Cuộc thảo luận ấy đang tiếp diễn. Và cuối cùng qua cuộc thảo luận ấy, một loạt các “luận văn” đã được tập họp - đó là những bài báo có mục đích tập trung lý giải giới hạn và đặc thù của thơ ca hiện đại. Cuộc thảo luận ấy đã nêu bật lên được khá nhiều vấn đề quan trọng về mối tương thuộc giữa nghệ thuật và đời sống. Và chúng ta cũng nhân cơ hội này cùng nhau hãy “chui vào” “khu vườn thơ ca” - một khu vườn hoa lệ nhất, nơi con người chú tâm vun trồng nhiều hơn bất cứ nơi nào. Cuộc thảo luận do ông Eđuar Điujacđen khơi ra, đã nêu lên được một vấn đề cốt tử của thơ: về số phận của trí tưởng tượng, về tính chủ thể, những vấn đề vốn dễ chấp nhận trong thơ hơn trong các lĩnh vực khác. Nhưng trong cuộc thảo luận đó không phải mọi vấn đề nêu lên hẳn đã làm chúng ta quan tâm và thú vị như nhau. Cái mà chúng ta quan tâm chủ yếu là đi tới được một định nghĩa khúc chiết nhằm đưa đến một quan niệm độc đáo về nghệ thuật thơ ca - một phạm vi vốn thu hút và là cơ sở của nhiều ý kiến khác nhau trong cuộc thảo luận. Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, Bremôn đã đưa ra một định nghĩa, một lý thuyết về thơ, đăng có thể chấp nhận được và thực tế đã được nhiều nhà văn tán thành, ủng hộ. Lý thuyết đó cố gắng chỉ ra giới hạn sâu xa và bền vững của thơ ca, hay nói đúng hơn và chính xác hơn là đã đào một “hố ngăn cách tuyệt đối” giữa thơ và văn xuôi. Nếu ta đồng ý với lý thuyết mới mẻ này thì sẽ đi tới một quan niệm cho rằng sự giống nhau bất kỳ nào giữa hai thể loại đều loại trừ lẫn nhau quyết liệt, thơ và văn xuôi do đó không hề giống nhau, không chỉ là về hình thức mà còn về nội dung, không chỉ về những dấu hiệu bề ngoài mà cả về bản chất của mình. Vì thế mà từ nay về sau, theo lý thuyết của Bremôn - Khi “giáo huấn” “thuyết phục” chúng ta, văn xuôi cần phải tự giới hạn mình trong những cách thể hiện “hợp lý” các tư tưởng; còn thơ thì cần để dùng trong trường hợp đặc biệt hơn, vì nó không thể hiện tư tưởng một cách “hợp lý” được. Đối tượng của thơ cần phải là cái không thể diễn tả được. Chúng ta khó có thể đồng ý với định nghĩa trên, vì nó có tính áp đặt, võ đoán, tùy tiện, giả tạo và nguy hiểm nữa. Sự phân định ấy rõ ràng dựa trên một nguyên tắc chưa thỏa đáng, thiếu căn cứ khoa học, không thuyết phục. Vì thế nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ ra dấu hiệu chung nhất phân biệt thơ và văn xuôi. Sự phân định trên như đã nói, không thừa nhận trong văn xuôi quyền tồn tại của “mộng mơ” và “tưởng tượng”. Sự phân định trên đã làm cho thơ không hòa vào được với âm nhạc và dẫn nó đến sự tuyệt giao tận cùng với văn học. Một thực tế hiển nhiên là: Thơ là một nghệ thuật - một nghệ thuật “thẩm” nhạc rất sâu sắc. Hình thức của thơ vốn được phú cho rất nhiều cách thức khác nhau bằng ngôn từ để thể hiện nhịp điệu chính của mình, và luôn được bồi đắp thêm các cách thức ấy, và do đó nó không thể thiếu được các yếu tố màu nhiệm mà âm nhạc vốn có. Song từ đó hoàn toàn không thể rút ra kết luận rằng, thơ nói chung và những bài thơ câu thơ cụ thể chỉ còn lại duy nhất là ngôn từ - cái cần để tạo nên một nghệ thuật âm thanh thuần túy. Vì vậy, trong thực chất của mình, thơ là một nghệ thuật ngôn từ - nó là phương tiện, là “tai nhạc” để hướng tới trí tuệ của chúng ta. Mục đích của thơ, do đó cũng như mục đích của các thể loại khác, chính là ở chỗ miêu tả và giải thích. Không có một nghệ thuật nào có sức mạnh mà lại thiếu lý trí, trí tuệ được. Trí tuệ, lý trí đó là khả năng sáng tạo chủ yếu của tinh thần con người. Và phải nhấn mạnh rằng trí tuệ cũng ảnh hưởng đến âm nhạc thuần túy, dĩ nhiên một cách kín đáo và sâu sắc hơn ở các loại hình nghệ thuật khác. Một tác phẩm âm nhạc như một “hòa âm” đưa chúng ta vào một thế giới cao cả của những lay động mạnh mẽ về tinh thần tâm hồn; nó tác động trực tiếp và lập tức đến tình cảm chúng ta, nó khơi gợi những tiềm năng sâu kín nhất trong bản thể chúng ta. Quá trình tác động ấy vừa phải được nhìn nhận dựa trên những cơ sở khoa học, vừa trên một quy tắc gọi là quy luật của sự hài hòa. Âm nhạc, có thể nói vẫn tùy thuộc quy luật lôgích cơ bản. Những cuộc thí nghiệm có tính chất “vị lai” trong âm nhạc, thực chất đã tước bỏ, phá hủy cơ sở trí tuệ, lý trí của âm nhạc, do đó tất yếu đưa âm nhạc đến trở thành những “tạp âm vô nghĩa”. Khi chỉ dựa vào những định nghĩa có tính chất tùy tiện, và bằng phương tiện ấy, người ta sẽ dễ đi đến kết luận rằng cần từ bỏ lý trí, trí tuệ trong thơ, thì cũng có nghĩa là họ đã dẫn thơ đến cái chết một cách nhanh nhất. Bởi vì đối với việc sáng tạo thơ ca - một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ - thì chỉ có một nhịp điệu thôi chưa đủ. Nhịp điệu chỉ có giá trị và đầy đủ thường trong lĩnh vực âm nhạc thuần túy, trong sáng tác một bài hát hoặc một bản giao hưởng. Tác phẩm thơ ca dù là truyền miệng hay viết không thể bộc lộ, thể hiện đầy đủ nếu tự giam mình vào trong phạm vi chật hẹp của sự hài hòa nhịp điệu. Tôi xin nói lại: âm nhạc thuần túy vẫn cần lý trí, trí tuệ huống hồ gì thơ ca? Tước đoạt lý trí của thơ là tước đoạt “nền móng” “rường cột” của nó. Một bài thơ được viết ra là cả một sự lựa chọn ngôn từ, và nó có giá trị khi trong bài thơ ấy, nối liền các câu chữ, xâu chuỗi chúng lại là một ý tưởng nào đó, một liên tưởng nào đó hình thành trong ánh sáng của trí tuệ tại một thời khắc “ngời sáng”. Một bài thơ thiếu sức mạnh trí tuệ thì hiển nhiên sẽ là “phi tư tưởng” và “vô vị”. Xa rời, đoạn tuyệt với quy luật của trí tuệ, lý trí là không thể được đối với sáng tạo nghệ thuật. Chỉ có trí tuệ mới cho chúng ta khả năng để tạo nên tất cả giá trị tác phẩm - cái vốn không thể thiếu được trong một lĩnh vực không là thật cụ thể và cũng không là thật trừu tượng. Trí tuệ là sức mạnh tổ chức, là chất hữu cơ của sự sống tác phẩm. Và bất cứ một mưu toan nào hạ thấp vai trò trí tuệ cũng nhằm hạ thấp vai trò của nghệ thuật. Để có khả năng thức tỉnh, lay động tình cảm, tâm hồn con người, thì mỗi tác phẩm thơ ca, dù lớn dù nhỏ, cũng phải có đủ các phẩm chất: tính cân đối, tính nhất quán và có cấu trúc nội tại hợp lý. Tất cả sự đồng bộ ấy tùy thuộc trước tiên vào trí tuệ. Những tình cảm hưng phấn, những xúc cảm trần trụi, trí tưởng tượng tuyệt vời, tình yêu mênh mông - tất cả những cái ấy là sức mạnh tung phá, lay tỉnh của thơ, nhưng nó không phải là “rường cột” của thơ. Mà thơ thì cần phải có “rường cột”. Thực ra thì trên đây, chúng tôi cũng chỉ mới đề cập đến một khúc đoạn của những trận tấn công vào trí tuệ trong nghệ thuật của những kẻ bảo thủ, phản động phất lên trong các lĩnh vực đời sống tinh thần. “Hội các nhà truyền thống chủ nghĩa”, “những kẻ bảo vệ lý thuyết” “nghệ thuật vị nghệ thuật”, các vị “linh mục trong văn học” những kẻ tự do chủ nghĩa chính hiệu... đều đã và đang sẽ tự nguyện gia nhập cái “công ty” kỳ cục, cố gắng thuyết phục mọi người tin vào cái lôgích: “Thơ ca chỉ có thể sáng tạo được trong phạm vi cái thế giới trừu tượng, phi lý và “cóc cần đến trí tuệ”. Và cái “công ty” ấy ít nhiều rõ ràng đều phản động về mặt xã hội, tinh thần. Bởi vì để bảo lưu những “truyền thống cũ” nhất thiết người ta phải củng cố nó, lý tưởng hóa nó, thần thánh hóa nó. Trong mỗi lĩnh vực hoạt động của con người - trong đó văn học nghệ thuật là một - thường đan chéo nhiều truyền thống. Nếu không tỉnh táo sẽ ngộ nhận và rơi vào giả tạo khi sử dụng truyền thống. Quá trình tiến lên của trí tuệ loài người, sự phát triển của ý thức dẫn đến sự giải phóng tinh thần nói chung - và nó là trận tấn công vào những mưu toan có tính chất phản động trong lĩnh vực đời sống tinh thần. Các cố đạo từ thời xa xưa đã dạy con người: lý trí và lôgích là công cụ của quỷ Xa - tăng (?!). Còn các cố đạo bây giờ thì lại cố gắng đi theo con đường của “linh mục Bremôn” - nghĩa là ra sức truyền bá điều răn trên cả trong nghệ thuật! Họ thường than phiền rằng thơ hiện đại thường hướng tới những chuyện ba hoa, rỗng tuếch, toàn những chuyện bỡn cợt không đứng đắn, hoặc thuần túy là trò chơi chữ. Ai tuân theo điều đó ngoài những môn đệ của họ? Ai ngoài những người mưu toan biến thơ ca thành tiếng kêu tuyệt vọng? Cũng tương tự như trong lĩnh vực tôn giáo vậy, các phương pháp của khoa học tự nhiên nhằm cố gắng giải thích thế giới và mở rộng trí thức của loài người đều bị xếp xó. Và thay thế vào đó là các khái niệm mà chúng ta gọi là “trừu tượng”. Tôn giáo không giải thích lô - gích và trí tuệ, mà đề cao “tâm linh”. Cả hai trường hợp mà chúng tôi nêu trên đều xuất phát từ khuynh hướng cổ súy cái “trừu tượng” “phi lý” và chống lại tính tích cực cách mạng của tinh thần con người. Nghĩa vụ của chúng ta, nghĩa vụ của mọi người chân chính là phải trở thành một chiến sĩ đấu tranh kiên trì, triệt để trong mọi hoàn cảnh. Nhiệm vụ của chúng ta là chỗ, chúng ta chỉ có một chỗ dựa duy nhất là những học thuyết khoa học, thực tế để chống lại tất cả những lý thuyết đề cao cái gọi là “phi lý trí” - đó là mưu toan cố ngăn cản nhân loại tiến tới những mục đích chân chính của nó. Chúng ta không công nhận sự thoát ly của tư tưởng khỏi hiện thực, lý thuyết khỏi đời sống. Trí tuệ mà chúng ta bảo vệ không phải là một khái niệm trừu tượng và rỗng tuếch. Nó là một khái niệm tràn đầy sức sống, sinh động. Thiên tài của chủ nghĩa Mác chính là ở chỗ nó biết giữ gìn toàn bộ trí tuệ của mình trong một thực tế hiển nhiên. Có thể nhìn thấy rõ sự ra đời một nền nghệ thuật mới trong xã hội chúng ta và những điều kiện mới của đời sống xã hội. Đó là một nền nghệ thuật tràn đầy nhiệt tình chống lại thói ba hoa rỗng tuếch, sặc mùi cá nhân chủ nghĩa. Nó sẽ là một nền nghệ thuật tái hiện được tinh thần vô tận và hùng hậu của nhân dân. Nó sẽ trở nên sâu sắc bằng sự cảm nhận chính xác hiện thực và sự khâm phục, đề cao trí tuệ. (Bài đăng trên báo “Nhân đạo” ngày 30-6-1926) BÙI VIÊT THẮNG dịch (Qua bản tiếng Nga của I.Xtêphanốp trên tạp chí “Văn học nước ngoài” số 5, 1973)
HENRI BACBUYTX (nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001) |