Nghiên Cứu & Bình Luận
Đề tài chiến tranh trong văn xuôi Việt Nam thời kỳ Đổi mới
09:24 | 17/01/2024

BÙI NHƯ HẢI

Văn học Việt Nam có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết với lịch sử nước nhà, vì thế viết về chiến tranh đã trở thành một khuynh hướng cơ bản, một đề tài lớn, mang tính truyền thống, thể hiện, phản ánh một cách phong phú, sinh động nhất về bức tranh hiện thực chiến tranh trong những giai đoạn lịch sử đặc biệt nhất của dân tộc.

Đề tài chiến tranh trong văn xuôi Việt Nam thời kỳ Đổi mới
Ảnh: tư liệu

Sau năm 1975, đặc biệt từ sau thời điểm 1986, chiến tranh vẫn là một đề tài hấp dẫn, chưa hề vơi cạn, chưa hề đứt gãy, với một mạch nguồn cảm xúc vô tận, vẫn có vị trí đáng kể trong nền văn học, góp phần xác định diện mạo, thành tựu, tác dụng xã hội và tính đặc thù của văn học Việt Nam đương đại. Nằm trong mạch chảy chung, tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh thời kỳ Đổi mới đã có những nỗ lực bứt phá, cách tân cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, có sự phong phú và hấp dẫn, tạo nên diện mạo riêng, gặt hái được nhiều thành tựu nhất định, đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống và người đọc, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của văn xuôi và tiểu thuyết viết về chiến tranh trong bối cảnh hòa bình, hội nhập quốc tế.

1. Nhìn một cách khái quát, tiểu thuyết Việt Nam viết về đề tài chiến tranh thời kỳ Đổi mới đã vận động và phát triển qua hai chặng đường chính

1.1. Từ vận động, đổi mới (1986 - 2000)

Trước hết phải khẳng định rằng, năm 1986 không phải thời điểm đã làm thay đổi diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam viết về đề tài chiến tranh. Sự thay đổi đó, hẳn nhiên như một dòng chảy ngầm chuyển tiếp ở giai đoạn tiền Đổi mới (1975 - 1985) với những nhà văn mẫn cảm trước thời cuộc như Lê Lựu (Mở rừng), Nguyễn Minh Châu (Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà), Chu Lai (Nắng đồng bằng), Thái Bá Lợi (Thung lũng thử thách, Họ cùng thời với ai), Khuất Quang Thụy (Trong cơn gió lốc), Xuân Đức (Cửa gió), Hồ Phương (Biển gọi), Nguyễn Khải (Thời gian của người), Nam Hà (Đất miền Đông), Chu Văn (Sao đổi ngôi), Mai Ngữ (Người lính mặc thường phục),… Tiểu thuyết viết về chiến tranh ở chặng đường tiền Đổi mới mặc dù có sự dò tìm, biến đổi, chuyển mình trong cách tiếp cận hiện thực và con người, trong điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu,… một cách đa chiều, đa diện, mở ra một lối đi mới, tạo nên những dấu hiệu rạn nứt của cảm hứng sử thi ở cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, mang lại diện mạo khá mới mẻ, riêng biệt. Nhưng đó cũng chỉ là một chặng đường vạn sự khởi đầu - tức là chỉ mới có dấu hiệu đổi mới, vẫn còn nằm trong “từ trường”, quỹ đạo của văn học sử thi.

Sau Đổi mới (1986), xuất phát từ những điều kiện lịch sử và xã hội khác biệt rất rõ rệt so với trước đó trong một môi trường đổi mới toàn diện, vận hành theo cơ chế thị trường đã tạo ra một làn gió mới, một không khí dân chủ, phấn khởi, sôi nổi khắp cả nước. Với phương châm đổi mới tư duy, “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”,… được khơi dòng, có nhiều biến đổi đã tác động, thấm sâu, chi phối mạnh mẽ đến xu hướng vận động, đổi mới ở nhiều cấp độ và bình diện của cả nền văn học.

Nằm trong xu hướng chung, tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh ở chặng đường này phát triển khá nhanh, theo nhiều xu hướng khác nhau, có sự đột phá, cách tân ở cả phương diện nội dung lẫn hình thức nghệ thuật và gặt hái được nhiều thành tựu nhất định, đem đến cho người đọc những khí vị mới, ấn tượng bất ngờ, sức sống, mãnh liệt mới như: Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu; Chim én bay (1987) của Nguyễn Trí Huân; Ông cố vấn: Hồ sơ một điệp viên (3 tập, 1987, 1988) của Hữu Mai; Không phải trò đùa (1987) của Khuất Quang Thụy; Nỗi buồn chiến tranh (1987) của Bảo Ninh; Vòng tròn bội bạc (1987) của Chu Lai; Nước mắt đỏ (1988) của Trần Huy Quang; Đại tá không biết đùa (1990) của Lê Lựu; Bến không chồng (1990) của Dương Hướng; Ăn mày dĩ vãng (1991) của Chu Lai; Tư Thiên (1994) của Xuân Thiều; Tàn đen đốm đỏ (1994) của Phạm Ngọc Tiến; Một ngày và một đời (1997) của Lê Văn Thảo; Hồn trúc (1997) của Nguyễn Văn Thông; Lạc rừng (1999) của Trung Trung Đỉnh; Thời của những tiên tri giả (1999) của Nguyễn Viện,…

Tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu - nhà văn tiên phong, “chim báo bão” ra đời vào năm 1986, được ông viết khi công cuộc đổi mới đất nước vừa mới bắt đầu. Tác phẩm đã mở đầu cho khuynh hướng tiếp cận những vấn đề về cuộc sống thời hậu chiến theo khuynh hướng nhận thức lại hiện thực với cảm hứng phê phán mạnh mẽ trên tinh thần nhân bản sâu sắc, đem lại những mới mẻ, thú vị, được bạn đọc và giới nghiên cứu, phê bình nghệ thuật đón nhận chân thành, nồng nhiệt. Nhà văn Bích Ngân đánh giá rất cao về tác phẩm này, khi cho rằng: Thời xa vắng đã tạo ra một “tiếng sét trên cánh đồng chữ nghĩa vốn khá cằn khô và báo hiệu một thời tiết khác cho mùa màng văn chương”. Nhà văn Uông Triều cũng có nhận định rất đúng rằng: “Dù đã ra mắt mấy chục năm rồi, Thời xa vắng vẫn còn nguyên giá trị về văn học, lịch sử và sự hấp dẫn đối với công chúng. Tác phẩm sẽ còn tiếp nối đến nhiều thế hệ”.

Sau Thời xa vắng của Lê Lựu, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân và Nước mắt đỏ của Trần Huy Quang, Tàn đen đốm đỏ của Phạm Ngọc Tiến cũng đã lần lượt ra đời, góp phần đánh dấu một bước ngoặt đổi mới mạnh mẽ cho tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh ở chặng đường này. Tiểu thuyết Chim én bay Nước mắt đỏ có cùng điểm chung: mạnh dạn khai thác những mất mát, vết thương thẳm sâu của con người trong và sau cuộc chiến, đặc biệt là những mất mát, hy sinh của người phụ nữ không thể nào bù đắp được trong trận chiến khốc liệt của chiến tranh và đời thường. Qua đó, người đọc ám ảnh bởi tâm trạng giằng xé vật vã, cảm giác cô đơn của người phụ nữ đã đi qua chiến tranh như một người anh hùng.

Tiểu thuyết Tàn đen đốm đỏ của Phạm Ngọc Tiến ra đời năm 1994, đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội 5 năm (1991 - 1996) có giá trị cao, tạo ấn tượng mãnh liệt nơi người đọc với “những trang viết đầy lãng mạn để dựng ra một cõi riêng - cõi của những linh hồn”. Tác phẩm lấy cảm hứng từ “câu chuyện của chính bản thân tác giả, bạn bè thế hệ ông, những hồi ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về những hậu quả, nỗi đau nhức nhối của cuộc chiến tranh vẫn còn đó, cho dù cuộc chiến đã lùi xa vài thập kỷ”1. Nhà nghiên cứu Ngô Văn Giá đã đánh giá rất chuẩn xác về tác phẩm này, khi cho rằng: “n đen đốm đỏ là một trong những đại diện tiêu biểu cho một giai đoạn văn học viết về chiến tranh đi sâu vào khía cạnh nhân bản, quan tâm đến số phận con người, ở đó hiện ra những nỗi ám ảnh, những day dứt, đớn đau. Đặc biệt, nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã xây dựng một mối tình giữa hai tâm hồn chiến sĩ chưa kịp sống hết cuộc đời son trẻ của mình, điều đó đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc của tác phẩm, là thông điệp thấm đẫm tình yêu thương con người của tác giả”. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng cũng nhận định về tác phẩm này rất sâu sắc rằng: “Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đan cài giữa thực và ảo, ma và người. Chính điều này đã làm nên sự ám ảnh, day dứt khôn nguôi đối với người đọc về những phận người sau chiến tranh”.

Năm 1991 là năm bội thu của văn xuôi Việt Nam. Nói chính xác hơn là một năm được mùa của thể loại tiểu thuyết. Bộ ba tiểu thuyết: Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Bến không chồng của Dương Hướng đã được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, tạo ra một sự đột phá lớn trong mặt bằng chung của văn xuôi và tiểu thuyết viết về chiến tranh nói riêng. Bến không chồng- tác phẩm viết về một làng quê Việt Nam trải qua những cuộc chiến tranh với thân phận những người phụ nữ ở hậu phương mòn mỏi chờ chồng, chờ con ngoài mặt trận. Cái bến sông của một làng quê bình dị được nhà văn gọi là “Bến không chồng”.

Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã trở thành một sự kiện đặc biệt, đặt dấu mốc quan trọng, mở ra một lối viết khác, một cách nhìn khác về chiến tranh, nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam ở nhiều khía cạnh khác nhau, được sự quan tâm sâu sắc của độc giả và giới nghiên cứu văn học quốc tế. Cụ thể là, cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra 15 thứ tiếng và 18 phiên bản, được xếp cùng nhiều tác phẩm danh giá khác, được giảng dạy rộng rãi và có vị trí trang trọng tại các trường đại học ở Mỹ và một số nước khác. Tác phẩm này đã gây ra làn sóng tranh luận với hai luồng ý kiến khen chê trái chiều, nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận được thành công về phương diện nghệ thuật tiểu thuyết và được các nhà phê bình trong và ngoài nước khen ngợi, đánh giá cao. GS. TS. Laichen Sun thuộc đại học bang California tại Fullerton, Mỹ đã khẳng định rằng: “Đây là tác phẩm lớn đáng để tìm hiểu, không chỉ bởi vai trò của nó trong thúc đẩy hòa bình ở châu Á mà nó còn giúp chúng ta hiểu được giá trị của hòa bình và căm ghét chiến tranh,… Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh góp phần làm cho Việt Nam nổi tiếng. Đây là cuốn tiểu thuyết tiếng Việt được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới, tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Việt Nam từ trước tới giờ. Một trong những tác phẩm văn học lớn nhất trên thế giới. Một tác phẩm về chiến tranh nổi tiếng nhất thế kỷ XX” [Dẫn theo Minh Châu]2. Và những nhận định khác, đó là “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung của nhân loại”, “thành tựu lớn nhất của văn học Đổi mới”, “nó đứng hàng kinh điển thế giới”.

Ở chặng này, Chu Lai và Trung Trung Đỉnh là hai nhà văn thuộc thế hệ chống Mỹ vẫn dẻo dai sức viết của mình, gặt hái được nhiều thành công nhất, trở thành sự kiện trên văn đàn khi viết về chiến tranh và người lính. Dường như tiểu thuyết gia Trung Trung Đỉnh sinh ra là để gắn bó trung thành, chung thủy với mảnh đất Tây Nguyên và chiến tranh đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực, bao trùm lên cuộc đời và từng trang văn, ghi dấu sâu đậm trong lòng người đọc như Ngược chiều cái chết (1989), Tiễn biệt những ngày buồn (1990), Lạc rừng (1999),… Lạc rừng là một trong những cuốn tiểu thuyết đặc sắc, làm nên tên tuổi của Trung Trung Đỉnh, đã đạt giải ACuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất của Hội Nhà văn 1998 - 2000. Tác phẩm này là một trong cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, vô cùng hay, cuốn hút người đọc bởi cách viết hiện đại, thẳng thắn, khác biệt về chiến tranh và người lính. Nhà văn Chu Lai được xem là một ngòi bút “lực lưỡng” viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Các tiểu thuyết Vòng tròn bội bạc (1990), Ăn mày dĩ vãng (1991), Sông xa (1996), Ba lần và một lần (1999),... ra đời được bạn đọc mến mộ, giới nghiên cứu quan tâm, được đánh giá cao ở phần các tác phẩm này vừa tái hiện cảnh chiến trận vừa phản ánh hiện cảnh của người lính thời hậu chiến với việc mưu sinh, chỗ đứng trong xã hội, cách ứng xử với những người từng vào sinh ra tử vì cuộc sống hòa bình hôm nay.

1.2 Đến bứt phá, hội nhập (2000 - 2022)

Những năm đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh vẫn tiếp tục phát triển rất sôi động, hội nhập cùng với dòng chảy của văn xuôi đương đại. Đội ngũ nhà văn viết về đề tài chiến tranh rất đông đảo, hùng hậu đến từ “ba làn sóng” - ba thế hệ quan tâm, sáng tác đã làm cho tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh phát triển phong phú và đa dạng, tiếp tục trở thành một khuynh hướng cơ bản, chủ lực của văn học Việt Nam đương đại và đã sáng tác rất nhiều tác phẩm hay, có những đóng góp nhất định vào sự đổi mới, phát triển của văn xuôi như: Những bức tường lửa (2000) của Khuất Quang Thụy; Ngày rất dài (2004) của Nam Hà; Rừng thiêng nước trong (2004) của Trần Văn Tuấn; Khúc bi tráng cuối cùng (2004) của Chu Lai; Mây cuối chân trời (2004) của Nguyễn Trọng Oánh; Cao hơn bầu trời (2004) của Văn Lê; Bến đò xưa lặng lẽ (2005) của Xuân Đức; Thượng Đức (2005) của Nguyễn Bảo; Đất không đổi màu (2005) của Nguyễn Quốc Trung; Những cánh rừng lá đỏ (2005) của Hồ Phương; Xuân Lộc (2006) của Hoàng Đình Quang; Xiêng Khoảng mù sương(2006) của Bùi Bình Thi; Tiếng khóc của nàng Út (2007) của Nguyễn Chí Trung; Phòng tuyến sông Bồ (2008) của Đỗ Kim Cuông; Mùa hè buốt giá (2009) của Văn Lê; Cõi đời hư thực (2009) của Bùi Thanh Minh; Đối chiến (2010) của Khuất Quang Thụy; Lính trận (2011) của Trung Trung Đỉnh; Đỉnh máu (2012) của Nguyễn Bảo; Cát trọc đầu (2014) của Nguyễn Quang Vinh; Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2014) của Trần Mai Hạnh; Sống được là may (2014) của Từ Nguyên Tĩnh; Miền hoang (2014) của Sương Nguyệt Minh; Cơ bản là buồn (2014) của Nguyễn Ngọc Thuần; Mình và họ (2015) của Nguyễn Bình Phương; Mưa đỏ (2016) của Chu Lai; Trang trại hoa hồng (2016) của Đỗ Kim Cuông; Rừng đói (2016) của Nguyễn Trọng Luân; Thư về quá khứ (2016) của Nguyễn Trọng Tân; Đỉnh cao hoang vắng (2016) của Khuất Quang Thụy; Đất làng Bồi (2016) của Nguyễn Duy Liễm; Gió xanh(2017) của Chu Lai; Vẫn là binh nhất (2017) của Trần Văn Tuấn; Tình không biên giới (2017) của Kim Quên; Gió Thượng Phùng (2018) của Võ Bá Cường; Phía sau trận chiến (2019) của Vũ Quốc Khánh; Mây vẫn bay về trời (2020) của Hà Đình Cẩn; Mối tình đầu (2020) của Kim Quyên; Gái thời chiến (2020) của Hoài Vũ; Bên dòng sông Mê (2020) của Bùi Thanh Minh; Một góc cuộc chiến (2022) của Đinh Đức Cường; Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt (2022) của Đoàn Tuấn; Nồi Đất (2022) của Bùi Quang Lâm; Quỹ chủ (2022) của Lưu Vĩ Lân,…

Lực lượng sáng tác nòng cốt đến từ “ba làn sóng” này ghi được dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người đọc vẫn thuộc về các nhà văn cựu binh như Chu Lai, Bảo Ninh, Thái Bá Lợi, Xuân Đức, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Văn Thọ, Đinh Đức Cường,... Các nhà văn này đã trực tiếp trải qua chiến tranh lửa đạn, nhiều mất mát, đau thương, với nhiều trải nghiệm về vốn sống, vốn văn hóa cả bề rộng lẫn chiều sâu nên quan niệm về chiến tranh có những khác biệt so với quan niệm trước đó.

Một điều rất đáng mừng là thế hệ các nhà văn trẻ 7X, 8X - thuộc “làn sóng thứ ba” cũng đã rất quan tâm, hào hứng, có khát vọng dấn thân, được hình dung và tái tạo qua tư liệu, chuyện kể tạo nên một cơn gió lạ, đem đến một không khí, một làn gió mới mẻ với nhiều góc nhìn cho văn xuôi và tiểu thuyết viết về đề tài này nói riêng như: Nguyễn Đình Tú (Xác phàm); Đỗ Bích Thúy (Cánh chim kiêu hãnh); Nguyễn Kim Hòa (Cửa sổ phía đông); Minh Moon (Hạt hòa bình); Vũ Thanh Lịch (Người đi tìm cánh tay); Nguyễn Thị Kim Hòa (Giấc mơ đá vỡ, Đỉnh khói); Doãn Dũng (Âm thanh của ký ức, Chuyện Nguyên Phong); Hồ Kiên Giang (Chuyện trên núi Tưk-cot); Võ Diệu Thanh (Mùi vị trần ai); Lê Mạnh Thường (Hoài niệm U đôn Xay); Trịnh Sơn (Sóng gió Ô cấp, Những bóng người trên đất); Nguyệt Chu (Gió tháng Chạp); Huỳnh Trọng Khang (Mộ phần tuổi trẻ); Trương Anh Quốc (Trầm tích ao làng),...

Các nhà văn thuộc thế hệ này dẫu đã có sự quan tâm, chú ý đến đề tài chiến tranh cách mạng, có những tác phẩm hay, bắt đầu tạo nên một dòng chảy riêng khác nhưng vẫn chưa có những cuộc bứt phá đầy ngoạn mục để vượt qua/thoát khỏi những nhà văn/tác phẩm đã từng “đóng đinh” vào lịch sử văn học về đề tài chiến tranh. Các nhà văn trẻ hiện nay tham gia sáng tác về đề tài này vẫn còn rất ít, vẫn còn chưa mặn mà, thậm chí ngày càng thưa vắng, đìu hiu dần trên bức tranh chung đầy sinh động, đa chiều của văn chương trẻ đương đại.

Ở chặng đường này diễn ra hàng loạt các cuộc thi sáng tác về đề tài chiến tranh, cách mạng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 4 năm một lần (được khởi động từ năm 1998), Bộ Quốc phòng tổ chức 5 năm một lần (được khởi động từ năm 2004) và các cuộc thi khác. Các nhà văn đến từ “ba làn sóng” chuyên và không chuyên trên cả nước đều hưởng ứng, tham gia nhiệt tình các cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng. Số lượng, chất lượng tác phẩm qua các cuộc thi đều đạt chất lượng cao, sắc sảo, có giá trị, rất xứng đáng để công chúng chờ đợi, mong mỏi như Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức đạt Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005; Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn đạt Giải Acủa Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005, Giải B Văn học của Bộ Quốc phòng năm 2006, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2007 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012; Những bức tường lửa của Khuất Quang Thụy đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007; Đất không đổi màu của Nguyễn Quốc Trung đạt Giải thưởng Văn học sông Mekong năm 2006; Thượng Đức của Nguyễn Bảo Trường Giang đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 và Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng năm 2009; Sóng chìmcủa Đình Kính đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007; Tiếng khóc của nàng Út của Nguyễn Chí Trung đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008, Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng năm 2009 và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2011; Mùa hè giá buốt của Văn Lê đạt Giải B Văn học của Bộ Quốc phòng (2004 - 2009) và Giải Nhất về Văn học nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh (2006 - 2011); Ngày còn dài của Nam Hà đạt Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng năm 2009; Xuân Lộc của Hoàng Đình Quang đạt Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng năm 2009; Phượng hoàng của Văn Lê đạt giải Avề văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 5 năm (2009 - 2014); Màu rừng ruộng của Đỗ Tiến Thụy đạt Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng năm 2009; Xiêng Khoảng mù sương của Bùi Bình Thi đạt Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần III (2006 - 2010) của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ nhất; Lính trận của Trung Trung Đỉnh đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2012; Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014; Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền đạt giải C trong Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2011 - 2015) của Hội Nhà văn Việt Nam; Chiến tranh qua rồi của Nguyễn Duy Liễm đạt Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng 2009 - 2014; Mình và họ của Nguyễn Bình Phương đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015; Mưa đỏ của Chu Lai đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016 và đạt Giải Avề đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014 - 2019) của Bộ Quốc phòng; Hồi ức lính của Vũ Công Chiến đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017; Trong vô tận của Vĩnh Quyền đạt Giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5 (2016 - 2020); Nghiệp chướng của Lưu Vĩ Lân đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh 2021,…

Ngoài ra, những ngành nghệ thuật khác, đặc biệt phim về đề tài chiến tranh một thời đã từng là mạch chủ đạo của điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam xuất hiện rất nhiều bộ phim đạt chất lượng nghệ thuật cao, gặt hái nhiều giải thưởng danh giá ở các liên hoan phim quốc tế, được khán giả xem rất yêu thích, cuốn hút, gây xúc động như: Chung một dòng sông, Nổi gió, Mùa gió chướng, Chim vành khuyên, Ván bài lật ngửa, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đường về quê mẹ, Bao giờ cho tới tháng mười, Những người viết huyền thoại, Ngã ba Đồng Lộc, Đời cát, Sống trong sợ hãi, Người đàn bà mộng du, Đừng đốt,… Các bộ phim này thực sự là những bản anh hùng ca rất đáng được tự hào, bởi qua những tác phẩm điện ảnh này người xem thấy được đời sống hiện thực chiến tranh qua chân dung con người Việt Nam, áo nâu bình dị, chân chất, mộc mạc nhưng lại có một trái tim yêu nước sâu đậm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước, trở thành những hình tượng dũng cảm, anh hùng, bất khuất,…

Trong số phim truyện về đề tài chiến tranh cũng có các tác phẩm điện ảnh xuất sắc được chuyển thể từ tiểu thuyết, truyện ngắn với đủ các góc nhìn khác nhau. Tuy tác phẩm văn học thuộc đề tài chiến tranh được chuyển thể thành phim chưa nhiều nhưng đều là tiêu biểu, đạt chất lượng cao, có nhiều giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn sâu sắc, khẳng định được chỗ đứng riêng biệt, để lại ấn tượng, tiếng vang lớn trong lòng khán giả, gặt hái những thành công lớn về doanh thu.

Người xem hẳn khó quên bộ phim Người đi tìm dĩ vãng do Trần Phương và Tất Bình đạo diễn được chuyển thể từ tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng của nhà văn Chu Lai phát hành năm 1992. Người đàn bà mộng du của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, kịch bản do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu phát hành năm 2003 và đã giành được giải thưởng Cánh diều vàng duy nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam. Bộ phim Bến đò xưa lặng lẽ được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Xuân Đức do chính tác giả viết kịch bản và đạo diễn Trần Vịnh thực hiện năm 2009. Bộ phim Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền được chuyển thể từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của Sương Nguyệt Minh năm 2015. Bộ phim Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Lê Lựu sau 16 năm “lận đận” đã được ra mắt khán giả và giành được giải thưởng Cánh diều bạc của Hội điện ảnh Việt Nam năm 2004. Tiểu thuyết Bến không chồng được đạo diễn Lưu Trọng Ninh dựng thành phim cùng tên vào năm 1999. Bộ phim đã giành được giải thưởng Bông sen bạc của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 năm 2001. Sau 18 năm - tức là năm 2017, tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng lại được đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh chuyển thể thành phim truyền hình dài 24 tập với tựa đề Thương nhớ ở ai. Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Tích Thiện đã đánh giá rất cao, khi cho rằng: “Đây là bộ phim truyền hình cầu kỳ nhất trong số các phim anh từng làm, với đầu tư kinh phí và thời gian nhiều gấp 3 - 4 lần phim khác. Và Thương nhớ ở ai thực sự đã trở thành một trong những bộ phim truyền hình Việt đậm chất điện ảnh nhất từ trước đến nay”. Bộ phim Chỉ một con đường của đạo diễn Trần Vịnh, biên kịch Trịnh Thanh Nhã và Lâm Quang Ngọc chuyển thể từ tiểu thuyết Tiếng khóc của Nàng Út của Nguyễn Chí Trung năm 2018,…

Trong suốt chiều dài lịch sử, điện ảnh Việt Nam có thể tự hào có rất nhiều bộ phim hay được chuyển thể từ văn xuôi nói chung và tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh nói riêng, tạo được dấu ấn hết sức sâu đậm trong lòng khán giả, mang đậm hơi thở của thời đại và tâm huyết của nhà làm phim, qua đó cho thấy văn học viết về đề tài này vẫn là nguồn chất liệu rất quý giá, vẫn là đề tài hấp dẫn, một “mảnh đất màu mỡ” đầy hứa hẹn, nhiều khởi sắc ở phía trước đối với điện ảnh Việt Nam. Nhưng thực tế thì phim về đề tài chiến tranh, cách mạng chuyển thể từ tác phẩm văn học vẫn chưa nhiều, có không ít bộ phim thiếu hấp dẫn. Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đánh giá rằng: “Phim về chiến tranh, người lính bây giờ vẫn khai thác câu chuyện cũ, vẫn là chủ nghĩa anh hùng minh họa thô sơ nhưng không có sự chân thành, xúc động của thời thế nữa, mà trở nên giả tạo, khuôn sáo với những bài ca tuyên truyền cũ kỹ,… không có chất sáng tạo riêng, nó tẻ nhạt với những thủ pháp điện ảnh quá sáo mòn. Nhân vật không được khắc họa tính cách đậm nét, riêng biệt, cách kể và cách thực hiện cũng không đột phá mới mẻ khiến khán giả ngán ngẩm”3.

2. Và những cách tân trên nền truyền thống

Mặc dù tiểu thuyết Việt Nam viết về đề tài chiến tranh ở chặng đường này vẫn đang tiếp tục kế tục, chuyển mình, thể nghiệm, đổi mới lối viết nhưng có thể vẫn nhận diện, ghi nhận được những thành tựu bước đầu trên nhiều bình diện. Tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn này có sự phân hóa thành nhiều xu hướng khác nhau, đó là xu hướng thể hiện người lính bị chấn thương và những số phận bi kịch, xu hướng khám phá người anh hùng lưỡng diện, xu hướng thể hiện người lính đời thường và những vấn đề thế sự - nhân sinh,… Đặc biệt là, “giải sử thi” và tư liệu về chiến tranh đã trở thành hai xu hướng mới, xuất hiện khá đậm nét trong tiểu thuyết viết về chiến tranh thời kỳ Đổi mới.

Ở xu hướng “giải sử thi” có tác phẩm rất giàu chất triết luận (Cõi đời hư thực của Bùi Thanh Minh), có tác phẩm miêu tả bi kịch cá nhân trên nền cảm hứng sử thi bi tráng (Những bức tường lửa của Khuất Quang Thụy, Sóng chìm của Đình Kính, Mùa hè giá buốt của Văn Lê), có tác phẩm đưa ra cái nhìn khách quan, tỉnh táo về nhân vật kẻ thù (Thượng Đức của Nguyễn Bảo Trường Giang, Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai),... đã cho thấy nỗ lực làm mới của một xu hướng tiểu thuyết vốn rất quen thuộc của các nhà văn Việt Nam.

Văn học tư liệu nổi lên, trở thành một xu hướng có nhiều triển vọng, với nhiều thể nghiệm ở một số thể loại như tiểu thuyết, hồi ký, nhật ký,… đã đưa đến những thành công nhất định, được bạn đọc ủng hộ, đón nhận nồng nhiệt như hồi ký của những tướng lĩnh Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Chuông; chân dung Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Trần Quốc Hương; nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, Đặng Thùy Trâm,… Nằm trong mạch nguồn chung, tiểu thuyết tư liệu về chiến tranh đã tạo được sức hấp dẫn đối với bạn đọc và giới nghiên cứu văn học, khẳng định được tầm quan trọng cũng như vai trò của xu hướng tiểu thuyết tư liệu lịch sử chiến tranh trong đời sống văn học đương đại như Đêm Sài Gòn không ngủ (Trầm Hương), Mùa hè giá buốt, Phượng hoàng của Văn Lê, Quân khu Nam Đồng của Bình Ca, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75(Trần Mai Hạnh),…

Có nhiều tác phẩm đã đạt giải thưởng, tạo nên “cơn địa chấn” đối với người đọc thích khám phá sự thật lịch sử trên lãnh địa của hư cấu như Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương giải ba Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm (2006 - 2011) lần thứ nhất; Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh đạt Giải thưởng văn học Hội Nhà văn 2014,.... Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là tác phẩm điển hình của xu hướng này, đã lập được kỷ lục với số lượng phát hành lên đến 10.000 cuốn (in lần thứ tư) và đã được dịch sang tiếng Anh. Sức hấp dẫn, tạo được sự ấn tượng, thích thú nơi bạn đọc, giới nghiên cứu phê bình văn học chính là việc tác giả đã sử dụng các tư liệu lịch sử như tài liệu, biên bản về cuộc chiến chống Mỹ một cách có hệ thống, có mục đích, có sáng tạo và tạo dựng nên một đời sống bao phủ quanh những tư liệu, biên bản và qua đó có thể cảm nhận được sức nóng của giai đoạn lịch sử đặc biệt - mùa Xuân năm 1975. Tôi rất đồng tình với nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng trong việc lý giải, dự cảm về tương lai của tiểu thuyết tư liệu, khi cho rằng: “Độc giả hôm nay có “ngả” về tư liệu [tiểu thuyết tư liệu về chiến tranh - BNH nhấn mạnh] thì cũng có lý do chính đáng. Họ cần sự thật trung thành. Họ cần biết thêm về chiến tranh qua tư liệu gốc, từ đó sẽ chủ động suy đoán, bình giá. Hư cấu nếu thấp lè tè thì không thể bằng tư liệu ngồn ngộn chất đời, chứa đầy sự thật. Nhu cầu chính đáng của con người là tiếp cận sự thật. Dẫu cho “thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng,…”4.

Trong sự nỗ lực hiện đại hóa tiểu thuyết, đội ngũ nhà văn thời kỳ này đã mạnh dạn nỗ lực bứt phá ra khỏi từ trường sử thi để thay đổi, tiếp cận, đi sâu tra vấn, mổ xẻ, khai thác, phân tích hiện thực chiến tranh từ góc nhìn đa chiều, từ cái nhìn trực diện, đầy phản tỉnh, cảm nghiệm về những vấn đề nhạy cảm của chiến tranh một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn chứ không chỉ dừng lại trong việc mô tả, tái hiện lại hiện thực chiến tranh. Nhiều vấn đề thuộc về chiến tranh, về người lính đã qua cũng được nhìn nhận lại, khách quan hơn, công bằng hơn, không còn duy lí, cực đoan, thiên kiến, thô kệch như trước. Hiện thực chiến tranh được các cây bút tiểu thuyết khai thác, tái hiện, phản ánh không chỉ là nhằm mục đích để mô phỏng quan điểm về chính trị của một thể chế, một giai cấp, ý thức hệ hoặc là tung hô, tự hào sức mạnh dân tộc, lực lượng chiến thắng, mà còn thể hiện như là diễn ngôn về những hệ lụy, những vết thương, về những tổn thất, hy sinh, về cái giá phải trả để có được, về thân phận, nhân tính của con người (Đỉnh máu của Nguyễn Bảo, Lính trận của Trung Trung Đỉnh, Đối chiến của Khuất Quang Thụy, Màu rừng ruộng của Đỗ Tiến Thụy,…). Đặc biệt là những mặt trái về thân phận, những diễn biến trong tâm hồn, những nhu cầu cá nhân của người lính, thường dân ở cả hai bên chiến tuyến được nhìn nhận, soi chiếu ở nhiều góc độ, nhiều bình diện một cách sâu sắc, nhân văn (Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Cơ bản là buồncủa Nguyễn Ngọc Thuần, Thượng Đức của Nguyễn Bảo, Mình và họ của Nguyễn Bình Phương),...

Hình tượng người lính cách mạng được khám phá, tổ chức, xây dựng bằng điểm nhìn đa trị, mảnh ghép, huyền thoại, tâm linh đã làm phá vỡ những mô thức nhân vật trung tâm, đem lại sự phong phú, đa dạng trong cấu trúc nhân cách nhân vật, góp phần xây dựng một quan niệm toàn diện về con người (Mình và họcủa Nguyễn Bình Phương, Bên dòng Sầu Diện, Hoang tâmcủa Nguyễn Đình Tú, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Mùa hè giá buốt của Văn Lê,…).

Dạng thức huyền thoại hóa được biểu lộ qua việc người viết đã làm nhòe mờ nhân vật bằng lời trần thuật đa thanh, giọng điệu vô âm sắc, bằng những đại từ phiếm chỉ (bố anh, bố em, cô áo thiên thanh trong Xác phàm; Hắn, họ, người đàn bà, Đại trưởng trong Mình và họ), bằng việc đặt tên vùng miền giàu sắc thái tâm trạng (Dòng Sầu Diện, Thị trấn Mặt Buồn, thị trấn An Lạc trong Bên dòng Sầu Diện); Thung Lũng Oan Khuất trong Mình và họ), bằng các chi tiết hình ảnh phóng đại, siêu thực (Bông hoa Lòng Hào, nhân vật Anh trong Hoang tâm),... khiến chân dung nhân vật, không gian truyện trở nên huyền ảo, hư hồ, bay bổng, “bất khả tín”, khó hình dung, khó xác định cụ thể.

Những mô thức kết cấu mới mẻ, độc đáo được thể nghiệm, vận dụng linh hoạt, phá vỡ khung kết cấu đại tự sự truyền thống trong tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh như kết cấu dòng ý thức (Xác phàm, Miền hoang, Hoang tâm,…), kết cấu phân mảnh, lồng ghép (Mình và họ, Rừng thiêng nước trong, Mùa hè giá buốt,…), kết cấu trần thuật đa trị (Xiêng Khoảng mù sương, Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-75), kết cấu liên văn bản (Miền hoang, Bên dòng Sầu Diện, Hoang tâm, Mình và họ),…

Ngôn ngữ cũng rất đa dạng và phong phú, ngoài khai thác, làm mới các vùng ngôn ngữ chính trị, quân sự “ngoại biên”, ngôn ngữ biểu tượng, ẩn dụ ít được sử dụng trước đó, tiểu thuyết viết về chiến tranh ở chặng đường này cũng đã bứt phá ra khỏi từ trường diễn ngôn sử thi cách mạng tráng lệ để tìm về với thứ ngôn ngữ trong cuộc sống sinh hoạt đời thường một cách mạnh mẽ, táo bạo, nhất là ngôn ngữ - dạng thức tục ngôn, có phần bổ bã, bặm trợn, tục tĩu (Lính trận, Mình và họ, Miền hoang),…

Giọng điệu sử thi của đại tự sự một thời là âm điệu chủ lưu, thuần nhất không còn thống ngự tuyệt đối trong tiểu thuyết viết về chiến tranh ở chặng đường này, thay vào đó là sự tăng cường, phối trộn nhiều chất giọng khác nhau như giọng điệu quan hài da diết, giọng điệu triết lí chiêm nghiệm, giọng điệu sinh hoạt, giọng điệu đa thanh, giọng điệu vô âm sắc (Thượng Đức, Mùa hè giá buốt, Sóng chìm, Đối chiến, Đỉnh máu),…

Ở những người trẻ hơn như Nguyễn Thị Kim Hòa, Trịnh Sơn, Huỳnh Trọng Khang,... có sự linh hoạt trong tổ chức thế giới nghệ thuật, lối viết, cấu trúc mềm dẻo của hệ thống sự kiện, điểm nhìn, tính chất hiện đại thuộc về diễn ngôn, đặc tính thế sự của không gian truyện kể, vai trò của yếu tố vô thức, tâm linh, huyền ảo,…

Khúc vĩ thanh

Đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ Đổi mới là một chặng đường phát triển vừa có tính bình ổn, củng cố các giá trị truyền thống vững chắc, đồng thời vừa kế thừa tiếp biến, vừa chủ động cách tân, sáng tạo, mở ra những khuynh hướng giá trị mới, mang lại những sắc thái mới, đa dạng hơn, phong phú hơn, chân thực hơn, táo bạo hơn với nhiều suy ngẫm, nhiều khám phá, phản ánh hiện thực chiến tranh và người lính đa diện, nhiều chiều, tạo nên dấu ấn nổi bật, khác biệt với giai đoạn trước đó, đáp ứng được nhu cầu tinh thần, nhận thức và đấu tranh của xã hội Việt Nam đương đại. Đặc biệt là, giáo dục thế hệ trẻ có tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, có khát vọng dựng xây đất nước, quê hương ngày càng văn minh, cường thịnh, tốt đẹp hơn.

Những thành tựu gặt hái được của tiểu thuyết Việt Nam viết về đề tài này thật đáng ghi nhận, góp phần rất lớn vào dòng chảy chung của nền văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh và người lính. Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, thành tựu ấy vẫn chưa thật sự xứng tầm với một chiều dài lịch sử chiến tranh của dân tộc, vẫn còn “nợ” lịch sử - tức là vẫn chưa có nhiều tác phẩm lớn, hay, đạt đỉnh cao, có tính phát hiện, đột phá. Nói như nhà văn Phạm Ngọc Tiến: “Văn học phải mới, nếu không đủ tầm tìm được cái mới thì ít nhất cũng phải tìm được “cái lạ”.

Sự quan tâm của người cầm bút, người đọc, các nhà nghiên cứu, phê bình phần nào đã chứng tỏ đề tài này trong văn xuôi và tiểu thuyết nói riêng vẫn còn là một mạch nguồn chưa bao giờ vơi cạn, vẫn là một mảnh đất màu mỡ mà các cây bút mọi thế hệ phải tiếp tục dành nhiều tâm huyết, tiếp cận, khai thác, khám phá, tìm kiếm quyết liệt để bứt lên, đổi mới tư duy sáng tạo, làm nên những ý nghĩa mới, tầm vóc, đem lại những tác phẩm thật sự có cách nhìn mới, chất lượng cao, giàu tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu của công chúng tiếp nhận, tạo sức lan tỏa rộng rãi, tác động và lay động lớn trong đời sống văn học trong và ngoài nước.

B.N.H
(TCSH418/12-2023)

--------------------
1 Nguyệt Hà (2017), “Văn học về đề tài chiến tranh: Mạch nguồn chưa vơi cạn”, (02/09), Nguồn: cand.com.vn.
2 Minh Châu (2019), “Tại sao tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” được quốc tế quan tâm?”, Zingnews.vn, (17/7).
3 Mai Quỳnh Nga (2018), “Phim về đề tài chiến tranh không thể mãi “ăn mày dĩ vãng””, Nguồn: cand.com.vn, (15/12).
4 Bùi Việt Thắng (2017), “Sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng”, Nguồn: nhandan.vn, (11/04).

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ sen (06/10/2023)