Nghiên Cứu & Bình Luận
Hai nhà thơ mở đầu thơ ca hiện đại Thanh Hóa
14:35 | 14/08/2009
MẠNH LÊ Thơ ca hiện đại Việt Nam thế kỷ XX đã thu được những thành tựu to lớn đóng góp vào sự phát triển của lịch sử thơ ca dân tộc. Đặc biệt từ ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời thay thế chế độ phong kiến thực dân hơn trăm năm đô hộ nước ta cùng với khí thế cách mạng kháng chiến cứu nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 12 năm 1946 đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí mới để từ đó thơ ca hiện đại Việt Nam mang một âm hưởng mới, một màu sắc mới.
Hai nhà thơ mở đầu thơ ca hiện đại Thanh Hóa
Nhà thơ Hữu Loan - Ảnh: vietbao.vn

Có thể nói thơ ca kháng chiến chống Pháp mang một tiếng nói mới cả về nội dung và hình thức. Đây là thời kỳ thơ hiện đại Việt nam có sự cách tân mạnh mẽ trên bình diện hình thức mà trước hết đó là sự chuyển hóa từ nội dung mà cách tân hình thức. Nhà thơ Tố Hữu với 2 tập thơ Từ ấyViệt Bắc khẳng định vị trí mở đầu cho nền thơ ca cách mạng hiện đại Việt Nam. Bên cạnh nhà thơ Tố Hữu, nhóm nhà thơ Thanh Hóa tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu đã đóng góp cho thơ ca kháng chiến những bài thơ mang ý nghĩa cách tân đích thực từ nội dung đến hình thức. Đây là một trong những chùm thơ tiêu biểu cho một giọng điệu thi ca mới. Thi ca cách mạng, chống Pháp và chống Mỹ. Đó là Trần Mai Ninh với "Nhớ Máu" (1946) và Tình Sông Núi (1947), Hữu Loan với Đèo Cả (1946), Màu Tím Hoa Sim (1949), Thôi Hữu với Lên Cấm Sơn (1948), Hồng Nguyên với Nhớ (1948), Hà Khang với Có một Mùa Chiêm (1948), Nghìn ngày kháng chiến gặp mùa lúa chiêm (1949), Minh Hiệu với Mưa Núi (1949). Đây là những tác giả, những tác phẩm tiêu biểu của thơ ca kháng chiến Thanh Hóa. Trần Mai Ninh với Nhớ Máu (1946) và Hữu Loan với Đèo Cả (1946) là hai tác giả có hai bài thơ xuất hiện sớm nhất của thơ ca kháng chiến Thanh Hóa và trở thành những nhà thơ mở đầu văn học hiện đại Thanh Hóa.

Xác định vị trí mở đầu một trào lưu văn học, một dòng văn học không chỉ lấy tiêu chí thời gian tác phẩm xuất hiện mà tiêu chí quan trọng nhất vẫn là phương pháp sáng tác tức là nội dung phản ảnh và cách thức phản ánh đời sống hiện thực của nhà văn. Có thể nói, mục tiêu phản ánh hiện thực là một đặc điểm bao trùm của văn hóa hiện đại Việt Nam thế kỷ XX.


Nhà thơ Trần Mai Ninh - Ảnh: baophuyen.com.vn


Trần Mai Ninh hoạt động cách mạng trong phong trào mặt trận dân chủ (1936 - 1939) của Đảng Cộng sản Việt Nam khi mặt trận dân chủ bị đàn áp, ông trở về Thanh Hóa hoạt động ở chiến khu Ngọc Trạo. Bị địch bắt giam tại nhà tù Thanh Hóa (1942 - 1944). Ông vượt ngục lại bị bắt ở nhà tù Buôn Ma Thuột (1944-1945). Đầu năm 1945 thoát khỏi nhà tù và hoạt động ở Liên khu V, tham gia giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Ông bị giặc Pháp bắt và tra tấn dã man. Ông đã anh dũng hy sinh năm 1948.

Trần Mai Ninh viết bài thơ Nhớ Máu vào đêm 9 tháng 11 năm 1946 tại Tuy Hòa. Trong thơ ca cách mạng Việt Nam, Nhớ Máu của Trần Mai Ninh là khúc tráng ca cuồn cuộn hơi thở quyết liệt của một khí thế cách mạng. Đây là tiếng nói hào phóng ngang tàng của một khí phách chiến sĩ được phá củi sổ lồng được gào thét với sát khí quyết tử của người chiến sĩ cách mạng quyết chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Ơi cái gió Tuy Hòa
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng
Gió đi ngang, đi dọc
Gió trẻ lại - lưng chừng
Gió nghỉ
Gió cười
Gió reo lên lồng lộng
Tôi đã thấy lòng tôi dậy
Rồi đây
- Còn mấy bước tới Nha Trang
- A, gần lắm
Ta gần máu
Ta gần Người
Ta gần quyết liệt
                        (Nhớ Máu)

Nếu không có cuộc sống chiến đấu quyết liệt sống mái với quân thù, không được chứng kiến khí thế trào dâng của cả dân tộc vụt đứng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám như Nguyễn Đình Thi đã viết trong bài thơ Đất Nước: Nước Việt từ trong Máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa thì Trần Mai Ninh làm sao có được giọng điệu thơ tự nhiên và mạnh mẽ, nhịp thơ dồn dập lúc căng lúc chùng, mạch thơ ngừng, chảy đột ngột, khí thơ hừng hực hơi thở cuộc sống:

Cả mắt
Cả Người
Cả hồn ta sát tới
Biết bao Người
Sống lẩn lút nhưng ngang tàng
Bên lưng giặc
...
Cờ đã nâng cao
Mầu đỏ máu
Với sao vàng tung rực rỡ
...
Máu chan hòa trên góc cạnh Kim Cương
Các anh hùng tay hạ súng trường
Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu
Họ cười vang rung lớp lớp tinh cầu.
                        (Nhớ Máu)

Nhà thơ Hữu Loan tham gia cách mạng trước tháng 8-1945 trong phong trào mặt trận bình dân. Tham gia Việt Minh ở thành phố Thanh Hóa năm 1943, ông về Nga Sơn gây dựng phong trào Việt Minh là Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nga Sơn. Cuối năm 1945 được cử làm ủy viên văn hóa trong ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa kháng chiến chống Pháp, ông vào quân đội, làm trưởng ban tuyên huấn quân khu IV. Phụ trách báo chiến sĩ. Bài thơ Đèo Cả được Hữu Loan viết khi ông đang trực tiếp phụ trách báo chiến sĩ ở Huế. Trong một chuyến đi làm báo Hữu Loan đi từ Huế vào Đèo Cả. Hiện lên trước mắt ông thiên nhiên hùng vĩ, non nước điệp trùng, con đường hun hút gian lao không làm nản lòng người chiến sĩ và chính Đèo Cả là biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng:

Đèo Cả! Đèo Cả
Núi cao ngút
Mây trời Ai lao
Sầu đại dương
Dặm về hun hút
Bia đá mù sương

Ở ngay những dòng thơ mô tả thiên nhiên, ta đã gặp hơi thở của Tráng Ca. Nhà thơ Anh Chi khi đi tìm hành trình thơ Hữu Loan đã khẳng định:
"Lúc viết Đèo Cả, Hữu Loan chưa biết bài thơ đầu tay của ông là bài thơ đầu tiên của một thời kỳ thi ca mới. Thơ ca thời kỳ trước đó có nhiều tài năng lớn với những sáng tạo đáng tự hào cho nền thơ ca nước Việt Nam mà lịch sử văn hóa gọi là thơ mới nhưng cảm hứng chủ đạo của nó là buồn, hoặc bi phẫn hoặc bất đắc chí. Đèo Cả là thứ thơ khác hẳn". (Hành trình thơ Hữu Loan - Tạp chí Nhà văn số 9-2003).

Cũng như Trần Mai Ninh trong Nhớ Máu giọng điệu thơ Hữu Loan trong Đèo Cả là giọng điệu rắn chắc, dồn nén, mạnh mẽ, giàu phong vị sử thi mà rất hiện thực:

Sau mỗi lần thắng
Những người trấn Đèo Cả
Về bên suối đánh cờ
Người hái rau rừng
Ăn nheo mắt
Người vá áo
Thiếu kim mài sắt
Người đập mảnh chai
Vênh cằm cạo râu
Suối mang bóng người
Soi những về đâu ?
                        (Đèo Cả)

Chính cuộc sống hiện thực và tài năng sáng tạo đã giúp các nhà thơ kháng chiến Thanh Hóa viết được những bài thơ, câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ, giàu chi tiết chân thực không nặng về ước lệ hoặc thi vị hóa cuộc sống mà tươi non hơi thở đời sống.

Những câu thơ leo tháng trong Đèo Cả của Hữu Loan không mới so với thi ca thế giới song đặc biệt mới mẻ và đắc địa trong hình thức thể hiện của thơ ca hiện đại Việt Nam. Bởi lẽ kiểu ngắt câu tạo bậc thang vừa tạo ra nhịp thở chắc khỏe vừa tạo nên một giọng điệu tự nhiên vừa tạo ra xúc cảm dồn nén cho câu thơ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trữ tình và tự sự dung dị và mới mẻ, dân tộc và hiện đại, sử thi và anh hùng ca là những đặc điểm mang tính thi pháp của thi ca kháng chiến và những đặc điểm thi pháp ấy càng được phát huy trong thơ ca chống Mỹ. Sự ảnh hưởng của Trần Mai Ninh và Hữu Loan không chỉ đối với các tác giả thơ Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành các giọng điệu thơ Thanh Hóa thời chống Mỹ và sau này. Một dấu hiệu hình thức mang tính phổ biến ở các tác giả thơ Thanh Hóa hiện đại là giọng điệu thơ tự do không vần thường được các tác giả thơ Thanh Hóa vận dụng thể hiện trong quá trình tìm tòi sáng tạo để đổi mới thơ (Chúng tôi xin được trình bày kỹ sự ảnh hưởng này của các tác giả thơ kháng chiến Thanh Hóa ở một chuyên luận khác).

Khẳng định vị trí mở đầu thơ ca hiện đại Thanh Hóa của hai tác giả thơ Trần Mai Ninh và Hữu Loan với hai bài thơ tiêu biểu là Nhớ MáuĐèo Cả, chúng tôi không chỉ tôn vinh những giá trị truyền thống của thơ ca mà chúng tôi còn muốn tìm đến một giả định rằng trong quá trình đổi mới thơ, để có được những cách tân hình thức, phải bắt đầu từ nội dung và giọng điệu thơ, ngôn ngữ thơ chỉ thực sự mới khi nó được khơi nguồn từ hiện thực cuộc sống...

Tháng 4 năm 2004
M.L
(184/06-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng