Nghiên Cứu & Bình Luận
Văn Cao, một đường thơ
10:14 | 04/12/2023

PHÙNG GIA THẾ

“Một người ngồi hai mươi năm
Cuộc buồn vui ly rượu đắng”
                       
(Trịnh Công Sơn)

Văn Cao, một đường thơ
Ảnh: tư liệu

Trên phương diện con người nghệ sĩ, Văn Cao đa dạng từ mọi góc nhìn, và ở đâu cũng lấp lánh vị trí hàng đầu, bất chấp mọi khúc cua lịch sử1. Về thơ, Văn Cao sáng tác không nhiều (khoảng trên dưới 70 bài) nhưng thơ là trường hợp đặc biệt của ông. Đặc biệt trước hết ở chỗ, thơ Văn Cao chủ yếu được tạo sinh trong những năm tháng cơ cực đắng cay nhất của cuộc đời.

Trong Mấy ý nghĩ về thơ (1957), Văn Cao ví việc đọc một nhà thơ giống như đi theo một dòng sông lớn mà ở đó “dù bắt đầu từ khúc nào, dù ghé vào bến nào, chúng ta đều phải nghĩ là ngược lên nguồn thì đường dài lắm, mà xuôi ra biển thì biển còn xa”2. Ở một chỗ khác của bài, ông chiêm nghiệm: “Cuộc đời và nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng”3.

Như thế, nếu hiểu thơ như một hành trình, thì đường thơ Văn Cao cũng có mùa xuân, nhưng đó là cái mùa xuân “mừng mừng tủi tủi”, lóe lên thoáng chốc, trong khi nỗi u uẩn bốn mùa trong ông dường như dài mênh mông.

Trước 1945, Văn Cao chủ yếu sáng tác nhạc và từng có triển lãm hội họa. Các bài thơ đã công bố giai đoạn này chỉ chừng khoảng mươi bài. Ly khách, Linh cầm tiến, Ai về Kinh Bắc, Đêm ngàn, Đêm mưa, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế…, và hai bài thơ được chính ông phổ nhạc thành các ca khúc bất hủ: Bài thơ bên suối (ca khúc Suối mơ), Thu cô liêu. Thơ Văn Cao thời kỳ này có hai nhánh. Thoạt tiên là những bài mang âm hưởng lãng mạn hoài cổ “đẹp -buồn - xa vắng” pha chút trầm hùng - bi tráng, một tông thơ vốn dĩ khá phổ biến bấy giờ (kiểu Tống biệt hành của Thâm Tâm, Dặm về của Nguyễn Đình Tiên…): “Xót đời lính thú không tên tuổi/ Cả một nghìn thây đổi lấy thành/ Nói đến cuộc đời còn chẳng tiếc/ Tiếc gì nước mắt đón đưa anh!” (Ly khách)4; “Hỡi người cưỡi ngựa về Kinh Bắc/ Tôi gửi đưa thư hộ mẹ già/ Cố thét song lời tôi yếu quá/ Ngựa đều chân chạy nhạc càng xa” (Ai về Kinh Bắc)… Đến Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Bài thơ bên suối, Thu cô liêu, thơ Văn Cao dường như đi qua Thơ mới, chạm vào cõi tượng trưng, nhuần nhị với cách dùng nhạc điệu, biểu tượng trong diễn tả cảm xúc, đây đó phảng phất trực giác mơ hồ: “Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi/ Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi/ Này em hát khúc tương tư nhé/ Ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời/ Sao đàn u hoài gì mùa thu?/ Sao đàn u hoài gì mùa thu?/ Tri âm nghe thử dây đồng vọng/ Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru” (Một đêm đàn lạnh trên sông Huế); “Suối mơ bên rừng thu vắng/ Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng/ Ngày chưa đi sao gió vương?/ Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương” (Bài thơ bên suối)…

Năm 1945, Văn Cao viết Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, bài thơ đánh dấu bước dịch chuyển quan điểm thẩm mỹ của Văn Cao, mở đường cho một kiểu tư duy thơ của ông suốt quãng thời gian sau đó. Khác với “cái nhìn lãng mạn” trước đây, Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, dưới “cái nhìn cực thực”, đã vẽ ra một hiện cảnh âm u: “Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa/ Chập chờn ảo hóa tà ma…/ Đôi dãy hồng lâu mở cửa phấn sa/ Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục”… Đọc Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, có cảm giác như đang xem một bộ phim ma kinh dị, mà ở đó, mọi giác quan bị chiếm ngợp khiến độc giả không ít lần rùng mình ghê sợ. Trung tâm của đêm tối địa ngục là hình ảnh “chiếc xe ma”. Ánh sáng “chập chờn”; hình ảnh “rũ rượi tóc”, “áo thế hoa rũ rượi lượn trên đường”, “đầm đìa rả rích”; thanh âm “lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục”, “chuỗi tiền cười lạnh lẽo”, “hun hút gió”, “bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo”; động tác thảy đều gợi chết chóc tang thương (“vạc xương đổ sọ”)… Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc là một điệp khúc thê lương, vô vọng, mờ ảo giữa thế giới người sống và thế giới chập chờn địa ngục nơi xóm cô đầu. Cũng phải nói, trong lịch sử thi ca, ít khi Thăng Long - Hà Nội được vẽ trong cảnh tang thương như thế.

Mùa thu năm 1945, cách mạng nổ ra. Không gian miền Bắc xoay chuyển như vũ bão. Văn Cao vừa làm cách mạng, vừa làm nghệ thuật. Trong một lần trò chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông nói: “Đời tôi khát vọng nghệ thuật hơn là phải cầm súng. Thời 1943 - 1944, day dứt của tôi là cách mạng hay nghệ thuật? Từ năm 41 tôi đã làm cảm tình cách mạng nhưng chưa bao giờ muốn tham gia một cách đứng đắn, vì làm cách mạng thì phải bỏ nghệ thuật. Năm 1944, người chết đói đầy đường. Tới đây, tôi thấy nghệ thuật không còn ngóc ngách nào để sống: cái đói ở người nghệ sĩ còn giày vò hơn cái đói của người dân thời đó, vì đây là cái đói của cả một dân tộc. Tôi nhận lời tham gia nhập ngũ”5. Lúc này, hẳn Văn Cao chưa cảm nhận hết những thăng trầm, cả những cơ cực đắng cay của đời người nghệ sĩ dấn thân vô tư vì nghệ thuật. Giai đoạn 1945 - 1954, khác với phần lớn các nhà thơ mê mải reo vui, lâng lâng trên mặt đất, Văn Cao không sử thi hóa hiện cảnh, mà kiên định lối thơ riêng, không hòa lẫn trong tiếng hát, tiếng thét thời đại, ngay ở những bài thơ nhìn cuộc đời bằng con mắt mới. Ngoại ô mùa đông 1946 là một thí dụ. Không phải ngẫu nhiên, ba mươi năm sau, vào “mùa xuân đầu tiên”, năm 1976, trong tiếng nhạc lấp lánh reo vui, vẫn hiện ra một đôi mắt u trầm. Điểm qua quãng đời buồn với chất giọng trầm lắng là cách kiểm diện lịch sử riêng có của Văn Cao: “Em gái Ngã Tư Sở/ Anh người thợ Nam Đồng/ (Đêm sênh ca khốn khổ/ Đập tan đàn khi nhạc mới mênh mông)/ Xác anh vùi lửa đạn/ Xác em vùi bên anh/ Khói súng mờ bay nhạt cả xóm tranh/ Lửa bừng lên cháy rực phía đô thành/ Cửa ô!/ Cửa ô!/ Cửa ô!/ Oai hùng/ Dữ dội”… Để rồi cứ thế, “Bấy nhiêu người đói khổ”, rồi “Bấy nhiêu người đau khổ đã vươn cao”. Dường như, ngay cả khi viết trong tâm thế reo vui, lấp lánh hy vọng vào cuộc đổi thay lịch sử, Văn Cao vẫn chưa bao giờ là con người của số đông. Chính xác hơn, ông luôn cảm nhận được mình trong đám đông, như trước kia, ông cảm thấy mình trong sâu thẳm vũ trụ. Tiếng thơ của ông lặn vào trong, đâu đó phảng phất ánh mắt u sầu của một người ưa quan sát. Ngoại ô mùa đông 1946 (in 1948) được viết trong một độ lùi thời gian. Bài thơ do đó vừa mang tính thời sự, vừa lắng sâu về một Hà Nội hào hùng, đau thương giờ xa xăm trong miền nhớ. Câu kết phảng phất mơ hồ: Mùa xuân về giữa chiến hào xa

Văn Cao tâm niệm, thơ ca trước hết phải là sự dấn thân. Trong Mấy ý nghĩ về thơ, ông viết: “Đến với cuộc đời, nhà thơ không chịu đựng một sự may rủi mà phải chủ định thành lập nên sự thẩm mĩ cho người đọc, chủ động xây dựng con người biết tư tưởng cảm xúc và cảm giác tinh tế như mình trong xã hội đương thời và trong cả sau này”6. Ông cũng thấu hiểu sự nghiệt ngã của nghệ thuật: Người ta “không muốn nghe lại những ý những lời đã cũ… Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường”7.

Không còn nghi ngờ gì nữa, điều làm nên một Văn Cao như thế là cốt cách nghệ sĩ và bản lĩnh của ông. Ai nấy còn nhớ, năm 1949, trong cuộc tranh luận về thơ không vần tại Việt Bắc, trong số rất ít người đứng về Nguyễn Đình Thi, có Văn Cao. Quan niệm này ngược với cái nhìn phổ quát đương thời về tính đại chúng trong thơ, đồng thời cũng là sự vượt qua hệ hình Thơ mới. Lúc này, không gian thơ sử thi chiếm thế ưu thắng, thơ ca chuyển trạng thái, từ Thơ mới, thơ hiện đại trở về sử thi huyền thoại, Văn Cao vẫn kiên nhẫn con đường hiện đại của riêng ông. Đến đây ta mới hiểu, khái niệm “đổi mới” dùng cho văn học sau thời điểm 1986 dường như chỉ đúng với nền văn học sử thi và những quán tính của nó. Trong dòng chảy văn chương 1945 - 1975, ở những không gian hẹp (và không mấy được khuyến khích), câu chuyện đổi mới thơ vẫn âm ỉ diễn ra, trong những căn phòng riêng, của một số nhà thơ tiên phong, và bởi những lý do riêng chung, đã chịu không ít thiệt thòi.

Lịch sử tạo ra kiểu nghệ sĩ như Văn Cao, chọn lối sống tách ra khỏi đám đông, và đến lượt mình, ông cũng góp phần tạo ra cái lịch sử ấy. Trong thơ, khí cốt nghệ sĩ Văn Cao bộc lộ qua cái nhìn của ông với con người, với cuộc đời, và với chính thơ ca.

Giai đoạn 1954 - 1975, trường ca Những người trên cửa biển (1956) đóng một vai trò “then chốt” trong sự nghiệp Văn Cao, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Những người trên cửa biển gồm 4 phần: I. Ai biết Hải Phòng là đâu; II. Tình yêu và khát vọng; III. Những ngày động biển; IV. Những ngày báo hiệu mùa xuân. Những người trên cửa biển thể hiện sức vóc cảm xúc và nội lực mãnh liệt của Văn Cao. Khác với phần lớn các bài thơ trước đó (và dường như có phần tương hợp với Ngoại ô mùa đông năm 1946), Những người trên cửa biển chen lấn những cảm xúc hào hùng, song trên hết, vẫn là một cảm trạng và rung động nghệ sĩ riêng có của Văn Cao, khiến ông có những câu thơ hay đến sững sờ: “Sinh ra tôi đã có Hải Phòng/ Đầu nhà mới trồng cây mận”; “Tôi hay đi trên cầu sương/ Nửa đêm thức giấc/ Thấy mình bay cùng tinh tú/ Ngày đến lòng tôi xếp cánh”. Ca ngợi Hải Phòng, ca ngợi cuộc sống mới, nhưng trường ca tuyệt nhiên không có câu từ gượng ép, thớ lợ, cũng không hò hét xông pha. Văn Cao viết về Hải Phòng với một tình yêu mãnh liệt thẳm sâu. Trong những phút giây xúc động nhất, xúc cảm vẫn được dồn nén thật chặt, thật sâu qua từng con chữ, như tình cảm của ông với quê hương, với Tổ quốc mẹ hiền: “Con đường tôi đi/ Sau lưng là dĩ vãng/ Hai bàn tay bới đất sống, lấp sông lấp ngòi/ Những ngày mùa còn dư âm trong điệu hát/ Trước mặt tôi trời đất rộng bao la/ Tiếng mẹ hát bên nôi/ Như uống nước con sông biết ngọn biết nguồn/ Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy/ Dĩ vãng sống với tôi/ Sâu như lòng sông khúc biển”.

Sự thay đổi tâm trạng của Văn Cao cũng tự nhiên trong mạch thơ ấy: “Những năm Hải Phòng đầy biến động/ Đời tôi như cái phao trên mặt biển/…/ Có năm xóm bạc trắng màu vôi/ Những bó chiếu kìn kìn đi ngoài ngõ… Cờ búa liềm lại bay đầu ống khói/ Chúng tôi nhìn nhau tin tưởng bắt đầu”… Niềm tin nhen lên, nứt ra thành những câu thơ run rẩy, chạm sâu vào da thịt, lên khóe mắt con tim: “Sau những ngày động biển/ Nhu nhú lên những cành mận non/ Những nụ hoa đang nở hồng hồng…/ Những đôi chân trắng ngần trên cỏ/ Những ngón tay quấn quýt… Những cái hôn luôn mới/ Cái hôn đầu tiên”.

Viết về Hải Phòng, nơi đầu sóng ngọn gió, song sức khái quát của trường ca lại là câu chuyện đất nước, như câu thơ ông viết: “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi”. Về trường ca Những người trên cửa biển, Nguyễn Đình Thi cho rằng đó là “những câu thơ biến hóa mà chân chất, nặng nghĩa tình với cuộc đời lam lũ những con người đã làm nên Hải Phòng của đất nước”, “bài thơ ấy đã in dấu không nhòa trong thơ hiện đại của ta”8.

Thơ ca dường như gắn chặt với bản mệnh, thân phận nhà thơ. Mùa xuân bắt đầu từ khi nào, nỗi u uẩn Văn Cao nhen lên từ đó. Ngay sau trường ca Những người trên cửa biển, sau “tiếng reo một mình”, là nỗi ám ảnh khôn nguôi, hình như luôn là một dự cảm u hoài về tương lai: “Tất cả hướng về biển/ Bọt cứ tan trên bãi cát xa/ Mà cửa biển vẫn im lìm chưa mở” (Anh có nghe không, 1956).

Như đã nói, thơ Văn Cao chủ yếu là tiếng nói thầm. Ông chọn nói thầm, hay lịch sử chọn ông để nói thầm, trong những phút cuồng nộ nhất và ở những thời đoạn tiếng nói số đông cao nhất. Sau vụ “Nhân văn - Giai phẩm”, bị phê phán dữ dội, thậm chí còn bị xem là “trở mặt”9, Văn Cao sống khép mình như một vốn dĩ định mệnh. Từ đây là quãng đời u uẩn buồn bã của ông, nhưng cũng là lúc thơ ông có những nhánh rẽ đa dạng nhất. Giai đoạn này, Văn Cao gần như đứng ngoài mọi sinh hoạt văn nghệ. Ông không còn viết ca khúc, không vẽ tranh sơn dầu, chỉ làm tranh minh họa, trang trí sân khấu, vẽ bìa sách, và thầm lặng viết thơ. Tâm hồn ông ngao du và dính chặt trong những cuốn sổ thơ. Thơ ông thời kỳ này như hạt mầm nảy ra từ cay đắng và theo lẽ thường, sẽ là những hạt mầm quý giá và thành thực nhất.

“Sự kiện Nhân văn” có lẽ không khiến Văn Cao trở nên u hận, cũng không phản kháng một cách cuồng nộ, mà khiến ông trở thành cô đơn. Văn Cao cô đơn nhưng không đơn độc. Xung quanh ông có rất nhiều bạn văn, gần hoặc xa, ở những cách thể khác nhau, cùng lứa bên trời: Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Phùng Quán... và rất nhiều người trẻ. Có thể nói, vợ con và những người bạn văn nghệ luôn cộng cảm bên ông trong tình yêu mãnh liệt thẳm sâu đã giúp ông, cùng ông đi qua sóng gió thời cuộc. Cả Tiến quân ca nữa. Từ 1960 là giai đoạn u uẩn, đói khổ, dằn vặt của Văn Cao. Có lẽ, khi cô đơn, người ta sẽ “nghe, nhìn, nghĩ, trải, thấy” được nhiều hơn về sự sống - cái chết, về đúng - sai, thật - giả, về cái thẳm sâu của lòng người. Đối diện mình trong những bài thơ chép sổ và bóng tối căn phòng, với những u uẩn đời mình, Văn Cao nghe thấy: “Tiếng kêu ở trong tôi/ Có xót xa có cả vui mừng/ Tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ Trong chậu nước” (Cạn).

Giai đoạn này, có một Văn Cao luôn cật vấn cuộc đời. Cái nhìn Văn Cao xuyên thấu thực tại. Lịch sử và thời cuộc khiến lòng người chia cắt. Bạn bè kẻ ở người đi. “Những người đi buổi ấy/ Bây giờ còn lại bao nhiêu”. Trên đoạn đời hoang lạnh, Văn Cao may mắn có người vợ tào khang, bà Thúy Băng, người mà không ít lần ông neo gửi nỗi cô đơn trong trang viết. Hóa ra, tác giả Quốc ca hùng tráng rất nhiều khi hiện ra trong hình hài một người đàn ông nhỏ bé, run rẩy, mỏng manh: “Những lúc này lại vùi đầu vào em/ Đôi môi em một hơi rượu nồng/ Chúng ta ngủ tìm một cơn mộng/ Quên một ban ngày đã qua nhọc nhằn chịu đựng/ Biết bao nhiêu lần tìm quên như đêm nay” (Quên, 1957); “Em ở đây với anh/ Cho bớt lạnh sáng mùa xuân náo nức/ Thịt da em cho anh sưởi/ Hơi ấm mình con chim khuyên/ Trong lòng bàn tay/ Run rẩy” (Năm buổi sáng không có trong sự thật, 1960); “Giữa những ngày dằng dặc/ Chỉ còn khuôn mặt em/ Sáng trong và bình lặng/ Dù hai đứa chúng ta/ Chưa lúc nào sung sướng…/ Trên đường đi/ Khuôn mặt em làm giếng/ Để anh tìm làm đáy ngọc châu/ Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng/ Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng” (Khuôn mặt em, 1974).

Đọc những câu thơ thế này mới thấy cái thao thức, cô độc trong con người nghệ sĩ của Văn Cao: “Những tư tưởng sâu như lòng mỏ/ Những khát vọng mênh mông không đáy mong manh…/ Những buổi trưa sống trong mười năm tôi ít sống/ Trong mười năm trên được đi không kịp ráo mồ hôi” (Trên đường, 1957).

Cũng chính Văn Cao trở thành một trong số rất ít các nhà thơ nói về những vùng đau. Những câu thơ trong bài Gửi mẹ cho thấy sự mẫn cảm và can trường của ông, cũng là bằng chứng để khẳng định, Văn Cao không vì bất cứ lý do gì để nói ngược trái tim mình: “Mẹ 70 tuổi rồi/ Sáu đứa con xa mẹ/ Nhớ con tìm học chữ/ Kháng chiến chờ đưa thư/ Một cái thư thứ nhất/ Một đứa chết Sơn Tây/ Một cái thư thứ hai/ Một đứa chết Nam Định/ Một cái thư thứ ba/ Một đứa chết Hà Nam/ Một cái thư thứ tư/ Mẹ không đọc được nữa/ Mắt mẹ đã lòa rồi…” (Gửi mẹ, 1957).

Cùng thời gian viết Mấy ý nghĩ về thơ, Văn Cao tuyên ngôn dứt khoát, nhưng là sự dứt khoát của một tàn phai: “Giữa sự sống và cái chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn cái chết” (Chọn, 1957).

Khác với các nhà thơ đương thời, cuộn mình theo dòng thác lịch sử, Văn Cao chăm chú nhìn sâu vào lòng người. Cảm thức chua xót này, không ít lần người ta bắt gặp trong thơ ông: “Tôi đã gặp lại anh/ Im lìm như một bức tranh/ Người anh dẹt như một con dao/ Gây nhiều vết thương cho bạn hữu/ Anh mang trong tôi nhiều bộ mặt/ Đâu là cái cuối cùng/ Chỉ còn hai con mắt/ Trắng dã không thể dối lừa” (Về một người bạn, 1960).

Cũng thời kỳ này, Văn Cao viết Năm buổi sáng không có trong sự thật. Ở đây, thêm một lần mô típ “biến mất” của văn chương phi lý được tái hiện. Dùng cái phi lý để diễn tả những sự thật tâm trạng và cái vô nghĩa, giả trá của con người, bài thơ thấp thoáng bóng hình của chủ nghĩa hư vô, một tiếng thơ lạc điệu hoàn toàn so với không gian văn học sử thi đang thống ngự thời điểm đó. “I) Ngủ dậy một sáng/ Cả phố biến đâu mất/ Không một bóng người đi…; II) Buổi sáng nay không nghe tiếng chim hót/ Tôi bước đi không thấy tiếng chân đi…/ Hình như nơi đây/ Bị đày trong im lặng; III) Buổi sáng nay không phải mình thức dậy/ Một người nào đó trong tôi đang thở…/ Từ phút ấy, tôi không còn thật nữa; IV) Buổi sáng nay cả phố phường như mở hội/ Mọi người đeo mặt nạ đi chơi…/ Họ vui làm sao/ Ô kìa/ Nước mắt mồ hôi/ Sao chảy ra trên từng mặt nạ/ Từng con người/ Vội vàng lau mồ hôi và nước mắt/ Trên những mặt nạ giấy bồi; V) Những cánh cửa đều khóa chặt/ Trong gian phòng trong suốt thủy tinh/ Em ở đây với anh/ Cho bớt lạnh sáng mùa xuân náo nức…” (1960).

Văn Cao vốn làm thơ rất ít, giai đoạn này ông chủ yếu viết cho mình, do thế sự cô đơn dường như càng vọng động thấm thía hơn. Nỗi cô đơn có lẽ bắt nguồn từ một trực giác nghệ sĩ quá lớn của nhà thơ: “Có lúc/ ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt/ có lúc/ nước mắt không thể chảy ra ngoài được” (Có lúc, 1963), để rồi: “Khi tôi hú lên thật to/ Không nghe tiếng tôi nữa/ Như viên đá rơi vào im lặng/ Những ngọn núi dựng lên đen trũi/ Bờ một cái vực khổng lồ” (Lòng núi, 1963)...

Thơ Văn Cao dành nhiều tâm tư cho bạn. Bài nào cũng có vẻ riêng, tràn đầy thương mến. Điều đặc biệt là, ông luôn nhìn thấy ở những người bạn của mình những góc khuất, góc buồn, khoảng trống, bất kể họ đang nộ khí hay lặng lẽ âm thầm.

Với Nguyễn Huy Tưởng: “Tôi vẫn thấy sau chén trà nhỏ/ Một khoảng trống thẳm sâu”. (Với Nguyễn Huy Tưởng, 1960); với Nguyễn Tuân: “Chúng tôi nói như không nói/ Im lặng nói nhiều hơn…/ Mắt anh và mắt tôi/ Một lớp tro đang dòng dòng kéo sợi”(Đôi bạn, 1967); với Nguyễn Sáng: “Bởi tôi đã nhớ một chỗ ngồi một không khí và nhớ những bước đêm/ ngà ngà say chạng vạng trên một con đường tàu…/ Bởi vì tôi nhìn thấy ở đấy chỉ có một mình/ và giữa đêm khuya lại trở về một mình qua con đường tàu than bụi/ Tôi đã lại tìm một cái gì không thể thấy được” (Đêm quán, 1967); với Bùi Xuân Phái: “Từ con mắt không ngủ/ Từ bàn tay không nghỉ/ Anh vẽ/ phố Phái/ Đến lúc nào phố anh có người thêm”(Phố Phái, 1967); với Dương Tường: “Ở đây tôi gặp một phố mắt/ Sâu tối và xa lạ…/ Đêm nay đứng bên gốc bàng đen cháy/ Một dãy tường đổ mở ra một khoảng trời sao”(Phố mắt, 1967); với Nguyên Hồng: “Riêng anh niềm xúc động của tôi/ Nhìn anh Hải Phòng chúng ta còn lại/ Một đường An Dương một con sông Cấm/ Nhớ/ Con sông nhớ anh… Anh Nguyên Hồng hi vọng” (Với Nguyên Hồng, 1967)…

Như đã nói, Văn Cao không phải người duy nhất kiên định trên con đường hiện đại hóa thơ. Miền Bắc 1954 - 1975, trong những không gian đặc thù luôn có những thi nhân ẩn mình, “phục xuống để viết”, viết ra những bài thơ của tương lai.

Có lẽ, do tách mình khỏi số đông, Văn Cao có nhiều thiệt thòi nhưng bù lại cho sự khác biệt nghiệt ngã ấy, thơ ông trở nên giàu suy niệm: “Tôi/ Một trái cây muộn còn sót lại cành/ Vị cuối cùng/ Mùa cuối cùng/ Rớt xuống…/ Mới thật hiểu/ Sự sống thật của mình” (Sự sống thật, 1970). Sau cái Mùa xuân đầu tiên, dặt dìu vui, dặt dìu buồn ấy, là một khoảng trống vô biên: “Một cái bình vỡ/ Một khoảng trống/ Một người đi xa/ Một khoảng trống mênh mông/ Đêm nay thay phiên gác/ Anh lấp vào/ khoảng trống/ của tôi” (Khoảng trống, 1987).

Cuối đời, thơ Văn Cao suy ngẫm nhiều về cái “phi lý” của đời mình, cũng là câu chuyện của tha nhân: “Tôi chạy/ tôi chạy/ tại sao tôi chạy?.../ tôi chạy bạt mạng/ gần hết đời…/ Tôi rơi vào mạng nhện/ mạng nhện cuốn lấy tôi/ Không còn cách gì gỡ được/ tôi như con sâu tằm/ cuộc đời cứ như thế/ muốn phá cái mạng nhện tôi không đủ tay” (Khúc biến tấu tuổi 65, 1988). Thơ Văn Cao lúc này như những dòng chảy cảm xúc trôi trong mênh mông: “Gió cứ như không/ trôi qua cửa sổ/ một mảnh trời xám/ xuống dần/ xuống dần/ Có tà áo trắng/ loang qua khung cửa/ mùa thu phai đi/ màu hoàng lan/ nghe ai nhắc/ người mong tìm gặp/ nắng chuyển dần/ trên thềm đá cũ/ mùa thu năm nay/ không mưa ngâu” (Mùa thu, 1992).

Thơ Văn Cao chủ yếu là thơ tự do, hiện đại trong cấu tứ, hình ảnh, từ ngữ. Ông tối giản lời, ưa dồn nén. Cách đặt tên nhan đề, cấu trúc bài thơ luôn được ông lạ hóa, độc đáo nhưng không bí hiểm: “Từ trời xanh/ rơi/ vài giọt tháp Chàm/ quanh Quy Nhơn/ tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại” (Quy Nhơn III); “Thời gian qua kẽ tay/ làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi/ như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ/ còn xanh/ Riêng những bài hát/ còn xanh/ Và đôi mắt em/ như hai giếng nước” (Thời gian). Ông ý thức rõ, cái mới trong nghệ thuật “đâu phải là cái không có sẵn”, “sự làm mới những cái sẵn có cũng là một phương pháp sáng tạo”10; “Người làm thơ biết thành lập cho mình một cá tính trong suy nghĩ, trong tình cảm, trong cảm giác…”11.

Là người có nhiều đóng góp về thi pháp, cấu trúc, song thơ Văn Cao dường như nổi bật hơn bởi sự hiện diện độc đáo của một cái nhìn. Hơn ai hết, thơ gắn chặt với thân phận của ông. Nguyễn Thụy Kha cho rằng Văn Cao là người “chín sớm bằng âm nhạc”, “chín muộn bằng thi ca” và nhiều tiếc nuối nhất trong hội họa12 . Không thể giản đơn nói đời Văn Cao buồn nhiều hơn vui, nhưng chắc chắn buồn dài hơn vui, “cái buồn lưu cữu”, “sau cuộc vui chóng tàn, lại ập đến”13. Văn Cao cảm thấy mình được “giải phóng” và thanh thản nhiều hơn từ sau 198314 , muộn hơn rất nhiều cái “mùa bình thường mùa vui nay đã về” ông từng viết.

Độ lùi thời gian giúp ta nhìn rõ hơn một Văn Cao vinh quang lẫy lừng bên một Văn Cao buồn tủi. Có điều chắc chắn là trong những thời đoạn thăng trầm nhất của lịch sử, của đời người, Văn Cao luôn quyết liệt bảo vệ cái mới, không bao giờ phản bội lý tưởng, phản bội chính mình. So với những tài danh nghệ thuật cùng thế hệ, Văn Cao dường như luôn trác việt hơn họ, về mọi nhẽ, cả vinh quang lẫn đắng cay, bởi một điều riêng khác: ông mang phẩm chất và bản mệnh của một thiên tài.

Đại Lải, đầu thu 2023
P.G.T
(TCSH417/11-2023)

----------------------------
1 Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân cho rằng, hội họa của Văn Cao “nghèo nàn” hơn so với âm nhạc và thơ văn của ông, song vẫn có địa vị “dẫn đường và chi phối”. Xin xem: Thái Bá Vân, “Như một viên gạch kỳ cựu nung ở độ lửa già”, trong sách: Văn Cao - Cuộc đời và tác phẩm (Lữ Huy Nguyên tuyển chọn), Nxb. Văn học, 1998, tr. 159.
2 Văn Cao, “Mấy ý nghĩ về thơ”, in trong Văn Cao - Tác phẩm thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2013, tr.8.
3 Văn Cao, “Mấy ý nghĩ về thơ”, sđd, tr.9.
4 Các trích dẫn thơ trong bài này lấy từ Văn Cao - Tác phẩm thơ, sđd.
5 Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Cảm nhận Văn Cao”, in trong Văn Cao - Tác phẩm thơ, sđd, tr. 243.
6 Văn Cao, “Mấy ý nghĩ về thơ”, sđd, tr.7.
7 Văn Cao, “Mấy ý nghĩ về thơ”, sđd, tr.7.
8 Nguyễn Đình Thi, “Chào anh đi xa”, in trong Văn Cao - Cuộc đời và tác phẩm, sđd, tr. 298.
9 Chữ của Xuân Diệu trong bài “Tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao”, in trong: Dao có mài mới sắc (tập út ký, tiểu luận và phê bình của Xuân Diệu), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1963, tr. 101-114.
10 Văn Cao, “Mấy ý nghĩ về thơ”, sđd, tr.8.
11 Văn Cao, “Mấy ý nghĩ về thơ”, sđd, tr.10.
12 Nguyễn Thụy Kha, “Người viết Quốc ca đã đi vào bất tử”, in trong Văn Cao - Cuộc đời và tác phẩm, sđd, tr. 432-433.
13 “Văn Cao vui và buồn sang tuổi cổ lai hy” (phỏng vấn do Nguyễn Thụy Kha thực hiện), in trong Văn Cao - Cuộc đời và tác phẩm, sđd, tr. 423.
14 Năm 1983, Văn Cao được sang Đức nghiên cứu và nghỉ ngơi hai tháng. Mùa thu 1983, các tác phẩm lãng mạn của ông được hát trở lại. Cũng năm 1983, tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ III, Văn Cao trúng cử Ban Chấp hành Hội. Năm 1985, Văn Cao in thơ trở lại. Năm 1988, xuất bản tập thơ ; cùng năm đó là 60 đêm nhạc Văn Cao, ấn hành tập nhạc Thiên Thai, nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Năm 1993, nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 1994, xuất bản Tuyển tập thơ Văn Cao.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ sen (06/10/2023)