XUÂN NGUYỄN
Thơ như là hoa nở cùng ánh trời trên khắp hành tinh cho con người. Hoa đẹp, hoa xấu, hoa độc hại, hoa tốt, hoa trở thành thuốc bổ, thuốc trị bệnh; hoa được dùng trang trí lễ nghi hay tu dưỡng tình cảm con người; loài hoa kia được con người trân trọng hay loại bỏ... Con người cũng đã nhiều phen vất bỏ những gì ngoài thơ như những gì ngoài hoa.
Muốn rõ những gì ngoài thơ, trong tay mỗi người cần một "cái sàng"; ngữ ngôn dễ hiểu với cả những ai sống ở một đất nước nông nghiệp; từ thóc lúa để có hạt gạo thơm ngon cần những tay sàng cần mẫn và dẻo đã bỏ đi vỏ trấu và nhặt bỏ luôn những sỏi những sạn và cả những tạp chất khác; cái sàng của thơ không thể thô sơ mà cần tinh vi đặc biệt là còn "rất hồn" để lựa ra thơ cho con người và loại bỏ những gì ngoài thơ.
Trước hết hãy tìm "xuất xứ" nhà thơ.
Có nhiều người cho rằng, nước ta bảy mươi triệu dân dẫu đang nhiều phen đói ăn song đã có bảy mươi nhà thơ cho đương đại. Cách nói này có cơ đúng, bởi vì dân ta, trong máu ai mà chẳng có chút gen thơ từ ông bà cụ kỵ tổ tiên lưu truyền cho thơ đọng giọt, rồi ai đó cũng dễ dàng sống và luôn được tác động từ cảnh quan của núi sông đất nước, rồi lại được nghe ru bằng thơ ca từ trong nôi.., ra đường ngõ là gặp được nhiều điều con người nói ra co kéo người ta gần lại thơ.
Có ý kiến khác cho quá nửa số bốn trăm (400) hội viên Hội nhà văn Việt Nam hiện nay là người làm thơ đang tạo nên một con số "hạ cố" và lạm phát!
Tôi nghiêng về ý kiến thứ hai; vì có đâu nhiều hội viên xứng đáng đại diện cho danh hiệu này; điểm đầu họ có vài chục nhà thơ thôi; và đếm kỹ trên đầu ngón tay khéo chỉ còn dăm thi-sĩ cho đương đại. Phong thanh nghe đâu, đã có thời mấy người thơ còn sắp được phong tước công huân... thì hoảng sợ quá?! Gộp cả những dòng số vừa trình bày, tôi coi đó là những gì ngoài thơ.
Từ vài chục năm nay thơ chúng ta không phát triển ở thế tự nhiên; nhiều quy hoạch, hoạt động để gắn lên thơ những răng vàng, răng bạc, răng giả xương.., vì như nghĩ rằng - nếu không được chăm sóc như thế thì không có phong trào; như thế ngẫu nhiên có lúc thơ đã được coi bằng những hoạt động đoàn thể. Các ban vận động các hoạt động của nhiều Hội văn nghệ địa phương, nhiều nhà thơ được coi trọng, in được thơ, lập hồ sơ, viết báo cáo thơ hội viên, cộng tác viên.., ngốn không ít giấy; để làm gì nếu những tố chất đó không cho cuộc sống thơ? Thực tế hàng nhiều triệu trang in đã đi tong, đâu có giá ngang bằng những tài liệu tuyên truyền để nhân dân tiến hành những việc bổ ích cho đất nước. Có tác giả trong vòng hai mươi năm, in gần hai chục tập thơ bằng tiền "bao cấp" của dân; mà nay lại là họ, không nhớ nổi một vần!
Những nhà thơ có tư cách, trong số có hàng nghìn bài vẫn lặng lẽ làm việc, thực thi những "bếp núc", cắt tỉa những gì ngoài thơ, rồi mới công bố; ngược lại, những người làm thơ như thợ đợi - hứng - lộc thì xông phứa lên chiếm bãi, cày cục để cho ra mặt báo trong những dịp kỷ niệm, mỗi dịp Tết.., tiện dịp là họ hiện diện đủ trong các tờ, các "tuyển" từ địa phương đến quốc gia; hoặc qua một cái danh hoặc bằng "quyền lực" đối lưu giữa các nhà xuất bản và tòa soạn; họ trị vì kiểu êkíp, nhiều người ém cửa các gôn thơ hàng mười mấy, hai, ba chục năm; Những "gánh" văn vần lổn nhổn lại nhiều dịp qua phương thức "vừa đá bóng vừa thổi còi" để vào chung khảo các cuộc thi, lãnh giải!..
Những thơ chính luận của nhiều nhà thơ lớn ở những vị trí thoáng đã thay giá trị một nghìn lần những thơ phê bình, châm biếm vụn vặt; những thơ trữ tình lặng lẽ làm cho hòa bình cân bằng trong gen máu con người. Khái niệm chinh phục trái tim con người của thơ, lương tri con người thơ như đang cần được minh nhiệm, sàng lọc lại cho thơ nhiều giá trị đích thực để thơ tự do trở lại phục vụ con người. Thế giới thế kỷ này quá nhiều những bài ca để không chịu lùi trước đạn bom của bọn buôn súng và bọn buôn quyền lực. Dầu vậy, thế giới vẫn còn thiếu rất nhiều những bài thơ có thép để hợp thành binh đoàn chặn tay tội ác.
Giao lưu cảm xúc của thơ mỗi ngày đang mới ra trong mỗi sáng tạo thơ, thơ không chịu khuôn theo một phương thức biểu đạt nào; những "sơ đồ hóa" như không gò bắt thơ theo một tiêu chí, nếu có ai đó định áp đặt thơ phải đi theo hướng đó. Thơ càng đi vào ngõ ngách của thế giới vũ trụ con người đa chiều, càng tỏ có sức mạnh. Những sáng tạo thơ như vì thế, dù ở mỗi tiểu tiết "luôn đối lập" với những gì tốc tả, giản đơn, tầm thường... Những thông tấn thời sự mới nhất được nhà thơ có tài chuyển hóa ngay ra thơ; những đề tài có sức gợi muôn thuở bị nhà thơ non tay bôi lại xanh-đỏ- tím-vàng mờ nhạt lên những trang giấy. Và, mặc dù ngày nay đang quá nhiều phương tiện trợ giúp, chuyển tải tình cảm thơ cho con người, con người càng cần biết tới điều kiện nhân lên những cấp số-cảm-xúc để có thi tứ sắc sảo, hình tượng cao cho thơ. "Công nghiệp" thơ càng cao, có nghĩa tầng biểu đạt Cái-Tôi cá thể càng linh diệu, độc tôn hòa nhanh trong mối cảm của cộng đồng nơi mỗi sáng tạo thơ.
Hùng Sơn Cốc (người bắc Tống) nói: "Chương cú trong văn ngẫu nhiên mà thành như đường do sâu đục trong thân cây"; cái ngẫu nhiên mà người xưa đã đề cập tới đã dự đoán trúng qui luật của sáng tạo thơ. Tiếp xúc với nhiều nhà thơ, họ cho hay rằng không thể "hợp đồng" cho mỗi tác giả sáng tạo ra thơ. 99% các nhà thơ còn cho biết, không thể đặt tít đề trước cho mỗi sáng tạo thơ; bởi thông minh mấy cũng không dễ tạo ra cảm xúc nếu đặt đầu đề trước cho thơ. Chủ đề, đề tài nhiều khi là cái gì đó rất mong manh khó bề gợi ra, nắm bắt được như những ngành nghệ thuật khác. Vậy bao giờ nhà thơ cũng rơi vào thế bị động? Vâng đúng, nhà thơ có thể chủ động tích cực làm việc để có bài, có câu, có vần... nhưng đâu chắc trong những điều kiện hợp-đồng ấy nhà thơ có nổi thơ! Cũng suy nghĩ như vậy, hiện tượng thoảng đạt được ở thơ trong những trang "nhân dịp" vẫn dễ nghiêng về những gì giả tạo, lắp ghép, miễn cưỡng cho đầy các mặt báo; mà nhiều cây bút thường cố len lách để có chút nhuận bút hoặc danh hờ, nói rằng mình tồn tại quanh nàng-thơ.
Có nhà thơ - bạn tôi, đã có thời được cả hai năm ròng lênh đênh sống trên biển xa, đảo xa... để có thơ về biển, đảo, người lính, nhưng thực tế anh khá tinh khôn, không để phí thời gian để thực hiện những trang ký, ghi chép, và anh đã có được tới hàng nghìn trang về những "xâm nhập" ở biển, còn thơ thì như luôn chịu khoanh tay; anh chỉ nghiêm túc đưa ra trình làng không quá mười bài.
Một nhà thơ già cho hay, trong đời ông chỉ dám nhận hợp đồng để có ký, có kịch; song để có thơ ông cũng chưa bao giờ nhận bất cứ hợp đồng nào; Nhà xuất bản, cơ quan Hội hoặc tòa soạn nào hảo tâm thì đầu tư, ông không từ chối; tiền ấy nhà thơ hãy dùng cho các khoản khác của cuộc sống chứ tiền ấy chưa tạo ra nguồn cảm của thơ. Không những thế, quá trình săn đuổi những hình tượng thơ, nhà thơ luôn như người bị lừa; người đời biết yêu tật ấy ở nhà thơ già, thừa dịp lừa ông từ mũ phớt, ô, kính, áo... đến tủ chè! Nhưng rồi ông vẫn vào cầu, thắng đậm là có được những bài thơ đích thực, cảm xúc cao.
Nhà thơ áp tải Thanh Tùng (nhiều năm sống gắn trên những thùng xe hàng, áp tải hàng hóa, làm thơ trên những mảnh giấy xi măng, cây chì viết thơ lên cả những thùng hòm gỗ), tâm sự rất thật: "Có thể xuất khẩu thành những gì (một cách bản năng) tương tự thơ, rồi khi cố nhớ, chép lại thì những hình tượng hay chạy biến tăm tai”. Lạ hơn, nhiều đề tài người ta "đặt trúng" vào những điều đã có lần được anh ứng tác nhiều rồi như: cây đàn ghitar, như những ứng tác về rượu, đề tài đổi mới... Thanh Tùng đọc (nhiều phen) vẫn bị "gẫy".
Như vậy có thể thấy, mỗi nhà thơ đủ nghị lực bền bỉ phục chờ tứ thơ, bằng lối này hay lối khác lần ra bóng dáng bài thơ, làm những việc "bếp núc " khác của thơ... Nhưng không dễ tạo ra cảm xúc cho mỗi vấn đề, đề tài mình định biểu đạt. Đây là một đặc trưng nhưng thật vừa khó, vừa quí, vừa hiếm; thoắt xuất hiện, thoắt biến đi, nên nhiều khi nhà thơ đau khổ đến tột cùng vẫn không tìm thấy câu thơ buồn, ngược lại khi thật sự vui sướng cũng chưa chắc tạo ra được câu thơ của niềm vui hào khởi kia.
Lịch sử thơ không quên những nhà thơ của phong trào thơ công nhân, nhiều nhà thơ của phong trào thơ ấy (bản chất) như trời không sinh ra họ để làm thơ (?) Nhưng có một điều phần đông họ đã làm ra thơ theo kiểu "đặt hàng"; quan niệm thơ của họ có những điểm lệch, họ quen dùng những tiếng nói mạnh như những tiếng máy, số đông chưa chú trọng yếu tố giao-lưu-tình-cảm trong thơ; những vần thơ họ viết ra khô cứng. Sau thời kì ấu trĩ ấy (đã có) một số rất ít những nhà thơ thay đổi cách nói cho trang thơ dịu đi, nhưng đâu có thể làm như thế. Tôi nghĩ, họ cần được đổi thay từ gen máu thì họa chăng mới đến được thơ.
Có cái mũ trong những điều kiện cụ thể lại chính là cái đầu vì nó bảo vệ xương thịt, làm sáng danh cho những cái đầu mang đội nó. Những lúc khác cái mũ nơi đầu tóc người ta lại ở ngoài cái đầu đến kệch cỡm, trớ trêu, nhiều cái mũ từng đã làm khổ cho cái đầu; đầu đề cho mỗi bài thơ cũng vậy. Hình như với các nhà thơ nó đều sinh ra sau khi có bài thơ rồi. Chỉ những phóng viên, những người lo mi cho mỗi tập sách, những người lo lên khuôn tờ báo tường là quen cách kẻ phác và định đặt đầu đề trước cho mỗi "bài thơ". Ngược lại với các nhà thơ, nhiều khi viết xong bài thơ rồi vẫn thả mình cho những cảm xúc đã biểu đạt đươc, không lo việc tìm đề cho bài thơ; nhiều người trong nhiều trường hợp để mãi chữ tít không đề rồi "ám định" cho các biên tập viên và các bộ biên tập: thích đặt đầu đề bài thế nào cũng xong, miễn răng đã có thơ. Chuyện này đôi khi như thói quen, người ta đội mũ nón trong những điều kiện mưa nắng là cần, song lại có nhiều người đãng trí, lạm dụng tới mức không cho phép, đội mũ rộng vành, đội nón trong phòng họp, lớp học; mà bản thân anh ta đâu có làm nhiệm vụ của diễn viên sân khấu trong các buổi tập vở.
Và những-dải-áo nhiều khi cũng đã khoác lên thơ bay dài như những dải phướn cờ Phật, cũng nhiều phen làm lóa mắt người ta, không nhìn ra thơ nữa: điều ấy là tiếng gió trong đêm, là giấc mơ với nhiều chi tiết lạ, ly kì không có trong đời thực mỗi con người; điều đó đôi khi là tiếng đàn sáo nhiễu phá nhịp vần của thơ; điều đó đôi khi lại chính là cách đọc "không nghiêm", lên gân, gầm gào hoặc không chọn đúng vị trí để đọc thơ... Có cả những khi nhà thơ hăng say đến mức thái quá "đè" những người chung quanh ra để mà đọc lấy được, giữa lúc những người kia chưa chuẩn bị để được nghe thơ, nên ở đó có người khinh thường thơ mà rì rầm lánh sang chuyện khác, lại có người nhạt nhẽo đứng phắt dậy để khỏi phải nghe những thơ véo von như nhạc ấy...
Nay đang là thời đại con người được trang bị kênh-văn-hóa cao, thực tế số đông đã có những kiến thức, hiểu biết và cũng đồng cảm với thơ một cách không khó khăn, xa cách gì; nhưng đây phải đích thực là thơ, mà không bị ca-hò-vè nhàm chán lẫn vào. Do vậy, con người luôn luôn cùng nhà thơ sàng lọc và sáng tạo ra thơ; cái mới của những sáng tạo thơ sẽ thường xuyên tiếp cận được, ngay với công chúng; những gì ngoài thơ, mỗi nhà thơ hãy tự loại bỏ ra khỏi trang thơ mình trước, là cách làm tốt và hữu hiệu nhất.
Nhưng nói như trên, nói trúng, giải đáp đúng nhất; thơ vẫn muôn thuở cần khoảng cách để ngấm tỉnh lại - những nhà phê bình thơ sẽ giúp thơ tìm ra "chân lý" sâu đậm, tốt đẹp của hoa và của từng sáng tạo thơ.
X.N.
(TCSH53/01&2-1993)