TUỆ QUANG
LTS: Trân trọng cám ơn nhà văn Trần Thanh Địch và tác giả Tuệ Quang, đã cung cấp cho tạp chí chúng tôi tư liệu quý giá này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Mấy năm gần đây, khởi nguồn từ cõi lòng thương yêu quý trọng nhà thơ thiên tài Hàn Mặc Tử, một số bạn trẻ thời nay đã có công tìm tòi, giới thiệu trên báo "bài thơ cuối cùng" của Hàn viết tại nhà thương Quy Hòa, trước lúc Anh đi vào cõi Vĩnh Hằng.
Tác phẩm cuối cùng ấy của Hàn Mặc Tử mà các bạn trẻ ngưỡng mộ là có thực.
Tuy nhiên, đó không phải là "một bài thơ" mà là áng văn xuôi được viết bằng tiếng Pháp. Bài "prose" này (có thể gọi là tản văn) dẫu mang nhiều chất thơ, giai điệu thơ, vẫn không thể gọi là "một bài thơ" được. Bạn đọc lớp cũ chắc dễ dàng nhận ra bài prose này đã được nhà văn Trần Thanh Mại sưu tầm, cho in toàn văn trong cuốn Hàn Mặc Tử - trang 254, ra năm 1942... có kèm theo bản dịch tiếng Việt của ông.
Cho tới ngày nay, để góp phần đính chính lại "bài thơ cuối cùng" này, nhà văn Trần Thanh Địch, em ruột nhà văn quá cố Trần Thanh Mại, hiện đã gần bước tới tuổi 80, là bạn thân thiết của Hàn Mặc Tử lúc sinh thời, đã công phu chép tay lại toàn văn bài prose "La pureté de l'âme" của François Trí (Hàn Mặc Tử) và bản dịch Việt văn "Tấm linh hồn thanh khiết" của Trần Thanh Mại... trân trọng gửi tới Tạp chí Sông Hương...
Đây là một dịp may mắn tình cờ để bạn đọc thời nay, giữa lúc tiếng Pháp đang hồi xuân trở lại Việt Nam, được hiểu biết đầy đủ về một áng văn chương bất hủ của Hàn Mặc Tử.
Vào những năm 40 trước đây, khi bài prose cuối cùng này của Hàn được công bố, không ít người đọc đã phải bàng hoàng, ngạc nhiên trước một tài năng giấu kín, bất thần đột xuất, dẫu còn non trẻ vẫn xiết bao kỳ lạ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Người Việt viết văn Pháp, qua hơn nửa thế kỷ, vào thời ấy (và còn là chuyện về dài lâu) quả không phải là chuyện đơn giản, dễ dàng được thừa nhận. Tuy nhiên, Thượng Đế hiền minh đã sinh ra Hàn Mặc Tử để làm thơ, nên anh đã phải sống thiêng và chết trẻ; con người tột cùng đau khổ và tài hoa này có phải chăng vì thế lại cũng được Thượng Đế gia ân một lần nữa, phú cho anh trí lực viết văn bằng tiếng Pháp, đặng giúp anh có thể trút được hơi thở cuối cùng giã biệt trần gian với "Tấm linh hồn thanh khiết"...?
Ước mong rằng từ đây bạn đọc sẽ cảm nhận được sự hài hòa thiêng liêng cao khiết giữa Đạo và Đời, mối giao lưu tươi mát nồng ấm của hai nền văn hóa đông - tây, nguồn sống trong sáng cao sang của ngôn ngữ Pháp từ Baudelaire, Verlaine, Rimbaud, Valeri, Claudel... tới Hàn Mặc Tử thân thương của chúng ta.
Thành phố Hồ chí Minh
tháng Chạp Tây năm 1993
T.Q.
La Pureté de I’ âme!
Anges du ciel, anges de Dieu, anges de paix et de gaieté, apportez - moi une couronne.
Je veux me baigner dans l’Océan de lumière et d’amour divin.
Car ici - bas s'accomplissent des miracles qui tiennent les hommes muets d'admirations en contemplant l’oeuvre mystique du Très Haut.
Anges du ciel, anges de Dieu, anges de paix et de gaieté, voyez - vous cette lueur diaphane qui se précise, cette blancheur de neige, cette forme immaculée, cette âme apparue au monde? Je crois dès le premier abord que c’est l’esprit des saints, la poésie, la quintessence de la prière, qui au lieu de s’exhaler en parfum et en êther, prend la modeste résolution de se faire créature!
Anges du ciel, anges de Dieu, anges de paix et de gaieté, applaudissez: car ce sont les Mères et Soeurs de Saint François d'Assise qui descendent au monde pour calmer les douleurs et les peines des faibles mortels, des malades et des lépreux tels que nous sommes.
Je veux chanter des louanges, me désaltérer de leurs douces paroles quand elles chantent: Hosanna! Hosanna!
Je veux toujours admirer cette blancheur immaculée, cette fraicheur, cette lumière, cette poésie, car tout celà est l’emblème de la
Pureté de l’âme!
Anges du ciel, anges de Dieu, anges de paix et de gaieté, lancez-vous des roses et des nénuphards, des chants mélodieux et des notes embaumées et versez avec effusion les vertus, le courage et le bonheur parmi les servantes de Dieu.
François Trí
Déo gratias
(Nuit de Mercredi 24 Octobre 1940)
Bản dịch: Tấm linh hồn thanh khiết
Hỡi các vị thiên thần của Trời, thiên thần của Chúa, thiên thần của hòa bình và hoan lạc, xin hãy mang lại cho tôi một vòng hoa.
Tôi muốn tắm trong bể ánh sáng và lòng yêu kính thiêng liêng.
Bởi vì dưới cõi trần gian đã thành tựu nhiều phép lạ nó làm cho người ta phải nghẹn ngào vì khâm phục khi ngưỡng vọng cái sự nghiệp thần bí của đấng Tối Cao.
Hỡi các vị thiên thần của Trời, thiên thần của Chúa, thiên thần hòa bình và hoan lạc, các người có thấy cái ánh sáng trong mờ càng ngày càng rõ rệt, cái mầu sắc trắng tuyết kia, cái hình hài không vết bợn kia, cái linh hồn hiện lên nơi cõi thế kia, ngay khi mới thấy, tôi đã chắc đó là cái hồn phách của các vì Thánh, cái thi tứ, cái tinh hoa của sự cầu nguyện đáng lẽ thì bốc lên hương thơm và tinh khí, nhưng đây chỉ khiêm tốn quyết định hóa ra Người.
Hỡi các vị thiên thần của Trời, thiên thần của Chúa, thiên thần hòa bình và hoan lạc, xin hãy vỗ tay lên: bởi vì đó là các Mẹ và các Chị dòng Saint François d' Assise, xuống cõi trần gian để an ủi những đau khổ, lo âu của loài người yếu đuối, của các bệnh nhân tàn tật, của những kẻ phong hủi là chúng tôi đây.
Tôi muốn ca lên những bài khen ngợi, hứng uống cho thật đã những lời êm dịu của các bà, khi các bà đồng hát bài thánh ca: Hosanna! Hosanna (xin cứu với! xin cứu với).
Tôi muốn bao giờ cũng thán thưởng cái hình thể trắng tinh không vết ấy, sức tươi mát, nguồn ánh sáng, bầu thơ ấy, vì tất cả đó là biểu tượng của:
Tấm linh hồn thanh khiết
Hỡi các vị thiên thần của Trời, thiên thần của Chúa, thiên thần hòa bình và hoan lạc, xin hãy ném cho nhau những đóa hoa hồng, hoa súng, những điệu hát réo rắt và những hơi nhạc thơm tho, và xin hãy rưới trút cho tràn trề nào là đức hạnh, can đảm và hạnh phúc cho những vì nữ tỳ của Đức Chúa.
François Trí
Cảm tạ Thượng đế
(Đêm thứ tư 24 tháng 10 năm 1940)
Bản dịch của Trần Thanh Mại trong cuốn Hàn Mặc Tử (năm 1942)
(TCSH60/02-1994)