Nghiên Cứu & Bình Luận
Chất thơ trong "Vang bóng một thời"
14:39 | 10/08/2023

ĐỖ ĐỨC HIỂU

Chất thơ bao quanh tác phẩm văn chương và cuộc đời nghệ sĩ Nguyễn Tuân như một "huyền sử".

Chất thơ trong "Vang bóng một thời"
Bản in lần thứ sáu năm 1988 - Ảnh: tư liệu

Có thể cảm nhận Vang bóng một thời (1) của Nguyễn Tuân như một bài thơ, - một bài thơ với những nhịp mạnh xen lẫn với những nhịp nhẹ, với những trùng điệp day dứt, những rung động mãnh liệt hay nhẹ nhàng, tỏa lan thành những đợt sóng và những làn sương. Vang bóng một thời mang chất thơ của một thời lịch sử quyết liệt, được biểu hiện bằng những nhịp mạnh - những buổi chiều máu lửa, những va chạm dữ dội; của những giấc mơ trong sáng, thanh khiết, được diễn đạt bằng những nhịp nhẹ - sương khói mờ ảo của chén trà sương, nắng chiều tàn; của trí tưởng tượng thần tiên hay ma quái - oan hồn xõa tóc, những màu vàng ghê sợ, đỉnh non Tản huyền bí. Có thể thấy ở Vang bóng một thời ba mô-típ nghệ thuật, tôi tạm gọi là mô-típ "buổi chiều máu", mô-típ "sương mờ" và mô típ "Liêu trai". "Vang bóng" là chất thơ bao trùm ba mô tip trên, "một thời" chỉ rõ thời kì lịch sử cụ thể của nước ta, nhân dân ta, tức "giao thời" như nhà văn nói. Nguyễn Tuân, con người lãng tử, khí phách, độc lập ấy, đã nhìn sâu vào lịch sử bằng con mắt nghệ sĩ, tìm ra một phương diện cái đẹp của văn hóa dân tộc, cái hào hùng, bất khuất và cái thuần khiết của tâm hồn trong buổi giao thời nhập nhoạng, một thời kỳ lịch sử bị bạo lực vi phạm vô cùng thô bạo. Từ thời kỳ "hỗn loạn và xô bồ" ấy, với hình ảnh trận lụt mênh mông, cơn mưa dai dẳng, vườn chuối tả tơi, cơn đau bụng "hắc loạn", tiếng gió gào khóc..., Nguyễn Tuân chắt lọc một chất thơ sáng láng, trong sạch để sáng tạo một bản nhạc mười hai cung bậc - mười hai truyện của tập "Vang bóng một thời".

Trong tiếng thơ ngân dài của tập văn xuôi Vang bóng Chữ người tử tù, Ngôi mả cũ, Một đám bất đắc chí... là những nhịp điệu dằn dữ, hằn lên những âm thanh, màu sắc, những cảnh tượng dữ dội, những khuôn mặt kiên cường, những cử chỉ ngang tàng, gang thép. Ông Huấn Cao, người anh hùng bất khuất, suốt đời không hề viết chữ "vì ngọc vàng hay vì quyền thế", một đêm, đã "cho chữ" người quản ngục, một tấm lòng trong thiên hạ. Trong một không gian khác thường - một phòng giam chật chội, đầu mạng nhện và tổ rệp, ẩm ướt; ở một thời gian khác thường, - một đêm khuya tĩnh mịch, chỉ có tiếng mõ cầm canh vẳng lại, một bó đuốc rực cháy, khói lửa mịt mù như một đám cháy, ba con người chụm đầu trên một tấm lụa bạch, là một cảnh tượng hùng tráng: người quản ngục khúm núm căng phiến lụa, thầy thơ lại gầy gò, run run bưng chậu mực, Cao Bá Quát, chân vướng xiềng, viết những chữ vuông tươi tắn, những chữ tung hoành, dọc ngang trên lụa trắng "nói lên hoài bão của một đời con người". Khí tiết ông Huấn Cao, thiên lương viên quản ngục và thầy thơ lại, dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, biến cái không gian ngột ngạt, nhơ nhớp của lịch sử bạo lực thành ngọn lửa rực sáng, thành hương thơm bốc tỏa từ chậu mực, lấn át cái âm u, lạnh buốt.

Cũng như vậy, truyện Ngôi mả cũ gợi lại, qua vài nét chấm phá, một trang lịch sử hào hùng và bi kịch lúc giao thời. Trong không khí buồn bã của cuộc sống thanh bạch, với ký ức "màn trời chiếu đất", cô Tú, cậu Chiêu, con gái và con trai cụ Ấm, người đã cùng binh mã Cờ Đen chống giặc, nhớ đến nét chữ rất tốt của cha, chữ "có gân có mác", những "nét sổ thẳng và khỏe". Trong cái cảnh cô đơn, cô Tú thức khuya dệt vải dưới vành trăng khuyết, trăng tròn, trăng lại khuyết trên đầu ngọn tre, trong cái cảnh cậu Chiêu mặc áo trắng, thấp thoáng dưới giàn bầu nậm xanh biếc, phảng phất xa xôi hình bóng cụ Hồ Viễn với một lá cờ đen to bằng cánh buồm thuyền lớn, xuất quân lẫm liệt, thắt lưng điều; ông già cưỡi ngựa, cầm cờ đen, đánh Tây, bắn súng. Bộ ba người - cụ Hồ Viễn bao bọc trong huyền sử, là cái vang cái bóng một thời oanh liệt; cô Tú; cậu Chiêu là giấc mơ tương lai, mong chờ tháng ngày "yên ổn xanh màu ngọc bích", bộ ba người ấy là những vang bóng một thời.

Cao Bá Quát, Cờ Đen; rồi Đề Thám trong truyện Một đám bt đắc chí ("Cai Xanh hay bàn với những người thân tín về việc ông Thám ngoài Yên Thế"). Vẫn cái chất thơ mênh mông của bóng dáng những người khởi nghĩa làm nền cho hành tung, hoạt động dữ dội của đám người hảo hán, những "tay giang hồ phóng khoáng", "những khách ngang tàng" chuyên "đánh những tiếng bạc lớn". Truyện của Nguyễn Tuân thường bao gồm những cảnh miêu tả hào hùng xen lẫn những giấc mơ vời vợi. Trong truyện này, giấc mơ: "Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi" của đám người "nghèo, cực, khái", "lấy tiền bạc của bọn bất nghĩa chia cho anh em khác nghèo như mình", là một giấc mơ máu lửa. Bộ ba Lý Văn, Phó Kình, Cai Xanh là những chân dung quyết liệt của ngòi bút đầy chất thơ của Nguyễn Tuân. Một trong những phương thức nghệ thuật xây dựng nhân vật của ông là nghệ thuật bao bọc nhân vật bằng huyền thoại: hoặc gợi lên, bằng đôi nét chấm phá, hình bóng nhân vật qua màn sương mờ thời gian (cụ Hồ Viễn), hoặc đặt nhân vật trong một khoảnh khắc thời gian và không gian dữ dội (Cao Bá Quát cho chữ), hoặc như ở truyện Một đám bất đắc chí, nhân vật có một hào quang truyền thuyết, mỗi xuất hiện chốc lát với ngón võ "bút chì", "bút chùng", hay "lá chắn" siêu phàm, tạo cho truyện một âm thanh sống động. Những ấn tượng các nhân vật lịch sử ấy để lại cho người đọc mang nhiều chất thơ. Người đọc khó quên những huyền thoại bao quanh con dao thép, hộp thuốc lào khắc hổ phù của Cai Xanh, người đọc còn như nghe thấy từ thẳm sâu lịch sử tiếng "phập" của lưỡi mai của Phó Kình đánh ngã cây chuối "kêu đánh roạt", hoặc lưỡi mai của Lý Văn phóng ra "kêu đánh vụt". Đó là những âm thanh ghê rợn của lịch sử lúc giao thời.

Và Bãi Sậy, với hình ảnh của mười hai nghĩa sĩ bị hành hình. Một buổi chiều âm u, trong vườn chuối, chim kêu thưa thớt. Ở đây là tàn phá, là chém giết, là những thân cây chuối đổ, là phá phách, điêu tàn. Bát Lê, đao phủ, như một con quỷ, nhảy nhót, múa thanh quất giữa vườn chuối tan hoang. "Roạt, roạt, roạt" và "roạt, roạt", và "một buổi chiều thu quyết đã đổi màu", và "con đường máu" và "trời chiều dữ dội", và "mây quái rợ vẽ những bức tranh mây chó" đè sát mặt đất. Và, cuối cùng, một trận lốc xoáy rất mạnh lật tung cái mũ trắng trên đầu viên công sứ, quăng xuống đất. Những cảnh tả trong các truyện trên của Nguyễn Tuân là biểu tượng của những biến động đầy bạo lực rối ren, phi lý của một thời kỳ lịch sử đầy màu vàng hoen ố của cây hòe giữa mùa bão lụt, đầy gió thổi vào đống lửa vàng hóa bùng bùng, lửa kêu vù vù giữa "âm u và không quạnh". Trong hoang tàn ấy, vẳng lại những lời van xin hèn hạ của những kẻ nguyện làm "tôi tớ", "chó ngựa" cho chủ - đao phủ Bát Lê và đao phủ Tổng đốc kiêm Đổng lý quân vụ, và cũng vẳng lại những tiếng chiêng ai oán: "tùng bi li! bi li!".

Sử dụng nghệ thuật tả cảnh, màu sắc, âm thanh, cảnh tượng, sử dụng nghệ thuật xây dựng chân dung mờ ảo, Nguyễn Tuân tái hiện một thời kỳ lịch sử bi kịch, anh hùng, đầy chất thơ.

* * *

Bên cạnh cái mô típ "buổi chiều máu" ấy, là mô típ "sương mờ". Sương mờ bao phủ nhiều truyện trong tập Vang bóng một thời: Chén trà hương, Những chiếc ấm đất, Hương cuội, Thả thơ, Đánh thơ, Đèn đêm thu... Sương mờ bao phủ, những nhân vật thanh khiết, với biết bao luyến tiếc: cụ Ấm, quan Đốc, Bõ già, cụ Điều, cụ Phủ, cụ Kép, cụ Tú, ông Ấm Cả, ông Ấm Hai, cô Tú, cậu Chiêu, Mộng Liên, cậu bé Ngộ Lang, cô bé Tố Tâm..., những cái tên mang nghĩa đại diện cho một nền văn hóa xưa, nay còn đó. Sương mờ bao phủ những ngày cuối cùng của lớp nhà nho như bóng người hiền phảng phất. Sương mờ bao phủ một thế giới hoa lan: lan Tiểu Kiều, lan Đại Kiều, Nhất Điểm, Mặc Lan, Đông Lan, Loạn Điểm, Yên Từ, Bạch Ngọc... Hương thơm bao phủ những mảnh vườn, tỏa vào gió nhẹ. Hương trà thơm ngát hoa sen, hoa thủy tiên, - trà Bạch Mao Hâu, trà Trảm mã, Vũ Di Sơn, Lý Tú Uyên... tỏa khắp các trang sách Vang bóng một thời. Trong sương mờ, trong chút nắng đào, trong làn khói trà, ẩn hiện bóng hình cụ Ấm, lặng thinh, với phong thái một triết nhân. Chén trà sương triết lý về sự sống, luận đàm về trà đạo, lễ nghi dùng trà. Ấm trà ngon đậm hương thơ và triết lý. Phương thức nghệ thuật xây dựng ở đây là sự hòa hợp nhịp nhàng giữa bóng dáng nhân vật và màu sắc cỏ cây, một buổi sáng sương mờ, hay một buổi chiều tàn nắng: tóc bạc, lông màu bạc, áo trắng của cụ Kép mờ ảo trong đám cây cỏ xanh rờn (Hương cuội).

Nhà văn lựa chọn trong kho từ vựng hết sức phong phú của mình những từ rất đẹp để ngợi ca cuộc sống trong sạch của lớp người xưa: cuộc sống tao nhã, khoáng đạt, thanh đạm, lành mạnh; đời người phong lưu, lịch sự, c ch thành kính, tâm tưởng cao quý, trong trẻo, thuần khiết; tài và hạnh; trong sáng; đạm bạc v.v...

Điều đáng chú ý là trong các truyện mô típ "sương mờ" này, nhiều, rất nhiều, câu văn xuôi nhịp ba của Nguyễn Tuân có nhịp điệu của thơ, gợi mở những chân trời mờ ảo, có thể xếp thành những câu thơ trong suốt. Cảnh tả cái hỏa lò đun nước pha trà sáng sớm:

Hòn la rất ngon lành
trở nên một khi đ tươi
trong suốt như thỏi vàng thổi cháy.

Một chút nắng đào lóng lánh trong đám cây
một chiếc lại một chiếc
đang rụng lá năm cũ

Tài hoa và đức hạnh, đó là tâm hồn ước mơ của Nguyễn Tuân trong buổi giao thời ngu ngốc và phản bội ấy. Cái đẹp thanh cao của sự sống được biểu hiện bằng một thế giới thơ. Không phải những truyện thuộc mô típ này chỉ gồm toàn nhịp nhẹ. Nhiều khi nhà văn đệm vào văn chương thanh tú của mình những nhịp mạnh, để biểu đạt cái nhơ nhớp của "thời buổi tây tàu nhố nhăng"; những màu vàng tàn héo, những trận mưa xối xả, những cơn gió xoáy; và hình ảnh ông Cử Cả, tri huyện Thọ Xương, "tâm thuật hèn kém", kẻ đem lính kiểu kiêu binh thời vua Lê chúa Trịnh, ra thăm bố ở phố Hàng Gai, là một nốt nhạc lạc điệu giữa một bản nhạc êm ả. Những trí thức "vô sở bất chí" này, những kẻ tham dự quyền lực thấm máu của dân chúng này, là một mảng màu nhức nhối giữa một bức họa cây cỏ ngát hương của những trí thức chân chính, ngoài vòng cương tỏa, những trí thức trong sáng tuyệt vời. Thời đại nào cũng vậy. Trí thức là một vấn đề xã hội lớn, rất lớn, đặt ra cho loài người, từ xưa đến nay vẫn thế.

Hai truyện Trên đnh non TnKhoa thi cuối cùng thuộc mô típ "Liêu Trai", thần tiên và ma quái. Những ngày cuối của đời ông, Nguyễn Tuân dự kiến viết cho một Tạp chí văn học, một bài về tính hiện thực của Liêu Trai chí dị (xem báo Văn Nghệ số 32/1987, trang 14). Có thể tạm hiểu "tính hiện thực" ở đây, như sự sáng tạo cái hư ảo (hồn ma, biến hóa, Thiên Thai, thần tiên...) trên cái có thật. Liêu Trai mang tính dân gian. Truyện kiểu Liêu Trai của Nguyễn Tuân mang tính tự nhiên, dân dã, của Việt Nam: đền Thương trên núi Tản Viên, những khoa thi cuối cùng ở Trường nam. Cái thật và cái hư ảo xen lẫn nhau: những người thợ mộc, thợ ngõa và vương quốc Thần Non Tản; cái chàng, cái đục và mũi tên bạc, tên vàng; khoa thi Mậu Ngọ, sĩ tử bì bõm trong bùn và người đàn bà trẻ xõa tóc hiện lên, gào khóc rồi cười sằng sặc, hắt nghiên mực tàu lên quyển của ông đầu xứ Anh. Và bên dưới cái thực cái ảo đó, là những hiện thực lớn, những vấn đề xã hội: Giấc mơ hạnh phúc của con người hàng bao thế kỷ, không nguôi (Trên đnh non Tn) và một hành động thất đức của cụ Huấn để lại cho con một ân oán khủng khiếp và dai dẳng (Khoa thi cui cùng).

Mười hai truyện trong Vang bóng một thời biểu hiện tài năng nhiều mặt của Nguyễn Tuân. Làm sống lại "một thời" đầy bạo lực hắc ám của lịch sử - mà ông phủ nhận quyết liệt, ông sáng tạo những "vang bóng" diễn đạt một phương diện sức sống của cái đẹp lúc bấy giờ, - tâm hồn thanh cao của những trí thức trong sáng như "nước đọng trên lá sen thơm lành", tức là giấc mơ đẹp của chính nghệ sĩ Nguyễn Tuân.

Đ.Đ.H
(TCSH54/03&4-1993)


---------------------
(1) Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời, in lần thứ sáu, Văn học Hà Nội, 1988.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng