Nghiên Cứu & Bình Luận
Một số thời điểm khả nghi trong các tư liệu viết về Đào Duy Từ
09:49 | 10/02/2025

PHAN THUẬN AN

Khi viết cũng như khi đọc một sự kiện hay một nhân vật lịch sử, có hai yếu tố quan trọng không thể không quan tâm, là thời điểm và địa điểm.

Một số thời điểm khả nghi trong các tư liệu viết về Đào Duy Từ
Ảnh: tư liệu

Hai yếu tố đó đối với một sử kiện cũng giống như hai chân đối với con người, nếu thiếu mất một thì sẽ bị khập khiễng ngay. Biết được nhân vật lịch sử rồi, người ta cần phải thấy rõ các sự kiện trong đời nhân vật ấy đã diễn ra lúc nào và tại đâu. Quan trọng hơn cả là thời điểm, gọi chung là niên đại, vì lịch sử được định nghĩa là những gì đã xảy ra trong thời gian đã qua.

Trong các sách báo xưa nay viết về Đào Duy Từ, có một số thời điểm trong đời ông đã bị bỏ sót hoặc khả nghi, chúng tôi xin nêu ra để chúng ta cùng tìm hiểu.

Trước hết, chúng tôi sẽ nêu ra một số thời điểm đáng ngờ trong các sách báo viết về Đào Duy Từ, rồi trở về với tư liệu chữ Hán xưa nhất viết về ông, và cuối cùng, thử xem xét thời điểm nào là hợp lý và thời điểm nào là nên tồn nghi.

Một số sách báo xưa nay ghi nhận rằng Đào Duy Từ sinh năm 1572, đi thi năm 1592, vào Nam năm 1625, ra làm quan với chúa Sãi năm 1627, xây lũy Trường Dục năm 1630, xây lũy Nhật Lệ năm 1631 và mất năm 1634.

Trong các niên đại ấy, có một số niên đại dường như đã được lịch sử khẳng định, chẳng hạn như hai thời điểm xây lũy ở Quảng Bình (1630, 1631) và năm Đào Duy Từ mất (1634); nhưng có một số thời điểm chưa được thống nhất qua các tư liệu, như năm sinh, năm đi thi, năm đi vào Đàng trong, năm được tiến cử lên chúa Sãi... Ngoài ra, còn một số thời điểm trong cuộc đời Đào Duy Từ như năm ông lấy vợ, sinh con gái (để gả cho Nguyễn Hữu Tiến vào năm 1631) thì không thấy sử sách nào ghi rõ, và đây là điều đáng ngờ nhất, cần phải bàn. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy có người viết rằng Đào Duy Từ đã sống vào thế kỷ XVIII, chẳng hạn như cụ Trần Văn Giáp trong sách "Lược truyện các tác gia Việt Nam", Nguyễn Quân trong quyển "Mỹ thuật người Việt". Có lẽ đó chỉ là sơ ý.

Về năm sinh của Đào Duy Từ, hầu hết các sách báo Việt ngữ trong thế kỷ XX viết về ông đều ghi rằng ông sinh năm 1572, chẳng hạn như "Việt Nam Văn học sử yếu" của Dương Quảng Hàm, "Văn học Việt Nam" của Phạm Văn Diêu, "Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển" của Trịnh Vân Thanh, "Việt Nam danh nhân từ điển" của Nguyễn Huyền Anh, "Văn học Nam Hà" của Nguyễn Văn Sâm (1), "Đào Duy Từ" trong từ điển văn học của Bùi Duy Tân(2); chỉ trừ có hai tư liệu viết rằng Đào Duy Từ sinh năm 1571, là quyển "Lịch sử Đào Duy Từ" của Bùi Văn Lăng và Tô Văn Cần(3), và quyển "Giai thoại làng nho" của Lãng Nhân(4). Ngoài ra, còn có một quyển sách mới xuất bản trong năm 1992 ghi rằng Đào Duy Từ sinh năm 1578! Đó là quyển "Lịch sử? Đồng tiền sấp ngửa" của Thái Vũ.

Về thời điểm Đào Duy Từ đi thi, một số tư liệu không nói đến, một số tư liệu nói năm 1592 khi ông 21 tuổi, một số tư liệu nói năm 1625 là năm ông bỏ Đàng ngoài vào Đàng trong. Số tư liệu không nói đến năm Đào Duy Từ ứng thí là: "Đại Nam liệt truyện Tiền biên" của Quốc Sử Quán triều Nguyễn(5); "Binh thư yếu lược" (bản dịch) của Viện Sử học(6)... Những tư liệu nói ông đi thi vào năm 1592 là: "Lịch sử Đào Duy Từ" của Bùi Văn Lăng và Tô Văn Cần, "Đào Duy Từ, tiểu sử và thơ văn" của Khái Sinh Dương Tụ Quán(7), "Giai thoại làng nho” của Lãng Nhân, "Văn học Nam Hà" của Nguyễn Văn Sâm... Các sách nói Đào Duy Từ đi thi vào năm 1625 là "Phủ biên Tạp lục" của Lê Quý Đôn(8) và "Đại Nam Thực lục Tiền biên" của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn(9).

Về thời điểm Đào Duy Từ rời đất Bắc đi vào Nam, một số tác giả như Nguyễn Bá Trác(10) hoặc Lãng Nhân cho rằng việc này xảy ra trước năm 1625, ý nói ngay sau khi ông không được dự thi vào năm 1592, vì theo hai tác giả ấy, Đào Duy Từ đã được Khám Lý Trần Đức Hòa tiến cử lên chúa Sãi ngay vào năm 1625. Trong khi đó thì các tư liệu khác đều viết Đào Duy Từ bị cấm thi năm 1625 và đi vào Đàng trong cũng ngay trong năm ấy. Chỉ có một tư liệu ghi rằng: “Duy Từ trốn được vào xứ Đàng trong vào năm 1627”(11).

Về sự kiện Đào Duy Từ bắt đầu diện kiến chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chỉ trừ hai tác giả vừa nêu là nói diễn ra vào năm 1625, còn tuyệt đại đa số các tác giả khác đều ghi nhận thời điểm ấy là năm 1627, chẳng hạn như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam liệt truyện Tiền biên(12), Việt Nam phong sử(13), bài "Đào Duy Từ" trong Văn hóa Nguyệt san(14), Từ điển Văn học v.v...

Về niên đại Đào Duy Từ từ trần, phần lớn các sách báo đều ghi là ông chết vào năm 1634 và thọ 63 tuổi, chỉ thấy có một tác giả là Lãng Nhân nói Đào Duy Từ thọ 64 tuổi và một tác giả khác là Nguyễn Quyết Thắng nói ông thọ 62 tuổi(15). Khi nói ông thọ 62 tuổi, có lẽ tác giả tính theo "tuổi tây" (tức là lấy năm mất 1634 trừ cho năm sinh 1572). Nếu năm sinh và năm mất này chính xác và nếu tính theo "tuổi ta" là cách tính tuổi truyền thống của Việt Nam thì phải nói là ông thọ 63 tuổi. Còn nói ông thọ 64 tuổi thì chẳng hiểu đã căn cứ vào đâu.

Về câu chuyện tình bạn thân thiết giữa Lê Thời Hiến và Đào Duy Từ (được hiểu qua cái tên "chàng Năm") mà Phạm Đình Hồ và Nguyễn Án đã viết trong sách "Tang thương ngẫu lục"(16), chúng ta thấy cũng rất đáng ngờ. Được biết rằng Lê Thời Hiến là người Thanh Hóa, sinh năm 1611 và mất năm 1676, là một danh tướng dưới thời Lê Thần Tông. Nếu quả thật Đào Duy Từ đã từ giã đất Thăng Long vào năm 1625 giữa lúc ông 54 tuổi thì khi đó Lê Thời Hiến mới 15 tuổi! Còn nếu ông ra đi năm 1592 thì bấy giờ ông cũng đã 34 tuổi, làm sao mà chơi thân được với một Lê Thời Hiến chưa chào đời?

Riêng về niên đại Đào Duy Từ lấy vợ, rồi gả con gái mình cho tướng Nguyễn Hữu Tiến thì sao?

Chỉ trừ một tư liệu viết bằng chữ Hán sẽ được nhắc đến dưới đây, tất cả các sử sách xưa nay đều không cho biết Đào Duy Từ đã được Trần Đức Hòa gả con gái cho vào thời điểm nào một cách rõ ràng.

Nếu tin vào những niên đại của một số tư liệu trên kia thì xem ra Đào Duy Từ đã vào Nam năm ông 54 tuổi (1572-1625) và lấy vợ ở Quy Nhơn năm ông 55 hoặc 56 tuổi (1572-1626 hoặc 1627). Việc ông lập gia đình tại đây là việc dường như có thật, vì sử sách từng ghi chép về hậu duệ của ông sau đó, chẳng hạn như Đào Duy Mẫn làm quan với chức khâm sai Tham tán và Đào Duy Tâm được giữ chức Cai hợp vào đầu thế kỷ XIX(17). Vả lại, cháu chắt thuộc dòng đích tôn của Đào Duy Từ hiện nay vẫn còn sinh sống ở Bình Định và đang tiếp tục coi sóc lăng mộ cũng như nhà thờ họ Đào tại đó(18). Nhưng, sự kiện ông lấy vợ ở tuổi khoảng 55 thì có đáng tin không?

Ngày xưa, các cụ nhà ta thường "tam thập nhi lập" là đã muộn lắm rồi, đó là chưa nói đến chuyện "tảo hôn" ở tuổi vị thành niên; ít ai lập gia đình ở tuổi "tứ thập nhi bất hoặc"; còn ở tuổi "ngũ thập nhi tri thiên mệnh" mà mới bắt đầu tính đến chuyện hôn nhân thì lại càng hiếm hoi hơn. Huống chi Đào Duy Từ bấy giờ đã đến tuổi 55. Nếu ông bắt đầu ở rể tại nhà Cống Quận Công vào tuổi đó thì con gái của ông sinh ra tại Qui Nhơn đâu đã đủ thời gian đến tuổi cập kê để ông gả cho nhân vật "hắc hổ" Nguyễn Hữu Tiến vào năm 1631? Nếu ông sinh được con gái đầu lòng ngay sau khi lấy vợ vào năm 1626 hoặc 1627 thì cô tiểu thư ấy mới lên 6 hay 7 tuổi!

Có thể đặt giả thuyết người thiếu nữ mà ông đã gả cho Nguyễn Hữu Tiến là cô con gái của ông với bà vợ trước ông lấy ở ngoài Bắc; và khi vào Nam, ông dắt con theo.

Nhưng, Đào Duy Từ đã có vợ ở ngoài ấy chưa? Theo Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án trong "Tang Thương ngẫu lục" thì Lê Thời Hiến đã đến gặp "vợ chồng chàng Năm" ở Hoàng Mai (tại Thăng Long) trong phút giây từ biệt. Nghĩa là Đào Duy Từ đã có thể có con gái ở đất Bắc; nếu chưa vào được cùng một chuyến với ông thì cô con gái ấy có thể vào sau bằng cách "vượt tuyến" trong khoảng những năm từ 1627 đến 1631.

Sự kiện Đào Duy Từ lấy vợ sinh con ở ngoài Bắc thật đáng ngờ, vì chỉ có một tư liệu nói đến, nhưng tư liệu ấy rất khó tin, còn các sử sách viết tương đối chính xác thì lại không nói đến.

Trong quyển "Văn học Nam Hà" xuất bản năm 1972, tác giả Nguyễn Văn Sâm đã đưa một số lập luận về các thời điểm lịch sử của cuộc đời Đào Duy Từ, đại khái như sau:

- "Đại Nam Liệt truyện Tiền biên" cho biết Đào Duy Từ đã nghe tiếng chúa Nguyễn Hoàng có lòng chiêu hiền đãi sĩ, vì vậy, "sự ra đi do phẫn chí phải xảy rất gần năm 1592 là năm Đào Duy Từ bị cấm thi, không lẽ đợi đến 33 năm sau mới vào Nam"... ý nói ông tìm vào Đàng trong ngay dưới thời Nguyễn Hoàng (1558-1613), chứ không phải đợi đến năm 1625 dưới thời vị chúa Nguyễn thứ hai (1613-1635).

- Tư liệu ấy "còn cho biết Đào Duy Từ phiêu lạc từ Quảng Bình xuống Bình Định phải đi chăn trâu một thời gian rồi dạy học ở nhà quan Khám Lý Trần Đức Hòa, sau đó được ông này gả con gái cho. Không lẽ trên 50 tuổi mà Từ chưa có vợ, để được người thương tài gả con. Không lẽ thời gian lận đận của Từ chỉ gần hai năm thôi (1625-1627) trái với điều ông bày tỏ một cách ẩn ý trong "Ngọa Long Cương".

- "Đại Nam Thực Lục" nói Đào Duy Từ gả con gái cho Nguyễn Hữu Tiến vào năm 1631. "Lấy vợ khoảng 1626 mà năm 1631 gả con thì không hợp lý. Nói con gái nầy ông dẫn từ Bắc Hà vào thì cũng không ổn vì như vậy, ông khó lấy vợ năm 1626"(19).

Đứng trước tình trạng một số niên đại trong cuộc đời Đào Duy Từ "bị" các tư liệu ghi chép một cách bất nhất như thế, hẳn chúng ta đều cảm thấy băn khoăn, thắc mắc, và có thể đâm ra nghi ngờ. Mặc dù Đào Duy Từ là một nhân vật lịch sử có thật, nhưng chúng ta có quyền nghi ngờ về một số thời điểm mà các tác giả xưa nay đã viết về ông.

Trong tình hình có các số liệu khả nghi ấy, chúng tôi thấy cần phải xem xét lại thời điểm trước tác và giá trị các tư liệu sử dụng. Khi viết về Đào Duy Từ, hàng chục sách báo tiếng Việt đã tham khảo lẫn nhau, người viết sau dựa vào người viết trước; và những tác giả viết trước ấy đã tham khảo các sử sách viết bằng chữ Hán trước thế kỷ XX.

Với một chút tinh thần làm việc mang ý nghĩa văn bản học để tìm hiểu lịch sử của vấn đề đặt ra, chúng tôi thấy phần lớn các sách báo viết trong khoảng 50 năm nay đều căn cứ vào quyển "Đào Duy Từ, tiểu sử và thơ văn" của Dương Tụ Quán, xuất bản năm 1944, và quyển "Lịch sử Đào Duy Từ" của Bùi Văn Lăng và Tô Văn Cần xuất bản năm 1937. Hai quyển này đã lại dựa vào những sử sách viết bằng chữ Hán ra đời từ đầu thế kỷ XX trở về trước:

- Bộ "Đại Nam Nhất Thống Chí" thời Tự Đức, cũng do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn xong vào năm 1882.

- Bộ "Đại Nam Liệt truyện Tiền biên" do QSQ triều Nguyễn soạn xong năm 1852.

- Bộ "Đại Nam Thực lục Tiền biên" do QSQ triều Nguyễn soạn xong năm 1844.

- Bộ "Phủ biên Tạp lục" của Lê Quí Đôn, viết năm 1776.

- Bộ "Nam triều Khai quốc Công nghiệp Diễn Chí" do Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736) viết vào năm 1719(20).

Đọc về Đào Duy Từ trong các bộ sách chữ Hán trên đây, chúng tôi thấy từ Lê Quí Đôn triều Lê-Trịnh đến các nhà bỉnh bút thuộc Quốc Sử Quán triều Nguyễn đều đã căn cứ vào bộ sách của Nguyễn Khoa Chiêm để viết cả. Nhưng một điều đáng lưu ý là Nguyễn Khoa Chiêm sống cách Đào Duy Từ khoảng một thế kỷ, ông lại viết sách dưới dạng "diễn chí", còn gọi là tiểu thuyết lịch sử. Cho nên độ tin cậy trong đó không thể nào có được như chúng ta mong muốn. Chính Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn đã phát hiện ra một số sai lầm trong "Nam triều Khai quốc Công nghiệp Diễn chí" và khuyên chúng ta "nên xem sách ấy là một bộ dã sử khá gần sự thật" mà thôi(21). Nếu truyền thuyết Nguyễn Hoàng sai người đi vấn kế Nguyễn Bỉnh Khiêm được Nguyễn Khoa Chiêm ghi là xảy ra vào năm 1600 (năm Canh Tý), nghĩa là sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm chết 15 năm(22), thì một số sự kiện trong cuộc đời Đào Duy Từ cũng có thể bị ông ghi sai về thời điểm như vậy.

Tác giả "Nam triều Khai quốc Công nghiệp Diễn chí" đã viết một số diễn biến trong cuộc đời Đào Duy Từ với các niên đại như sau:

- Năm 1625 (Ất Sửu): tháng 8 âm lịch, chúa Trịnh Tráng hạ lệnh mở khoa thi Cống cử để chọn học trò, nhưng Đào Duy Từ bị gạt bỏ, cho nên vào trung tuần tháng 10 năm ấy, ông một mình đi vào Nam, anh em bà con họ hàng không ai hay biết. Chẳng mất bao ngày, ông đến huyện Vũ Xương (Quảng Trị). Sau khi ở đây một thời gian ngắn, ông đi vào Qui Nhơn. Khi được một phú ông hỏi han về gia cảnh, Đào Duy Từ trả lời dối rằng ông ra đi từ Thuận Hóa, cha mẹ chết sớm, bà con chẳng còn ai, nên phiêu bạt vào đó để kiếm sống. Ông cũng muốn theo đòi nghiên bút nhưng hoàn cảnh không cho phép, hơn nữa, "tuổi cũng đã gần hết nửa đời", ai chịu nuôi cho để ăn học, đành phải đi ăn xin.

- Năm 1626: Đào Duy Từ được Khám Lý Trần Đức Hòa "gả con gái cho để gắn bó tinh thần".

- Năm 1627: Ông được nhạc gia tiến cử lên cho chúa Sãi...

- Năm 1631: (Tân Mùi): Nguyễn Hữu Tiến được Đào Duy Từ đón nhận, "gả con gái cho và tiến cử với chúa Sãi vương".

- Năm 1634 (Giáp Tuất): Đào Duy Từ mất, "thọ 63 tuổi".

Chính nhờ có nhóm chữ "thọ 63 tuổi" dịch từ câu "niên lục thập hữu tam" mà nhiều tác giả về sau, như Nguyễn Văn Sâm chẳng hạn, đã "suy ra năm sinh của ông" là 1527. Thật vậy, chúng tôi không thấy sử sách nào ghi chép cụ thể năm sinh của Đào Duy Từ cả.

Trong tình trạng thiếu sự thống nhất về một số niên đại qua các tư liệu viết về Đào Duy Từ đã nêu trên, một trong những nguyên tắc của phương pháp sử học là bắt buộc chúng ta phải tìm về tư liệu gốc, hay tư liệu xưa nhất, hoặc tư liệu bậc một. Tư liệu ấy ở đây là "Nam triều Khai quốc Công nghiệp Diễn chí" viết năm 1719. Nhưng nó đã được Nguyễn Khoa Chiêm biên soạn sau khi Đào Duy Từ qua đời 85 năm. Do đó, chúng ta có quyền hoài nghi về tính chính xác của nó. Tuy nhiên, căn cứ vào tính khách quan của một số sự kiện diễn ra trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, chúng ta không có lý do gì để hồ nghi về năm mất của Đào Duy Từ là năm 1634. Và do đó, có thể tin được năm sinh của ông là năm 1572. Về việc ông được chúa Sãi tiếp kiến và bắt đầu trọng dụng vào năm 1627 thì có lẽ đó là sự thật, vì trong những năm thuộc thập kỷ 20 ấy, có một loạt sự kiện lịch sử mang tính cách đối kháng khi âm thầm khi công khai giữa hai thế lực Trịnh Nguyễn đã lần lượt diễn ra rất ăn khớp với nhau và với cuộc hội ngộ tương đắc giữa chúa Sãi và Đào Duy Từ năm 1627. Còn các niên đại ông đi thi (1592?), vào Nam (1625?), lấy vợ (1626); gả con (1631?) thì các tư liệu nói khác nhau và chính các niên đại ấy cũng có vẻ mâu thuẫn lẫn nhau, chúng tôi đang thiếu cứ liệu chính xác để lý giải một cách logique, cho nên được phép "dĩ nghi tồn nghi"... Ngày nay đọc đến Đào Duy Từ, tính nghiêm khắc của khoa học không cho phép chúng ta bỏ qua những chỗ khả nghi mà không bàn. Trong tinh thần đó, chúng tôi mặc dù chưa có đủ tư liệu nhưng cũng xin mạnh dạn nêu lên những thiển ý như trên để mong các học giả cao minh làm sáng tỏ những thời điểm ấy về một nhân vật lịch sử có công lớn đối với Đàng trong một thời.

P.T.A
(TCSH59/01-1994)

--------------------
Chú thích:

(1) Nguyễn Văn Sâm "Văn học Nam Hà", Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 97.
(2) Bùi Duy Tân. "Từ điển văn học", nhà XB KHXH, Hà Nội, 1983. Tập I, trang 189.
(3) Bùi Văn Lăng và Tô Văn Cần, "Lịch sử Đào Duy Từ", Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, 1937, trang 5.
(4) Lãng Nhân, "Giai thoại làng nho". Nam Chi Tùng Thư xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 71.
(5) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. "Đại Nam Liệt truyện Tiền biên", quyển 3. từ 10b - 16a.
(6) Viện Sử Học. "Binh thư yếu lược", Nhà XB KHXH, Hà Nội, 1970, trang 21-22.
(7) Khái Sinh Dương Tụ Quán, "Đào Duy Từ, tiểu sử và thơ văn", Đông Tây Thư Quán, Hà Nội, 1944, trang 12.
(8) Lê Quí Đôn, "Phủ biên Tạp lục", bản dịch của Lê Xuân Giáo, tập I. Phủ QVKDTVH xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 76.
(9) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. "Đại Nam Thực lục Tiền biên", bản dịch của Viện Sử Học, tập l, Nhà xuất bản Sử Học, Hà Nội, 1962, trang 51.
(10) Nguyễn Bá Trác, "Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu", bản dịch của Bửu Cầm và các cộng tác viên, Bộ QGGD xuất bản, Sài Gòn, 1963, trang 287.
(11) Viện Sử học, "Binh thư yếu lược", trang 21.
(12) Quốc Sử Quán, "Đại Nam Liệt truyện Tiền biên", quyển 3, tờ 11b.
(13) Nguyễn Văn Mại, "Việt Nam phong sử", bản dịch của Tạ Quang Phát, Phủ QVKĐTVH xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 275.
(14) Phạm Văn Diêu, "Đào Duy Từ", Văn Hóa Nguyệt San, Sài Gòn, số 63, tháng 8-1961, trang 55.
(15) Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Tế, "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam", Nhà XB KHXH, Sài Gòn, 1991, trang 123.
(16) Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, "Tang thương ngẫu lục", bản dịch của Đạm Nguyên, in lần thứ nhì, Bộ Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1970, Quyển nhất, truyện ông Lê Thời Hiển, trang 56-61.
(17) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, "Đại Nam Thực lục", bản dịch đã dẫn, tập III, Hà Nội, 1963, trang 22.
(18) Dẫn bởi Phạm Văn Diêu, "Đào Duy Từ", Văn hóa Nguyệt san, số 64, tháng 9-1961, trang 60.
(19) Nguyễn Văn Sâm, sđd, trang 97.
(20) G. Rivière, "Une Lignée de loyaux serviteurs, les Nguyễn Khoa", Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1915, trang 290.
(21) Hoàng Xuân Hãn, "Đúng ba trăm năm trước”, Tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 26, 1974, trang 9-10.
(22) Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm, "Nam triều khai quốc Công nghiệp Diễn chí", Ngô Đức Thọ dịch, in thành "Trịnh Nguyễn Diễn chí", Tập I. Sở VHTT Bình Trị Thiên xuất bản, 1986, trang 99.

 

 

Các bài đã đăng