YẾN THANH
Nguyễn Quang Hà là một cây bút đã để lại nhiều dấu ấn trong nền văn học Việt Nam đương đại nói chung và văn học Cố đô Huế nói riêng.
Bước qua năm 2024 này, ông tròn 87 tuổi (sinh năm 1937), và hiện nay vẫn miệt mài sáng tạo sau hơn 20 năm chống chọi với căn bệnh ung thư đại tràng đầy tai ác. Là một người trưởng thành trong chiến tranh, có thể nói, Nguyễn Quang Hà là một trong những đại diện xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Vốn là một người lính trực tiếp ra trận cầm bút, những trang văn của ông luôn hừng hực tính chiến đấu, khắc ghi ký ức sống động ám đầy khói lửa của những người đi qua chiến tranh. Tuy nhiên, đến giai đoạn hòa bình, đất nước Đổi mới, với biết bao vết thương cũ, bệnh tật hiểm nghèo, Nguyễn Quang Hà vẫn luôn miệt mài sáng tạo ở thể loại sở trường, đó chính là tiểu thuyết - một thể loại chưa bao giờ dễ sáng tạo đối với đa phần nhà văn Việt Nam. Gần như từng năm một, ông đều cho xuất bản một quyển tiểu thuyết và tên tác giả luôn là thứ bảo chứng cho chất lượng của tác phẩm. Tôi luôn khâm phục sức sáng tạo, sự miệt mài, ý thức trách nhiệm công dân lẫn tính chiến đấu không bao giờ phai nhạt trong những trang viết của ông. Có thể nói, Nguyễn Quang Hà đã dành trọn cuộc đời mình để sống và viết như một người lính, bất chấp chiến tranh đã dừng lại gần 50 năm và tuổi tác đã ở độ “xưa nay hiếm”. Cả chiến tranh bom đạn, cám dỗ vật chất, đe dọa của quyền lực, lẫn bạo bệnh ung thư đều không thể làm cong ngòi bút hay đánh bại tinh thần người lính cầm bút Nguyễn Quang Hà.
Tôi có may mắn được gặp gỡ, trò chuyện và tâm sự nhiều với nhà văn Nguyễn Quang Hà, như một người bạn văn chương vong niên, và cũng như một người bác trong gia đình. Những câu chuyện về văn chương, gia đình khiến tôi hiểu những trăn trở trước thời cuộc và thời gian của ông. Nguyễn Quang Hà đo thời gian bằng trang viết và trải lòng mình trong những trang viết. Ngoài sức mạnh thể chất đáng kinh ngạc, sự nghiệp sáng tạo của ông còn thể hiện bản lĩnh tinh thần đáng khâm phục. Hình như mỗi ngày ông đều ngồi vào bàn viết, trừ những tháng ngày nằm bệnh viện cấp cứu. Chính vì vậy, mỗi năm trôi qua với 365 ngày, Nguyễn Quang Hà thường dành tặng bạn đọc một tiểu thuyết có số trang nhiều hơn số ngày trong một năm, ròng rã qua nhiều năm liền không ngưng nghỉ, không bao giờ chịu an phận “rửa tay gác kiếm”. Trong sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Quang Hà, có nhiều tác phẩm thực sự xuất sắc, nhận được các giải thưởng văn học cao quý như: Sông dài như kiếm, Tiếng thở dài của đất, Vùng lõm, Nợ đời, Nếu không có nhân dân… Năm 2023, nhà văn lão thành Nguyễn Quang Hà cho phát hành tuyển tập tiểu thuyết đồ sộ với tựa đề chung Thời tôi mặc áo lính dày dặn đến vài nghìn trang khổ lớn. Bộ đại thành tiểu thuyết này thực chất bao gồm chín quyển tiểu thuyết viết về kháng chiến Việt Nam, kéo dài trong giai đoạn lịch sử từ 1967 đến 1975 - cuộc kháng chiến trường kì mà nhà văn đã trực tiếp dự phần và cũng như bước qua với biết bao nỗi đau và lời nguyền.
Ở Huế, có bốn nhà văn lão thành đi qua chiến tranh mà tôi đặc biệt kính trọng, cũng như có mối quan hệ thân thiết, đó là Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu và Nguyễn Quang Hà. Tôi từng hứa với nhà văn Nguyễn Quang Hà sẽ viết gì đó về bộ Thời tôi mặc áo lính, song rồi cứ thất hứa mãi, mặc dù ông là một trong những nhà văn mà tôi kính trọng nhất trong cuộc đời viết phê bình của mình, cũng như ở mảnh đất Cố đô. Thứ nhất bởi tôi chưa có điều kiện và thời gian để nghiền ngẫm kỹ lưỡng một lúc chín quyển tiểu thuyết đồ sộ viết về kháng chiến chống Mỹ của Nguyễn Quang Hà. Thứ hai là hiện thực mà nhà văn từng sống trải trong tác phẩm quả là không dễ chiêm nghiệm đối với một người trẻ tuổi sinh ra trong hòa bình như tôi. Có nhiều vấn đề, chi tiết dẫu đã đọc qua song tìm ra mã thẩm mỹ hay đạt đến sự thông hiểu, thì quả thật vẫn còn nhiều thách thức. Dù chưa đọc hết được xuyên suốt chín quyển tiểu thuyết trong Thời tôi mặc áo lính, song có nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm thức của tôi, đơn cử như trường hợp của Vùng lõm. Theo thiển ý của cá nhân tôi, Vùng lõm xứng đáng là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất viết về kháng chiến chống Mỹ của văn học Việt Nam hiện đại. Đó cũng là một trong những thành tựu quan trọng của văn học Việt Nam giai đoạn 20 năm đầu thế kỉ 21.
Trong khi chưa thực sự tìm thấy phiến đá cửa vào đối với tiểu thuyết của Nguyễn Quang Hà, tình cờ tôi lại được đọc bản thảo tập thơ sắp in của ông. Đa phần đây đều là những thi phẩm đã nổi tiếng trên văn đàn trong nhiều năm qua, được in nhiều nơi và nay được tổng hợp lại trong một hợp tuyển thi ca. Điều làm tôi ngạc nhiên đó là, tư duy văn xuôi, lối viết tiểu thuyết vốn đã trở thành phong cách định hình của lối viết Nguyễn Quang Hà - thứ tạo ra một thứ căn cước nghệ thuật của riêng ông, đã không phương hại đến tư duy trữ tình trong thơ. Đây là một điểm khá hiếm trong làng văn Việt Nam. Khá nhiều nhà văn xuôi có sáng tác thơ, nhưng chỉ là thứ thơ hạng hai, kể cả trường hợp đại gia Nguyễn Huy Thiệp. Ngược lại, cũng có nhà thơ lấn sân sang viết văn xuôi song không thành công. Chính tôi là một đơn cử điển hình. Làm thơ với tôi là một cách biểu hiện mình có tính bản năng, thơ xuất hiện trên giấy khá dễ dàng, song tiểu thuyết dù có rất nhiều dự định, ý tưởng, dự án song mãi mãi vẫn không thể thực hiện được. Truyện ngắn thì có thử bút, cũng vài truyện được đăng báo khá sớm, song hầu như tôi ít khi dám đọc lại truyện ngắn của mình. Nói vậy để thấy, sự đa năng, đa hệ trong tư duy nghệ thuật văn chương của Nguyễn Quang Hà. Phải nhìn nhận thẳng thắn và sòng phẳng rằng, tiểu thuyết vẫn là sân chơi/ khấu chính của ông. Tiểu thuyết chứng kiến những gì tinh hoa và thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp cầm bút của ông. Thơ dù sao cũng là một cuộc dấn thân mới mẻ, muộn màng và ít thành công hơn so với tiểu thuyết. Song dù vậy, thơ ca Nguyễn Quang Hà vẫn có những dấu ấn nghệ thuật nhất định, những thông điệp nhân sinh đầy ý nghĩa mà bạn đọc có thể rút ra. Trên địa hạt của nghệ thuật trữ tình, người chiến sĩ cầm bút đầy chất lửa trong tim Nguyễn Quang Hà vẫn chứng minh được tài năng và nhân cách của chính mình.
Trong công trình phê bình mới đạt giải thưởng của Hội đồng lý luận phê bình trung ương của PGS. TS. Hồ Thế Hà, tác giả đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin rất đáng chú ý về quá trình sinh tạo thơ của Nguyễn Quang Hà. “Gần nửa thế kỷ liên tục sáng tác, Nguyễn Quang Hà đã tự tạo cho mình chứng chỉ nghệ thuật vững chắc ở thể loại văn xuôi và đạt được những giải thưởng danh giá do các Tổ chức văn học uy tín trao tặng… Dẫu tác phẩm xuất bản sớm nhất của anh lại thuộc về thơ: Tiếng gà trên điểm chốt (1976), sau đó, hơn mười năm, anh mới ấn hành tiếp thi tập Miền gió hoang vu (2000). Vậy là xuất phát từ thơ, anh đã nhanh chóng chuyển qua thế mạnh đa dạng của mình là văn xuôi… Để giờ, mấy chục năm sau, khi tuổi trẻ đã đi qua một chặng thăng trầm khá dài, anh mới trở lại với thơ, như là cách cân bằng tâm thế và tình cảm của mình. Tập thơ Gửi em cô gái đỏng đảnh (2018) lại có thể xem là chứng chỉ tâm hồn lãng mạn và trữ tình đắm đuối của một hồn thơ tự vỡ, tự trẻ lại trước những khoảng lặng sâu thẳm của trái tim đa tình, dại ngộ, nhưng rất đỗi tin yêu và nồng thắm trước tình yêu” [Thơ Nguyễn Quang Hà - cuộc sống và tình yêu vi vu giữa vũ trụ sinh thành - Hồ Thế Hà, in trong công trình phê bình Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ, Nxb. Văn học, Hà Nội]. Vậy là căn tủy tâm thức sáng tạo của Nguyễn Quang Hà lại chính ở thơ, ông khởi đi hành trình sáng tạo của mình với thơ, rồi gần như sẽ kết lại với thơ ca. Văn xuôi phù hợp với tính cách chiến đấu và lối viết với “rất nhiều ánh lửa” của Nguyễn Quang Hà, song dường như có một con người bề sâu khác trong ông, nhạy cảm, dâng hiến, đắm say. Con người ấy ắt hẳn phù hợp với thể loại thi ca.
Nguyễn Quang Hà không làm nhiều thơ so với những bạn văn cùng thế hệ, sống cùng thời, song ông vẫn kịp để lại một di sản nhất định. Bài thơ làm tôi chú ý đặc biệt lại xuất phát từ kỉ niệm, ký ức cá nhân của riêng mình. Đó là thi phẩm Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985. Bấy lâu nay, khi viết phê bình, thông thường tôi thường mang tâm thức vì người khác, cố phân tích tác phẩm như một khách thể nghệ thuật ở bên ngoài thế giới tâm hồn nội tâm. Song với thơ ca Nguyễn Quang Hà, tôi muốn thử bút một lối viết phê bình chủ quan hơn, cho chính mình hơn. Nói như Hoài Thanh là lối phê bình ấn tượng, “tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Đọc thi ca như thế, mới đi tìm được sự đồng cảm, tìm thấy chân dung mình trong văn bản kẻ khác, và thực sự trải nghiệm được khoái cảm của sự đọc văn bản.
Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985 dĩ nhiên là bài thơ làm tôi chú ý ngay từ đầu, bởi nó được sáng tác đúng vào năm 1985, không thể nào khác hơn được nữa. 1985 cũng chính là năm tôi sinh ra đời, một bài thơ quá cũ kĩ, song mang một ý nghĩa riêng tư đối với chính cá nhân tôi. Tôi muốn biết năm mình sinh ra đời, đất nước đã trong hoàn cảnh nào, có biến cố gì xảy ra, và những văn nghệ sĩ đương thời như Nguyễn Quang Hà đã sống và viết như thế nào ở thời điểm ấy. Năm 1985 có thể nói là một thời điểm lịch sử quan trọng, bởi đất nước đang đứng ngay trước ngưỡng cửa của giai đoạn Đổi mới. Nhưng Đổi mới vẫn chưa được bắt đầu, có nghĩa là nạn quan liêu bao cấp vẫn còn đó, tình trạng nghèo đói, bế quan tỏa cảng vẫn còn hiện diện. Đặc biệt năm 1985 còn xảy ra một biến cố mà sau này những người còn sống vẫn thường xuyên nhắc lại, đó chính là cơn bão thuộc hàng khủng khiếp nhất ở Việt Nam nửa sau thế kỉ XX đã tàn phá cả đất nước, để lại nhiều thảm họa nhân đạo. Bố mẹ tôi từng kể lại trong ký ức kinh hoàng rằng, năm con sinh ra trên đời, có một cơn bão lớn trong lịch sử của đất nước đã xảy ra. Cây cối ở Huế đa phần đều gãy đổ hết. Thành phố la liệt xác cây đổ, còn các ngôi nhà đều bị tàn phá mái ngói. Nhiều nhà cửa bị đổ sập, thành phố tan hoang trong cơn cuồng phong.
Bài thơ Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985 của Nguyễn Quang Hà thể hiện đúng tính chất thời sự và trách nhiệm công dân của ông, luôn đồng hành cùng dân tộc và không bao giờ đứng ngoài các biến cố của lịch sử. Chỉ riêng Gio Hải, sự tàn phá của cơn bão này là rất khủng khiếp:
- Đang đêm sóng thần ập vào
148 ngôi nhà bị cuốn đi mất tích
2300 người lang thang
Đi trên đất cũ làng xưa
Chỉ thấy cát và cát
Tình thế của nhân dân Gio Hải sau bão rất thê thảm: “Gạo cứu trợ không có nồi nấu - Áo rách không có kim may - Bới đất đồi tìm nước ngọt - Cầm hơi qua ngày”. Nguyễn Quang Hà luôn là người lính, phóng viên chiến trường xông pha trong chiến tranh, đến thời hòa bình, tính xung kích, gần gũi với nhân dân, đồng hành với số phận nhân dân lầm than của ông vẫn được giữ nguyên vẹn. Những con số cụ thể trong thơ Nguyễn Quang Hà là một thủ pháp đặc biệt, và cũng là phong cách quen thuộc trong sáng tạo văn chương của ông. Tôi còn nhớ, đại văn hào G.G.Márquez từng cho rằng, những con số cụ thể đưa vào trong văn học là một thủ pháp nghệ thuật. Nếu nói rất nhiều nhà cửa và đa số nhân dân đều bị ảnh hưởng, tàn phá trong cơn bão năm 1985 thì sẽ có người không mấy tin tưởng, hoặc sự đồng cảm dừng ở một mức độ “chung chung” nào đó. Nhưng khi thi sĩ miêu tả cụ thể có 148 ngôi nhà bị lũ cuốn và 2300 người trở thành vô gia cư, thì ai cũng đồng cảm, ai cũng tin tưởng sâu sắc vào thông điệp mà tác phẩm văn học nói đến. Vì một điều giản đơn rằng, qua những con số này cho thấy mức độ cụ thể, chi tiết của thiên tai, quan trọng hơn, nó cho thấy nhà văn có đi trực tiếp đến hiện trường, chứ không phải đóng phòng văn hì hục tưởng tượng. Vốn là một chiến sĩ xông pha trận mạc, lại từng là phóng viên chiến trường, nên Nguyễn Quang Hà luôn xông vào những điểm nóng nhân dân cần, bất kể trong thời bình hay thời chiến. Tính xung kích và tiên phong đã làm nên phẩm cách Nguyễn Quang Hà. Tôi quý trọng Nguyễn Quang Hà cũng bởi chất lửa, tính xung kích và tính dấn thân này. Nơi nào có chiến sự, có thiên tai, có khó khăn thì nơi ấy có dấu chân và ngòi bút của ông. Sự đồng cảm, xót xa đối với số phận dân nghèo của Nguyễn Quang Hà là có thật, không phải để làm dáng, không phải để ban ơn. Hãy đọc kĩ những vần thơ này, bạn đọc có thể tự cảm nhận được trái tim và tâm hồn của thi sĩ:
- Nhìn nhau, nhìn trời, nhìn đất
Bần thần ngơ ngác đôi tay
Tôi nhìn ra biển khơi xa
Biển xanh biêng biếc
Vẫn sóng bạc đầu
Vẫn hải âu bay
Như không hề có bão
Như không hề có sóng thần chi hết cả
Bỗng tôi giật mình
Nhận ra
Mặt biển đêm qua và mặt biển bây giờ
Rõ ràng bão giông là có thật
Biển xanh là có thật
Tôi cứ mãi ám ảnh với những câu thơ này của Nguyễn Quang Hà. Bài thơ hình như cố gửi một thông điệp nào đó đến với chúng ta, đằng sau sự xót thương bình thường trước một cơn bão lớn. Cơn bão ngoài thực tại hình như báo hiệu một cơn bão lớn lao nào đó trong tâm hồn, trước thực trạng đất nước đang khủng hoảng, trì trệ trước thời điểm Đổi mới (1986) diễn ra. Số phận lầm than, đói kém, vô gia cư của người dân Gio Hải có phải là một ẩn dụ nào đó về số phận dân tộc Việt Nam dưới nạn quan liêu, cửa quyền, quá trình hợp tác xã đồng loạt đã giết chết động lực phát triển của mỗi cá nhân và cả dân tộc, dù hòa bình đã lập lại gần một thập niên. Là một người lính đi qua chiến tranh, Nguyễn Quang Hà hiểu rằng giành được độc lập, tự do là rất khó khăn, phải trả bằng máu xương của biết bao nhiêu thế hệ - những người đồng đội của ông. Song xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, ấm no, dân chủ, công bằng cho nhân dân đôi khi còn khó khăn, nan giải hơn. Vì đôi khi, kẻ thù trong thời bình là đồng đội mình, là chính những người trong gia đình, thậm chí là chính mình trong cuộc đấu tranh với những cám dỗ và dục vọng tầm thường.
Bài thơ đã dự cảm về những sự thay đổi lớn lao sắp sửa diễn ra, tất yếu phải diễn ra, bởi đời sống nhân dân đã quá cực khổ. Nếu Đổi mới không diễn ra như câu chuyện lịch sử mà chúng ta đã biết, thì quả thật, “bão giông là có thật - biển xanh là có thật”. Dĩ nhiên, sẽ có những cách diễn giải khác nhau cho đoạn thơ này, khác hẳn cách “suy diễn” của tôi. Song cái hay của nghệ thuật thi ca đích thực là tạo ra những khoảng trống nhòe mờ, để người đọc được phép đồng sáng tạo theo cách mà mình muốn. Văn xuôi mạnh về phản ánh hiện thực, nên những ẩn dụ của nó, ở một chừng mực nào đó cũng sẽ hiển lộ hơn thi ca, thông điệp của văn xuôi cũng rõ ràng, trực tiếp hơn thi ca. Song sức mạnh của thi ca nằm ở sự khuất chìm của những tầng ý nghĩa, của sự nhòe mờ của các thông điệp, của sự vẫy gọi đồng sáng tạo từ phía người tiếp nhận. Những hình tượng bão giông, biển xanh, sóng thần… trong thi phẩm này của Nguyễn Quang Hà, theo tôi, không nên chỉ nhìn đơn nghĩa và một chiều xuất phát từ một sự kiện lịch sử (thiên tai). Nó là bài thơ báo hiệu cho đêm trước đổi mới, với những thay đổi lớn lao và “long trời lở đất” sắp sửa được diễn ra. Nó cũng phản ánh trực diện đời sống nhân dân lầm than, và sự yếu kém của chính quyền cách mạng trong giai đoạn quan liêu bao cấp. Rõ ràng khi thiên tai xảy ra, chính quyền đã không ứng phó, cứu trợ đủ nhanh, đủ hiệu quả để giúp đỡ cho nhân dân. Hãy đọc kỹ lại đoạn thơ này thêm một lần nữa, và suy ngẫm sâu hơn: “Gạo cứu trợ không có nồi nấu - Áo rách không có kim may - Bới đất đồi tìm nước ngọt - Cầm hơi qua ngày”.
Rõ ràng chính quyền trung ương vẫn có gạo cứu trợ, vẫn có sự viện trợ, song chính quyền tại cơ sở đã không có một phương án hữu hiệu nào để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân. Với tôi, một tác phẩm văn học hay phải khái quát được bức tranh toàn cảnh của hiện thực, cái hiện thực hữu hình, trước mắt chỉ nên là điểm khởi đi, là nguyên cớ cho những hiện thực bề sâu, hiện thực tổng quan của thời đại và xã hội. Tôi tin rằng, thi phẩm Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985 của Nguyễn Quang Hà có nhiều tầng ý nghĩa, và tôi cũng mong bạn đọc có thể tìm thêm những tầng ý nghĩa khác theo cách thông diễn của cá nhân mình, ngoài cách hiểu của cá nhân tôi.
Đoạn cuối của bài thơ cũng gợi ra trong tôi rất nhiều câu hỏi băn khoăn, nghi vấn.
- Ôi chẳng lẽ lại là có thật
Chẳng lẽ lại là của chính đại dương?
Thì ra
Biển cũng
Thay lòng
Đây là một cái kết bỏ ngỏ, gợi ra nhiều suy ngẫm. Lời thơ thoạt nhiên như một câu trách móc đại dương về những thiên tai mà nó đã gây ra cho con người. Đại dương luôn bao bọc, chở che và nuôi sống con người Gio Hải nói riêng, và con người Việt Nam nói chung - một dân tộc sống hướng về phía biển, do nước ta là một quốc gia có địa hình bán đảo, sở hữu vô số quần đảo ngoài Biển Đông, cũng như có bờ biển kéo dài bậc nhất Đông Nam Á. Nhưng đại dương là một thực thể thiên nhiên vô tri, bản chất ngàn đời của nó là biến động và khó lường, không lẽ thi sĩ lại ngây thơ đi trách móc đại dương “thay lòng”?
Tôi cho rằng, cái kết đầy băn khoăn và hoang mang này của thi phẩm Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985 càng chứng minh rằng, cơn bão cuồng nộ năm 1985 là có thật, song nó chỉ là cơn bão bề mặt cho những khổ đau và khát vọng đổi thay mà Nguyễn Quang Hà muốn thực sự nói đến. Những gì đã xảy ra sau khi bài thơ Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985 ra đời, chúng ta vẫn thường nói rằng, chuyện đó đã trở thành lịch sử. Những thành tựu mà ngày nay chúng ta đang thừa hưởng: một nền kinh tế thị trường đầy năng động, các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng, sự xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, thành phần kinh tế tư nhân được xem là động lực của nền kinh tế, mối quan hệ đối ngoại đa dạng, tự chủ với phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”… đều là những thành tựu rực rỡ từ thời kì Đổi mới. Hơn ba mươi bảy năm qua, đất nước từng bước thay da đổi thịt, đời sống nhân dân được thay đổi một cách căn bản, tất cả những gì chúng ta đang có ngày hôm nay đã từng được Nguyễn Quang Hà suy ngẫm và dự báo trong bài thơ Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985.
Chức năng dự báo của văn học trong trường hợp này đã được thể hiện đầy đủ, và nhà thơ như một cánh chim báo bão ngoài đại dương, đã tiên báo cho chúng ta những biến động lớn lao của lịch sử đất nước sắp sửa diễn ra. Tôi cho rằng, ở thời điểm này, đọc lại thi phẩm Đến Gio Hải sau cơn bão số 8 - 1985, bản thân Nguyễn Quang Hà sẽ có nhiều mãn nguyện, bởi những khát vọng, những trăn trở của ông cách đây gần 40 năm đã được thực hiện chưa trọn vẹn, song đã được phần cơ bản nào đó. Rõ ràng đất nước ngày hôm nay vẫn còn nhiều vấn nạn, nhiều khó khăn, nhiều nguy cơ, thách thức mới đặt ra, nạn tham ô, tham nhũng, tàn phá môi trường, vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, tình trạng tội phạm có tổ chức… song dù sao cũng không thể phủ nhận những thành tựu lớn lao của đất nước qua gần 40 năm tiến hành đổi mới.
Nguyễn Quang Hà là người hành trình qua chiến tranh đến hòa bình, sống và viết vắt qua hai thế kỷ, hẳn rằng nhà văn nhận ra được những khó khăn và chứng kiến được những đổi thay, mới mẻ ngày hôm nay của quê hương. Thiên tai, bão lũ vẫn còn đó hằng năm, song ngoài cơn lũ 1999 lịch sử, có lẽ ở Huế và miền Trung sẽ không diễn ra một cơn thiên tai nào như năm 1985 nữa. Bởi vì, công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, hoạt động cứu hộ cứu nạn, sự chỉ đạo hiệp đồng lẫn tiềm lực của đất nước đã khác trước đây rất nhiều. Những người dân vẫn chết và mất nhà cửa trong các cơn bão lũ hằng năm, song hoạt động cứu trợ của chính quyền, hoạt động sơ tán, cảnh báo đã được thực hiện tốt, chưa kể các hoạt động thiện nguyện của nhân dân đã kịp thời giúp đỡ các nạn nhân của thiên tai. Chính vì vậy, những cơn bão sau này, dù có khủng khiếp không kém phần cơn bão năm 1985, nhưng Nguyễn Quang Hà không làm thơ về thiên tai nữa. Nhà văn đã có thể yên tâm để yêu trọn vẹn trong thơ, hoặc sống lại một cuộc đời thanh niên đấu tranh trong tiểu thuyết. Thơ ca như vậy, không chỉ là câu chuyện thời sự, nhất thời, mà nó là câu chuyện phổ quát, quy luật về cuộc đời.
Trong nhiều năm quen biết, trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Hà, bao giờ tôi cũng nhận ra sự quan tâm tới thời cuộc, nỗi lo lắng đến dân sinh và hiện thực cách mạng của ông. Cả tiểu thuyết và thơ của ông luôn thấm đẫm tính nghệ thuật vị nhân sinh, đó là cống hiến lớn nhất của ông đối với cuộc đời, trên cương vị một người cầm bút lẫn cương vị công dân. Song điều này, đôi khi cũng là hạn chế cố hữu trong những sáng tác nghệ thuật của ông. Cần thẳng thắn chỉ ra trong các tác phẩm của Nguyễn Quang Hà, nhất là trên địa hạt văn xuôi, nhiều khi tính thời sự, tính hiện thực, tính tư liệu đã lấn át tính nghệ thuật, cách tân hình thức, thủ pháp và tư duy nghệ thuật theo hướng hiện đại và hậu hiện đại kiểu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Tôi nhận ra những giới hạn cố hữu này trong các sáng tác của Nguyễn Quang Hà, và chưa bao giờ lảng tránh, né tránh nói về điều đó. Song bất chấp những giới hạn ấy, điểm bạn đọc chờ đợi và ghi nhận ở Nguyễn Quang Hà là ở mặt khác của tấm huy chương vinh quang của sáng tạo văn chương: mặt hiện thực và đấu tranh quên mình cho một hiện thực tốt đẹp hơn. Cả đời ông đã sống và viết với niềm tin không bao giờ lay chuyển đó. Ở độ tuổi gần 90, khi tất cả những bạn văn cùng thời đa số đã an nghỉ dưới cõi vĩnh hằng, Nguyễn Quang Hà vẫn sống mạnh mẽ, để liên tục sáng tạo và nghiền ngẫm về hiện thực, cả hiện thực ngày hôm qua và hiện thực ngày hôm nay ông đang sống. Những nhà văn thế hệ đi sau như chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng tuyệt đối của Nguyễn Quang Hà - một nhà văn với ánh lửa vĩnh cửu trong tim mình.
Y.T
(TCSH421/03-2024)