Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới (từ 1986 trở lại nay) không nằm ngoài quy luật đó của nghệ thuật. Nguồn gốc sâu xa của một tiến trình đổi mới nằm trong cảm hứng sáng tạo, trong quan niệm nghệ thuật về con người và đời sống xã hội, trong tư duy nghệ thuật... Nhưng tất cả những yếu tố đó đều trực tiếp chi phối đến phương thức phản ánh, đến cách thức cấu trúc và vận dụng thể loại. Chưa thể có một sự cách tân với mặt bằng vô cùng rộng lớn và tinh thần hiện đại hoá triệt để như thời hoàng kim 1930 - 1945, song nhìn vào tiến trình vận động của văn học Việt Nam giai đoạn từ 1986 trở lại nay, người ta dễ nhận ra sự phong phú đa dạng của diện mạo thể loại, những biến động về thi pháp cùng sự hưng thịnh của từng thể loại riêng biệt.
Tiểu thuyết là một thể loại lớn của phương thức tự sự, một trong những thể loại chủ chốt của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Kể từ những gương mặt đầu của tiểu thuyết "Tự lực văn đoàn", tiểu thuyết hiện thực phê phán, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ hậu chiến, tiểu thuyết Việt Nam đã có cuộc hành trình ngót 3/4 thế kỷ. Trong khoảng thời gian đó, tiểu thuyết đã khẳng định được vị trí then chốt của mình bằng việc tái hiện những bức tranh hiện thực đời sống với một quy mô lớn, bao quát được những vấn đề cơ bản của đời sống xã hội và số phận con người.
Hiện thực đời sống vào những năm sau 1975, đặc biệt vào thời kỳ đổi mới với nhiều biến động phức tạp, thực sự là "vùng trời, vùng đất" thích hợp, nếu không muốn nói là lý tưởng cho sự sáng tạo tiểu thuyết. Chính Nguyễn Khải, một trong những cây bút sớm có tư tưởng đổi mới đã thừa nhận: "Thời nay rộng cửa, gợi được rất nhiều thứ để viết. Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ, mới thật là một mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai vỡ"(2). Vẫn còn đó âm hưởng hào hùng của sức mạnh và số phận cộng đồng, tiểu thuyết sau 1975 đã có thêm một cuộc hành hương tìm về với cội nguồn đặc trưng thể loại: đi sâu tìm hiểu, khám phá những vấn đề thuộc về số phận cá nhân.
Nếu thừa nhận cảm hứng về con người với những bước thăng trầm của số phận là đặc trưng nổi bật của tư duy tiểu thuyết thì rõ ràng tiểu thuyết thời kỳ đổi mới đã khơi đúng, khơi sâu vào mạch chính của thể loại. Không gian tiểu thuyết trở nên chân thực và nhân đạo hơn với "Thời xa vắng" (Lê Lựu), "Chim én bay" (Nguyễn Trí Huân), "Lời nguyền hai trăm năm" (Khôi Vũ), "Bến không chồng" (Dương Hướng), "Mảnh đất lắm người nhiều ma" (Nguyễn Khắc Trường), "Thân phận tình yêu" (Bảo Ninh), "Đám cưới không có giấy giá thú" (Ma Văn Kháng), "Góc tăm tối cuối cùng" (Khuất Quang Thụy), "Tiễn biệt những ngày buồn" (Trung Trung Đỉnh), "Thuỷ hoả đạo tặc" (Hoàng Minh Tường), "Hành lang phía đông" (Bùi Bình Thi), "Nắng quái" (Trầm Hương)... Đất nước chuyển mình sang một giai đoạn mới, tâm lý và nhịp sống thời đại đổi thay. Con người trong tổng hoà của những mối quan hệ xã hội trở nên phức tạp hơn. Không phải ngẫu nhiên mà đề tài thế sự, đời tư nổi lên như một vấn đề trung tâm của mọi "nỗ lực sáng tạo" trong tiểu thuyết đương đại. Ngay cả những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, đề tài nông thôn với quy mô hiện thực rộng lớn, nhiều tầng, nhiều mảng, nhà văn vẫn xoáy sâu vào những vấn đề cốt yếu của đời sống thông qua tâm điểm nhân vật. Những vui buồn, sướng khổ, được mất... của con người đã đi vào văn chương một cách chân thực, nhân bản và giàu tính hướng thiện.
Chính vì vậy, bên cạnh giá trị hiện thực lớn lao mà "tấm gương lớn" tiểu thuyết phản chiếu lại, một trong những thành tựu nổi bật của tiểu thuyết thời kỳ đổi mới là đã khắc họa thành công những số phận cá nhân. Cũng vẫn là người lính, người mẹ, người vợ, nghệ sĩ, trí thức, nông dân... nhưng giờ đây họ được soi rọi từ nhiều góc độ khác nhau, được đặt vào trong nhiều vòng quay của cuộc đời, kể cả những vòng xoáy nghiệt ngã nhất. Bằng cách ấy, các nhà tiểu thuyết đã gửi gắm được nhiều thông điệp nghệ thuật mang ý nghĩa triết lý nhân sinh, mở ra nhiều khuynh hướng đối thoại đa chiều... Không thỏa hiệp, không khoan nhượng với cách nhìn nhận con người bằng cái nhìn đơn giản, một chiều, chỉ thấy mặt tốt đẹp, mặt lý tưởng, các nhà tiểu thuyết đương đại đã đặt nhân vật vào vòng xoay nghiệt ngã của cuộc đời với đầy đủ các sắc màu, các cực đối lập: nhân tính và phi nhân, đạo lý và thất đức, bản ngã và phi bản ngã... và cũng không né tránh những mặt khuất lấp của cuộc đời, kể cả "góc tăm tối cuối cùng".
Nhân vật trong tiểu thuyết thời kỳ này, vì vậy, không còn mờ nhạt, đơn điệu mà có sự kết hợp giữa hình dạng và nội tâm, giữa ý thức và vô thức, giữa dục vọng bản năng và ước mơ thánh thiện. Nó có sức mạnh cảm hoá lòng người bởi những nét đời chân thực ấy. Và cũng có thể nói rằng, thế giới nhân vật của tiểu thuyết thời kỳ đổi mới đa phần nhuốm màu sắc bi kịch. Ai cũng có những đoạn đời gập ghềnh chông gai, những nỗi niềm trắc ẩn, những thua thiệt, mất mát... Nhưng đó là nét bi kịch mang ý nghĩa thức tỉnh, luôn hướng tới sự hoàn thiện nhân cách. Những lối viết hằn học, nhẫn tâm chuyên chú vào việc cường điệu những cuộc đời quẩn quanh, bế tắc, những chuyện tình mùi mẫn một cách rẻ tiền hay tầm thường bản năng đều nhanh chóng bị đẩy lùi ra khỏi địa hạt văn chương. Đó là dấu hiệu cho thấy nền văn học nói chung và tiểu thuyết thời kỳ đổi mới nói riêng là một khuynh hướng phát triển lành mạnh, đối lập với tất cả những gì có thể làm ô nhiễm bầu không khí nhân văn trong sạch.
Về hình thức nghệ thuật, tiểu thuyết thời kỳ đổi mới có nhiều thể nghiệm và tìm tòi theo chiều hướng hiện đại hoá. Nếu như trước đây, các nhà tiểu thuyết hướng tới những bức tranh hiện thực hoành tráng thì giờ đây họ "trở về xem xét con người Việt Nam một cách sáng tỏ và để đào xới vào nó sâu hơn" (Nguyễn Minh Châu), "phải viết về một cái gì đó của con người, cho con người" (Xuân Cang). Vì thế, kích thước tác phẩm trở lại với khuôn khổ nhỏ. Không còn những bộ tiểu thuyết nhiều tập với số lượng lên đến hàng nghìn trang như thời chống Pháp, chống Mỹ. Tiểu thuyết thời kỳ này thường gói gọn trong phạm vi một tập với số lượng phổ biến khoảng trên dưới 300 trang. Tuy nhiên khuôn hình ấy không hề hạn chế những cách tân về thi pháp thể loại. Kết cấu tác phẩm trở nên linh hoạt và sáng tạo hơn.
Bên cạnh những tác phẩm tuân thủ lối kết cấu truyền thống (trình tự thời gian song song với đường đời nhân vật) như "Thời xa vắng" - Lê Lựu, "Mảnh đất lắm người nhiều ma" - Nguyễn Khắc Trường, "Bến không chồng" - Dương Hướng, "Hành lang phía đông" - Bùi Bình Thi, "Thuỷ hoả đạo tặc" - Hoàng Minh Tường... là những tác phẩm kết cấu theo quy luật tâm lý (dòng hồi tưởng và ký ức của tác phẩm) như "Thân phận tình yêu" (Bảo Ninh), "Ăn mày dĩ vãng" - Chu Lai, "Chim én bay" - Nguyễn Trí Huân, "Góc tăm tối cuối cùng" - Khuất Quang Thụy. "Một ngày và một đời" - Lê Văn Thảo. Có thể nói đây là những tác phẩm tạo được những ấn tượng mới về nghệ thuật tiểu thuyết. Trên một nền cốt truyện không có sự tổ chức sắp xếp theo một trình tự nhất định nên có phần lỏng lẻo, thậm chí có khi không thành cốt truyện, không cần cốt truyện, đời sống nội tâm nhân vật được tập trung khai thác với nhiều biến thái: suy nghĩ, cảm xúc, tiềm thức, vô thức, mộng mị, hồi ức...
Đặc biệt là những đoạn nhân vật độc thoại. Cấu trúc không gian, vì thế, cũng có sự đảo lộn: hiện tại xen kẽ vào quá khứ, thủ pháp đồng hiện, thủ pháp tạo ra những khoảng gãy khúc, những mảng vỡ không gian và sau đó liên kết lại theo phương pháp lắp ghép của nghệ thuật điện ảnh trở nên phổ biến. Giọng điệu kể chuyện của tiểu thuyết cũng có phần hấp dẫn, khách quan và đa thanh hơn. Thay vì lối kể chuyện truyền thống của một nhân vật trung gian, tiểu thuyết thời kỳ đổi mới thường có hai nhân vật kể chuyện. Điểm nhìn nghệ thuật không chỉ được gia tăng mà còn thường xuyên xê dịch, đổi ngôi. Nhờ đó nó phá vỡ được lối kể lể đơn điệu, nhuốm màu sắc chủ quan của tiểu thuyết truyền thống. Cũng nhờ đó mà nó bớt đi tính giáo huấn áp đặt một chiều, tạo điều kiện thuận lợi cho tinh thần đối thoại và tự đối thoại cởi mở, dân chủ của tư duy tiểu thuyết mới.
Bên cạnh tiểu thuyết, truyện vừa và truyện ngắn (Trung thiên tiểu thuyết và đoản thiên tiểu thuyết) trong những thập niên qua phát triển mạnh mẽ, có thể gọi là rực rỡ. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi đây là thời kỳ "lên ngôi" của truyện ngắn. Điều này hoàn toàn có thể cắt nghĩa được bởi trong nhịp độ của đời sống công nghiệp hiện đại, dưới sức ép từ phía các phương tiện nghe nhìn truyện ngắn đã phát huy dược ưu thế của mình một cách hiệu quả. Thêm vào đó là sự xuất hiện đồng loạt các cây bút nữ ngỡ có lúc họ làm chủ văn đàn cũng tỏ rất "vừa tay" với thể loại này. Với một khuôn khổ có thể gọi là nhỏ bé, với sự tước bỏ những chi tiết rườm rà, với sự dồn nén của yếu tố không - thời gian, yếu tố tâm lý nhân vật... Truyện ngắn có khả năng khai thác sâu những bước ngoặt của số phận. Cùng nằm trong hệ tư duy của phương thức tự sự, song nếu ví tiểu thuyết như một cây đại thụ với đầy đủ gốc, thân, cành, lá xum xuê thì truyện ngắn chỉ là một lát cắt ngang của thân cây đó. Điều quan trọng là trên mặt cắt ấy phải nổi rõ những đường vân hiện thực. Đó là hướng tiếp cận và cách thức phản ánh của thể loại này.
Một khối lượng đồ sộ những tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu - người được mệnh danh là nhà văn tiên phong của quá trình đổi mới (Cỏ lau, Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra, Bức tranh, Chiếc thuyền ngoài khơi, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), Nguyễn Quang Lập (tiếng gọi phía mặt trời lặn), Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu), Nguyễn Quang Thiều (Hai người đàn bà xóm trại), Phạm Hoa (Đùa của tạo hoá), Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền, Xưa kia chị đẹp nhất làng), Võ Thị Hảo (Biển cứu rỗi), Nguyễn Thị Thu Huệ (Hậu thiên đường), Y Ban (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ), Phan Thị Vàng Anh (Khi người ta trẻ), Phan Triều Hải (Một tối ở quán bar) v.v... thực sự đã mang đến một nguồn sinh lực tràn trề cho thể loại. Cùng với sự gia tăng những tên tuổi mới và số lượng tác phẩm, truyện ngắn thời kỳ này đã mở ra nhiều hướng tìm tòi cả trong tiếp nhận hiện thực lẫn thi pháp thể loại. Đó là chiều sâu triết lý và những cảm nhận về nỗi cô đơn, của thân phận con người, là sự đan cài giữa cái ảo và cái thực, giữa chất thơ và văn xuôi... Những bước cách tân ấy đã tạo nên sắc diện mới và sự lôi cuốn cho thể loại. Những cuộc thi truyện ngắn liên tục, đều đặn của tạp chí Văn nghệ quân đội, báo Văn nghệ đã phát hiện nhiều tài năng mới. Có thể nói rằng, trong văn xuôi, truyện ngắn là thể loại đã khẳng định được vị trí của mình và có tầm ảnh hưởng rộng rãi nhất đối với đời sống văn học thời kỳ đổi mới.
Vào những năm 90, trên văn đàn xuất hiện một loại "truyện rất ngắn", còn gọi là "truyện ngắn mi-ni". Tiền thân của dạng truyện này là những "mẩu chuyện", khác với truyện vừa, truyện ngắn là những "câu chuyện". Sức hấp dẫn của truyện ngắn mi-ni chính là sự hàm súc, đúc đọng của ý tưởng và ngôn từ, trong đó có sự kết hợp giữa triết lý ngụ ngôn và chất thơ, giữa tính biểu tượng và hình ảnh thực, giữa cảm xúc và nhận thức lý tính. Sự đăng đàn của truyện ngắn mi-ni cho thấy độ co giãn của thể loại đang có nhiều biến động. Cuộc thi truyện rất ngắn do Tạp chí Thế giới mới tổ chức năm 1995 đã thuyết minh cho sự tồn tại độc lập của thể truyện này. Tuy nhiên, đây mới là những thể nghiệm bước đầu bởi truyện rất ngắn đòi hỏi một độ nhạy cảm cao và sự dẫn dắt khéo léo, nếu không rất dễ trở thành những câu chuyện ngụ ngôn hiện đại.
Trong văn học Việt Nam, ký là một thể loại nhạy bén, linh hoạt, luôn bám sát dòng chảy hiện thực vốn có nhiều biến động của đất nước suốt mấy chục năm chiến tranh. Từ những năm 30, các thể ký văn học đã được khẳng định với những tác phẩm phóng sự về nông thôn của Ngô Tất Tố, về đời sống của phu nghèo thành thị cùng mọi tệ nạn trộm cắp, cờ bạc... của Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, về "Hà Nội ba sáu phố phường" qua những trang sách giàu chất thơ của Thạch Lam và đặc biệt là qua phong cách tùy bút, tài hoa độc đáo của Nguyễn Tuân. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thể ký thực sự là một mũi nhọn xông xáo khắp các chiến trường khói lửa, các nẻo đường mưa tuôn nắng dội, len lỏi vào những ngóc ngách tận cùng của đời sống (Ký sự - Trần Đăng, Ký sự Cao Lạng - Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký ở rừng - Nam Cao, Tùy bút kháng chiến - Nguyễn Tuân, Bất khuất - Nguyễn Đức Thuận, Sống như anh - Trần Đình Vân, Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi, Những ngày nổi giận - Chế Lan Viên, Ký chống Mỹ - Nguyễn Tuân, Đường lớn - Bùi Hiển, Ký sự miền đất lửa - Vũ Kỳ Lân, Nguyễn Sinh, Rất nhiều ánh lửa - Hoàng Phủ Ngọc Tường...).
Nối tiếp truyền thống ấy, sang giai đoạn đổi mới, ký vẫn là thể loại nhạy cảm nhất trước những vấn đề thời sự xã hội. Sức mạnh của thể ký chính là sức sống nội tại của nguyên mẫu hiện thực. Bản thân quy luật vận động của đời sống đã lựa chọn cho nhà văn những con người, những sự việc mang tính điển hình. Thể ký cảm hóa lòng người, mang đến nhận thức và niềm tin cho độc giả từ những "người thật việc thật" ấy. Với tư tưởng dân chủ mạnh mẽ, với tinh thần sẵn sàng "dấn thân", nhập cuộc, ký đã trở thành thể loại tiên phong nhất của dòng văn học thời kỳ đổi mới, trên cơ sở tôn trọng hiện thực khách quan (tính xác thực của đối tượng "người thật việc thật"), ký đã góp phần đắc lực vào việc phản ánh trung thực những vấn đề bức xúc, nóng hổi nhất của đời sống hàng ngày. Khảo sát sự vận động của các thể ký văn học trong hai thập niên qua, người ta thấy nổi lên hàng đầu 2 thể tiêu biểu: phóng sự xã hội ở thời đoạn đầu và hồi ký văn học ở thời đoạn sau.
Phóng sự vốn được xem như một thể loại trung gian giữa văn học và báo chí. Những năm đầu thời kỳ đổi mới, báo chí là một phương tiện thông tin có khả năng chuyển tải nhanh nhất những vấn đề nóng hổi của thời sự xã hội. Trong lúc các thể loại khác cần thời gian để "tư duy" và nghiền ngẫm thì phóng sự xông xáo tiến vào hiện thực. Với tính nhạy bén, khách quan, ngay từ những bước đột phá đầu tiên, phóng sự đã gây được tiếng vang lớn. Thay vì biểu dương, tuyên truyền những tấm gương "người tốt việc tốt", ký giai đoạn này can đảm, thẳng thắn nhìn vào những mặt trái của đời sống xã hội với bao nhiêu chuyện đời ngang trái, éo le. "Cái đêm hôm ấy đêm gì" - Phùng Gia Lộc, "Người đàn bà quì" - Trần Khắc, "Câu chuyện về một ông vua lốp" - Nhật Linh, "Người lang thang không cô đơn" - Minh Chuyên, "Lời khai bị can" - Trần Huy Quang, "Suy nghĩ trên đường làng" - Ngô Ngọc Bội... đều là những hồi chuông thức tỉnh nhân tâm, tạo ra những phản ứng tích cực trong dư luận xã hội và đáp ứng một cách kịp thời tinh thần "đổi mới tư duy", "đổi mới cách nhìn người, nhìn sự việc" của những năm đầu thời kỳ chuyển hướng.
Giọng điệu của phóng sự thường mang tính khách quan cao. Người viết phóng sự thường giấu mình để cho con số, chi tiết, sự việc, nhân chứng lên tiếng. Bằng cách ấy, phóng sự đưa đến cho độc giả một niềm tin gần như tuyệt đối vào sự trung thực của ngòi bút nhà văn. Chính vì vậy, người viết phóng sự ngoài sự thông minh sắc sảo để phát hiện, nắm bắt vấn đề cần phải có ý thức trách nhiệm về ngòi bút của chính mình để không làm mất đi niềm tin của độc giả. Nghĩa là không đi ngược lại đặc trưng cơ bản nhất của thể loại. Từ những hiện tượng có thật của đời sống, phóng sự trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới là luồng gió mạnh mang theo nhiệt tâm của những người cầm bút, xua đi tất cả những gì u ám, nặng nề, bảo thủ, trì trệ, góp phần lập lại sự công bằng dân chủ cho đời sống xã hội. Cao hơn hết là phải trân trọng con người, không dung tha những thế lực lộng hành chà đạp lên cuộc sống và nhân phẩm con người. Đó là ý nghĩa xã hội, giá trị nhân văn lớn nhất mà các cây bút phóng sự đã góp vào thành tựu chung của văn xuôi giai đoạn này.
Cùng với tư tưởng đổi mới nhất quán trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, những năm vừa qua cũng là thời kỳ nhìn nhận, định vị lại nhiều giá trị văn chương cũ. Không phải ngẫu nhiên những năm cuối thập kỷ 90, trên văn đàn xuất hiện nhiều tác phẩm hồi ký, bút ký của các nhà văn, tạo nên một mảng sinh động của đời sống văn học mà có thể nói ngay rằng trước đó là chưa thể có. Nhiều sự kiện văn học trong quá khứ, nhiều số phận văn chương được tái dựng theo một cách nhìn mới. "Từ bến sông Thương" - Anh Thơ, "Cát bụi chân ai", "Chiều chiều" - Tô Hoài, "Chân dung và đối thoại" - Trần Đăng Khoa, "Vị giáo sư và ẩn sĩ đường", "Ba lần đến nước Mỹ" - Hà Minh Đức, "Nhớ lại một thời" - Tố Hữu... đều là những tác phẩm tạo được ấn tượng mạnh. Đáng chú ý hơn cả, gây xôn xao dư luận là những tác phẩm của Tô Hoài, Trần Đăng Khoa. Xung quanh những vấn đề của văn chương một thuở như chuyện đi thực tế sáng tác, chuyện lựa chọn nhân vật tích cực... giờ đây được một số nhà văn lập lại giả thiết mới cũng gây nhiều tranh cãi. "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa đã làm sôi động báo chí gần suốt một năm qua. Nhờ sự "hâm nóng" của "báo giới", cuốn sách của Trần Đăng Khoa được coi là "hiện tượng phê bình mới"(?) và trở thành cuốn sách Best-Seller trong năm. Ngoài những thành công không phủ nhận được của các tác phẩm hồi ký, một bài học thấm thía cho người cầm bút là phải hết sức trung thực, tuyệt đối không được bịa đặt, thêm thắt. Đó là một định lệ nghệ thuật bắt buộc người viết ký phải tuân thủ, nếu không tác phẩm sẽ mất đi rất nhiều giá trị.
Như đã trình bày ở trên, ngoài phóng sự và hồi ký, các thể ký khác hầu như vắng bóng trong văn xuôi thời kỳ này. Ký sự có thể cắt nghĩa bởi nó chỉ thích ứng với bối cảnh chiến tranh. Song trong khi truyện ngắn "tăng trưởng" rất nhanh thì truyện ký rất ít khi xuất hiện. Thơ văn xuôi có tỉ lệ cao hơn nhiều so với trước đây thì tùy bút lại rất thưa thớt, rất ít thành tựu. Phải chăng đó là sự phản ánh những đặc điểm tư duy, thị hiếu thẩm mỹ của thời đại "nghe nhìn"? Thực tế là cùng với sức mạnh của báo chí, ký văn học cũng ngày mỗi hiện đại hơn. Thi pháp thể loại cũng có nhiều tìm tòi. Ngoài khả năng kết hợp tư duy lôgích với tư duy hình tượng, giọng điệu sắc bén, tỉnh táo bên giọng trữ tình, thuyết minh... ký hiện đại đòi hỏi một lối viết mạch lạc, gọn và đặc biệt là nhiều hàm lượng thông tin. Ngoài các nhà văn tên tuổi, rất đông đảo một lực lượng các cây bút trẻ đang trưởng thành và bước đầu khẳng định phong cách của mình như Văn Chinh, Xuân Ba, Nguyễn Việt Chiến, Huỳnh Dũng Nhân... Chính họ đã mang đến sức trẻ khỏe cho dòng văn học trên báo chí trong suốt thời gian qua.
Nhìn chung, gần 20 năm qua của thời kỳ đổi mới, các thể loại trong dòng văn học đương đại Việt Nam đã có những bước vận động và phát triển tích cực theo chiều hướng hiện đại. Không kỳ vọng vào một cuộc cách mạng văn chương duy tân như thời đại 1930-1945, nhưng rõ ràng văn học Việt Nam bước đầu đạt được nhiều thành tựu về thể loại và đang trên đà hiện đại hóa. Dưới áp lực cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn, văn học đang cố "thu mình lại", lựa chọn một "khuôn hình" thể loại đáp ứng được thị hiếu văn chương và nhu cầu thông tin thời hiện đại. Trong khi đời sống toàn cầu mở ra những triển vọng giao lưu giữa các vùng văn hóa, giữa văn hóa và văn học... tạo nên nhiều cầu nối liên ngành thì trong nội bộ văn học, hiện tượng giao thoa giữa các thể loại có thể coi là một đặc điểm nổi bật. Nhìn vào sự vận động của chúng, tuy ranh giới không bị xóa nhòa, người ta thấy rất rõ sự thâm nhập, pha trộn, chuyển hóa lẫn nhau giữa các thể loại. Chính từ những vùng sóng giao thoa này, các thể loại cũ đã có thêm những tố chất mới.
Về mặt nguyên lý, sức sống của một thời đại văn học phụ thuộc vào sự phong phú và khả năng hồi sinh, đổi mới của các thể loại. Văn học Việt Nam trong thời gian qua và cả trong kỷ nguyên tới đang vận động và phát triển theo chiều hướng song song ấy.
Hà Nội 3-2001 L.H.T (186/08-04)
----------------------- 1.M.Bakhtin - Những vẫn đề về thi pháp Đôxtôiepxki. 2. Nguyễn Khải - Gặp gỡ cuối năm |