Nghiên Cứu & Bình Luận
Các nhà thơ mới xứ Huế qua con mắt phê bình của Hoài Thanh trong 'Thi nhân Việt Nam'
15:39 | 30/12/2022

HỒ THẾ HÀ

Hoài Thanh (1909 - 1982) là nhà nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam tài danh. Ông hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực báo chí và văn học từ đầu những năm 30 của thế kỷ XX cho đến khi qua đời.

Các nhà thơ mới xứ Huế qua con mắt phê bình của Hoài Thanh trong 'Thi nhân Việt Nam'
Ảnh: tư liệu

Các tác phẩm chính của ông gồm: Văn chương và Hành động (1936), Thi nhân Việt Nam (soạn chung với Hoài Chân, 1941), Có một nền văn hóa Việt Nam (1946), Quyền sống của con người trong Truyện Kiều (1949), Nói chuyện thơ kháng chiến (1951), Phê bình và tiểu luận (3 tập, 1960-1971), Toàn tập Hoài Thanh (1999)…

Trong lĩnh vực văn chương, ông là người đam mê và nhiệt huyết. Với quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, ông đã từng chủ động tham gia cuộc tranh luận với quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” của Hải Triều kéo dài từ năm 1935 đến 1939 và trở thành người đại diện cho khuynh hướng lý luận của văn học lãng mạn đương thời, dù thực chất những ý kiến của ông, xem xét đến tận cùng, không phải tất cả đều thuộc về “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hoài Thanh nhiệt thành tham gia cách mạng, từ bỏ quan niệm nghệ thuật lãng mạn trước đây để chuyển hướng vào quan niệm nghệ thuật cách mạng mà Nói chuyện thơ kháng chiến (1951), Phê bình và tiểu luận (3 tập, 1960-1971) và nhiều công trình khác là tiêu biểu cho thành tựu nghiên cứu, phê bình văn học của Hoài Thanh thời kỳ ông tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến.

Hoài Thanh là người có kiến văn rộng và phong phú cùng trình độ thẩm văn tinh tế, có khả năng phát hiện ở chiều sâu ngữ nghĩa của hình tượng và ngôn từ thơ để chỉ ra giá trị triết mỹ sâu sắc của tác phẩm với giọng văn nhẹ nhàng, tươi mát mà sâu sắc, tài hoa và tinh nhạy. Từ đó, ông phát hiện ra thi pháp và phong cách độc sáng của từng tác giả, tác phẩm mang tính thực tiễn và dự báo về con đường thơ tương lai của họ một cách sâu sắc, đúng đắn.  Ông trở thành một trong những nhà phê bình văn học có uy tín, góp phần vào thành tựu và sự phát triển của nền phê bình văn học hiện đại Việt Nam.

Một trong những công trình nổi tiếng và quan trọng trong sự nghiệp văn học của ông là Thi nhân Việt Nam (1942). Đây là công trình hợp tuyển và nghiên cứu, phê bình Phong trào Thơ mới Việt Nam 1932-1945 với sự tổ chức và kết cấu có tính thao tác và khoa học mới mẻ, bao gồm bài tiểu luận quan trọng: Một thời đại trong thi ca. Sau đó là phần giới thiệu, phê bình, tuyển thơ của 44 nhà thơ mới đương thời. Cuối cùng là lời bạt Nhỏ to thể hiện tâm sự của Hoài Thanh và Hoài Chân về việc biên soạn công trình của mình để người đọc hiểu thêm cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề trong quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, ở đầu Hợp tuyển, có bài Cung chiêu anh hồn Tản Đà với dụng ý để mọi người hiểu Tản Đà là người rất gần gũi với các nhà thơ mới, người “đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa” [1, tr.6]. Hoài Thanh xem Tản Đà là cái gạch nối nối liền giữa truyền thống và hiện đại: “Có tiên sinh, người ta sẽ thấy rõ chúng tôi không phải là những quái thai của thời đại, những đứa con thất cước không có liên lạc gì với quá khứ của giống nòi” [1, tr.6].

Thi nhân Việt Nam được mọi người xem là công trình nghiên cứu, phê bình có giá trị cao về Phong trào Thơ mới. Tác phẩm ra đời sau 10 năm phong trào có chặng đường phát triển với tốc độ nhanh và chưa đến hồi kết thúc, nhưng nó có ý nghĩa như một công trình tổng kết cả Phong trào thơ rộng lớn và sôi nổi. Nó trở thành Hợp tuyển xuất sắc, nổi bật trong đời sống văn học Việt Nam đương thời, đánh dấu bước khởi đầu và thành tựu “nhảy vọt” của lĩnh vực phê bình văn học Việt Nam thời hiện đại.

Hoài Thanh đã tâm sự trong lời Nhỏ to cuối sách “tuy còn bỏ sót nhiều, ít ra tôi cũng đã xem mươi quyển thơ như quyển này. Lắm khi xem một trăm bài thơ, chỉ có một bài trích được. Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở. Nếu làm xong quyển sách này mà không chê chán vì thơ, ấy là điều tôi rất mong mỏi” [1, tr.344].

Kết quả, Hoài Thanh cân nhắc và chọn ra được 44 tác giả để đưa vào Hợp tuyển Thi nhân Việt Nam. Tuy không phải tất cả đều cùng đẳng cấp,  cùng trình độ nghệ thuật và thi pháp, nhưng được ông cho là đạt được tiêu  chí và danh hiệu nhà thơ/ tác giả mà ông đề ra. Việc chọn lựa số lượng thơ từng tác giả để đưa vào Tuyển cũng như sự giới thiệu, phê bình thơ của từng người nhiều ít hoặc dài ngắn khác nhau, nhưng đều toát lên sự tài hoa, tinh   tế trong cách chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật thơ ở bình diện chỉnh thể để từ đó, Hoài Thanh phát hiện ra chất thơ, hồn thơ, tài năng thơ từng người và dự cảm tương lai thơ của họ bằng diễn ngôn phê bình nhẹ nhàng, hấp dẫn, giàu tính nghệ thuật.

Hoài Thanh cũng tạm thời siêu hình trong cách tiếp nhận và chiếm lĩnh thi giới của từng nhà thơ, nhóm thơ mà phân chia các khuynh hướng thơ như:

Xóm Sông Thương: Bàng Bá Lân, Anh Thơ…
Xóm Tự lực: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận…
Xóm Phương Đông: Lưu Trọng Lư, Thái Can…
Xóm Huế: Phan Văn Dật, Nam Trân, Nguyễn Đình Thư…
Xóm Bình Định: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…
Xóm Hà Tiên: Đông Hồ, Mộng Tuyết…

Cuối phần Nhỏ to, Hoài Thanh có tâm sự về mình: “Quyển sách này ra đời, cái điều tôi ngại nhất là sẽ mang tên nhà phê bình. Hai chữ phê bình sao nghe nó khó chịu quá! Nó khệnh khạng như một ông giáo gàn. Bình thì cũng còn được. Nhưng phê? Sao lại phê?

Vậy tôi viết gì đây và trong làng văn danh hiệu tôi là gì? Chẳng hạn có thể gọi những bài tôi viết là tùy bút, tùy hứng… Nhưng không lẽ tôi là một nhà tùy bút, một nhà tùy hứng, hay một tùy bút gia, một tiểu-luận tác-giả (hai chữ sau này, ô. Đào Duy Anh dịch chữ essayiste)” [1, tr. 348].

Dù ngại ngùng rào đón như vậy, nhưng mọi người đều thừa nhận Hoài Thanh là nhà phê bình văn học đích thực, tài hoa và Thi nhân Việt Nam là công trình phê bình thơ tiêu biểu, có giá trị nghệ thuật và học thuật cao.

Trong bài viết ngắn này, tôi muốn tìm hiểu phần phê bình của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam về các nhà thơ xứ Huế (Xóm Huế), bao gồm: Thanh Tịnh, Phan Văn Dật, Nam Trân, Nguyễn Đình Thư, Thúc Tề, Xuân Tâm, Thu Hồng, Phan Thanh Phước, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư… để khẳng định tài năng và “con mắt xanh” của Hoài Thanh cách đây gần một thế kỷ đã phê bình và đánh giá các nhà thơ này một cách chân xác và đa dạng.

Với Thanh Tịnh

Thanh Tịnh được tuyển vào Thi nhân Việt Nam chỉ hai bài thơ Mòn mỏi Tơ trời với tơ lòng, nhưng Hoài Thanh đã đọc và gặp Thanh Tịnh nhiều hơn thế ở cả thơ và ở con người thực ngoài đời nên đã cảm nhận và chỉ ra được một cách bất ngờ về hồn thơ và chất thơ Thanh Tịnh ở phần sâu thẳm của chúng: “Xem thơ Thanh Tịnh cái cảm giác trổi nhất của tôi là thấy cái gì cứ dàn trải, dàn trải hoài mà lạc lỏng. Có lẽ là một mặt hồ. Cũng chưa đúng. Hồ còn có bờ, có hình nhất định. Ở đây không có bờ, và nước - âu cũng phải gọi là nước - cứ chảy tràn lan. Những cảnh sắc in hình trên mặt nước vẫn thường thay đổi; có khi là một cây liễu rũ, cũng có khi là lũy tre. Nhưng sắc dầu có khác cảnh bao giờ cũng chỉ ngần ấy nước mà thôi. Có một lần người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu (tập thơ của Thanh Tịnh: Hận chiến trường, mấy vần thơ máu, 1936), nhưng khi người ta tới nơi, nó lại biến đâu mất. Thì ra một ảo ảnh”. [1, tr.73].

Chất thơ của Thanh Tịnh còn được Hoài Thanh phát hiện ở cạnh khía trữ tình, nhẹ nhàng, kín đáo mà mông lung, xa vời như những ngọn gió thổi qua ngọn núi xa và làn nước cũng xôn xao vươn mình theo chiều gió: “Kể chỗ này cũng trống trải. Hình như đằng xa kia có vài ngọn núi. Nhưng đây vẫn là nơi hò hẹn của những ngọn gió bốn phương. Mỗi lần gió đến, mặt nước không buồn cưỡng, cứ tự nhiên lướt theo chiều gió. Có khi người ta còn thấy nó vươn mình lên cho ngang tầm gió. Nhưng gió qua lại thôi và rồi nó cũng giữ lại được cái mềm mại, cái ẩn ước là bản sắc của nó” [1, tr.74]. Với những lời bình ngắn gọn mà vời xa như thế, Hoài Thanh đã giúp người đọc hình dung và cảm nhận được hồn thơ Thanh Tịnh buổi đầu đến với thơ và thao thức cùng thơ. Chất thơ ấy kéo dài đến thời kỳ kháng chiến về sau để hòa nhập vào chất thơ mới dào dạt tình đời của Thanh Tịnh.

Với Thúc Tề

Thúc Tề sinh năm 1916 ở Huế và từ giã cõi đời rất sớm vì một tai nạn. Ông làm thơ ít nhưng hồn thơ ông thật kỳ lạ, vương vấn nỗi niềm sơn thủy. Hoài Thanh chọn bài thơ đặc sắc nhất của Thúc Tề là Trăng mơ để đưa vào Tuyển với lời bình ngắn gọn, nhưng đã lột tả được chất thơ nhẹ nhàng mà quyến rũ của một nhà thơ tài hoa, nhưng mệnh yểu, qua đó, không chỉ giúp người đọc hiểu Trăng mơ mà sâu hơn là hiểu sự quyến rũ của thơ Thúc Tề nói chung. Nó như vầng trăng mơ màng trong ký ức buồn man mác, vừa thực vừa mơ của miền sông Hương, núi Ngự mờ sương: “Tôi yêu bài Trăng mơ của Thúc Tề. Mở bài ra, hồn thi nhân kéo mình lê thê trên trang giấy, chán nản, uể oải. Có lẽ nó đã nhập vào cái vừng trăng kia, “ẻo lả” khi nằm mơ, “lười biếng” khi thức dậy. Nhưng khi đã tỉnh, nó mới linh động làm sao. Nó uyển chuyển như một người đẹp. Cái mệt mỏi của Dương Quý Phi với cái nhẹ nhàng của Phi Yến” [1, tr.76].

Và giờ đây đọc lại Trăng mơ của Thúc Tề, ta vẫn vấn vương với lời bình đầy ấn tượng cảm giác và thị giác của Hoài Thanh: “Một đêm mờ lạnh ánh gương phai,/ Suốt dải sông Hương nước thở dài./ Dào dạt sóng buồn khua bãi sậy,/ Bập bềnh bên mạn chiếc thuyền ai.// Mây xám xây thành trên núi Bắc,/ Nhạc mềm chới với giữa sương êm./ Trăng mờ mơ ngủ lim dim gật,/ Ẻo lả nằm trên ngọn trúc mềm.// Nhịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma,/ Biến mất vì nghe giục tiếng gà./ Trăng tỉnh giấc mơ, lười biếng dậy,/ Động lòng lệ liễu, giọt sương sa.// Lai láng niềm trăng tuôn dạ nước,/ Ngập tràn sông trắng gợn bâng khuâng./ Hương trăng quấn quít hơi sương ướt,/ Ngân dội lời tình điệu hát xuân.”. Đúng là “vừa uyển chuyển vừa mệt mỏi”, “vừa ẻo lả vừa lười biếng” như cảm nhận của Hoài Thanh.

Với Xuân Tâm

Xuân Tâm sinh năm 1916, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, ra Huế học ở trường Chaigneau, trường Quốc học. Yêu cảnh, mến người xứ Huế, rồi làm thơ về Huế. Thơ Xuân Tâm đăng nhiều trên Tân văn và Sông Hương cùng tập thơ Lời tim non (1941) được người đọc yêu mến đón nhận và xem ông như là nhà thơ xứ Huế. Ông là nhà thơ đa tình, tức cảnh sinh tình, yêu người và yêu cảnh Huế đến say đắm mà Hoài Thanh đã phải lấy hai câu ca dao phổ biến để vận vào ông: “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”.

Đọc toàn bộ thơ Xuân Tâm, Hoài Thanh đã xuất phát từ hình tượng và ngôn từ thơ để đi đến những nhận định mang tính ấn tượng, nhưng rất đúng với chất thơ của một nhà thơ xứ Quảng nặng lòng với Huế: “Tôi không rõ Xuân Tâm, người học trò Quảng ấy, có phải lòng một cô gái Huế không? Nhưng cảnh Huế cũng là một cô gái và cô gái này đã quyến rũ lòng non trẻ của Xuân Tâm.

Mặc dù cảnh Huế cơ hồ Xuân Tâm không nói đến, không khí sông Hương núi Ngự vẫn man mác trong thơ Xuân Tâm. Tìm kiếm Xuân Tâm hoài, tôi  chỉ thấy một ít Xuân Diệu, một ít Huy Cận, và rất nhiều Huế. Một Xuân Diệu không tha thiết, một Huy Cận không buồn mênh mông, một xứ Huế không có cái bâng khuâng của Phan Văn Dật, cái vẻ tài hoa của Nguyễn Đình Thư, cái dáng non yếu của Mộng Huyền, cái vẻ ngây thơ của Thu Hồng, cái ẩn ước của Thanh Tịnh. Huế ở đây trong sạch, đứng đắn và nhất là có chừng mực. Nhà văn sĩ Pháp Pujarniscle viết về Huế có câu: “Thành phố mỉm cười khi thương đau, thở than khi vui vẻ”.

Quả có thế. Vui hay buồn ở Xuân Tâm đều có vẻ dịu dàng, vừa phải. Ta hãy xem khi người buồn:

Đám cưới, người ta vui vẻ nhỉ;
Pháo tràng gieo đỏ, tiệc liên miên;
Riêng tôi đi tránh, buồn và nghĩ:
- Cảnh ấy nào đâu phải cảnh tiên…

Và khi vui:

Thấy chiều, hớn hở tôi ra đón
Như đứa trẻ con thấy mẹ về.
Chiều buồn, chiều đẹp, chiều mơn trớn
Chiều ru êm ái, khúc lòng tê.

Vui hay buồn cũng phảng phất như nhau.

Còn khi Xuân Tâm giận dữ thì lại thực… buồn cười: người như Xuân Tâm có lẽ không giận dữ được. Người mến tình yêu, ghét dục vọng. Muốn giữ vẻ thiêng liêng cho tình yêu; người hung hăng quát tháo:

Ôi khốn nạn! Ôi điên rồ! Giận tức!
Đuổi đi mau Xác Thịt, đuổi đi mau
Dắt nó ra, ném nó xuống dưới lầu
Đẹp đẽ và nguy nga tình Yêu Mến…

Tôi tưởng tượng cái cười ranh mãnh của Xác Thịt, trong khi bị nhà thơ đuổi. Nó biết cái người hét nhiều và nói nhiều ấy chỉ tức giận vờ, và đã ân cần bảo “dắt nó ra” thì chẳng có gan nào ném nó đâu!

Đứng trước cuộc đời, Xuân Tâm có vẻ dè dặt. Cảnh trời hay tình người, Xuân Tâm chỉ muốn hưởng ở xa xa. Có khi mơ tưởng cảnh Đế thiên, người thấy những tượng đá thử thách Thời gian. Nhưng Thời gian chịu thua.

Mưa không tuôn, gió lặng, sấm không vang,
Trời nhạt nhạt sắp buông lời thân thiện…

Ấy bất cứ đề gì lời thơ vẫn một giọng nhẹ nhẹ, êm êm. Nó chậm chậm đi vào hồn ta như một buổi chiều Xuân Diệu”. [1, tr.146-147].

Có thể nói qua lời bình và trích dẫn ngắn gọn về thơ Xuân Tâm như trên, Hoài Thanh đã cho chúng ta hiểu không chỉ chất thơ riêng của Xuân Tâm, mà qua đó còn liên hệ cho chúng ta hiểu thêm nét riêng về thi pháp của những nhà thơ khác thuộc Phong trào Thơ mới cùng sống, đồng hành sáng tác ở miền đất Kinh đô Huế thời kỳ 1932 - 1945 cùng với Xuân Tâm như: Xuân Diệu, Huy Cận, Phan Văn Dật, Nguyễn Đình Thư, Mộng Huyền, Thu Hồng và Thanh Tịnh. Kiểu phê bình liên hệ, so sánh, đối chiếu mang tính chấm phá, ấn tượng, nhưng chính xác và bất ngờ này là biệt tài của Hoài Thanh. Qua đây, ta thấy sức hội tụ thi ca của miền địa - văn hóa Huế bàng bạc trong thơ là hấp dẫn như thế nào!

Với Thu Hồng

Thu Hồng sinh năm 1922, ở Tourane, nhưng chánh quán lại ở làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế; học ở Trường Đồng Khánh Huế. Đương thời, Thu Hồng đã xuất bản thi tập Sóng thơ với âm hưởng nhẹ nhàng, giàu suy tư, quyến rũ về tình yêu và mang đậm bản sắc con người, thiên nhiên Huế, nhất là giọng điệu Huế. Hoài Thanh đã nắm bắt hồn thơ mang thiên tính nữ riêng ấy của Thu Hồng nên ông mời gọi mọi người cùng thưởng thức: “Người ta vốn nói giọng Huế phải nghe từ giọng con gái Huế mới có duyên. Lần thứ nhất trên thi đàn ta được nghe giọng một người gái Huế; mà lại là một người trong Hoàng tộc: Tôn Nữ Thu Hồng.

Giá Thu Hồng chịu làm những câu trơn tru mà trống rỗng, chắc chẳng khó gì. Ai mà chẳng làm được những câu trơn tru, trống rỗng? Nhưng người có cái ý muốn rất đáng quý là diễn đúng hình dáng riêng của hồn mình. Có phải vì thế mà giọng nói của người có vẻ ngọng nghịu rất ít có trong thơ ta. Ngọng nghịu khi ôn lại quãng đời thơ ấu đã đành, ngọng nghịu cả những khi ca ngợi cảnh trời: “Cảnh đẹp cứ dàn thêm bước bước,/ Lời ngợi khen mỗi phút lại thay thay.”. Những tình ý người lớn trong giọng nói trẻ con ấy thực dễ thương” [1, tr.151].

Hoài Thanh còn đi sâu vào thế giới thơ của Tôn Nữ Thu Hồng để phát hiện ra những khía cạnh nên thơ khác của nữ sĩ. Đó là chất bâng khuâng, lãng mạn trong ái tình, phảng phất chất thơ tình Xuân Diệu, nhưng không hoàn toàn Xuân Diệu: “Thực ra Thu Hồng cũng chỉ trẻ con ở cái giọng. Khi người ta muốn sống hoài trong thời thơ ấu, hẳn người ta không còn thơ ấu nữa. Người thiếu nữ ấy đã biết tình yêu là “mầm chán nản” và người ước ao:

Mầm chán nản chớ len vào niên thiếu,
Chớ len vào sớm quá, tội em mà!
Em nghe như thời ấy vẫn còn xa,
Em chầm chậm để mong còn xa mãi;
Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái;
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua

Ta tưởng nghe những lời Xuân Diệu. Nhiều chỗ khác cũng xui ta nghĩ đến Xuân Diệu, nhất là khi Thu Hồng băn khoăn muốn cắt nghĩa tình yêu. Bốn câu thơ của người không bóng bẩy, không tinh vi như bốn câu thơ Xuân Diệu nhưng cũng thật thà dễ thương:

Chỉ biết hôm xưa, một buổi chiều,
Cùng người trò chuyện chẳng bao nhiêu.
Người đi tôi thấy sao mong nhớ!
Và cảm quanh mình nỗi tịch liêu.

Xem thơ Thu Hồng, tôi còn nghĩ đến vài người nữa, nhất là Nam Trân. Thu Hồng đã học được của Nam Trân cái lối ghi chép những hình sắc xứ Huế và ngòi bút của nữ sĩ đã vẽ nên đôi bức tranh nho nhỏ, có lẽ chưa được nổi nhưng có một vẻ linh hoạt riêng:

Đêm. Trăng rạng rỡ soi
Thuyền ai thong thả trôi
Đàn hát chảy theo nước
Không gian bỗng nô cười!

Ở xứ này, nói đến những thiếu nữ làm thơ người ta thường mỉm cười. Hình như thơ là một cái gì to chuyện lắm. Thu Hồng đã tránh được cái mỉm cười mỉa mai ấy vì người rất bình dị, rất hồn nhiên không lúc nào ra vẻ muốn làm cho to chuyện.” [1, tr.151-153].

Những so sánh của Hoài Thanh bao giờ cũng tạo ra những liên hệ bất ngờ tiếp theo trong cảm nhận của người đọc với tư cách là liên chủ thể tiếp nhận. Một hồn thơ như thế mà lại vĩnh viễn ra đi vì cuộc kháng chiến khi tuổi đời còn rất trẻ thì quả là đáng thương tiếc và xứ Huế sớm vắng mặt một nhà thơ nữ hứa hẹn tài năng trên thi đàn.

Với Nam Trân

Nam Trân là nhà thơ quê gốc Quảng Nam, nhưng học và công tác ở Huế, từng làm tham tá Tòa Khâm sứ Huế. Ông có tập thơ viết về cảnh và người sông Hương, núi Ngự: Huế, Đẹp và Thơ (1939). Toàn bộ thơ của Nam Trân được Hoài Thanh thẩm bình theo tinh thần địa-văn hóa rất tương thích, giúp người đọc thấy được chất thơ của một nhà thơ xứ Quảng nhưng hiểu Huế và yêu Huế đến sâu nặng qua lời bình theo biện pháp tương phản rất có dụng      ý của Hoài Thanh “Huế đẹp, Huế nên thơ. Ai chẳng nói thế? Ai chẳng thấy thế? Nhưng sao hình ảnh trong thi ca lại tầm thường thế? Có lẽ cảnh Huế quá huyền diệu, quá mơ màng không biết tả thế nào cho thoát sáo. Cũng có lẽ ngắm cảnh Huế, người ta khó tránh được cái buồn vơ vẩn nó là khí vị riêng của xứ này và lòng người ta không đủ thản nhiên để ghi lấy hình sắc riêng  của mỗi vật.

Kể có ít câu của Thu Hồng và hai câu này của Quỳnh Dao cũng được:

Một hàng tôn nữ cười trong nón,
Sông mở lòng ra đón bóng yêu.

Nhưng tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân, Nam Trân không rơi vào khuôn sáo là vì người không mơ màng cũng không buồn vơ vẩn. Ở Huế mà ghét Nam ai, nội chừng ấy cũng đã lạ. Người chỉ thản nhiên nhìn cảnh vật chung quanh và ghi lại bằng những nét già giặn.” [1, tr.160].

Tiếp tục vào bên sâu của các hình thức mang tính quan niệm của thơ Nam Trân, Hoài Thanh đã chỉ ra những đặc điểm thi pháp như việc xây dựng hình tượng thơ, không gian thơ, lời thơ, vần thơ, câu thơ, thể thơ và âm điệu thơ, ý thơ… để cuối cùng chỉ ra thi pháp thơ Nam Trân một cách cụ thể, giàu biến ảo, sáng tạo: “Thơ Nam Trân thường mỗi bài là một bức tranh nhỏ trong ấy thế nào cũng có ít điều nhận xét đặc sắc. Thỉnh thoảng người cũng ghép vào trong cảnh một ít tình. Nhưng dầu người có nói đến tình yêu, lời thơ vẫn mực thước, vẫn không mất vẻ thản nhiên. Điều ấy thấy ngay ở bài đầu quyển Huế, Đẹp và Thơ; một mẫu cảnh xinh xinh, một chút tình phảng phất trong những vần nhịp nhàng và lặng lẽ như dòng Hương Thủy trong veo. “Sóng lòng” thi nhân có xao động cũng chỉ trong khoảnh khắc như mặt nước sông kia mà thôi. Ý thơ nhẹ nhàng, điệu thơ uyển chuyển. Ta nên để ý bài này sáu câu trên thất ngôn mà bốn câu dưới lục bát. Thất ngôn tả về thản nhiên của người đẹp, lục bát tả chút xao động trong lòng người thơ. Một cảnh hai tình, nên thơ cũng một bài hai điệu.

Về âm điệu, thơ Nam Trân thật dồi dào. Thi nhân không theo điệu nào nhất định. Trước mỗi cảnh, mỗi tình, người lại cố tạo ra một điệu thơ cho thích hợp. Câu thơ luôn luôn biến hóa: số chữ thay đổi từ một đến mười. Điệu thơ, đó là điều tối quan hệ với Nam Trân: người luôn luôn tìm kiếm, vì người nghĩ rằng chỉ có lười mới chịu nằm hoài trong một khuôn khổ.” [1, tr.161].

Dù lúc viết những dòng này, Hoài Thanh chưa biết và chưa tiếp xúc với lý thuyết Thi pháp học Mỹ học tiếp nhận hiện đại, nhưng cách thao tác và phê bình của ông theo cách làm việc của hai phương pháp trên - kiểu hình thức mang tính quan niệm nên tính hiện đại và tính khả thi trong phê bình của Hoài Thanh là rất đáng tin cậy.

Dù chưa sâu và chưa mang tính hệ thống, nhưng những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa sáng tạo và tiếp nhận cũng được ông đề cập khi bàn về thơ Nam Trân: “Nhưng điệu thơ cũng như tứ thơ, ở Nam Trân, đều là kết quả của sự đắn đo kỹ lưỡng, sự suy tính siêng năng. Nam Trân luôn luôn tự chủ ngòi bút của mình một cách chắc chắn, không bao giờ phóng cho nó đi theo những nhạc điệu âm thầm một đôi khi vẫn thao thức trong lòng ta.

Cho nên muốn thưởng thức thơ Nam Trân ta cũng phải luyện lấy tâm trí cho bình thản. Hãy xếp thơ Nam Trân những lúc lòng ta có chuyện xôn xao. Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. Đây đó rải rác cũng nhặt được đôi câu; nhưng đến Nam Trân mới biệt thành một lối. Nam Trân đã tìm ra một khoảnh đất mới và ở đó người đã dựng lên - ý chừng để sáp nhập làng thơ Việt - cái cảnh núi Ngự sông Hương.

Thiết tưởng vị tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào quí hơn nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ”. [1, tr.161-162].

Thi nhân Việt Nam được xem là kết quả của lối phê bình ấn tượng, nhưng những trang viết của Hoài Thanh bao giờ cũng toát lên tính logic, mà ngày nay chúng ta có thể gọi đó là phê bình ấn tượng khoa học mang tính trực giác nghệ thuật mới mẻ mà Hoài Thanh đã “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” một cách chính xác và tương thích.

Với Phan Thanh Phước

Phan Thanh Phước sinh ở Huế và có thời gian học ở Huế. Ông làm thơ chưa nhiều, nhưng đã có thơ tập hợp thành thi tập Vương hương (chưa xuất bản). Ông làm thơ rất cẩn trọng và xem đây là công việc lao động cực nhọc, phải lao tâm khổ tứ để có bài thơ hay. Nhà thơ khi làm thơ phải kết hợp cả hồn lẫn xác để huy động năng lực sáng tạo. Vì vậy mà Phan Thanh Phước đã tâm sự: “Một bài thơ của tôi xong là tôi tự thấy kém sút một ít trong sức khỏe của tôi. Như vậy tất nhiên có một phần sức khỏe của tôi đã vào trong thơ tôi, tôi tự hỏi thế là trong thơ tôi có cả hồn lẫn xác của tôi chăng?” [1, tr.260]. Từ ý kiến này, Hoài Thanh đã cảm nhận được công việc làm thơ của Phan Thanh Phước, nhất là khi ông đọc xong tập Vương hương do tác giả gửi đến: “Ai đọc hết tập Vương hương chắc cũng có cảm giác ấy: Trong thơ Phan Thanh Phước quả có cả hồn lẫn xác và cái xác đã làm tội cái hồn. Một bài thơ hay, dầu nhẹ nhàng vui vẻ, dầu sầu não thương đau, bao giờ cũng là một sự giải thoát. Giải thoát ra khỏi cái u tối của xác thịt để sống trong cái sáng láng của linh hồn. “Tự giác nhi giác tha”, cái tôn chỉ nhà Phật cũng là tôn chỉ nhà thơ. Phan Thanh Phước ít khi đạt được tôn chỉ ấy. Ta thấy người khổ sở lắm, mỗi bước mỗi ngập ngừng, mỗi bước mỗi vấp vào xác thịt. Tập Vương hương với cái tên yêu kiều, đã bày ra một cuộc hỗn chiến gay go, đau đớn giữa xác và hồn.

Kể cũng đáng tiếc. Mỗi lần Phan Thanh Phước thoát ly được ra ngoài cái vướng víu của xác thịt, người tỏ ra có bản lĩnh lắm. Tôi vẫn biết người có tính ưa lập dị, nhưng dầu sao cũng là một tâm hồn phong phú, hay hay.

Khi người yêu, mối tình của người luôn luôn thắc mắc. Người có ngồi suốt đêm nhìn người yêu ngủ hay không, ai biết được. Nhưng người đã có những cảm giác của một người thức đêm như thế:

Anh đã thức trọn đêm không biết nhọc
Ngồi lặng yên cho mắt ngắm em say;
Đời vắng xa, xa hết những chua cay
Còn em đẹp mềm thơm và ngon ngọt.

Song gần nhau lâu rồi cũng có khi chán. Lúc bấy giờ người sẽ sống lại cái vui xưa:

Muốn sống êm ta gợi phút yêu đầu,
Anh bỡ ngỡ say em người xa lạ.

Thiết tưởng ta vẫn có thể hy vọng vào những tác phẩm sau này của Phan Thanh Phước”. [1, tr.161].

Chỉ hơn nửa trang bình về thơ Phan Thanh Phước như thế, Hoài Thanh đã giúp người đọc nhận ra chất thơ và phẩm tính thơ của một nhà thơ, có tác dụng định hướng thẩm mỹ cho những người yêu thơ, khi họ chưa có điều kiện tiếp xúc trực tiếp thi phẩm của tác giả. Nhà phê bình với tư cách là người tiền trạm của tâm hồn và nghệ thuật cho người tiếp nhận chính là ở hiệu quả phê bình chân cảm đó của Hoài Thanh.

Với Mộng Huyền

Mộng Huyền sinh ở Huế năm 1913, học ban tú tài ở Hà Nội, một bậc  học cao, nhất là đối với nữ giới lúc bấy giờ. Bà có thơ in ở Tràng An và Sông Hương, tập hợp thành tập thơ Rung động (chưa xuất bản).

Hoài Thanh tiếp xúc thơ Mộng Huyền chưa nhiều, nhưng ông cảm nhận được một tâm hồn mộng mơ, dịu dàng nơi núi Ngự, sông Hương. Và ông cho rằng, dù chỉ như thế thôi, bà cũng đã trở thành một người xứng đáng đưa vào Thi nhân Việt Nam và hứa hẹn một hồn thơ rộng mở trong tương lai: “Thơ Mộng Huyền có đôi ba bài đã đến với tôi như một hơi gió hiền hòa. Tôi nghĩ đến hơi gió ngàn năm vẫn đìu hiu trên sông Hương.

Trong lời thơ hiu hắt một linh hồn yểu điệu và buồn buồn, hay thương người mà cũng rất dễ thương. Nó không tràn ngập, không lấn át hồn ta. Nó chỉ nhẹ nhàng, chỉ âm thầm và e lệ. Ta đừng bước to, đừng nói nặng, hãy lắng hồn ta lại để đón lấy hồn người.

Ngày nọ, thi nhân về thăm nhà một cô thôn nữ sớm từ trần. Người lẳng lặng đi qua, bước rất nhẹ nhàng, vì:

Sợ làm kinh động sầu xưa cũ
Ẩn nấp mình trong bụi cỏ vàng.

Ta hãy noi theo gương ấy và chớ làm kinh động chút hồn thơ đang nương mình trong bụi cỏ lời thơ.” [1, tr.330].

Diễn ngôn phê bình của Hoài Thanh cũng nhẹ nhàng như lời thơ của Mộng Huyền, khiến người đọc cũng lặng lẽ cảm hoài theo những tâm hồn đồng điệu thi ca cùng nữ sĩ.

Với Phan Văn Dật

Phan Văn Dật quê ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Sống và làm thơ ở Huế với bút hiệu Tiêu Lang, Thường Nga Phố. Ông có thơ in ở Nam Phong tạp chí, Thần Kinh, Rạng Đông. Ông xuất bản tập thơ Bâng khuâng (1935) được bạn đọc Huế và cả nước yêu mến, đón nhận. Trong thời gian dạy học và làm báo ở Huế, Hoài Thanh tiếp xúc và bàn bạc thơ văn với Phan Văn Dật, được Phan Văn Dật cung cấp nhiều tư liệu quí để viết Thi nhân Việt Nam nên ông hiểu được nỗi lòng và thơ ca của một người cầm bút trẻ. Hoài Thanh đã đọc và giới thiệu tập thơ Bâng khuâng trên báo Tràng An với những lời trang quí.

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh vẫn dành những lời chân cảm như thế về thơ Phan Văn Dật: “Trong làng thơ, Phan Văn Dật thuộc về phái thanh niên. Nhưng có lẽ thanh niên vì tuổi hơn vì thơ. Giữa lúc một luồng không khí mới thúc giục người ta thoát ly gia đình, Phan Văn Dật đã dám ca tụng cái tình cha con, anh em; sách của người, người đề tặng song thân, tưởng ngày nay cũng là một điều ít có.

Những điều người mơ ước cũng giống hệt những điều mơ ước của các cụ ta ngày xưa: một cuộc đời bình dị nơi thôn dã. Tôi thấy ở người cái lòng chán nản, hơn nữa, cái lòng căm giận những nơi đô hội. Mối hận dài trong thơ Phan Văn Dật sẽ chẳng là cái hận của Dương Quý Phi bị hy sinh vì lẽ nước, nó là cái hận một người đàn bà bị sức quyến rũ của thị thành cướp mất chồng con.

Nguyễn Nhược Pháp với tập Ngày xưa đã nhìn cảnh vật xưa bằng con mắt một người thời nay. Phan Văn Dật với tập Bâng khuâng đã nhìn cảnh vật ngày nay sau bức màn một tâm hồn xưa.

Giữa cuộc đời náo động, người ngoảnh mặt làm ngơ và tự tạo cho mình một thế giới riêng, một thế giới lặng lẽ đầy thơ mộng. Cuộc đời như thế ắt sẽ bằng phẳng vô sự. Nhưng chỉ vô sự đối với những con mắt không tinh. Thực ra trong lòng thi nhân không phải vô sự: thi nhân không thiết chuyện hằng ngày nhưng vẫn luôn luôn sống với một cuộc đời đã qua rất phong phú:

Tôi không hay hưởng cùng cái hiện tại,
Hững hờ, tôi thường để nó đi qua.
Chuyện ngày nay sau tôi sẽ xót xa,
Tôi chỉ tiếc những giờ không trở lại.

“Những giờ không trở lại” đó, Phan Văn Dật nhắc đến một cách âu yếm. Nào những mối tình xưa, xa hơn nữa, những cảm hoài thời thơ ấu, những khi nô đùa với trẻ con hàng xóm. Những khi anh em dắt tay nhau vơ vẩn trong vườn:

Vào buổi bình minh, năm ấy xưa,
Trong vườn đào lý, phủ sương mờ,
Dắt tay hai trẻ tìm hoa rụng,
Mơ chuyện thần tiên, nghĩ vẩn vơ.

Những cảnh đã qua trong đời mình có khi thi nhân để lẫn với những cảnh đã qua mấy mươi đời trước. Nhân biệt một người bạn, Phan Văn Dật đã thay lời người đàn bà xưa tiễn chồng đi lính viết nên những câu nhịp nhàng và cảm động. Nỗi buồn riêng ấy của thi nhân còn khiến người nghĩ liên miên đến nỗi đau đớn của người sương phụ cùng cái ngao ngán vì mọi cuộc tang thương” [1, tr.288].

Hoài Thanh đã thực sự thâm nhập vào bên trong thế giới thơ Phan Văn Dặt để chỉ ra tình và sự mà nhà thơ thể hiện hài hòa giữa xưa và nay, giữa tình và mộng với một tâm hồn trẻ trung, dễ bâng khuâng, rung động. Hiện thực tâm trạng trong thơ Phan Văn Dật, vì vậy, mang vẻ đẹp xưa và nay nhẹ nhàng, lay động độc giả tuổi trẻ lúc bấy giờ, như Hoài Thanh đã thức nhận: “Nói cho đúng, thi nhân chẳng phải hoàn toàn sống trong cảnh xưa cảnh mộng và cái thế giới chung quanh tuyệt không có trong con mắt thi nhân. Người cũng biết say sưa vì cảnh đẹp thoáng qua trước mắt. Có lúc bỗng sực nhớ mình là một người trai trẻ đương tuổi yêu, nghệ sĩ nắn mấy vần thơ:

Ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp em,
Lời thơ réo rắt tôi săn tìm,
Cậy người mang tặng cho em đọc,
Em để vào ngăn em chẳng xem.

Thì xưa nay vẫn thế.”

Cuối cùng Hoài Thanh đúc kết tình thơ và hồn thơ của chàng thi sĩ trẻ này đầy quyết đoán: “Thơ Phan Văn Dật không rực rỡ, không réo rắt, không hùng tráng, không làm ta bồi hồi ngây ngất nhưng vẫn khiến ta ưa đọc: mà là những vần thơ dễ thương. Ta không cảm phục mà ta lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất Kinh đô là nơi quê hương của thi sĩ” [1, tr.289]. Quả là, những lời bình cũng bâng khuâng, rung động như thơ của chàng thi sĩ này vậy.

Với Nguyễn Đình Thư

Nguyễn Đình Thư quê Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, sinh năm 1917, là chàng thư sinh nghèo, sống và lớn lên trong tình yêu thương và nuôi dưỡng của bà ngoại. Học ở trường Chaigneau và Quốc học Huế. Ông có tập thơ Hương màu (chưa xuất bản). Thơ Nguyễn Đình Thư nhẹ nhàng, thanh khiết như tâm hồn trẻ trung, tươi mát và gợi nhiều lưu luyến. Cái chất thơ thư sinh, quyến rũ ấy được Hoài Thanh nhận xét rất tinh tế và cũng rất nên thơ: “Khách yêu thơ gặp được một bài thơ hay là một cái thú. Nếu bài thơ lại chưa hề in lên mặt giấy cho hàng vạn người xem thì cái thú lại gấp hai. Thơ in ra rồi hình như có mất đi một tí gì, có lẽ là ít hương trinh tiết” [1, tr.332].

Hoài Thanh đã cảm và giữ lại, gom lại cái hương trinh tiết ấy bằng tâm hồn say mê nghệ thuật để thông điệp đến người đọc những run rẩy thanh khiết ấy của thơ Nguyễn Đình Thư: “Tôi đã được nếm cái thú thanh khiết ấy trong khi xem thơ Nguyễn Đình Thư. Đây không phải là một nguồn thơ tân kỳ. Xem xong ta có thể nghĩ đến thơ người này, người khác. Mặc dầu, lần thứ nhất tôi đọc những vần thơ ấy, nó cứ lưu luyến hoài trong tâm trí như tiếng nói một người bạn tuy mới quen mà vẫn thân yêu từ bao giờ.

Thơ không nói chuyện gì lạ: một chút tình thoáng qua, một đêm trăng lạnh, vài con bướm vẽ vành, một buổi chia ly, nỗi lòng người bị tình phụ, đi lại chỉ những buồn thương, những vui sướng rất quen. Nhưng buồn ở đây là một mối buồn âm thầm, lặng lẽ, thấm thía vô cùng, cái buồn không nước mắt, cái buồn của điệu Nam bình trên sông Hương. Lòng thi nhân như một nguồn sầu vô hạn rưới khắp cảnh vật, bao phủ cả vầng trăng khuya:

Không biết hôm nay trăng nhớ ai
Mà buồn đưa lạnh suốt đêm dài?
Trông chừng quạnh quẽ mênh mông quá
Như trải u hoài muôn dặm khơi

Buồn cho đến những khi đáng vui, những khi yêu và được yêu, cũng buồn. Bài thơ thành ra lời của thi nhân thì thầm một mình: người xem hình như cũng càng phải ngâm rất nhỏ. Đọc to lên nghe sỗ sàng thế nào như nghe những bài ca Huế phổ vào cái âm nhạc ầm ĩ của đôi bàn máy hát” [1, tr.332-333].

Diễn ngôn phê bình của Hoài Thanh bao giờ cũng nhẹ nhàng, mang nhịp điệu của câu thơ văn xuôi, nhưng điều quan trọng là nó hòa quyện và tương giao cùng hình tượng thơ và ngôn ngữ thơ của từng thi phẩm. Từ đó, ông chỉ ra cá tính sáng tạo riêng của từng thi sĩ cũng rất thơ như những vần thơ của họ vậy: “Nhưng thi nhân dễ buồn thì cũng dễ vui. Một chút nắng mới báo tin xuân cũng đủ khiến người vui. Cái vui của Nguyễn Đình Thư có vẻ kín đáo, nhưng không miễn cưỡng, không gượng gạo. Người vui hồn nhiên, cái vui của cây cỏ.

Về điệu thơ thì có đến bốn năm lối. Riêng trong lối lục bát thỉnh thoảng ta lại gặp những câu phảng phất giọng Kiều hay giọng ca dao lẫn với một tí phong vị mới. Chẳng hạn như những câu:

- Một thương là sự đã liều
Thì theo cho đến xế chiều chứ sao!

- Sa buồn mây nối đồi thông,
Khói cao nghi ngút đôi vùng giang tân.

Có khi lại xen vào một hai tiếng riêng của đàng trong nghe cũng hay:

Cách vời trước biết bèo mây
Chung đôi xưa “nỏ” sum vầy làm chi.

Nhất là chữ “thương”, một chữ đầu miệng của người Huế, thi nhân dùng đến luôn và dùng khi nào cũng có duyên (trên kia ta đã thấy một lần):

Mấy bữa trông trời bớt nhớ thương,
Chim say nắng mới hót inh vườn.
Gió xao trăng động hương cành,
Trông ra mấy dặm liễu thành thương thương.

Mở lòng đón phong trào mới, điều ấy đã đành, nhưng cũng chớ quên tìm đến nguồn thơ thiên nhiên của nòi giống. Nguyễn Đình Thư đã có ý ấy. Ít nhiều hồn xưa đã ngưng lại trong thơ Nguyễn Đình Thư” [1, tr.334].

Ai chưa có dịp đọc thơ Nguyễn Đình Thư, nhưng qua lời bình của Hoài Thanh cũng sẽ cảm được hồn thơ và hồn của thi nhân, dù thi nhân đã cách xa ta về không gian và thời gian hơn nửa thế kỷ, nhưng rất gần trong tâm cảm và sự đồng điệu thi ca.

Vậy là tôi đã đi dọc con đường thơ của các nhà thơ xứ Huế 1932 - 1945 qua những lời bình tuyệt mỹ của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam. Thơ họ qua “con mắt xanh” của Hoài Thanh đã trở nên lung linh, u buồn và sáng láng, thanh khiết như những ánh nắng trời, có khi như giọt sương trong đêm trăng lóng đẹp, có khả năng níu giữ và lay động lòng người. Thơ họ, mỗi người một vẻ đã hòa nhập và đồng hành cùng mạch nguồn thi ca của cả Phong trào Thơ mới có mặt trong Hợp tuyển mà qua lời bình của Hoài Thanh chúng ta có thể cảm được một cách trọn vẹn từng hồn thơ và tình thơ của họ để trở thành người tiếp nhận đồng cảm, đồng điệu và đồng sáng tạo. Chín nhà thơ xứ Huế có mặt trong Thi nhân Việt Nam được Hoài Thanh cảm nhận và chiếm lĩnh một cách trọn vẹn, yêu quí và tôn trọng từng tài thơ để chỉ ra những cá tính: “cái riêng”, “cái khác” và “cái thần” của từng thi sĩ bằng một giọng văn trong sáng, trữ tình, triết mỹ và hấp dẫn “tưởng như không thể nào nghĩ khác và nói khác được (Lê Đình Kỵ) về chất thơ từng nhà thơ.

Đến đây, chúng ta đã thật sự giải tỏa những băn khoăn mà Hoài Thanh đã tự mình ngại ngùng trong lời Nhỏ to rằng: “Vậy tôi viết gì đây và trong làng văn danh hiệu tôi là gì?” Chúng ta, những người đọc hậu thế đều tôn ông là nhà phê bình tài danh, uyên bác như GS. Lê Đình Kỵ đã khẳng định: “Có thể coi tác giả Thi nhân Việt Nam là nhà phê bình, nhà văn xuôi vào bậc nhất của nền văn học Việt Nam” [1, tr.358].

*

Thi nhân Việt Nam xuất hiện cách nay hơn 80 năm. Phẩm tính và giá trị của nó đã được thử thách qua thời gian và qua sự khẳng định của mọi người. Đây  là một công trình có uy tín về Phong trào Thơ mới Việt Nam 1932 - 1945, xứng đáng là một Hợp tuyển tổng kết toàn diện và khoa học về một hiện tượng văn học, một cuộc vận động lớn về thi ca âm vang và sôi nổi một thời của cả nước. Và tên tuổi của Hoài Thanh cũng từ đó khẳng định vững chắc trên văn đàn. Ông là nhà phê bình văn học tài hoa và có địa vị quan trọng mang tính đột phá, mở đầu của nền phê bình văn học hiện đại Việt Nam. Sự hiện diện của Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam trong Khoa Nghiên cứu văn học Việt Nam xứng đáng được mọi người tôn vinh và trân trọng.

H.T.H
(TCSH405/11-2022)

 

____________________________
Tài liệu tham khảo:

- Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1988.
- Nhiều tác giả, Từ điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng