Nghiên Cứu & Bình Luận
Thử nhìn lại người đương thời trước 1975, nói về sáng tác Võ Hồng
14:36 | 12/05/2023


ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG - PHẠM PHÚ PHONG

Thử nhìn lại người đương thời trước 1975, nói về sáng tác Võ Hồng
Ảnh: tư liệu

Theo gợi ý của một người bạn, đại ý rằng thấy “Võ Phiến quá thành kiến và bất công với Võ Hồng” trong nhận định về văn học miền Nam, chúng tôi tò mò tìm đọc Văn chương miền Nam: Tổng quan [1] của Võ Phiến và thấy rằng trong suốt công trình nghiên cứu được coi là “thành tựu lớn nhất” [tr.1] ở hải ngoại về văn học Việt Nam, dày 255 trang, Võ Phiến có 7 lần nhắc đến Võ Hồng, nhưng chỉ là nhắc tên chung chung trong hàng loạt các tên tuổi khác; khi thì nhắc tên trong giới sáng tác ở miền Trung [tr.111], khi thì có tên trong những người viết trường thiên tiểu thuyết [tr.198], hoặc xếp sáng tác của Võ Hồng vào khuynh hướng luân lý cùng với Nhật Tiến, Lê Tất Điều [tr.206]... chứ không hề dừng lại, đi sâu phân tích bất cứ một tác phẩm nào trong số hơn 30 tác phẩm của Võ Hồng, thì quả thật là quá bất công đối với nhà văn. Tuy những đóng góp của Võ Phiến, trong đó có cả những ưu điểm và nhược điểm, là không thể phủ nhận, nhưng trong công trình này không lưu ý đến văn chương Võ Hồng thì quả thật là quá thiếu sót, nhất là Võ Phiến lại chính là người trong cuộc, người từng sống và viết cùng thời với Võ Hồng, nay không chịu bất cứ một áp lực nào khi nhìn lại một chặng đường văn học mà bản thân mình, không chỉ là chứng nhân mà còn trực tiếp tham gia một cách tích cực. Vì vậy, tuy khá vội vàng và chưa có được tài liệu để khảo sát một cách đầy đủ, chúng tôi thử lướt nhìn lại một số ý kiến của những tác giả đương thời trước 1975, nói về sáng tác của Võ Hồng. Đây chỉ là sự ướm thử mở đầu, mong sẽ có sự tiếp tục sau này.

Trước hết, phải khẳng định Võ Hồng là một trong những tác giả thời danh trong văn chương các đô thị miền Nam trước 1975. Năm 1994, tức là gần 20 năm sau ngày thống nhất đất nước, Nguyễn Huệ Chi từng cho rằng: “Thời gian ngày càng cho thấy Võ Hồng là một cây bút hàng đầu trong hai mươi năm văn học dưới chế độ Sài Gòn, xét cả nội dung sáng tác cũng như thành tựu nghệ thuật” [2, tr.213]. Với chặng đường sáng tác hơn nửa thế kỷ, ông là tác giả của hơn 31 tác phẩm, gồm nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa (truyện ngắn có dung lượng tiểu thuyết), thơ, các tiểu loại ký, phê bình văn học, truyện thiếu nhi, truyện về loài vật. Nguyễn Thị Thu Trang đã từng thống kê rằng: “Ngoài 8 tiểu thuyết và truyện dài, 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút và bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình" [3, tr.21], quả là một gia sản không nhỏ. Đó là chưa tính những bài báo/tác phẩm có tính chất tân văn, in rải rác trên các báo và tạp chí, cho đến nay chưa có điều kiện sưu tập một cách đầy đủ - tuy chưa phải là tòa ngang dãy dọc, nhưng là một sự nghiệp đáng mơ ước đối với người cầm bút. Và, quan trọng hơn, ông là một trong số những tác giả sau năm 1975 còn tiếp tục sáng tác, vẫn giữ được nhiệt huyết và tâm thế đàng hoàng của người cầm bút chân chính của người sáng tác văn chương. Ông cũng như nhiều nhà văn khác, với bản lĩnh văn hóa của mình, khi viết không thể không thể hiện tấm lòng yêu nước, yêu cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc mà trong đó bản thân ông đã từng can dự vào, đấu tranh bảo vệ nền văn hóa dân tộc và nhất là chăm lo giáo dục nhân cách con người, không chỉ thông qua công việc của một nhà giáo, mà còn thể hiện một cách sâu sắc trong thế giới nghệ thuật. Ông khác với những người hoạt động nội thành như Lữ Phương, Vũ Hạnh, Lưu Nghi hoặc có tham gia các tổ chức yêu nước như Thiếu Sơn, Sơn Nam, Trang Thế Hy... nên cũng như các tác giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Xuân và nhiều người khác, sau năm 1975, ông có chững lại một thời gian ngắn, phần lớn là do sự thay đổi của thiết chế văn hóa - xã hội, làm ảnh hưởng đến việc in ấn, công bố tác phẩm, dường như ông và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục sáng tác một cách liền mạch bình thường, trong số 31 đầu sách đã được ấn hành, có đến 14 tác phẩm (Thiên đường ở trên cao, Trong vùng rêu im lặng, Vẫy tay ngậm ngùi, Thương mái trường xưa, Vùng trời thơ ấu, Thời gian mây bay...) ra đời sau 1975.

Từ truyện ngắn đầu tay Mùa gặt (đăng Tiểu thuyết thứ Bảy, 1939) đến hai mươi năm sau VõHồng mới có tác phẩm đầu tiên in thành sách Hoài cố nhân (Nxb. Ban mai, 1959). Gọi là tập truyện ngắn, nhưng lần in này chỉ có truyện ngắn Hoài cố nhân và truyện vừa có dung lượng như một tiểu thuyết Ngày xưa. Ngay khi sách vừa in ra, trên tạp chí Mai (số 3, ra ngày 10/8/1960) Nguyễn Văn Xuân đã có bài Phê bình những truyện ngắn (cuối 1959 - đầu 1960), đã khẳng định tài năng của Võ Hồng rằng: “Điều nhận xét đầu tiên của tôi: Võ Hồng không phải một người mới viết văn, mặc dầu - hình như thế - ông ít hay viết truyện cho các báo. Tập truyện đầu tay này của ông từ lối bố cục, đến kỹ thuật đẩy truyện đi tới, đến lời văn đã đạt tới mức làm chủ ngòi bút của mình” [4, tr.394-395]. Với một bản lĩnh văn hóa trung thực và thẳng thắn như Nguyễn Văn Xuân mà còn tỏ ra cảm phục: “Tôi không thể không cảm ơn tác giả đã vô hình trung làm sống lại những giờ phút chua xót của một thời kỳ mà đa số nhân dân ta, gần như chẳng hiểu chút gì về chính trị, mà bọn thanh niên có học thức thì đa số đứng ra ngoài chiến cuộc xảy ra trên đất nước mình như kẻ bàng quan, một bọn khác vội vàng đi theo một lý tưởng hết sức sai lầm để cuối cùng ôm mối hận dài...” [tr.396]. Lá vẫn xanh (Nxb. Thời mới, 1963) là tập truyện ngắn thứ hai của Võ Hồng vừa mới ấn hành là nhận được ngay bài viết Về nguồn của Phạm Công Thiện, trong đó người tu sĩ/ thi sĩ và cũng là người nghiên cứu chuyên sâu các trào lưu triết học hiện sinh/hiện đại đang du nhập vào miền Nam thời ấy, đánh giá rất cao các truyện ngắn Niềm tin chưa mất, Trận đòn hòa giải, Xuất hành năm mới,... thậm chí còn làm phép so sánh nhân vật Tộc trong Niềm tin chưa mất của Võ Hồng với “hình ảnh thực sự của con người là người đứng nơi Nguồn. Người đó là Benjy của Faulkner, là Nick Adams của Hémingway, là Lennic và Crooks của Steinbeck, là Siddhartha của Hermann Hesse, là Zarathustra của Nietzsche, là Tộc của Võ Hồng” [5, tr.43], và còn nói lớn với chính nhà văn yêu quí của mình như một lời tâng bốc: “Một triệu trang giấy triết học cũng không đáng giá bằng một tiếng đập của con tim. Anh có nghe rõ chưa? Tôi muốn hét to lên như vậy” [tr.44].

Sau đó, khi Sơ khảo 15 năm văn xuôi miền Nam 1955 - 1969, lúc ấy Võ Hồng đã thể hiện được trường lực thẩm mỹ của mình với 6 tập truyện ngắn, 3 truyện dài, đã khẳng định vị trí trong lòng bạn đọc, đủ để Cao Huy Khanh có một cái nhìn khái quát và đúc rút ra nét cơ bản trong sáng tác của một tài năng: “Viết về kỷ niệm của đời mình, kể lại những chuyện tình đã qua, đưa vào tác phẩm hầu hết những kinh nghiệm sống trong thời dĩ vãng của riêng mình, đó chính là cái yếu tính đặc biệt của Võ Hồng, khả dĩ có thể giúp phân biệt với một nhà văn khác cùng thời cùng phương hướng” [6, tr.10]. Đó cũng là quan niệm và ghi nhận của Tạ Tỵ sau này khi nhận diện chân dung Võ Hồng và trang trọng “bầu” ông vào danh sách một trong Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay: “Võ Hồng, có lẽ chỉ sống bằng kỷ niệm chất đầy trong tâm thức, nên có thể xác định, những gì Võ Hồng viết về quá khứ bao giờ cũng cảm động, dễ lôi cuốn người đọc, bởi lẽ đơn giản, nhà văn hơn một lần vì nó mà gian truân, chìm nổi theo con sóng lịch sử” [7, tr.674]. Cùng vui mừng trước sự khẳng định ngòi bút của Võ Hồng, một người bạn văn của ông đang sống ở nước ngoài là Trần Thiện Đạo cũng hết lời ngợi ca và động viên, cổ vũ khi đọc truyện dài Người về đầu non (Văn xuất bản, 1968), có vóc dáng như một hồi ký. Trong lá thư gửi từ Paris, viết vào tháng 4/1968 của Trần Thiện Đạo (trích in vào giai phẩm Văn có tựa đề là Miếng ngà khéo chạm) có đoạn viết: “Tôi nghĩ viết hồi ký thích hợp với sở trường của anh, anh vốn có thứ hành văn bay bướm, nhẹ nhàng, nhí nhỏm (...)/ Anh bây giờ đã đi tới mức khỏi cần bận bịu đến cách diễn đạt ý tình, cảm nghĩ nữa rồi. Với tuổi nghề của anh, với ngòi bút của anh đã làm chủ được dễ dàng, thì công việc diễn đạt ý tình, cảm nghĩ đối với anh chắc chẳng còn nằm trong số những công việc đổ mồ hôi trán như đối với các nhà văn mới tập tễnh vào nghề nữa. Nên tôi nghĩ, trên nền móng do chính tay anh đã xây dựng sẵn rồi đó, anh cần rướn lên một bực nữa, anh dư sức mà” [8, tr.47]. Cùng thời điểm này, trên tạp chí Quần chúng (số 11, 12 tháng 5, 6/1969), Cao Thế Dung có một tiểu luận dài về Tiểu thuyết Võ Hồng - quê hương, trí nhớ và con người (giai phẩm Văn có trích một đoạn, dài 16 trang). Vào thời ấy, Cao Thế Dung là người đầu tiên có bài viết công phu, phân tích và nhận định tương đối kỹ lưỡng về 6 tập truyện ngắn và 3 truyện dài của Võ Hồng. Trong tiểu luận nghiêm cẩn, đầy tính học thuật của mình, nhà phê bình phân tích các tác phẩm dài hơi của nhà văn gắn liền với tâm trạng trong bối cảnh thời đại và lịch sử đất nước: Truyện dài của Võ Hồng: dòng tâm tưởng trên từng chặng đường của lịch sử đất nước và cho rằng: “Về truyện dài, Võ Hồng có ba truyện: Hoa bươm bướm, Người về đầu non, Gió cuốn. Tôi thích nhất truyện Người về đầu non, một loại thuật sự tâm tưởng qua chuỗi dài kỷ niệm sống của ký ức. Văn phẩm này lộ diện một cách rõ rệt bút pháp của Võ Hồng qua nội dung tâm tưởng. Bút pháp tức là cái thuật riêng của mỗi nhà văn trong cách xây dựng ngôn ngữ và cấu tạo hình ảnh. Người về đầu non, tác giả đã đạt được cho riêng ông một nghệ thuật cấu tạo hình ảnh. Một thứ hình ảnh có nhịp độ rung động và bén. Một thứ hình ảnh nói lên và gửi gắm nơi người đọc một điều gì đặc biệt khó phai” [9, tr.50-51]. Trong 6 tập truyện ngắn, Cao Thế Dung tập trung đi sâu phân tích các truyện mà ông cho là đặc sắc: Tình yêu đất, Thế giới của Năm Nhiều (trong Vết hằn năm tháng), Dấu chân sa mạc (trong Con suối mùa xuân), Đụng độ, Truyện cái răng (trong Khoảng mát)... và hướng đến hai chủ đề nổi bật là Quê hương - đất và tình người, bên cạnh những dệt gấm thêu hoa từ Những mảnh vụn trong đời sống để làm nên thế giới nghệ thuật đặc sắc trong văn xuôi Võ Hồng. Và, nhà phê bình đi đến một khái quát chung về truyện (mà ông gọi chung là tiểu thuyết) của Võ Hồng rằng: “Đứng trong khuôn khổ và nếp sinh hoạt của văn học hiện đại mà nhận xét, tôi thấy tiểu thuyết Võ Hồng thể hiện rõ một bản chất Việt Nam đặc biệt. Từ đó ta dễ dàng cảm thấy cái dân tộc tính đã bén sâu từ nền gốc tiểu thuyết Võ Hồng. Cái dân tộc tính đó bàng bạc trong tiểu thuyết của ông như ánh sáng và khí lành” [tr.63] và “điều rất đặc biệt đáng nói là nhân vật trong tiểu thuyết của ông đã rất gần với mọi người. Nhờ vậy tiểu thuyết của Võ Hồng đạt tới một tinh thần nhân bản lồng trên căn bản thực chất của con người trong quê hương của nó. Nông thôn và tập tục, đồng lúa xanh con sông dài và con người sống động trong đó như bao giờ cũng là đối tượng cho lòng say mê của nhà văn họ Võ, Ngân Sơn” [tr.65].

Ngoài thủ bút, tiểu sử, phỏng vấn và ba bài in lại nói trên, giai phẩm Văn số đặc biệt về nhà văn Võ Hồng (ra ngày 1/3/1974) còn có các bài sâu sắc như Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng của Tuệ Sỹ, Đọc Võ Hồng - truyện tình của giới trung lưu của Cao Huy Khanh, Khía cạnh giáo dục trong tác phẩm Võ Hồng và hai bài có tính chất hồi ký, kể về cuộc đời riêng và những kỷ niệm cảm động với Võ Hồng của Mang Viên Long (Võ Hồng, những lần gặp gỡ), Trần Hữu Cư (Võ Hồng, những bước chân hiu quạnh trong đời sống). Với một lối tư duy độc đáo, mang màu sắc triết học trước những chỉnh thể nghệ thuật được coi như những thực thể tinh thần nồng ấm tình yêu thương con người và hoài niệm về quá khứ, Tuệ Sỹ đã tìm cách xoa dịu những “vết thương đã khô và đóng vẩy” [tr.17,18] khi nhận ra “tình yêu cũng phi lý như chiến tranh, cả hai cùng ngoi đầu dậy từ những phá phách hỗn loạn của một cơn giận mông lung, vô cớ và vô nghĩa (...). Quả thực tình yêu thì cô đơn như sao mai, nhưng sự phi lý không hề là một. Có những phi lý của tình yêu, và chỉ có một phi lý của chiến tranh (...). Đó là một thứ tình yêu chỉ có trong thế giới của hoài niệm” [tr.18-19]. Tuệ Sỹ đọc các truyện dài Hoa bươm bướm, Gió cuốn... và cho rằng, về kỹ thuật, “truyện dài của ông phần lớn cũng chỉ là những truyện ngắn được ráp lại” [tr.19], nghĩa là có thể tách thành những truyện ngắn, vẫn bảo đảm tính toàn vẹn của một chỉnh thể nghệ thuật và đặc sắc của tài năng Võ Hồng chính là ở truyện ngắn (Vết hằn năm tháng, Trầm mặc cây rừng, Khoảng mát, Dốc hiểm nghèo, Đến chậm hơn nữa, Con suối mùa xuân, Ngày xuân êm đềm, Lá vẫn xanh, Tình yêu đất, Bên đập Đồng Cháy...). Khác với lần trước, lần này Cao Huy Khanh có điều kiện tiếp cận một cách tương đối đầy đủ sáng tác của Võ Hồng trước 1975 và “lẫy” ra vấn đề trong sáng tác của Võ Hồng chủ yếu là những truyện tình của giới trung lưu, gắn liền với bối cảnh và thời cuộc của đất nước, bởi “Võ Hồng thuộc vào lớp nhà văn tiên phong của nền văn chương miền Nam khởi đi từ sau ngày chia cắt đất nước. Trong khung cảnh chung của thời thế đó, nằm trong bầu khí chung của mọi ý hướng sáng tác nhằm phản ánh thời đại của cả một tầng lớp nhà văn trưởng thành bằng cách trải qua một cuộc chiến mang ý nghĩa bất nhất, tác phẩm của Võ Hồng ban đầu cũng không tránh khỏi việc lựa chọn cho riêng nó một bối cảnh nhất định, cái bối cảnh tiểu thuyết vốn rất quen thuộc của hầu hết các tác phẩm dù của bất kỳ nhà văn nào được viết ra trong giai đoạn này: bối cảnh của những năm loạn lạc, và ly tan trong cuộc chiến tranh Việt - Pháp trước 1954. Bởi thế cũng có thể nói là nếu tác phẩm của Võ Hồng được định tính là truyện tình thì đó là những truyện tình thời loạn vậy: những mối tình bị chia rẽ ngang trái bởi những hoạt động căn bản của một thời chiến về lãnh vực dân sự như chạy loạn, hồi cư, chết chóc, tù đày...” [tr.33]. Điều quan trọng hơn, lần này Cao Huy Khanh đã gọi tên được phong cách của văn chương Võ Hồng bên cạnh các tác giả thành danh đương thời một cách cẩn trọng, thăm dò và có sức thuyết phục: “Do đó cũng là điều dễ hiểu khi thấy rằng một Võ Hồng êm đềm, một Võ Phiến trầm lặng, một Vũ Hạnh nghiêm trang trong khi bên cạnh đó, những người đồng bào và cũng là những người bạn văn cùng thời, có một Mai Thảo sôi nổi, một Doãn Quốc Sỹ thiết tha, một Thanh Tâm Tuyền đầy cuồng nộ chẳng hạn” [tr.34-35]. Đặc biệt, đối với Châu Hải Kỳ, ông không chỉ nhận diện giá trị to lớn và bền vững “trên khía cạnh ảnh hưởng các tác phẩm trong sứ mạng rèn luyện nhân cách” [tr.88] đối với con người, không chỉ đối với thế hệ trẻ trong tâm thế Võ Hồng là một nhà văn - nhà giáo, mà còn đối với nhiều tầng lớp xã hội, nhiều lứa tuổi, trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, khi khẳng định rằng Võ Hồng đã đem lại cho mọi người một thứ văn chương trong suốt, có thể làm thanh sạch tâm hồn con người trong mọi trạng thái/tình huống khác nhau. Đó là văn chương thấm đẫm chất nhân bản, xuất phát từ tầm cao văn hóa của truyền thống dân tộc đã hun đúc từ bao đời nay, mà Võ Hồng như một hành giả lặng lẽ trao truyền trong cuộc đời riêng còn lắm quạnh hiu của mình.

Võ Hồng còn xuất hiện trong các công trình nghiên cứu hoặc phê bình của Phạm Việt Tuyền, Huỳnh Phan Anh, Trần Hoài Thư và nhiều người khác nữa, mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận và khảo sát hết.

Một công chúng rộng rãi nhất đến với sáng tác của Võ Hồng là các thế hệ học sinh trung học, khi tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy ở chương trình bậc phổ thông như trong giai phẩm Văn đã nêu: “Tác phẩm của ông được nhiều soạn giả trích làm bài giảng văn ở bậc trung học kể từ năm 1963” [Tiểu sử, tr.2]. Chính nhà văn đã từng kể lại một kỷ niệm khá thú vị rằng: “À, có một năm xưa, ngẫu nhiên tôi có dạy một giờ Công dân giáo dục ở một lớp Đệ Ngũ. Giờ trước lớp này học Việt văn với một cô giáo và bất ngờ mà bài giảng văn lại là bài trích văn của tôi. Khi tôi vào lớp, đang hỏi bài cũ thì có tiếng học sinh cãi nhau. Tôi kêu ba người học sinh phạm lỗi đứng dậy để hỏi nguyên do thì một đứa thưa rằng nó nói tác giả bài giảng văn vừa rồi là tôi, nhưng hai đứa kia không chịu tin, cãi lại. Hai đứa kia nói rằng chắc là trùng tên chớ tác giả gì lại còn sống. Tôi nghe mà không nín được cười. Đối với các em học sinh cỡ mười ba mười bốn tuổi, hễ phàm tác giả những bài giảng văn có in trong sách là phải chết hết cả rồi[Phỏng vấn Võ Hồng, tr.16). Sự chuẩn mực của văn chương Võ Hồng không chỉ thu hút người đọc có tính chất chọn lọc như các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, các thế hệ bạn đọc rộng rãi thuộc nhiều tầng lớp xã hội, mà còn là hình mẫu cho sự thẩm định, học hỏi, rèn luyện kỹ năng văn chương, và lớn hơn, là góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của nhiều thế hệ con em học sinh ở miền Nam trong một thời gian dài, từ 1963 đến 1975.

Theo chúng tôi, một trong những người am hiểu sâu sắc và có đủ cứ liệu chính xác nhất về Võ Hồng là Nguyễn Thị Thu Trang, trong công trình Võ Hồng - nhà văn và tác phẩm cũng đã có sự thống kê một cách cẩn trọng, đáng tin cậy rằng: “Nhiều nhà nghiên cứu văn học và bạn đọc đã viết về Võ Hồng. Trước 1975, có khoảng hơn bốn mươi bài. Sau 1975, cũng có con số xấp xỉ như vậy. Điều này chứng tỏ văn chương ông vẫn bền bỉ gắn bó với người đọc” [10, tr.8]. Nhìn lại thực tế sau 1975, đã có một công trình “Kỷ niệm 100 ngày mất của nhà văn Võ Hồng, Nhà xuất bản Trẻ và Công ty văn hóa Hương Trang ấn hành tập sách Văn chương và nhân cách Võ Hồng” [11, tr.6], ngoài phần phụ lục có đúng bốn mươi bài viết về Võ Hồng. Chắc chắn là chưa đầy đủ. Ở phần trước 1975, cũng chắc chắn là tròn số, hoặc vượt hơn con số đó. Những gì chúng tôi tiếp cận được trên đây là quá khiêm tốn và không tránh khỏi sự phiến diện có tính chất võ đoán. Chỉ có điều khi tiếp cận với bài trả lời phỏng vấn trên giai phẩm Văn, Võ Hồng có kể rằng: “Cách đây mấy năm tôi có dạy Việt văn ở một lớp Trung học. Tôi cho học sinh phê bình trên giấy nội dung và hình thức một bài giảng văn trích của Võ Phiến. Sau khi thu bài, chấm bài, tôi chợt có ý kiến là chọn năm sáu bài có những nhận xét ngộ nghĩnh, tôi bỏ vào phong bì và gửi tặng ông Võ Phiến” [12, tr.13]. Việc làm này như một nghĩa cử văn hóa, có ý nghĩa tích cực và thấm đẫm tình cảm đối với người bạn văn chương của mình. Nhưng ngược lại, tại sao trong Văn học miền Nam: Tổng quan, Võ Phiến vẫn giữ thái độ lãnh cảm đối với văn chương Võ Hồng, chúng tôi vẫn không sao giải thích nổi.

Đ.T.N.P - P.P.P
(TCSH48SDB/03-2023)

 

_________________________

Tài liệu tham khảo:

[1] Võ Phiến, Văn chương miền Nam: Tổng quan, truy cập ngày 30/11/2021, từ www.vietnamvanhien.net
[2] Nguyễn Huệ Chi (1994), Nhận xét luận án “Khuynh hướng văn học yêu nước tiến bộ trong các thành thị miền Nam” của Trần Hữu Tá, in trong Văn chương và nhân cách Võ Hồng, Nxb. Trẻ.
[3,10] Nguyễn Thị Thu Trang (2003), Võ Hồng - nhà văn và tác phẩm, Hội LHVHNT Phú Yên xuất bản.
[4] Nguyễn Văn Xuân (2020), Nguyễn Văn Xuân toàn tập, t.5, Nxb. Hội Nhà văn.
[5, 8, 9, 12] Dẫn theo Giai phẩm Văn, Số đặc biệt về nhà văn Võ Hồng, ra ngày 1/3/1974.
[6] Cao Huy Khanh (1970), “Sơ khảo 15 năm văn xuôi miền Nam 1955 - 1969”, tuần báo Khởi hành số 84/1970. Đây là một bài viết dài, in nhiều kỳ trên tuần báo Khởi hành từ số 77 đến số 85/1970.
[7] Tạ Tỵ (1972), Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Nxb. Lá bối.
[11] Nhiều tác giả (2013), Văn chương và nhân cách Võ Hồng, sđd.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng