Nếu thơ Lý Bạch là đỉnh cao lãng mạn, thơ Đỗ Phủ là đỉnh cao của hiện thực, thì thơ Vương Duy là đỉnh cao của thơ “sơn thuỷ điền viên”, và hơn tất cả, đó là thơ của triết lý thiền môn... Bài viết này muốn chỉ ra các đặc trưng riêng có và một số chủ đề chính trong thơ của Vương Duy.
Đến với thơ Vương Duy, người đọc không khó để nắm bắt hai đặc trưng lớn trong sự nghiệp thơ văn của ông. Vương Duy đặc biệt thành công trong cả hai mảng thơ: thơ điền viên sơn thuỷ và thơ thiền, cho dù không phải bao giờ cũng có sự tách bạch đó. Ở mảng thơ điền viên sơn thuỷ, Vương Duy tỏ ra là một nhà ngôn ngữ hội họa tài ba, tức là giỏi “gợi” vậy. Ngược lại, ở mảng thơ thiền, Vương Duy là một “thiền sư” triết lý thâm trầm bằng ngôn ngữ “thiền vô ngôn thiền” của mình. Nhưng xét cho cùng, chất “gợi” và chất “làm thinh” thường ở trong nhau. “Gợi” chính là để “nói ít thôi, làm thinh nhiều hơn”. Do vậy, trong thơ điền viên sơn thuỷ có ý vị thiền; trong thơ thiền có cảnh sơn thuỷ điền viên.
Từ chỗ coi tính “gợi” là đặc chất của thơ sơn thuỷ điền viên; tính “làm thinh” là đặc chất thơ thiền, chúng ta có thể nêu ra đây hai đặc trưng lớn của sự nghiệp thơ Vương Duy.
Một là “trong thơ có họa”. Sỡ dĩ chúng ta có thể nói như vậy vì thơ Vương Duy áp dụng đầy đủ ba nguyên tắc cơ bản của “họa”. Nguyên tắc đầu tiên là “luật viễn cận”. Mỗi bài thơ mang một điểm nhìn của “chủ thể nhìn”. Có thể là từ điểm nhìn cố định, “chủ thể nhìn” phóng tia nhìn ra khắp cảnh vật theo hướng nằm ngang hay chiều dọc của mặt bằng không gian (tiêu điểm thấu thị); có thể là điểm nhìn từ cao xuống hay thấp lên, biến hoá và có độ nghiêng nhất định (phủ ngưỡng thấu thị); có thể là điểm nhìn di động theo sự di chuyển của con người cả về không gian lẫn thời gian (tán điểm thấu thị). Nguyên tắc thứ hai là phép pha màu sắc. Thơ Vương Duy có bài là bức hoạ hoặc được vẽ bằng màu sắc sinh động, tươi tắn (tân di ổ); hoặc bằng nét vẽ nhạt màu (mộc lan trại) hoặc bằng nét vẽ không (trúc lý quán)... Nhìn chung, màu sắc trong thơ Vương Duy là màu sắc của hội họa thuỷ mặc sơn thuỷ. Nó mang vẻ đẹp tĩnh tại, đạm bạc... đầy phong vị thiền. Nguyên tắc thứ ba là “phép cấu trúc”. Tức là tạo ra mối liên hệ giữa các yếu tố của một bức họa. Trong thơ Vương Duy, nguyên tắc này thể hiện ở sự thống nhất giữa các mặt đối lập để tạo nên sự hài hoà của ý cảnh. Cấu trúc thơ Vương Duy có thể là từ rộng lớn đến bé nhỏ, từ vũ trụ bao la đến con người và ngược lại. Nhờ áp dụng nguyên tắc cấu trúc này, mỗi bài thơ Vương Duy trở nên là môt bức tranh hoàn chỉnh, làm nêu bật đặc trưng “thi trung hữu họa”.
Đặc trưng lớn nữa của thơ Vương Duy là thơ thiền điển hình của hiện tượng thi tăng trong thơ Đường. Đặc trưng này nói lên mối quan hệ khắng khít giữa tư tưởng Phật giáo, nhất là thiền tông đối với thơ ca đời Đường nói chung và với Vương Duy nói riêng. “Thi tăng” có thể hiểu đơn giản là thơ do những nhà tu hành làm ra hoặc là thơ do những người chỉ chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo làm ra.Vương Duy thuộc loại thứ hai này. Ông không phải là nhà sư, nhưng thơ ông lại được gọi là “thi Phật”. Bởi lẽ, thơ ông là thơ của triết lý thiền và hơn thế, cuộc đời ông sống theo lối sống của một đệ tử nhà thiền: tâm xuất gia, thân không xuất gia. Nhờ đó, thiền sư - thi nhân có thể là bạn tri âm của nhau và cũng có thể là song trùng một bản ngã duy nhất. Tính triết lý của thiền và tính trữ tình của thơ hài hoà cho nhau. Triết lý vô ngôn tỏ ra vô cùng hữu dụng cho tính “gợi”, tính hàm súc và khái quát của thơ Đường. Chính vậy, với thơ thiền nói chung, sự cảm nhận bằng trực giác, trực cảm quan trọng hơn sự phân tích. Nói cho chính xác, để thấy cái hay của thơ thiền, phương pháp phân tích cần được áp dụng trong ý thức rằng phải làm thế nào để sự phân tích đó không làm chia chẻ ý, cảnh mà ngược lại, phân tích để làm sáng rõ nghệ thuật, sự chuyển hoá, sự hài hoà giữa các mặt đối lập với nhau.
Vương Duy dồn tâm huyết đời thơ của mình vào ba đề tài lớn: một cho thiền môn, một cho điền viên sơn thuỷ và một cho tâm tình ly biệt...
Đến với thơ Vương Duy, có lẽ điều làm cho chúng ta cảm thấy lạ lùng nhất là những vần thơ mang tâm tình li biệt đầy vẻ quan hoài của ông. Trong cảm thức đầy thiên kiến của chúng ta, thế giới thơ của một “thi Phật” đương nhiên là thế giới của sự giác ngộ, vui vẻ và hạnh phúc.. Thật ra, nhà Thiền quan niệm rằng con người tu đạo không phải để biến mình thành gỗ đầm để mình ý thức được cái “đang là” (hiện tại). Tức là biết bây giờ và ở đây mình đang làm gì, đang như thế nào... Vương Duy với tâm tình ly biệt cũng có lắm cung bậc: buồn, nhớ, đợi chờ rồi cô đơn... Một đời người ngắn ngủi sáu mươi năm, Vương Duy đã nếm trải bao điều bất như ý của nhân sinh và cũng từng chứng kiến bao cảnh biệt li... những cuộc chia tay trong thơ Vương Duy tuy không thấm đẫm nước mắt, nhưng cái cảm giác nao nao buồn của nó như cái nhìn đăm đăm mãi dõi theo bóng người đi. Và rồi, người đọc ám ảnh một ánh mắt: Người của non chừ, muốn trở về non,/ Mây âm u chừ, mưa lất phất buồn,/ Cỏ cây ủ ê chừ, mặt nước sóng cồn,/ Con cò trắng tung bay chừ, bay về sơn thôn./ Trời đất một vệt chừ, khôn phân,/ Cây lờ mờ chừ, hơi lên nghi ngút,/Vượn mất dạng chừ, tiếng hót xa gần./ Phía non tây chừ, bóng chợt tối sầm/ Ông đi khôn níu áo chừ, quyết ý đi luôn/ Núi muôn trùng chừ, mây vần/ Bờ đông có làng mạc chừ, tít nơi xa xăm/ Cỏ bằng phẳng chừ, đồng xanh ngàn dặm/ Nghĩ tới ông chừ, bối rối ruột tầm. (Đưa bạn về núi - bài 2).
Người về nơi chỗ người đã ra đi, người đến nơi chỗ áo cơm đời thường cần đến... còn người ở lại với mang mang niềm nhớ, niềm thương... cái cảm giác cách xa trong thơ li biệt của Vương Duy thường được tạo ra bằng một khung cảnh thiên nhiên vô cùng vô tận. Có mây, núi, cỏ cây, hoa lá, chim muông nhưng mây núi, cỏ cây... lại như nối với chân trời “một vệt khôn phân”, “rậm rì ngàn dặm”. Ta bỗng nhớ đến câu thơ của người chinh phụ:
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu,/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu,/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”/ (Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn)
Hai cái nhìn cùng đoái lại, cảnh vật tuồng như còn được giới hạn giữa hai cái nhìn đó. Còn cái nhìn của người ở lại trong thơ Vương Duy sao mà diệu vợi đến vô cùng! Cố tập trung, cố thâu nhiếp núi sông trùng điệp, cố phóng tầm mắt ra khỏi ngút ngàn xanh nhưng bóng người đi mất hút... Khoảng không ngự trị lòng người ở lại. Chia tay bè bạn rồi, trời đất bỗng mênh mông, con người trở nên bé nhỏ, vô hướng, vô phương. Tôi thầm nói với Vương Duy: “Quân tử chi giao đạm nhược thuỷ”, ông buồn chi mà lắm thế! Nhưng khi ai đã một lần làm người ra đi, một lần làm người ở lại, mới biết rằng lúc ấy, mọi tường thành triết lí sống, nghệ thuật sống bỗng dưng dụp đổ. Còn lại gì đây? - Một tấm chân tình. Vương Duy gọi tên những cuộc chia tay của mình bằng những nỗi buồn và sự trông đợi. Đôi khi tôi cũng tự hỏi, phải chăng Vương Duy có ý tạo ra một lô-gic tâm trạng trong mảng thơ “tâm tình li biệt” của mình?
Chia tay rồi buồn, nhớ, đợi chờ, cô đơn... âu cũng đúng lẽ bình thường.. Vương Duy nói nhiều đến những cuộc chia li bè bạn, nhớ bạn và cô đơn vì xa bạn, xa quê... Có lẽ vì thế mà cái buồn trong thơ ông không não nuột, không bỗng dưng thiêu đốt tâm can mà dịu dàng, tha thiết:
... Người của năm ngoái lịch mới đem tra,/ Chung rượu tầm tay, bỗng ngưng không nhắp,/ Nhớ người ra đi, ngổn ngang lòng ta. (Tháng hai ở vườn ruộng)
Hay:
Tin quê, thấy nhạn, nhớ người./ Véo von tiếng vượn, ngắn dài giọt châu./ Con thuyền muôn dặm đêm sông,/ Tấc riêng đơn chiết, trăng thâu hững hờ. (Viết trên đò đêm đi Ba Nam).
Xuân rồi xuân, năm tháng vẫn tuần hoàn. Riêng những bằng hữu của Vương Duy, kẻ thì mãi đi không trở lại, kẻ thì đến rồi lại đi ngay... Vậy nên, man mác trong thơ ông là một ánh mắt chờ:
Giữa núi tiễn nhau xong,/ Chiều hôm khép cánh bồng,/ Xuân sang, cỏ lại biếc,/ Du tử có về không? (Tiễn đưa)
Cố nhân thôi hết gặp,/ Dòng Hán chảy về đâu!/ Ướm hỏi ông già ấy:/ Tương, Thái buồn, biết không? (Khóc Mạnh Hạo Nhiên)
Đọc nhiều những vần thơ ly biệt này của ông, tôi bỗng hình dung ra một Vương Duy lẻ loi trong rừng, miệng gọi hoài hai chữ “cố nhân” và rồi lại thảng thốt giật mình: Đưa chú, buồn hết sức,/ Còn đưa ai nữa kia (Đưa chú Nam Trương Nhân về núi)
Chao ơi! Tha thiết một vần thơ. Ai đưa ai, ai chờ ai, ai nhớ ai mà người đọc ngỡ như chính mình. Cái buồn, nhớ, chờ mong... trong thơ Vương Duy, vì vậy, như tiếng lòng đồng vọng. Đưa người rồi “sẽ còn đưa ai nữa đây?” bất giác tôi cũng muốn gọi hoài: “Cố nhân” ơi!
Có lẽ sẽ có nhiều người, cũng như tôi, rất yêu mến những vần thơ ly biệt này của Vương Duy. Nhưng một Vương Duy thực sự tài hoa rõ ràng nhất chỉ được tìm thấy khi ta đến với thơ điền viên sơn thuỷ của ông.Và, cái làm nên Vương Duy không gì khác là những vần thơ thiền.
Mưa cũ, đào tươi vẫn ngậm/ Khói xuân, liêu biếc còn đeo./ Hoa rụng, trẻ nhà chưa quét./ Oanh ca, khách núi ngủ khoèo. (Thú vui vườn ruộng - bài 4)
Trước mắt chúng ta là một bức tranh phong cảnh hữu tình đầy sắc hương mùa xuân. Nơi đó có hoa đào, có tơ liễu, có chim oanh hót, có người sơn khách ngủ. Như là tranh nhưng không thuần là tả cảnh, không phải là tả cảnh ngụ tình.Cái gì đằng sau ngôn ngữ có vẻ khách quan ấy? “Mưa cũ, đào tươi vẫn ngậm” rồi “hoa rụng, trẻ nhà chưa quét”. Có phải “mưa cũ” là những hạt mưa mùa đông? Chẳng đúng là anh đào cũng nhờ qua giá rét mùa đông mới nở thơm trong nắng ấm mùa xuân sao? Trong giọt sương có thể thấy hoa lá rung rinh, thì trong cánh hoa mùa xuân cũng có thể thấy bốn mùa lung linh vần xoay. “Hoa rụng” trong bức xuân ấy cũng là một nét đẹp. Bình thường thôi. Cánh hoa nào cũng chỉ được một lần phụng hiến cho đời. Đến sớm thì lùi lại sớm. Nở, tàn là quy luật, mặc ai biết, mặc ai không biết.
Ngọn cây, hoa phù dung,/ Giữa núi nẩy cuống đỏ,/ Quạnh quẽ cổng bên khe,/ Bời bời rụng và nở. (Miền thấp Tân Di)
Thiên nhiên xưa nay vốn là “khách” của thiền nhân và thi nhân. Thi nhân lấy thiên nhiên làm suối nguồn cảm tác, làm nơi gởi gắm tâm tình; thiền nhân lại dùng thiên nhiên làm khung cảnh thiền để nói ý vị thiền và triết lí thiền.Thơ điền viên sơn thuỷ xét cho cùng cũng là thơ viết về thiên nhiên. Ca ngợi, bày tỏ thú vui điền viên thực chất là ca ngợi lối sống chối bỏ vinh hoa phú quý, trở về với thiên nhiên, coi đó là lí tưởng sống, triết lí sống hạnh phúc của nhân sinh vậy.
Ôm đàn ngồi tựa cây thông lớn,/ Rót rượu đi men dòng nước khe./ Vườn Nam, đỏ bông quỳ hái sớm./ Hang Đông, kìa đêm xuân, ngủ khè. (Thú vui vườn ruộng - bài 5)
Hiện thực cuộc sống đôi lúc bộn bề với những lo toan và đau khổ nhưng con người ta vẫn có thể sống vui ở đời là nhờ vào ước mơ và khát vọng. Những khi mà hiện thực ghì chặt đôi cánh ước mơ, khát vọng hạnh phúc vẫn được ươm trồng, nâng niu trên mặt đất sỏi đá khô cằn này.
Người Trung Hoa từ bao đời mang trong huyết quản mình tinh thần sống thực tiễn và quan niệm “hành - tàng” (xuất - xử) của Nho gia nên trường phái điền viên sơn thuỷ nhìn chung đều không thuộc ngoại lệ. Thi nhân miêu tả thiên nhiên diễm lệ dung dị như tấm ảnh của người thợ khéo chọn góc nhìn. Tuy thỉnh thoảng trong thơ vẫn xuất hiện những thiên nhiên như Đào Nguyên Tiên Cảnh, nhưng cảnh đó vẫn là cảnh thực, chỉ cảm giác con người là tuồng như tình cờ lạc lối... một lần rồi mãi mãi.
Nhớ xưa, đường núi vô sâu,/ Khe xanh mấy chặng tiếp màu xanh.../ Xuân về, nước mông mênh mưa đổ,/ Tìm nguồn Tiên hết rõ nơi đâu. (Nguồn đào)
Một thoáng đắm mình vào thiên nhiên, bụi bặm đời thường như được rũ bỏ, phút chốc quên bao danh lợi đua chen, tâm hồn trong lành thanh thản, còn khác gì tiên nhân! Vậy nhưng, thi nhân chỉ thực sự vui thú điền viên khi làm xong việc phải làm, như người đi ở ẩn. Nhiều lúc ông tự hỏi:
Làm sao thoát khỏi lưới đời,/ Bụi trần phủi á, giã nơi eo xèo? (Lại đọc cho Bùi Địch)
Rồi tự trả lời:
Thưa: lưới đời ràng buộc:/ Em gái tuổi lớn rồi,/ Em trai vợ chưa rước!/ Nhà khó, đồng lương còm,/ Lại không dành dụm trước,/ Mấy lần toan nhảy bay,/ Nhìn nhau lại chùn bước,/ Đài Huýt Sáo Tông Đăng,/ Tùng trúc dấu còn đó./ Nào phải đường xa xôi,/ Nửa chặng người cũ có./ Ái nhiễm ngày nhạt dần,/ Lòng thiền ngày củng cố,/ Mau mau ra đi thôi,/ Há lữa lần để lỡ. (Ngẫu nhiên làm - bài 2)
Thế mới biết, nhân sinh đâu dễ vui thú điền viên! Dễ gì lòng đến cửa thiền! Lần lữa mãi. Mỗi ngày lại một chút tơ vương. Càng ngày càng thêm vướng, biết làm sao được! Thiền môn có ẩn dụ hình ảnh nhánh củi trôi sông. Nhánh củi nếu trôi giữa dòng thì chóng ra biển cả.Bằng như trôi dạt bờ này hoặc bờ kia thì cũng chỉ trôi vướng, trôi víu, mong gì về đến đại dương! Vậy nên, muốn vui thú điền viên thì phải rũ bỏ những vướng bận của nhân sinh; muốn “lòng thiền ngày thêm vững” thì “ái nhiễm (phải) ngày thêm nhạt”.
Dường như giữa đề tài thiền môn và đề tài điền viên sơn thuỷ có một sợi dây nối kết vô hình bền chắc. Trong thiền có sự hiện hữu của núi sông, có hơi thở của thiên nhiên hoa lá. Ngược lại, trong đề tài điền viên sơn thuỷ lại đa phần chuyên chở ý nghĩa của thiền lí, thiền vị...Cho nên, con người ở đó là con người thiền và khung cảnh ở đó là khung cảnh thiền... Tôi cho rằng, thơ điền viên sơn thuỷ của Trung Quốc và thơ Haiku của Nhật Bản viết về thiên nhiên, sở dĩ có thể trở thành những vần thơ hay và ấn tượng là vì nó được tiếp sức của thiền. Hãy nghe những vần thơ của thi Phật Vương Duy:
- Thiền khuya, non tịch mịch./ Đạo, say lòng mục đồng,/ Đời, hỏi chuyện tiểu khác/ Giấc ngủ rừng già say. (Tịnh xá Sơn Thạch Môn ở Lam Điền) - Người nhàn, hoa quế rụng;/ Đêm tĩnh núi xuân vắng;/ Trăng lên, chim giật mình,/ Khe xuân, hót thủng thẳng. (Khe chim hót) - Khách không, cửa đóng trọn năm,/ Sự không, bỏ ngỏ con tâm trọn ngày./ Chú Năm tới được càng hay,/ Buông câu sau thủ đưa cay, hại gì? (Trả lời chú Năm Trương)
Đơn giản có vậy thôi. Chợt nhiên tôi hiểu tại sao thiền học Phật giáo có thể thâm nhập nhanh chóng trong giới trí thức mà cũng gần gũi với tầng lớp bình dân Trung Hoa đến vậy. Phật giáo đến Trung Hoa, Phật giáo phải Trung Hoa hoá.Và Thiền là tông phái được Trung Hoa hoá nhiều nhất. Nó chung sống hoà hợp với tư tưởng Nho giáo, cùng Nho giáo ươm trồng cho xã hội những con người biết tận hiến cho đời mà chẳng tranh giành danh lợi; nó kết hợp với tư tưởng Lão giáo để làm nên hạnh phúc nhân sinh lí tưởng cho người Trung Hoa. Sống nhàn nhã, vô tâm giữa gió mát trăng thanh; vui với sự tịch lặng của núi rừng bặt tiếng lợi danh; tiêu dao cùng bầu rượu, thổi sáo, đánh đàn, thả câu nơi miền sông núi... Đêm ngắm trăng sao, ngày đếm thuỷ triều lên xuống... mỗi giờ qua là biết một giờ hạnh phúc. Cũng như thú điền viên, hình ảnh mỗi hoàng hôn mục đồng vỡi trâu về làng, mỗi sớm mặt trời soi trên những giọt sương... tất cả đều gần gũi thân quen mà hàm chứa bao điều kì diệu. Từ mặt đất đầy hoa thơm cỏ dại, người Trung Hoa khiển chân, vói tay, phóng tầm mắt ra để đón nhận, để tận hưởng bao vẻ đẹp của đất trời chứ không thả mình bay bổng trên cao. Lâm Ngữ Đường trong “Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa” đã rất có lí khi nói rằng “lí tưởng của người Trung Hoa có một chút gì như chai đá, cứng cỏi... Ngay hội họa và thi ca, ta cũng thấy họ có xu hướng tự nhiên và thành thật thích cái khía cạnh tầm thường của cuộc sống. Óc tưởng tượng của họ chỉ để phủ lên kiếp trần một bức màn thưa đẹp đẽ, mê hồn, chứ không phải để thoát li cuộc sống”.
Thơ Vương Duy cũng vậy. Ở mảng đề tài nào cũng thấy ngọn bút tài hoa của ông: Thơ tâm tình li biệt, thơ vui thú điền viên và cả thơ thiền nữa. Thơ Vương Duy đẹp, không chỉ đẹp ở “bức màn thưa” mà còn đẹp ở nơi chỗ tự nhiên và tầm thường của cuộc sống. Đó là lí do khiến cho phong cách thi Phật rất riêng của Vương Duy có thể góp thành cái chung không thể thiếu trong diện mạo thơ Đường.
Đ.V.T.T (186/08-04)
|