Nghiên Cứu & Bình Luận
Tên và chuyên đặt tên
09:38 | 04/09/2009
HÀ VĂN THỊNH Những cái tên - có lẽ không giản đơn như cách nói của người Nga - " Người ta gọi tôi là...”  Ở đây, lớp vỏ của ngôn từ chỉ diễn tả một khái niệm mù mờ nhất của một lượng thông tin ít nhất.Trong khi đó, có bao giờ ta nghĩ rằng một cái tên, không ít khi hàm chứa thật nhiều điều - thậm chí nó cho phép người khác biết khá rõ về tính cách, khả năng và ngay cả một phần của số phận của kiếp người?

Chẳng hạn, trong bất kỳ một tác phẩm văn học của bất kỳ một nền văn hoá nào, tên của các nhân vật chính bao giờ cũng đã là chủ đề mà tác phẩm muốn phản ánh: Tấm - Cám; Chị Dậu; Thị Nở - Chí Phèo; Chị Sứ... Người Việt tự xa xưa thường đặt những cái tên thật xấu xí bởi niềm tin con cái sẽ dễ nuôi, chóng lớn:

                        Cái Hĩm, Cái Bướm, Cái Bèo
                        Cu Mần, Cu Bóp, Cu Teo, Cu Tèo.

Rõ ràng trong những trường hợp trên, thông tin có được từ sự “ xấu xí ” hàm chứa vô vàn các “thông điệp” dung dị mà cực kỳ sâu sắc của những người nông dân chân lấm, tay bùn.

Dần theo thời gian, xã hội càng phát triển, đời sống văn hoá càng cao thì cái tên càng được coi trọng với rất nhiều những kỳ vọng và nỗi niềm...


1) Tôi không hoàn toàn nghĩ rằng có những cái tên đẹp và những cái tên chưa thật đẹp. Khổng Tử nói “Mỹ tại kỳ trung”.  Những cái tên cũng như bộ quần áo của con người, chúng chỉ là lớp vỏ của cuộc đời. Tuy nhiên, có lẽ rất không nên khi đặt tên cho con mà vô hình trung, bắt con mình phải theo đuổi sự trớ trêu - nhiều khi đến mức khôi hài, suốt những tháng năm dài chỉ bởi cái khập khiễng giữa tên và người. Ta sẽ giải thích thế nào khi con gái mang tên Bạch Tuyết mà màu da thì có họ gần với ông lão đốt than? Cũng rất tương tự nếu con mình là Trần Tiến Sĩ nhưng nó chưa và sẽ không bao giờ học quá lớp 5!

2) Tôi đã chứng kiến không phải một lần cảnh một cô nữ sinh ngồi khóc chỉ vì những đứa bạn trai tai ác cứ luôn lỡ gọi nhầm theo cách nói lái của những cái tên. Phạm Thu Cúc hay Trần Giáng Hương thật sự là những tai hoạ nếu như sự quá quắt của lứa tuổi học trò không nhìn thấy giới hạn. Hy vọng vào tính giới hạn có thể của các thế hệ nhất quỷ, nhì ma chẳng khác gì công việc mò kim ở đáy... chân trời.

3) Người Việt có một thói quen cực xấu là thích phô trương với những cái tên. Dù chỉ ký để nhận lương hay viết một bài báo nhỏ, ra một cái đề thi... bao giờ cũng phải ghi đủ và ghi rõ GS. TS... Cứ như thể không có những chức danh và học vị đó thì bài viết sẽ không còn giá trị nữa. Một cái quán xập xệ lèo tèo vài bao xi măng, dăm thanh sắt nhưng vẫn học hỏi thật tuyệt vời phong cách của anh bạn nhà nhím: Trung tâm phân phối vật liệu xây dựng. Tôi đã từng đi qua cầu Hiền Lương đầu năm 1986. Khi đó, công nhân đang thay những tấm ván mặt cầu. Một tấm biển thật to được dựng ở đầu cầu: Công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

Nếu đi khắp và đọc khắp 64 tỉnh, thành của đất nước; sẽ thấy có cơ man là trung tâm. Trung tâm đào tạo chất lượng cao ĐN; Trung tâm luyện thi Đại học Mở; Trung tâm in và sang băng hình... Có lẽ, đã đến lúc phải có một văn bản rõ ràng và chi tiết quy định về cách đặt tên. Nhất thiết phải phân biệt rõ một trung tâm chất lượng cao thì khác với cái chưa cao ở điểm nào? Như thế nào thì mới được gọi là một trung tâm? Đây không chỉ là sự lãng phí của ngôn từ mà còn là sự vô trách nhiệm được sinh ra từ độ dày quá mỏng của một nền nghĩ hơi bị thiếu về văn hoá.

4) Đường phố ở các đô thị, thị trấn của nước ta là cả một mê cung của những cái tên. Ta giải thích như thế nào khi ở Quận I, Quận II, Quận III của thành phố Hồ Chí Minh vẫn cứ con đường đó với tên đó. Hỏi đường, bao giờ cũng phải giải thích ở quận nào! Tại sao phải nhiêu khê đến thế, mất thì giờ đến thế? Đó là chưa nói đến việc lúc có sự cố - khi mà sự sống và cái chết được tính bằng giây; thậm chí chỉ cần 10 giây thôi tính chất của một đám cháy đã khác hoàn toàn rồi... Có lẽ cách đặt tên đường của người Mỹ là điều đáng phải quan tâm.

Đường phố ở nước ta có quá nhiều những cái tên mới mà lại rất ít những tên người từng làm ra lịch sử cách đây hàng trăm  - ngàn năm. Phải chăng 60 năm của nước Việt Nam mới là đủ để cho chúng ta quyền vinh thăng những danh nhân mới nhiều hơn gấp bội phần cha ông chúng ta tạo dựng cơ ngơi này từ nhiều ngàn năm trước? Là một người thích sử, tôi đã day dứt và không thể nào lý giải nổi vì sao lại có sự bất cập đến như thế. Tại sao Nhà Trần có đến hàng chục tên đường mà gần 400 năm của triêu đại Chúa - Vua Nguyễn lại không thể có nổi vài tên đường phố? Đã bao giờ chúng ta tự hỏi rằng thời kỳ từ 1558 - 1945 là thời kỳ cương vực Đất Việt mến yêu được mở rộng nhất; các thành tựu văn hoá  - xã hội là nhiều nhất ... nhưng tại sao có thể nhớ về thời đại đó ít ỏi đến thế?

Thử nhìn sang Trung Quốc. Hoàng Đế Khang Hy (1665 - 1725), Ung Chính (1725 - 1736), Càn Long (1736 - 1795) đều không thiếu những bạo tàn, ích kỷ. Thế nhưng đó lại là những người đem về cho đất nước Trung Hoa ngày nay 3 triệu km2 đất đai Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông. Chẳng trách người ta dựng phim về hai ông vua này nhiều đến thế!

Không thể để cho gần 4 thế kỷ của lịch sử lại thiếu vắng những nhân tài. Chúng ta đang phí phạm lịch sử; hoặc giả, chúng ta đang nhìn khác hướng với cha ông mình.

5) Tôi sắp buộc phải nói ra một trong những điều khó nói nhất và chắc chắn là khó tìm được sự đồng cảm nhất: đó là chuyện của những cái tên đường gắn liền với những niềm tự hào của dân tộc.

Quá khứ hơn 1000 năm hào hùng của lịch sử (năm 938 đến nay) gắn liền với rất nhiều chiến công hiển hách. Tuy nhiên, một khi đã khép lại quá khứ, hướng đến tương lai thì nhất thiết phải nói và hành động theo cách thức buộc tất cả bạn bè trên thế giới phải tâm phục, khẩu phục.

Lịch sử không thể thay đổi. Nhưng chúng ta vẫn có thể nhắc đến nó bằng một cung bậc khác, với nhịp điệu khác, ở tần số khác. Tôi nghĩ rằng Quang Trung hay Trần Hưng Đạo là đủ. Không nên và không hay một chút nào khi nhắc thêm Nguyễn Huệ, Trần Quốc Tuấn. Đó là chưa kể đến các “phụ danh” đi kèm như Đống Đa, Ngọc Hồi... Có nên chăng thiết lập một vùng trung lập về địa danh, tên đường ở khu vực nhạy cảm  như nơi có Đại sứ quán nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa?

6) Sự công bằng có thể là điều khó tìm thấy nhất trên trái đất này. Thế nhưng   chắc sẽ dễ dàng hơn đối với những người không còn sống nữa. Chúng ta đã vinh danh những cái tên thật xứng đáng như Yersin, Pasteur, Lénine. Tại sao Alexandre de Rhodes - Người đã cho tôi những kiểu chữ để viết những dòng này lại không thể có một cái tên? Chẳng lẽ không đáng để tôn vinh một người Mỹ dám tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam  như Morrison sao? Nếu đặt Morrison bên cạnh Lê Văn Tám, tôi e rằng cả hai đều phải đồng thanh đòi lẽ công bằng(!)

Tôi đến trường học nào cũng có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” của Khổng Tử. Giá trị tư tưởng và công lao của Khổng Tử, Tôn Trung Sơn (đã từng đến Việt Nam), Chu Ân Lai đối với dân tộc Việt Nam nếu không muốn nói là nhiều thì chắc chắn cũng không thể ít hơn Yersin.. Đó là những cái tên cần nhớ của lịch sử và, những cái tên thật cần thiết cho việc hoá giải phần nào những mắc mớ, nhầm lẫn từ quá khứ để cho tương lai của các quan hệ trở nên rõ ràng hơn.

7) Các vĩ nhân luôn coi trọng việc đặt tên. Tháng Năm năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh để thay thế cho Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương. Chỉ 4 chữ Độc lập Đồng minh đã cho ta thấy đủ cả tầm vóc củạ sự vĩ đại. Nó khái quát toàn bộ đường lối cách mạng của Đảng chỉ bằng hai chữ Độc Lập. Nó chỉ ra dứt khoát con đường chính nghĩa của cách mạng Việt Nam bằng hai chữ Đồng Minh! Chỉ đến những ngày hiểm nghèo sau Cách mạng Tháng Tám 1945 chúng ta mới phần nào hiểu rõ sự vĩ đại về cách đặt tên của một thiên tài! Có thể nói, nếu không có hai chữ Đồng Minh, trước 20 vạn quân Tưởng, 1 vạn quân Anh, số phận của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ lâm vào bao tình thế trầm kha.

Năm 1961, trước tình trạng bát nháo của viện trợ Mỹ cho nước ngoài, tổng thống Mỹ  John F. Kennedy thành lập một cơ quan để quản lý tất cả các khoản viện trợ. Kennedy đã gần như không ngủ suốt một tuần để cuối cùng tìm được một cái tên thích hợp: Cục Phát triển Quốc tế. Tên tiếng Anh của nó là  Agency for International Development. Điều diệu tuyệt của cái tên này là khi viết tắt - AID, nó lại là từ “giúp đỡ”, “viện trợ” (aid).

8) Có những cái tên nghe qua dường như không có vấn đề gì; nhiều khi lại tạo nên ấn tượng - đúng như mong muốn của những người nghĩ ra nó. Thế nhưng thực ra lại vô cùng không ổn. Chẳng hạn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Cụm từ Phát triển Nông thôn trong trường hợp này thật tối nghĩa. Chẳng lẽ Bộ Ngoại giao hay Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chức năng phát triển? Việc phát triển bất kỳ một vấn đề nào đều là chức năng, nguyên tắc của mọi cơ quan, tổ chức. Nói gọn, đó là thuộc tính của sự tồn tại. Nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp là để đưa nông thôn tiến lên và vì thế không thể tách rời hai nhiệm vụ nông nghiệpphát triển. Đó là chưa nói đến sự chồng chéo nhiệm vụ giữa Bộ Nông nghiệp và các bộ khác như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng...

Chúng ta nói rất nhiều đến việc tinh giản bộ máy nhà nước để hoạt động có hiệu quả hơn, đỡ tốn kém hơn. Thế nhưng hiện nay có quá nhiều cái tên của rất nhiều cơ quan chồng chéo lên nhau - đến mức một con người cụ thể không rõ mình là ai; mình thuộc về “ai”. Tỷ dụ như một người nông dân; chị  ta vừa là người của Hội phụ nữ, của Hội nông dân, của Hợp tác xã, của Mặt trận Tổ Quốc và nếu đã từng đi bộ đội thì còn là của Hội cựu chiến binh! Đã đến lúc phải đặt câu hỏi Hội phụ nữ đã, đang làm được gì cho những người đàn bà? Hội Nông dân làm gì cho những người nông dân? Tôi cho rằng, Hội Liên hiệp phụ nữ hay Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chỉ nên cơ cấu thành một tổ chức trực thuộc cơ quan Mặt trận là đủ. Đó là cách tốt nhất để làm đẹp hơn những cái tên.

9) Việc thay đổi tên đường phố, tên cơ quan... quả là vấn đề không đơn giản. Thế nhưng nếu cần thiết thì vẫn phải làm. Thế giới người ta còn dám thay cả tên của một quốc gia. Trước kia, nước Chile ngày nay có tên là Chilli vì nhìn trên bản đồ quốc gia này trông giống như một trái ớt. Âm của từ này khi đọc lên còn có nghĩa là sự lạnh lẽo, vô tình (chilly). Mianmar có tên cũ là Miến Điện (Burma). Chữ Bur đọc giống như từ bug (sâu bọ). Rõ ràng việc đổi tên là hoàn toàn có lý.


Chuyện đặt tên và gọi tên  rất có thể là một câu chuyện dài mà những điều nêu trên đây chắc chắn sẽ đưa đến không ít những bất bình. Dù sao đây cũng chỉ là một ý kiến chủ quan. 20 năm trước ta đã từng có Uỷ ban Sinh đẻ có kế hoạch mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng làm chủ nhiệm. Bây giờ, Uỷ ban Dân số gia đình và trẻ em chắc hẳn là hay hơn nhiều. Đó là một cụm từ có xuất xứ từ Hoa kỳ.

Nhiều thành phố ở nước ta rất ý vị khi để cho 2 con đường Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh khai giao nhau. Đó là một cách đặt tên rất đáng trân trọng. Thế nhưng đã có đường Nguyễn Sinh Sắc sao lại không có đường Hoàng Thị Loan? Và nếu có  tại sao những tên đường hay như thế lại không thể giao nhau? Chuyện tưởng chừng như là nhỏ nhưng thật ra nó nói lên rất nhiều điều. Ít nhất nó phản ánh rằng từ vô thức (unconscious), chúng ta đã không hề bình đẳng khi xác định vai trò và giá trị của từng con người cụ thể.

Những cái tên, theo tôi nghĩ, là vô cùng quan trọng. Khi người Mỹ phóng tàu vũ trụ Apollo - ai cũng biết đó là tên của vị thần Apollon, thần ánh sáng, trí tuệ, hiểu biết, khám phá. Lúc nhận hợp đồng cung cấp bóng thi đấu cho Euro 2004, hãng Adidas đã đặt tên cho trái bóng là Roteiro với 4 vạch thẳng và một vạch ngang. Roteiro là tên của cuốn nhật ký hải trình mà năm 1497 - 1499, Vasco de Gama đã sử dụng trong chuyến đi đầu tiên của con người từ đại dương này đến đại dương kia (Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương). Những đường vạch trên trái bóng tượng trưng cho các đường kinh tuyến và vĩ tuyến của trái đất. Thế mới biết, dẫu chỉ là một quả bóng da thôi, ý nghĩa của việc đặt tên và thể hiện cái tên đó đã làm tăng giá trị của nó lên rất nhiều lần. Roteiro đã trở thành sự khám phá văn hoá, khám phá những bất ngờ, biểu tượng của khát vọng và ý chí phi thường của con người. Người Hy Lạp đã chứng minh rằng họ thật sự hiểu một cách đầy đủ những ý nghĩa đó.

Huế, Mùa thi 2004
H.V.T
(186/08-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng