PHAN HỨA THỤY
Sau Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh là một tác giả lớn của xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVIII, không những thế, Nguyễn Cư Trinh còn là một nhà hoạt động chính trị, quân sự có tài đã có những đóng góp cho lịch sử dân tộc.
Gia phả họ Nguyễn Đăng, tức họ Nguyễn Cư Trinh, còn ghi lại rằng thủy tổ của họ này là Trịnh Cam, gốc làng Phù Lưu huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang, nay là Can Lộc, Nghệ Tĩnh. Trịnh Cam đỗ tiến sĩ, làm đến Thượng thư bộ Binh kiêm chuyển vận sứ dưới triều Lê. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê năm 1527, Trịnh Cam bất mãn bỏ về quê, nhà Mạc nhiều lần mời nhưng ông vẫn từ chối. Lúc Nguyễn Kim chạy ra Sầm Châu mưu đồ khôi phục cho nhà Lê thì Trịnh Cam cùng em là Trịnh Quýt đang làm giáo thụ bỏ quê vào trú ở làng Tiên Nộn thuộc huyện Phú Vang xứ Thuận Hoá. Tại đây hai anh em chiêu tập trai tráng trong vùng gây thanh thế mưu đồ diệt Mạc phò Lê. Nhưng công việc chưa thành thì Trịnh Cam chết, con Trịnh Cam là Trịnh Vĩnh Phu bỏ Tiên Nộn dời nhà về làng An Hoà thuộc huyện Hương Trà nay là ngoại thành Huế, Trịnh Vĩnh Phu đi theo chúa Nguyễn và được bổ chức hiệu sanh phủ Triệu Phong.
Từ đời thứ nhất của họ Nguyễn Đăng là Trịnh Cam đến đời thứ sáu vẫn giữ họ Trịnh, sang đời thứ bảy là Nguyễn Đăng Đệ (1) mới đổi thành họ Nguyễn. Số là vào mùa thu năm Mậu tý (1708), Đăng Đệ được cải sang văn chức, ông là người ngay thẳng, giỏi ứng đối, thạo việc văn từ, rất được Nguyễn Phúc Chu tin yêu nên được chúa Nguyễn cho đổi họ Trịnh ra họ Nguyễn là họ nhà chúa, họ Trịnh đổi thành họ Nguyễn từ đó. Hai câu đối đề năm Bính ngọ thời Thiệu Trị (1846) do cháu mười đời là Nguyễn Cư Sĩ dâng cúng hiện còn ở nhà thờ họ Nguyễn Đăng ghi rõ:
Sanh vu Hoan châu, thiên vu Ô châu, bồi thực tự tam bách niên y thủy,
Tích vi Trịnh tánh, Kim vi Nguyễn tánh, kế thừa kinh thập tứ thế hữu dư.
(Sinh ở châu Hoan, dời đến châu Ô, gầy dựng từ ba trăm năm, như cũ,
Xưa là họ Trịnh, nay là họ Nguyễn, kế thừa trãi mười bốn thế, có dư.)
Nguyễn Cư Trinh con của Nguyễn Đăng Đệ, thuộc phái Đạt Lý của họ Nguyễn Đăng(2). Sách Đại Nam Liệt truyện tiền biên ghi ông là con út nhưng gia phả chép ông đứng hàng thứ 7 trong số 15 con trai và 10 con gái của Nguyễn Đăng Đệ(3).
Nguyễn Cư Trinh húy là Thịnh, tự là Nghi, hiệu là Đạm Am và Hạo Nhiên, về sau còn có hiệu là Nghi Biểu, tước Nghi Biểu hầu. Ông sinh vào giờ Dần ngày 12 tháng Giêng năm Bính Thân (1716) tại làng An Hòa, huyện Hương Trà xứ Thuận Hóa nay thuộc xã Hương Sơ ngoại thành Huế. Thủa nhỏ nổi tiếng thông minh, tương truyền mười một tuổi đã biết làm thơ.
Năm Quý Sửu (1733), Nguyễn Cư Trinh đỗ sinh đồ liền được bổ chức huấn đạo. Mùa thu năm Canh Thân (1740) ông đỗ hương tiến rồi được Nguyễn Phúc Khoát bổ làm tri phủ Triệu Phong. Cũng như cha, Nguyễn Cư Trinh là người hoạt bát, giỏi biện luận, tính khí ngay thẳng, có tài quyết đoán, giàu mưu lược nên được nhà chúa lẫn triều đình kiêng nể.
Từ sau năm Giáp Tý (1744), năm Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, mọi từ lệnh trong vương phủ đều do một tay Nguyễn Cư Trinh soạn thảo. Năm Canh Ngọ (1750), nhân một nhóm dân tộc Đá Vách ở phía Tây Quảng Ngãi nổi dậy chống lại chính quyền địa phương, Nguyễn Cư Trinh được cử làm tuần vũ Quảng Ngãi mục đích là để dẹp yên cuộc nổi dậy. Vừa nhậm chức, Nguyễn Cư Trinh một mặt phủ dụ và tổ chức lại cuộc sống cho họ, mặt khác ông viết sớ về triều nêu rõ nguyên nhân cuộc nổi dậy ấy: tình trạng đói kém của dân chúng trong lúc bọn quan lại địa phương ra sức chèn ép bóc lột, đồng thời ông đưa ra một số đề nghị cải cách. Sớ tâu lên không được chấp thuận, Nguyễn Cư Trinh gởi tiếp sớ xin từ chức, Nguyễn Phúc Khoát biết tin liền cho triệu ông về rồi bổ chức ký lục dinh Bố Chính.
Tháng 11 năm 1753, ở Chân Lạp sau khi Nặc Nguyên mượn quân Xiêm về đánh bại được Nặc ông Tha để giành ngôi rồi cho thông sứ với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài để đánh chúa Nguyễn, Nguyễn Cư Trinh liền được cử làm tham mưu điều khiển sĩ tốt năm dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ (tức từ Phú Khánh đến Vĩnh Long) để phòng đối phó với Nặc Nguyên. Mười một năm ở chức vụ này, Nguyễn Cư Trinh không ngừng tìm mưu kế bảo vệ biên giới phía cực Nam Tổ quốc và ra sức kinh dinh vùng đất mới này.
Tháng 6 năm Ất Dậu (1765), Phúc Khoát chết, Phúc Thuần lên thay liền triệu Nguyễn Cư Trinh về rồi thăng lại bộ kiêm tào vận sứ, ông giữ chức này cho đến lúc mất. Nguyễn Cư Trinh mất vào giờ Tý ngày 27 tháng 5 năm Đinh Hợi (1767), thọ 52 tuổi, nhà thờ ông hiện còn ở làng An Hòa, mộ táng ở núi An Nông thuộc huyện Phú Lộc, Bình Trị Thiên. Nguyễn Phúc Thuần tặng là Tá Lý công thần đặc tấn trụ quốc kim tử vinh lộc đại phu chính trị thương khanh tham nghị, ban thụy là Văn Định. Đến thời Minh Mạng thứ 20 (1839) vua cho lục công trạng các công thần, Nguyễn Cư Trinh được truy tặng là khai quốc công thần vinh lộc đại phu hiệp biện đại học sĩ lảnh lại bộ thượng thư, cải thụy là Văn Khác, phong tước Tân minh hầu và cho tòng tự ở Thái miếu.
Là một tác giả lớn ở Đàng Trong, Nguyễn Cư Trinh sáng tác khá nhiều, tác phẩm của ông gồm cả hai loại: Chữ Hán có Đạm Am thi tập(4) và Hà Tiên thập vịnh; về chữ Nôm ngoài Sãi Vãi còn có 12 bài thơ vịnh cảnh Quảng Ngãi (Quảng Ngãi thập nhị cảnh). Ngày nay tác phẩm của Nguyễn Cư Trinh chưa được sưu tầm đầy đủ, số tác phẩm được lưu truyền là công sưu tầm của Lê Quý Đôn, Phạm Nguyễn Du, Phan Thanh Giản...
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nho học lại được đào tạo trong nền giáo dục phong kiến, Nguyễn Cư Trinh là một nhà nho chính tông. Thời đại Nguyễn Cư Trinh sống là thời suy thoái của chế độ phong kiến nhưng dẫu sao so với họ Trịnh ở Đàng Ngoài thì họ Nguyễn ở Đàng Trong vẫn còn ít nhiều hấp dẫn đối với một số nho sĩ đang độ sung sức như Nguyễn Cư Trinh.
Thế kỷ XVIII ở nước ta là giai đoạn suy đồi trầm trọng của đạo Nho, hiện tượng vừa có vua vừa có chúa ở Đàng Ngoài và Nguyễn Phúc Khoát xưng vương với ý đồ gây dựng giang sơn riêng ở Đàng Trong đã chứng minh rằng tôn ti trật tự của chế độ phong kiến theo mô hình Nho giáo đang từng bước tan rã. Tầng lớp thống trị và phần lớn trí thức cả hai miền tiêu biểu cho hạng quân tử đã mất dần tư cách và phẩm chất so với yêu cầu đặt ra của đạo Nho. Ở Đàng Trong, dù các chúa Nguyễn trong chừng mực nhất định tỏ ra uyển chuyển nhưng không vì thế mà che giấu được bộ mặt thực của mình. Thơ văn Nguyễn Cư Trinh phản ánh khá đầy đủ tình trạng xã hội ấy, phần nào còn cho thấy ông đã có nhìn ra được thực trạng và tương lai của chế độ mà ông đang sống và phục vụ.
Tác phẩm Sãi Vãi - Ảnh: giacngo.vn |
Tác phẩm Sãi Vãi là tác phẩm thể hiện tập trung nhất tư tưởng của Nguyễn Cư Trinh. Trong Sãi Vãi, ông Sãi không phải là kẻ trốn đời, lại càng không phải là một tu sĩ chỉ biết tụng niệm mong đạt đến Nát bàn, Sãi ở đây thực chất là một nhà nho, tu theo Sãi là tu tề trị bình:
Thờ vua hết ngay, thờ cha hết thảo,
Một lời nói phải nhân phải đạo ấy là tu ngôn, một việc làm chẳng hại chẳng tham ấy là tu hạnh.
Lấy nhân mà tu tánh, lấy đức mà tu thân.
Tu minh đức để mà tân dân, tu tề gia để mà trị quốc.
Ấy là trang hiền đức, tu cho phải đạo tu.
Ngoài thì tu khoan dũ ôn nhu, trong thì tu hòa bình trung chính.
Tu cung tu kính, tu tín tu thành.
Đã phải đạo tu hành, lại thêm nền phước chí.
(Sãi Vãi, c;92-99)
Sãi, hay Nguyễn Cư Trinh đã phát biểu đầy đủ nhân sinh quan của đạo Nho, nhưng với ông chí hướng và lòng hăm hở thực hiện lý tưởng không nhất thiết là để tỏ lòng trung với một triều đại, càng không phải để trả nợ áo cơm mà là vì sự nghiệp xây dựng đất nước. Cho nên với Nguyễn Cư Trinh chỗ nào cần là đến, việc gì thiết yếu là làm, không so hơn tính thiệt vì quyền lợi và địa vị của bản thản. Tất nhiên Nguyễn Cư Trinh vẫn coi cuộc nổi dậy của dân Đá Vách là nổi loạn, nhưng khi cất quan đi dẹp thì thái độ của ông không phải như một viên tướng đem quân đi tiễu trừ một bọn nghịch tặc, ngược lại một mặt ông cố tìm hiểu nguyên nhân và nguyện vọng của nhân dân, mặt khác ông cho tăng gia sản xuất làm kế lâu dài để thu phục họ, điều đó đã biểu lộ được tình cảm và tài năng của một ông quan biết yêu dân yêu nước. Sau khi vỗ yên, Nguyễn Cư Trinh không tự hào kể công như đám tướng tá dưới trướng chúa Trịnh thường làm mà ông cấp thời gởi sớ về triều kể hết mọi tệ lậu của xã hội, đồng thời kiến nghị một phương thức cai trị nhằm xây dựng cuộc sống an cư lạc nghiệp cho nhân dân. Là kẻ cầm quân ở ngoài biên không phải ai cũng nói lên được mặt trái phủ phàng của chế độ, viết được những câu cương trực như ông: Dân là gốc của nước, gốc không vững thì nước không yên, thường ngày không lo đem ân huệ để giữ lấy lòng dân, đến khi hữu sự còn biết dựa vào đâu nữa (5). Trong tờ sớ ấy, Nguyễn Cư Trinh nhấn mạnh đến chính sách thuế khoá nặng nề và bất công, ông còn khuyên chúa rằng: Phải làm yên dân, chớ làm dân động, vì làm động dân thì nước dễ loạn, yên dân nước mới dễ trị (6).
Với cách nhìn nhận như vậy, Nguyễn Cư Trinh đã mỉa mai một cách kín đáo bọn ăn không ngồi rồi nơi cung đình:
Thùy niệm thiên nhai minh võ lược,
Kinh hoa tòng thử chẩm di cao.
(Mấy ai biết nhờ võ lược lẫy lừng nơi chân trời,
Kinh đô vì vậy mà được gối cao yên giấc).
(Bài hoạ Giang Thành dạ cổ)
Hay:
Vị tướng ô y dường thượng khách,
Hoàn tương lục lục tiếu thiên nha.
(Nghĩ tới lũ chim yến trên nhà cao kia,
Lại còn dám coi thường kẻ góc bể chân trời).
(Bài hoạ Châu Nham lạc lộ)
Tất nhiên làm sao Nguyễn Cư Trinh hiểu được bản chất của chế độ phong kiến chúa Nguyễn thời ấy, nhưng thực trạng một xã hội mà ở triều đường thì bọn quyền thần hống hách, bên ngoài thì dân chúng đói rách lầm than, chính điều đó thôi thúc ông hành động và hướng hành động của ông vào công cuộc bảo vệ và mở mang đất nước.
Bệnh thất tình của nhân vật Sãi trong Sãi Vãi càng thể hiện rõ nét tư tưởng của Nguyễn Cư Trinh. Vui, thương, giận, yêu, ghét, muốn, sợ, thực ra là bảy thứ tình cảm mà nhà nho thường hay nói tới, nhưng qua lời Sãi đó là một sự phân biệt rạch ròi giữa chân và ngụy, giữa chính và gian tà, đó là lập trường phân minh của một con người chân chính, từng trải và yêu đời.
Một điều thú vị ở Sãi Vãi là một tu sĩ đạo Phật, Sãi lại có tư tưởng chống Phật, ta hãy nghe Sãi lý luận:
Dẫu những Thích Ca tu lại, cùng với Đạt Ma tu qua.
Tu cho tinh chuyên là La thập cưu ma, tu cho khổ não là Văn Thù bồ tát.
Ấy là người ngoại quốc, chọn theo thói Trung Hoa.
Chê sự đời phú quý vinh hoa, muốn vui thú thanh nhàn dật lạc.
Vào những thế kỷ XVII, XVIII ở Đàng Trong không hiếm những kẻ lợi dụng sự mê tín của giai cấp thống trị, của tín ngưỡng dân gian, mượn áo nhà tu làm điều càn bậy.
Mặt khác vào lúc này ở Đàng Trong đang diễn ra một cuộc xáo trộn về tư tưởng rất sôi động gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân. Sự thâm nhập của Thiên Chúa Giáo vào miền đất mới này càng mạnh, nhất là sau khi Nguyễn Phúc Chu chết. Nhưng từ sau năm 1742, năm mà giáo hoàng Benoit XIV ban hành lệnh cấm tín đồ Thiên chúa giáo ở phương Đông thờ cúng tổ tiên đã gây nên dư luận sôi nổi trong dân chúng, từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa người trong đạo và người ngoại đạo, giữa Thiên chúa giáo với những tôn giáo khác, bọn cơ hội lợi dụng thời cơ tuyên truyền gây hoang mang khiến nhân dân vốn lo âu càng lo âu hơn, tạo nên một cơn sốt chính trị. Để đối phó với tình hình, Nguyễn Cư Trinh đã thay mặt quần thần viết biểu khuyên Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, với chúa Nguyễn thì đó là cái gượng dậy của một con bệnh đang hồi thập tử nhất sinh, nhưng với Nguyễn Cư Trinh thì ông tin đây là cơ hội giúp ông có điều kiện thực thi lý tưởng của mình. Nguyễn Cư Trinh tiêu biểu cho lớp nho sĩ chân chính còn rất ít nhiều tin tưởng vào chế độ phong kiến, bằng chứng là ông rất hăng say trong việc bảo vệ biên cương, mở mang bờ cõi, không ngại lặn lội nơi rừng sâu nước độc, có lúc gieo neo chốn biên ải nhưng bao giờ ông cũng tin tưởng công cuộc kinh dinh sẽ thành công, ông sung sướng và tự hào về kết quả mà mình đã đạt được trong những câu thơ sảng khoái:
Cánh vô tô thuế hựu nhàn sự,
Thái bán nhân xưng cận bách linh.
(Không nộp thuế lại được thong thả,
Hơn nửa số người ở đây tuổi thọ đã gần trăm)
(Bài hoạ Lộc trĩ thôn cư)
Tịch nhưỡng cùng binh khả tịch thinh,
Tử tôn vô hoạn đoạt mao đình.
(Nơi hẻo lánh không còn nạn đao binh,
Con cháu không sợ bị cướp mất túp lều này nữa)
(Bài trên)
Là một người thành đạt nhưng không phải Nguyễn Cư Trinh lúc nào cũng mãn nguyện, giai cấp thống trị không đánh giá đúng mức những đóng góp của ông, thậm chí còn lợi dụng công sức của ông, bọn tiểu tâm thường hay đố kỵ, vì vậy hơn mười năm lăn lộn ngoài biên viễn lắm lúc Nguyễn Cư Trinh thấy chán chường:
Quan tái thê phong xuy quyện mã,
Trường An phiến nguyệt dữ cô thần.
(Nơi quan tái gió lạnh xoáy vào đàn ngựa mệt mỏi,
Mảnh trăng chốn kinh kỳ vẫn dõi theo bước kẻ cô đơn)
(Tái thượng ngầm)
Nơi biên cương xa xôi chính ông và quân dân chiến đấu từng giờ để giữ yên tổ quốc, kinh dinh làm giàu cho đất nước trong lúc một bọn người cứ sống nhỡn nhơ trong nhung lụa, thật không giải thích được, trong bài Long Hồ đại phong kỷ hoài ông thốt lên nỗi bất mãn đau đời:
Thế sự vinh khô nại nhược hà?
(Việc đời tươi héo biết làm sao?)
đó cũng là cái nghịch lý cố hữu của kẻ tài năng trong chế độ phong kiến. Trường hợp Nguyễn Cư Trinh chưa phải là bi kịch, nhưng rõ ràng chế độ phong kiến chúa Nguyễn không dung nạp nổi ông, đó không phải là một chế độ lý tưởng như ông tưởng, dần dần ông đã nhìn ra được sự thối nát của nó, nên thảng hoặc ông viết vài câu thơ chua chát bi quan cũng là điều dễ hiểu.
Là một nhà nho, Nguyễn Cư Trinh cũng thường hay nhắc đến chữ Trung, nhưng cái trung của Nguyễn Cư Trinh không nhất thiết là trung với một triều đại, với một ông vua, trung của ông chính là trung với nước, trên cơ sở đó ông thẳng thắn chỉ rõ chỗ đắc thất trong chính sách cai trị của chúa Nguyễn, vạch ra những tệ lậu của chế độ mà về sau Lê Quý Đôn phải khen rằng bàn nói không gì là không mưu ngay lẽ phải (7), ý kiến của nhà bác học họ Lê thật đã đánh giá chính xác về tư tưởng và những đóng góp của Nguyễn Cư Trinh.
Do thành phần xuất thân, do hoàn cảnh xã hội, Nguyễn Cư Trinh khó mà thoát được những hạn chế khách quan, nhưng phải rằng ông là một nhà nho tiến bộ, tư tưởng chủ đạo trong thơ văn và những hoạt động chính trị của ông là tư tưởng yêu nước và nhân đạo. Nguyễn Cư Trinh xứng đáng là người kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và hào khí của bao trí thức yêu nước đi trước, đó cũng là cơ sở để khẳng định vị trí của Nguyễn Cư Trinh trong lịch sử và văn học.
P.H.T
(TCSH50/07&8-1992)
----------------------------
Chú thích:
(1) Nguyễn Đăng Đệ (1669-1727) húy là Viễn, hiệu Hòa Đức, ông đỗ sinh đồ rồi hương tiến, trước làm tri huyện Minh Linh sau thăng văn chức thực thụ ký lục ở chính Dinh cho đến lúc mất.
(2) Họ Nguyễn Đăng có 3 phái: Đôn Thành, Đạt Lý (do lấy tên hiệu của Trịnh Sử và Trịnh Phú đời thứ 6) và Thuận Đức (tên hiệu của Nguyễn Đăng Trị đời thứ 7).
(3) Nguyễn Đăng Đệ có hai vợ: Nguyễn Thị Luân và Ngô Thị Liên, hai bà sinh được 25 người con, chưa rõ Nguyễn Cư Trinh con của bà nào, có thể ông là con út của bà chính chăng.
(4) Trong gia phổ họ Nguyễn Đăng, phần tiểu truyện Nguyễn Cư Trinh, ngoài Đạm Am thi tập còn ghi thêm một tập nữa là Hạo Nhiên đương văn tập, tập này chưa thấy sách nào nói tới.
(5) (6) Đại Nam thực lục tiền biên, Q.10, tr.17b -18b.
(7) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1984, trang 266.