Nghiên Cứu & Bình Luận
Sự “Phục hồi chủ quyền văn hóa của cá tính” trong truyện ngắn Xô Viết
09:02 | 05/06/2008
Văn học, từ xưa đến nay là sự khám phá không ngừng nghỉ về con người, đặc biệt về tâm hồn con người. Khám phá đó giúp cho con người hiểu rõ về bản thân mình hơn, cũng có nghĩa là con người sẽ biết sống tốt đẹp hơn, chất lượng sống do đó sẽ được nâng cao.

Tuy nhiên tuỳ từng giai đoạn lịch sử khác nhau mà văn học khi thì phản ánh con người với đầy đủ vẻ hoành tráng sử thi của nó, khi lại đi vào những khám phá tận cùng sâu thẳm của bản chất người. Có thể thấy văn học Nga – Xô viết trải qua những chặng đường như vậy với cái mốc lịch sử trước và sau Cách mạng Tháng Mười.
Tiếp tục chủ nghĩa nhân đạo, tầm vĩ mô của văn học hiện thực phê phán thế kỷ XIX quan tâm sâu sắc đến số phận của đất nước, của nhân dân, văn học Xô viết nói chung và truyện ngắn nói riêng đã giành một phạm vi rộng lớn cho việc khám phá nhiều khía cạnh mối quan hệ giữa người với người. Đặc biệt truyện ngắn Xô viết từ sau Cách mạng Tháng Mười đã miêu tả con người với tất cả sự phức tạp của nó trong hoàn cảnh sống cụ thể “con người đa nghĩa”. Xung quanh khuôn mặt đa diện đó của con người, các nhà văn Xô viết đã nghiên cứu, phát hiện những biểu hiện bất ngờ mà có lý của thực thể được gọi chính xác là “con người”. Không phải là những con người được đặt trước sự lựa chọn đạo đức căng thẳng của chiến tranh, của những vấn đề to tát trong thời bình, ở những truyện ngắn Xô viết, chính là con người chỉ đơn giản được “đặt lên cân” trong những thời điểm của cuộc sống có nguy cơ yếu tố “con” chiến thắng phần thượng tầng “người” của nó. Không bị đặt trước những thử thách nghiêm trọng có tính quyết định sống còn, hoặc huỷ diệt hoặc bất tử... Lúc này đây, con người vẫn có thể “tồn tại” nhưng mà họ không “sống”, cũng tức là họ không bị đe doạ về sinh mạng trần gian song khủng khiếp hơn họ đang mắc một chứng bệnh trầm kha mà họ không hề hay biết, bệnh SIDA về mặt tinh thần. Người ta những tưởng chỉ có chiến tranh mới gây nên chết chóc, chỉ có bệnh tật và tuổi già mới chấm dứt sự sống, có ai ngờ tội ác lớn nhất của con người đối với đồng loại lại chính là sự thờ ơ lạnh nhạt của con người. Chính là nhờ văn học với “sự phục hồi chủ quyền văn hoá của cá tính”(1) mà người ta mới được chỉ cho thấy ta đã thờ ơ với số phận của người khác như thế nào, ta đã không biết gì về một con người lúc họ đang còn sống ra sao: “Người nào cũng đui điếc trước nỗi đau và cái chết của đồng loại” (1,297), Ngay cả người bạn thân của nhân vật đã chết cũng vì thờ ơ với nỗi niềm của bạn – để cho bạn ra đi mà không có cơ hội giải thích một lời nào – vì một lẽ ông ta cũng như những người khác, “không thể nào chịu để cho một người khác có thể hoàn toàn không giống như chúng ta đây” (1,244), nên thay vì nghe bạn tâm sự, ông ta đã gạt đi vì “vội đi xếp hàng. Người ta bán xúc xích” (1,243). Chính sự tầm thường, thô lỗ, tồi tệ của cuộc đời đã làm tha hoá con người, khiến cho con người “được đặt lên cân và thấy mình thiếu hụt”. Rõ ràng sự “ thiếu hụt” đó là thiếu hụt về đạo lý, về nhân cách của lối sống vị kỷ, của thói đạo đức giả. Nhân vật là nhà nghiên cứu nghệ thuật có tiếng vốn được xem là “nhà nghiền nát nghệ thuật”, khi một tài năng nọ còn sống thì đã phân tích những tác phẩm của anh ta khiến cho chúng “chết ngỏm”, nay vĩ nhân kia đã chết, y lại tâng bốc chúng. Và khi có người lên án hành động của y, y đã biện hộ: “Tôi không phải là kẻ giáo điều” (1,248) với một bản lĩnh tự chủ khiến cho con người chân chính phải “khiếp sợ”. Cũng trong truyện ngắn “Người đã được đặt lên cân...” của Đ.Đranin, tai hại hơn, người ta đã biến những cảm xúc chân thật của con người vốn không phải bao giờ cũng ngân rung lên được, thành một thứ phản xạ có điều kiện. Nhân vật phụ nữ ở Bộ Văn hoá khi phát biểu trước đám tang “giọng chị ta nghẹn lại” khiến cho một nhân vật khác “nhớ ra là cái giọng nghẹn ngào cùng với câu nói ấy anh đã được nghe chị ta nói hôm lễ tang ông đạo diễn nhà hát của họ” (1,227).
Không chỉ một mình chị phụ nữ nọ, các khuôn mặt đi đưa đám đều “thể hiện nỗi đau xót” y như nhau – các bà già thì “khóc khe khẽ một cách phải phép” – nhưng “rõ ràng là tình cảm ấy không chân thật, bởi tình cảm chân thật không giống hệt nhau và ở mỗi người phải thể hiện theo cách riêng” (1,227). Một nhân vật trong truyện đã nghĩ như thế. Rồi thì vẫn giữ nguyên vẻ mặt đau xót đó người ta nói với nhau những chuyện thô lỗ của cuộc đời ngay trong đám khóc. Vậy là có khác gì họ đang giết lần thứ hai người đã chết! Tiếp đó người ta tổ chức một bữa tiệc tang mà bàn ăn “tươi tắn, rạng ngời” đối lập hẳn với không khí của một “căn nhà rõ ràng là đã bỏ hoang lâu ngày” vì chủ nhân của nó đã bị “quên lãng”, “đã mất hút”, trong tâm trí của những người bên cạnh, “chẳng ai biết gì về ông cả” (1,231)... Như thế có khác gì người ta ăn mừng một ai đó chết (!).
Sự “phục hồi chủ quyền văn hoá của cá tính” không chỉ đòi hỏi con người sống tốt đẹp với nhau, nó còn đề nghị con người phải có thái độ nghiêm túc đối với môi trường sống. Truyện ngắn “Đôi mắt của con chó hoang” của A.Kim chính là đã đề cập đến mối quan hệ giữa con người với thế giới động vật quanh ta. Ở đây cũng có thể hiểu một cách không khiên cưỡng rằng rút cuộc con người đã xử sự với nhau phỏng theo cách cư xử của họ với các loài động vật. Bởi vì lô gích của hiện tượng đó sẽ là: “Bọn súc sinh ấy hôm nay hành hạ chó, đến mai nó chuyển sang đày đoạ trẻ con. Phải chăng chưa hề có chuyện như vậy...?” (1,299). Có thể coi đây là một phát hiện bởi lẽ: “Bản thân những kẻ hành hạ không đáng sợ – bề ngoài họ là những con người bình thường, trong đó thậm chí có cả trẻ em và phụ nữ nữa – cái tính chất ẩn nấp trong họ mới đáng sợ.” (1,297). Và một nhân vật trong truyện đã “cho rằng cái tính chất ấy chẳng khá hơn bệnh dịch hạch chút nào, bởi vì còn cái gì nếu như không phải tính hung bạo đã và đang sát hại biết bao nhiêu người trên thế gian này? Và khác gì lắm đâu, nếu như cái tính chất ấy bộc lộ ra không phải nhằm vào người mà nhằm vào con chó không biết nói”. (1,296 – 297). Tuy nhiên triết lý của câu chuyện mang màu sắc Phật giáo này quả tích cực hơn những tín điều nhà Phật khi trình bày sự thật: “Không phải tất cả bọn họ đều rõ ràng là những kẻ ưa thích tính tàn bạo, nhưng họ giống nhau ở một điểm là đều không có sự cảm thông. Người nào cũng đui điếc trước nỗi đau và cái chết của đồng loại. Mà chính họ cũng là những sinh vật trần thế và biết đau đớn” (1,297).
Vậy là không thể để quá muộn, truyện ngắn Xô viết đã cảnh báo sự xuống cấp của đạo đức con người và cấp thiết đòi hỏi một sự “phục hồi chủ quyền văn hoá của cá tính” trong xã hội hiện đại. Có thể hiểu sự “phục hồi” đó trên danh nghĩa là con người cần phải sống có văn hoá. Tuy nhiên sống có văn hoá theo góc độ Khổng Tử – “Cái gì mình không muốn thì đừng đem ra thi hành với người khác” – vẫn là chưa đủ. Khi cuộc đời còn chưa hoàn hảo, khi thực tế cuộc sống còn đầy bất công, còn nhiều phi lý,... con người chỉ “không muốn” làm điều xấu thôi chưa đủ, “chủ quyền văn hoá của cá tính” đòi hỏi anh phải tích cực hơn, phải dấn thân để cải thiện cuộc sống bằng chính cách đối xử của anh với mọi người, với mọi điều xung quanh. Nhiều truyện ngắn Xô viết đã chỉ ra cách đối xử có văn hoá của con người như  “Mẹ” (X.Baruzđin), “Xin cô tha lỗi cho chúng em” (lu.Bônđarép), “Epđôkia điên rồ” (A.Alêcxin), “Quả táo đỏ” (Ts.Aimatôp)... Và một số truyện khác, mang tính phản đề, cũng là gián tiếp đề xuất lối sống đẹp: ”Đôi bờ nước hẹp” (A.Grin), “Lý lịch” (X.Antônôp), “Con chó sói trong thành phố” (A.Iasin),...
Như vậy, xuất phát từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc đời, đó là con đường tất yếu của văn học nghệ thuật. Nếu như cuộc đời chưa hoàn thiện, văn học nghệ thuật phải bằng những tác phẩm chân chính giáo dục con người năng lực cảm nhận sự thật, cảm nhận cái đẹp và cảm nhận nỗi đau của người khác (2), phải làm sao cho:
“Càng tăng thêm nhận thức.
Càng phải giảm bớt sự lạnh lùng
để số phận người khác
làm bạn đau hơn
số phận của chính mình”.
như lời nhà thơ Tiệp Khắc cũ, Mirôxlap Valêch. Truyện ngắn Xô viết với phạm vi quan tâm sâu rộng của nó là những bức thông điệp gửi tới con người hôm nay, ngày mai. Trên ý nghĩa đó, sự “phục hồi chủ quyền văn hóa của cá tính” mang một nội dung nhân bản lớn lao. Tuy nhiên, chỉ trong những xã hội mà ở đó có những chuẩn mực dù còn ít nhiều giáo điều nhưng phù hợp với đạo lý con người, sự “phục hồi chủ quyền văn hóa của cá tính” mới có đất nảy nở bởi vì nó chính là sản phẩm của một trật tự xã hội đã tạo điều kiện cho con người sống vì mọi người và mọi người vì mỗi người. Chủ nghĩa xã hội được khai sinh từ Cách mạng Tháng Mười, dù còn xa mới đạt đến cái đích cuối cùng của mình, cũng đã là ngọn cờ cổ vũ loài người tiến bộ trên chặng đường vươn tới một cuộc sống tiến bộ, hài hòa. Biết bao hoài niệm tốt đẹp về một mẫu hình chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết vẫn nung nấu tâm can những con người yêu chuộng tự do, bình đẳng, hữu ái. Truyện ngắn “Tảng đá bỏng” của A. Gaidar chính là ký ức của cộng đồng về thực thể Liên Xô xã hội chủ nghĩa. Nhân dân tiến bộ nước Nga, dù những cám dỗ của tảng đá thần kỳ, vẫn như ông lão kia, không hề mong muốn đập vỡ tảng đá để bắt đầu làm lại cuộc đời, một cuộc đời “phá bỏ các dãy rào và xây chiến lũy, nổi lên chống lại Nga hoàng” (1, 197), “bởi vì con đường đời ông đã đi qua là con đường gian khổ nhưng sáng sủa và ngay thẳng!” (1, 197) và nhất là nếu như ta đã có một cuộc đời, mà ta đã “không biết sống cho ra sống, không thấy rõ hạnh phúc của mình” thì làm lại cuộc đời khác để làm gì!

NGUYỄN THỊ MỸ LỘC
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

---------------------------------------------
* Nhiều tác giả – Truyện ngắn Xô Viết (1917 – 1987, Tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1987,
(1) Chữ dùng của Aimatốp.
(2) Ý của Hoàng Ngọc Hiến

Các bài mới
Các bài đã đăng