Nghiên Cứu & Bình Luận
Đạm Phương - từ báo chí đến tiểu thuyết tân văn
20:48 | 20/11/2023

PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU - PHẠM PHÚ PHONG

Đạm Phương tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh, thứ nữ của Hoằng Hóa quận vương Nguyễn Miên Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng.

Đạm Phương - từ báo chí đến tiểu thuyết tân văn
Ảnh: tư liệu

Sinh ra trong một gia đình quý tộc, có truyền thống về học vấn, được nuôi dạy một cách nghiêm cẩn trong cung đình, biết và sử dụng một cách thành thạo chữ Hán, chữ Pháp và chữ quốc ngữ, tiếp thu tư tưởng tiến bộ của nhân loại về tự do, dân chủ, công bằng, bác ái, bình đẳng, nhân quyền của các nhà cách mạng tư sản như J.J Rousseau, S. Simon, Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên, tiếp xúc với các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và các nhà hoạt động theo chủ nghĩa cộng sản như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu... bấy nhiêu nguồn mạch “va chạm” ấy đã giúp cho một công nương như bà chuyển hóa nhận thức, tự giác đứng vào hàng ngũ những trí thức tiến bộ của thời đại, biết sử dụng báo chí làm phương tiện nâng cao dân trí, nhất là đối với nữ giới, và đấu tranh bảo vệ công bằng xã hội.

Cuộc vượt thoát khỏi mọi ràng buộc của một thiết chế xã hội phong kiến, để trở thành người phụ nữ mới đòi hỏi bà Đạm Phương phải có một nỗ lực lớn, vượt qua tầm vóc của thời đại. Các anh thư cùng thời với bà, mỗi người thành danh trong một vài lĩnh vực: Sương Nguyệt Anh (1864 - 1921) là nhà thơ, nhà báo, chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên Nữ giới chung (1918), Cao Ngọc Anh (1878 - 1970) là nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, mở trường dạy văn chương và võ thuật cho phụ nữ, Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896 - 1982) là nhà văn, nhà báo, nhà biên khảo, Tương Phố (1896 - 1973) là nhà thơ, Song Thu (1900 - 1970) là nhà thơ, nhà báo; thì Đạm Phương (1881 - 1947) lại chiếm khá nhiều các danh hiệu cao quý như nhà giáo dục học, nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà báo, nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội, nhà nữ quyền... có đến chín, mười nhà dồn vào trong một con người mong manh xuất thân từ cành vàng lá ngọc, mà ở lĩnh vực nào hầu như bà cũng là người tiên phong khai mở, thật khó gọi bà là nhà gì cho đúng nghĩa. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ ngước nhìn bà với tư cách là nhà báo và liên quan đến báo chí, nhận ra hành trình bà đến với tiểu thuyết tân văn / feuilleton - một tiểu loại tiểu thuyết viết ra để in dài kỳ trên báo.

Với một cái nhìn cảm quan về lịch sử - cụ thể, có thể khẳng định toàn bộ sự nghiệp văn chương, học thuật của Đạm Phương đều được hình thành trên cái nền của đời sống báo chí còn non trẻ ở nước ta. Nếu không tính những tập thơ chữ Hán bà làm thời thiếu nữ như Đông quán thi tập, Tú dư xích độc và tập Hiệp bích thi cảo viết chung với chồng (là ông nghè tập ấm Nguyễn Khoa Tùng, hậu duệ đời thứ 6 của Nguyễn Khoa Chiêm, tác giả của Nam triều công nghiệp diễn chí, được coi là bộ tiểu thuyết lịch sử đầu tiên ở nước ta) sau ngày xuất giá, thì toàn bộ những tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như thơ, tiểu thuyết, tiểu luận, tiểu phẩm, tạp văn, biên khảo về nhiều đề tài khác nhau của bà đều viết ra trước hết là nhằm để in báo, mà cái mốc đầu tiên chính là cuộc viếng thăm của Phạm Quỳnh (1892 - 1945), chủ bút Nam Phong tạp chí (4/1918), từ đó, những bài thơ viết bằng chữ quốc ngữ của bà như Nhớ bạn, Nhớ cảnh núi (số 10, tháng 4/1918) và những bài báo đầu tiên của bà như Tự thuật cảnh Hương Giang buổi chiều (số 13, tháng 7/1918), Ngày xuân đi chơi núi (số 21, tháng 5/1919) xuất hiện trên tạp chí này, để rồi sau đó, bà trở thành ký giả bán chuyên nghiệp, với các chức danh như trợ bút cho nhật báo Trung Bắc tân văn (1919), giữ mục “Lời đàn bà” trên báo Thực nghiệp dân báo (1920), làm biên tập viên và giữ mục “Văn đàn bà” trên tạp chí Hữu thanh (1922), cộng tác đắc lực với các tờ Lục tỉnh tân văn (1922), Tiếng dân (1927), Phụ nữ tân văn (1929), Phụ nữ thời đàm (1930), và đứng ra thành lập ở Huế tờ Phụ nữ tùng san (1929)... Qua thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, có thể thấy, ngoài thơ, tiểu thuyết, tiểu luận, biên khảo viết để in báo - với tư cách là những thể tài báo chí, Đạm Phương còn có hàng trăm bài báo đề cập đến những vấn đề cốt tử của đời sống xã hội lúc bấy giờ, đó là giáo dục mở mang dân trí, đòi hỏi về cải thiện dân sinh dân chủ, bình đẳng công bằng, hữu ái nhân sinh. Trong “Lời người biên soạn” cuốn Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, tác giả Lê Thanh Hiền đã thống kê “bước đầu thấy gần hai trăm bài báo bằng chữ quốc ngữ của bà Đạm Phương nữ sử in trên các báo và tạp chí. Phần lớn số bài in vào các năm: năm 1923 có 40 bài, năm 1924 có 35 bài, năm 1925 có 29 bài, năm 1926 có 28 bài. Bài đăng chủ yếu ở các báo: Trung Bắc tân văn với 129 bài đăng tải từ năm 1923 đến năm 1929, Hữu thanh có 24 bài, Nam Phong có 15 bài” [1, tr.11]. Ngoài viết báo, bà còn sáng tác thơ, tiểu thuyết, biên khảo, tham gia ban biên tập Nữ lưu thư quán (1928), hoạt động cho Nữ công học hội - tổ chức phụ nữ đầu tiên ở nước ta do bà sáng lập, mở rộng, giao lưu, tiếp xúc với các bậc nhân sĩ trí thức, giới nữ lưu ở cả ba miền để tìm hiểu học hỏi, mở rộng chi nhánh của học hội đến Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Mỹ Tho, Đà Nẵng, Gò Công, Thanh Hóa... Bà lấy đâu ra thời gian để viết ngần ấy bài báo, cộng tác với hầu hết những tờ báo có uy tín đương thời, mà chủ yếu là những tờ báo của giới trí thức, có liên quan đến nữ giới, lại còn làm trợ bút, làm biên tập viên, thường xuyên giữ các chuyên mục cho các báo, lại còn đứng ra vận động thành lập báo cho nữ giới! Trong “Lời phi lộ” cho số ra mắt tờ Phụ nữ tùng san (5/1929), Đạm Phương đã phân tích, lên án và đòi vứt bỏ những quy tắc phi nhân tính, bất bình đẳng của chế độ phong kiến áp đặt cho người phụ nữ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “đàn bà phải thủ tiết thờ chồng sau khi chồng chết”, “phụ nữ không được học hành nhiều vì chỉ có bổn phận sinh con đẻ cái, cơm nước, quanh quẩn trong nhà”... Những phê phán gay gắt nhằm vào chế độ vương quyền nơi bà sinh ra, đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bài báo, các công trình nghiên cứu về giáo dục phụ nữ và trẻ em của bà, đã trở thành hệ thống tư tưởng dân chủ của Đạm Phương trong tư cách một nhà báo, một nhà hoạt động xã hội tư tưởng, có sức vẫy gọi nhân quần của một con người hành động mang vẻ đẹp lý tưởng của thời đại. Là một tiểu thư xuất thân từ nhung lụa, được bao bọc trong uy quyền trọng vọng, bà đã vượt qua được những thiên kiến giai cấp, quay về với bến bờ của tư tưởng nhân dân, trong dòng nước mát trong lành của lòng nhân ái, sẻ chia, đồng cảm đến tận cùng. Điều đó thể hiện bản lĩnh và nhân cách của người trí thức thời đại, trước những biến động dữ dội của thời cuộc và đời sống xã hội, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức và thẩm mỹ.

Cũng thông qua báo chí, Đạm Phương không chỉ là một trong những nhà báo nữ đầu tiên viết báo bằng chữ quốc ngữ, mà còn có đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng một nền quốc văn, bằng cách liên tục cho xuất hiện trên hệ thống thông tin đại chúng đương thời nhiều bài viết về các thể loại văn chương khác nhau như sáng tác, nghị luận, biên khảo, trong đó “Công trình Lược khảo về tuồng hát An Nam (Nam Phong số 76, tháng 10/1923) của Đạm Phương là công trình nghiên cứu sớm nhất về loại hình nghệ thuật này” [2, tr.376].

Xin nhớ cho rằng, xuất thân của Đạm Phương là ở ngay trong chốn cung đình, nơi có bộ máy lãnh đạo tập quyền cao nhất đất nước; nơi mà Nguyễn Trường Tộ (1830 - 1871) trong Tế cấp bát điều và trong điều trần của Huỳnh Tịnh Của (1834 - 1907) gửi vua Tự Đức, đều khẩn thiết đề nghị xin cho thành lập báo chí, để vận dụng vào thiết chế xã hội, điều hành đất nước, đều không được chấp thuận! [3, tr.40, 54]. Thế mà công nương Đạm Phương lại là người phụ nữ đầu tiên chốn cung đình, dám vượt qua những rào cản cấm kỵ và định kiến để trở thành nhà báo xuất sắc với tất cả bản lĩnh văn hóa trước những thách thức của vương quyền và xã hội. Có thể tin tưởng một cách chắc chắn rằng, nếu bà được sống ở trong môi trường báo chí sôi động của Sài Gòn, hoặc Hà Nội thời ấy, thì với khát vọng và bút lực ấy, khó có bậc anh thư nào sánh kịp và có thể sẽ là nhà báo nữ đáng để lưu danh đầu tiên ở nước ta.

Truyền thống văn chương Hán ngữ ở nước ta chủ yếu là thơ phú. Đối với những cây bút nữ hiếm hoi có thể tính trên đầu ngón tay, lại càng hiếm người viết văn xuôi, nếu không có ngọn gió báo chí từ phương Tây thổi tới và sóng đôi với nó là nền văn xuôi quốc ngữ, trong đó có tiểu thuyết tân văn/ tiểu thuyết hiện đại, xuất hiện. Và, trong môi trường sôi sục của báo chí dường như lúc nào cũng có thể thiêu cháy các tập tục xã hội đã lỗi thời ấy, bà Đạm Phương trở thành nữ tiểu thuyết gia đầu tiên trong nền văn học hiện đại Việt Nam: các tiểu thuyết tân văn Kim Tú Cầu (1922), Hồng phấn tương tri (1929), Năm mươi năm về trước (1944).

Kim Tú Cầu là câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của cô Tú Cầu, con gái một vị quan đã nghỉ hưu của triều đình Huế. Do quan niệm phong kiến sai lệch, bảo thủ và hủ tục mê tín của cha mẹ mà Tú Cầu phải dang dở duyên lành với chàng Ngọc Lan đã kết thân từ thuở thanh mai trúc mã, trải thân nơi đất khách với bao hoạn nạn, cuối cùng phải bỏ mạng nơi xứ người. Tác phẩm nhằm phê phán những quan niệm cổ hủ về hôn nhân đã chà đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ, trước sự áp đặt của cha mẹ, là tiếng chuông báo động và đòi hỏi quyết liệt, riết róng về quyền tự do luyến ái và lựa chọn trong hôn nhân, đồng thời đề cao truyền thống đạo lý trọng nghĩa, thủy chung trong tình yêu, tình bạn, cùng trong không khí chung của những tác phẩm cùng thời như Hà Hương phong nguyệt (1912) của Lê Hoằng Mưu, Kim Anh lệ sử (1924) của Trọng Khiêm, Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách, Mồ cô Phượng (1926) của cây bút đồng hương với bà Lê Cương Phụng... như chính tác giả đã gọi tên tiểu loại tiểu thuyết của mình là bi tình tiểu thuyết. Chủ đề này, sau này còn được đi sâu cày xới nhiều, tạo nên một dòng chảy khá ào ạt trong văn chương của nhóm Tự lực Văn đoàn. Tiểu thuyết xã hội Hồng phấn tương tri là mối tình giữa Nam Châu và Quế Anh, cả hai đều là những con người lịch duyệt, được ăn học tử tế, sống trầm lặng, nhưng nhiệt thành với những người cần lao nghèo khó và đồng sự. Họ gặp nhau ở cùng nhiệm sở, cùng ý hợp tâm đầu, tương tri tương ngộ, yêu nhau mà không dám tỏ bày. Nam Châu có hai người bạn gái đem lòng yêu mến, tìm cách cản ngăn mối tình của họ, nhưng cuối cùng họ cũng đến được với nhau sau chuyến Quế Anh về quê chăm sóc cha mẹ già. Trong “Lời phụ bàn” cuối tác phẩm, tác giả có diễn giải một cách khiêm tốn rằng: “Tiểu thuyết tuy có phần thuộc ái tình, nhưng mô tả nhiều phần lịch duyệt thế thái nhân tình và có ngụ sự bao biếm (chê bai) ở trong, để cảnh tỉnh lòng người một cách kín đáo, so với các tiểu thuyết ái tình khác thì có vẻ biệt khai sinh diện (mở riêng một mặt mới) vậy, còn văn chương có non nớt, chắc độc giả cũng lượng tình mà dung thứ cho” [4, tr.410]. Đó là lời tự nhận xét cô đúc và chính xác về tác phẩm. So với tiểu thuyết đầu tay Kim Tú Cầu, thì Hồng phấn tương tri có kết cấu và cốt truyện đơn giản hơn nhiều. Tác phẩm chỉ nhằm miêu tả hai tính cách như hai hình mẫu thanh niên thời đại, qua những việc làm nhỏ nhặt trong cuộc sống, cùng nhau bước trên con đường mưu cầu sự tiến hóa cho xã hội và hạnh phúc cho mọi người.

Sau tiểu thuyết Hồng phấn tương tri được Nữ lưu thư quán Gò Công xuất bản (1929) với số lượng 10.000 bản, nhiều sự kiện trong gia đình và xã hội dồn dập xảy ra, bà Đạm Phương vừa lo cho tờ Phụ nữ tùng san vừa mới thành lập, vừa cộng tác với tờ Phụ nữ tân văn vừa mới ra đời, lại bị thực dân Pháp bắt giam hơn một tháng trời tại nhà lao Thừa Phủ vì nghi bà có quan hệ với đảng Tân Việt. Ra tù, bà từ chức Hội trưởng Nữ công học hội, nhưng vẫn tham gia vận động cho hội, quyên góp ủng hộ đồng bào trong vụ Pháp đàn áp Xô viết Nghệ Tĩnh. Ông Nguyễn Khoa Tùng chồng bà qua đời (14/3/1932), bà lập am cạnh mộ thờ ba năm và xây lăng mộ... nhưng vẫn kiên trì viết báo, viết sách. Đầu năm 1942, tác phẩm Giáo dục nhi đồng ra đời (Nhà in Lê Cường, Hà Nội). Năm 1943, hoàn thành bản thảo Giáo dục phụ nữ, chưa kịp in thì thất lạc do biến động thời cuộc. Năm 1944, bản thảo tiểu thuyết Năm mươi năm về trước, bà viết nhằm phê phán hiện thực hủ bại trong đời sống ở chốn cung đình cũng chịu chung số phận gần tương tự như bản thảo Giáo dục phụ nữ, khi nó bị kiểm duyệt và tiêu hủy ngay khi đưa đến nhà xuất bản.

Điều đáng lưu ý là tiểu thuyết của Đạm Phương ra đời đồng thời với lý thuyết về thể loại tiểu thuyết ra đời ở nước ta. Công trình lý luận văn học hiện đại đầu tiên ra đời ở nước ta là Khảo về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh. Ông viết sau chuyến đi Pháp về và công bố từng phần trên Nam Phong tạp chí, bắt đầu từ năm 1922 đến năm 1925 thì in thành sách, trong đó chỉ ra rằng, tiểu thuyết hiện đại là tiểu thuyết tân văn, viết ra để in báo, gắn liền với đời sống báo chí: “Tiểu thuyết là một thể văn chương thịnh hành nhất đời nay. Trong các sách xuất bản ở các nước hiện bây giờ, quá nửa là sách tiểu thuyết. Trong các báo hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, không bao giờ là không có một phần tiểu thuyết (...). Nay cứ lý hội các tính cách chung của tiểu thuyết đời nay thì có thể giải nghĩa tiểu thuyết như thế này: tiểu thuyết là một truyện viết bằng văn xuôi đặt ra để tả tình tự người ta, phong tục xã hội, hay là những sự lạ tích kỳ, đủ làm cho người đọc có hứng thú” [5, tr.9-10]. Kim Tú Cầu là tiểu thuyết tân văn, nó phải chịu những quy định về dung lượng hiện thực phản ánh, những sự kiện và con người, số chữ số trang và cả kết cấu tác phẩm phải phù hợp với cột báo, trang báo của từng số báo. Người viết phải biết làm chủ ngòi bút của mình, khi thì phải cô đúc, dồn nén vấn đề một cách tinh gọn, diễn đạt một cách súc tích, khi lại phải biết dàn trải, nhẩn nha dẫn dắt người đọc xâm nhập vào chính tâm hồn mình, tạo nên sự tương thông, đồng cảm. Ngắn mà không thiếu, dài mà không thừa, không gây ra sự nhàm chán... Tất cả đều góp phần tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật không thể tách rời hoặc chia cắt. Quả là, tiểu thuyết của Đạm Phương tuy xuất hiện trong buổi phôi thai của lịch sử, nhưng đã thể hiện được những yêu cầu về đặc trưng thể loại, có những đóng góp bước đầu đáng ghi nhận trong tiến trình hiện đại hóa văn học nước nhà.

Công bằng mà nói, cũng không phải tất cả đều hoàn hảo, nhất là về kết cấu khá giản đơn, tâm lý nhân vật cứng nhắc, ngôn ngữ miêu tả đôi chỗ còn dấu vết của lối văn biền ngẫu... Nhưng không thể đòi hỏi tất cả mọi điều đối với một người đi mở đường. Vì vậy, cũng công bằng mà khẳng định, bà Đạm Phương là nữ tiểu thuyết gia đầu tiên ở nước ta.

Nhìn lại đời sống văn học nước ta những năm đầu thế kỷ XX, ta thấy liên tục xuất hiện những tên tuổi tác giả là phụ nữ: Cô Trần Ai với Má hồng không thuốc mà say (1924), Hồng Hoàng Sa thọ oan (1925), Hồ Thị Quế với Cổ Nguyệt Hương (1926), Mộng Điệp nữ sĩ với Ngọc chìm đáy biển (1927), Huỳnh Thị Bảo Hòa với Tây phương mỹ nhơn (1927), Cẩm Vân nữ sĩ với Để tội cho hoa (1927), Đất bằng sấm dậy (1928), Hoàng Thị Tuyết Hoa với Giám hồ nữ hiệp (1928), Nguyễn Thị Thanh Hà với Giọt lệ hồng đào (1928), Phan Thị Bạch Vân với Gương nữ kiệt (1928)... Cho đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử văn học chỉ mới xác định được tiểu sử của Huỳnh Thị Bảo Hòa, Phan Thị Bạch Vân, bên cạnh Đạm Phương nữ sử. Những trường hợp khác đều không xác định được tiểu sử tác giả. Không loại trừ khả năng đó là bút danh của một tác giả đã thành danh như trường hợp tiểu thuyết Mồ cô Phượng khi in dài kỳ trên báo Nông công thương (1926) ký tên là Ai Thời Khách, in thành sách (1932) ký tên là Trứ Giả, tái bản (1950) ký tên là Vũ Đằng. Mãi gần đây, những người làm Tự điển văn học (2004) mới xác minh được, đó chính là Lê Cương Phụng [6, tr.993]. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm chỉ là sự phóng tác, viết lại theo câu chuyện của nước ngoài, hoặc một tuồng tích đã có sẵn trong dân gian/ lịch sử (Cổ Nguyệt Hương, Ngọc chìm đáy biển, Để tội cho hoa...). Hơn nữa, có một thực tế không thể phủ nhận rằng, từ khi có báo chí xuất hiện, văn chương nước ta gắn liền với đời sống báo chí trong môi trường thị dân. Trong Phê bình và cảo luận (1933), tác phẩm được coi là mở đầu cho nền phê bình văn học nước ta, Thiếu Sơn đã xác định: “Trong những nước văn minh, văn học ra đời trước báo chí, nhưng ở Việt Nam, chính báo chí đã tạo nên nền văn học hiện đại” [7, tr.125]. Tiểu thuyết hiện đại dựa trên cái nền của văn chương quốc ngữ và đời sống báo chí ở nước ta, nhưng không phải tác phẩm nào viết bằng chữ quốc ngữ hoặc viết ra có in lên báo cũng đều là văn chương hiện đại. Hiện đại hay không hiện đại, phải lấy tư duy sáng tạo làm căn cứ chủ yếu: hiện đại là tự nghĩ ra, tự đặt ra câu chuyện nhằm thể hiện tư tưởng - nghệ thuật của tác giả.

Cũng từ những tác phẩm đã dẫn ở trên, việc xác định Tố Tâm (viết năm 1922, in năm 1925) của Song An Hoàng Ngọc Phách là tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ như quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu hàn lâm đã nói lâu nay, cũng không còn chính xác, khi Nguyễn Văn Trung “phát hiện ra cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, do cơ sở in J.Linage Saigon xuất bản năm 1887” [8]. Đối với các cây bút nữ, dựa vào Bài tựa của Huỳnh Thúc Kháng, Bài tựa cuối cùng của Bùi Thế Mỹ và Mấy lời tặng Tây phương mỹ nhơn của Tản Đà in kèm trong cuốn Tây phương mỹ nhơn (Nhà in Bảo Tồn, 1927) để xác định tác giả của nó là nữ tiểu thuyết gia đầu tiên cũng không chính xác. Công trình Huỳnh Thị Bảo Hòa - người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết (Nxb. Văn học, 2003) của Thy Hảo Trương Duy Hy đã được trích dẫn nhiều lần trong các công trình như Tự điển văn học (Đỗ Đức Hiểu..., Nxb. Thế giới, 2004), Tự điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (Chủ biên Vũ Tuấn Anh, Bích Thu, Nxb. Giáo dục, 2006), Các tác gia văn chương Việt Nam (Trần Mạnh Thường, Nxb. Văn hóa thông tin, 2008), nhưng người ta quên rằng Tây phương mỹ nhơn có tính chất phóng tác, viết theo lối tiểu thuyết chương hồi (gồm 2 tập 15 hồi) của văn chương trung đại, lại ra đời sau Kim Tú Cầu của Đạm Phương nữ sử có đến dăm năm. Kim Tú Cầu trước khi được Nữ lưu thư quán Gò Công phối hợp với nhà in Bảo Tồn in thành sách (1928), đã được đăng tải dài kỳ trên Lục tỉnh tân văn (từ số 1460, ngày 15/7/1922, rải rác đến số 1567, ngày 22/10/1923) và Trung Bắc tân văn (từ số ra ngày 25/5 đến số ra ngày 21/7/1923). Như vậy, thực chất tác phẩm đã được công bố dưới hình thức feuilleton trên hai tờ báo danh tiếng thời bấy giờ, trước khi in thành sách sau đó sáu năm. Hơn nữa, Huỳnh Thị Bảo Hòa ngoài viết báo, du ký, khảo cứu, chỉ viết duy nhất một tiểu thuyết là Tây phương mỹ nhơn mà thôi. Mỗi tác giả đến với văn chương, đều có những đóng góp nhất định. “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”, đều có tính chất tương đối, chỉ nhằm minh định các cột mốc thời gian trong dòng chảy của lịch sử văn học một cách rõ ràng hơn.

Gần đây, khi nhìn lại “một trăm năm văn chương quốc ngữ xứ Huế (1920 -2020)”, chúng tôi nhận ra rằng, ngoài tư cách là nhà báo nữ xuất sắc, nhà nghiên cứu tuồng và nữ tiểu thuyết gia đầu tiên, Đạm Phương còn là người vượt lên, cắm những cột mốc đầu tiên mở đầu cho văn chương quốc ngữ xứ Huế.

P.P.U.C - P.P.P
(TCSH416/10-2023)

 

-----------------------------

[1] Lê Thanh Hiền (2010), “Lời giới thiệu” Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, Nxb. Văn học.

[2, 6] Phạm Thị Thu Hương (2004), các mục từ Đạm Phương, Mồ cô Phượng trong Từ điển văn học, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, Nxb. Thế giới.

[3] Huỳnh Văn Tòng (1973), Lịch sử báo chí Việt Nam, từ khởi thủy đến 1945, Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn.

[4] Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, Sđd.

[5] Phạm Quỳnh (1925) Khảo về tiểu thuyết, Bùi Việt Thắng in lại trong Bàn về tiểu thuyết, Nxb. Văn hóa thông tin, 2000.

[7] Thiếu Sơn (1933), Phê bình và cảo luận, Nxb. Nam Ký, Hà Nội.

[8] Ngô Thế Vinh (2021), “Nguyễn Văn Trung - nhìn lại một hành trình trí thức lận đận”, mạng In Retrospect, truy cập ngày 23/10/2021.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ sen (06/10/2023)