Người viết lật tìm ở một số từ điển tiếng Việt, từ điển Hán Việt thông dụng (như Từ điển tiếng Việt - Hoàng Phê chủ biên, Nxb Khoa học xã hội - Trung tâm từ điển học, 1994; Hán Việt từ điển - Đào Duy Anh, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1994;...) Từ điển văn học (2 tập, nhiều tác giả, Nxb Khoa học xã hội, 1983 - 1984), cũng không thấy "hành". Rõ ràng "hành" không phải là từ thường dùng.
Sách Thơ Đường (2 tập, nhiều người dịch, Nxb Văn học, 1987) định nghĩa "hành": "tên một điệu ca khúc thời xưa" (tr,69-I). Sách Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn (Viện nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Khoa học xã hội, 1982) định nghĩa "hành": "một thể thơ nhạc phủ trong cổ phong biến ra, như bài Cổ bách hành của Đỗ Phủ, hay bài "Tràng Can hành" của Lí Bạch (tr.60). Sách Đường thi (Trần Trọng Kim dịch, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1950) và sách Thơ Đường vừa dẫn, chọn dịch 17 bài có "hành" (là danh từ trung tâm của danh ngữ dùng đặt tên tác phẩm, như Tàm cốc hành (Đỗ Phủ), Yên ca hành (Cao Thích), Lũng Tây hành (Trần Đào),... và đều dịch là "bài hát" (trừ bài Tì bà hành (Bạch Cư Dị) không dịch). Các dịch giả sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Nxb Văn học, 1988) chép 4 bài "hành" ở phần Bắc hành tạp lục, không chuyển "hành" thành "bài hát" như hai sách trước mà là "bài hành"; ví dụ Sở kiến hành là "Bài hành về những điều trông thấy. Cũng bài Sở kiến hành này, sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3) - thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Huỳnh Lí chủ biên, Nxb Văn học, 1978) dịch là "Những điều trông thấy"...
Trước những cách hiểu không thống nhất như vậy, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, người viết đã tìm hiểu 17 "bài hành" ở thơ Đường vừa nêu, cùng 6 "bài hành" trong văn học Việt Nam (4 của Nguyễn Du đã nói, 1 của Cao Bá Quát - bài sắp bàn, và một của Phạm Quý Thích - bài Cơ tước hành về các mặt: 1, phạm vi của đối tượng được đề cập là chung hay riêng; 2, đặc điểm của đối tượng đề cập là quen thuộc hay mới lạ; 3, tâm trạng của chủ thể trữ tình là hào sảng hay sầu thương; và 4, cách thể hiện là kể hay tả. Đồng thời, cũng xem xét về thể thơ được sử dụng. Kết quả của việc làm này dẫn đến định nghĩa "hành" như sau: Hành là bài thơ, thường đề cập đến những vấn đề chung, những sự kiện mới lạ, bất ngờ hay những đồng cảm tạo ấn tượng mới mẻ; chủ thể trữ tình thường kể lại sự việc với tâm trạng bức xúc, có thể bày tỏ thái độ, chính kiến, thể thơ cổ phong thường được sử dụng để sự biểu đạt không bị gò bó, ràng buộc. (1)
2. Dương phụ hành được sáng tác trong dịp Cao Bá Quát đi theo một phái đoàn nước ta sang Inđônêxia. Trong chuyến đi này, ông có dịp tiếp xúc với những người châu Âu, thấy nhiều điều mới lạ. Như chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước của người Anh:
Guồng quay, sóng tung toé ầm ầm như sấm ran Có lúc đi ngang, lúc chạy ngược, nhanh như ngựa phi Không buồm, không chèo, cũng không người đẩy Từ những đảo Nanh Rồng, hay Đá Đỏ xa ngoài trăm dặm Chỉ búng ngón tay đã vượt qua những đợt sóng kinh người. ("Bài ca về tàu thuỷ nước Anh")
Trong lúc thuyền của phái đoàn ta đi bằng buồm và chèo một cách ì ạch, vất vả. Và ông trông thấy người phụ nữ phương Tây...
Tây dương thiếu phụ y như tuyết Độc bằng lang kiên tọa thanh nguyệt Khước vọng Nam thuyền đăng hoả minh Bá duệ nâm nâm hướng lang thuyết.
Nhất uyển đề hồ thủ lãn trì Dạ hàn vô ná hải phong xuy Phiên thân cánh sảnh lang phù khởi Khởi thức Nam nhân hữu biệt li
Dịch nghĩa: Người thiếu phụ Tây dương áo trắng như tuyết Dựa vai chồng dưới bóng trăng thanh Nhìn thuyền người Nam thấy đèn lửa sáng Kéo áo rì rầm nói với chàng.
Mộc cốc sữa hững hờ trên tay Gió bể thổi hơi lạnh ban đêm không chịu nổi Nghiêng mình đòi chồng nâng dậy Há có biết người Nam đang ở cảnh biệt li.
Dịch thơ: Thiếu phụ Tây dương áo trắng phau Tựa vai chồng dưới bóng trăng thâu Ngó thuyền Nam thấy đèn le lói Kéo áo rì rầm nói với nhau.
Hững hờ cốc sữa biếng cầm tay Gió bể, đêm sương thổi lạnh thay Uốn éo đòi chồng nâng đỡ dậy Biết đâu nỗi khách biệt li này! (Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3); Huỳnh Lí chủ biên; sđd, tr.748-749)
Đó là người thiếu phụ đang hàn huyên cùng chồng. Cái đập vào mắt trước tiên và tạo ấn tượng mạnh, là màu áo trắng như tuyết. Sắc màu này toát lên vẻ trong sáng, rực rỡ. So với người phụ nữ Việt Nam đương thời, phần đông là chít khăn mỏ quạ, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng để làm lụng; lúc nghỉ ngơi thì hết thắt, hết xắn chứ chẳng gì hơn. Và màu sắc chủ đạo là dà (đà), đen. Điều lạ thứ hai mà nhà thơ không thể không chú ý, là hành động, dáng vẻ của người thiếu phụ phương Tây. Chị ta "dựa vai chồng", "nhìn thuyền người Nam", "kéo áo rì rầm nói với chồng", "nghiêng mình đòi chồng nâng dậy",... Những hành động này cho thấy chị là vai chính, ở thế chủ động, chứ không phải người chồng. Chúng thật kì lạ. Vì với người phương Đông, người Việt xưa, người vợ ít khi ra khỏi nhà, càng hiếm khi sóng đôi với chồng ở bên ngoài. Nếu có trường hợp gần gũi nhau, mà ở chốn giàu sang, thì người vợ luôn giữ vai thụ động, dè dặt, lo "nâng khăn sửa túi" cho chồng. Chuyện nũng nịu, õng ẹo thường bị lên án. Cái lạ cuối cùng, là trên tay người thiếu phụ cầm cốc sữa một cách hờ hững, không muốn uống. Chi tiết này vẽ lên sự no đủ đến không thiết ăn uống (cho dù là thức ngon như sữa). Trong Sở kiến hành, Nguyễn Du có miêu tả một hình ảnh tương tự: "nào là gân hươu vây cá; Đầy bàn thịt lợn thịt dê; Các quan lớn không chọc đũa". Và nhà thơ dùng hình ảnh này để phê phán sự phung phí của quan lại, trong lúc người dân không ít người đang đói khát. Còn ở đây, Cao Bá Quát chỉ miêu tả đúng với sự việc đang xảy ra. Trong lòng ông (và người đọc), tất sẽ có sự so sánh với cảnh "Cơm thì nỏ có; Rau cháo cũng không;...; Dân nghèo cùng kiệt; Kẻ lưu lạc tha phương; Người chết chợ chết đường;... (Vè cái thời Tự Đức) lúc bấy giờ ở quê nhà.
Ba cái lạ ấy nhà thơ chỉ ghi nhận mà không bình luận gì. So sánh với đoạn thơ miêu tả chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước ở trước (giọng thán phục, thích thú), giọng thơ ở đây có vẻ điềm tĩnh, khách quan. Đọc đến dòng cuối cùng, người đọc mới nhận ra: thực sự, những miêu tả vừa nói chẳng những không ẩn chút kì thị, tị hiềm (quan niệm khá phổ biến với tầng lớp quan lại buổi ấy), mà còn thể hiện sự đồng cảm sâu sắc.
Câu cuối thật bất ngờ. Nó có sức mạnh thu hút bảy câu trước về phía mình. Bởi đó là phát ngôn chính thức của chủ thể trữ tình. Phát ngôn này mang hai ý nghĩa: một là xác định sự đồng cảm về điều được miêu tả vừa nói, và hai là bộc lộ tình cảm riêng tư. Vào một đêm trăng sáng, lẻ loi trên con thuyền nơi đất khách, trông thấy vợ chồng người ta quấn quýt bên nhau, thì ai mà chẳng chạnh niềm riêng? Hẳn lúc này nhà thơ đang nghĩ đến người vợ, đến mái ấm gia đình ở quê nhà. Dù chỉ nói về mình một câu, và nói theo cách rất chung (Há có biết rằng, có người Nam đang ở cảnh biệt li), cũng là đủ. Vì bối cảnh (trạng thái, thời gian, không gian,...) đã nói hộ rồi.
Người đọc hôm nay qua bài thơ, hiểu được phần nào cái trí tuệ sáng suốt, cái tình cảm dạt dào của Cao Bá Quát. Người đọc đương thời, ngoài điều ấy ra, họ biết được người phụ nữ phương Tây như thế nào. Chắc chắn là họ cũng chăm chú và ngạc nhiên như tác giả (theo cách mà chúng ta vừa phân tích). Có lẽ đó là lí do vì sao nhà thơ dùng "hành" để đặt tên bài thơ, và định hướng chủ đề ở sự miêu tả kia (ở đây, có thể hiểu, câu thơ cuối có tác dụng để bài viết thành thơ, chứ không nhằm hướng người đọc vào nó, như cái nhìn của người đọc hôm nay mà chúng ta vừa ghi lại).
3. Một vài sự phân tích, nhìn nhận về Dương phụ hành trên đây, đem đối sánh với định nghĩa về "hành" ở trước, là hoàn toàn phù hợp. Nắm được ý nghĩa của "hành", cũng tức là nắm được phần ý nghĩa có tính chất nền tảng của bài thơ có nhan đề chứa nó (theo dạng thức đã nói), giúp vào việc "học điểm biết diện", việc thưởng thức bài thơ nói chung. Như vậy, những tìm tòi của bài viết ngắn này cũng không đến nỗi vô ích.
T.N (186/08-04)
------------------------------- (1) Xem thêm: Triều Nguyên; "Ý nghĩa của ca, ngâm, hành, từ, khúc trong nhan đề thơ cổ"; Tạp chí Hán Nôm, số 2-2002; tr.36-40.
|