THÁI PHAN VÀNG ANH
Năm 2017, toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ, một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học nữ miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 - 1975, đã được Phương Nam Book và Nhà xuất bản Hội Nhà văn in lại.
Sự xuất hiện trở lại của Nguyễn Thị Thụy Vũ là một bằng chứng cho thấy ý nghĩa nhất định của văn học miền Nam, nhất là văn học nữ. Sau một độ lùi thời gian, sau những khoảng cách về định kiến, tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn giữ được giá trị. Những câu chuyện phụ nữ mà Nguyễn Thị Thụy Vũ đề cập cách đây hơn 40 năm vẫn không hề “cũ”. Quan niệm sáng tạo, những lập ngôn về giới của tác giả vẫn có tính thời sự và hiện đại, dù cái nhìn về giới nữ ở thế kỷ XXI đã tiến bộ hơn nhiều so với trước. Trong bối cảnh xã hội đương thời, khi cái nhìn về việc phụ nữ viết văn còn dè dặt, thì với Nguyễn Thị Thụy Vũ viết là một hành động vượt thoát, vượt thoát khỏi những giới hạn của thời đại, của định kiến xã hội. Chính tư duy mới mẻ đó khiến tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ đã sống được với thời gian, tiếp tục được chào đón bởi những thế hệ độc giả khác.
So với các nhà văn nữ cùng thời như Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương…, Nguyễn Thị Thụy Vũ xuất hiện chậm hơn. Tuy vậy, truyện ngắn và tiểu thuyết của bà gây nhiều chấn động trên văn đàn. Theo Tạ Tỵ, Nguyễn Thị Thụy Vũ “tự tạo cho mình một thế đứng, một cương vị trong nền văn học Việt Nam hiện đại”; “bút pháp cũng như nội dung mỗi truyện của Thụy Vũ không nằm trong khuôn nếp thông thường của một nữ nhi, nó đã bay ra ngoài quỹ đạo dự tưởng”1. Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa: “Bà trở thành nhà văn đầu tiên và duy nhất đưa vào văn học Sài Gòn thân phận phụ nữ của một thời bom đạn”2. Sự táo bạo trong lựa chọn đề tài, trong nghệ thuật miêu tả, kể chuyện; những đổi mới trong quan niệm khiến Nguyễn Thị Thụy Vũ xác lập được một lối viết riêng trong bức tranh vừa đa dạng vừa thống nhất của văn chương nữ miền Nam (1955 - 1975).
1. Vượt thoát những định kiến về đàn bà viết văn
Khi sự “lên tiếng” của phụ nữ bắt đầu vọng lại từ phương Tây, ở Việt Nam, khát vọng và hành động viết là sự vượt thoát chính mình của những người đàn bà cầm bút. Khác với các cây bút nữ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, “các nhà văn nữ của chúng ta không chỉ xem công việc viết văn của họ như một tiêu khiển chốc lát như các nhà văn nữ tiền chiến. Nhà văn nữ ngày nay xem công việc viết văn như một nghề. Họ sống hẳn với nghề này, theo đuổi và thực hiện nó đến cùng”3. Cả một thế hệ nhà văn “không còn chịu đứng trên một đường lề chênh vênh nào nữa, mà đã ở hẳn trong sinh hoạt, có mặt ở hết thảy mọi địa hạt trước kia chỉ là sự có mặt duy nhất của nam giới”4.
Ngay từ những ngày đầu xác định chỗ đứng trên văn đàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong những nhà văn sớm có những quan niệm mới. Những trang văn in dấu cuộc đời thực của Thụy Vũ cho thấy nhà văn đã nhận thức sâu sắc về vai trò, giới tính; thể hiện mong muốn thoát khỏi sự bủa vây của cấu trúc quyền lực truyền thống. Thụy Vũ viết như sự trút bỏ những ám ảnh tuổi thơ, viết là “ghi lại cái ám ảnh từ thời nhỏ dại đó của tôi, trong ước vọng, một lần nữa, giải tỏa nó cho xong”5. Theo nhà văn: “Tiểu thuyết là tưởng tượng, ai cũng biết vậy, nhưng có tưởng tượng nào không bắt nguồn từ một phần sự thật”6. Viết để giải tỏa ám ảnh, vì thế, tác phẩm Thụy Vũ ít nhiều có tính chất tự truyện, nhà văn hóa thân, thổi khát vọng vào nhân vật nữ. Quan niệm “vượt thoát” bằng viết văn được Thụy Vũ đặt vào phát ngôn của nhân vật nữ. Những câu hỏi mang ý thức nữ quyền xen lẫn trong những trang văn viết về hiện thực xô bồ ở tỉnh lẻ, nơi người phụ nữ phải thu mình trong những bức tường gia phong: “Tại sao một người con gái muốn sống tự lập, muốn thoát ly khỏi cái không khí nặng nề và cái lề thói cổ hủ của gia đình, thì thiên hạ trút lên đầu bao nhiêu là tội lỗi?” (Nhang tàn thắp khuya). Ý thức rất sớm về quyền được viết của phụ nữ, Nguyễn Thị Thụy Vũ để cho nhân vật lên tiếng - “Thế nào tôi cũng phải đi. Văn đàn rất cần nữ giới đóng góp”. Cô Ba Ngoạn là một kiểu phụ nữ không bằng lòng với đời sống tỉnh lẻ, luôn muốn vươn lên khỏi cái lối sống nhàn nhạt, buồn tẻ đã khiến bao người phụ nữ phải cam phận. Cô làm thơ, viết văn, đăng trên các báo ở Sài Gòn; mở salon littéraire, thay đổi về trang phục, lối sống; và lấy một người Pháp, ông chủ tờ báo Viễn Đông, dẫu họ hàng, cha mẹ “coi như cô đã chết từ lúc lọt lòng” (Nhang tàn thắp khuya). Tịnh mơ ước được viết văn, đọc Colette7, khao khát một cuộc sống thanh cao nhưng cuối cùng đành mòn mỏi, tàn lụi trong bốn bức tường hẹp của gia phong bắt đầu rã nát, hóa điên rồi chết (Khung rêu). Điều đó cho thấy, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn chương nữ quyền Pháp khi xây dựng những kiểu nhân vật phụ nữ vượt thoát bằng con đường viết văn. Không ảo tưởng, song không “tự ti” về thân phận, cũng không né tránh đề tài kiêng bị, bằng lối viết khách quan, sắc sảo, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã sớm khẳng định vị thế của mình, không chỉ trong bộ phận văn chương nữ giới, mà trong cả nền văn học miền Nam 1955 - 1975.
Một số sách của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ |
2. Vượt thoát trên phương diện đề tài
Đánh giá về những đóng góp của các nhà văn nữ miền Nam trong 70 năm đầu thế kỷ XX, Uyên Thao cho rằng: “Đó là những năm mà văn nghệ nữ giới Việt Nam đã đạt tới một số thành tích có đủ tầm vóc ảnh hưởng quyết định cả một trào lưu sinh hoạt”8. Tiếp nhận ý thức nữ quyền từ Simone de Beauvoir, các nhà văn nữ miền Nam Việt Nam có xu hướng đề cao quan niệm tự do luyến ái, chạm vào những đề tài kiêng kị; nổi loạn bằng cách đề cao tính dục, thân xác, vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Tuy vậy, hầu hết họ đều dựa vào những trải nghiệm cá nhân để nhìn ra thế giới; dùng chính cuộc đời mình làm chất liệu và đối tượng của văn chương. Không thoát ra khỏi các đề tài về tình yêu, hôn nhân; không quan tâm gì hơn ngoài cảm xúc, tâm trạng của nữ giới, những bứt phá của các nhà văn nữ, về cơ bản vẫn không đưa họ vượt khỏi định kiến về một kiểu “đàn bà viết văn”. Nói như Huỳnh Phan Anh, “người đàn bà viết văn có cái thất lợi là họ không làm cách nào cho người đọc quên được họ là đàn bà”9 và “chưa cởi bỏ hết những mặc cảm của một người phụ nữ với tư cách của một người viết văn”10. Nguyễn Nhật Duật cũng cho rằng các nhà văn nữ chỉ quanh quẩn ở những lo toan hạnh phúc, “mối lo toan muôn thuở của người đàn bà, và nó cũng chỉ đi đến đó mà thôi”11. Đây là những nhận xét mang đậm tính nam quyền khi nhìn về phụ nữ, song không phải là không có lý khi các nhà văn nữ vẫn chủ yếu khai thác các đề tài nữ tính và viết văn bằng lối viết “tự ăn mình” (mà Nguyễn Thị Hoàng là một trường hợp tiêu biểu). Trong bối cảnh ấy, lựa chọn những đề tài nóng bỏng, kiêng kị của xã hội; trực diện phản ánh những góc khuất của cuộc sống nữ giới, nhất là những thân phận bên lề, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã tự mình xác lập một hướng đi riêng, vượt thoát lối viết vốn mặc định dành cho nữ giới.
Theo Nguyễn Đình Tuyến, Nguyễn Thị Thụy Vũ là người đầu tiên đã can đảm ghi lại những “sự kiện sống thực nhất trong thời đại chúng ta”12. Tác phẩm của Thụy Vũ “tả chân câu chuyện của các nhân vật đến từ nhiều tầng lớp thay vì quẩn quanh với chuyện tình ái lâm ly như đa phần các cây bút nữ khác cùng thời”13. Đặt trong diện mạo văn xuôi nữ miền Nam 1955 - 1975, Nguyễn Thị Thụy Vũ là nhà văn nữ phản ánh chân thật, sinh động nhiều những vấn đề nóng bỏng của xã hội miền Nam đương thời như chiến tranh và số phận phụ nữ, tình yêu, bi kịch hôn nhân; những bán mua, buông thả thân xác. Với bút pháp mạnh mẽ, Nguyễn Thị Thụy Vũ đi thẳng vào vùng đất kiêng kị đối với phụ nữ viết văn đương thời. Vì vậy, bên cạnh những khẳng định, vẫn có nhiều đánh giá không thuận chiều đối với những vấn đề Nguyễn Thị Thụy Vũ lựa chọn phản ánh, đặc biệt là vấn đề thân xác đàn bà, mà theo Uyên Thao, “ở một đối cực là vùng trời tù hãm tỉnh lẻ, thân xác đã bị làm cho tê liệt, và ở đối cực kia, nó đã bị khai thác đến rã rời”14.
Viết về tính dục không còn là điều nhạy cảm, thậm chí quá nhàm. Tuy vậy, trở lại thời điểm tác phẩm của Thụy Vũ ra đời, tính dục vẫn thuộc ngoại biên văn học. Nguyễn Thị Thụy Vũ không ngại miêu tả những cô gái bán bar, làm sở Mỹ cùng cuộc sống phóng túng, tràn trề dục lạc, trong khi không nhiều nhà văn nam, và nhất là nhà văn nữ “dám” đi sâu tìm hiểu cuộc sống của các cô gái làm nghề bướm đêm. Những câu chuyện bán mua thân xác, hoặc bị cưỡng bức, phá thai, lại lao vào tình dục… trở thành phổ biến trong tác phẩm của bà. Ngự, Ngà (Khung rêu), Đức (Thú hoang), Kim Quýt (Trôi sông) v.v, đều có những mối tình bồng bột, chiều theo tiếng gọi của thân xác. Từ một góc nhìn, nhất là góc nhìn của xã hội với những định kiến về đạo đức, giới tính đương thời, khát vọng dục tình và lối sống buông thả thân xác ở nữ giới khiến tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ có phần dữ dội so với văn chương của các nhà văn nữ khác, và đặc biệt phóng túng hơn nhiều so với văn chương nam giới.
Nhìn từ một hướng khác, có thể nói, trong quan niệm của Thụy Vũ, tính dục chính là một cách xả bỏ những dồn nén ẩn ức. Có thể khẳng định, với những người phụ nữ sống trong khung rêu, bạo dạn trong tình dục là hành vi vượt thoát. Ngà vừa bị ép buộc vừa thỏa mãn trong cơn cưỡng bức của ông Phủ với hy vọng vượt thoát khỏi thân phận tôi đòi, nhưng rồi cay đắng nhận ra thân xác không đủ để giúp cô thay đổi cuộc đời. Giữa sơn son thếp vàng đã rệu rã trong nhà ông Phủ, Ngà gần như trở lại cuộc sống tôi đòi, bên cạnh hình hài già nua, vô cảm của ông Phủ sa cơ. Những khát vọng vượt thoát lởn vởn trong tâm trí chỉ để con người tê dại, không thoát được thì buông thả trong nhiều mối tình như Ngự, hoặc ẩn ức điên loạn vì tình yêu như Tình (Khung rêu), Kim (Thú hoang). Thật ra, trong toàn bộ sáng tác của Thụy Vũ ít có những cận cảnh ái ân. Bà không miêu tả ngôn ngữ thân thể trần trụi mà thiên về tâm trạng. Ngòi bút nhà văn đầy thông cảm, thấu hiểu họ, những người phụ nữ mang nỗi buồn tỉnh lẻ và những cô gái bán mua ê chề thân xác.
Thụy Vũ cũng là nhà văn đầu tiên đề cập vấn đề lệch pha, đồng tính với những cảm giác rất thật. Trong tiểu thuyết Khung rêu, nhà văn phân tích hành vi, tâm trạng của Chiêu, nhân vật bán nam bán nữ, khuôn mặt rắn rỏi của đàn ông, nhưng dáng điệu lộ dần nét mềm mại của con gái. Người mẹ đau khổ vì “sự tật nguyền bất hạnh của con”, dư luận cho là quả báo… càng làm tăng thêm là mặc cảm khiếm khuyết của Chiêu. Chiêu yêu Hoàng, sự kề cận với Hoàng trong một khoảnh khắc tình cờ với Chiêu “đã trở thành cả một cơn bão lửa”; anh vừa thương cho “cái thân xác tội nghiệp của mình”, vừa tự thấy mình như “một con quái vật đáng kinh tởm”. Dẫu Thụy Vũ chỉ khai thác tâm trạng, cảm xúc của một phía, nhưng nhà văn đã bênh vực cho quyền sống của những con người dị biệt. Qua nỗi đau của người mẹ, nhà văn thẳng thừng đặt ra câu hỏi “ngày mà Chiêu ý thức được cái thân xác của nó đang đứng chàng ràng giữa hai cánh cửa nam, nữ trong các cầu tiêu của rạp hát, tiệm ăn, nó sẽ chọn cánh cửa nào? Chắc chắn người ta không hề nghĩ đến gian phòng vệ sinh dành cho loại người lưng chừng vì một chút lơ đãng lười biếng của mười hai Mụ Bà”. Có thể nói, từ góc nhìn giới, từ sự táo bạo, dũng cảm của người cầm bút, viết về đề tài thân xác, về các chủ đề “ngoại biên”, về các thân phận nữ giới bên lề… là một cách vượt thoát của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Để bà thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của một nhà văn, trình hiện cái nhìn của một nhà văn về các câu chuyện đời sống đương thời, vượt thoát kiểu viết của nữ giới hay cái nhìn của nhà văn nữ (vốn đã bao hàm thiên kiến về những giới hạn trong trường nhìn của giới).
3. Vượt thoát bằng những hình tượng nhân vật nữ dấn thân, nổi loạn
Một lần được Du Tử Lê phỏng vấn, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã chia sẻ “hình như tôi thường nghiêng nặng về những nhân vật cynique15 hơn là những nhân vật sống hợp lý với cuộc đời”16. Trong truyện của bà, khát vọng tự do, dấn thân, vượt thoát đậm nét ở kiểu nhân vật “vô liêm sỉ” này, không chỉ ở nam giới mà đặc biệt là ở nữ giới.
Con người trong tác phẩm của Thụy Vũ hoặc là những cặn bã xã hội (đĩ điếm, những người đàn bà lấy Mỹ, những cô gái bán bar), hoặc là những kiếp đời phụ nữ chịu nhiều tác động của chiến tranh. Hai vùng không gian địa lí chủ yếu trong truyện Thụy Vũ là những tỉnh lẻ đồng bằng sông Cửu Long buồn tẻ, nhợt nhạt và Sài Gòn - thu hẹp trong những quán bar. Cái ngột ngạt, xô bồ của đời sống dồn lại trong những khoảng không chật hẹp nói lên cuộc đời của những cô gái bị ràng buộc vô lý vào những khung khổ cũ mòn và luôn khao khát vượt thoát; “vượt thoát cái hoàng hôn u tàn của một dòng họ. Vượt thoát cái không gian u trệ của tỉnh lỵ. Vượt thoát những ám ảnh buồn tẻ cô đơn của người con gái sống trong ngôi nhà cổ nghe nhựa sống trong mình khô dần và trái tim của mình lơi nhịp vì mỏi mòn chờ đợi”17.
Vượt thoát nỗi buồn tỉnh lẻ
Là nhà văn của những người phụ nữ bình dân, Nguyễn Thị Thụy Vũ luôn đứng về phía những con người bất hạnh nhưng giàu ước mơ. Dẫu không chủ ý nhưng sắc thái nữ quyền bàng bạc trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Thị Thụy Vũ, qua việc miêu tả, phê phán kiểu “người đàn ông bất toàn” mà phụ nữ là nạn nhân. Không hiếm những mẫu đàn ông bê tha như Canh hoặc nhu nhược, ăn bám như Tường (Khung rêu); những ông Tuần ông Phủ cưỡng bức hầu gái; những người đàn ông là nguyên nhân dẫn đến nạn cưỡng bức, phá thai, những hài nhi vô tội (Thú hoang, Khung rêu)… được Nguyễn Thị Thụy Vũ soi ngắm từ cái nhìn sắc sảo của một người đàn bà có thể nhìn thấu những “xấu xa” của giới kia. Những người phụ nữ mang mặc cảm tội lỗi khi không sinh được con trai (Chiều xuống êm đềm, Khung rêu); những thân phận đàn bà bị trói buộc, hoặc tự nguyện trói buộc trong suy nghĩ cũng như trong hành động…, cũng là đối tượng thấu hiểu, cảm thông của nhà văn qua từng trang viết. Tuy vậy, Nguyễn Thị Thụy Vũ chú ý nhiều hơn đến những người phụ nữ muốn vượt khỏi nỗi buồn tỉnh lẻ, trong ước mơ, suy nghĩ hay trong hành động. Nhiều nhân vật nữ của Thụy Vũ muốn ra đi để thoát khỏi không gian tù đọng, nhạt nhẽo; thoát khỏi những “bức tường bằng bê tông có gắn phía trên những miểng chai”; hay thoát khỏi “Thành phố già nua, trầm lặng với sông rạch vây quanh, in dấu tháng ngày trống rỗng trôi qua” (Nhang tàn thắp khuya). Như Linh trong truyện ngắn Một buổi chiều: “Đêm nào tôi cũng nghe tiếng sông róc rách sau nhà, tiếng tàu xà lan chạy xình xịch. Đêm nào tôi cũng chìm trong những tiếng động đó. Tôi phải ra đi. Ra khỏi cái nhà này, cuộc đời tôi sẽ thay đổi (…). Cuộc đời ở đây đè nặng làm tôi nghẹt thở” (tập truyện Mèo đêm). Như Nguyệt “đi tìm thành phố khác mong thay đổi không khí và đời sống đầy rẫy buồn phiền ở tỉnh lỵ. Nàng phải xa lánh nơi chôn nhau cắt rún như một vòng tay siết chặt nàng từ thời thơ ấu, họa may mới có cơ hội ngoi đầu chường mặt với đời” (Cho trận gió kinh thiên). Như Liễu, “đã từng nuôi dưỡng ý tưởng thoát ly khỏi tỉnh này, để tìm một không khí mới. Tôi sẽ rời bỏ ngôi nhà cổ âm thầm với tiếng cắc kè trên đầu kèo, như lời nguyền rủa tương lai từng đêm (…). Tôi ngại nghe tiếng chim heo hét lên buốt óc vào lúc tảng sáng và tiếng xà lan xình xịch bên kia sông. Tôi muốn chạy trốn bối cảnh nhàm chán đó cùng những âm thanh rã rời buồn nản như cuộc sống tôi hiện tại” (Thú hoang). Nhân vật Liễu mang bóng dáng của nhà văn. Truyện Thú hoang dựng lên một thế giới khác, thế giới học đường. Mọi chuyện nhốn nháo của xã hội thu nhỏ trong một ngôi trường ở tỉnh lẻ; ở đó, thầy cô giáo quan hệ bừa bãi, những mối tình “chân”, những trận đòn ghen tại lớp học; những lần cảnh sát đến trường còng tay học sinh vì liên quan đến việc rải truyền đơn, những chàng trai trẻ bỗng dưng bỏ học, mất hút mơ hồ… Ôm trùm tác phẩm là cảm giác trống rỗng của Liễu, cô chối bỏ môi trường này tìm đến môi trường khác nhưng vẫn là bế tắc và buồn chán. Tâm trạng lạc lõng, buồn chán của Liễu mang tinh thần thời đại, dẫu không đậm đặc như nhiều tác phẩm thuộc khuynh hướng hiện sinh đương thời. Nhân vật nữ của Thụy Vũ thường tìm cách xê dịch từ không gian này sang một không gian khác để thay đổi nhưng lại tiếp tục chôn kín đời mình. Trong những ngày sống trong “khung rêu” nhà ông Phủ, Tịnh giúp Ngự và Tường đến với nhau bất chấp sự ngăn cản của bà Phủ chỉ với mong muốn “giúp cho hai người đạp đổ một màn lưới ngăn chận”. Tịnh yêu Hoàng nhưng cuối cùng cũng bị hút vào những bức tường chật hẹp và khi người yêu đi xa thì Tịnh hóa điên rồi chết. Ngự, bỏ nhà ra đi, ê chề, nhục nhã, rồi lại trở về chốn cũ (Khung rêu). Những người phụ nữ tỉnh lẻ trong truyện Nguyễn Thị Thụy Vũ rất có ý thức vượt thoát, kể cả khi phải đánh cược bằng thân xác và tương lai êm đềm của một người đàn bà bình thường. Song vượt lên bản thân vẫn không đủ giúp họ thoát ra khỏi cái bí bách, trói buộc của xã hội, của thời đại. Ẩn sau cái ngang tàng, bất chấp của văn phong Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn là những tiếng thở dài, những nỗi buồn ảm ảnh và chua xót.
Nổi loạn tính dục và những ê chề xác thân
Trong văn học miền Nam đương thời, chưa ai đưa những gái làm nghề bán thân xác - một mảng khuất của đời sống trở thành trung tâm, chiếm ngự nhiều trang viết như Thụy Vũ. Nhà văn đã phản ánh chân thật, bóc trần cuộc sống cũng như tâm trạng của những người phụ nữ “dưới đáy xã hội” bằng niềm cảm thông đầy tính nhân bản. Ít khai thác cận cảnh những bán mua thân xác, nhà văn thiên về tâm trạng những cô gái dùng thân xác để kiếm sống, những phấp phỏng lo âu, những mặc cảm chợ chiều, bệnh hoa liễu, những nổi loạn phá phách (Lao vào lửa). Trong truyện của Nguyễn Thị Thụy Vũ, khá nhiều những cô gái quán bar, rời bỏ nỗi buồn tỉnh lẻ những mong thay đổi đời mình song lại rơi vào vòng xoáy khác, ngột ngạt hơn. Những cái tên giả Jane, Lina, Jackie… làm thay đổi những cuộc đời nhưng cũng gói gọn những ê chề thân phận. “Thế giới của tôi là quán rượu chìm lờ mờ trong cảnh đèn đỏ, trong khói thuốc như sa mù buổi sáng. Cuộc đời của tôi thu gọn trên chiếc giường…” (Gái độc không trái). “Ngày mai có sao cũng mặc; hơn nữa cần phải tìm cảm giác mạnh. Những chuỗi ngày trác táng cứ đều đặn nối tiếp nhau buồn tẻ. Những cảnh hồi hộp gian nan đó sẽ giúp tôi thu ngắn cuộc sống tẻ ngắt hiện tại.” (Đêm nổi lửa). Những người đàn bà buôn hương bán phấn trong truyện Nguyễn Thị Thụy Vũ luôn muốn nổi loạn, thách thức cuộc đời, số phận, song hầu hết chỉ có thể nổi loạn trên phương diện thân xác. Đó là Tâm, vẫn tươi tắn, hồng hào, không mảy may lo sợ hoặc bứt rứt khi lần thứ tư phá thai, bởi “tội ác ấy đã là thói quen” và “mười năm giang hồ đã đục khoét hết niềm tin của nàng đối với cuộc đời, với đạo đức” (Chiếc giường). Đó là Hằng, ghét cay ghét đắng các bà phước cùng những lời giảng dạy kẻ cả của họ hòng mong cô giã từ đoạn đời tối tăm, nhơ bẩn, không biết rằng “linh hồn cô đã mọc rễ sâu vào các cuộc vui trác táng” (Đêm nổi lửa). Bi kịch của những người phụ nữ sống bằng thân xác ấy là họ vừa chọn lạc thú để trốn chạy cuộc đời tẻ nhạt lại vừa muốn trốn chạy cuộc sống trụy lạc nhơ nhớp ấy. Hơn một lần Thắm trong Những ngọn pháo bông “muốn chạy trốn những vòng tay đầy lông lá quấn lấy thân thể như cái định mệnh ác nghiệt trói buộc thân thể nàng”, “muốn tìm một bãi biển để ngắm màu xanh dịu dàng và đắm mình trong cái yên tĩnh mát rượi”, rồi rốt cuộc lại… hí hửng khi tranh giành được “khách”, hớt phỗng tay trên những “con mồi” của đồng nghiệp. Hầu hết họ đều rơi vào bi kịch không lối thoát và tàn rữa trong một tương lai vô vọng.
*
Ở miền Nam những năm 60 - 70 của thế kỉ XX, độc giả và cả giới nghiên cứu, phê bình vẫn chủ yếu nhìn văn chương thân xác bằng cái nhìn e dè, nghi kị. Quan niệm xem văn chương tính dục, đặc biệt tính dục nữ, là ngoại biên vẫn khá phổ biến. Trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của Nguyễn Thị Thụy Vũ với các tác phẩm bạo liệt không hẳn ngay lập tức đã được đón nhận thuận chiều. Song, chính nhờ bà mà các nhà văn nữ “đã giành lại cái ưu quyền về Nghĩ, Cảm và Sống như nhà văn nam”18. Nói như Mai Thảo, “Sự phá vỡ và làm nổ tung những ràng buộc cũ của họ để đạt đến cái biên giới mới này, chính là văn chương”19. Cùng với các nhà văn nữ tiêu biểu đương thời như Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, những vượt thoát của Nguyễn Thị Thụy Vũ đã khiến “người ta không còn thấy dáng dấp e dè của người nữ trong sinh hoạt văn nghệ nữa, cái dáng dấp thường tạo một thành kiến là nữ giới không thể chiếm một chỗ ngồi chính thức trong văn nghệ”20. Và cũng bởi “viết như một hành động vượt thoát”, tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ đã vượt qua gần nửa thế kỉ để tiếp tục xác lập chỗ đứng trong những đón nhận mới của độc giả đầu thế kỉ XXI. Nguyễn Thị Thụy Vũ đi xa hơn nhiều nhà văn cùng thời có lẽ chính nhờ những “vượt thoát” rất đáng trân trọng trong quan niệm sáng tạo và trong lối viết không hề thường tình nhi nữ.
T.P.V.A
(TCSH397/03-2022)
____________________
1 Tạ Tỵ (1971), Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, tr.155.
2 Lê Văn Nghĩa (2020), Văn học Sài Gòn 1954 - 1975, những chuyện bên lề, Nxb. Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh, tr.450.
3 , 4 Nhiều tác giả (1972), “Nói chuyện về các nhà văn nữ”, Văn, 206, tr.2, tr.16.
5 Lời mở đầu tiểu thuyết Khung rêu.
6 Lời mở đầu tiểu thuyết Khung rêu.
7 Colette - nữ tiểu thuyết gia người Pháp (28/1/1873 - 3/8/1954), đại diện cho phụ nữ Pháp hiện đại, có cuộc đời đầy biến động, ba lần kết hôn, có quan hệ đồng tính và viết nhiều về tình dục.
8 Uyên Thao (1973), Các nhà văn Nữ Việt Nam 1900 - 1970. Nxb. Nhân chủ, Sài gòn, tr.19.
9 , 10, 11 Nhiều tác giả (1972), tlđd, tr. 7, tr.8, tr.3.
12 Nguyễn Đình Tuyến (1969), Nhà văn hôm nay, Nxb. Sài Gòn, tr. 42.
13 Du Tử Lê (2010), Sự khác biệt về tính dục trong truyện Nguyễn Thị Thụy Vũ và các nhà văn nữ khác, https://dutule.com/a2865/su-khac-biet-ve-tinh-duc.
14 Uyên Thao, tlđd, tr.207.
15 Xem Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã trở lại, Quán Văn, tháng 5 năm 2019. Tác giả bài báo giải thích cynique có nghĩa là vô liêm sỉ, nhưng ở đây đã vượt ra ngoài ý nghĩa hẹp hòi, thông tục mà là khát vọng muốn đạt đến tự do, vượt qua những hệ lụy, những thứ bậc, những cấm kị sáo mòn, giả dối.
16 Du Tử Lê, tlđd.
17 Nguyễn Thị Thanh Xuân (2019), Gửi đây chút duyên tình đọc, Nxb. Đà Nẵng, tr. 172.
18 , 20 Nhiều tác giả, tlđd, tr.6, tr.2.
19 Uyên Thao, tlđd, tr.28.