PHẠM PHÚ PHONG
Trần Huy Liệu (5/11/1901 - 28/7/1969) là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, một chính khách từng giữ các cương vị lãnh đạo trong bộ máy chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi còn non trẻ.
Ngoài tên thật Trần Huy Liệu, ông còn có các bút danh: Đẩu Nam, Nam Kiều, Côi Vị, Kiếm Bút, Ẩm Hận, Hận Nhân, T.H.L... khi viết cho báo Nhành lúa, ông ký tên là Hải Khách. Và, cùng với Nguyễn Xuân Lữ, Hải Triều, Hải Hà, Hải Thanh, Thu Vân, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Chí Diểu, Trần Viết Châu, Sư Vân Đàm, Hàn Tố, Tứ Hải, ông là một trong những nhân vật trụ cột của báo Nhành lúa, cơ quan của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ (1937).
Ông sinh ngày 5/11/1901 (nhằm ngày 13 tháng Mười, năm Tân Sửu) tại làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nghèo có truyền thống Nho học và yêu nước. Sáu tuổi, ông đã xa nhà ra ở trọ học chữ Hán, nhưng chế độ khoa cử nhà Nho đã đến lúc lụi tàn. Ông không thể thực hiện nguyện vọng thi cử, đỗ đạt ra làm quan như cha của ông và gia đình mong muốn, nên phải chuyển sang học chữ quốc ngữ. Năm 1918, mới 17 tuổi ông đã làm nhiều bài thơ yêu nước và đã có một số bài báo đăng trên các tờ Nam Phong tạp chí, Thực nghiệp dân báo... Năm 1921, ông rời làng quê, để lại vợ con, gia đình ở quê nhà, cùng thầy giáo dạy học của mình là Bùi Trình Khiêm vào Sài Gòn lập nghiệp, với sự tin tưởng mơ hồ rằng, nơi đây là đất thuộc địa, các chính sách được nới rộng, tư tưởng mở mang, mới mẻ; chắc hẳn là đất lành cho chim đậu.
Sự khởi đầu của Trần Huy Liệu ở vùng đất mới bằng nhiều nghề để kiếm sống, trong đó có cả làm thơ, viết bài để đăng báo. Viết báo, hẳn nhiên là để kiếm sống, nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn của một thanh niên yêu nước, ông làm báo là nhằm thực thi lý tưởng xã hội của mình, tìm kiếm con đường đấu tranh cho dân, cho nước, nên những tờ báo mà ông cộng tác đều là những tờ báo yêu nước, tiến bộ, khẳng định tư tưởng khai hóa dân sinh, tự tôn dân tộc như Ngòi bút sắt, Rạng đông..., rồi ông nhanh chóng trưởng thành, làm chủ bút các báo Nông cổ mín đàm (1924), Đông Pháp thời báo (1925-1926), sáng lập báo Pháp Việt nhất gia (1927). Bên cạnh đó, ông cùng bạn bè, đồng nghiệp cùng chung chí hướng đứng ra thành lập Đảng Thanh niên, nhằm vận động, đấu tranh cho phong trào yêu nước, thu hút khá đông thanh niên trí thức đô thị tham gia, nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, vì thiếu một cương lĩnh chính trị phù hợp. Năm 1927, ông bị kết án 6 tháng tù giam, vì tờ Pháp Việt nhất gia do ông sáng lập và làm chủ bút dám quyết liệt đấu tranh chống đường lối “Pháp Việt đề huề” của thực dân Pháp. Mãn hạn tù, 1928 ông thành lập Cường học thư xã (mô phỏng theo Cường học hội của Lương Khải Siêu), dịch và xuất bản hàng loạt trước tác của nhà canh tân Lương Khải Siêu và ấn hành các sách do Trần Huy Liệu và các đồng sự viết như Ngục trung ký sự, Một bầu tâm sự, Câu chuyện chung, Anh hùng khai quốc, Gương hy sinh,... Cũng trong năm này, ông gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng, và nhanh chóng trở thành một yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng tại Nam Kỳ. Tháng 8 năm 1928, ông lại bị bắt, bị kết án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông cùng với các tù nhân chính trị cho ra tờ Hòn Cau (tên hòn đảo ông bị giam giữ) và đây là một trong những tờ báo đầu tiên khai mở dòng báo chí bí mật trong nhà tù đế quốc. Cũng tại Côn Đảo trong thời gian này, ông tiếp xúc nhiều với những người tù cộng sản, tư tưởng chính trị của ông bắt đầu chuyển biến thay đổi, ông giác ngộ lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản và trước khi ra tù, ông đã tuyên bố ly khai khỏi Việt Nam Quốc dân đảng, tự nguyện chiến đấu trong hàng ngũ những người cộng sản. Ra tù, đầu năm 1935, bị trục xuất về miền Bắc, ông hoạt động ở Hà Nội. Năm 1936, Trần Huy Liệu được kết nạp và Đảng Cộng sản Đông Dương, được phân công hoạt động công khai trong lĩnh vực báo chí, tham gia tổ chức và biên tập các báo Kiến văn, Đời mới, Bắc Hà, Tương lai, Tiếng vang... Thời gian này, do thắng lợi của cao trào dân chủ ở Pháp, mà hoạt động báo chí ở các nước thuộc địa trở nên công khai, hợp pháp được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, Trần Huy Liệu trở thành một trong những trụ cột, là linh hồn của hàng loạt các tờ báo Đảng nổi tiếng thời bấy giờ, như Lao động (Le Travail), Khỏe, Thời thế, Thời báo, Bạn dân, Hồn trẻ, Tiếng trẻ, Tân xã hội... trong đó có cả tờ Nhành lúa. Năm 1938, ông làm chủ bút báo Tin tức, cơ quan công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi Tin tức bị đóng cửa, ông chuyển sang làm chủ bút báo Đời nay. Ông cùng một số đồng chí đề xướng phong trào Đông Dương đại hội. Nhận ra những nguy hiểm trong hoạt động của Trần Huy Liệu, tháng 10 năm 1939, Pháp bắt ông đày đi các nhà tù Sơn La, Bá Vân, Nghĩa Lộ, ông lại tiếp tục hoạt động báo chí trong tù, mỗi nhà lao ông thực hiện mỗi tờ báo khác nhau như Tiếng suối reo, Dòng sông Công, Đường nghĩa. Ông còn là linh hồn trong cuộc đấu tranh chống đàn áp tù chính trị trong cuộc tuyệt thực kéo dài 10 ngày ở nhà tù Sơn La (1941). Sau nhiều lần vượt ngục thất bại, bị đàn áp và khủng bố dã man, tháng 3/1945 ông vượt ngục thành công, với hàng tháng trời băng rừng, vượt suối từ Nghĩa Lộ về Hà Nội, bắt liên lạc được với tổ chức, ông được giao làm báo Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, ấn hành bí mật, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) cho tới ngày diễn ra Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đại hội, ông là người giúp đồng chí Võ Nguyên Giáp thảo bản Quân lệnh số 1 phát động cuộc Tổng khởi nghĩa và kết thúc đại hội, ông được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Về lại Hà Nội, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông làm Bộ trưởng Bộ tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời và được cử thay mặt cho Chính phủ vào Huế chấp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại (1913-1997). Trong ngày lễ trọng đại 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), sau khi nghe Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu thay mặt cho phái đoàn đi Huế, lên báo cáo về việc nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại và đệ ấn kiếm lên cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Chính trị cục trưởng trong Quân sự ủy viên hội, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc, Chủ tịch Ủy ban vận động đời sống mới, Trưởng ban nghiên cứu Văn-Sử-Địa thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Viện trưởng Viện Sử học, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 1 và 2. Năm 1963, ông được nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức tặng thưởng huân chương Humboldt và phong hàm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Đức. Năm 1969, ông qua đời đột ngột ở tuổi 69, khi sức cống hiến của trí tuệ về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong ông vẫn còn chưa ngưng cạn.
Đối với Trần Huy Liệu, báo chí là người bạn đồng hành trên con đường hoạt động cách mạng của ông. Hơn ai hết, ông là người ý thức được sức mạnh của công luận. Và, báo chí thực chất là một dạng tồn tại khác của chính trị. Hoạt động báo chí thực chất là một kiểu hoạt động chính trị đặc biệt. Ngay từ thời trẻ, ông tìm đến với báo chí là nhằm phát ngôn những điều mình nghĩ, mình tin là đúng đắn hoặc sai lệch cần phải lên án, phê phán. Ông dốc lòng cho mục tiêu nhằm cổ vũ cho sự tiến bộ, khai hóa, chống lại sự bảo thủ của học thuyết Nho gia đã lỗi thời, phê phán chế độ cai trị phi nhân tính của chính quyền thực dân, đòi hỏi quyền tự do dân chủ, hun đúc nên ngọn lửa yêu nước căm thù giặc trong quần chúng nhân dân. Từ đó, hình thành nên bản lĩnh văn hóa và nhân cách của một nhà báo tiên phong, trở thành một trong những người mở đường cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Ông xuất hiện trên nhiều tờ báo yêu nước, có tiếng tăm, giữ nhiều cương vị khác nhau: sáng lập và chủ bút, chủ trương và biên tập, thành viên và cộng tác... Lướt nhìn trong vòng hơn 20 năm trước cách mạng (1924-1945), ông tham gia và giữ nhiều vị trí khác nhau ở các báo: Nông cổ mín đàm (Sài Gòn 1924, chủ bút), Đông Pháp thời báo (Sài Gòn 1925-1926, chủ bút), Pháp Việt nhất gia (Sài Gòn 1927, sáng lập, chủ bút), Hòn Cau (Côn Đảo 1931-1934, chủ bút), Tiếng sóng bể (Côn Đảo 1931-1934, chủ bút), Nhành lúa (Huế 1937, biên tập), Tin tức (Hà Nội 1938, thư ký tòa soạn), Đời nay (Hà Nội 1938-1939, thư ký tòa soạn), Tiếng suối reo (Sơn La 1941-1942, chủ nhiệm), Dòng sông Công (Thái Nguyên, 1943-1944, chủ nhiệm), Đường nghĩa (Nghĩa Lộ, 1944-1945, chủ nhiệm). Bên cạnh đó, ông còn tham gia biên tập hoặc cộng tác viết bài cho các báo Đời mới, Bắc Hà, Kiến văn, Tiếng vang, Thời thế, Hà thành thời báo, Bạn dân, Hồn trẻ... Ông viết nhiều, viết khỏe, không chỉ về chất lượng và số lượng mà còn viết được nhiều thể loại, và cũng có khi do yêu cầu nội dung của tờ báo, có số ông phải viết nhiều bài, nên tất nhiên, ông phải ký nhiều bút danh khác nhau.
Đối với những tờ báo mà Trần Huy Liệu đứng ra chủ trương sáng lập, đều thể hiện bản lĩnh văn hóa, chính kiến rõ ràng và sức mạnh tư tưởng của một người yêu nước và cách mạng. Ngay cả đối với những tờ báo mà ông tham gia thực hiện, hoặc có vai trò chủ chốt, ông đều có những cách tân cả về nội dung và hình thức, xoay chiều theo khuynh hướng và bản lĩnh chính trị của mình. Sau một thời gian cộng tác, tháng 6/1924, Trần Huy Liệu được giới thiệu về làm chủ bút báo Nông cổ mín đàm, ngay từ bài báo đầu tiên, với bút danh Đẩu Nam, ông đã viết về tiếng bom ở Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc) của người chiến sĩ yêu nước Phạm Hồng Thái. Từ đó ông chuyển hướng tờ báo, từ một diễn đàn chuyên bàn về nghề nông và buôn bán chuyển sang bàn về chính trị. Bài bị kiểm duyệt bác bỏ, ông lại lấy bút danh là Côi Vị, tiếp tục viết bài đả kích chính sách cai trị của thực dân Pháp. Sau nhiều lần kiểm duyệt, loại bỏ bài vở vẫn bị chủ bút tìm cách thao túng, chuyển tải nội dung đến người đọc, cuối cùng Nông cổ mín đàm (1901-1924) cũng chính thức bị đình bản. Mất Nông cổ mín đàm, ông cùng các đồng nghiệp xoay sang xuất bản tập san Ngòi bút sắt, tập trung tố cáo chính sách bóp nghẹt báo chí và quyền tự do ngôn luận của nhà cầm quyền một cách mạnh mẽ. Chỉ ra được 1 số, Ngòi bút sắt cũng bị thực dân buộc phải đình bản. Mến mộ tài năng của ông, cuối năm 1924, chủ nhiệm tờ Đông Pháp thời báo lúc này là Nguyễn Kim Đính, mời ông về làm chủ bút báo này. Tại đây, với các bút danh Đẩu Nam, Côi Vị, Nam Kiều (có số báo ông đăng nhiều bài với nhiều bút danh) ông lại tiếp tục công kích thực dân Pháp, góp phần biến nơi đây thành diễn đàn công khai ngợi ca phong trào yêu nước, đấu tranh đòi tự do, dân chủ ở Nam Kỳ. Và, Đông Pháp thời báo trở thành tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất thời bấy giờ (11.000 bản) và được đón nhận bởi nhiều tầng lớp thị dân: “Tờ Đông Pháp thời báo do Trần Huy Liệu làm chủ bút (1925-26) là trung tâm của phong trào yêu nước và dân chủ sôi nổi ở Nam bộ khi đó” [1, tr.1785].
Sự cộng tác tưởng như bền chặt giữa Trần Huy Liệu và ông chủ báo Đông Pháp thời báo cũng có lúc nhạt phai. Đầu năm 1927, khi phong trào yêu nước, đấu tranh đòi tự do, dân chủ tạm thời lắng xuống, Nguyễn Kim Đính xoay sang gia nhập đảng Lập hiến, phản bội lại chí hướng ban đầu, Trần Huy Liệu lập tức từ chức chủ bút, đứng ra sáng lập tờ Pháp Việt nhất gia và tờ báo của ông trở thành cơ quan ngôn luận tiên phong, kiên trì và liên tục đấu tranh chống lại chủ trương “Pháp Việt đề huề” của đảng Lập hiến do Bùi Quang Chiêu thực hiện, thuận theo ý đồ của thực dân. Sự đối đầu không khoan nhượng của ông, đã đưa đến một kết quả tất yếu: tờ Pháp Việt nhất gia chỉ ra được 27 số thì bị đình bản, chủ bút Trần Huy Liệu bị bắt và bị kết án 6 tháng tù giam tại khám lớn Sài Gòn.
Chính trong thời gian hơn 5 năm tù ở Côn Đảo (1928-1934), khi tiếp xúc với những tù chính trị là đảng viên cộng sản, đã làm thay đổi nhận thức chính trị, ly khai khỏi Quốc Dân đảng và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương; dẫn đến việc thay đổi phương thức tranh đấu trên diễn đàn ngôn luận, khi ông đứng ra thực hiện các tờ báo lưu hành bí mật trong nhà tù (Hòn Cau, Tiếng sóng bể ở Côn Đảo, hoặc Tiếng suối reo, Dòng sông Công... sau này ở các nhà tù vùng Tây Bắc), và các diễn đàn công khai do Đảng lãnh đạo (Nhành lúa, Tin tức, Đời nay,...) là một quá trình rèn luyện, hun đúc nên bản lĩnh chính trị của một nhà cách mạng và bản lĩnh văn hóa của người cầm bút, biết đấu tranh cho lẽ phải và lý tưởng mà suốt đời ông theo đuổi.
Đối với báo Nhành lúa, tờ báo của Đảng tại Huế, Trần Huy Liệu chỉ tham gia Ban biên tập, nhưng có vai trò và tác dụng rất lớn. Bởi vì, luôn có mối liên lạc chặt chẽ giữa ông và các đồng chí hoạt động tại Huế và Trung Kỳ, đồng thời “để tránh tai mắt mật thám Pháp và người của Nam triều trước những khó khăn có thể xảy ra ở trên đất Kinh đô, Nhành lúa được biên tập tại Huế, rồi chuyển ra ấn loát tại nhà in Đông Tây, số 193 phố Hàng Bông, Hà Nội. Công việc trình bày, in ấn và phát hành do một cán bộ của Đảng Cộng sản lo liệu. Khi báo in xong, phần lớn Nhành lúa được phát hành tại Hà Nội, một số đưa vào Vinh, Huế và các tỉnh Trung Kỳ.” [2]. Với quy mô đó, phần nào khẳng định vai trò cộng tác của nhiều nhà báo ở Hà Nội, trong đó có Hải Khách Trần Huy Liệu. Trong 9 số báo Nhành lúa, ông chỉ xuất hiện có 4 lần, trong đó có 2 lần ký tên là Trần Huy Liệu, một lần là sự cải chính “có một nhà văn nào đó dịch nhiều tiểu thuyết võ hiệp, quái hiệp của Tàu rồi ký tên Nam Kiều” đó Không phải Nam Kiều Trần Huy Liệu (Nhành lúa, số 6, ra ngày 19/2/1937); lần khác là ông viết giới thiệu di cảo Tuyên cáo đồng chí (Nhành lúa, số 7, ra ngày 26/2/1937) của Phạm Tuấn Tài, một đồng chí trong Việt Nam Quốc dân đảng, cùng bị tù ở Côn Đảo với ông. Hai lần ông ký bút danh là Hải Khách (cũng là bút danh ghi trong Ban biên tập) trong một bài viết dài in hai kỳ Chủ nghĩa quốc gia đương đến ngày phá sản (Nhành lúa số 2 và số 3, ra ngày 22 và 29/1/1937), nhằm tranh luận với Lê Tràng Kiều về chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa quốc tế. Đó là cuộc tranh luận đã diễn ra trên Hà Nội báo trước đó giữa hai ông. Nhưng đến khi thua lý thì Lê Tràng Kiều chỉ in bài của mình mà không in bài đáp trả của Trần Huy Liệu. Trong bài viết, với lý lẽ sắc sảo, đầy sức thuyết phục, ông đã phân tích mối quan hệ giữa quốc gia và quốc tế, dân tộc và giai cấp, tư sản và vô sản, bóc lột và bị bóc lột... và dẫn cả câu nói của Lê-nin: “Không có lý thuyết cách mạng, không có phong trào cách mạng”. Tác giả tập trung phân tích những đặc điểm của hoàn cảnh đất nước và phong trào cách mạng nước ta thời bấy giờ và nhấn mạnh rằng, không nên “bỏ quên cái trào lưu thế giới hiện nay và không nhận rõ cái hoàn cảnh xã hội Việt Nam trong lúc này. Vì, như trong bài thứ hai tôi đã nói, xã hội Việt Nam hiện thời dẫu chưa bày ra cái cảnh tượng đối lập một cách gay gắt giữa hai giai cấp tư sản và vô sản như các nước Âu, Mỹ; nhưng chúng ta không thể chối được rằng: trong đám đồng bào của chúng ta đã có một số vừa đẻ ra từ chế độ tư bản và sót lại từ chế độ phong kiến, như bọn địa chủ ở Nam Kỳ sống về nghề thu địa tô của tá điền; một hạng tham quan ô lại ở Trung, Bắc Kỳ sống về nghề hút máu dân đen; cho cả đến một số tư bản mới nảy nòi cũng già tay bóc lột những nhân công và phu phen đủ mọi cách mà họ vẫn thường gọi là “đồng bào” của họ. Như vậy mà trong đồng bào họ còn có người “ngây thơ” mong đem tình nghĩa đồng bào ra kể lể với họ để họ cảm động thì thật là buồn cười hết sức!”. Trần Huy Liệu đã từng tham gia các cuộc bút chiến trên diễn đàn văn học với hàng loạt bài đăng trên Đông Pháp thời báo như Ngọn bút phê bình (số 232, 1924), Bút chiến I (số 320, 1925) Bút chiến II (số 321, 1925), Bút chiến III (số 322, 1925)... ông đã từng đưa ra quan niệm của mình về văn hóa tranh luận, đó là sự rành mạch, rạch ròi, tôn trọng lẫn nhau, đôi khi có nặng lời, nhưng nói chung là có thiện ý.
Ở một phương diện khác, Trần Huy Liệu không chỉ là nhà cách mạng, nhà báo lão luyện, mà còn có thể khẳng định ông là một người có ý chí tự lực, bằng con đường tự học, trở thành một người có kiến thức uyên bác và sâu rộng ở nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có văn học và sử học. Đặc điểm rõ nhất là tất cả đều được bắt đầu từ nhiệt huyết với đất nước và lý tưởng công dân của một nhà báo. Vì vậy, ngoài các công trình nghiên cứu về lịch sử, hầu hết các tác phẩm văn học đều viết ra để in báo, trước khi in thành sách. Văn chương của ông là văn chương tân văn, với một lối diễn ngôn trực tiếp, lý lẽ sắc sảo và đanh thép, nhằm đấu tranh trực diện trên mặt trận tư tưởng. Các tác phẩm văn học như Gương ái quốc, Anh hùng khứ quốc, Ông Nạp Nhĩ Tốn, Một bầu tâm sự, Ngòi bút sắt (2 tập), Khai quốc vĩ nhân, Gương hy sinh, Thần cộng hòa, Câu chuyện chung, Ngục trung ký sự, Tân quốc dân, Chọc trời khuấy nước, Thái Nguyên khởi nghĩa, Ba người anh kiệt nước Ý, Thơ Trần Huy Liệu... Lướt qua các tiêu đề tác phẩm cũng có thể nhận ra văn chương đối với ông là phương tiện để nhằm quảng bá tư tưởng yêu nước, thể hiện mối quan tâm nung nấu tâm hồn ông về đất nước. Về sử học, ông quan tâm từ khi thành lập Cường học thư xã nhằm ấn hành các tác phẩm viết về các nhân vật lịch sử, sau đó được giao là người đứng đầu Ban nghiên cứu Văn sử địa (ba ngành chủ yếu về khoa học xã hội và nhân văn quốc gia), rồi trở thành tác giả của những công trình đồ sộ như Bản dự thảo cách mạng Việt Nam (4 tập, 1949-1951), Cách mạng Tháng Tám (1960), Lịch sử Thủ đô Hà Nội (chủ biên, 1960), Lịch sử 80 năm kháng Pháp (2 tập, 1961), Lịch sử cách mạng Việt Nam (12 tập, viết chung với các tác giả Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Khắc Đạm, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo), và những công trình chuyên khảo về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, về các phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục...
Nhìn chung, ở cả ba lĩnh vực mà Trần Huy Liệu đã có những đóng góp không nhỏ là báo chí, văn học và sử học, đều bắt nguồn từ tấm lòng yêu nước và truyền thống văn hóa của dân tộc. “Con người và cuộc đời Trần Huy Liệu đã để lại nhiều điều đáng suy ngẫm về một trí thức ham học hỏi, say mê viết lách. Ông đã sống trọn một cuộc đời sôi động và ý nghĩa” [3, tr.442]. Ông không chỉ là một trí thức yêu nước, mà còn là một con người hành động, để thực hiện lý tưởng. Nung nấu một khát vọng cháy bỏng trong suốt cả cuộc đời ông là cứu dân, cứu nước thoát ra khỏi ách nô lệ, lầm than. Mọi tìm kiếm, khám phá, đổi thay và trưởng thành trong sự va đập ở nhiều bờ vực tư tưởng và quá trình hành động của ông đều nhằm tiếp cận và thực hiện lý tưởng xã hội của một người yêu nước, lý tưởng công dân của một nhà báo, lý tưởng thẩm mỹ của một nhà văn. Con đường quang rộng, nhưng không ít chông gai và cũng không mấy hanh thông của ông là từ một nhà báo, ông trở thành người am hiểu nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của đất nước, như một nhà Việt Nam học đích thực và đáng được tôn vinh. Với những đóng góp xuất sắc về nhiều lĩnh vực, Trần Huy Liệu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, năm 1996.
P.P.P
(TCSH53SDB/06-2024)
------------------
[1] Nguyễn Hoành Khung (2004), Mục từ Trần Huy Liệu in trong Tự điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới.
[2] Dương Phước Thu (2021), Lời nói đầu, báo Nhành lúa, Nxb. Thuận Hóa.
[3] Lê Ngọc Phương (2018), Mục từ Trần Huy Liệu in trong Nghiên cứu lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954, Nxb. Giáo dục Việt Nam.