Nghiên Cứu & Bình Luận
Truyện và ký Hà Khánh Linh hay là vọng âm nối dài thương nhớ
09:18 | 20/10/2023

HỒ QUÝ YÊN

Tập truyện và ký Sở Nghiên cứu địa lý của Hà Khánh Linh do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2023, là kết quả của vốn sống trực quan và ký ức tâm hồn cùng quá trình chiêm nghiệm của nhà văn trước hiện thực cuộc đời đang vỗ vào trang văn muôn ngàn lớp sóng.

Truyện và ký Hà Khánh Linh hay là vọng âm nối dài thương nhớ

Hà Khánh Linh là cây bút văn xuôi chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết, bên cạnh đó, chị có sáng tác thơ và ký. Đây là tác phẩm thứ 26 của tác giả. Với khát khao truy tìm sự thật và chân lý cuộc sống bằng diễn ngôn giàu tính trữ tình và duy lý sắc sảo, Hà Khánh Linh đã thông điệp đến người đọc để cùng suy ngẫm và đối thoại về những vấn đề đời tư và thế sự có liên quan đến con người và sự kiện ở thì quá khứ và thì hiện tại đang tiếp diễn từ điểm nhìn hiện tại. Vì vậy, văn chương Hà Khánh Linh có hấp lực vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận đồng sáng tạo.

Tác phẩm được cấu trúc thành 4 truyện và 4 ký đan xen làm thành chỉnh thể nghệ thuật có dụng ý của tác giả. Tôi xin bắt đầu du hành vào truyện/truyện ngắn của Hà Khánh Linh để lần tìm phía sau hình tượng và bên trong của ngôn ngữ nhằm giải mã ý nghĩa nhân sinh của tác phẩm. Giấc mơ Huế kể về câu chuyện ông chủ tịch - người luôn thân dân và sâu sát mọi phong trào, tham gia các hoạt động với giấc mơ đời thường giản dị. Và rồi, có một họa sĩ muốn vẽ về giấc mơ ấy của ông bằng bút pháp hiện thực sau khi phòng tranh của họa sĩ vừa khai mạc; đặc biệt có ông chủ tịch tỉnh đến dự. Vị chủ tịch này được mọi người yêu quý và báo chí viết bài ngợi ca vì giấc mơ cao đẹp. Nhưng vẽ như thế nào cho sâu sắc và sát đúng với tính cách và tấm lòng vì dân, vì xứ sở của ông chủ tịch tỉnh lại là điều thách thức lớn nhất với họa sĩ khi đứng trước tấm toan trắng. Và rồi, họa sĩ cũng đã định tâm và cảm xúc dâng trào, để vẽ nên bức tranh đầy năng lượng tinh thần nghệ thuật lóe sáng của mình để hoàn thành bức tranh khổ lớn về ông chủ tịch. Điều quan trọng là từ ước vọng của người dân, họ đã giúp họa sĩ phát hiện ra một chân lý giản dị mà minh triết của nhân dân về một giấc mơ. Mạch truyện kết cấu theo tuyến tính, có đan xen, lồng ghép những hồi ức và tham thoại của tác giả nên tính chân thực hiện lên, thuyết phục người đọc.

Truyện Sở Nghiên cứu địa lý lại đồng hiện câu chuyện về thời chiến tranh sau chiến tranh 30/4/1975 của những người từng sống trong lòng chế độ miền Nam thời kỳ trước, trong và sau chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Những chính sách hà khắc và tàn bạo của anh em nhà họ Ngô đàn áp Phật giáo và cán bộ cách mạng cùng những âm mưu thâm độc của đồng bọn đối với nhân dân được nhà văn Hà Khánh Linh tường thuật chi tiết và khá bất ngờ. Trường hợp Phan Quang Đông, người hoạt động chìm trong ngành công an của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau vi phạm kỷ luật ngành đã bỏ trốn và móc nối nhiều người vào Nam để làm tay sai cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa là khá điển hình. Được sự trợ giúp của nhiều người, nhiều tổ chức, Phan Quang Đông trở thành giám đốc của một “cơ quan tình báo tối mật và rất đỗi quan trọng của Phủ Tổng thống đặt tại Huế với tên gọi là Sở Nghiên cứu địa lý”, “Nhiệm vụ của cơ quan tình báo tối mật này: Một là thiết lập một Đài Kiểm thính đặt tại Huế để kiểm soát tất cả mọi cuộc điện đàm và tất cả công điện mật của các cán bộ cao cấp Quân - Dân - Chính - Đảng Việt Nam tại miền Bắc. Hai là kiểm thính để kịp thời ngăn chặn tất cả các loại điện đàm, điện tín mật của các cơ quan tình báo Quân - Dân - Chính - Đảng Cộng sản miền Bắc gửi vào cho Cục R và các điệp viên đang hoạt động tại miền Nam Việt Nam. Ba là phát hiện mọi điều động và di chuyển của các đơn vị quân đội, công an từ miền Bắc vào miền Nam bằng đường Trường Sơn và đường biển. Đặc biệt là nắm bắt đầy đủ các loại vũ khí cùng di chuyển với họ. Bốn là Đài Kiểm thính này đặt tại Phú Bài. Đài có hai mươi kỹ sư và kỹ thuật viên điều hành dưới sự chỉ huy trực tiếp của Giám đốc Sở Nghiên cứu Địa lý “trung úy” Phan Quang Đông. Năm là phái các điệp viên ra miền Bắc để hoạt động".

Với phẩm tính truyện dung hợp chất ký sự, người đọc thấy được tài dẫn chuyện và nghệ thuật sắp đặt thông tin, tư liệu và diễn ngôn khá logic, bài bản của Hà Khánh Linh, làm hiện lên từng sự kiện và hành trạng của từng nhân vật trong từng không gian và thời gian cụ thể. Từ đó sự thật lịch sử hiện lên, giúp người đọc hiểu và đối thoại với lịch sử và con người về những vấn đề có liên quan đến chính sử, chính trị mang tính thời đại, thời sự thời quá khứ một cách thuyết phục.

Truyện Tướng Trần Văn Trân kể về đất nước Chùa Tháp trong và sau họa diệt chủng Pol Pot. Cũng bằng nghệ thuật dẫn chuyện chân thật và hấp dẫn, Hà Khánh Linh đã làm hiện lên trước mắt người đọc hình ảnh đất nước Campuchia và vị tướng tài ba Trần Văn Trân - Tư lệnh trưởng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia trong cuộc chiến ác liệt và trong cuộc sống nhân hậu đời thường. Ông là người Huế, yêu Huế và nặng lòng với Huế đến da diết. Còn tác giả là nhà văn nữ đầy kiên nghị và nhân ái. Với tư cách là nhân vật xưng tôi ngôi thứ nhất, Hà Khánh Linh đã thuậtlại những điều mắt thấy, tai nghe trong chuyến tác nghiệp thực tế ở chiến trường nước bạn, làm hiện lên nhiều khung cảnh với từng trục tọa độ không - thời gian đặc biệt, mà ở đó, mỗi sự việc và con người đều gắn với sự phát triển tính cách của chính tác giả và chung quanh, đều gắn với cuộc sống hiện tại và quá vãng thăng trầm của vị tướng Trần Văn Trân: “Người chiến binh nhạy bén, mưu trí, anh hùng, dũng cảm trên sa trường, trận mạc ấy đã dành cho quê hương Huế một tình yêu nỗi nhớ thâm trầm da diết khi phải đi xa!”.

Về lý luận thể loại mà nói thì truyện là phương thức tự sự tái hiện đời sống với toàn bộ tính khách quan của nó trong không gian và thời gian qua từng nhân vật, sự kiện. Qua đó, nhà văn thể hiện tư tưởng và tình cảm nhập vai của mình vào hành động và sự kiện đến mức giữa chúng dường như không có sự phân biệt nào cả. Khi nhà văn thuật lại những gì xảy ra bên ngoài mình, khiến cho người đọc có cảm giác rằng hiện thực được phản ánh trong tác phẩm là một thế giới sinh động, đang vận động khách quan, không phụ thuộc vào tình cảm, ý muốn của tác giả, thì ở truyện này, quả thật, Hà Khánh Linh đã mang lại tính khách quan, chân thật như thế qua từng chi tiết nghệ thuật bất ngờ, hấp dẫn. Vì vậy, cuộc đời của tướng Trần Văn Trân theo dòng ngôn ngữ đặc tả tuần tự qua từng chi tiết, từng đối thoại và liên tưởng mà tác giả vừa là nhân vật trần thuật vừa là chứng nhân đã làm cho hình tượng vị tướng trở nên linh hoạt, có sức năng động của sự sống thật từ hình dáng bên ngoài đến thế giới nội tâm.

Cùng tính chất và đặc điểm nghệ thuật nói trên, tôi chú ý đến truyện Nối dài thương nhớ. Đây là truyện có cấu trúc đặc biệt của Hà Khánh Linh. Truyện kể về cuộc đời không bình lặng của Hoàng thi sĩ, bị căn bệnh hiểm nghèo, phải phẫu thuật nhiều vùng trên cơ thể vốn “không còn nguyên vẹn của người thơ thương binh ấy sau chiến tranh sao cứ phải mổ xẻ, cắt gọt mãi hoài vậy?”, nhưng ông vẫn không từ bỏ đam mê sáng tạo: “Sau phẫu thuật, tỉnh dậy, thấy mình vẫn còn sống, lại làm một bài thơ nữa ca ngợi cuộc sống, ca ngợi tình người”. Có thể tập hợp lại thành một tập thơ hay trong khi nằm chờ tai họa ập xuống cuộc đời của nhà thơ thương binh này. Đan xen tình tiết và sự kiện là câu chuyện của đôi bạn thân Quý Định và Kiên Định trong thời chiến cùng yêu thầm nhớ trộm cô Xã đội phó Hoài Thu có giọng hát trong veo, quyến rũ (Còn Hoài Thu thì tự sâu thẳm cội lòng đã thầm yêu Kiên Định: “Em sẽ chờ đợi anh! Chờ suốt đời!”. Nhưng sau đó, Kiên Định đã hy sinh. Còn Hoài Thu thì lâm vào tình cảnh éo le, trắc trở cho đến ngày giải phóng, cuối đời lại gắn bó với mẹ Kiên Định, người đã nuôi Hoài Thu từ những ngày vượt ngục gian nguy. Giờ đây, Hoài Thu tự nhận làm con gái nuôi của mẹ và giúp đỡ, động viên người thương binh Kiên Trung - em Kiên Định ăn học thành danh). Hà Khánh Linh đã khéo léo dẫn dắt, kết nối câu chuyện tình người sau chiến tranh trong cuộc đại đoàn viên của đất nước, trong đó, có cuộc sum họp giữa mẹ Kiên Định, Kiên Trung và Hoài Thu, Quý Định, con gái Quý Định trong không gian xúc động với cái kết thúc có hậu: Tất cả đều nhận mẹ Kiên Định làm mẹ mình để nối dài thương nhớ thời hậu chiến. Bi kịch sau bi kịch, nhưng là bi kịch đầy nhân văn, nhân ái đã được nhà văn Hà Khánh Linh hóa giải bằng chính nỗi đau của mỗi người để kéo dài ra trong niềm vui của người khác bằng tiếng nói nghệ thuật bi thiết. Hình ảnh nhà thơ thương binh họ Hoàng không xuất hiện trong cái kết cao đẹp và xúc động của câu chuyện, nhưng chi tiết dòng tít chạy dài Hoài Thu bây giờ em ở đâu? in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội ngày nào đã tạo ra kết thúc mở (open end) cho câu chuyện về tình người trong và sau chiến tranh. Kết thúc cuộc chiến ác liệt, ai còn ai mất và còn biết bao người mãi mãi không bao giờ có mặt trong cuộc đại đoàn viên vĩ đại của dân tộc, của những người thân là câu hỏi ngậm ngùi, thương tiếc! Bi kịch sau bi kịch đã đánh thức, nối dài bao nhiêu thương nhớ cho con người hôm nay và mai sau. Ý nghĩa, tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm chính là ở kết thúc có hậu đó mà Hà Khánh Linh muốn thông điệp đến người đọc bằng giọng điệu ngậm ngùi, tiếc nuối nhưng cũng đầy tự hào, ân nghĩa.

Hà Khánh Linh là nhà văn nhập cuộc nồng nhiệt với suy nghĩ về nghề văn rất sáng rõ: “Tôi không coi công việc sáng tác văn học là “nghề” mà là một cách sống, một thái độ ứng xử, cũng như tôi đã từng nói đấy chỉ là cuộc chơi... Khi đau khổ, tuyệt vọng - một số người tìm đến chất gây nghiện, cuộc đỏ đen... Còn nhà văn thì tìm tới cây bút và trang viết...

Sự hưng phấn của kẻ nghiện khác với sự thăng hoa trong tâm hồn nhà văn khi sáng tác là ở chỗ này. Một bên là tự tàn phá cuộc đời, hủy hoại nhân cách và làm khổ cho rất nhiều người, còn bên kia thì ngược lại.” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb. Hội Nhà văn, in lần thứ IV, 2010, tr.211).

Quan niệm sáng tác như vậy đã chi phối quá trình hình thành và thể hiện thành tiêu điểm tư tưởng thẩm mỹ cho mỗi tác phẩm của Hà Khánh Linh. An ninh du lịch không phải cho riêng Huế, Những chặng đường, Lúc hiểm nguy các anh kịp thời có mặt, Quốc ca Việt Nam và những miền ký ức... là những tác phẩm ký thể hiện khá rõ tư duy sáng tạo và tinh thần trách nhiệm về “một cách sống, một thái độ ứng xử” ấy của Hà Khánh Linh. Từ An ninh du lịch không phải cho riêng Huế, tác giả đã giúp cho ngành du lịch cả nước nhận ra những âm mưu và hành vi gian xảo của một số cá nhân và tập thể làm nghề hướng dẫn du lịch các nơi khác dẫn khách đến Huế bằng thủ đoạn trốn vé, làm vé giả cùng với hành vi bất chính khác; từ đó, giúp cho cơ quan chức năng các địa phương trong cả nước nhanh chóng nhận ra vấn đề để hợp tác vào cuộc tìm ra thủ phạm, không để tình trạng này kéo dài và lan ra cả nước. Qua câu chuyện, phải nói rằng Công an PA04 Thừa Thiên Huế là đơn vị tiên phong, vững vàng nghiệp vụ và dũng trí vạch mặt, chỉ tên những mánh khóe gian xảo của các đường dây thủ phạm bất hảo, đưa chúng ra trước dư luận và trừng trị theo luật định, để “giữ cho môi trường du lịch Việt Nam luôn trong lành và ngân sách Nhà nước khỏi bị thất thủ”. Đây là ký sự mang cảm hứng phê phán, vạch mặt, cảnh báo cái xấu, cái bất lương với tinh thần công dân tích cực của nhà văn.

Còn ký sự Những chặng đường lại được nhà văn tái hiện cũng với cảm hứng phê phán và truy tìm chân lý cho những vấn đề có liên quan đến đại sự quốc gia, danh dự của đất nước và trách nhiệm công dân của nhà báo trước các thành phần bất hảo, có hành vi và ý nghĩ xấu xa đối với Tổ quốc và nhân dân. Quan điểm của Hà Khánh Linh rất sáng rõ: “Báo chí là phạm trù chính trị, văn chương là phạm trù mỹ học. Tôi vừa là nhà văn vừa là nhà báo, khi mới vào học dự bị Đại học Khoa học Sài Gòn, tôi đã tham gia làm báo Quật khởi - tờ báo đối lập với chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ… Sau đó, thoát ly gia đình làm phóng viên chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi làm phóng viên chiến trường Campuchia, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của Pol Pot và tiếp tục làm báo viết văn cho đến thời điểm hiện tại. Gần trọn một đời song hành cùng lúc cả hai nhiệm vụ ấy, tôi chưabao giờ gặp bất kỳ một trở ngại nào khi tự do biểu đạt tư tưởng của mình cả. Vậy tại sao tôi phải “thoát ly chính trị”. Đó là ý kiến và lập trường dứt khoát của Hà Khánh Linh trước các luận điệu của một số người Việt bất hảo ở hải ngoại xuyên tạc chế độ ta và quân đội ta, cuối cùng, làm cho họ ý thức và phản tỉnh, có cái nhìn khác về đất nước Việt Nam và con người Việt Nam. Từ đó, những người Việt hải ngoại được cảm hóa và họ được thanh lọc tâm hồn một cách nhân ái và nhân văn, để họ hiểu rằng “mỗi phút giây hòa bình hạnh phúc, sự an toàn xã hội mà người dân Việt Nam, người dân Thừa Thiên Huế được hưởng hôm nay phải đánh đổi bao nhiêu của cải và sinh mệnh của quân và dân ta”. Vậy thì không ai có quyền xuyên tạc và bôi nhọ sự thật. Nhà văn Hà Khánh Linh đã dũng cảm đứng về phía nhân dân và lẽ phải bằng những trang viết nặng tình yêu con người và văn hóa Huế, thấm đẫm tư tưởng lịch sử và chính trị mang tính nhân văn cao đẹp.

Như là minh chứng bổ sung cho Những chặng đường, bút ký Lúc hiểm nguy các anh có mặt, Hà Khánh Linh đã tái hiện không gian lũ lụt khủng khiếp ở miền Trung làm thất thoát tài sản và thiệt hại tính mạng của nhân dân. Đau đớn càng nhân lên “khi các lực lượng vũ trang lăn mình vào thiên tai để cứu dân, cứu tài sản của dân thì bản thân các anh đã phải chịu mất mát hy sinh”. Những tấm gương cao cả như Trần Trọng Bằng, Ngô Quốc Trung là tiêu biểu cho tinh thần hy sinh, anh dũng đó của người chiến sĩ công an nhân dân được Hà Khánh Linh tường thuật chi tiết và tường tận, làm hiện lên những tấm gương quả cảm trong bão lũ, những con người hết lòng vì Tổ quốc mà hy sinh, vì nhân dân mà phục vụ.

Ký là thể tài trung gian nằm giữa báo chí và văn học. Vì vậy, dù không nhằm vào việc miêu tả quá trình hình thành tính cách của cá nhân trong tương quan với từng hoàn cảnh cụ thể như trong tiểu thuyết, nhưng Hà Khánh Linh đã linh hoạt biến những quan hệ xã hội giữa con người trong những tình huống, chi tiết điển hình và đạo đức điển hình để làm hiện lên chân dung những nhân vật ký một cách chân thật, sinh động qua từng động thái và suy nghĩ của họ trên cơ sở tôn trọng tính chân thật khách quan của đời sống, không hư cấu, tô vẽ chủ quan. Sự việc và con người trong bút ký Lúc hiểm nguy các anh có mặt chân thật đến xúc động và lay thức lòng người, tác động trực tiếp đến tình cảm và nhận thức của người đọc. Tôi gọi ký của Hà Khánh Linh là ký báo chí - văn học, nhưng nghiêng về khai thác thông tin, tư liệu chính xác tối đa, làm hiện lên những thông điệp nhức nhối về nhân sinh - thế sự của thời hiện tại chưa hoàn kết. Qua đó, nhà văn muốn đề cao tình người, tôn vinh nhân tính và nhân phẩm của những con người biết sống vì cộng đồng, vì nhân vị tốt đẹp.

Còn với ký Quốc ca Việt Nam và những miền ký ức lại được nhà văn tái hiện bằng cảm hứng dâng trào về sự thật và tình cảm mà mình với tư cách là chứng nhân, là người đã từng gặp tác giả/ nhạc sĩ Văn Cao nên đủ tư cách đồng hiện sự thật lịch sử về bản quốc ca của dân tộc Việt Nam: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Chung lòng cứu quốc...” để xóa tan đi nghi vấn về vấn đề bản quyền mà ai đó đã xôn xao một cách vô căn cứ và vô ơn đối với nhạc sĩ tài danh Văn Cao nhân “sự cố Quốc ca Việt Nam bị tắt tối 6/2/2021 khi chuẩn bị khai mạc trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Lào vòng bảng AFF Cup 2020”. Hà Khánh Linh đã thuật lại câu chuyện cảm động giữa mình với nhạc sĩ Văn Cao gặp nhau khi chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt, tác giả từ chiến trường được đưa ra Thủ đô Hà Nội điều trị bệnh: “Anh đã kể cho tôi nghe rằng chính những ngày tang thương chết chóc vì đói khổ ấy anh đã viết Tiến quân ca về sau trở thành Quốc ca Việt Nam. Tôi đã đem những điều nghe được từ nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ với những đồng đội đồng chí của mình cũng từ chiến trường miền Nam ra đang điều trị bệnh cùng tôi tại bệnh viện E. Ai cũng xúc động nghẹn ngào. Chuẩn bị trở lại chiến trường miền Nam, tôi đến thăm Văn Cao, chào tạm biệt và xin bứt của anh một sợi tóc bạc...”. Những dòng trên đủ để minh chứng những điều mắt thấy tai nghe và khẳng định tư cách tác giả của Quốc ca Việt Nam. Như để củng cố và khẳng định dứt khoát về vấn đề bản quyền của Tiến quân ca, Hà Khánh Linh còn trình hiện một số đoạn trong bài viết do chính Văn Cao chấp bút in trên Tạp chí Sông Hương số tháng 9 năm 1992 để độc giả tin cậy và phán quyết: “... Sau triển lãm Duy Nhất - 1944 (Salon Unique), tôi về một căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền. Ba bức tranh sơn dầu của tôi, tuy được trưng bày vào chỗ tốt nhất của phòng tranh - Nhà Khai trí Tiến đức - và được các báo khen ngợi nhưng cũng không bán nổi (...). Tôi chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút về các bản nhạc viết hồi đó, dù đã trình diễn nhiều lần từ Bắc tới Nam, tôi cũng không nhận được tiền nhuận bút về thơ và truyện ngắn (...). Tôi đã gặp lại đồng chí Vũ Quý. Anh là người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của tôi từ mấy năm qua, và thường khuyến khích tôi sáng tác những bài hát yêu nước (...).

- Văn có thể thoát ly hoạt động được chưa?

- Được.

Ngày mai bắt đầu nhận công tác và nhận phụ cấp hàng tháng (...). Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, phải dùng những điệu hướng đạo. Khóa quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta!

Phải làm như thế nào đây? Chiều hôm đó, tôi đi dọc theo đường phố ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen, tôi cố tìm một cái gì để nói. Tìm một âm thanh đầu tiên.

(...) Bài hát đã làm trong thời gian không biết bao nhiêu ngày, tại căn gác hẹp số 45 Nguyễn Thượng Hiền (...). Ở đây thường vọng lên những tiếng xe bò chở xác người chết đói đi về phía Khâm Thiên. Ở đây hàng đêm mất ngủ vì gió mùa luồn vào tung khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một gia đình viên chức nghèo khổ, thiếu ăn (...).

Tin từ Nam Định lên cho biết mẹ tôi và các em đã về quê đang đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày, như mọi người đang chờ một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả đang chờ đợi tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa cầm được một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát (...).

“Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc...
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...”.

Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng:

“Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phấp phới
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than...”.

(...) Ngày 17/8/1945 tôi đến dự cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Ngọn cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn Nhà hát Lớn xuống. Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi hàng ngàn giọng hát cất lên, vang theo những đoạn sôi nổi. Những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng (...).

Ngày 19/6/1945, một cuộc mít tinh lớn họp tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong hát Tiến quân ca, chào lá cờ đỏ sao vàng (...). Giọng hát của các bạn lẫn giọng hát của tôi, vô cùng xúc động chào lá cờ cách mạng. Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, tiếng thét căm thù bọn đế quốc, với sự hào hứng chiến thắng của cách mạng.

Bài Tiến quân ca là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ hôm đó.”

Là nhân chứng cùng với minh chứng và lập luận cụ thể như vậy, Hà Khánh Linh đã khẳng định cho mọi người biết rằng Văn Cao là tác giả của Quốc ca Việt Nam: “Tác giả Văn Cao đã khẳng định chủ quyền của Tiến quân ca là dân tộc Việt Nam độc lập. Vậy có ai còn gì để nói nữa không”.

Nghệ thuật viết truyện và ký của Hà Khánh Linh trước sau đều nhất quán như vậy: luôn đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và đúc kết vấn đề dựa vào từng luận điểm, luận chứng và luận cứ vững chắc nên đã tạo ra giá trị nhận thức tối đa và giá trị thông tin tối đa cho người đọc, nhất là người đọc đồng sáng tạo.

*

Hành trình sáng tạo và thể nghiệm nghệ thuật liên tục của Hà Khánh Linh đã đem lại cho chính tác giả những giá trị cân bằng. Tác phẩm của chị được độc giả cả nước yêu quý và đón nhận nồng nhiệt. Chị quan niệm rằng nhà văn phải là người dấn thân, nhập cuộc và mỗi trang viết của mình bao giờ cũng mang hơi thở của cuộc sống thật và phải có ích cho đời, thì mới mong trở thành dưỡng chất tinh thần cho con người, góp phần thanh lọc và nhân văn hóa cuộc sống. Với ý nguyện và tâm nguyện như thế, dù tuổi cao, chị vẫn đam mê, miệt mài đi và viết. Đi, quan sát, ghi chép, nắm bắt thông tin nhằm tiếp nhận, cập nhật hiện thực đời sống và thay đổi thực đơn tâm hồn, thực đơn nghệ thuật để có những tác phẩm hay, đáp ứng mong mỏi và nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của độc giả.

H.Q.Y
(TCSH50SDB/09-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ sen (06/10/2023)