THÁI VŨ
Trước đây vẫn tồn nghi hai giai thoại: Một là, đôi câu đối Tử năng thừa phụ nghiệp - Thần khả báo quân ân của vua Tự Đức mà Cao Bá Quát cho là "cương thường đảo ngược" đã chữa lại.
Trong bài viết về Nguyễn Hàm Ninh, đăng trên tạp chí Sông Hương số 24, 1987, tác giả Hoàng Minh Tiến lại cho là người chữa lại chính là Nguyễn Hàm Ninh. Hai là, cũng trên bài viết đó, Hoàng Minh Tiến cũng cho bài thơ "Răng cắn lưỡi" của Nguyễn Hàm Ninh có ý khuyên vua Tự Đức trong vụ hãm hại anh cùng cha khác mẹ (vợ vua Thiệu Trị) là Hồng Bảo.
Đã là giai thoại thì chỉ là chuyện kể truyền miệng, song đều có xuất xứ, nhất là về thơ phú của các cụ nhà nho nhà ta trước đây, tất nhiên có thêm thắt, song vấn đề xác định tên cho một tác giả quả là khổ cho con cháu sau này. Hai trường hợp trên, nằm trong diện đó. Riêng bài thơ "Răng cắn lưỡi" trên lại được nghi vấn cho ba tác giả mà chúng tôi xin ghi lại sau đây:
1. Trước hết, theo như bài được đăng trên Tạp chí Sông Hương số 24, cho là của Nguyễn Hàm Ninh (trang 76, cột 2); Sinh ngã chi sơ nhữ vị sinh - Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh - Trân tu tằng kỷ đồng cam khổ - Khiết chỉ hoàn vong cốt nhục tình (Thuở bác sinh ra chú chửa sinh - Tự sinh ra chú, bác làm anh - Tâm can từng lúc cùng san sẻ - Cốt nhục đang tâm nghiến đứt tình).
Bài thơ Nguyễn Hàm Ninh làm trong bữa cơm vua Tự Đức đãi các quan, vô ý để răng cắn phải lưỡi rồi bảo các quan làm thơ vịnh.
2. Trong tập Giai thoại văn học Việt Nam do cụ Song An Hoàng Ngọc Phách (tác giả Tố Tâm) và Kiều Thu Hoạch sưu tầm biên soạn (Nhà XB Văn học) thì lại cho bài thơ đó là của "Nguyễn Đăng Hành, em Nguyễn Đăng Giai, làm quan đời Tự Đức, là người hay chữ" (trang 196 - 197). Các tác giả không cho biết tác giả Nguyễn Đăng Hành và anh là Nguyễn Đăng Giai là người thế nào. Cũng cho là tác giả làm trong "bữa tiệc ăn mừng" nhân Tự Đức dẹp được âm mưu lật đổ mình của Hồng Bảo, do Tự Đức đãi yến các quan "để răng cắn phải lưỡi".
Tình tiết ghi thêm: "Tự Đức xem xong biết là Hành ám chỉ việc riêng của mình, tức giận lắm, nhưng cũng phải phục tài. Rồi để thỏa nỗi tức giận của mình; nhà vua sai đem tác giả ra cửa Ngọ Môn nọc đánh ba chục roi về cái tội châm biếm phạm tội. Sau đó, để tỏ mình cũng biết kính trọng văn tài, nhà vua lại thưởng tiền lụa cho tác giả rất hậu".
Với hai tác giả là Nguyễn Hàm Ninh và Nguyễn Đăng Hành đều là người Quảng Bình, chúng tôi xin trình bày như sau: Nguyễn Hàm Ninh sinh năm 1808, đậu Giải nguyên trường Huế năm 1831 (Tân Mão) cùng khoa với Cao Bá Quát đậu Á nguyên trường Hà Nội. Hai người kết bạn thân với nhau, và cả với Đinh Nhật Thận, người huyện Thanh Chương, Nghệ An, đậu tiến sĩ năm 1838, khi mới 26 tuổi. Chuyện về ba ông bạn này thật lắm giai thoại vui buồn, nhưng khi Cao Bá Quát khởi nghĩa ở Mỹ Lương (1854) thất bại, triều đình Huế cho Đinh Nhật Thận và Nguyễn Hàm Ninh đều có liên quan nên bị vạ lây, Đinh Nhật Thận bị kết án tử hình, giải vế Huế, sau nhờ có tài về thuốc và Tự Đức chuộng hiền tài, nên được tha tội. Còn Nguyễn Hàm Ninh, làm Án sát Khánh Hòa năm 1846, bị lái buôn Trung Quốc lừa xuống thuyền bắt đi rồi được thả ở Trung Quốc. Lần đó bị cách tuột chức, đày vô Đà Nẵng sung quân. Được phục chức vì Tự Đức mến tài cho làm Hàn Lâm viện trước tác, nhưng cũng lại bị cách chức. Khi xẩy ra vụ Cao Bá Quát, ông đã cáo quan về quê. Như thế, Nguyễn Hàm Ninh không thể là người đã làm bài thơ "Răng cắn lưỡi", khi vụ Hồng Bảo xẩy ra năm 1866 với cuộc nổi dậy "Giặc Chày vôi" của anh em Đoàn Trưng. Mà với những "tiền án tiền sự" kia, dù Nguyễn Hàm Ninh có được vua Tự Đức cho dự buổi dạ yến kia, có gan tày trời, là bạn chí thân của Cao Bá Quát, hẳn cụ Tĩnh Trai Nguyễn Hàm Ninh phải biết giữ... miệng.
Còn trường hợp Nguyễn Đăng Hành theo giai thoại văn học của cụ Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch, chúng tôi xin ghi thêm về lai lịch của cụ: cụ người làng Phù Chánh, huyện Lộ Thủy, tỉnh Quảng Bình, con thứ Nguyễn Đăng Tuân (1763 - 1845), đỗ cử nhân cuối thời Lê - Trịnh, làm quan thời Gia Long, thời Minh Mạng là Tham tri bộ Lễ, thầy dạy vua Thiệu Trị, thăng Thượng thư rồi Hiệp biện Đại học. Quyền lớn ngang Trương Đăng Quế, là người đỡ đầu cho thế tử Hồng Bảo lên ngôi vua, chống cánh Trương Đăng Quế và bà Từ Dũ, mẹ Hồng Nhậm (tức Tự Đức sau này). Nguyễn Đăng Hành cũng là em ruột Nguyễn Đăng Giai, Tổng đốc 5 tỉnh ngoài Bắc (Ninh - Thái - Sơn - Hưng - Tuyên) rồi tổng đốc Hà Nội, Hiệp biện Đại học sĩ, sung Hữu kỳ Kinh lược đại sứ (từ Hà Tĩnh ra Bắc). Họ Nguyễn Đăng là một dòng họ khoa bảng lớn, có nhiều thế lực ở triều đình Huế suốt 4 đời vua từ Gia Long đến Tự Đức...
Nguyễn Đăng Hành đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thân đầu triều Tự Đức, nhậm chức Bố chánh Khánh Hòa. Năm 1862 chuyển ra Bắc, dưới trướng của anh là Kinh lược sứ Hữu kỳ Nguyễn Đăng Giai. Ông hy sinh trong một trận đánh nhau với giặc Khách. Bài thơ kia, "Răng cắn lưỡi", lại được làm sau năm 1866 như đã nêu ở trên, nghĩa là sau khi Nguyễn Đăng Hành đã chết.
Như vậy có thể nói không phải Nguyễn Hàm Ninh, cũng không phải Nguyễn Đăng Hành đã là tác giả bài thơ đó. Vậy ai là tác giả???
* * *
Như trên, dễ nhận được rằng cả đôi câu đối "luân thường đảo ngược" chữa câu đối của vua Tự Đức lẫn bài thơ "Răng cắn lưỡi" không thể là của Nguyễn Hàm Ninh như trong bài viết của Hoàng Minh Tiến. Về bài thơ "Răng cắn lưỡi" xin chỉ lấy chi tiết lịch sử trong cuốn Cách mạng Tây Sơn của Văn Tân (tr.77, HN 1958)
"Về đến Quy Nhơn (sau khi Nguyễn Huệ tháng năm (1786) Bính Ngọ, ra Thăng Long lần thứ nhất, phò Lê diệt Trịnh, Nguyễn Nhạc vội vã theo ra, sau trở về), Nhạc phong Huệ làm Bắc Bình vương cai quản từ đèo Hải Vân trở ra (Lữ coi đất Gia Định), còn Nhạc tự xưng Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn.
"Đến đây mâu thuẫn giữa Nhạc và Huệ nổ ra. (Huệ bất bình vì Nhạc không giao đất Quảng Nam cho mình, còn Nhạc thì cho Huệ ra Bắc hà lấy được nhiều của cải của họ Trịnh). Theo Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, Huệ làm hịch hỏi tội Nhạc, Nhạc tức giận mang quân đánh Huệ, thì Huệ đem 60.000 vào vây đánh Quy Nhơn ba bốn tháng trời...". Văn Tân dẫn thư của giáo sĩ Doussain viết ngày 6 tháng 6 - 1787 nói về sự thiệt hại của Huệ: "Sau hai ba tháng đánh nhau, Huệ bị mất tới nửa quân phải ra lệnh gọi hết thảy mọi người nhập ngũ..." (tr.78). Giáo sĩ Labartell trong thư viết tháng 6 năm 1787 cũng nói là "Huệ và Nhạc đánh nhau tới nay đã ba tháng rồi...". Chính biên liệt truyện (tập 30, tờ 14b) còn ghi là Nhạc bị vây rất khốn đốn, phải lên thành gọi Huệ khóc mà nói:
- Nồi da nấu thịt, sao em nỡ hại anh?
Đó là một sự thật lịch sử, dù Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi lại với dã tâm thêm thắt xấu đi như ghi trong Chính biên liệt truyện.
Nhạc và Huệ mâu thuẫn với nhau không chỉ có như thế, mà còn cả chuyện riêng tư gia đình, theo Văn Tân, tồn tại đến thời con Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo và con của Nguyễn Huệ là Nguyễn Quang Toản (tr.79).
Vậy chuyện trên dính dáng gì đến bài thơ "Răng cắn lưỡi" kia? Trong cuốn Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam (Viện Sử học - UBKHXH V.N.H.N, 1987, tr. 387) có ghi rõ mâu thuẫn trên giữa Nhạc và Huệ.
Theo Ngô gia văn phái, cuốn Hoàng Lê Nhất thống chí, tr.293 ghi mùa hè năm 1786, sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Huệ "liền sai người tìm Kỷ (Trần Văn Kỷ) hỏi chuyện Nam - Bắc, Kỷ đối đáp rất nhanh và rất hợp ý nên Bắc Bình vương rất trọng cho ở chỗ màn trướng, việc gì cũng bàn với Kỷ, lúc nào cũng gần bên Kỷ, không mấy lúc xa rời". Còn Khâm định Việt sử thống giám cương mục chính biên, tập 20 (Viện Sử học, HN), ghi rõ kết quả sau mâu thuẫn "nồi da nấu thịt" kia, là Nguyễn Huệ được Nhạc cắt đất cho không phải từ Hải Vân mà từ Quảng Ngãi trở vào Nam, Nhạc làm chủ, từ đất Thăng Điện (Thăng Bình - Điện Bàn, Quảng Nam) trở ra Bắc, Huệ làm chủ, là mưu kế của Trần Văn Kỷ, bề tôi yêu chuộng của Nguyễn Huệ. Sau công lớn đó, Trần Văn Kỷ được Nguyễn Huệ phong chức Trung thư - phụng chánh (theo Tây sơn thực lục, khoa Sử ĐHTH, HN), như Trung Thư Lệnh thời Lê, nắm toàn bộ thư từ cơ mặt, chiếu lệnh, thảo sắc phong, Kỷ lại được làm quân sư riêng cho Nguyễn Huệ...
Chúng tôi trình bày chi tiết về vai trò của Trần Văn Kỷ như trên để thấy rõ quan hệ thân thiết của Nguyễn Huệ đối với Trần Văn Kỷ, khi chính Kỷ sau này đã che chở và tiến cử Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích bỏ Trịnh vào với Huệ, cũng như chính Kỷ khi ra Nghệ An bày vua Quang Trung mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp nước. Và chỉ có Trần Văn Kỷ, trong tình thân và tin cậy đó, khi trong trướng cùng bàn việc quân với Nguyễn Huệ, có thể cùng ăn chung trên một mâm cơm khi Huệ đang vây hãm thành Quy Nhơn, Huệ sơ ý nhai, răng cắn lưỡi, và Kỷ vốn là người trung thực, nhân nghĩa, đã suy ngẫm từ bao ngày qua trong cảnh anh em Nhạc - Huệ "nồi da nấu thịt" kia đã làm ra bài thơ Răng cắn lưỡi đó.
Chỉ có trong tình thân đó, Trần Văn Kỷ mới dám làm bài thơ đó và Nguyễn Huệ đã nghe theo, rút quân vây Quy nhơn và sau đó, Nhạc cũng mang ơn chịu nhường đất Quảng Nam cho Huệ như Huệ yêu cầu. Còn với vua Tự Đức, hẳn khó có thể một Nguyễn Hàm Ninh hay một Nguyễn Đăng Hành dám táo gan phạm thượng như thế khi họ đều đã chết và việc giết anh đã qua của Tự Đức còn dồn đến con và cháu Hồng Bảo là Đinh Đạo sau này.
Suy nghĩ bao ngày mà lòng không dứt về truy nguyên tác giả bài thơ đó, nay thiển ý nêu lên như vậy, mong được có ý kiến cởi mở thêm. Còn về bài thơ đó, hai câu 3 và 4 có dị bản là tất nhiên, song vấn đề chính vẫn là hai câu đầu.
Bản chép tay của tôi, câu 3 - 4 là (ghi theo bác Đặng Thai Mai): Bất tư cộng hưởng trân cam vị - Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình (ngọt bùi chẳng thể cùng nhau hưởng - xương thịt đang tâm nghiến nát tình). Dị bản là hai câu 3 - 4, đăng Sông Hương đã ghi ở trên. Dị bản khác nói là của Nguyễn Đăng Hành, đăng trong Giai thoại văn học V.N. (tr. 197): Kim triêu hạnh hưởng cao lương vị - Hà nhẫn độc thương cốt nhục tình (Hôm nay ăn uống ngon lành - Mối tình cốt nhục sao đành hại nhau), câu 3 - 4 của Trần Văn Kỷ là Lý ưng cộng hưởng trân cam vị (Lý: cá chép, ưng: chim ưng, con ó, Lý ưng: chỉ cá thịt). Chữ Nhữ và Nhĩ: là mày, chỉ người dưới.
Trần Văn Kỷ, gốc họ Trần từ Thanh Hóa vào đất Thuận Hóa khoảng thời Lê sơ (T.K.15). Thân sinh là Trần Văn Hồng sống ở làng Vân Trình, huyện Phong Điền, có 4 con trai và 5 con gái, Trần Văn Kỷ là con thứ 7, Trần Văn Hồng làm chức đội trưởng (mất năm 1758), sống chính về nghề nông. Kỷ còn có tên Trần Chánh Kỷ, được ăn học, năm 1777, thi hương ở Phú Xuân đỗ đầu rồi ra Thăng Long thi Hội. Dịp này ông quen biết nhiều danh sĩ Bắc hà, tìm hiểu dân cư và sinh hoạt xứ Bắc, nhất là triều đình Lê - Trịnh. Chính vì thế, khi Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân vào mùa hạ năm 1786, vời ông đến hỏi chuyện Đàng Trong và Đàng Ngoài, Trần Văn Kỷ đã trả lời rành rọt và lưu loát, được Nguyễn Huệ tin dùng ngay. Chuyện bài thơ "Răng cắn lưỡi" cũng khởi nguồn từ đó. Khi vua Quang Trung mất, phe cánh Bùi Đắc Tuyên đã hãm ông, cũng như Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diệu. Nguyễn Ánh chiến thắng, trả thù vua Quang Trung và tướng sĩ Tây Sơn rất dã man với Trần Văn Kỷ, Ánh không dụ hàng được, đã xử án ông tử hình theo kiểu "tam ban triều điển" (thuốc độc, giải lụa và thanh gươm, tùy chọn).
T.V
(TCSH54/03&4-1993)