Nghiên Cứu & Bình Luận
‘Đường đời muôn nẻo’: Những mối giao cảm và cộng hưởng
09:42 | 25/12/2023

TRẦN BẢO ĐỊNH

Nhà văn lão thành Nguyễn Khắc Phê tiếp tục trình làng văn và bạn đọc gần xa tập sách Đường đời muôn nẻo trong tháng 7/2023. Đây là những trang viết tạp bút và bình văn do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

‘Đường đời muôn nẻo’: Những mối giao cảm và cộng hưởng
Ảnh: tư liệu

Tập sách được chia làm ba phần. Phần thứ nhất: Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh. Phần thứ hai: Mở sách… thao thức trước muôn nẻo đường đời. Và phần Phụ lục, gồm “Những tiếng nói tri âm” (phần này bao gồm các bài viết của nhiều bạn văn chia sẻ về văn chương Nguyễn Khắc Phê trải qua hơn nửa thế kỷ). Với cấu trúc tập sách, có thể nói, Đường đời muôn nẻo là sự cộng hưởng giữa Nguyễn Khắc Phê với đời, với người, với văn chương và với chính mình. Điều này, góp phần định vị tâm hồn cũng như tư thế Nguyễn Khắc Phê trên văn đàn.

1. Sự cộng hưởng của Nguyễn Khắc Phê với cuộc đời

Suốt quãng đời hơn tám mươi năm, người con trai thứ của cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm vẫn luôn giữ trái tim nồng ấm nhưng đầy khắc khoải và liên tục quẫy đập theo nhịp thế sự thăng trầm trước các vận hội đời sống. Trong sự cộng hưởng với cuộc đời, Nguyễn Khắc Phê dành cho quê hương và họ tộc niềm yêu thương trân quý hơn hết. Tường thuật lại cảnh họ tộc gặp gỡ bằng niềm xúc động dâng trào, Nguyễn Khắc Phê nhận ra: “Trước khung cảnh gần trăm con cháu từ mọi nẻo đường xa xôi, sau hàng mấy thập kỷ không gặp nhau, về tụ họp tại nhà thờ họ, sau khi dâng hương trước phần mộ các tiền nhân tại nghĩa trang, tôi đã chia sẻ những điều mà L. Cadière đã “phát hiện” từ lâu lắm. Nói một cách đơn giản hơn: Gia đình có thể mất, tan vỡ vì vô số lý do, nhưng họ tộc là vĩnh viễn! Nay chỉ xin nói thêm: Hơn nửa thế kỷ ở Việt Nam, L. Cadière chủ yếu sống cùng dân chúng ở các vùng nông thôn Việt, tận những nơi xa xôi ở miền Trung, nên đã hiểu gia đình Việt Nam hơn cả… người Việt! Và điều L.Cadière cũng như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện lo âu là làm sao giữ được truyền thống gia đình khi công nghiệp hóa “tăng tốc” đang là hiện thực ở Việt Nam hôm nay. Trong điều kiện đó, mọi việc làm gìn giữ, củng cố mối quan hệ với quê hương và họ hàng có thể xem như là cái “neo” để con thuyền đi xa không chòng chành khi gặp bão tố…” (tr.78). Và qua đó, dường như lão nhà văn họ Nguyễn Khắc chuyển tải thông điệp - đúng hơn, là nỗi lo lắng về việc giữ gìn truyền thống gia đình giữa đời sống dồn dập công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa. Có lẽ, đó cũng chính là điều làm nên “tình tự dân tộc” mà GS. Nguyễn Khắc Dương từng nhắc đến. Tình họ tộc, tình quê hương “làm cho tình tự dân tộc càng thêm sâu đậm trong tâm hồn tôi”[1]. Hay như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã chia sẻ rất chi tiết, ngọn ngành trong phần “noi theo đạo nhà”[2]. Bởi lẽ, từ nền nếp gia đình, từ truyền thống dòng họ hình thành nền nếp phong tục tập quán của quê nhà và lớn hơn là văn hóa của giống nòi, đất nước. Vốn biết, gia đình là tế bào của xã hội. Lẽ đó, giữ gìn truyền thống gia đình và truyền thống dòng họ cũng chính là giữ gìn văn hóa của xã hội, của quê hương đất nước. Nỗi lo lắng của lão nhà văn Nguyễn Khắc Phê hẳn nhiên là có lý, bởi hiện tượng “xâm thực văn hóa” là thực trạng ai cũng thấy trong cuộc sống đương thời. Đó là mối lo chung của những tâm hồn khắc khoải với tình yêu giống nòi, xứ sở.

Ngoài nguyên quán, có lẽ, nhà văn Nguyễn Khắc Phê dành cho Huế - đất cố đô, nơi ông cất tiếng chào đời, một tình yêu bất diệt! Do vậy, ông rất trân trọng những tác phẩm viết về văn hóa, lịch sử Cố đô. “Nhiều năm qua, với 17 cuốn sách do Trần Nguyên Vấn làm chủ biên - trong đó, hầu hết là về đề tài Huế, chỉ riêng bộ “Quốc học Huế xưa và nay”… hơn tám thập kỷ của mình” (tr.304). Ngoài ra, chính ở tình yêu dành cho thành phố Huế bộc lộ nơi Nguyễn Khắc Phê bóng hình một nhà nho thanh bạch, yêu những cảnh thanh đạm, mến những chốn thanh bình. Đó là tình cảm mà ông bộc bạch qua bài viết “Có một “góc thành Huế” chưa phải ai cũng biết”. Sở dĩ nói rằng chưa phải ai cũng biết bởi vì vẻ đẹp ấy của Huế không có trong sách vở, hoặc các hình ảnh Huế vốn được quảng bá rộng rãi. Bắt gặp cánh rừng ngay trước kinh thành Huế, lão nhà văn ngạc nhiên và sau đó là thích thú. “Vào ngày hè này thì cảnh đẹp thu hút bạn trước hết là bạt ngàn hoa sen tím hồng nở trên mặt nước hộ thành hào. Trên bờ, dọc lối đi, đủ loài “hoa dại” đua chen khoe sắc. Và đặc biệt, cả một rừng cây với nhiều cổ thụ có tuổi thọ tính bằng thế kỷ, ở ngay trung tâm thành phố mà lại như cách biệt vòng quay hối hả nơi đô hội, hẳn là rất thích hợp với những ai yêu cảnh sống gần gũi thiên nhiên như một “cặp đôi” - chàng ngoại quốc bên một bạn gái Huế - đang lim dim mắt nghỉ ngơi trên chiếc ghế màu nâu có lưng tựa mới cứng vừa được đặt bên hộ thành hào” (tr.88-89). Bạn đọc bắt gặp ở nhà văn sự giao cảm với thiên nhiên. Phong thái vẫn thường thấy ở các bậc túc nho xưa. Trong tâm hồn Nguyễn Khắc Phê vẫn còn nguyên vẹn một khu vườn tươi tắn của những người yêu hoa cúc, của những người thích hoa sen. Thú thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên thanh đạm, bình dị của hàn sĩ vang bóng một thời giờ có lẽ đã thưa vắng trong xã hội đầy ắp bụi đường.

Nói về bụi bặm đường đời, Nguyễn Khắc Phê dường như có tương quan so sánh xưa nay; giữa các bậc danh sĩ xưa với các bậc trí thức nay. Vậy rồi, ông đặt ra suy tư về hai chữ Danh Thực. Ông ngẫm nghĩ về mối quan hệ giữa hai chữ này. Từ câu chuyện của những người thầy với nhiều đóng góp cho nền khoa học, giáo dục nước nhà, nhà văn Nguyễn Khắc Phê bộc lộ mối ưu tư của ông đối với chữ Danh và Thực trong đời sống đương đại. “Nhờ đó mà đến nay, chúng ta mới biết “Có những con người như thế” qua tập ký của một thầy giáo gần chạm cửu tuần - GS. Nguyễn Khắc Phi. Và nhắc đến những người Thầy cỡ như NGND Nguyễn Thúc Hào, PGS Phan Ngọc, bác sĩ Lê Khắc Thiền … - những bậc thầy mà cái thực đã vượt quá cái danh, chúng ta hy vọng lớp trí thức thế hệ mới, khi đã có cái danh, vẫn luôn trau dồi kiến thức để có cái thực tương xứng với danh hiệu được học trò và xã hội tôn vinh…” (tr.245). Nguyễn Khắc Phê luôn phóng hoạt lòng mình trong cõi người. Không thể nào có một Nguyễn Khắc Phê dửng dưng thế sự. Ông vẫn miệt mài với những suy nghĩ về đời sống chung. Và như người kết nối giữa các thế hệ, ông gửi gắm chút hy vọng cho lớp “trí thức mới”. Âu cũng là một tấm lòng nghĩ tưởng cho nền học vấn hiện nay. Vấn đề này, như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từng thổ lộ: “Cái “phận” của tôi được may mắn hơn thầy tôi: sinh sau lúc đạo nho đã cùng đường lịch sử, nhưng truyền thống đạo lí còn đó, và lúc nước nhà đã sang trang lịch sử, mở cho những nho sĩ ngày nay những con đường mới, giúp cho trở thành những kẻ sĩ hiện đại”[3]. Thời đại mới cần có và tự thân nó mở ra những ngả đường mới cho người trẻ. Nhất là những người trẻ có khát vọng, hoài bão và tâm hồn cao thượng hướng đến tha nhân.

Từ Huế, Nguyễn Khắc Phê mở rộng phạm vi không gian của mối quan tâm cộng hưởng. Từ Huế, ông nhìn rộng ra cả khu vực miền Trung với nhiều địa danh (như ALưới, Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, …) với nhiều người (như Hà Văn Lâu, Nguyễn Khắc Viện, Hồ Ngọc Mỹ,…). Và có lẽ, vốn là nhà văn xuất thân con nhà quan liêm chính, bản thân ông đã từng ngụp lặn chốn phong trần, năm tháng đối diện và bỡn cợt với cái chết từ bom đạn... hư một con mắt, còn một con song vẫn mê đọc sách - đọc rất nhanh thành thói quen từ lúc trẻ đến khi lên tuổi lão; cũng vì vậy, trang phê bình của Nguyễn Khắc Phê mang nhiều tính truyện. Đồng thời với những đánh giá vừa có tình lý, ông sử dụng nhiều chi tiết, sự kiện và nhân vật để làm sáng tỏ thêm đối tượng trọng tâm. “Những chuyện xưa đã qua mấy thập kỷ. Thời gian đủ để “giải mật” lý do vì sao nhà văn Nguyễn Khắc Thứ phải sống ẩn dật trong nửa cuộc đời còn lại, cuối đời lặng lẽ yên nghỉ tại Quảng Bình trong “ngôi mộ cỏ heo hút” như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh miêu tả trong lần ghé thăm từ nhiều năm trước! Một thời đoạn ngặt nghèo khiến không chỉ một Nguyễn Khắc Thứ phải “lên bờ xuống ruộng”! Điều “có hậu” mà nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng như họa sĩ Trần Quốc Tiến chưa biết là việc các anh mong ước bạn bè giúp “Rước ông về An Cư” (quê hương Nguyễn Khắc Thứ) thì con cháu nhà văn đã thực hiện, tuy không đưa ông về quê. Hai năm trước đây, có lẽ cũng đúng lúc nhà văn Châu La Việt bắt đầu sưu tầm tư liệu để in “Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ” nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn thì mộ ông đã được cải táng, đưa từ vùng đồi xã Hiền Ninh về xây lại đẹp đẽ tại làng Nguyệt Áng - xã Tân Ninh, gần nơi vợ con ông đã sống từ nhiều năm trước, cạnh ngôi mộ con gái đầu lòng của ông…” (tr.325). Phong cách này có thể nói là sự kết hợp giữa chất truyện và chất phê bình - Phong cách Nguyễn Khắc Phê, tiếp nối truyền thống từ nhiều lớp văn sĩ tiền bối.

Điểm nổi bật nữa trong khuynh hướng cộng hưởng của Nguyễn Khắc Phê, ấy là sự giao cảm với những hoàn cảnh khốc liệt, đau thương. Nguyễn Khắc Phê có khuynh hướng rung cảm và trải lòng trước cảnh tang thương, mất mát, khổ đau của con người. “Trong cuốn sách, bà đã cho in lại các bài phóng sự và phỏng vấn các cựu chiến binh, các già làng, các nữ TNXP, dân công hỏa tuyến, giao liên… kèm hình ảnh minh họa, giúp bạn đọc hôm nay hiểu rõ hơn sự hy sinh vô bờ của bà con các dân tộc ALưới trên một địa bàn chiến tranh khốc liệt” (tr.328). Có thể nói, tấm lòng nhân đạo là nền tảng căn bản trong trang viết phê bình của Nguyễn Khắc Phê. Đó là những bài viết về các tập sách (Người mẹ và cánh rừng, Ngày ấy ở Yên Trung, Tiếng vọng Trường Sơn,…), mà có lẽ cũng là những chuyện kể dọc theo quá trình ông thâm nhập nội tâm của văn bản. Chất truyện và chất phê bình khiến cho những hoàn cảnh tang thương của đất nước hiện lên thêm sống động.

Lão nhà văn Nguyễn Khắc Phê mang một trái tim hồn hậu để cộng hưởng với đời. Trong văn chương, ông gói ghém chuyển tải khát vọng về phía cuộc đời tươi đẹp, là niềm mong mỏi của một con người muốn cho cuộc đời tốt đẹp hơn.

2. Sự cộng hưởng của Nguyễn Khắc Phê với tha nhân

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau của vận mệnh đất nước, Nguyễn Khắc Phê vẫn thường có mối giao cảm với người xưa. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi thế hệ Nguyễn Khắc Phê đã là thế hệ sống nhiều giai đoạn thuận nghịch thời cuộc. Với sự chiêm nghiệm theo thời gian, dễ hiểu vì sao ông cầm bút và bút mực từ trái tim của ông kết mối giao cảm với hoài vọng của tiền nhân. “Phẩm cách cao quý và cả những điều mà lớp người tinh hoa dân tộc bước đầu khai mở trước thềm cuộc Cách mạng Mùa Thu, rất đáng để hậu thế nghiền ngẫm với cả lòng biết ơn sâu đậm…” (tr.225). Qua mối giao cảm với người xưa, ông chuyển tải thông điệp về lòng biết ơn và những bài học lịch sử. “Một cuốn sách ôm chứa ba triều đại, ba ông vua đều “lắm chuyện” để bàn luận. Nhưng bài viết không thể dài hơn. Chỉ xin thêm một câu: Từ chính sự, ngôi báu và trách nhiệm với muôn dân cho đến nghệ thuật sáng tác trong cuốn sách “Chuyện cũ Tử Cấm Thành”, chuyện ngày xưa mà vẫn đáng suy ngẫm cho hôm nay …” (tr.239). “Ôn cố tri tân”, xưa nay cũng là lẽ thường. Nhưng đáng nói, điều gì được đúc kết qua các bài học lịch sử. Chí ít, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã khai mở để bạn đọc tự mình tiếp tục nghiền ngẫm những điều ấy trên trang văn. Chữ nghĩa không chỉ một hành trình thời gian mà nó còn là một hành trình nhận và thức.

Đối diện với thời gian, Nguyễn Khắc Phê không ít lần biểu lộ niềm thán phục, trân trọng công lao người xưa đối với lịch sử đấu tranh chống thực dân và phát triển đất nước. “Lại phải dùng từ “kinh ngạc” khi đọc nội dung các bài báo về 3 sự kiện chính trị chấn động suốt từ Nam chí Bắc, ngang nhiên bày tỏ lòng yêu nước và sự kính trọng đối với hai cụ Phan và các chiến sĩ cách mạng, trong một chế độ thuộc địa” (tr.300). Phần nhiều tha nhân trong sự cộng hưởng/ giao cảm của Nguyễn Khắc Phê là các bậc chí sĩ, là người đã khuất, nhưng bóng hình vẫn còn lưu dấu trong cuộc sống hôm nay. Đó là những người đã khuất nhưng không mất, ngược lại di sản của họ vẫn còn đó cùng thời gian. Đó là những con người đã chết để sống, để tồn tại với thời gian. “Chỉ là những kỷ niệm riêng như thế, nhưng với một nhà văn - nhà báo có điều kiện đến nhiều vùng đất nước, “Đi dọc miền Trung” gợi chúng ta nhớ lại những chặng đường của dân tộc trong hai cuộc trường chinh đã phải vượt qua biết bao nhiêu gian khổ để có ngày hôm nay. Trong cuộc sống ngày càng sung túc nhưng cũng không ít mặt tha hóa hiện nay; do lối sống thực dụng và nhiều loại “cạm bẫy” khác, có cảm tưởng những kỷ niệm xưa như thế càng đẹp thêm qua năm tháng” (tr.308). Chính vì tồn tại với thời gian, những người ấy vẫn sống trong lòng của Nguyễn Khắc Phê. Nhờ thời gian hun đúc, những hình ảnh ấy càng thêm đẹp. Nhờ có cái nhìn so sánh thời gian xưa và nay, cái đẹp ấy lại càng đẹp thêm. Cơ hồ, những tác phẩm của bạn văn khắp nơi chỉ là chìa khóa để Nguyễn Khắc Phê mở ra cánh cửa đưa ông trở về những miền ký ức quá vãng nơi ông từng trải nghiệm. Qua việc đọc và cảm nhận tác phẩm của tha nhân, Nguyễn Khắc Phê làm cuộc du hành thời gian, du hành tâm tưởng. Có thể nói, ông sống thiên về suy tưởng. Suy tưởng này không nặng nề, không quá lý luận; trái lại được trung hòa bằng xúc tác tình cảm. Thế nên, đọc trang bình văn của Nguyễn Khắc Phê thấy nhẹ như không và mơ hồ phảng phất ý vị hoài niệm. Như ý thơ của Đoàn Phú Tứ: “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh” (Màu thời gian).

Với một tấm lòng luôn khắc khoải mong mỏi giúp cho cuộc đời thêm tươi sáng, Nguyễn Khắc Phê tỏ ra trân trọng, thân quý những người có sự đóng góp cho khoa học và tiến bộ xã hội. Ở đây, tấm lòng ông cộng hưởng cùng những băn khoăn thế sự trong lòng tha nhân. Sự cộng hưởng này quả thực cần thiết bởi nó có khả năng lan tỏa và nâng cao nhận thức đời sống của bạn đọc. “Đọc “Luận bàn thế sự” của Hà Văn Thịnh, tôi hình dung sẽ có độc giả đang sốt sắng viết phản biện. Tác giả đã ở một thế giới khác, nhưng hẳn sẽ rất vui vì người làm khoa học chân chính luôn mong đợi được phản biện. Chỉ có như thế, chân lý mới thực sự được sáng tỏ” (tr.174). Không chỉ hiểu phần nổi, Nguyễn Khắc Phê còn có khả năng cộng hưởng “phần chìm” của tha nhân. Tức là, ông có khả năng đọc ngoài con chữ. Những chữ ấy không đọc bằng mắt bằng não, ông đọc bằng trái tim chân thành. Chỉ có sự chân thành mới giúp cho ông cảm thấu nỗi niềm trong đời người, đời văn mà lời lẽ trên trang viết không thể nào nói cho tới ngọn ngành. “Vĩnh Nguyên chẳng phải là “sao”, là tên tuổi nổi tiếng, nhưng cuộc đời anh cũng là “một số phận chứa một phần lịch sử” góp phần làm sáng tỏ những góc khuất, những khoảng mờ trong lịch sử đất nước từng vượt qua giông bão suốt nhiều thập kỷ qua” (tr.215). Nhiệt thành, hết mình với văn chương, Nguyễn Khắc Phê cũng trân trọng những người nhiệt thành hết mình với văn chương. Đó là mối giao cảm của những tâm hồn cùng tần số thẩm mỹ. Qua đó, bạn đọc sẽ thấy: Nguyễn Khắc Phê nhờ văn chương bắc những nhịp cầu nối kết lòng người, vừa để ông san sẻ lòng người và cũng để ông san sẻ lòng mình với muôn nơi.

Đến nay, Nguyễn Khắc Phê đã có hành trình dài cả trong đời sống lẫn chữ nghĩa. Tuy vậy, ông vẫn miệt mài, tiếp tục trên đường đời, đường văn chương. Điều này, biểu hiện qua sự cộng hưởng của ông với đời sống làng văn. Đặc biệt, ông vẫn quan tâm và đồng cảm với nhiều cây bút trẻ. Với sự đồng hành cùng đời sống văn chương, ông có những sẻ chia thân tình thấu đáo với thế hệ người viết văn trẻ hiện nay. “Có thể nói, đó là những điểm sáng giúp bạn đọc tin ở sự hướng thiện của con người và cái ác không thể mãi lộng hành … Cũng dễ hiểu nếu như có bạn đọc cho rằng tác giả quá “lãng mạn”, đã thi vị hóa cuộc đời không thể thiếu bi kịch. Thì tác phẩm văn nghệ vẫn luôn có sự nhìn nhận khác nhau” (tr.256). Nhà văn lão thành Nguyễn Khắc Phê còn quan tâm đến văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay. Bàn luận và dẫn thêm nhiều ý kiến của các nhà văn khác, ông tỏ ra ưu tư với thực trạng giới trẻ ít đọc sách. Ông bày tỏ mong muốn đưa ra giải pháp để làm sao giới trẻ “chịu đọc sách”. Hơn hết, ông cảm thông vì hiểu lẽ tại sao việc đọc rất hạn chế. “Vì thế, với “chiến lược văn học cho thiếu nhi” thể hiện qua cuộc vận động sáng tác có quy mô và tầm quan trọng như tuyên bố của Hội Nhà văn thì thiết nghĩ phải có biện pháp, có tổ chức hành động cụ thể để các em có thì giờ và chịu đọc sách, để những cuốn sách hay in ra với biết bao tâm huyết, biết bao công sức, hoàn tất sứ mệnh đẹp đẽ của mình” (tr.58). Để góp phần thực hiện điều đó, Nguyễn Khắc Phê đề xuất nhiều giải pháp khả dĩ. Chưa bàn đến tính khả thi của những giải pháp đó, bạn đọc hẳn cũng cảm nhận được khát khao cống hiến của ông. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn không ngừng tham gia vào vận hội đời sống, nghĩ cho người, nghĩ cho đời. “Hẳn có bạn sẽ cười ông già rỗi việc “bày vẽ” quá lắm trò. Chưa hết đâu! Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn ở các địa phương cần phải vận động cả ngàn hội viên ở khắp nước tham gia chọn sách hay, cùng dự các buổi ngoại khóa với học sinh. Chọn được sách hay, còn phải kiếm tiền in; có sách rồi, phải bàn (và có khi phải thử nghiệm) giao sách cho các thư viện các trường hay làm phần thưởng cho những học sinh thực sự yêu văn học, có đóng góp tốt cho những buổi ngoại khóa… (Có thể hy vọng, những cuốn sách này sẽ được chuyển tiếp cho bạn bè trong lớp, trong xóm, chứ không nằm “chết” trong thư viện). Có lẽ cũng nên nghĩ tới việc liên kết, phối hợp với Nxb. Kim Đồng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tập đoàn thông tin… Với công nghệ thông tin, sao lại không nghĩ tới việc phủ sóng các trường toàn quốc những buổi sinh hoạt ngoại khóa thí điểm có chất lượng tốt?” (tr.61). Lý do khiến Nguyễn Khắc Phê quan tâm đến văn hóa đọc, có lẽ: vì ông nhận thấy vai trò của việc đọc đối với việc xây dựng nếp sống văn hóa và tâm hồn lương thiện cho con người. Nhất là trong hoàn cảnh xây dựng đời sống mới. Dù ở thành thị hay nông thôn, theo Nguyễn Khắc Phê, văn hóa đọc đều cần thiết và nên được chú trọng phát triển mở rộng. “Tôi nghĩ, nếu mọi người thật sự quan tâm thì có thể có những sáng kiến hay và có hiệu quả hơn nữa… Và như thế những cuốn sách hay sẽ được mọi người ở trong tất cả các gia đình, dòng họ, lớp học… tìm đến suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, chứ không chỉ được chú ý vào dịp “Hội sách Việt Nam”. Khi đó, hình ảnh nông thôn mới không chỉ là “điện - đường - trường - trạm” hoàn chỉnh và sản vật phong phú mà còn là vẻ đẹp văn hóa thể hiện ở những con người nhân hậu, giàu lòng vị tha, giàu có tri thức nhờ đã tạo được thói quen làm bạn thường xuyên với những trang sách” (tr.65). Cách hiểu của ông dường như đã nhấn mạnh vào vị trí quan trọng của văn hóa trong việc xây dựng nông thôn - nông thôn mới. Không chỉ trong việc này - về cơ bản, văn hóa vốn luôn có vị trí quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Hơn nữa, văn hóa dân tộc thậm chí đóng vai trò then chốt trong bối cảnh mới - bối cảnh toàn cầu hóa.

Trong bối cảnh đương đại với nhiều biến động liên tục, sự cộng hưởng - giao cảm với người lắm khi để lại trong lòng lão nhà văn niềm xót xa. “Bên “chuyện vui” kiểu này, cảnh các bạn mới về sơ tán chia tay tòng quân thật là cảm động. Và tôi tin là nhiều bạn đọc cũng sẽ “nghèn nghẹn”, nhất là khi biết Đảo - cậu học trò tài giỏi nhất lớp, mùa hè năm 1972 đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị đẫm máu! Thật xót xa, mùa hè đỏ lửa ấy, còn nhiều tài năng như Đảo đã mãi nằm lại trên đất Quảng Trị ngập tràn bom đạn …” (tr.285). Tiếc thương thời gian, xót xa người cũ và u hoài về dâu bể, vị mặn mòi, hương nồng thắm trong ngôn ngữ của Nguyễn Khắc Phê chính ở chỗ ấy. Phải chăng vì nhiều năm tháng trôi qua mà nhà văn cứ hay đắm chìm trong thời quá vãng. Có thể là ký vãng về triều Nguyễn, về thời gian khó chiến tranh, về hình bóng quê nhà trong quá khứ,… có rất nhiều ngày xưa/ngày cũ/ngày trước trong tập sách của Nguyễn Khắc Phê. Có phải vì ở tuổi cao niên mà hay hoài niệm, hay là vì lòng người vốn đã quen hoài niệm nên nhìn đâu cũng thấy ẩn hiện quá khứ. Có thể là cả hai!

Để rồi, từ giao cảm với người, Nguyễn Khắc Phê đã cộng hưởng để nhìn ra dáng hình của một dân tộc. “Chuyện cái tên một con người mà cũng là chuyện về bản lĩnh và phương sách duy nhất đúng của một dân tộc “nhược tiểu” nhất quyết không chịu làm nô lệ cho bất cứ ai để có ngày được ngẩng cao đầu, bình đẳng trước thiên hạ như hôm nay. Đây cũng là bài học cho mọi con người - lớp người “yếu thế” bao giờ cũng chiếm số đông trong nhân loại” (tr.124). Với Nguyễn Khắc Phê, cơ hồ, họ tộc và dân tộc chính là hệ trục định vị tâm hồn ông. Và hơn hết, có lẽ bạn đọc cũng nhận ra tấm lòng đồng cảm và thương mến của Nguyễn Khắc Phê với những thân phận người khắc khổ, bé mọn, yếu thế trong đời sống.

3. Sự cộng hưởng của Nguyễn Khắc Phê với văn chương

Trang viết của Nguyễn Khắc Phê có nhiều thông điệp và những ý hướng “ngoại đề”. Thông qua đó, ông chia sẻ, gửi gắm đôi điều về người, về đời, về văn chương. Đặc biệt, ông dành nhiều trang viết để chia sẻ với thế hệ nhà văn tiếp nối, đặc biệt những bạn văn trẻ có ý muốn bước vào đường chữ nghĩa. Với những nhà báo trẻ, Nguyễn Khắc Phê cho rằng có những người có điều kiện thuận tiện để bắc chiếc cầu nối vào văn chương, ông nhìn thấy ở họ khả năng tiếp cận đời sống hiện thực, và từ đó biến thành chất liệu văn chương rất sống động.

Cũng là điều tất nhiên, viết đúng sự thực mới chỉ là yêu cầu đầu tiên của người làm thông tin. Từ những bài báo đến tác phẩm văn chương còn phải cần nhiều yếu tố khác nữa và phải rất công phu. Tôi nhắc lại những câu chuyện, những kỷ niệm có tính riêng tư, cũng có thể gọi là “kinh nghiệm” sau hơn nửa thế kỷ cầm bút để chứng tỏ cuộc sống phong phú ở một đất nước trải qua những biến động sâu sắc như Việt Nam, không chỉ là “mỏ quý” vô tận cho các nhà báo khai thác, kịp thời chuyển đến bạn đọc những thông tin theo nhu cầu của thời cuộc; mà từ đó có thể viết những tác phẩm văn học sâu sắc, được lưu giữ lâu dài hơn. Nói điều này, tôi muốn gửi đến các nhà báo năng nổ đang còn sức trẻ ở mọi miền đất nước lòng tin và niềm hy vọng” (tr.107-108).

Qua đây, bạn đọc hẳn nhận ra phần nào quan niệm văn chương của Nguyễn Khắc Phê. Với ông, văn chương luôn cần và nhất thiết bám sát vào hiện thực đời sống. Và ông, nhận ra đời sống con người đất nước Việt Nam là kho hiện thực sống động phong phú mà giới cầm bút có thể khai thác. Đó là những nguyên liệu rất độc đáo cho người cầm bút sáng tạo nên những tác phẩm chữ nghĩa có giá trị. Nói vậy, cũng tức là bạn sẽ nhìn thấy văn chương Nguyễn Khắc Phê cũng như quan niệm văn chương của ông cơ hồ trước hết hướng đến chức năng thông tin và chức năng nhận thức.

Khi chia sẻ về Thái Bá Lợi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê cũng đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm văn chương của ông. “Còn nhiều - rất nhiều tư liệu trong hơn 200 trang “bút ký” của bộ Tuyển tập này bổ sung cho “chính sử” và giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn cội nguồn và quá trình sinh thành nên những tác phẩm đã dựng nên nhà văn Thái Bá Lợi hôm nay. Đó cũng là con đường lớn của hầu hết các nhà văn - chiến sĩ ở Việt Nam, trong đó người con ra đi từ làng Thơi đã tạo nên dấu ấn riêng được công chúng cả nước ghi nhận. Như con người anh - một vóc dáng cao gầy, từ bước đi cho đến nụ cười và ánh mắt không thật “hoàn hảo”, chẳng giống ai; có bạn văn nói đùa theo “ngôn ngữ lính” là “Thái Bá Lợi nhìn nghiêng quân thù mà bắn!” Nhìn nghiêng mà bắn trúng đích mới thật tài! Trong nghề văn, cái nét riêng là điều quan trọng nhất!” (tr.186). Ý kiến này dễ dàng nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người làm văn chương. Bởi hơn ai hết, người tham gia vào hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật cũng phải có “căn cước công dân” trong làng văn. Nguyễn Khắc Phê đề cao cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ trong lao động nghệ thuật. “Nét riêng” có vẻ dễ hiểu, nhưng trong thực tiễn sáng tác là vấn đề gian nan. Để định hình nét riêng trong khu vườn nghệ thuật, có khi, người nghệ sĩ phải miệt mài lao động cả đời, trải qua nhiều lần tìm hướng đi, trải qua nhiều chặng đường, và có lẽ cũng trải qua không ít thất bại. Mới thấy, “nghề chơi cũng lắm công phu”!

Hơn thế, với Nguyễn Khắc Phê, văn chương là quá trình lao động miệt mài, nghiêm túc, mất nhiều thời gian công sức. Đó là những gì mà ông chia sẻ với Bửu Ý trong những trang viết về Bùi Giáng. “Điều cần nói thêm là với công phu chuẩn bị - thể hiện qua Danh mục tham khảo có đến 35 nguồn tư liệu, riêng tác giả có hẳn “Hồ sơ Bùi Giáng, Từ điển Bùi Giáng” và 5 cuốn sổ ghi chép, cuốn sách không chỉ có “góc nhìn” của Bửu Ý mà nó gần như là sưu tập đầy đủ những bình luận về Bùi Giáng của nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; do đó, qua tác phẩm này, chân dung - nghệ thuật thi ca của Bùi Giáng đã hiện ra một cách khá toàn vẹn và chính xác nhất” (tr.294). Công phu là vậy và giá trị trang viết phần nhiều đến từ những công phu chuẩn bị trước khi người cầm bút hạ bút “khai đao”, nhưng không vì vậy mà trang viết có phần nặng nề. Dẫu “nghề chơi cũng lắm công phu”, nhưng Nguyễn Khắc Phê vẫn đủ không gian để ngòi bút bay phóng, biểu hiện một lối viết có phần tài tử. Bởi ông thường có xu hướng quảng diễn kiến văn trong quá trình xác định đặc trưng đối tượng. Nhờ đó, bạn đọc có thêm nhiều kiến thức bên cạnh đối tượng trọng tâm được bàn đến. Và dường như với ông, hành trình đi vào trang viết của tha nhân cũng là quá trình cộng hưởng để rồi lan tỏa thành những làn sóng nước lăn tăn dần mở rộng ra ngoại vi. Khi người cầm bút ném một viên sỏi xuống hồ thì từ đó lan tỏa thành những vòng nước lăn tăn khỏa đều mặt nước.

Qua sự bàn luận của Nguyễn Khắc Phê, bạn đọc có thêm chiếc cầu nối, dung môi/chất xúc tác giúp thâm nhập thuận tiện hơn vào tác phẩm. Sở dĩ gọi là chất xúc tác vì hầu hết tác phẩm được Nguyễn Khắc Phê bàn luận trong tập sách này đều được nhìn ngắm bằng đôi mắt của tình yêu chữ nghĩa. Đó là tình yêu cuộc đời và tình yêu dành cho tha nhân. “Cuối sách, tác giả đã cảm ơn Đảo - người bạn thiếu thời… và Nguyễn Du vĩ đại đã thổi bừng lên trong tôi tình yêu văn chương, cuộc sống, tình yêu thiêng liêng đối với cái đẹp trong cuộc đời còn nhiều lo toan khốn khó”. Với tình yêu như thế, Ngô Xuân Hội đã viết “Ngày ấy ở Yên Trung”” (tr.285). Có lẽ, đó là điều đáng trân quý nhất trong chiêm nghiệm văn chương của Nguyễn Khắc Phê. Rõ ràng với ông, văn chương giúp cho con người ta có không gian để chiêm nghiệm và thấu cảm. Văn chương giúp nâng đỡ tâm hồn con người “hướng thiện” và “hướng thượng”.

Trước sau như một, trang viết của Nguyễn Khắc Phê vẫn ôm ấp niềm khắc khoải với văn chương. Lẽ đó, ông cảm nghiệm sâu sắc những nỗi niềm của một đời văn chương. Nghề chữ nghiệp nghĩa như món nợ tiền kiếp mang vác. Đời người nhiều khi rong ruổi theo chữ nghĩa đến khi qua thế giới bên kia chỉ còn vài tờ giấy mỏng manh lưu lại bóng hình. Trong mối cảm hoài đó, Nguyễn Khắc Phê đã nỗ lực giúp cho Xuân Đài giữ lại chút “di sản” chữ nghĩa. “Tôi đã liên hệ được với người “cháu họ” đang giữ “di sản” của Xuân Đài và nhờ cô tìm hộ… Và biết đâu, khi trang viết này lên báo, sẽ có một nhà xuất bản thông báo là đang giữ bản thảo chưa in của Xuân Đài! Tôi cũng vừa chuyển thông tin về Xuân Đài cho Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh… Hy vọng nơi yên nghỉ của Xuân Đài ở chân dãy Thiên Nhẫn sẽ được sưởi ấm trong tình quê hương và tình đồng nghiệp của bạn bè gần xa. Còn lúc này, biết đâu Xuân Đài sau thời khắc thoát khỏi “tuổi già phiền muộn” đang “bay” vào Huế, xem sông Hương vừa có đường đi bộ ven bờ thơ mộng ra sao và đàm đạo chuyện đời hơn thua - nhân nghĩa với vợ chồng Phùng Quán trên triền đồi lộng gió ở Thủy Dương…” (tr.53). Với Nguyễn Khắc Phê, có lẽ, cái còn lại sau rốt chính là tình quê hương và tình đồng nghiệp. Tình quê hương chính là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng tâm hồn cho người cầm bút trưởng thành. Tình đồng nghiệp cũng có thể là người cùng chung một cảnh ngộ, cùng chung “nghiệp báo” phải gánh chịu trong cõi giới chữ nghĩa. Hai nguồn tình đó như hai khối u uẩn người cầm bút mang vác suốt chặng đường đời.

Nguyễn Khắc Phê, nhà văn nhất quán và thủy chung với quan niệm văn chương trong suốt cuộc đời cầm bút của ông. Từ những năm 1980, Nguyễn Khắc Phê đã xác định rõ ràng thiên chức văn nghệ. Dẫu rằng, đề cập đến những điều chưa đẹp nhưng đều hướng đến cái đẹp, cái tốt. Việc ấy, là biểu hiện của nỗ lực giữ gìn sự trong sạch của con chữ. “Đối với người viết, việc kể lể đôi chút thành tựu của mình cũng dễ mang tiếng là không khiêm tốn; tôi cũng tự biết 2 cuốn sách của mình vẫn còn có chỗ đơn giản, thậm chí còn chịu ảnh hưởng xu hướng “gọt tròn” tác phẩm, nhưng từ những gì 2 cuốn sách đó đã đạt được, tôi đã nhận thức rõ hơn con đường đúng đắn của người cầm bút khi đứng trước những hiện tượng tiêu cực và những vấn đề phức tạp trong cuộc sống hiện nay: Tác phẩm muốn đề cập đến nhân vật tiêu cực thì tác giả càng phải là người tích cực; cái tiêu cực chỉ đáng được đưa vào tác phẩm khi nó có tác dụng tích cực. Như thế, màu đen, cái xấu hiện ra trong tác phẩm chỉ càng giúp rọi sáng tâm hồn người đọc, khơi gợi những cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp và kêu gọi con người hành động sáng tạo. Như thế, tác phẩm văn nghệ của chúng ta mới là vũ khí sắc bén của Đảng của nhân dân”[4]. Văn học nghệ thuật nói chung có chức năng quan trọng hơn cả - ấy là chức năng giáo dục. Đọc trang viết khiến cho người ta hướng thiện và sống tích cực hơn.

Thay lời kết

Hơn nửa thế kỷ mải mê và miệt mài trên những chặng đường văn - khởi từ 1968, tập ký sự (tác phẩm đầu tay) Vì sự sống con đường cho đến hôm nay, Nguyễn Khắc Phê vẫn một lòng sắt son giữ trọn tấm chân tình văn chương tinh khôi như thuở ban đầu. Ông vẫn bắt nhịp và thổn thức theo từng vận hội của thời đại. Sinh khí cuộc đời tràn vào trang viết của ông, dù rằng đâu đó đọng lại những ưu tư, trăn trở và khát vọng. Với ông, im lặng trước cái xấu cái ác, thì nhà văn thành kẻ hủy diệt sinh mệnh nhà văn!

Từ những vấn đề thời sự cho tới những vấn đề chữ nghĩa, Nguyễn Khắc Phê - nhà văn và thời cuộc, bộc lộ lòng chân thành và sự thiện chí trong việc suy nghĩ, đề xuất. Ở Đường đời muôn nẻo, độc giả nhận thấy sự kết hợp giữa lối bình văn và lối kể chuyện rất nhàn nhã, dung dị. Văn của Nguyễn Khắc Phê không cuống quýt, xô bồ; luôn từ tốn, điềm đạm. Hẳn khí chất nho nhã truyền thống gia phong vẫn còn đằm thắm trong tâm hồn ông. Với người xưa, ông kính phục và ngưỡng mộ. Với bạn văn, ông thân tình và đồng cảm. Với người trẻ, ông trân trọng và nâng đỡ. Tựu trung, trong cuộc sống ở tuổi xưa nay hiếm, Nguyễn Khắc Phê đã hết lòng với tha nhân và kỳ vọng ở các thế hệ sau ông.

Văn chương Nguyễn Khắc Phê không cuốn theo thị trường hay thời tân, song ông cũng không thủ cựu. Việc đó, thể hiện qua cách giao cảm của ông đối với các tác phẩm bạn văn, độc giả chẳng khó gì để nhận ra “từ trường cộng hưởng” của Nguyễn Khắc Phê trong chữ nghĩa: thường là những trang viết gói ghém suy tưởng và niềm đau. Có thể là những suy tưởng về đời, về người, về văn chương và cũng có thể, là những niềm đau quá vãng, niềm đau vẫn còn đến bây giờ nhưng sau cùng vẫn là niềm tin và hy vọng. Bao giờ Nguyễn Khắc Phê cũng gieo lại trong lòng bạn đọc nỗi ngậm ngùi, xót xa nhưng không bế tắc, mà hoàn toàn tin tưởng và hy vọng ở tương lai tươi sáng hơn!

T.B.Đ
(TCSH417/11-2023)

 

-------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Khắc Dương (2020), Hồi ức Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, Nxb. Tổng hợp, TP HCM, tr.35.
[2] Nguyễn Khắc Viện (2007), Đạo và Đời. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.55-66.
[3] Nguyễn Khắc Viện (2007), Đạo và Đời. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.66.
[4] Nguyễn Khắc Phê (06/08/2010), Tác dụng tích cực của cái “tiêu cực” trong tác phẩm văn nghệ, (http://tapchisonghuong.com.vn).

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ sen (06/10/2023)