PHẠM XUÂN PHỤNG
Trong lời tựa tuyển tập thơ Tố Hữu Từ Ấy... Chào Năm 2000 (Nxb. Thuận Hóa, 1991) có nhan đề “Đọc lại Tố Hữu” do Chế Lan Viên sinh thời viết tại Sài Gòn từ ngày 30/4 đến ngày 19/5 năm 1975, ông có nêu một nhận xét khái quát: “Ở hai đoạn thơ đầu ta trích để mổ xẻ, đều thấy Tố Hữu nhắc đến chim (rộn tiếng chim, con chim nào nhảy nhót trong tóc). Hình tượng chim trong thơ Tố Hữu có nhiều, ríu rít, rúc rích, hót, gáy; nào là sẻ, bồ câu, tu hú, gà, chiền chiện, sếu, giang, cà lơi, cò, nhất là cò, những cánh cò bay sớm sớm chiều chiều; nhưng toàn là chim của ánh sáng mặt trời. Cú, vạc hay con quạ có màu đêm vắng lắm!... Tố Hữu không quan tâm lắm về phía bóng tối, siêu hình mà anh buộc lòng tôi với mọi người chớ không phải phía bên kia của họ. Làm cách mạng, giáp trận, đương đầu cùng cái chết, có lần anh đã tả: Liệm thân tàn bằng một mảnh chiếu con... Hay phơi xác cho một đàn quạ rỉa. Con quạ này bay qua không trở lại nữa”. Nhận xét này tuy ngắn nhưng gợi cảm hứng và dạy cho tôi cách tìm tòi, đọc và suy nghĩ khi viết bài này. Trong nhận xét khái quát này, tôi chú ý 3 chi tiết: 1. Thơ Tố Hữu nhắc nhiều đến con cò; 2. Con quạ chỉ xuất hiện một lần trong một bài thơ của ông, rồi không trở lại nữa; 3. Con dơi, theo ngành sinh vật học thì nó không được xếp vào Bộ Lông vũ, lớp Chim nên Chế Lan Viên cũng không liệt kê vào. Nhưng với con mắt người đời, dơi là giống nửa chim (vì có đôi cánh bay), nửa chuột (vì có cái mõm, móng vuốt và thân hình như con chuột, lại hay hoạt động về đêm như chuột), vì thế tôi xếp Dơi vào nhóm chim thuộc “màu đêm” và nó xuất hiện ít nhất 3 lần trong thơ Tố Hữu. Còn gì không?
Lục tìm các tập thơ Tố Hữu, tôi chỉ có được hai tập: Tuyển tập thơ Từ Ấy... Chào Năm 2000 có 174 bài và tuyển tập Thơ Tố Hữu dùng trong nhà trường do Nxb. Giáo dục Giải Phóng phát hành năm 1974 có 101 bài. Trong đó có 90 bài trùng nhau giữa hai tuyển tập. Tuyển tập thơ Tố Hữu của Nxb. Giáo Dục Giải Phóng có thêm 11 bài tác giả sáng tác trong giai đoạn 1937 - 1973. Riêng Từ Ấy... Chào Năm 2000có thêm 35 bài thơ Tố Hữu sáng tác từ sau Hiệp định Paris - 1973 đến Chào năm 2000 là bài cuối của tuyển tập sáng tác năm 1991. Tổng cộng cả hai tuyển tập có 185 bài. Vì vậy, trong bài, chủ yếu tôi trích dẫn tư liệu từ tuyển tập Từ Ấy... Chào Năm 2000, cách trích dẫn ghi như sau, theo thứ tự gồm: tên bài thơ, địa điểm (có hoặc không) và thời điểm sáng tác, sđd, tr...). Ví dụ: Từ ấy (7/1937 - Sđd, tr 35) hoặc Trưa tù (Lao Thừa Phủ - tháng 6/1939, sđd, tr 85).
Cặm cụi dò tìm và thống kê lại, tôi tìm được những con số thú vị về số lần xuất hiện của các loài chim trong thơ Tố Hữu như sau:
- Không rõ loài chim: 61 lần. Trong đó có 10 lần nhắc đến “con chim non” và “con chim nhỏ”, 4 lần “vật hóa” từ người sang chim, chẳng hạn: Ước gì anh hóa thành chim.
- Các loài chim thông thường: Chim chích (6), sáo, tu hú, cu gáy, nhồng, hải âu, nghệ, cà lơi (mỗi loài 1 lần): 13 lần.
- Loài chim thiêng hoặc huyền thoại: Phượng hoàng (3), đại bàng (2), hạc (1): 6 lần (4 lần vật hóa).
- Cò: 3 lần, rất ít nếu so với chim chích với 6 lần được nhắc đến.
- Loài gia cầm: gà (4), vịt (1), bồ câu (1): 6 lần.
- Loài chim nghiêng về phía màu đêm (chữ dùng của Chế Lan Viên): diều hâu (1), dơi (3), ó (1) và quạ (2), tổng cộng 7 lần.
Thi sĩ Chế Lan Viên cho rằng “Con quạ này bay qua không trở lại nữa”. Con quạ xuất hiện lần đầu trong thơ Tố Hữu: Nếu mai đây có chết một thân tôi... Hai mươi tuổi, mới qua vòng thơ bé. Dù phải chết, chết một đời trai trẻ. Liệm thân tàn bằng một mảnh chiếu con. Rồi chôn xương rục thối dưới chân cồn. Hay phơi xác cho một đàn quạ rỉa. (Trăng Trối - sđd, tr 110). Thật ra, con quạ này bay trở lại lần nữa. Nó quay lại và báo trước cái chết của Bà Má Hậu Giang: Đồng không lạnh vắng im hơi. Chỉ đôi bóng quạ trên trời thoáng qua (Bà má Hậu Giang - sđd, tr 116).
- Vật hóa (Ước gì anh hóa thành chim... hoặc Đôi cánh tay như đôi cánh bay lên v.v.) hoặc vật linh hóa từ người sang chim (Ôi Làng Rô nhỏ của tôi! Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng): 16 lần.
Tổng cộng có 111 lần nhà thơ Tố Hữu sử dụng hình tượng chim với nhiều cách biểu hiện trong thơ, dù tôi chỉ mới khảo sát và thống kê trong hai tuyển tập với 185 bài, trong khi kho tàng thơ của ông có gần 3000 bài. 111/185, một tỷ lệ không hề nhỏ. Điều đáng lưu tâm không chỉ là tần suất xuất hiện khá dày mà chúng xuất hiện trong trường hợp nào, với dụng ý gì của nhà thơ?
*
Tố Hữu sáng tác thơ từ năm 17 tuổi, giữa thời thịnh của Thơ Mới với các tên tuổi lớn như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... Khác với nguồn cảm hứng trữ tình của các nhà thơ lớn trên đây, chàng thanh niên Tố Hữu tự tìm cho riêng mình mạch cảm hứng trữ tình trong thân phận con người nghèo khổ khi mà đất nước bị chìm trong cảnh tối tăm thời thuộc địa của thực dân Pháp. Có lẽ vì thế, hình tượng con chim non nhiều lần được nhà thơ trẻ sử dụng trong những bài thơ sáng tác từ 1937 đến trước tháng 8/1945, với những tâm cảnh khác nhau.
Mồ côi, bài thơ thứ hai, theo thứ tự in trong tập (sđd, tr 36 - 37) trước khi nhà thơ chính thức được giác ngộ cách mạng, là bài thơ đầu tiên sử dụng hình tượng, miêu tả thân phận một con chim non mất mẹ lìa tổ để qua đó khắc đậm nét thương đau trong số phận đứa bé mồ côi không nhà. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh:
Con chim non rũ cánh
Đi tìm tổ bơ vơ
Quanh nẻo rừng hiu quạnh
Lướt mướt dưới dòng mưa
Con chim non đi tìm tổ? Từ thuở trái đất có muôn loài, trong đó có loài chim biết làm tổ, đẻ trứng nuôi con bằng mồi... thì những chú chim mới đẻ, “chưa chập bị lụng” chỉ nằm trong tổ chờ chim mẹ bay đi tha mồi về mớm cho chúng. Những tiếng kêu chiêm chiếp khi đàn chim con đói lòng nấp trong tổ nôn nao chờ mẹ về khiến thằng bé yêu chim xót xa nôn nóng bao nhiêu thì khi cả bầy chim con vươn cổ ra khỏi tổ, hé cái mỏ vàng ươm bé xíu xiu kêu ríu ra ríu rít rộn ràng vui sướng đón mẹ sắp bay về... càng khiến thằng bé mừng vui khấp khởi: Hết đói rồi, chim ơi!
Vậy mà lúc này có một con chim non vừa biết bay ra khỏi tổ đã phải đi tìm tổ ấm! Nó đã bị đời hất văng ra khỏi tổ ấm tự bao giờ, vì đâu? Bão tố đã ập đến quá sớm trong đời con chim non! Vì ai? Chim non xa mẹ có bao giờ là cuộc rong chơi! Phận đời bơ vơ của chú chim non phải bị mất tổ, mất mẹ; phải đi tìm tổ trong nẻo rừng hiu quạnh, ướt lướt thướt dưới dòng mưa gây xúc động mạnh cho nhà thơ 17 tuổi cũng đã mất mẹ! Nào có khác chi nhau, những thân phận trẻ thơ mồ côi mẹ! Nhưng nhà thơ trẻ còn có cha, có người thân bên cạnh, có nhà. Còn Con chim non chíu chít. Lá động khóc tràn trề. Chao ơi buồn da diết. Chim ơi, biết đâu về? Cũng như trẻ mồ côi không nhà, khổ biết bao nhiêu: Con chim non không tổ. Trẻ mồ côi không nhà. Hai đứa cùng đau khổ. Cùng vất vưởng bê tha! Trái tim nhạy cảm của nhà thơ trẻ nghĩ đến viễn cảnh khủng khiếp đau buồn của hai số phận mà như một: Rồi ngày kia rã cánh. Rụi chết bên đường đi. Thờ ơ con mắt lạnh. Nhìn chúng: Có hề chi! Làm người có tâm, ai mà chẳng ngao ngán cho thói vô cảm lạnh lùng của người đời trước cảnh bơ vơ của cả hai đứa trẻ! Trái tim nhà thơ nào cũng nhạy cảm, đầy ắp tình người... nhưng cái tình người trong Mồ Côi nó khác với cái tình cảm riêng tư trong biển thơ tình của nhiều nhà thơ nổi tiếng đương thời, khi Thơ Mới đã có chỗ đứng vững chắc trên thi đàn Việt Nam.
Đọc Mồ Côi, rồi đọc lại Từ Ấy, thấu cảm được nỗi đau mồ côi mẹ của nhà thơ và bao nhiêu đứa trẻ khác trong một đất nước tuy đang có ngai vàng của vua nhưng nhân dân đang bị làm thân nô lệ cho bọn thực dân Pháp, ta hiểu vì sao nhà thơ trẻ đã xác định hướng sống của đời mình: Tôi buộc lòng tôi với mọi người. Để tình trang trải với muôn nơi. Để hồn tôi với bao hồn khổ. Gần gũi nhau thêm mạnh khối Đời. Và tự gánh trách nhiệm: Tôi đã là con của vạn nhà. Là em của vạn kiếp phôi pha. Là anh của vạn đầu em nhỏ. Không áo cơm cù bất cù bơ. Và sẽ hiểu vì sao khi tìm thấy ánh sáng niềm tin và lý tưởng, nhà thơ đã sôi nổi, hứng khởi tột cùng như muốn reo lên:
Từ ấy, trong tôi bừng nắng hạ!
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim!
Nhà thơ nói thật lòng mình đó! Ai, nhất là bạn trẻ, không thấy trong tim có tiếng hót reo vui nho nhỏ của con chim họa mi vào buổi sáng xuân đầy nắng khi có một niềm vui chợt đến trong lòng dù đang giữa đêm đông lạnh giá? Chỉ khác là niềm vui của nhà thơ Tố Hữu lớn lao hơn rất nhiều niềm vui cá nhân của mỗi người thường chúng ta. Và phải chăng rộn tiếng chim đủ cho ta biết niềm vui ấy, nên nhà thơ cũng không cần thông báo cho ta biết đó là loại chim gì chăng?
Trong Hai đứa bé (sđd, tr 37), nhà thơ mô tả Hai đứa bé cùng chung nhà, một tuổi. Cùng ngây thơ, khờ dại như chim non… nhưng một đứa là con bà chủ nhà, đứa kia là con mụ ở làm thuê, cho nên chúng khác nhau về số phận, từ chỗ nằm, chỗ chơi: Ồ lạ chửa! Đứa xinh tròn mủm mỉm. Cười trong chăn và nũng nịu nhìn me. Đứa ngoài sân trong cát bẩn bò lê. Ghèn nhầy nhụa, ruồi bu trên môi tím... Đến miếng ăn càng khác: Đứa chầm chập vồ ôm ly sữa trắng. Rồi cau mày: Nhạt lắm, em không ăn. Đứa ôm đầu, trước cổng đứng treo chân. Chờ mẹ nó mua về cho củ sắn. Rồi đến cách vui chơi, các món đồ chơi lại một trời một vực: Đứa ngây ngất trong phòng xanh mát rượi. Đây ngựa ngà, đây lính thổi kèn tây. Đứa kia thèm, giương mắt đứng nhìn ngây. Không dám tới, e đòn roi, tiếng chưởi! Thơ trữ tình của Tố Hữu khác biệt ở chỗ đó.
Ở một bài khác, bài Hồn chiến sĩ (sđd, tr 46) được Tố Hữu viết vào tháng 4/1938, trước Từ Ấy 3 tháng, chứng tỏ tác giả - chàng trai trẻ chưa tròn 17 tuổi vào thời ấy cũng đã biết thưởng thức (hay ít ra nghe trộm) điệu đờn giọng hát của ca nương, như nhiều văn nghệ sĩ hào hoa lãng tử thời Thơ Mới hay thời Tiền chiến: Em, hãy vặn dây đàn lên tí nữa. Và hãy cao giọng hát khúc sầu bi! Đưa ngón tay nhỏ mềm, em hãy lựa. Tiếng đàn sao cho nức nở lâm ly! Ủa, sao lạ vậy, hồi trẻ Tố Hữu cũng mê “cái món” này sao? Hãy đọc kỹ xem. Đây rồi, chút khác biệt của Tố Hữu với các hồn thơ khác lúc thưởng thức giọng hát cung đàn:
Em không khóc, nhưng sao anh muốn khóc
Em không than, anh lại những buồn đau!
Con chim non không đợi chờ cánh mọc
Cơ khổ em mới ngần ấy tuổi đầu!
Con chim non ấy tuy chưa mọc cánh đầy đủ nhưng đã phải gánh trên mình một trách nhiệm trước tuổi. Vì sao? Thì đây, nhà thơ cho biết: Vui sao được hở em, thân gầy gõ. Ôm đàn đi chưa vững trên đường mòn. Trí vẩn vơ nghĩ đến đàn em nhỏ. Vây quanh giường mạ ốm ngóng chờ con! Và bằng trực cảm, nhà thơ nhận ra con người bên trong của cô bé ca nương: Em mạnh bạo chống bất công, tàn ác. Không cầu xin, không cất tiếng kêu ca... Em sẵn có linh hồn người chiến sĩ. Ngạo nghễ cười với nắng sớm mưa đêm. Buông tiếng dây não nùng, em mai mỉa. Cả một thời, dưới ách, nhặng nằm im! Cùng nghe kỹ nữ ca nương đàn hát, Tố Hữu có Hồn chiến sĩ, còn Xuân Diệu có Lời kỹ nữ, bài thơ tình mà hồi còn học trung học ở Huế, tôi rất mê nhưng không có bản gốc, may nhờ nhà thơ Hoàng Cát về hoạt động kháng chiến tại làng tôi chép lại cho.
Chớm tuổi 19, vừa tham gia hoạt động cách mạng ít lâu đã bị thực dân Pháp bắt giam vào Lao Thừa Phủ. Cô đơn thay là cảnh thân tù! Thân tù ngục lại nghe tiếng đời lăn náo nức, lại cảm nhận Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu. Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều... và nhiều tiếng đời hấp dẫn, quyến rũ khác nữa... khiến chàng trai trẻ có thể nao lòng. Nhưng, lòng yêu nước và ý thức chính trị của nhà cách mạng trẻ tuổi bừng tỉnh trong lòng nhà thơ trẻ. Anh tự phê và tự tỉnh: Ôi! Bao nhiêu ảo tưởng của hồn ngây. Tôi phút bỗng như quên đời thê thảm. Ở ngoài kia biết bao thân tù hãm. Đọa đày trong những hố thẳm không cùng! Tôi chiều nay giam cấm hận trong lòng. Chỉ là một giữa loài người đau khổ. Tôi chỉ là một con chim non bé nhỏ. Vứt trong lồng con giữa một lồng to. Và anh biết mình phải làm gì: Tôi chỉ một giữa muôn người chiến đấu. Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu. Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ... (Tâm tư trong tù - Xà lim số 1, Lao Thừa Phủ - ngày 29/4/1939; sđd, tr 80 - 81). Qua rèn luyện trong ngục tù thực dân đô hộ, Con chim non bé nhỏ trong nhà lao Thừa Phủ đã vụt lớn lên, cả đời thơ lẫn sự nghiệp cách mạng.
Ríu rít như đàn chim, đứa bé nào, đám trẻ con nào khi nô đùa thỏa thích, khi mừng đón mẹ về... mà chẳng thế! Tố Hữu thường dùng hình tượng đàn chim, những con chim, tiếng hót, đôi cánh bay v.v, để miêu tả tâm trạng, hoàn cảnh của không chỉ những đứa bé, một đứa bé đang vui chơi bên mẹ, bên bạn bè cùng trang lứa, trong miền quê thôn dã mà trải ra khá rộng về xuất xứ của các nhân vật, nhiều hoàn cảnh, tâm trạng của nhân vật khi được miêu tả. Nghệ thuật sử dụng hình tượng một cách linh động, phong phú... tùy theo đối tượng nhân vật là ai, khiến cho hình tượng dù được khai thác triệt để và nhắc lại nhiều lần nhưng người đọc không bị nhàm chán vì không thấy sự lặp lại trong thơ. Dưới đây tôi chỉ xin nêu ra vài trường hợp minh chứng trong số 61 lần xuất hiện của các con chim không rõ loài trong thơ Tố Hữu:
Trong năm 1938, khi hiểm họa phát xít đã hiện hữu với Phe Trục gồm Đức-Nhật-Ý bắt đầu khởi phát Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, những chàng trai trẻ của 3 nước trên đã phải ra trận. Trong mọi cuộc chiến tranh phi nghĩa, người đau khổ nhất là những người mẹ có con trẻ bị bắt đi lính trận, bởi nỗi đau bị nhân gấp bội lần, không có một niềm an ủi. Thương tiếc cho những tấm thân trai trẻ phải sớm chết vì cuộc chiến tranh tàn bạo phi nhân tính ấy, nhà thơ đã nói với những bà mẹ nước Đức - Nhật - Ý đang đi tìm xác con mình trong chiến địa: Đây, cời đống gạch lên. Phải chăng các bà hỡi. Những thi thể non mềm. Hồng tươi như nắng mới... Ngày xưa trong tay mẹ. Nằm ngủ giấc mơ êm. Ngày xưa còn thơ bé. Ríu rít như đàn chim. (Tình thương với chiến tranh, tháng 6/1938 - sđd, tr 60 - 63). Đàn chim ríu rít ấy, niềm vui hạnh phúc của những người mẹ bên đàn con thơ ấy đã tan tác chỉ vì cuộc chiến tranh phi nghĩa gây ra cho nhân loại!
Trong một hoàn cảnh buồn thương khác trên quê nhà, cả bầy chim quen đậu trên cành đã không còn nữa, thay vào đó là cảnh Vè chim quen thưa thớt ở đầu cành. Còn lưu luyến ngày tàn trong nắng yếu (Lạnh Lùng, tháng 12/1938 - sđd, tr 76). Rất lạ khi tác giả dùng từ “vè chim” mà không phải là “đàn” hay “bầy”? Vậy vè là gì? Trong Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Nxb. KHXH - Trung tâm Từ điển học - Hà Nội, 1994, tr 1070, cột 2) có 5 từ vè được định nghĩa nhưng chỉ có từ “Vè: Nhánh cây” là tương đối phù hợp ngữ cảnh câu thơ này. Nhà thơ đề tặng bài thơ này cho “những trẻ em bơ vơ chưa bao giờ sung sướng”, đó là những đứa bé mồ côi chịu cảnh Cửa gài then sẽ thờ ơ chẳng mở. Như bao cửa lòng không hé nữa!
Mấy chục năm sau, 1966, mới lại nghe tiếng chim ríu rít mừng vui: Trường em mấy tổ trong thôn. Ríu ra ríu rít chim non đầu mùa (Xuân sớm, 1966, sđd, tr. 296).
Không chỉ biết xót xa thương cảm những thân phận, san sẻ chút tình thương trẻ bơ vơ, nhà thơ đã cùng nhân dân yêu nước chuẩn bị đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, chống đế quốc thực dân khi nhân loại đang rung chuyển vì cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Để cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân, nhà thơ đã dùng cây bút xua màn đêm lạnh lẽo để đón Ý xuân (Xuân 1939, sđd, tr. 79) ngời sáng ngày mai, mà hôm nay đã báo hiệu bằng “đây nắng tới với chim ca lanh lảnh” trong tâm cảnh cả đất trời ngây ngất cảnh đẹp đầu xuân. Có lẽ vì thế, tác giả dùng hai câu đầu làm hai câu kết, chỉ sửa hai từ:
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi! Vui chút với trời hồng!
Hết lạnh rồi, gió bấc với mưa đông
Đây nắng tới với chim ca lanh lảnh
... .... ...
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi! Vui lắm, cả trời hồng!
Trong kháng chiến chống Nhật, Hồng quân Trung Hoa đã thực hiện một cuộc vạn lý trường chinh. Ghi chép về cuộc trường chinh lịch sử ấy, nhà báo tiến bộ Mỹ Smidley viết thiên phóng sự “Nước Trung Hoa đỏ trên đường”, trong đó có đoạn nói về em thiếu niên dũng cảm Ly Quê đi theo Hồng quân, được những người lính cho ngồi trên súng thần công. Trên đường hành quân gian khổ, em thường thổi sáo cho Hồng quân nghe. Xúc động với hình ảnh ấy, Tố Hữu viết bài thơ Tiếng sáo Ly Quê (1938, sđd, tr. 72 - 73), trong đó hai lần tác giả dùng hình tượng con chim:
Đêm nay như những chiều chiều
Đôi con chim đứng lưng đèo ngẩn ngơ
Đây hẳn là hai con chim lớn đi tìm mồi, như mọi buổi chiều khác, chiều nay thảnh thơi đậu trên cành rỉa lông cánh, hồn nhiên vô tư ngắm đoàn quân đi qua, rồi bỗng ngẩn ngơ nghe tiếng sáo của con chim non Ly Quê. Còn Ly Quê thì sao nhỉ?
Ly Quê trên súng thần công
Nghe con chim hót trong lồng tim xanh.
Từng câu thơ réo rắt như tiếng sáo Ly Quê trên súng thần công: Sáo kêu vi vút trên không. Sáo kêu dìu dặt bên lòng Hồng quân. Sáo kêu réo rắt xa gần. Sáo kêu giục giã bước chân quân Hồng. Đọc từng câu thơ với một tâm cảnh trong sáng, không vướng bận điều gì sẽ nghe được tiếng hót reo vui réo rắt trong con tim, tự nhiên cảm nhận được cái hay của bài thơ này.
Nhưng hình tượng con chim trong thơ đâu chỉ khiến ta liên tưởng đến tung cánh tự do, tiếng hót trong veo hay ríu rít niềm vui. Có nhiều lúc, nó đặc tả nỗi buồn! Trong xà lim số 1 - Lao Thừa Phủ, nhà cách mạng trẻ tuổi lần đầu chịu cảnh ngục tù, bí bách, cô đơn. Để giải khuây, bằng cách nào đó, anh có bắt và nuôi một con chim sẻ non. Dù được anh chăm sóc cho ăn cơm mớm nhưng vì bị tù túng, hôm sau con chim lăn ra chết. Tâm hồn nhạy cảm yêu thương của nhà thơ trẻ khiến anh vô cùng hối hận chỉ vì muốn xua nỗi cô đơn của mình mà khiến một con chim sẻ non phải bị giam rồi chết! Xin đọc Con chim của tôi (tháng 5/1939, sđd, tr. 82), đọc chậm một chút với nhiều dấu chấm than: Nó chết rồi, con chim của tôi! Con chim sẻ sẻ mới ra đời. Hôm qua nó hãy còn bay nhảy. Chỉ một ngày giam đã chết rồi! Nhà thơ có chút giãi bày: Tôi muốn cô đơn dịu bớt sầu. Nên tôi yêu nó, có gì đâu! Tình thương vô ý gây nên tội... Đến đây, tác giả không giãi bày mà tự vấn lương tâm: Tôi đã tù, sao bắt nó tù? Khổ thơ kế tiếp, nhà thơ hạch tội mình: Sao nỡ dù trong giây phút thôi. Bắt con chim nhỏ hận câm lời! Sao không trả nó về mây gió. Cho nó say sưa uống ánh trời! Cuối cùng, nhà thơ trẻ - người tù chính trị non trẻ tự kết án: Tôi dẫu dành cơm mớm nó ăn. Đủ làm sao được: thiếu không gian! Sao tôi không hiểu, tôi không hiểu? Để tội tình chưa, nó chết oan! Đây có lẽ là con chim non đau khổ cuối cùng trong thơ Tố Hữu. Sau này, hầu như không thấy có con chim non mang thân phận khổ đau nào trong thơ Tố Hữu nữa.
Năm 1960, tôi học lớp Nhì (tương đương lớp Bốn bây giờ) trường tiểu học xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền đã được thầy giáo giảng cặn kẽ về bài thơ Con chim của tôi rồi khuyên: “Quê mình nhiều loài chim nhỏ lắm, các trò muốn nuôi cứ nuôi, nhưng nhớ phải luyện cho nó buổi sáng biết bay đi tìm mồi, chiều bay về lồng chim. Đừng nhốt nó mãi trong lồng, nó sẽ chết!” Nghe lời thầy dạy, tôi đã nuôi và luyện cho mấy con chim “rộôc rộôc” biết làm như thế. Thiếu úy Toàn từng được tôi tặng một con đem về Huế. Đám bạn trẻ nhỏ tuổi hơn trong làng Tân Xuân Lai (như Lê Đổng, Phạm Chỉnh, Văn Đình Tố...) khoái chơi với tôi vì tôi hay bày nhiều trò, nhưng chắc còn vì tài nuôi chim này nữa. Cuốn sách giáo khoa in bài thơ Con chim của tôi, tôi giữ mãi, cho đến năm cả làng tôi bị quân Mỹ ủi hết nhà cửa xuống sông Bồ thì đành chịu mất!
Người xưa nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại!” Khi bị bắt giam trong xà lim số 1 - Lao Thừa Phủ cũng như sau này bị đày lên Lao Bảo rồi Buôn Mê Thuột, nhà cách mạng trẻ bao lần bị tù đã không thể không bức bối thân tù ngục mất tự do. Giai đoạn này, nhà thơ trẻ có nhiều bài thơ bộc lộ nỗi bức bối, niềm mong ước và khao khát tự do như con chim bay trên bầu trời, nhảy nhót hót trên cành cây. Có khi ẩn chứa niềm u uất mà nhà cách mạng trong tù được tôi luyện già dặn đã nhiều lần chiến thắng nhà thơ lãng mạn trong trẻo niềm mơ. Trong thơ, dù đó là con chim không rõ loài hoặc có tên gọi cất tiếng kêu, tiếng hót lên, gáy lên, nhẹ nhàng bay liệng tìm mồi hay vui vẻ bay về tổ lúc xế chiều... đều không hề đem lại niềm vui cho nhà thơ, chúng chỉ khiến lòng người tù trẻ Tố Hữu xao xuyến nhớ nhung:
Cháy lòng ta nỗi nhớ, bạn đời ơi!
Chim trên mái kêu nhau về tổ ở
(Nhớ Người - Xà lim số 1 - Lao Thừa Phủ, tháng 5/1939, sđd, tr 84).
Hay trong bài Trưa tù (Xà lim số 1 - Lao Thừa Phủ, tháng 5/1939, sđd, tr 85), nhà thơ ngồi trong song sắt nhìn ra ngoài trời, thấy giữa trưa hè chẳng cảnh vật gì gợi niềm vui: Buồn không gió, hai hàng cây đứng ngủ. Đàn vịt nhỏ nằm ngây trên liếp cỏ. Đôi bồ câu trốn nắng dưới bờ mương...
Chim tu hú là một loài chim thường xuất hiện nhiều trong mùa hè và thường báo hiệu niềm vui như lời một bài ca (tôi không nhớ tên bài ca và tác giả): Tu hú kêu, tu hú kêu! Hoa phượng nở, hoa phượng nở... đầy ước mơ hy vọng. Ngay giữa bốn bức tường nhà giam ở Lao Thừa Phủ vào trưa hè, khi nghe tiếng chim tu hú kêu, nhà thơ trẻ ban đầu cũng cảm nhận niềm vui của thiên nhiên ban tặng cho con người: Khi con tu hú gọi bầy. Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần. Vườn râm dậy tiếng ve ngân. Bắp rây vàng hạt, đầy sân nắng đào. Trời xanh càng rộng càng cao. Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không. Bỗng dưng, sực nhớ cảnh ngộ của mình, tâm trạng nhà thơ trở nên bức bối:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi!
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu
(Khi con tu hú, 7 - 1939, sđd, tr 91)
Cô đơn, bức bối cũng chẳng thay đổi được tình thế. Hết bực lại buồn! Buồn nhớ không gian tự do bên ngoài, nhớ bạn... càng nhớ đồng quê. Nhà thơ nhớ tất cả cảnh vật, con người quê hương. Rồi nhà thơ - người tù mơ mộng: Rồi một hôm nào tôi thấy tôi. Nhẹ nhàng như một cánh cà lơi (một loại chim sơn ca -Nxb. Thuận Hóa). Say đồng hương nắng vui ca hát. Trên chín tầng cao bát ngát trời. Mơ thì mơ vậy, nhưng nhà thơ vẫn đủ tỉnh táo nhìn vào thực trạng: Cho tới chừ đây, tới chừ đây. Tôi mơ qua cửa khám bao ngày. Tôi thu tất cả trong thầm lặng. Như cánh chim buồn nhớ gió mây. Bài thơ tạm ngắt ở đây như để nhà thơ hít sâu một hơi vào phổi rồi thở ra nhè nhẹ nỗi buồn thương nhớ bằng hai câu kết (đã được sử dụng hai lần trong bài): Gì sâu bằng những trưa thương nhớ. Hiu quạnh bên trong một tiếng hò! (Nhớ đồng, 7/1939, sđd, tr. 92 - 93).
Đã có lúc anh cố gắng “vượt lên chính mình”, dù chỉ là mơ như con chim cà lơi trong Nhớ đồng, hy vọng vào ngày mai: Người tù đứng lặng. Nghe buồn tê da. Rào song sắt nặng. Tàn canh tiếng gà... (Bài thơ Trăng số 1 - Lao Thừa Phủ - 1940, sđd, tr. 96).
Buồn bực, bức bối, ray rứt, thậm chí có khi thoáng bi quan. Mọi nỗi buồn kéo dài thường nhuốm màu bi quan. Có lẽ nhà thơ - người tù Tố Hữu cũng không thoát khỏi tâm trạng ấy. Khi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ, anh thấy: Mỗi buổi mai lên. Trên tường trên phố. Chuông nhà thờ đổ. Mỗi buổi hoàng hôn. Rủ xuống linh hồn. Chim hôm về tổ. Chuông nhà thờ đổ... (Tiếng chuông nhà thờ -Xà lim Quy Nhơn, tháng 9/1941, sđd, tr 121). Chim có tổ mà về, còn người tù thì không! Nhưng nhà thơ vẫn tìm ra được “ánh sáng cuối đường hầm”, đã “ló dạng ngày mai” với tiếng hót của con chim nhồng qua khổ cuối bài thơ Đời thợ (Xà lim Quy Nhơn, tháng 10/1941, sđd, tr. 126):
Ngoài song giăng, đêm đã biến từ nào
Có con nhồng đâu đó hót trên cao
Mây ửng đỏ ở ven trời xa rộng...
Dù đã có mây ửng đỏ ở ven trời xa rộng nhưng thực tại thì gian nguy vẫn chờ phía trước, nỗi buồn lại len lỏi vào tâm hồn, thể hiện qua hai câu thơ Thông reo bờ suối rì rào. Chim chiều chiu chít, ai nào kêu ai? Và rõ hơn trong hai câu khác cùng bài: Đường lên đỉnh núi Đắc-Lay. Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim! Cho dù Gà đâu gáy động im lìm nhưng rồi cảnh vật lại chìm vào hoang vắng: Đồn xa héo hắt cờ bay. Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng. (Tiếng hát đi đày - Tặng Huỳnh Ngọc Huệ, tháng Giêng 1942 - sđd, tr 126 - 128). Tuy vậy, qua đêm đen, trời lại sáng. Và mùa Xuân năm 1941, Bác Hồ về nước. Nhân dân yêu nước và cán bộ cách mạng mong chờ bấy lâu, nay reo vui mừng đón Bác về. Nhưng niềm vui quá bất ngờ, khiến tiếng reo vui bị dồn nén lại, chỉ có con chim rừng bên suối vô tư vui hót:
Ôi! Sáng xuân nay, xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... Im lặng... Con chim hót
Thánh thót... Bờ lau vui ngẩn ngơ!
(Theo chân Bác, 1970, sđd, tr. 324).
Mùa xuân 1945 đến và nhà thơ lúc này đã thoát khỏi ngục tù thực dân Pháp, đang là một cán bộ chủ chốt của tỉnh Thừa Thiên, của Xứ ủy Trung kỳ lãnh đạo công tác chuẩn bị tổng khởi nghĩa, nên tâm thế đã khác hẳn, mạnh mẽ, tự tin... thể hiện trong bài Xuân Đến:
Hỡi người bạn, vui lên đi, Ất Dậu
Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công
Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông
Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng
Ai cản được đoàn chim quyết thắng
Sắp về đây tắm nắng xuân hồng
(Xuân Đến - Xuân Ất Dậu 1945, sđd, tr. 130 - 131).
Và khi Cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công, bắt đầu từ Việt Bắc đến Hà Nội, lan vào các tỉnh miền Trung thì ở Huế vẫn có gì đó trầm mặc đợi chờ. Và niềm vui đã đến:
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ!
... ...
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
(Huế Tháng Tám - 1945, sđd, tr. 134 - 136)
Từ giai đoạn này trở đi cho đến trước năm 1991, hình tượng chim trong thơ Tố Hữu xuất hiện nhiều, nhưng chủ yếu là niềm vui, niềm mơ ước hạnh phúc, tự do, khát vọng dân tộc độc lập, ý chí tiến công đánh thắng quân thù xâm lược Tổ quốc, biểu hiện của sự cao cả, thiêng liêng... không chỉ của mỗi người mà của cả dân tộc.
Niềm mơ ước hạnh phúc riêng tư:
Ước gì anh hóa thành chim
Bay theo em, hót cho tim đỡ buồn
(Mưa rơi, 1948, sđd, tr 165)
Niềm vui riêng-chung xen lẫn:
Anh về cối lại vang lừng
Chim reo trên mái, gà mừng dưới sân
Anh về, sáo lại ái ân
Đêm trăng hò hẹn, trong ngần tiếng ca
(Lên Tây Bắc, 1948, sđd, tr 160)
Niềm vui ngày xuân của thiên nhiên, cũng mừng đón ngày xuân đất nước mới độc lập:
Hãy bay đi, con chim kêu trước cửa
Thêm một ngày xuân đến. Bình minh!
(Bài ca Xuân 61, 1/1961, sđd, tr. 233)
Người con gái đi nhanh trên đê nhỏ
Bước chân sáo, tóc lồng giữa gió
Bỗng nghiêng đầu, như chim lắng trời cao
Tiếng máy cày reo đâu đó, xôn xao
Và rúc rích tiếng ai cười trong mía
(Giữa ngày xuân, 1/1963, sđd, tr. 263)
Tiếng ai cười vậy trong lành
A! Con chim hót trên cành dâu tơ
(Tiếng hát sang xuân, 1972, sđd, tr. 280)
Trẻ em miền Bắc (lúc ấy dù còn khổ) nhưng vẫn được đi học. Còn trẻ em miền Nam? Em tên là Nguyễn Văn Hòa. Mẹ em thường gọi em là Cu Theo. Cha đi tập kết, nhà nghèo. Sớm hôm tay mẹ chống chèo nuôi con. Chị thì hái củi trên non. Em thì mưa nắng bãi cồn chăn trâu. Thế rồi, vùng quê em được giải phóng: Kể từ hôm đó, làng Yên. Bỗng vui như có ông tiên đến nhà... ... Mẹ em rạng mặt tươi mày. Em như mọc cánh chim bay tung trời. Thế rồi, em bỗng hóa thân thành dũng sĩ trực tiếp đánh giặc Mỹ, nhưng vẫn còn nguyên đó thằng bé miền quê ngây thơ: Đánh rồi lên ngọn đồi sim. Trông mây bay múa, nghe chim hót mừng. (Chuyện em, Hà Nội,1968, sđd, tr. 309 - 313).
Trong niềm vui chung ấy, nhà thơ vẫn không quên nỗi nhớ miền Nam:
Ôi! Miền Nam, vì sao mỗi lúc
Mây chiều xa bay giục cánh chim
Đêm khuya một tiếng bầu, tiếng trúc
Một câu hò cũng động trong tim
(Miền Nam, 12/1963, sđd, tr. 265)
Miền Nam, nhất là vùng bị bọn cố vấn Mỹ khoanh trắng lúc ấy, nhiều nơi bị chúng đem rải chất độc màu da cam, gây nên cảnh hoang tàn: Bời bời cỏ lút đồng hoang. Chim kêu cành cụt, chang chang nắng chiều. Còn vào lúc sương xuống thì: Đường lên đỉnh núi Đắc Lay. Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim. Nhưng khi cả nước vì nhau thì: Lưới nào vây nổi chim bay. Chắc trong ấy nhớ ngoài này, chẳng yên! (Nước non ngàn dặm, sđd, các tr. 363, 372, 370).
Rồi đến lúc cả nước trọn niềm vui thống nhất:
Nắng bừng xanh lộc hàng cây
Ấm sao, rạo rực chim bay
Lên đường!
(Phút giây 1, 1/1979, sđd, tr. 464)
Có thể thấy rõ trong suốt chặng đường thơ hơn 50 năm, nhà thơ lớn, ngọn cờ đầu của nền thi ca cách mạng, một nhà thơ chuyên làm thơ trữ tình chính trị để phục vụ Cách mạng, như nhận xét của nhà văn Pháp Emanuel: “Suốt một đời, ông nhiệt thành làm người chiến sĩ cách mạng kiên trung và nhà thơ kiệt xuất, dùng thơ ca để “diễn đạt về số phận của dân tộc mình” (Trích tham luận của Nguyễn Huy Thông, đăng trên chuyên đề An Ninh Thế Giới Cuối tháng, ngày 18/3/2013) mà chưa bao giờ rảnh để làm thơ cho riêng mình, như lời bộc bạch của ông với nhà thơ Vũ Quần Phương.
Hồi tưởng lại mùa xuân 1937, khi ánh sáng chân lý và niềm tin chói sáng trong tim; vào năm 1980 nhà thơ lúc này đang ở độ chín cuộc đời, đã có lời tâm sự với em:
Tôi đã chết, như con chim không bao giờ được hót
Một tiếng ca lảnh lót cho đời
Nếu chậm mùa xuân ấy, em ơi!
(Một nhành xuân, 1/1980, sđd, tr. 409)
Đọc khổ thơ ngắn này, ắt ai cũng hiểu vì sao thơ ông nhiều loài chim, tiếng hót của muôn loài chim với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc (mà tôi không thể trích dẫn hết được) như con người. Của con người! Và vì thế ông chưa bao giờ rảnh để làm thơ cho riêng mình... như mọi nhà thơ khác. Hãy hiểu ông ấy, như hiểu đúng trọn vẹn ý nghĩa và từng từ ông dùng trong bài thơ cuối cùng, trước lúc ra đi mãi mãi:
Xin tạm biệt đời yêu quý nhất!
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro
Thơ tặng bạn đường, tro bón đất
Sống là cho! Chết cũng là cho.
(Tạm biệt, 2002)
P.X.P
(TCSH413/07-2023)