Nghiên Cứu & Bình Luận
Cảm thức hiện sinh trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng
14:47 | 06/04/2023


THÁI PHAN VÀNG ANH

Cảm thức hiện sinh trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng
Bộ 5 tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng - Ảnh: internet

Trong văn học miền Nam (1955 - 1975), Nguyễn Thị Hoàng đã là một hiện tượng bởi hai yếu tố: một là bởi Nguyễn Thị Hoàng là một người phụ nữ viết văn (khi chưa thật sự có nhiều những nhà văn nữ chuyên nghiệp lúc bấy giờ), và dám viết những khát vọng thầm kín của nữ giới; hai là, hai mươi tư tuổi, với cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng đã tạo ra những cuộc đối thoại, tranh luận trong văn giới. Qua trường hợp Nguyễn Thị Hoàng, lí giải về sự trỗi dậy của đội ngũ phụ nữ viết văn những năm 60, 70 ở miền Nam, Mai Thảo cho rằng: “Làm văn chương ở người đàn bà bây giờ đồng nghĩa với lên tiếng đòi quyền được sống, bình đẳng và tự do như đời sống đàn ông”1. Trong khi đó, theo Nguyễn Nhật Duật, các nhà văn nữ chỉ quanh quẩn ở những lo toan hạnh phúc, “mối lo toan muôn thuở của người đàn bà, và nó cũng chỉ đi đến đó mà thôi”; “Ảnh hưởng rơi rớt mơ hồ của nền văn chương hiện sinh cũ, trước và sau năm 62 đã đóng góp vào sự thành hình tác phẩm của các nhà văn nữ này. (…) Những nội dung táo bạo không phải là tự do mà là sự buông thả. (…). Đề tài mà họ đụng chạm đến không khác gì đề tài mà các nhà văn nam sử dụng. Đó chỉ là sản phẩm tất yếu của xã hội. Bởi vì không có Nguyễn Thị Hoàng này thì sẽ có một Nguyễn Thị Hoàng khác”2. Tuy vậy, từ điểm nhìn hôm nay, có thể khẳng định rằng, cùng với các nhà văn như Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Trùng Dương…, Nguyễn Thị Hoàng đã làm nên một khuynh hướng văn học nữ, không còn nằm ở khu vực ngoại biên. Với Vòng tay học trò, sau đó là nhiều tác phẩm khác, Nguyễn Thị Hoàng đã lên tiếng buộc (chữ dùng của S. de Beauvoir khi bàn về nữ quyền) xã hội phải lắng nghe tiếng nói của nữ giới, tiếng nói của những ám ảnh hiện sinh trong bối cảnh xã hội miền Nam những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

1. Nổi loạn để hiện hữu

Trước sự xuất hiện rầm rộ của các cây bút nữ miền Nam, giới phê bình nghiên cứu đương thời đã đặt ra những câu hỏi về văn chương nữ giới. Huỳnh Phan Anh đặt vấn đề: “Văn chương nữ giới bây giờ phải chăng chỉ là một phản ứng, một sự nổi loạn trước những giới hạn, những kềm kẹp xưa kia? Ngoài là một phản ứng nó còn là một cái gì khác?”3. Mai Thảo khẳng định: “Làm văn chương ở người đàn bà bây giờ đồng nghĩa với lên tiếng đòi quyền được sống, bình đẳng và tự do như đời sống đàn ông. Viết bởi vậy là một phản ứng, một thái độ. Điều này giải thích được cho cái không khí phá phách, cái sắc thái quá khích ta thấy bàng bạc cùng khắp trong các tác phẩm phái nữ bấy giờ”4. Vậy Nguyễn Thị Hoàng và các đồng nghiệp nữ đã viết những gì để được đứng ngang hàng với các nhà văn nam giới, và liệu những nổi loạn trong đời sống, nổi loạn trong văn chương có đơn thuần là cách họ lên tiếng đòi hỏi nữ quyền?

Nổi loạn như là một biểu hiện tất yếu của con người hiện sinh vốn không phải là đặc quyền của nam giới. Vậy nên, cái “sắc thái quá khích” ấy trong văn xuôi nữ miền Nam Việt Nam trước hết là nhu cầu được nói đúng, sống đúng với những khát khao, với những đam mê giông bão của tuổi trẻ một thời tao loạn. Thụy Vũ, Trùng Dương, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng… hoặc bỏ những công việc an nhàn để cầm bút, tự mình bươn chải kiếm sống, hoặc tạo nên những scandal tình ái, miễn được sống đúng với những khao khát yêu đương, để rồi biến những tình yêu, đam mê, va vấp, trải nghiệm ấy thành chất liệu sáng tác. Là một thái độ hiện sinh, nổi loạn không chỉ là ý thức của cá nhân, là “sự tự xác nhận về sự có mặt đàn bà của họ”5 mà còn là ý thức của thời đại, một thời đại mà các nhà văn nữ ấy vừa thuộc về, vừa làm nên, nếu nhìn từ các câu chuyện đàn bà trong văn chương nữ giới.

Nói về “khả năng và phương hướng sáng tạo văn nghệ của người đàn bà”, Nguyễn Thị Hoàng cho rằng: “Một cách khách quan và vô tư, chúng tôi có thể nhận định người đàn bà chiếm thiểu số trong văn giới một phần là do thành kiến khắt khe của xã hội Đông phương, quan niệm người đàn bà viết văn là phóng túng lãng mạn, mầm mống của hư hỏng đời sống và tâm hồn, một phần vì đời sống họ hạn hẹp, gò bó trong khuôn khổ nên khả năng do đó không phong phú triển khai”6. Với Nguyễn Thị Hoàng viết văn là một hành vi nổi loạn, vượt lên mọi định kiến khắt khe. Viết trước hết là một lựa chọn “sống”. Ám ảnh hiện sinh và cả ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng trước hết từ những thôi thúc tự thân ấy. Nổi loạn như một hình thức “tuyên ngôn” về quan niệm, lối sống của tác giả được gửi gắm ở cô giáo Trâm trong tiểu thuyết Vòng tay học trò vừa kiêu ngạo, vừa chua xót. Những Minh (Vòng tay học trò), Nguyện (Một ngày rồi thôi) nổi loạn chỉ để những tháng ngày thanh xuân bớt nhạt nhòa, đơn điệu. Những người như Đông (Tuần trăng mật màu xanh), Bình (Vào nơi gió cát)… vùi mình trong tình yêu, tình dục để át đi cái chết luôn đang chực chờ, vây bủa; và cũng bởi họ hoài nghi về một xã hội phi lí, mất niềm tin. Ý thức nổi loạn trong văn chương Nguyễn Thị Hoàng đặc biệt thể hiện rõ nét qua hệ thống nhân vật nữ. Bởi, với phụ nữ, nhất là trong các xã hội nam quyền thống trị, nghĩ khác, sống khác với thói thường, với lề lối chung đã là một “cái tội”. Trên tinh thần đó, Nguyễn Thị Hoàng đã để cho nhân vật của mình chối bỏ đời sống êm đềm vô nghĩa, chọn con đường chông gai để được là mình. Chán ngán cuộc sống bình lặng của một đời người phụ nữ êm đềm (“Đi dạy học. Lãnh lương. Dành dụm vốn liếng. Đầy đủ những điều kiện vật chất… Lúc nào cũng giữ gìn danh thơm tiếng tốt. Cuộc đời sẽ êm đềm lướt trôi đi. Không có những dày vò, những ưu tư quằn quại. Những vấn đề sinh tồn trở nên giản dị bình thường, vì chỉ giải quyết theo một quy luật đã phân định sẵn” - Vòng tay học trò), cô giáo Trâm lựa chọn một con đường khác với quan niệm “phải hơn thế, phải khác thế. Phải đập vỡ tất cả để tạo dựng lại” (Vòng tay học trò). Từ quan niệm đó, nổi loạn cũng chính là để khẳng định hiện hữu đúng với những khao khát bản ngã. Không đồng nhất tác giả thực và tác giả ẩn tàng ở văn bản, song một cái nhìn đối chiếu giữa cuộc đời nhà văn Nguyễn Thị Hoàng với hình bóng tác giả ẩn trong trang viết hay những nhân vật người phụ nữ viết văn, làm nghề dạy học… vẫn tỏ ra cần thiết để nhận diện các tác phẩm của nhà văn. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa cuộc đời, quan niệm của tác giả và số phận, lối nghĩ của nhân vật (Vòng tay học trò, Vào nơi gió cát, Cuộc tình trong ngục thất…). Viết văn với Nguyễn Thị Hoàng vì vậy không chỉ là nghề mà còn là “nghiệp”, là một hình thức để tác giả được tồn tại, được sống, không chỉ trong tư cách một nhà văn, mà còn trong tư cách một người đàn bà; được sống như là chính mình, và được sống với cả những khao khát vốn “không đạt được” trong đời sống.

Công khai những thèm muốn thể xác, cổ xúy cho quyền được tận hiến, được kiếm tìm khoái lạc trong tình yêu… cũng là một hình thức “nổi loạn” của các nhà văn nữ miền Nam, nhất là khi tính dục nữ giới chưa phải là điều dễ được chấp nhận trong một xã hội vẫn còn nặng nề, khắt khe với phụ nữ. Bất chấp cái nhìn định kiến về tính dục nữ, Nguyễn Thị Hoàng đã phơi bày khát vọng yêu, khẳng định quyền tự do thân xác. Trong tiểu thuyết Tuần trăng mật màu xanh, nhờ sự chủ động khỏa lấp những khát thèm thể xác của Ý Lan, Đông, anh chàng đói rách đã “biến dạng, đổi thay, trở về đời sống” và tìm lại được chính mình. Sự gần gũi tuyệt vời một lần với Đông cũng khiến Ý Lan như mọc cánh bay lên, dù nàng biết mình sẽ rơi xuống, sẽ chết đi, bởi những đam mê ngắn ngủi, vội vàng, tình cờ ấy với Đông, chỉ cần “mặc áo vào là xong, là hết”. Bằng quan niệm táo bạo về tình dục, Nguyễn Thị Hoàng đã mạnh dạn để nhân vật của mình nếm trải chuyện “tình một đêm”, đi đến tận cùng những cảm xúc, những khát khao chỉ của hiện tại.

Tình dục trong văn chương Nguyễn Thị Hoàng không thô tục, lộ liễu, nhưng khi khơi sâu vào bí mật tâm hồn của nữ giới, những trang viết ám gợi của tác giả vẫn làm dậy sóng văn đàn, hình thành một xu hướng “nổi loạn” trong văn chương. Thế Uyên trong tiểu luận Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955 - 1975, sau khi đề cập Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, đã đặt câu hỏi: “Nói đến “bốn nữ tặc” của một thời đã qua, tính tới Trùng Dương mới là người thứ ba, vậy ai là người thứ tư?”7. Xếp Nguyễn Thị Hoàng ở vị trí thứ tư (với tiểu thuyết Vòng tay học trò), Thế Uyên giải thích: “Chỉ có vậy thôi, nhiều chữ nghĩa bóng bẩy, còn về thực chất, cụ thể, đâu có gì là quá mặn, quá sexy. Nếu cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng đã gây ồn ào dư luận một thời, nguyên nhân nằm ở chỗ khác, là vấn đề đạo lí. Như tên cuốn sách đã chỉ rõ, vấn đề là vòng tay học trò”8. Có thể nói, nổi loạn từ tư tưởng đến hành vi, từ tình yêu đến tình dục, từ đời thường đến trang văn… là cách để Nguyễn Thị Hoàng cất lên tiếng nói của giới nữ, tiếng nói của chính mình. Bất chấp cách viết “Ca tụng thân xác”9 ít nhiều khiến tác giả có thể bị đánh giá về phẩm hạnh đạo đức, Nguyễn Thị Hoàng vẫn viết bằng toàn bộ những mê đắm, những khao khát đàn bà, như một cách để hiện tồn.

2. Dấn thân để kiếm tìm bản ngã

Khẳng định nhân vị là một yếu tính của chủ nghĩa hiện sinh. Nổi loạn suy đến cùng chính là cách để thật sự hiểu bản thân, để biết ta là ai, ta muốn gì và làm thế nào để được sống đúng với những gì ta khao khát. Nổi loạn vì thế gắn liền với hành vi dấn thân để tìm kiếm bản ngã.

Thường trực ở các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng… là khát vọng ra đi. Trong tiểu thuyết Vòng tay học trò, Minh chạy trốn khỏi nhà cô giáo trước sức ép của dư luận, trước những ham muốn “bùng nổ” khó lòng kìm nén, để nhận ra cậu sẵn sàng bất chấp gia đình, bất chấp luân lí. Trâm xem “sống như một sự di chuyển lạnh lùng”, “đi đâu không biết, nhưng tôi ra đi”, để “Một nơi nào khác đó, tôi sẽ đổi thay trong những màn thay đổi không ngừng của một sân khấu đời rộng lớn. Có thể thắm tươi hơn mà cũng có thể tàn rữa hơn. Nhưng sẽ mãn nguyện đã chiếm cứ một quãng đời rực rỡ thần tiên ở nơi này”… để bảo toàn nỗi kiêu hãnh đàn bà, để không tự đánh mất bản thân bởi mọi đam mê rồi cũng đến hồi kết thúc. Dám sống một cách mạnh mẽ, nếm trải nỗi đau và cả những trả giá cho một hiện tại có ý nghĩa là một lựa chọn hiện sinh táo bạo. Sự dấn thân ấy còn quyết liệt hơn khi chủ thể là những người đàn bà vốn được mặc định gắn liền với những êm ấm, cố định. Như chính cuộc đời và khát vọng của tác giả, nhân vật nữ trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng rất hay bỏ trốn cũng như tìm cách nhận diện chính mình qua những xê dịch không gian. Trong tiểu thuyết Bóng người thiên thu, phải đến tận Đài Bắc để gặp người đàn ông của đời mình, phải đến tận Hồng Kông để biết mối tình ấy là mối tình tuyệt vọng, Châu mới lần đầu tiên được nếm trải đủ đầy các cung bậc cảm xúc của tình yêu, dẫu cô đã qua một đời chồng và đang chờ ngày lại khoác lên mình chiếc áo cưới. Giống như Châu, Nhung trong tiểu thuyết Tuần trăng mật màu xanh cũng chạy trốn Lộc bởi cái vẻ vội vàng, lúi húi của người chồng sắp cưới “vẽ nên tất cả nỗi nhàm chán của một đời người chỉ quanh quẩn trong các thói quen và công việc loanh quanh, không bao giờ thoát ra nổi, không lí do và can đảm thoát ra bởi không bao giờ tỉnh khỏi cơn mê quen thuộc đều đặn của một đời sống chết trong no đủ và bình thường”. Những người đàn bà trong tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng thường chạy trốn các cuộc hôn nhân bởi không chịu nổi sự tẻ nhạt như một thảm trạng ngấm ngầm của đời người, kể cả khi trước mặt họ là vực sâu hun hút, là tương lai vô định, bất an để được sống đúng với những khát khao, dẫu chỉ trong khoảnh khắc. Nhưng có sự trốn chạy nào lại không mang nỗi đau, và liệu những cuộc xê dịch không gian đó có đủ sức giúp họ trốn chạy được chính mình. Những dấn thân tìm kiếm bản ngã trở thành những ván bài đời người may rủi. Trong tiểu thuyết Một ngày rồi thôi, Nguyện đã cảm thấy xé lòng khi nghe tiếng còi tàu trong sân ga, lúc cô quyết định: “Đi xa rồi và thành một người khác, sống một đời sống khác, đau đớn hay sung sướng những tâm tình, những ngày tháng khác, không ai biết không ai hay, không ai ngăn cấm và san sẻ, không ai chứng kiến và khuyên lơn nữa”. Vun vén cho những điều đẹp đẽ trong cuộc đời luôn là lựa chọn của những người đàn bà trong tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng, kể cả khi họ phải đánh đổi và trả giá. Bởi, nói như nữ nhà văn, “có cái gì đẹp mà không buồn”, có cuộc trốn chạy nào không nhằm truy tìm bản thể. Và như thế, ra đi, trốn chạy là cũng là cách để được trở về với bản ngã đích thực của mỗi người.

Là nhà văn của tình yêu và dường như chỉ viết về tình yêu, Nguyễn Thị Hoàng đã từ tình yêu để nhận diện bản thân, nhận diện thời đại. Viết về tình yêu là cách để tác giả được sống, được trải nghiệm những mê đắm, hoan lạc và cả những đau đớn, xót xa của những cuộc đời đàn bà nhiều khao khát. Viết về tình yêu là cách để được sống, được là chính mình và khẳng định mình. Với Nguyễn Thị Hoàng và những người đàn bà của tác giả, cuộc sống sẽ vô giá trị nếu không có tình yêu, một thứ tình yêu kề cận gắn với những đam mê thể xác. Giữa những tháng ngày luôn “có gì chùng héo xuống trong mỗi bước thời gian, mỗi lần mặt trời mọc lên, mặt trời lặn xuống. Mỗi ngày là một móc sắt trong chuỗi dài tháng năm ràng buộc của định mệnh, của thân phận đè nén u uất và phi lí” (Vòng tay học trò), con người còn biết bấu víu vào đâu nếu không bấu víu vào tình yêu, kể cả khi tình yêu ấy luôn chơi vơi trong những tình thế giằng níu, tranh đoạt sống - chết. Không chủ ý phê phán chiến tranh hay xoáy sâu vào đề tài phản chiến, cái phi lí của những thanh xuân không mục đích sống ấy len lỏi trong hầu hết tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng và gây ám ảnh. Nhiều vấn đề lớn lao, trọng đại của thời cuộc được nhận diện, bắt nguồn từ những lý giải về thân phận tình yêu, về những hành vi “nổi loạn” trong những năm tháng “Buồn như đời người”10. Quan tâm đến tình yêu và các câu chuyện bé mọn của phụ nữ, song điều đó không có nghĩa các tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng không thấm đẫm hơi thở thời đại. Mang hơi thở thời đại, tình yêu trong tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng vì vậy thường u hoài trong những mê đắm, bất an, hay lạc lối trong những lầm tưởng, điên rồ, gắn với một xã hội miền Nam tao loạn, giông bão những năm 60, 70 của thế kỉ XX cùng những băn khoăn hiện sinh bủa vây đến từng thân phận. Tình yêu là hữu hạn và chỉ gắn liền với hiện tại. Bởi “tương lai mỗi người trong chúng ta sẽ thuộc về một cuộc đời khác, nếu còn sống, sẽ có những liên hệ, những ràng buộc hay tự do khác” và “vì thế, người ta phải mất nhau, mất nhau từ hiện tại…” (Vòng tay học trò). Rất nhiều cắt nghĩa và triết lí về tình yêu, về đời sống trong các trang văn của Nguyễn Thị Hoàng. Với hầu hết nhân vật nữ “khát yêu” trong tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng, tình yêu không làm vơi bớt những nỗi cô đơn bản thể, khi “con người như một hành tinh bằng cát bụi lơ lửng giữa không gian, bắt đầu bằng hư không rồi cũng chấm dứt ở đó”, và “sống như một di chuyển lạnh lùng. Mỗi người chỉ có thể xây dựng hay tàn phá chính mình. Không có một bàn tay cứu trợ nào khác” (Vòng tay học trò). Sự hoài nghi len lỏi ngay trong những khoảnh khắc nồng thắm yêu đương. Khát vọng tuyệt đích khiến những người đàn bà “cuồng yêu” trong tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng trở nên hoang mang, ngay cả khi họ đã đi qua bao mối tình mê dại. Sau những dấn thân kiếm tìm bản ngã, mê cuồng trong yêu đương, cái còn lại ở những người đàn bà khát yêu này thường là sự tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì người chồng đi vào chỗ chết, bất chấp những cồn cào nhớ thương của người vợ trẻ (Vào nơi gió cát). Tuyệt vọng vì bóng hình mình theo đuổi, đánh đổi bằng cả đời người rốt cuộc đã tuột khỏi tầm tay (Bóng người thiên thu). Tuyệt vọng vì những đớn đau của cả thể xác, tinh thần cho một cuộc tình, cho một số phận đàn bà đang đi dần vào cõi chết (Ngày qua bóng tối).

3. Tự thuật để xác lập một lối viết

Trong công trình Các nhà văn nữ Việt Nam 1900 - 1970, Uyên Thao cho rằng: Nguyễn Thị Hoàng không đặt nặng vấn đề viết tiểu thuyết mà chú trọng nhiều đến việc làm văn. Tuy vậy, Uyên Thao cũng nhìn nhận những cái mới trong lối viết của Nguyễn Thị Hoàng. Theo ông, “Nguyễn Thị Hoàng đã cho thấy rõ rệt chủ ý chọn lựa một kỹ thuật tiểu thuyết vượt khỏi những tiêu chuẩn của kỹ thuật cũ, không nhằm vào các tình tiết mà cũng bất chấp tính chất sống động của nhân vật và không khí trong truyện”11. Cái “bất chấp” và “làm văn”, “làm dáng” ấy có phần là bởi Nguyễn Thị Hoàng mang lối viết tự thuật, lối viết tự ăn mình. Những ám ảnh hiện sinh như một vô thức sáng tạo cũng biểu hiện ra ở lối viết tự thuật này. Câu nói “văn là người” tỏ ra khá đúng với trường hợp của Nguyễn Thị Hoàng.

Tác giả cũng có thiên hướng kể chuyện từ nhân vật nữ xưng tôi và chủ ý tạo độ nhòe giữa cái tôi nhà văn và thế giới nhân vật (Vòng tay học trò, Bây giờ và mãi mãi, Hồn muối, Ngày qua bóng tối, Tiếng chuông gọi người tình trở về, Vào nơi gió cát…). Một cái tôi khao khát hiện tồn đúng nghĩa, cái tôi dẫu đắm mình trong tình yêu cũng không tránh được cảm giác cô đơn, xa lạ, hoài nghi. Cái tôi u hoài trong những mê đắm, bất an, hay lạc lối trong những lầm tưởng, điên rồ, gắn với một xã hội miền Nam tao loạn, giông bão những năm 60, 70 của thế kỉ XX khi những băn khoăn hiện sinh bủa vây đến từng thân phận. Cái tôi hiện diện ở hiện tại và chỉ gắn liền với hiện tại. Bởi, theo nữ nhà văn, “tương lai mỗi người trong chúng ta sẽ thuộc về một cuộc đời khác, nếu còn sống, sẽ có những liên hệ, những ràng buộc hay tự do khác” và “Vì thế, người ta phải mất nhau, mất nhau từ hiện tại…” (Vòng tay học trò). Cái hoang hoải, hoài nghi mang đậm tinh thần hiện sinh từ đời sống, từ vô thức sáng tạo của tác giả đã làm nên một giọng điệu triết lí, hoài nghi ở tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng.

Đương thời, một số ý kiến đã “chê” cách hành văn của Nguyễn Thị Hoàng với những câu văn dài lê thê, “làm dáng trí thức”, là “văn chương son phấn”. Theo Uyên Thao: “Nếu người đọc trở lại với câu văn lần thứ hai, lần thứ ba, cảm tưởng có được về câu văn sẽ không ngoài sự trống rỗng nghèo nàn của nội dung muốn diễn tả. Nguyễn Thị Hoàng đã bày trên giấy một số chữ nghĩa theo tinh thần của một cuộc chơi chữ hơn là muốn diễn tả trọn vẹn một ý tưởng hết sức khó khăn12. Nhà văn Lê Văn Nghĩa cho rằng: “Riêng ở Việt Nam, có lẽ Nguyễn Thị Hoàng là người viết câu văn dài mệt mỏi đầu tiên ra mắt người đọc”13. Thật ra, kéo dài câu văn chính là hệ quả của lối viết đầy ám ảnh, dồn chứa những trải nghiệm, hóa thân của một bản thể sống nhiều cuộc đời trong khoảnh khắc hiện tồn. Chính vì chú trọng đến diễn biến nội tâm nên Nguyễn Thị Hoàng chọn lối hành văn dài để chuyển tải tiếng nói bên trong của một cái tôi đàn bà không ngừng nổi loạn. Trong Tiếng chuông gọi người tình trở về, câu văn dài gần ba trang, chỉ có một dấu chấm câu. Đối thoại trong đối thoại, đối thoại trong độc thoại, tự vấn, dòng ý thức khiến câu văn lê thê như một cách làm lạ của Nguyễn Thị Hoàng: “… tôi không chịu nổi nữa tất cả những gì vây bọc chung quanh tôi… cũng chẳng biết đi đâu, nhưng mà tôi sẽ đi, sẽ lao mình đi, chừng nào à tôi đâu biết, lúc nào thích lên thì đi, thời buổi này mà chị còn hỏi là đi đâu… thì tôi là đàn bà, chứ có phải đàn ông đâu, chị cười à, chửi à, đừng có nghĩ vậy…”. Đan xen lời thoại trong độc thoại nội tâm, để dòng cảm xúc tuôn trào vượt lên khuôn khổ câu văn, đoạn văn, đó là cách thức biểu hiện những ám ảnh hiện sinh của tâm hồn phụ nữ. Bên cạnh những câu dài, nhà văn còn sử dụng khá phổ biến những câu ngắn, cụt ngủn, cộc lốc: “Chuyện tình nào đó. Không. Đời mình chẳng có chuyện tình nào. Chỉ những mảnh vụn. Những nổi trôi vô nghĩa. Những đong đưa lênh đênh. Những phí phạm hợt hời thấp thoáng…” (Cho đến khi chiều xuống); “Một chút phẩm bình. Một phần nhận định. Về mình. Tiện nghi. Có phải không”; “Hết rồi. Cái xe đã bán. Cái nhà đã tan. Tháng ngày đã cụt. Sức tàn đã hao. Bạc tiền cũng nhẵn”; “Lấy một cái vé. Chuyến bay bất ngờ và bất thường. Chuyến đi. Những săn đuổi. Theo dõi. Đoạn kết” (Cuộc tình trong ngục thất). Trong truyện ngắn Trên thiên đường ký ức, kiểu câu vô âm sắc này cũng được Nguyễn Thị Hoàng sử dụng để “tự kể” về thao tác lặp đi lặp lại thừa và trống rỗng, như những đơn điệu của đời người: “Tôi bật dậy. Tôi ra cửa. Tôi lên lầu. Tôi xuống lầu. Tôi vào giường. Tôi úp mặt. Tôi bịt tai. Tôi dí đầu vào gối…”. Trực tiếp hay gián tiếp, ít nhiều Nguyễn Thị Hoàng cũng tiếp nhận tinh thần phi lí của Camus khi sử dụng câu ngắn miêu tả cảm giác chán chường, tuyệt vọng và những ưu tư về bản thể, về cuộc sống. Đây là lối viết hiện đại. Chuỗi hành động của nhân vật nói được những phi lí đời người. Dẫu câu văn dài hay ngắn quá ngưỡng thì cũng là lối hành văn phù hợp để biểu hiện những nổi loạn hiện sinh. Dĩ nhiên, ở giai đoạn đầu của xu hướng viết văn theo khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa, lối viết dòng ý thức của Nguyễn Thị Hoàng vẫn còn chưa nhuần nhuyễn. Có cảm giác hụt hơi, nặng nề khi đọc nhiều trang viết của Nguyễn Thị Hoàng, dù trong nhiều trường hợp nó là chủ ý và tạo nên hiệu quả thẩm mĩ để làm nổi bật cái ngột ngạt, tù túng của thời đại, của chiến tranh, của những khoảnh khắc đời người cùng những giằng co sống chết (Truyện tình trong ngục thất, Vào nơi gió cát). Tuy các nhà phê bình đương thời không tán dương lối “làm văn” này; nhưng có thể nói, đó là ý hướng làm thay đổi hình thức câu văn, cách tự sự của nữ nhà văn. Uyên Thao cũng đã nhìn nhận những cái mới trong lối viết của Nguyễn Thị Hoàng. Theo ông, “Nguyễn Thị Hoàng đã cho thấy rõ rệt chủ ý chọn lựa một kỹ thuật tiểu thuyết vượt khỏi những tiêu chuẩn của kỹ thuật cũ, không nhằm vào các tình tiết mà cũng bất chấp tính chất sống động của nhân vật và không khí trong truyện”14. Những ý hướng làm mới trong nghệ thuật trần thuật từ điểm nhìn bên trong của nữ giới, từ lối viết tự thuật, từ giọng điệu triết lí, hoài nghi hay từ các kỹ thuật viết hiện đại… của Nguyễn Thị Hoàng đã chứng minh tác giả cũng như nhiều cây bút nữ miền Nam khác hoàn toàn có thể khẳng định vị thế với tư cách của một nhà văn chuyên nghiệp. Song, quan trọng hơn thế, bằng cách “ném ra một tiếng nói”, viết, sáng tạo với Nguyễn Thị Hoàng là cách để khẳng định nhân vị đàn bà, là hình thức để hiện hữu cùng với sự tự do cá nhân cao nhất. Có thể nói, viết là sự trình hiện bản thân, là sự “diễn giải” các quan niệm nổi loạn, dấn thân, khẳng định nhân vị của chính nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã được “cụ thể hóa” qua hình tượng những người phụ nữ nhiều khao khát được sống, được yêu trong các tác phẩm của nhà văn.

*

Nguyễn Nhật Duật cho rằng các nhà văn nữ chỉ quanh quẩn ở những lo toan hạnh phúc, “mối lo toan muôn thuở của người đàn bà, và nó cũng chỉ đi đến đó mà thôi15. Huỳnh Phan Anh cũng chỉ rõ “người đàn bà viết văn có cái thất lợi là họ không làm cách nào cho người đọc quên được họ là đàn bà”16, và “chưa cởi bỏ hết những mặc cảm của một người phụ nữ với tư cách của một người viết văn”17. Đây là những nhận xét mang đậm tính nam quyền khi nhìn về phụ nữ. Kỳ thực, các nhà văn nữ chủ động lựa chọn viết về chính mình với một lối viết riêng. Và cái khiến người đọc buộc phải nhớ họ là những người đàn bà viết văn, với những câu chuyện về đàn bà, chưa biết chừng lại chính là “lợi thế”, là sự thành công của các nhà văn nữ trong việc bắt thế giới phải lắng nghe, phải chấp nhận phụ nữ như là chính họ. Vượt lên thành kiến, dùng văn chương để chống chọi, thách thức với đời, để được sống đúng với những đam mê trong tận cùng những phút giây hiện hữu, Nguyễn Thị Hoàng đã góp phần khẳng định vị thế mới của các nhà văn nữ “không còn chịu đứng trên một đường lề chênh vênh nào nữa, mà đã ở hẳn trong sinh hoạt, có mặt ở hết thảy mọi địa hạt trước kia chỉ là sự có mặt duy nhất của nam giới”18.

T.P.V.A
(TCSH409/03-2023)

----------------------------

1. Nhiều tác giả (1972), “Nói chuyện về các nhà văn nữ”, Văn (206), tr.2.
2. Nhiều tác giả (1972), “Nói chuyện về các nhà văn nữ”, Văn (206), tr.3.
3. Huỳnh Phan Anh (1972), Đi tìm tác phẩm văn chương, Nxb. Đồng Tháp, tr.7.
4. Nhiều tác giả (1972), “Nói chuyện về các nhà văn nữ”, Văn (206), tr.2.
5. Nhiều tác giả (1972), “Nói chuyện về các nhà văn nữ”, Văn (206), tr.9.
6. Nguyễn Thị Hoàng (1967), “Khả năng và phương hướng sáng tạo văn nghệ của người đàn bà”, Văn (84), 3-11.
7. Thế Uyên (2021), “Tình dục và các nhà văn nữ”, https://thuvien.datviet.com/tinh-duc-va-cac-nha-van-nu.html (10/3/2021).
8. Thế Uyên (2021), “Tình dục và các nhà văn nữ”, https://thuvien.datviet.com/tinh-duc-va-cac-nha-van-nu.html (10/3/2021).
9. Tên một tác phẩm của Nguyễn Văn Trung.
10. Tên một tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng.
11. Thế Uyên (2021), “Tình dục và các nhà văn nữ”, https://thuvien.datviet.com/tinh-duc-va-cac-nha-van-nu.html (10/3/2021).
12. Uyên Thao (1973), Các nhà văn Nữ Việt Nam 1900 - 1970, Nxb. Nhân chủ, Sài Gòn, tr.232.
13. Lê Văn Nghĩa (Biên soạn, 2020), “Nguyễn Thị Hoàng dài và ngắn”, Văn học Sài Gòn 1954 - 1975, Những chuyện bên lề, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr.281.
14. Thế Uyên (2021), “Tình dục và các nhà văn nữ”, https://thuvien.datviet.com/tinh-duc-va-cac-nha-van-nu.html (10/3/2021).
15. Nhiều tác giả (1972), “Nói chuyện về các nhà văn nữ”, Văn (206), tr.3.
16. Nhiều tác giả (1972), “Nói chuyện về các nhà văn nữ”, Văn (206), tr.7.
17. Nhiều tác giả (1972), “Nói chuyện về các nhà văn nữ”, Văn (206), trt.8.
18. Nhiều tác giả (1972), “Nói chuyện về các nhà văn nữ”, Văn (206), tr.16
 


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng