(Phỏng vấn nhà nghiên cứu phê bình văn học HOÀNG NGỌC HIẾN)
P.V: Bạn đọc có những sự đánh giá rất khác nhau về những bài phê bình của anh, nhưng hầu như mọi người nhất trí văn phê bình của anh sáng sủa. Hẳn là anh đã có một quá trình...
H.N.H: Trước cách mạng, tức là cho đến năm mười lăm tuổi, tôi học ở những trường dạy bằng tiếng Pháp. Trong gia đình tôi có hai tủ sách. Tủ sách tiếng Pháp là của bố tôi, một giáo viên tiểu học. Bố tôi - ông tin rằng chỉ tiếng Pháp mới là chìa khóa đi vào tri thức và văn hóa - chỉ cho phép chúng tôi đọc sách tiếng Pháp. Văn phê bình của tôi được nhiều bạn đọc khen là sáng sủa. Có thể là tôi đã tiếp nhận được sự "sáng sủa Pháp" la clarté franҫaise từ tủ sách của bố tôi. Tủ sách tiếng Việt là của mẹ tôi và chị tôi. Những lúc bố tôi đi vắng, tôi đến tủ sách tiếng Việt tranh thủ đọc ngấu nghiến tất cả những gì đọc được: Ngày nay, Tao Đàn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn, tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, truyện của Nguyễn Tuân, Nam Cao... Tủ sách của mẹ và chị tôi đã truyền cho tôi tình yêu tiếng Việt và văn học Việt.
P.V: Thời học phổ thông anh đã có thiên hướng văn chương?
H.N.H: Những năm 47-49, đương học Trung học chuyên khoa (một thứ cấp III có phân ban) tôi chuyển từ ban Toán - Lý sang ban Văn - Sinh ngữ. Thời này tôi đọc được hai cuốn sách quan trọng: Cuốn Chủ nghĩa Mác và những vấn đề văn hóa Việt Nam của Trường Chinh thức tỉnh ở tôi một điều: làm văn học nghệ thuật không thể không quan tâm đến vận mệnh của dân tộc và sự tiến bộ xã hội. Cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh thuyết phục tôi rằng phê bình văn học đích thị là văn chương, câu văn phê bình cũng phải làm giàu chất thơ và có âm điệu, tiết tấu.
P.V: Một thời gian dài, công chúng chỉ biết anh như là chuyên gia về Maiacốpxki.
H.N.H: Đầu những năm 50, văn học Xô-viết đến Việt Nam trước hết bằng những bản dịch tiếng Pháp. Tình cờ tôi đọc được cuốn Vers et proses của Elsa Triolet giới thiệu Maiacốpxki bằng tiếng Pháp. Cuốn sách tuyệt vời này ngay lập tức làm tôi say mê Maiacốpxki (tôi cho rằng làm cho độc giả mê các nhà văn nhà thơ là một việc hết sức quan trọng của phê bình văn học). Tôi cứ ao ước làm sao viết được một cuốn sách giới thiệu Maiacốpxki với công chúng Việt Nam. Mãi đến năm 1976 tôi mới thực hiện được điều này (Maiacốpxki, con người, cuộc đời và thơ. Nxb, Đại học). Đến năm 1985 thì tôi dịch xong và công bố hầu hết những tác phẩm chính của Maiacốpxki. Làm thơ ca ngợi cách mạng Maiacốpxki luôn luôn đặt ra những câu hỏi lớn về viễn cảnh của cuộc cách mạng, về tương lai của nhân loại. Trong một bài thơ gửi Trung ương Đảng việt năm 1922 ông xem quả đất chỉ là một chấm tròn và trên "chấm tròn quả đất" ông nhìn thấy "lòng khòng một dấu hỏi khổng lồ". Ngày nay "dấu hỏi khổng lồ" đương trở thành một ám ảnh của cả loài người.
P.V: Anh giảng dạy lâu năm ở đại học. Nếu như có thể nói đến một giới "phê bình đại học", anh có thuộc về giới này không?
H.N.H: Năm 1957 đương dạy văn ở một trường phổ thông tôi nhận được giấy của Bộ Giáo dục điều động về làm trợ lý cho giáo sư Hoàng Xuân Nhị tại Khoa Văn Đại học tổng hợp Hà Nội. Thầy Hoàng Xuân Nhị đã "rèn" cho tôi những quy củ cơ bản của nghiên cứu văn học. Thời gian này tôi đi nghe những bài giảng về lịch sử tư tưởng của GS. Trần Đức Thảo. Lại thêm một say mê mới: triết học Hêghel. Tư duy triết học Héghel đã góp phần nâng cao tính khái niệm những bài viết của tôi. Từ năm 1979 tôi là chủ nhiệm bộ môn Lý thuyết và thực hành sáng tác các thể loại văn học. "Phê bình đại học” ít nhiều mang tính chất kinh viện. Sinh viên trường Nguyễn Du là những người viết trẻ, ở đây hơn ở đâu hết, mọi thứ "kinh viện" đều bị "bật" ra.
P.V: Xin cho biết về chuyến du học Liên Xô của anh.
H.N.H: Năm 1959 tôi sang Liên Xô học nghiên cứu sinh ở Đại học tổng hợp Maxkva. Luận án của tôi về Maiacốpxki được bảo vệ năm 1964. Giáo sư Đuvakin - người hướng dẫn tôi làm luận án - là một người thực sự say mê Maiacốpxki và một điều hết sức đáng quý đối với tôi là ông đã cho tôi thấy rằng trong nghiên cứu và phê bình văn học tình yêu và sự say mê cao hơn sự uyên bác, trong lĩnh vực này mà không có tình yêu thì càng uyên bác càng "dởm". Một điều may mắn là bản luận án của tôi được nhà văn Andrây Ximiavxki đọc và ông đã viết những lời nhận xét tốt đẹp.
P.V: Khoảng mươi năm gần đây, công chúng mới để ý đến tiếng nói của anh về văn học Việt Nam đương đại. Ý kiến của anh về chặng đường này...
H.N.H: Bài Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua (Văn nghệ, số 23/1979) là bài phê bình quan trọng đầu tiên của tôi về văn học Việt Nam đương đại. Bài báo đã thành công một cách "om sòm". Theo lời của Chế Lan Viên, "từ Nam chí Bắc trong cả nước, bài báo đi đến đâu, lập tức công chúng bị chia đôi: một phe ủng hộ nhiệt liệt, một phe ra sức bài bác". Bài báo được chú ý đến như vậy là do có một từ nghe lạ tai: "chủ nghĩa hiện thực phải đạo". Hóa ra trong phê bình văn học, cũng như trong các thể loại văn học khác, không thể thiếu được sự sáng tạo từ. Trong bài báo "Văn học thời kỳ vừa qua và xu thế phát triển" mới công bố gần đây tôi thử suy nghĩ những sự kiện văn học bằng hai phạm trù "âm" và "dương". Bài này cũng gây tranh luận nhưng không om sòm như bài trước. Trong văn học đương đại tôi chú ý đến những tác phẩm đánh dấu sự biến đổi sâu sắc của những tác giả đã có quá trình viết khá lâu (Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Thời xa vắng của Lê Lựu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường) và những tác giả mới xuất hiện những năm gần đây như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh... Tôi quan niệm rằng trong lĩnh vực văn học, để thực sự đổi mới trong hiện tại và tương lai, nhất thiết phải có sự nhìn lại, "nhìn mới" quá khứ, tức là di sản văn học cổ điển. Đọc lại Nguyễn Du, Trường ca Đam San, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử..., suy nghĩ lại tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi, Nam Cao... tôi đã viết những bài báo: "Triết lý Truyện Kiều", "Những giá trị nhân bản cao đẹp của Trường ca Đam San", "Trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ", "Tiếp cận cái "siêu" trong thơ Hàn Mặc Tử”, "Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo"... Những bài phê bình văn học hiện đại và nghiên cứu văn học cổ điển đã được tuyển vào tập Văn học - Học văn (của Hoàng Ngọc Hiến xb ở Tp. Hồ Chí Minh, 1990).
P.V: Phương pháp nghiên cứu văn học của anh...?
H.N.H: Cuối những năm 60, tôi chủ trì hai cuộc hội nghị khoa học bàn về phương pháp nghiên cứu văn học (Khoa văn, Đại học sư phạm Vinh). Hội nghị tập hợp được nhiều bản báo cáo khoa học có giá trị. Kết quả là biên soạn được một tập "Sơ thảo giáo trình phương pháp luận nghiên cứu văn học". Tập giáo trình không xuất bản được. Hai mươi năm sau, một bài trong tập giáo trình (bài "Tăng cường chính xác khoa học trong nghiên cứu văn học") mới được dịp công bố trong tập "Các vấn đề của khoa học văn học" (N.x.b Khoa học xã hội, 1990). Phương pháp nghiên cứu văn học của tôi có thể tóm tắt trong ba từ: đích đáng, đích đáng và đích đáng. Đặt ra những vấn đề đích đáng, giải quyết vấn đề đưa ra được những ý kiến đích đáng, diễn đạt ý kiến tìm được những từ đích đáng.
P.V: Quan niệm của anh về phê bình văn học?
H.N.H: Tôi viết phê bình để làm "sáng giá" và "sang giá" những tác phẩm tôi tâm đắc. Không có sự tâm đắc này, phê bình văn học hướng về những mục đích ngoài văn học, Những bài phê bình hay làm người đọc yêu văn học. Yêu văn học là yêu những giá trị tinh thần, sự khô cạn của tình yêu này đương là một trong những sự cùng khốn của thế giới hiện đại. Cũng như các thể loại văn học khác, viết phê bình không thể thiếu cảm hứng. Người viết phê bình là người có những chủ kiến mạnh mẽ (về các vấn đề nhân sinh, cũng có khi là những vấn đề học thuật). Cảm hứng phê bình nảy sinh khi chủ kiến của nhà phê bình ngẫu nhiên cộng hưởng đâu đó với tác giả hoặc tác phẩm nào đó. Những chủ kiến của nhà phê bình là sản phẩm của sự suy nghĩ có ý thức đồng thời có gốc rễ vô thức (có những kinh nghiệm cá nhân và kinh nghiêm cộng đồng được tàng trữ ở đây). Có những chủ kiến được bộc lộ cho "thỏa chí", cho "bõ hờn", cái "chí", cái "hờn" này truyền sức mạnh cho chủ kiến. Nhà phê bình là điểm xuất phát. Trình bày những ý kiến nảy sinh từ sự cộng hưởng sao cho có sức thuyết phục với công chúng văn học, đây mới là lao động cơ bản của người làm phê bình. Cộng hưởng với tác giả nào, tác phẩm nào thì viết phê bình tác giả ấy, tác phẩm ấy. Nhà phê bình không thể không tìm hiểu tác giả, tác phẩm mình phê bình, sự tìm hiểu này có thể làm thay đổi chủ kiến của nhà phê bình nhưng cuối cùng thì viết phê bình vẫn là bộc lộ chủ kiến của mình. Octavio Paz hoàn toàn có lý: "Đối với nhà phê bình, bài thơ là một điểm xuất phát để đi đến một văn bản khác, văn bản của mình".
P.V
(TCSH51/09&10-1992)
--------------------------
(*) Đầu đề do chúng tôi đặt - TCSH.