Nghiên Cứu & Bình Luận
Dương Nghiễm Mậu - Hiện tượng tiêu biểu cho sự trở lại của văn học hiện sinh miền Nam (1955 - 1975)
09:43 | 17/11/2022


LÊ THỊ HƯỜNG

Dương Nghiễm Mậu - Hiện tượng tiêu biểu cho sự trở lại của văn học hiện sinh miền Nam (1955 - 1975)

Triết mĩ hiện sinh đến và lưu dấu trong văn chương miền Nam Việt Nam (1955 - 1975), gắn liền với những tên tuổi làm nên diện mạo văn học một thời. Là triết lí về thân phận con người, chủ nghĩa hiện sinh luôn đề cập nỗi khắc khoải, lo âu trong cuộc hiện tồn. Là một “thuyết nhân bản” (J.P.Sartre), các lí thuyết hiện sinh được đón nhận bởi sự đồng thuận trong cái nhìn về con người trong ý nghĩ “thượng đế đã chết”. Ở miền Nam, hiện sinh chính là khuynh hướng văn học nói lên được tiếng nói của một thế hệ mất mát. Văn nghệ sĩ miền Nam tìm thấy ở chủ nghĩa hiện sinh những vấn đề thuộc về nhân vị, tự do… phù hợp với tâm trạng của một bộ phận trí thức luôn băn khoăn về bản thể, về chiến tranh/hòa bình trước xáo động thời cuộc. Dương Nghiễm Mậu là một trong những nhà văn tiên phong trong việc tiếp nhận và thể hiện những chủ đề triết hiện sinh.(1) Sáng tác của Dương Nghiễm Mậu phản ánh được nhiều mặt xã hội miền Nam những năm tháng chiến tranh; là tiếng nói của một thế hệ đổ vỡ niềm tin, một thế hệ trẻ lạc lối, lưu đày trong cuộc hiện tồn phi lí. Tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu xoay quanh hai hướng chính. Một là, niềm hoài nhớ quê hương, đất nước, đặc biệt là nỗi nhớ về Hà Nội lắng đọng trong từng trang văn từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Đây chính là tâm trạng chung của một số nhà văn cùng thời, cùng hoàn cảnh với Dương Nghiễm Mậu như Mai Thảo, Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương… Hai là, xu hướng thiên về thân phận con người trong một hiện thực đổ vỡ, phi lí. Đây cũng là điểm gặp gỡ của các nhà văn miền Nam đương thời như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, v.v. Nhìn chung, vấn đề thân phận con người trong những biến động dữ dội của lịch sử - xã hội miền Nam chính là cảm hứng chủ đạo trong toàn bộ sáng tác của Dương Nghiễm Mậu. Những chỉ dấu hiện sinh đậm nét trong thế giới nghệ thuật của nhà văn này.

Thế giới vỡ nát

Theo Heidegger, con người luôn lo âu, bất ổn, mất niềm tin trong một “thế giới đổ vỡ”, phi lí. Camus với cái nhìn phi lí, cho rằng, cuộc đời này là “sự trì độn hay là sự dửng dưng, lạnh lùng của tự nhiên dẫn con người đến sự xa lạ”. Sartre quan niệm cuộc sống là “buồn nôn”. Quan niệm về cái phi lí của các triết gia phương Tây ảnh hưởng không nhỏ đến phần lớn các nhà văn miền Nam giai đoạn 1955 - 1975 mà Dương Nghiễm Mậu là một trong những nhà văn tiêu biểu. Tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu như tấm gương phản chiếu những năm tháng khốc liệt của chiến tranh và tâm trạng lo âu, mất niềm tin của một bộ phận trẻ trước một thực tại phi lí với những chuẩn mực giá trị bị xáo lộn.

Phản ánh đời sống xã hội miền Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, sáng tác của Dương Nghiễm Mậu ít có cảnh vũ trường náo nhiệt, những tình dục thác loạn, những cơn say vật vã tìm quên. Nhà văn không khuếch tán cái ác, bạo lực, tính dục đến mức “phì đại”, và ở cực khác, nhân tính luễnh loãng hoặc bị triệt tiêu. Sáng tác của Dương Nghiễm Mậu không cổ xúy cho lối sống trụy lạc với những con người trẻ tuổi quay cuồng trong quán bar, men rượu mà sớm đặt ra vấn đề mang tầm triết học, vấn đề thân phận con người. Đương thời, nhiều nhà văn đã phản ánh mặt trái của chiến tranh, là bạo lực, là phi nhân tính. Dương Nghiễm Mậu không nhấn sâu ngòi bút vào những hủy diệt phi nhân của chiến tranh. Ông chú trọng đến tác hại của nó ở chỗ đánh mất niềm tin của một thế hệ. Nhà văn chú ý đến những con người rã rời, hoang mang vì ngộ nhận hoặc không nhìn thấy ý nghĩa của cuộc chiến. Tham chiến/ dấn thân và mất tích, tàn phế, điên loạn hay cái chết. Một thế hệ bất lực trước mưu sinh và một thế hệ tiếp nối vẫn thấy lạc lõng và bất an, mất niềm tin vào chính mình. Tình yêu nhợt nhạt, tình dục vội vã chỉ để lấp đầy; gia đình rỗng, hôn nhân chỉ là sự bù lấp khoảng trống ở mỗi người. Trong nhiều truyện của Dương Nghiễm Mậu, diện mạo cuộc chiến chỉ được điểm xuyết vài nét, nhưng dấu tích của nó lại đậm sâu. Có khi chiến tranh chỉ là những âm thanh vừa khuếch tán, vừa đặc quánh, biểu hiện cái rã rượi, chán chường, một “thứ tiếng động của chiến tranh, thứ tiếng động mệt nhoài, tiếng động như lùa khỏi đầu khối chất lỏng đen để chỉ còn lại một khoảng trống ngu ngơ thờ thẫn biểu lộ trên nét mặt thiếu máu và ngái ngủ”. Có khi là những khoảng trống chiến tranh để lại nhức nhối, “hoàn toàn vắng vẻ, bên kia khoảng sân, khu trại lính vắng ngắt”; “Con đường vắng bóng người, mấy chiếc xe nhà binh chạy ngang” (Tiếng động buổi trưa). Cái phi lí của chiến tranh còn hiện ra qua những đám đông hỗn loạn: “Đám người đông nhộn nhạo, toàn một màu sẫm chết… Tất cả chỉ còn lại một khối di động lúc nhúc” (Nơi máu chảy, ngoài). Hình ảnh chó hoang, đàn kiến bò nối nhau gợi đám đông lặng lẽ, im lìm, tẻ nhạt. Trong giấc mơ của một nhân vật, mọi thứ chung quanh anh ta đều là nhầy nhụa. Gián, chuột, muỗi, bụi, máu, và những bộ phận của thân thể con người, “…thân thể người ta bỏ lại như một loài thảo mộc ở trên cùng khắp” (Một giấc mơ). Xã hội miền Nam trong cơn bão lửa chiến tranh là một thế giới đổ vỡ, bất an, phi lí. Niềm tin chao đảo. Con người tồn tại trong cuộc sống “tầm thường” (Heidegger), “phi lí” (Camus), “buồn nôn” (Sartre). Nhân vật của Dương Nghiễm Mậu là những con người bị “ném vào thế giới này”, xa lạ, lạc lõng trong gia đình, ngoài xã hội, với chính mình.

Thân phận dòn mỏng của con người

Sartre xem nỗi bất an, sự buồn bã, lạc lõng, phi lí, hư vô… là nền tảng của cuộc hiện tồn. Theo Mounier, “cảm nghĩ nổi bật về thân phận dòn ải của con người từ Pascal cho đến Sartre đó là sự lo âu, xao xuyến, sự chóng mặt” (E. Mounier, Những chủ đề triết hiện sinh (Thụ Nhân dịch), Sài Gòn: Nhị Nùng, 1970, tr.9). Tiếp nhận cội rễ hiện sinh, từ cái nhìn hiện tượng luận, các nhà văn miền Nam đã mô tả thân phận con người từ một “hiện thực vỡ nát”. Sáng tác của Dương Nghiễm Mậu là chứng tích cho tâm trạng lạc lõng cô đơn của tuổi trẻ. Câu hỏi về hiện tồn lặp đi lặp lại: con người phải làm gì, cần làm gì để thoát khỏi tình trạng phi lí, để xác tín nhân vị. Trong tiểu thuyết Tuổi nước độc, Ngạc có mặt trong gia đình mình như một sự đày ải, ở đó anh trở thành tha nhân, và buộc phải chấp nhận cái phi lí. Ngạc hiện tồn trong một không gian ngột ngạt, đầy tiếng chửi, tiếng khóc, tiếng than… kể cả sự im lặng cũng đặc quánh. Ngạc dự phần trong một thế giới mọi thứ đều trở nên vô nghĩa, những cái chết đầy bí ẩn, những vụ mất tích, bạn bè thưa thớt dần, tình yêu nhạt thếch. Dần dà, Ngạc dửng dưng trước mọi việc. Anh dửng dưng trước việc đứa em cùng cha khác mẹ chà bàn là nóng lên khuôn mặt của mình. Trong “không khí lơ láo” đó, Ngạc mang khuôn mặt bị tàn phế và tâm hồn bị sang chấn nặng nề. “Những tháng ngày thảng thốt vây lấy tôi trong trống rỗng vô nghĩa”; “Tôi thấy tôi như bị khoét rỗng” (Tuổi nước độc). Sự hủy hoại âm ỉ từ bên trong lẫn bên ngoài. Trống rỗng tinh thần. Rã rượi thân xác. Qua Ngạc là chân dung một thế hệ “tuổi nước độc”; một thế hệ không có tuổi thơ, tuổi trẻ lướt qua tàn nhẫn và hiện tại “đang sống trong một cơn mê sảng”. Đó là những con người bị chấn thương thân xác, sang chấn tinh thần, mất niềm tin, hoài nghi tôn giáo, xa lạ với chung quanh.

Nhân vật của Dương Nghiễm Mậu luôn đặt câu hỏi về mục đích sống. Tại sao tôi được sinh ra? Tôi sống làm gì? Vì sao tôi làm điều này mà không làm điều khác? Tôi phải làm gì với cuộc sống làm tôi phát mửa lên? Họ sống không mục đích, không biết mình đang làm gì - “Tôi đứng dậy vào trong nhà, đi tiểu, rửa tay, soi gương, chải đầu”, “…uống rồi đi đái, đi đái rồi uống tiếp” (Người con trai ngoại tình); “Tôi đi, tôi đứng ngó, tôi sờ vào bụng bức tượng”; “tới bên thùng thư, tôi thò tay vào trong bụng lấy phong thư ra vuốt cho thẳng rồi bỏ vào khe hở, tôi ngó vào cho được yên tâm, phong thư đã lọt xuống dưới. Bây giờ đi đâu, tôi trở ra đứng vơ vẩn trước cửa ngó sang bên kia đường” (Tuổi nước độc). Chuỗi hành động lặp đi lặp lại trống rỗng đó phản ánh tâm trạng của một thế hệ trẻ luôn cảm thấy thừa mứa trước đời sống quá bề bộn, quá đầy, làm cho họ “phát mửa lên”. Luận thuyết về hữu thể và vô thể, J. P. Sartre cho rằng điều đáng kể trong một chiếc bình, chính là cái trống rỗng ở giữa. Theo nhà văn - triết gia này, ý thức con người là cái trống rỗng đó và con người luôn cảm thấy cái trống rỗng đặc biệt đó ở trong bản thân mình. Từ góc nhìn hiện sinh, nhân vật của Dương Nghiễm Mậu luôn cảm giác sự trống rỗng trong đời sống thường nhật quá bề bộn, quá đầy. “Rỗng” trở thành biểu tượng lặp lại với tần suất cao trong nhiều tác phẩm của ông. Con người lừng khừng với trạng thái tâm hồn trống không, “những ngày tháng thảng thốt vây lấy tôi trong trống không vô nghĩa”; “Tôi lạ ra trong đám đông”; “Tôi cúi xuống nhìn vào lòng bàn tay mình. Trong lòng bàn tay tôi nào có gì…” (Trong lòng bàn tay). Một nhân vật nữ của Dương Nghiễm Mậu bộc bạch: “Mỗi ngày em một thấy buồn hơn…; em mỗi lúc một thấy cô đơn; em là một người hoàn toàn xa lạ với chung quanh.” (Buổi sáng trong vườn cây xanh). Bi kịch là ở chỗ họ vừa chối bỏ thực tại phi lí đó, lại buộc phải chấp nhận nó. Nhân vật đối thoại/tự đối thoại, tra vấn/tự tra vấn nhưng câu trả lời cho nhân vị không có tín hiệu. Chỉ có phi lí bủa vây. Chỉ có những con người không biết phải làm gì, nhưng lại biết rõ về sự trống rỗng, thừa thãi của mình. Con người trống trải hiện tại, phấp phỏng tương lai, mơ hồ kí ức và luôn đặt ra câu hỏi: Tôi là ai? Câu trả lời chỉ dẫn đến một chuỗi hoài nghi siêu hình: “Tôi đã được sinh ra… Nhưng ai là con người đầu tiên? Ai sinh ra con người? Thượng đế sinh ra con người. Thượng đế là ai? Thượng đế là ai? Ai sinh ra thượng đế?...” (Sợi tóc tìm thấy). “Tôi là hư vô”, “Có thực là tôi hư vô?”, “Tôi hư vô phải không?”, là những câu khẳng định lẫn nghi vấn, phủ định lặp lại nhiều lần mỗi khi nhân vật tra vấn chính mình. Để trả lời câu hỏi Tôi là ai? Ngạc nhìn khuôn mặt méo mó của mình trong gương - “nửa mặt tôi bị đốt cháy, da co dúm lại như một mớ giẻ rách… mắt bị kéo xếch lên và trở thành trơ trẽn” (Tuổi nước độc). Motif đối ảnh, soi gương, giấc mơ xuất hiện với tần suất lớn là biểu tượng của nỗi bất an quá ngưỡng - “Tôi bần thần nhìn vào li cà phê đen và soi thấy khuôn mặt mình hốc hác, buồn thảm, im lìm dưới đó” (Trong lòng bàn tay). Những giấc mơ khuyết trống, những khuôn mặt người quen, lạ, hòa vào nhau rồi tách ra, méo mó - “ai cũng lướt qua tôi như xa lạ”. Một giấc mơ là hành trình phân thân, tôi/hắn là hình và bóng/bóng âm. “Tôi” nhìn vào gương nhưng không thấy gương mặt mình mà chỉ thấy khuôn mặt của “hắn”. Tôi đối diện với hắn nhưng không thấy cả tôi lẫn hắn, dù hắn luẩn quẩn trong tôi. Dòng ý thức tuôn chảy, rối rắm, đứt nối. Ngôn ngữ trùng điệp, tràn chảy, lặp lại, va đập. Những phát ngôn nghịch lí trong giấc mơ cho thấy tâm trạng lo âu, chán chường khi con người suy tư, đối diện với sự mục ruỗng và mặc cảm vì sự thừa thãi của mình: “Sao lại là tôi? Sao lại là anh? Sao lại là tôi? Sao tôi không là một đồ vật như chiếc bàn, chiếc ghế nào đó? Tôi sao không là anh?” Phi lí cả trong mơ.

Những lựa chọn hiện sinh

Tiếp nhận quan niệm dấn thân của Sartre và tư tưởng phản kháng/nổi loạn của Camus, tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu đặt ra vấn đề lựa chọn của một tầng lớp trẻ trong cơn biến động của lịch sử. Mỗi người mang vác một số phận, lựa chọn một con đường. Giữa cơn binh biến, kẻ du học trong con mắt khinh miệt của bạn bè, kẻ tham chiến rồi thất vọng, người trốn chạy. Nhân vật của Dương Nghiễm Mậu lựa chọn viết như một cách khẳng định nhân vị. Những trang viết đánh dấu sự hiện hữu cá nhân. Con người hiện tồn qua những con chữ do mình tạo ra, hay nói cách khác, qua “dấu vân chữ” của mình. Viết để lấp đầy. Viết như một hành vi truy tìm bản thể. Như là một cách sắp xếp lại mình. Sau những day dứt mất mát, Trịnh (Tuổi nước độc) chọn con đường viết văn. Trịnh muốn “trình bày những thực tại về đất nước, thân phận những người còn phải sống”, nhưng một khi tâm thức không muốn dung nạp, thì ngòi bút cũng cùn mòn. Trong không gian đặc quánh với “những bàn ghế cô đơn nằm im từng góc”, tôi “muốn được cất tiếng nói nhưng không khí nặng nề mệt mỏi làm tôi không sao thốt ra được” (Trong lòng bàn tay). Hành động viết không do đam mê sáng tạo, mà như một sự lên tiếng, giải tỏa mặc cảm thừa mứa, vong thân. Viết như một lựa chọn để “lấp đầy cái thực tại” trống rỗng này. Bên cạnh đó, trong nhiều lựa chọn, đi là một cách thức phổ biến. Chối bỏ gia đình, chối bỏ bầu khí quyển ngột ngạt, Ngạc lựa chọn sự ra đi như một cách nổi loạn. “Tôi biết mình đang sống trong một cái lưới, với một không khí tức thở ngột ngạt”; “Tôi tự thấy tôi vô lí - tự giam mình vào một nơi mình chán, mình phát mửa lên” (Tuổi nước độc). Cảm giác buồn nôn cho thấy rõ hơn cái phi lí phận người. Phương thú nhận: “Em giống một người nào đó rất lạ không bao giờ có trong nhà này”; “Em đi để lãng quên căn nhà cũ, những khuôn mặt kinh tởm tàn bạo vây quanh, không khí nhuốm độc vây phủ” (Buổi sáng trong vườn cây xanh). Đi để tìm kiếm chính mình, nhưng giữa muốn và hành động là một khoảng cách gập ghềnh, cuối cùng vẫn là câu hỏi “đi đâu?”; và lại là cô đơn, mặc cảm - “Chúng tôi vô vọng trước cuộc sống”; “Bọn cháu có một mặc cảm lớn với đời sống”. Không thỏa hiệp với hiện tồn, nhiều lúc nhân vật của Dương Nghiễm Mậu lựa chọn cái chết. Nhân vật luôn ý niệm về hư vô đời người, nghĩ về cái chết, đối mặt với cái chết cận kề. Chủ nghĩa hiện sinh nhìn nhận cái chết như một tất yếu của hiện tồn. “Để thoát được âu lo và tìm được ý nghĩa của sự tồn tại, con người cần phải thường xuyên ý thức về cái hữu hạn, về cái chết” (M. Heidegger). Con người hiện sinh chống lại nỗi sợ và cái phi lí bằng kết thúc cuối cùng là cái chết (A. Camus). Luận bàn về cái phi lí và tự sát, Camus quan niệm, tự sát “đó chỉ là việc thú nhận rằng cuộc sống “không đáng sống”. Đây là cái cách nhân vật của Dương Nghiễm Mậu cảm nhận về sống/chết/tự hủy qua diễn ngôn đối thoại: “- Tự tử, ai điên gì tự tử. - Anh cứ tưởng người ta điên mới tự tử sao? Không đâu, có lúc tôi nghĩ chính mình điên mới sống, người ta chẳng hề điên khi tự tử” (Trên đường dài). Xa lạ, lưu đày, không thỏa hiệp với hiện tồn, mặc cảm về sự dư thừa vô nghĩa, con người luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Có khi sự-sống-sót mới chính là bi kịch trong một thế giới đổ vỡ: “Em kinh hoàng lo âu với đời sống… cũng khó mà chấp nhận để sống cũng khó”. (Buổi sáng trong vườn cây xanh). Khi cảm thức về tình thế lưu đày không thể nào cứu vãn, con người tự diệt - đó là hành vi phi lí nhưng suy cho đến cùng là hữu lí vì cũng là một sự lựa chọn. Thật ra, sống chết là lẽ thường tình; như qui luật, như đích đến của mỗi con người. Vì vậy, trong sáng tác của Dương Nghiễm Mậu, biểu tượng huyệt mộ, đám tang, nghĩa trang… lặp lại với tần suất cao, thể hiện mĩ cảm về cái chết của nhà văn. Trong đám tang cha, mọi thứ đều xa lạ, chỉ có tiếng sáo vút lên rộn rã. (Tiếng sáo người em út). Trong đám tang người bạn, tiếng hát của một thời thơ trẻ cất lên rộn ràng như một khúc ca vui tiễn biệt. (Sáng mùa xuân). Đó là lối sống “xa lạ hơn một kẻ xa lạ” (Kafka). Dưới cái nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, con người trong quan niệm của Dương Nghiễm Mậu là những kẻ xa lạ, lưu đày trong các mối quan hệ, kể cả với chính mình.

Hòa trong khuôn diện văn học hiện sinh miền Nam Việt Nam (1955 - 1975), sáng tác của Dương Nghiễm Mậu góp phần nói lên tiếng nói của một thế hệ nhà văn có ý thức về sứ mệnh văn chương đối với thân phận con người trong cơn bão loạn của lịch sử. Hành trình sáng tác của Dương Nghiễm Mậu trải qua nhiều thăng trầm, do quan niệm, tầm đón của một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Trong giai đoạn chuyển giao hệ hình văn học theo xu hướng toàn cầu hóa, việc tái bản những tác phẩm hiện sinh ở miền Nam nói chung và tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu nói riêng mang nhiều ý nghĩa.(2) Trước hết, nó xóa bỏ khoảng cách với lí thuyết hiện đại phương Tây, tránh được cái nhìn phê phán một chiều, lấp đầy khoảng trống trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Rộng và sâu xa hơn, sự trở lại những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XXI như một chứng tích cho sự bền vững của chủ nghĩa hiện sinh, khẳng định sức sống của một hệ tư tưởng nhân bản và mức độ lan tỏa bền bỉ của nó trong văn học nhân loại.

L.T.H
(TCSH404/10-2022)

 

_________________

1 Nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn nhận vai trò tiên phong của Dương Nghiễm Mậu trong văn học hiện sinh miền Nam. Trong Từ điển văn học (Nxb. Thế Giới) các tác giả xếp Dương Nghiễm Mậu vào lối viết hiện sinh: “Dương Nghiễm Mậu là một trong những nhà văn Việt Nam thế hệ 60-70 đã đào rất sâu vào bản chất của cuộc hiện sinh con người... Ông đứng riêng một cõi, dường như không có bạn đồng hành, và đã tạo được một lối cấu trúc về truyện ngắn, truyện dài nằm trong nhân sinh quan bao quát của triết học hiện sinh và vô thần...".
2 Năm 2007, Công ty Phương Nam phối hợp Nxb. Văn nghệ tái bản bốn tập truyện của Dương Nghiễm Mậu gồm: Nhan sắc, Đôi mắt trên trời, Tiếng sáo người em út, Cũng đành. Tiểu thuyết Tuổi nước độc (viết từ năm 1966) được Nxb. Hội Nhà văn tái bản năm 2018.

______
Tài liệu tham khảo:

1. Camus, Albert. Một lập luận phi lí. (Nguyễn Văn Dân dịch). Truy cập ngày 15/7/2020, từ nguồn https://bookhunterclub.com/mot-lap-luan-phi-ly/
2. Trần Thái Đỉnh. (2018). Triết học hiện sinh. Hà Nội: Văn học.
3. Flym, Thomas. (2018). Chủ nghĩa hiện sinh - Dẫn luận ngắn. (Đinh Hồng Phúc dịch). Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng hợp.
4. Foulquie, P. (1968). Chủ nghĩa hiện sinh. (Thụ Nhân dịch). Sài gòn: Thế sự.
5. Mounier, E. (1970) Những chủ đề triết hiện sinh. (Thụ Nhân dịch). Sài Gòn: Nhị Nùng.
6. Sartre, Jean Paul. (2015). Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản. (Đinh Hồng Phúc dịch). Hà Nội: Tri thức.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng