Nghiên Cứu & Bình Luận
Đi một vòng Trái Đất lại về bên trẻ thơ qua mùa Hè, Thu, Đông, tuần hoàn Xuân sẽ đến
14:27 | 28/06/2024

NGUYỄN THÙY TRANG

Sau sự thành công của tập thơ Giấc mơ buổi sáng, Mùa xuân em yêu ra đời đánh dấu sự trở lại của Nguyễn Lãm Thắng với đề tài thiếu nhi.

Đi một vòng Trái Đất lại về bên trẻ thơ qua mùa Hè, Thu, Đông, tuần hoàn Xuân sẽ đến
Ảnh: tư liệu

Mảng thơ thiếu nhi được xem là một góc sáng trong tâm hồn thi sĩ. Nhà thơ từng tâm sự: “Bởi vì, tôi thấy cuộc đời này có quá nhiều nỗi buồn. Đôi lúc buồn quá, tôi lại “tưng tửng” với thơ để chắt chiu từng ký ức, từng nỗi vui nho nhỏ”1. Đến với Mùa xuân em yêu, người đọc lại thấy một bản nguyên bình yên khuất sâu dưới ngàn lớp tế bào khổ đau, vô số biểu bì trầy xước. Bỏ lại những khắc khoải buồn vương Điệp ngữ tình Họng đêm gào thét, tạm gác những quanh co cõi lòng Thương hoài thương hủy nơi Đầu non cuối bãi, Mùa xuân em yêu là phần trong lành và hy vọng của Nguyễn Lãm Thắng với cuộc đời.

Nói về thi ca thiếu nhi, dường như rất ít nhà thơ Việt Nam chuyên nghiệp trong mảng này, phần nhiều đến với đề tài thiếu niên, nhi đồng như một “trạm dừng chân” để tiếp sức cho những hành trình dài hơi. Nghĩa là họ thử nghiệm bút lực ở đề tài này, sau đó, chuyển hướng ở những đề tài khác. Nguyễn Lãm Thắng không như vậy, đi một vòng Trái Đất, nhà thơ lại về bên thiếu nhi. Dành tâm sức cả cuộc đời để viết hơn 2000 bài thơ cho thiếu nhi - con số ấy đã chứng minh tình yêu tha thiết của Nguyễn Lãm Thắng với trẻ thơ. Tề tựu kể chuyện, tỉ tê trăm điều về đời sống, với 76 bài chọn lọc và 12 bài được in trong Sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học bộ mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (từ lớp 1 đến lớp 4), Nguyễn Lãm Thắng đã cùng thiếu nhi khám phá vũ trụ, vạn vật, khơi thức những yêu thương và phẩm chất nhân văn cao đẹp - ấy là tinh thần cốt lõi của Mùa xuân em yêu.

1. Những nhận thức và khám phá về thế giới xung quanh

Cuộc sống có vô vàn điều kì thú, mà đôi khi đến cuối phận người, chúng ta vẫn không hiểu hết. Trong đời thơ vẫn còn tiếp diễn, Nguyễn Lãm Thắng diễn trình thơ thiếu nhi như sự kết tinh, chắt lọc những nhận thức, trải nghiệm thế giới. Nếu mảng thơ về tình yêu là lời nói của trái tim tổn thương, thao thiết: “trái tim muôn đời vẫn thức/ Gần xa - xao xuyến - bồi hồi” (Điệp ngữ tình), thì trong thơ viết cho thiếu nhi, Lãm Thắng “thoát xác”, nhập thân vào tâm thức trẻ thơ, để tìm những cách biểu hiện gần gũi, thân thương, mộc mạc nhất về vũ trụ, vạn vật. Trái tim ấy được hồi sinh và hít thở trong môi trường “biêng biếc mây trời”, “tiếng chim vui ngọt”, “ban mai nắng ấm”, “hoa thơm thơm mãi”: “Em vươn vai đứng dậy/ Trái Đất đã xanh rồi/ Giữa biêng biếc mây trời/ Tiếng chim vui ngọt quá/ Quàng khăn xanh biển cả/ Khoác áo thơm hương rừng/ Trái Đất mang trên lưng/ Những đứa con của đất/ Tuy màu da có khác/ Nhưng vẫn chung nụ cười/ Như biển cả không vơi/ Một màu xanh thăm thẳm/ Như ban mai nắng ấm/ Lung linh bờ thảo nguyên/ Hãy giữ được bình yên/ Cho hoa thơm thơm mãi/ Em vươn vai đứng dậy/ Mong Trái Đất hòa bình/ Đừng bao giờ chiến tranh/ Mà đau hòn máu đỏ/ Cho năm châu hội ngộ/ Trong tình thương loài người/ Và cho khắp mọi nơi/ Là nhà bồ câu trắng” (Em nghĩ về Trái Đất).

Nghĩ về Trái Đất, Nguyễn Lãm Thắng đã nghĩ về những điều đẹp đẽ nhất. Đó là hòa bình, là mến yêu, là nơi Trái Đất xanh cho “em vươn vai đứng dậy”, “trong tình thương loài người”. Mỗi chúng ta đều từng là một đứa trẻ. Nhưng để lưu giữ và tái hiện sinh động những khoảnh khắc nguyên khôi với tâm hồn trong trẻo vào thơ ca - không phải ai cũng làm được. Nguyễn Lãm Thắng đã đi ngược với số đông thi sĩ đương đại, khi quay về nguồn cội ấu thơ - nơi bản nguyên vẫn chưa chai sạn bởi phong ba bão táp cuộc đời. Nơi đó sóng sánh giọt sương long lanh đầu ngày, lấp lánh tia nắng ban mai ấm áp, cành lá rung rinh chờn vờn mây gió, được khúc xạ qua đôi mắt tròn xoe niên thiếu. Nơi đó cũng chứa những suy tư đầu tiên của con người về thế giới xung quanh, về sinh loài, thiên nhiên,… cho “ước mơ cao lớn gọi bàn chân”. Nhà thơ như một người gác cổng thiên đường cổ tích, mỗi cánh cửa mở ra đều rực rỡ sắc màu, lung linh diệu vời. Từ cánh cửa của khu vườn nhà em, gần gũi, bình yên: “Vườn nhà em đẹp quá/ Bốn mùa nở đầy hoa/ Dưới hồ từng đàn cá/ Bơi vào rồi bơi ra/ Vườn nhà em thơm quá/ Những sớm mai nắng về/ Từng chùm hoa nhãn nở/ Làm đàn ong si mê/ Vườn nhà em ngọt quá/ Khi đêm về gió lên/ Những chùm hoa bưởi trắng/ Làm vầng trăng chao nghiêng...” (Em yêu vườn nhà em). Đến núi lửa Chư Đăng Ya trên cao nguyên xa xôi, huyền thoại: “Đã hàng triệu năm trước/ Lửa đã tắt lụi rồi/ Núi tròn như bát úp/ Giữa đại ngàn xanh tươi/ Mặt trời theo gót gió/ Trườn lên trên đồi xanh/ Hoa dã quỳ đua nở/ Sắc nắng vàng vây quanh/ Bãi ngô giờ khô lá/ Tiếng chim vờn mây xa/ Củ dong riềng to quá!/ Ai mới đào hôm qua/ Em đi dưới lòng chảo/ Mây trắng phủ trên đầu/ Nắng khi mờ khi ảo/ Trêu đùa ngọn cỏ lau/ Em leo lên vách núi/ Từng bậc cấp cao vời/ Đôi chân không muốn vội/ Dìu từng giọt mồ hôi/ Dưới tàn cây xanh mát/ Em nhìn thấy Biển Hồ/ Và bức tranh rất thật/ Phố núi Pleiku/ Miệng núi, ôi đẹp quá!/ Gió ngút ngàn gió ơi!/ Em lạc vào cõi lạ/ Của lung linh đất trời” (Núi lửa Chư Đăng Ya). Và sau cùng, qua mùa hè, thu, đông, tuần hoàn xuân sẽ đến, trên quê hương em, trên hành tinh xanh. “Cây từng ngày vươn lên/ Con đường thêm bóng mát/ Hoa tỏa hương thơm ngát/ Bướm lượn vòng quanh quanh/ Khu vườn biêng biếc xanh/ Em yêu thương biết mấy!/ Mùa xuân thêm lộng lẫy/ Nắng hồng càng thướt tha/ Rộn rã tiếng chim ca/ Trên cánh đồng biếc gió/ Em bước chân qua ngõ/ Xuân thắm hồng trên môi” (Mùa xuân em yêu).

Thi phẩm Mùa xuân em yêu thổi đến luồng sinh khí tràn đầy năng lượng. Để hiểu sâu sắc về trẻ thơ, cách tốt nhất là rũ bỏ “bụi trần”, sống trong thế giới cổ tích và mùa xuân ấy. Mỗi bài thơ trong tập Mùa xuân em yêu là một câu chuyện, mỗi câu chuyện như một bức tranh, mỗi bức tranh chứa chan bình minh và ánh dương lộng lẫy. “Em vẽ dòng sông khúc khuỷu/ Vòng quanh, ôm lũy tre làng/ Nhịp cầu nho nhỏ bắc ngang/ Dưới hàng thùy dương lá biếc/ Đàn bướm nhỏ xinh, tinh nghịch/ Vờn bay bên nhụy hoa vàng/ Một con thuyền nan nho nhỏ/ Chở mùa xuân về mênh mang” (Bức tranh của em). Vì thế, mỗi độc giả đều như được sống lại những khoảnh khắc hoa niên đẹp đẽ vô ngần. Đó là quãng thời gian mọi thứ đều thuần hậu, thần tiên với những chợ hàng ngộ nghĩnh, lấy “lá ổi làm tiền/ chia đều mỗi đứa/ Túp lều nghiêng nghiêng/ Bằng vài que nứa” (Chợ hàng); với quả thị vàng “thơm phưng phức/ Ở mọi lúc/ Ở mọi nơi/ Sắc vàng tươi/ Như màu nắng” (Quả thị vàng); với ngày đầu tiên đi học bỡ ngỡ “theo chân mẹ, bước dọc hành lang vui/ Em vào lớp Một, chao ôi!” (Tạm biệt lớp Năm).

Thế giới trong mắt trẻ thơ luôn lấp lánh những điều kì diệu, ảo hình, lý thú. Hiểu điều này, Nguyễn Lãm Thắng tạo hình chủ thể trữ tình với đôi mắt đầy hồn nhiên, ngơ ngác. “Sinh ra trên cát nóng/ Ăn bao hạt nắng tươi/ Quả càng to càng nặng/ Bổ ra thành mặt trời/ Ăn mát ơi là mát/ Bé thích lắm dưa ơi!” (Dưa hấu). “Có bao nhiêu loài quả nhỉ?/ Xanh, vàng, đỏ, tím khác nhau/ Cũng sinh ra từ một mẹ/ Mẹ là Quả Đất nhiệm mầu” (Quả mẹ). Người đọc, vì thế bị hấp dẫn trong những cách lý giải hóm hỉnh và rất thuyết phục của nhà thơ. Đồng thời cũng thích thú cùng bé cảm nhận về mọi điều trong đời sống: “Vì đâu quả ớt lại cay/ Quả bòng the, quả chanh này lại chua/ Quả cam thì ngọt suốt mùa/ Quả mướp đắng mới lạ chưa? Lắc đầu/ Chịu thua, bé hỏi vì đâu?/ - Mỗi loài, mỗi quả, ngọt ngào, đắng, cay/ Giống như trên cõi đời này/ Mỗi người mỗi vẻ, chẳng ai giống mình/ Cây thì cho trái trĩu cành/ Trái thì cho hạt tạo thành cây non/ Nhà mình bố, mẹ và con/ Con là quả ngọt, phải ngoan thật nhiều” (Bé đã hiểu). Sự mở rộng biên độ giải nghĩa/ định danh sự vật trong thơ Nguyễn Lãm Thắng được ước lượng theo mức độ nhận thức trẻ, hoàn toàn không áp đặt những quan điểm, tiêu chuẩn của người lớn mặc định vào. Nên khi nói về cửa sổ, nhà thơ không chỉ xem đó như một bộ phận của ngôi nhà, mà nó còn được hiểu theo đa dạng chiều kích. “Là con mắt nhìn xa/ Chứa bầu trời thăm thẳm/ Có đàn cò bay qua/ Chở mùa xanh nắng ấm/ Là lỗ tai thật to/ Hứng tiếng chim đầy ắp/ Sớm chiều hót líu lo/ Rót đầy bàn em học/ Là bàn tay vô hình/ Gọi gió về mát rượi/ Hái hương thơm trên cành/ Đem vào nhà tặng nội/ Là đôi cánh chim hồng/ Sẽ sẵn sàng khép chặt/ Để chắn gió mùa đông/ Giữ căn phòng ấm áp” (Cửa sổ). Và ngay cả miêu tả về cái đinh, cây chổi, biển báo, giỏ rác, chiếc ô, kim và chỉ,… cũng đều được hình dung và diễn đạt qua cách nghĩ của thiếu nhi.

Sự tri nhận thế giới tự nhiên được nhà thơ giải thích bằng cách huy động mọi giác quan trên cơ thể: màu sắc, âm thanh, hình dáng, kích cỡ, mùi vị; rồi sau đó mới đến chức năng, vị trí, vai trò, ý nghĩa trong mối quan hệ với sự sống và trẻ thơ… Do đó, dù cách lí giải vạn vật diễn bày qua thơ rất ngộ nghĩnh, dễ thương, nhưng không phải không có căn cứ khoa học và thực tiễn. Chẳng hạn như Kim và chỉ: “Kim thì ngắn/ Chỉ thì dài/ Nhờ bàn tay/ Cô chủ nhỏ/ Kim khéo quá!/ Cứ lách luồn/ Chỉ theo luôn/ Không ngần ngại/ Thật là giỏi/ Áo lành ngay/ Quần đẹp thay!/ Nhờ kim chỉ”. Hay như cảm nhận về Tuổi già: “Tuổi già, ông bước đi/ Phải lom khom chống gậy/ Tuổi già, bà xâu chỉ/ Phải đeo mắt kính tròn”… Đi tìm sự trả lời cho 1001 câu hỏi “vì sao” của trẻ, nhà thơ mô tả, phác thảo từ nhỏ đến lớn, từ ngoài vào trong, từ gần đến xa, từ cụ thể đến trừu tượng, từ chứng nghiệm đến thẩm thấu. Những đồ vật, sự việc quen thuộc đều được thi vị hóa và được xem xét, nhìn nhận lại một cách đáng yêu: Trăng “là con hay là thằng” (Trăng là gì hở mẹ?); tờ lịch “là người biết cả” (Tờ lịch cuối năm); lúa vào máy xay là “cởi áo vàng ngay” (Lúa, gạo và cơm); “Mẹ dừa cõng một bầy con/ Nặng tuy thật nặng, tay còn ôm trăng” (Mẹ dừa);… Nguyễn Lãm Thắng xoáy vào tính cách đặc trưng của trẻ là sự tò mò, thích khám phá, ưa hỏi han. Những câu hỏi tăng dần cấp độ theo tháng năm, theo trường tiếp xúc, đòi hỏi sự cắt nghĩa tường tận về thế giới xung quanh.

Như thanh âm trong trẻo được tấu lên từ sự thấu hiểu và sẻ chia, Nguyễn Lãm Thắng đã giúp các em cảm thụ vẻ đẹp cuộc sống qua từng câu chữ. Tác giả cũng nói hộ những băn khoăn, thắc mắc thường có trong tâm hồn thiếu nhi. Thế giới hiện lên ở thơ Nguyễn Lãm Thắng thật sống động. Đặc biệt, thế giới ấy luôn được quan sát bằng đôi mắt, mỹ cảm trẻ thơ. Đó là sự trân trọng của tác giả dành cho các em nhỏ!

2. Khơi gợi và bồi dưỡng những phẩm chất nhân văn cao đẹp

Giá trị thơ thiếu nhi không chỉ khúc xạ lăng kính nhận thức và khám phá thế giới xung quanh, mà nằm ở phần phóng chiếu đằng sau - là giáo dục và bồi dưỡng những phẩm chất cao đẹp cho trẻ thơ. Trong tư cách là một người cha, đồng thời cũng là một thầy giáo, Nguyễn Lãm Thắng trở thành hiện tượng “nhà thơ của Sách giáo khoa Tiểu học”. Rất nhiều bài thơ được tuyển chọn đưa vào Sách giáo khoa đã khẳng định tính chất giáo dục trong thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng.

Sự thành công này, thiết nghĩ, đó là vì nhà thơ biết cách khơi gợi và chắt lọc những thông điệp nhân sinh ý nghĩa, thiết thực để truyền bảo cho thiếu nhi. Bởi có rất nhiều điều cần giáo dục cho trẻ, nhưng rõ ràng, chúng ta không thể nhồi nhét, răn dạy tất cả các giáo lí, đạo đức vào thơ ca. Điều này sẽ khiến lời thơ nặng nề, câu từ khuôn thước, cứng nhắc. Trăn trở cần hình thành, bồi dưỡng cho thiếu nhi những gì và hình thành, bồi dưỡng như thế nào, Nguyễn Lãm Thắng đã đi từ xuất phát điểm sơ đẳng nhất của con người - đó là nhân ái. “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Biểu hiện đầu tiên của phẩm chất nhân ái là yêu thương con người. Đối với thiếu nhi, trước hết cần yêu thương những người thân trong gia đình. Đó là tình cảm mênh mông, rộng lớn, làm sao đong đếm và cũng chẳng thể nào nhớ hết những công ơn của bậc sinh thành. “Sao nhớ hết những tháng ngày thơ ấu/ Tiếng tao nôi kẽo kẹt mái tranh nghèo/ Lời mẹ hát buổi chiều đông hết gạo/ Sắn khoai lùi thay sữa mớm con yêu/ Sao nhớ hết những tháng ngày mưa nắng/ Mòn hơi cha, mờ mắt mẹ gian nan/ Bao nước mắt mồ hôi như muối mặn/ Tưới nương đồng cho vở mới thêm trang/ Sao nhớ hết những bàn chân lấm láp/ Băng đường xa mang con chữ trên lưng/ Giữa trưa nắng nghe lòng mình đói rát/ Trái sim non đắng chát cũng cầm chừng/ Sao nhớ hết những đêm trăng rạng rỡ/ Những trò chơi vui nhộn tuổi măng non/ Những hoa bưởi, hoa cau trăng trắng nở/ Bài học khuya ăm ắp hương thơm/ Sao nhớ hết những con đường hoa cỏ/ Cho ước mơ cao lớn gọi bàn chân/ Ai cũng có một khung trời tuổi nhỏ/ Một ngày xa cho nỗi nhớ về gần” (Làm sao nhớ hết). Cứ như phiêu bồng trong thế giới ca dao, thần thoại, cứ như giăng mắc trong muôn vàn khói sương huyền diệu, những khoảnh khắc dịu êm của lời ru bên nôi, ký ức hạnh phúc bình yên bên mái nhà đơn sơ có cha, có mẹ được nhà thơ tái hiện bằng tất cả niềm xúc động thiết tha. Chẳng cần phải hô hào, chẳng cần ép buộc, Nguyễn Lãm Thắng đã chạm khẽ trái tim và đánh thức thương yêu trong mỗi người bằng bài học mộc mạc, sâu lắng như thế.

Lấy nền tảng gia đình làm điểm tựa căn bản nhất, nhiều bài thơ như Giỗ cố, Buổi sớm của bà, Tay bà, Đôi tay ba mẹ, Bé và em,… cũng đều gửi gắm giáo dưỡng tình yêu con người. Với thiếu nhi, gia đình như một xã hội thu nhỏ. Bé biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh, từ ông bà, cha mẹ, anh chị em,… đó là bước đầu tiên của giáo dục lòng nhân ái cho trẻ thơ.

Bên cạnh đó, Nguyễn Lãm Thắng cũng chú ý đến tinh thần tôn trọng sự khác biệt của con người, của các nền văn hóa và cảnh ngộ riêng tư. Nhiều bài thơ đã xóa nhòa khoảng cách giữa người và người, giữa tầng lớp, giới tính, xuất thân,… Bài thơ Nối một vòng tay như vỗ dịu, nâng niu những số phận thiệt thòi, mất mát người thân, gia đình ly tán. Từ đó, các em học cách đồng cảm và hòa thuận cùng bạn bè trang lứa. “Tí còn ba và mẹ/ Yêu thương Tí nhất nhà/ Tèo còn mẹ, mất ba/ Niềm vui vơi một nửa/ Tom cũng buồn từng bữa/ Vì bố mẹ chia tay/ Lúc thì ở bên này/ Khi thì sang với bố/ Top thì ưa lắp ráp/ Na thích chơi búp bê.../ Chúng mình không phân biệt/ Cùng hòa đồng, vui ghê!”. Hay bài thơ Con sinh ra từ trái tim ba mẹ cũng lan tỏa sự ấm áp của tình thương vô bờ bến. “Con không cùng màu da/ Con không cùng huyết thống/ Con được mẹ và ba/ Yêu thương và nuôi nấng/ Con có anh có chị/ Cũng quý con như là/ Xem con như ruột thịt/ Lớn lên chung một nhà/ Nhưng mà anh và chị/ Từ bụng mẹ sinh ra/ Còn con thì có khác/ Ba mẹ biết không à?/ Ba mẹ cười ngạc nhiên/ - Vì sao con bảo thế?/ - Con sinh từ trái tim/ Của tình yêu ba mẹ”. Qua thơ ca, trẻ thơ cũng học được lòng bao dung, độ lượng, an ủi, sẻ chia. “Bạn ơi! bạn ơi!/ Bạn đừng khóc nhé!/ Lại đây tớ sẽ/ Cho bạn nụ cười/ Đồ chơi đây rồi/ Cùng chơi bạn nhé!” (Bạn ơi). Và cũng khơi gợi trong trẻ sự kính trọng thầy cô, quý mến bạn bè: “Thầy cô dìu dắt cho em/ Nâng niu bài học, rèn luyện bản thân”, “Bầu trời vẫn biếc màu mây/ Bạn bè ơi! Những vòng tay ấm nồng” (Tạm biệt lớp 5).

Từ tình yêu gia đình, bạn bè, thầy cô, Nguyễn Lãm Thắng dẫn dắt các em đến những phẩm chất lớn lao hơn. Là yêu mái trường, yêu quê hương, đất nước! Những biểu hiện của lòng yêu nước với thiếu nhi thật đơn thuần. Không nhất thiết phải trở thành vĩ nhân, anh hùng, làm việc lớn mới có thể xem là yêu nước; mà chỉ cần nuôi dưỡng ước mơ, hăng say học tập và lao động, mỗi thiếu nhi đã góp phần trở thành “ngôi sao nhỏ”, “trí tuệ bừng sao Khuê”, hứa hẹn xây dựng Tổ quốc tươi đẹp trong tương lai. “Em vui cùng bè bạn/ Học hành càng hăng say/ Ước mơ đầy năm tháng/ Em lớn lên từng ngày” (Em vui đến trường).

Những phép tắc, quy củ được nhà thơ chia sẻ cùng thiếu nhi như một người đồng hành, không hề có cảm giác giáo huấn, trách phạt. Từng bài thơ là từng bài học giao tiếp, ứng xử. Các bạn nhỏ được hướng dẫn và biết được chúc Tết như thế nào (Lời chúc Tết, Tinh khôi mùa xuân), chào hỏi - thưa gửi ra sao (Chợ hàng, Cháu nghe điện thoại); biết bày tỏ sự quan tâm, thăm nom, nhớ ơn nguồn cội (Thăm bà, Giỗ cố); có lối sống lành mạnh, ngoan ngoãn, chăm chỉ, siêng năng (Lời bố dặn, Chuyện của Tí);…

Các phẩm chất như trách nhiệm, trung thực, tự giác, bảo vệ môi trường,… cũng đều thể hiện trong thơ Nguyễn Lãm Thắng. Chẳng hạn, bài thơ “Lời hứa” giúp trẻ phát huy trách nhiệm với bản thân, bạn bè. “Quang mượn Huy tập truyện/ Bảo rằng: Bốn hôm sau/ Mình trả cho bạn nhé!/ Huy vui vẻ, gật đầu./ Ba ngày trôi qua mau/ Quang đọc chưa xong truyện/ Bất ngờ, Quang nhập viện/ Vì sốt quá cao luôn/ Nhờ bác sĩ chăm nom/ Cuối ngày Quang mới tỉnh/ Đang nằm trên giường bệnh/ Quang vội bảo mẹ rằng:/ - Mẹ ơi! Gọi giùm con/ Báo Huy là con ốm/ Sách Huy, con trả muộn/ Kẻo Huy buồn vì con”. Bài thơ “n trường xanh” giác ngộ trẻ ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên: “Sân trường rợp mát bóng cây/ Bạn đừng vứt rác, chẳng hay đâu nào!/ Giờ chơi náo nức làm sao!/ Tiếng chim ríu rít thấm vào trời xanh”;… Nguyễn Lãm Thắng đã phá bỏ định kiến rằng thơ thiếu nhi chỉ là những lời sáo rỗng cho con trẻ. Bằng cách hướng đến triết lý nhân sinh và những bài học thiết thực của cuộc sống, nhà thơ đã chạm lay đến tâm thức trẻ thơ.

Thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng mang ý nghĩa và giá trị không phải ở sự góp nhặt mọi phẩm chất mà chúng ta muốn trẻ đạt được. Vừa viết về thiếu nhi, vừa viết cho thiếu nhi, nhà thơ hướng đến sự cảm thông, ân cần, vỗ về trẻ thơ và hoàn toàn không thiết chế, ép buộc. Chưa từng đặt nặng thiếu nhi cần phải suy nghĩ, hành động và ứng xử theo cách của người trưởng thành, Nguyễn Lãm Thắng đứng ở vị thế của các em, để lựa chọn và biết cách giải quyết, đánh giá vấn đề, tình huống thường gặp. Trẻ phân biệt được thiện - ác, tốt - xấu, biết hướng đến cái đẹp. Đây cũng là tinh thần cốt lõi của giáo dục nhân bản.

3. Kiến tạo hệ thống thi pháp vườn thơ mùa xuân

Nhà thơ Lê Minh Quốc từng nhận định: “Lâu nay không ít người cầm bút vẫn nặng suy nghĩ theo hướng: muốn trở thành nhà thơ tên tuổi thì phải viết thơ cho người lớn”2. Tuy nhiên, dù viết về thiếu nhi, Nguyễn Lãm Thắng vẫn trở thành một nhà thơ nổi tiếng, ấy là bởi tác giả đã kiến tạo hệ thống thi pháp sinh thái thơ cho riêng mình.

Thi pháp sinh thái thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng được ví như khu vườn mùa xuân. Với ý thức sâu sắc về thiên chức nghệ sĩ, trân trọng tuổi thơ và tình yêu cuộc sống, Nguyễn Lãm Thắng đã truyền gửi ý niệm thơ thiếu nhi như một rừng xuân đẹp đẽ, tươi mới. Để tạo nên hệ sinh thái thi pháp này, từ tập Giấc mơ buổi sáng đến Mùa xuân em yêu, độc giả sẽ nhận thấy những hình ảnh, biểu tượng được lặp lại và xuyên thấu chính là mùa xuân, buổi sáng, bình minh, ánh dương, mặt trời,… - những danh từ mang tính chất khởi sắc, hồi sinh, năng lượng. Đồng thời, thơ được kết tinh từ sự tổng hòa của ngôn ngữ, nhịp điệu, cấu tứ, cảm xúc, tu từ nghệ thuật,… phóng chiếu qua lăng kính trẻ thơ. Nhà thơ đã dùng ánh mắt thiếu nhi để quan sát, chắt lọc những nét tiêu biểu trong trời đất, vũ trụ để dệt nên một thế giới thần tiên.

Nhằm giữ tròn đầy cảm xúc trong veo, hồn nhiên trong thi phẩm, Nguyễn Lãm Thắng thường viết bằng sự tưởng tượng với thủ pháp then chốt là miêu tả, so sánh, ẩn dụ, nhân hóa. Lối miêu tả thường không khoa trương, các hình ảnh và cách diễn đạt đều rất mộc mạc, ấm áp, đôn hậu. “Hoa nhẹ nhàng hé nụ/ Từng cánh hồng lung linh/ Một đàn bướm xinh xinh/ Bồng bềnh đôi cánh mỏng/ Gió lượn vài con sóng/ Trên thảm cỏ mịn màng/ Em thấy mùa xuân sang/ Đang về trong nắng mới” (Xuân về trong nắng). Cảnh sắc mùa xuân được nhà thơ thâu tóm bằng những nét đặc trưng nhất. Mùa xuân, vì thế, mà đến một cách nhẹ nhàng, lôi cuốn trong nắng tinh khôi. Trăm hoa đua nở, khoe sắc, khoe hương phủ đầy vào thơ: “Vườn hoa nhỏ trước cổng trường/ Tháng năm xanh mướt, sắc hương nồng nàn/ Mượt mà thảm cỏ vờn lan/ Bàn chân em cũng rộn ràng cùng hoa” (Vườn hoa nhỏ). Tưởng như, bước đi của thời gian đến đâu là tỏa bừng sức sống đến đó.

Nhân hóa là một lợi thế trong thơ Nguyễn Lãm Thắng. Với các hình ảnh “Gió lùa phiến lá xôn xao/ Vành trăng nghiêng, khẽ chạm vào mái hiên/ Ngôi sao nở nụ cười hiền/ Em như đang bước giữa miền ca dao” (Đêm ca dao); hình tượng thơ trở nên duyên dáng, uyển chuyển. Sông núi, cỏ cây, trăng sao, động vật, đồ vật,... đều được nhà thơ lột tả, tái hiện bằng những hành động, cử chỉ, suy nghĩ, cảm xúc như con người. Từ lối viết nhân hóa, Nguyễn Lãm Thắng đã đưa chúng ta đến với phương thức đồng thoại để cảm nhận sâu hơn thế giới phi-nhân-loại. Đồng thời, thủ pháp này xóa nhòa khoảng cách giữa con người với vạn vật, là sự thấu nghiệm được giao hòa bằng việc đặt bản ngã đồng đẳng cùng tự nhiên. Dường như, tác giả quan niệm rằng: vạn vật xung quanh đều là bạn bè của thiếu nhi. Do đó, nhà thơ mang đến một tâm thế nhẹ nhàng, hứng khởi cho các em nhỏ khi tiếp nhận tác phẩm.

Cách so sánh trong thơ cũng rất thú vị. Chiếc ô “giống như chiếc nấm, lại có nhiều tay” (Chiếc ô); hoa súng là “đảo nhỏ”, “cập bờ rong chơi”, khiến “mặt đầm như bầu trời” (Hoa súng); “kim là chị, chỉ là em, chỉ thì mềm, kim thì cứng” (Kim và chỉ),… Trên cơ sở đối chiếu các hiện tượng với nhau, nhà thơ vừa làm nổi bật đặc tính của đối tượng, vừa khiến trẻ thơ dễ dàng nhận biết đối tượng được đề cập đến. Hơn nữa, sự xuất hiện thường xuyên thủ pháp so sánh còn giúp thiếu niên, nhi đồng phát triển khả năng quan sát, tư duy liên tưởng và năng lực tưởng tượng. Dù đây không phải là biện pháp mới mẻ và sáng tạo, nhưng đóng góp của nhà thơ chính là giúp thiếu nhi được phiêu bồng trong khu vườn sinh thái mùa xuân với tất cả sự tri nhận giác quan.

Điều làm nên nét khác biệt giữa thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng với các nhà thơ khác là kỹ thuật tái hiện đời sống và vạn vật bằng những rung cảm tinh tế, sâu sắc, huy động mọi giác quan và nhịp điệu con chữ. Các em nhận thấy sự vật qua cách diễn tả gợi hình, ẩn dụ, đầy màu sắc, âm thanh. Một chú gà trống được kể lại qua câu từ ấn tượng, sống động: “Chú gà trống nhỏ/ Cái mào đo đỏ/ Cái mỏ vàng vàng/ Đập cánh gáy vang/ Dưới giàn bông bí/ Cái đuôi màu tía/ Óng mượt làm sao!/ Chú nhảy lên cao/ Gáy ò o ó!” (Chú gà trống nhỏ). Mèo và chó phác thảo trong sự tương quan, đối chứng: “Một đứa kêu rất khẽ/ Một đứa sủa rất to/ Đứa trèo cao đến thế/ Đứa chạy nhảy vòng vo” (Mèo và chó);… Nhà thơ dành nhiều tâm huyết để giới thiệu, tái hiện với trẻ thơ nhiều điều xung quanh. Nên chất liệu thơ cũng được chưng cất từ hiện thực, một hiện thực đa chiều và nhiều ẩn ngữ. Dẫu vậy, làm thơ thiếu nhi không phải là một sự đánh đố trẻ thơ với câu chữ đa nghĩa, chứa quá nhiều hàm ý, mà cần biểu đạt bằng lối nói dễ hiểu, hấp dẫn. Nguyễn Lãm Thắng đã ưu tiên sử dụng hình thức thơ đơn giản, ý nghĩa thuần mộc và vần nhịp du dương, hài hòa. Nhiều thể thơ được sử dụng linh hoạt trong tập thơ, gồm thơ ba chữ, bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, song thất lục bát, thơ tự do,… Tiết tấu thơ nhẹ nhàng, gieo vần bắt điệu khớp nhịp, ăn ý nhờ cách hiệp vần, dùng từ láy, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc. Mỗi câu thơ tạo thành một dòng thơ tròn vạnh, vui tươi như chiếc đu quay đều đặn xoay chuyển, tung tẩy. Điều này kỳ thực rất quan trọng, vì sẽ giúp trẻ đọc cũng như lấy hơi được nhuần nhị, trôi chảy.

Nguyễn Lãm Thắng cũng có thế mạnh trong việc biến tấu hình thức thơ như một cấu trúc tự sự. Đây là kiểu cấu trúc đặc thù của những thể loại văn xuôi hay kịch. Nhà thơ thường kể lại những câu chuyện bằng thơ. Như miêu tả hội chợ xuân với những gian hàng, bài trí, câu đối và cảm xúc của trẻ khi được tham gia tại trường: “Mỗi lớp một gian hàng/ Trưng bày thật bắt mắt/ Này nếp thơm, rau sạch/ Này câu đối, hoa tươi/ Và thật nhiều trò chơi/ Tha hồ mà thử sức/ Nhóm nấu cơm niêu đất/ Nhóm ngồi gói bánh chưng/ Em hồi hộp quá chừng!/ Khi thầy cô chấm giải/ Và tự hào biết mấy/ Trước món hàng dễ thương” (Hội chợ xuân). Thể thức tự sự này đã kiến tạo khu vườn tuổi thơ với những câu chuyện vô cùng đáng yêu, ngộ nghĩnh, có cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình huống. Có bài thơ như lời tâm tình, như dòng nhật ký ghi lại những chia sẻ rất đời thường: “Chú công tác/ Ở nơi xa/ Ít thăm nhà/ Vì chú bận/ Cháu nhớ lắm/ Cứ nhắc hoài/ Trông buổi mai/ Chờ buổi xế/ Vì ba mẹ/ Làm xa hơn/ Ba Bình Dương/ Mẹ Thủ Đức/ Rất khổ cực/ Cũng vì con/ Đủ năm tròn/ Mới về Tết/ Bé rất biết/ Nên ở nhà/ Với ông bà/ Lo gắng học…” (Đọc thơ chú). Theo đó, lời thơ còn là lời trao đổi, thưa gửi đầy xúc động, bởi nó là tiếng nói thành thực của trẻ thơ. Hình thức hỏi đáp như văn bản tự sự giúp bài thơ trở nên cuốn hút; từ đó giúp các em trau dồi vốn ngôn ngữ, nâng cao năng lực giao tiếp. Thêm nữa, qua cách hỏi - đáp cũng cho thấy sự ngây thơ trong cách nhìn cuộc sống của trẻ. Các bạn nhỏ thường lấy chính bản thân mình để suy luận mọi vấn đề. “Bé nhoẻn miệng cười và hỏi/ - Mẹ ơi, mẹ có đau không?/… Mẹ ơi! Con không nghe được/ Hay bụng mẹ dày lên chăng?” (Bé và em). Xây dựng những mẫu đối thoại như vậy trong thơ, Nguyễn Lãm Thắng góp phần giúp thiếu nhi rèn thói quen suy nghĩ độc lập, tự suy luận, bồi dưỡng phong phú tâm hồn trẻ và luôn có cái nhìn tự vấn, biện giải.

Với những thủ pháp nghệ thuật trình hiện trong thơ, Nguyễn Lãm Thắng cho thấy một sự liên hệ mẫn cảm đặc biệt giữa thơ thiếu nhi với khí quyển mùa xuân. Bất kể những chi tiết quen thuộc, đời thường khi vào thơ cũng đều được khoác lên hình ảnh tuyệt đẹp, căng tràn sức sống, báo hiệu sự khởi đầu trong dòng chảy tuần hoàn của vũ trụ vô thường. Nhà thơ luôn xem cỏ cây, hoa lá, loài vật, đồ dùng,… đều được “tẩm ướp” và nảy nở trong hệ sinh thái của mùa đầu tiên trong năm, của vận hội mới. Tất cả được rảy lên thứ mực có tông màu sáng sắc, tưng bừng, rực rỡ. Chúng tề tựu bên nhau, trò chuyện hân hoan, khúc khích cười vui. Đáng chú ý, khi viết về thế giới tự nhiên, tác giả luôn đặt trong hệ quy chiếu với đặc điểm, tính cách, suy nghĩ của thiếu nhi. Mỗi bài thơ là một câu hỏi, lời tự vấn cùng cách giải thích, minh họa thơ ngây, hài hước, bất ngờ. Nguyễn Lãm Thắng vừa khơi gợi tư duy, nhận thức trẻ thơ về thế giới xung quanh, vừa khéo léo đan cài, chuyển tải những bài học giáo dục tinh tế.

*

Viết cho thiếu nhi, Nguyễn Lãm Thắng đã vận dụng hết thảy những hiểu biết, kinh nghiệm sống của mình. Có thể nói rằng, thơ thiếu nhi chính là món quà mà Nguyễn Lãm Thắng tặng các bạn nhỏ và những ai từng là “bạn nhỏ”; như một “kính vạn hoa” đồng hành cùng trẻ thơ trong những trang giấy trắng đầu tiên của cuộc đời. Sự hòa quyện mùa xuân và thiếu nhi - mùa tươi đẹp nhất trong năm và lứa tuổi hồn nhiên nhất đời người đã tạo nên khí quyển thơ trong lành, mộc mạc, bình yên cho khung trời măng non. Vì thế, Mùa xuân em yêu là điệu valse du dương, thánh thót như một lời chào năm mới ngọt ngào mà nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã tấu lên bằng tất cả niềm mến thương thơ trẻ.

N.T.T
(TCSH424/06-2024)

----------------------
1 Lê Trâm (thực hiện) (2022), Nguyễn Lãm Thắng với chất thơ rặt Quảng, nguồn https://baoquangnam.vn, cập nhật 24/7/2022.
2 Mai Quỳnh Nga (2023), Thơ ca thiếu nhi: mảnh đất hiếm người vun trồng, nguồn https://cand.com.vn, cập nhật ngày 1/6/2023.

 

 

Các bài đã đăng