu cũng được "miễn là làm thế nào tạo nên cái đẹp, trao mỹ cảm cho người xem thì thôi". Cái đẹp vươn lên những ràng buộc của đời sống, không phụ thuộc vào những đòi hỏi phụ, có tính cách "đèo thêm" vào của chính trị, xã hội, đạo đức, tôn giáo, của những bài học về luân lý.
Ngày nay, chúng ta càng nhận ra một cách rõ ràng sự thiên lệch, cực đoan, nửa vời trong quan điểm văn học nói trên của Hoài Thanh, vì nhà văn đã biệt lập văn chương, nhà văn, tác phẩm và bạn đọc thoát ra khỏi những mối liên hệ bên ngoài, mang tính khách thể, không thể không ảnh hưởng, chi phối chúng: đó là cuộc sống của xã hội, cái thế giới nhân quần với những thiết chế mà ta vẫn gọi là "cơ sở hạ tầng” và "kiến trúc thượng tầng". Một khi mà tính độc lập của văn chương, mặt chủ quan của quá trình sản xuất những giá trị tinh thần, tự do sáng tạo của chủ thể nhà văn, biểu hiện nghệ thuật mang tính hình thức của văn phẩm, tính phổ quát của tư tưởng nghệ thuật chứa đựng trong nội dung... bị đẩy lên ở bình diện tối thượng, duy nhất, thì tính biện chứng của tư duy lý luận về nghệ thuật đã không còn nữa. Chúng ta đã hiểu vì sao ngay từ hồi đó, quan điểm của Hoài Thanh và những người bảo vệ ông, đã không chống lại được sự phê phán đích đáng (dù đôi chỗ còn đơn giản, thô thiển và cũng phiến diện nốt) của Hải Triều và các chiến hữu khi họ vạch ra sự bất cập, nhuốm màu tư sản, dù các ông thanh minh rằng giữa các ông và phái "nghệ thuật vị nghệ thuật" ở Pháp thế kỷ trước không có điểm chung về hệ ý thức và quan điểm nghệ thuật, rằng các ông không thuộc giai cấp phú hào, các ông vẫn bênh vực những người lao khổ, vẫn không rẻ rúng người cầm bút khi họ thực thi phận sự chống lại các sức mạnh của tiền tài, của súng đạn.
Song bất cứ một sự thiên lệch đến bất cập như thế nào, cũng mang lại một hiệu quả khách quan, có khi ngoài mong muốn của nó. Cuối cùng là nó có thể gợi ý cho ta tiếp cận được sự hài hòa, chừng mực, hợp lý mang tính biện chứng "cổ điển" của tư duy lý luận. Quan điểm của Hoài Thanh về văn chương hồi đó, tuy rất nhiều khiếm khuyết, sơ hở vẫn có những phương diện khả thủ, những khía cạnh chứa đựng hạt nhân hợp lý, không nên gạt bỏ tất thảy. Cần ghi nhận lòng say mê, khao khát chân thành, tuy có nhuốm màu linh thiêng, huyền bí, cao ngạo, bất khả tri, khi ông khăng khăng chú mục đòi hỏi nhận biết nghệ thuật, văn chương chỉ ở bản chất duy mỹ, từ bình diện của cái đặc thù, cái riêng giúp nó khu biệt với những cái khác. Những cố gắng chính danh văn chương - tức định danh trên cơ sở định tính, truy tìm gốc rễ, cội nguồn, phẩm chất thứ thiệt, "chân tướng lộng lẫy" của nó, và sự lo ngại đến mức phải nói to lên và ghi lấy làm lòng rằng chỉ tìm thấy cứu cánh của văn chương ở chính cái bản ngã đích thực của nó, không nên phó thác nhờ cậy vào những cái khác mà chí ít nó chỉ liên quan và phụ thuộc là cùng... đó là nhiệt tâm và thiện tâm rất đáng trân trọng. Tư tưởng của Hoài Thanh "văn chương là văn chương", "văn chương muốn gì thì gì, trước hết cũng phải là văn chương đã”, cần được hiểu một cách đúng đắn rằng tác giả chỉ muốn lưu ý và khẳng định mặt cơ bản, sống còn, khởi nguyên, có tính chất quyết định sự tồn tại của văn chương phải được nhìn thẳng, nhìn chính diện, nhìn vào từ cái "gen" mang tính riêng khu biệt nó với các cá thể khác, mà ra.
Nói tóm lại, sự bất cập, phiến diện trong quan điểm văn chương của Hoài Thanh hồi đó, đã là những phản đề lý luận bổ ích, khơi gợi chúng ta tiếp tục suy nghĩ hoàn thiện quan điểm, tránh được những thiển cận, ấu trĩ, sơ giản trong khi tiếp cận văn chương và người làm ra nó, người tiếp nhận nó: phải chăng nhất thiết phải duy trì một không gian độc lập và tự do tương đối cho nghệ thuật tồn tại và phát triển; nhà văn cần được tạo điều kiện thuận lợi để duy trì một tâm thế tự nhiên, thoải mái, không bị câu thúc quá để anh ta có thể thành thực và hết mình cho sáng tạo; chỉ đúng và tốt thôi chưa đủ, tác phẩm văn chương trước hết đòi hỏi phải hay và đẹp theo cái cách riêng của nó, nếu không nó sẽ đánh mất mình, bị thay thế bởi cái khác; văn học nghệ thuật xa lạ với sự rập khuôn, khô cứng, nghèo nàn, nhàm chán, nó không ngừng đòi hỏi cá tính sáng tạo độc đáo, sự đa dạng của phong cách và sự phong phú trong những tìm tòi nghệ thuật thỏa mãn các thị hiếu khác nhau trong tiếp nhận và thưởng thức; nghệ thuật đi từ cái riêng đến cái chung, phổ quát, đi từ cuộc sống con người đến với con người, nhân đạo hóa con người, hướng nó vươn tới Chân,Thiện, Mỹ...v.v... và v.v...
Sẽ không lý giải được thành công của Thi nhân Việt Nam, một công trình mà Hoài Thanh (cùng Hoài Chân) làm trong khi và liền sau khi cuộc tranh luận nghệ thuật 1935-1939 chấm dứt, nếu không thấy rằng: công trình này chính là sự thực thi những quan điểm văn học tuy thiên lệch, cực đoan nhưng vẫn có những khía cạnh khả thủ, những hạt nhân hợp lý... trong đánh giá một hiện tượng văn học đương thời là phong trào thơ mới đang diễn tiến, chưa đi tới kết cục. Bằng năng lực cảm thụ tinh tế, một thái độ và tấm lòng tri âm, tri kỷ với cái hay cái đẹp của văn chương, Hoài Thanh đã chọn và diễn giải qua những lời bình hấp dẫn, phần tinh túy rút từ hàng vạn bài thơ của hàng trăm người làm thơ, những nhà thơ thực sự có tài năng cùng những thi phẩm có giá trị nhất, tiêu biểu cho phong cách, hồn thơ và giọng điệu riêng của từng người. Với công trình này, người đọc nhận ra bộ mặt đích thực của thơ mới, với những thành tựu nghệ thuật có sức thuyết phục bởi cái hay, cái đẹp, sự tìm tòi nghệ thuật và bản sắc riêng của từng thi sỹ qua các thi phẩm. Từ khi ra đời đến nay, đã 50 năm trôi qua, Thi nhân Việt Nam đã chịu được sự thử thách của thời gian, nó chứng tỏ bản lĩnh của cây bút phê bình trong cảm thụ gây ám ảnh sâu sắc về cách tân của thơ mới về phương diện nghệ thuật của hình thức và giọng điệu thơ, điều mà ngoài Hoài Thanh - người có quan điểm văn chương duy mỹ và "vị nghệ thuật" như vậy, khó ai có thể làm hay hơn được.
Từ sau Cách mạng Tháng 8, Hoài Thanh toàn tâm toàn ý dừng ngòi bút phê bình văn học đã có uy tín của mình góp vào xây dựng nền văn học mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ông đến với Cách mạng rất tự nhiên, "lòng rất vui", "không còn tự giam mình trong những góc trời hiu hắt" nữa, mà thực sự làm một cuộc thay đổi "băng mình vào giữa cuộc sống bao la, kỳ diệu, giữa rừng cây đời mãi mãi xanh tươi". Từng bước một, "bắt đầu hình thành những quan niệm khác về nghệ thuật văn chương", "trải qua nhiều phấn đấu", ông thực hiện kiên trì sự biến đổi tận gốc rễ nhận thức mới về văn học. Sự thay đổi này không phải là một nhát cắt, đoạn tuyệt thẳng thừng với cái cũ trong quan niệm về nhân sinh, về nghệ thuật, mà ở đây là một bước tiếp nối, khắc phục những cái bất cập và phiến diện, chủ quan, duy mỹ ngày trước, nâng cao, mở rộng, đổi mới và hoàn thiện những phương diện khả dĩ của cái cũ. Nói như Hoài Thanh, khi "từ những chân trời xa xôi nào đến với ánh sáng của Đảng" ông đã hiểu được rằng văn chương không chỉ còn là câu chuyện của riêng nó, một mình nó. Quan niệm về văn chương không thể dừng lại ở một cách cảm thụ thuần túy về hình thức biểu hiện, câu chữ, giọng điệu mang màu sắc của "cái tôi" cá nhân, mà văn chương trước hết là câu chuyện của cuộc đời, về cuộc đời và con người. Nghệ sỹ không chỉ say mê, thành thực với riêng mình, cho riêng mình, cốt để bộc lộ bản ngã, bản sắc độc đáo của mình là đủ, anh ta cần phải tìm thấy "cái duyên" của sự gắn bó, hòa nhập (tất nhiên, không vì thế mà đánh mất mình) với cuộc sống bên ngoài, với người đời. Suy nghĩ về nghệ thuật của Hoài Thanh giờ đây là suy nghĩ vươn tới sự rộng mở, hài hòa, từ một chỗ đứng đúng, của một cách sống đúng. Cái nhìn và tư duy về văn chương như vậy vừa hướng nội, vừa hướng ngoại; vừa thấy được cái cốt lõi, lại không xem nhẹ cái đích hướng tới. Văn học không còn khép kín trong một chân trời chật hẹp, biệt lập với những phẩm chất đặc thù và nặng về mặt chủ quan; nó biết bắt rễ sâu vào cuộc sống con người, tìm thấy lý do tồn tại, cứu cánh của mình cuối cùng là nhằm phục vụ cuộc sống, phục vụ con người. Ý kiến sau đây của ông là rất tiêu biểu cho nhận thức hài hòa nói trên: "Mọi thứ nghệ thuật, cái đích của nó phải là phục vụ nhân sinh, nhưng muốn phục vụ nhân sinh cho tốt cũng phải có cái say sưa vì nghệ thuật"(2). Có ai ngờ Hoài Thanh kết hợp được tư tưởng "nghệ thuật vị nghệ thuật" với tư tưởng "nghệ thuật vị nhân sinh" một cách biện chứng, như hai mặt không thể thiếu được để làm thành tờ giấy, thế này!
Sau cùng, một khía cạnh nữa cũng nói lên một cách đầy đủ sự chín mùi trong tư duy về nghệ thuật của Hoài Thanh sau cách mạng. Nếu trước kia, viết về sự thành thực trong sáng tác, ông chỉ lưu ý đến tài năng nghệ sỹ trong khi phô bày một cách hồn nhiên (chỉ biết có mình!) về cái tôi chủ quan cũng như trong nỗ lực xới lật vào chỗ tận cùng sâu thẳm của lòng người muôn thuở, khiến cho người đọc phải ngạc nhiên, sửng sốt vì thích thú, mới lạ: "Phải là người có tài mới có thể đi vào những chỗ cùng sâu trong cõi lòng, vạch những cái kín nhiệm uất ức, rồi đưa phả vào những âm điệu hồn nhiên. Những âm điệu ấy đến tai người đời, người đời sẽ giật mình không ngờ người ta có thể thành thực đến thế"(3)
Thì bây giờ, ông đã thấy nếu sự thành thực chỉ riêng là yêu cầu đối với bản thân nghệ sĩ thôi, thì sẽ là không đủ, anh ta còn cần cả sự thành thật, say mê với sự nghiệp chung, với con người và cuộc đời xung quanh anh.
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài! Vẫn rất cần tài năng và công phu, cá tính sáng tạo và độc đáo, song cũng cần chăm lo không kém về tâm trí, về sự thường trực không suy giảm lòng yêu cái đẹp cái tốt trong con người và trước cuộc đời bề bộn. Lấy ví dụ về thành công của tác phẩm Người mẹ cầm súng (của Nguyễn Thi) và Mẹ Suốt (của Tố Hữu), Hoài Thanh cho rằng ở đây có sự gặp gỡ như được chuẩn bị trước, ở thế tiềm năng giữa nhà văn và nhân vật, với những mảnh đời, chuyện đời "hợp với cái tạng của ngòi bút, khiến các anh có thể nhân đó nói lên những gì mình vẫn hằng ấp ủ, suy nghĩ từ lâu", chứ không đơn thuần chỉ do tài văn, tài thơ của các tác giả(4). Như thế là sự thành thực và cái hay của văn chương có được không chỉ do tài năng, ở cái tâm hướng nội, mà còn là do biết hướng cái chủ quan của mình sao cho rung động, hòa nhịp với con người và cuộc sống bên ngoài, khách quan, dường như là đang chờ sẵn, để nhà văn thi thố sở trường, trút vào tác phẩm tâm huyết, tinh hoa của tình cảm và tài năng.
Có thể nói, quan điểm văn học của Hoài Thanh từ trước cách mạng đến sau cách mạng có sự phát triển, tiếp nối và hoàn thiện. Quan điểm đó nói lên sự nhất quán, trước sau như một, lòng say mê chân thành của Hoài Thanh trong tìm tòi cái hay, cái đẹp, cái tốt của văn chương. Những thành tựu trong nghiên cứu, phê bình văn học của ông từ khi cầm bút đến khi dừng lại ở tuổi 73, chính là do ông trung thành và biết phát triển quan điểm sâu sắc và độc đáo đó. Hoài Thanh xứng đáng là nhà phê bình kiệt xuất trong thẩm định, bình giá văn chương ở phần tinh tuý, sáng lên những phẩm chất nghệ thuật được sáng tạo bởi những tài năng luôn luôn thành thực và tràn đầy cảm hứng./.
Tháng 3 năm 1992
N.N.T
(TCSH49/05&6-1992)
--------------
(*) Tham luận tại Hội nghị Khoa học nhân kỷ niệm 10 năm mất nhà văn Hoài Thanh, và 50 năm xuất bản Thi Nhân Việt Nam do Viện Văn học chủ trì tháng 3/1992 tại Hà Nội.
(1) Đó là những bài sau:
- VĂN CHƯƠNG LÀ VĂN CHƯƠNG, Tràng an, số 48, ngày 15.8.1935.
- Tiếp theo bài “VĂN CHƯƠNG LÀ VĂN CHƯƠNG", Tràng an số 62 ngày 1.10.1935.
- CHẤM DẤU HẾT CHO MỘT CUỘC BIỆN LUẬN, Tràng an, ngày 29.10.1935.
- MỘT LỜI VU CÁO ĐÊ HÈN, Tràng an, số 80, ngày 3.12.1935.
- MỘT BÀI DIỄN VĂN TỐI QUAN TRỌNG VỀ VĂN HÓA, Tràng an. số 82, ngày 10.12.1935.
Cũng phải kể đến những đoạn trích trong cuốn VĂN CHƯƠNG LÀ HÀNH ĐỘNG (bị thực dân cấm phát hành năm 1936) được đăng lại trên HÀ NỘI BÁO và sau đó trên tạp chí TAO ĐÀN cho đến năm 1939.
(2) Hoài Thanh: NGÀY TẾT ĐỌC THƠ XUÂN (viết 1964). In trong CHUYỆN THƠ_ Nxb Tác phẩm mới, H, 1978, tr. 57.
(3) THÀNH THỰC VÀ TỰ DO TRONG VĂN CHƯƠNG. Tạp chí Tao đàn năm 1939, tr. 504.
(4) Hoài Thanh: DUYÊN THƠ, DUYÊN VĂN (viết năm 1974). In trong CHUYỆN THƠ_ Nxb tác phẩm mới, H. 1978, tr, 253.