Nghiên Cứu & Bình Luận
Nhà ký hiệu học Umberto Eco và tiểu thuyết
10:21 | 14/10/2009
HUYỀN SÂM - NGỌC ANH 1. Umberto Eco - nhà ký hiệu học nổi tiếng.Umberto Eco chiếm một vị trí rất đặc biệt trong nền lý luận đương đại của Châu Âu. Ông là một triết - mỹ gia hàn lâm, một nhà ký hiệu học uyên bác, một tiểu thuyết gia nổi tiếng và là giáo sư danh dự của trường Đại học Bologne ở Italia. Tư tưởng học thuật của ông đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến đời sống trí tuệ của sinh viên và giới nghiên cứu trong suốt nửa thế kỷ qua. Ông có mặt trong danh sách của hai mươi nhà tư tưởng đương đại lớn nhất thế giới, và cũng là ứng cử viên thường trực của Viện Hàn lâm Thụy điển về việc bình chọn giải Nobel văn học.
Nhà ký hiệu học Umberto Eco và tiểu thuyết
Umberto Eco sinh 1932 tại Alexandrie, Italie - Ảnh: evan.vnexpress.net

Umberto Eco được học giới Châu âu ngưỡng mộ không chỉ bởi trí tuệ uyên bác mà còn là khả năng đả phá sự tôn sùng chân lý bằng chính những sáng tác độc đáo của mình. Vì vậy, ông trở thành một chân dung đặc biệt, bởi sự hội tụ của nhiều phẩm chất hiếm tìm thấy ở những học giả đương đại: tính uyên bác, thức thời trước khoa học và sự tài hoa, sâu sắc của một nhà tiểu thuyết.

Sự nghiệp khoa học của Umberto Eco được đánh dấu trên nhiều lĩnh vực như triết học, mỹ học, đạo đức, truyền thông... Nhưng trên hết, đó là lĩnh vực ký hiệu học (Sémiotique). Có thể kể đến một số tác phẩm nổi tiếng như Vấn đề mỹ học của Thomas d’Aquin (Le Problème esthétique chez Thomas d’Aquin); Nghệ thuật và cái đẹp của mỹ học trung đại (Art et beauté dans l’esthétique médiévale; Tác phẩm mở (L’Oeuvre ouverte); Cấu trúc rỗng (La Structure absente)...

Về tư tưởng triết học và mỹ học, Eco chịu ảnh hưởng sâu sắc Thomas d’Aquin (1225-1274) - nhà thần học, triết học trung cổ nổi tiếng của Italia. Đó là một nhà thông thái vào loại bậc nhất ở Ý, thuộc dòng tu Dominicains, được phong thánh vào năm 1323 tại Avignon. Tư tưởng thần học của Thomas d’Aquin nghiêng về xu hướng thế tục hoá, với tinh thần hoà hoãn, tiến bộ.

Sẽ không thể vào được mã - “code” của U.Eco nếu người đọc không biết đến tư tưởng triết - mỹ của nhà thần học này. Hầu hết, các công trình lý thuyết nổi tiếng về ký hiệu học, đạo đức, triết học, cũng như các tiểu thuyết độc đáo của U.Eco đều chịu ảnh hưởng sâu sắc, triệt để của nhà thần học vĩ đại - Thomas d’Aquin. Người đọc không chỉ tìm thấy chân dung của Thomas d’Aquin một cách trọn vẹn và sinh động qua công trình nổi tiếng Vấn đề mỹ học của Thomas d’Aquin, mà “dấu vết” và “tinh thần” của ông còn có mặt trong các tác phẩm gần đây của Eco như: Nghệ thuật và cái đẹp của mỹ học cổ đại; Năm vấn đề của đạo đức; Lịch sử của cái đẹp Lịch sử của cái xấu...

Tuy nhiên, các phạm trù đạo đức, và phạm trù mỹ học về cái đẹp (la beauté) và cái xấu (la laideur) của Eco đã vượt lên nhà thần học trung đại - Thomas d’Aquin, bởi “cái nhìn xuyên lịch sử”. Eco đã đưa các phạm trù mỹ học và đạo đức ra khỏi chốn hàn lâm - kinh viện và gắn nó với chính đời sống trần tục - thô tạp này. Hai tác phẩm song hành: Lịch sử về cái đẹp Lịch sử về cái xấu đã giúp người đọc nắm bắt đầy đủ và sinh động về sự đa dạng trong quan niệm cái đẹp của xã hội loài người. Chẳng hạn, theo Eco, một cô gái chân dài không hẳn đẹp hơn so với một cô gái sứt môi; một phụ nữ da dỏ với những hình xăm kỳ quái trên thân thể đôi khi lại gợi dục và hấp dẫn hơn một thiếu nữ da trắng có thân hình nõn nà với các đường cong mỹ miều của đồi vệ nữ(1) .

Về lĩnh vực ký hiệu học, vị trí và tầm ảnh hưởng của Eco có thể sánh với tên tuổi của nhà ký học nổi tiếng Roland Barthes (1915 -1980). Xuất hiện trong khung cảnh rất sôi động của sự phát kiến và tranh luận học thuật - những thập niên 60 ở Châu âu, Eco phải chịu thách thức trước những lý thuyết gia bậc thầy như Levi - Strauss - về cấu trúc học; Todorov - về thi pháp học; Genette - về tự sự học, và đặc biệt là người thầy R.Barthes - về ký hiệu học. Eco đã biết vượt lên bằng một tinh thần khoa học vừa “dung hoà”, vừa “chuyên biệt” mà ông đã tiếp thu được qua nhà thần học d’Aquin, để xây dựng nên một hệ thống lý thuyết nổi tiếng về ký hiệu học: Ký hiệu học vô hạn - gắn với tính liên văn bản.

Lùi xa hơn trong bức tranh học thuật sôi động nói trên, Eco từng quan tâm sâu sắc đến lý thuyết ký hiệu học của Charles Sanders Peirce (1839 - 1914). Đó là một triết gia nổi tiếng người Mỹ, luôn có ý thức gắn lý thuyết ký hiệu học với triết học nhân văn. Vấn đề mà Peirce từng day dứt đặt ra: “Con người là gì? Con người phải chăng là một ký hiệu?” (Qu’est-ce que l’homme?; L’ homme est un signe?), đã được Eco tiếp tục tìm cách trả lời qua hệ thống lý thuyết ký hiệu học của mình: Con người là một động vật có tín ngưỡng; Con người luôn mang trên mình hai tín hiệu gắn với cái xấu và cái đẹp; Con người là một cỗ máy sản xuất tín hiệu khổng lồ… Bởi vậy, lý thuyết “tín hiệu vô hạn định” của Charles, qua Eco đã trở thành “chuỗi” tín hiệu vô hạn định, gắn chặt với bối cảnh văn hoá của đời sống xã hội loài người (2).

Những bài thuyết trình của ông tại các trường đại học Châu âu, cùng với sự xuất bản các công trình nổi tiếng về ký hiệu học, đã gây chấn động đối với sinh viên và giới học thuật vào thập niên 70. Hai tác phẩm nổi tiếng: La Production des signes (Sự sản sinh của tín hiệu); Sémiotique et philosophie du langage (Ký hiệu học và triết học của ngôn ngữ), thực sự đã xây dựng một hệ thống lý thuyết về ký hiệu học khá hoàn hảo.

Theo Eco, tín hiệu phải gắn với sự diễn giải, đây là nguyên nhân đưa lý thuyết ký hiệu học của ông gắn liền với vấn đề liên văn bản - Intertextualité. Đó là một sự phát triển cao nhất quan điểm mã văn bản của Barthes (mã văn hoá, mã giải thích, mã tượng trưng, mã ký hiệu, mã trần thuật); và liên văn bản của Genette (siêu văn bản-métatextualité, cận văn bản- paratextualité; ngoa dụ văn bản - hypertextualité, kiến trúc văn bản - architextualité). Chính trong khả năng diễn giải, ý nghĩa ký hiệu mới sản sinh. Đây là cơ sở vững chắc để ông xây dựng nên những luận điểm nổi tiếng: 1. Le lecteur modèle (Người đọc mẫu mực); 2. Le concept de signe (Khái niệm của ký hiệu); 3. Théorie de la métaphore (Lý thuyết của phép ẩn dụ).

Cuốn Tác phẩm mở (L’Oeuvre ouverte-1962) của U. Eco đã đánh dấu một bước phát triển đột biến trong nghiên cứu-phê bình văn học. Hai vấn đề nổi tiếng mà ông đã đặt ra, đó là người đọc và tác phẩm mở. Ở đây, có sự gặp gỡ giữa khái niệm kết cấu vẫy gọi của trường phái mỹ học tiếp nhận Konstanz ở Đức và khái niệm đọc tựa như là xây dựng của Todorov. Tuy nhiên, Eco không hướng trọng tâm vào vị trí của người đọc, mà ông giải thích giá trị của tác phẩm chính là mối liên hệ giữa sự tiềm tàng của văn bản và khả năng khai mở ý nghĩa của chủ thể tiếp nhận. Tác phẩm mở vừa chối từ tính cực đoan của các lý thuyết gia hậu hiện đại, vừa đưa ký hiệu học - ngôn ngữ gắn liền với đời sống văn học.

Tóm lại, đóng góp của Eco có tính đột biến đối với khoa nghiên cứu văn học. Nếu R.Barthes đóng vai trò là người xây dựng phân môn ký hiệu học, thì Eco là người có công phát triển và đổi mới căn bản. Lý thuyết ký hiệu học của ông được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa - nghệ thuật, và đã trở thành một môn học chính thống trong các trường đại học Châu Âu, đặc biệt các trường đại học Paris.

2. Umberto Eco - nhà văn siêu tiểu thuyết.

Nếu chọn hai nhà tiểu thuyết kiêm nhà lý luận lớn nhất Châu Âu hiện nay, thì không ai khác, đó chính là M.Kundera và U.Eco. Cả hai nhà tư tưởng vĩ đại này đều có ý thức sâu sắc trong việc thể nghiệm lý thuyết mà mình đã xác lập, bằng chính những cuốn tiểu thuyết độc đáo. Nếu Kundera đã đưa lý thuyết đối âm - một hình thức phát triển lý thuyết đa âm của Bakhtin vào trong thể loại tiểu thuyết - âm nhạc, thì Eco đã đưa lý thuyết ký hiệu học - biểu tượng vào trong thể loại tiểu thuyết trinh thám - lịch sử. Tuy nhiên, Eco có sự kết hợp tài hoa, hiếm thấy giữa phong cách bác học và phong cách bình dân. Vì vậy, tiểu thuyết của ông vượt lên tính hàn lâm của Kundera, để đáp ứng với đông đảo độc giả. Từ bạn đọc hạ đẳng đến giới siêu độc giả đều say mê tiểu thuyết của Eco. Bốn tiểu thuyết nổi tiếng đã vinh danh cho tên tuổi của ông: Tên của đoá hồng (Le Nom de la rose -1980); Quả lắc của Foucault (Le Pendule de Foucault - 1988); Hòn đảo ngày xưa (L’ Ile du jour d’avant - 1994); Ngọn lửa bí ẩn của nữ hoàng Loana (La Mystérieuse Flamme de la reine Loana - 2004).

Tiểu thuyết, với Umberto Eco là một ký ức lịch sử. Vai trò lớn nhất của nó là mang lại sự hiểu biết cho người đọc hiện thời về kiến thức văn hoá, lịch sử, tôn giáo, mà không bất kỳ một nhà chính trị - lịch sử nào có thể đáp ứng được. Có thể khái quát một số ý kiến của Eco về tiểu thuyết: “- Nhà tiểu thuyết là một nhà kiến trúc âm nhạc; -Tiểu thuyết là một cỗ máy làm sản sinh ra các diễn giải; - Tiểu thuyết là để ngỏ và mời gọi… Người đọc nhập vào tiểu thuyết như nhập vào một cuộc chơi “leo núi”; - Chân lý cuối cùng của tiểu thuyết là sự hoài nghi chân lý… ”(3) (Lược dịch từ  Apostille Le Nom de la rose).

Điểm nổi bật nhất trong phong cách tiểu thuyết của U. Eco, đó là sự kết hợp giữa chất liệu lịch sử, Kinh thánh và âm nhạc. Trên một nền nhạc tuyệt vời của các bản Thánh ca, Eco đã đưa xã hội trung đại xích lại gần với cuộc sống đương đại, tạo độ tin cậy về tính chân xác của lịch sử.

Phần lớn tiểu thuyết của Eco là sự kết hợp của hai thể loại: trinh thám và lịch sử. Gắn với một cốt truyện đầy hấp dẫn, lôi cuốn, là các dữ liệu có thật về lịch sử, đặc biệt là thời trung đại. Hai tiểu thuyết nổi tiếng: Tên của đóa hồng và Quả lắc của Foucault đều dựa trên những nhân vật lịch sử - tôn giáo.

Mặt khác, để tạo sự thân mật với người đọc, Eco thường chọn người trần thuật đồng sự - một kiểu trần thuật mang tính chất biên ký viên, như cách dùng từ của tác giả. Với hai đặc điểm này, Eco đã tạo ra một thế giới nghệ thuật rất độc đáo, ấn tượng, hiếm tìm thấy ở các tiểu thuyết đương đại: vừa hiện thực vừa huyền ảo; trần tục và siêu phàm, vừa cổ điển và hiện đại.

3. Tên của đoá hồng-một cú sốc của tiểu thuyết đương đại.

Tác phẩm đã đoạt giải thưởng Premio Strega năm 1981, giải Médicis étranger năm 1982, và đã được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn J. Jacques Annaud. Đây là thiên truyện tường minh sâu sắc những vấn đề lý thuyết về ký hiệu học và tác phẩm mở của Eco.

 Đằng sau câu chuyện trinh thám đầy lôi cuốn là những vấn đề lịch sử, tôn giáo lớn lao của thời Trung cổ, đặc biệt là vấn đề bản thể con người. Tên của đóa hồng đã vượt qua “sự câu khách thông lệ” của một cuốn tiểu thuyết trinh thám, để buộc người đọc phải đối diện với một vấn đề bản thể, mang tầm vóc triết học của nhân loại: “Ai là kẻ có tội? Một câu trả lời xác thực là: chính chúng ta là kẻ có tội”(3).

Kiếm tìm và hoài nghi chân lý

 Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là sự ẩn dụ tuyệt vời về một hệ thống các ký hiệu và biểu tượng: từ nhan đề tác phẩm, các vụ án, những bản Thánh ca, biểu tượng nhà thờ, triết học Aristote... Bạn đọc chẳng tìm thấy một cánh hoa hồng nào trong tiểu thuyết, đó chỉ là một ký hiệu có tính tượng trưng để dẫn dụ bạn vào một thế giới mê cung của xã hội Trung cổ. Bạn cũng không tìm được chân lý bởi những thuyết giáo định sẵn, nhưng lại sở hữu một chân lý tuyệt vời, sau khi khám phá lớp ký hiệu dày đặc trong một mê cung ghê rợn của nhà thờ thời Trung cổ: “Phải chăng sứ mệnh của kẻ yêu mến nhân loại, là kẻ biết cách làm cho con người biết cười vào chân lý, làm cho chân lý cười lên, vì chân lý duy nhất chính là bài học để giải phóng chúng ta ra khỏi sự đam mê chân lý một cách mù quáng”(3).

 Câu chuyện của thầy - trò Guillaume về việc truy tìm thủ phạm, gắn với quyển sách bí ẩn của Aristote, đã gợi ra một ý nghĩa sâu xa trong sự nỗ lực kiếm tìm chân lý của loài người: thần học kinh viện không thể đày đọa, giam giữ con người trong những lề luật thiêng liêng của giáo hội. Chính sức mạnh của lý trí đã hướng con người đến với chân lý, hoài nghi cả Thánh kinh, phủ nhận sứ mệnh thiêng liêng của Mặc Khải, sấm ngôn của Chúa (Cuối tác phẩm: thư viện rơi vào một cuộc đại hỏa hoạn, nhân vật thủ thư Jorge de Burgo - một tín đồ tôn giáo ngu muội, bảo thủ, tàn ác, kẻ gây ra những cái chết thảm khốc, đã hủy hoại cuốn Nghệ thuật thi ca của Aristote và tự thiêu chính mình).

Tên của đóa hồng là một thái độ phê phán mạnh mẽ tư tưởng ngu dân chủ nghĩa - obscurantisme, một sự biện hộ sâu sắc cho tinh thần tự do và tri thức hiểu biết của con người.

Tự sự kép bằng mặt nạ của cái tôi phân thân.

Eco đã chọn hình thức kể chuyện độc đáo: tự sự phân thân ở ngôi thứ nhất, mà ông gọi đó là trò chơi kép, hay là sự thâm nhập vào “mặt nạ” của cái tôi. Nhân vật tu sinh Adso vào vai người kể chuyện - xưng tôi, hồi nhớ lại toàn bộ câu chuyện thời trai trẻ của mình tại một nhà thờ trung cổ huyền bí, thế kỷ XIV. Đây là dạng người kể chuyện lưỡng phân: một cái tôi hồn nhiên ở tuổi mười tám, ngây thơ trước những đam mê đối với chân lý, đức tin; và một cái tôi từng trải, già dặn ở tuổi tám mươi, với sự chiêm nghiệm sâu sắc trước bản thể con người và sự bí ẩn của Thượng đế “Sau khi đi đến cuối đường đời tội lỗi của mình, tóc đã bạc, tôi hóa già đi cùng với thế gian ngày mỗi già nua này, đợi đến ngày sẽ mất hút vào vực sâu thăm thẳm của cõi thiêng liêng yên vắng. Giờ đây,… nơi tu viện Melk thân yêu này, tôi chuẩn bị để lại trên bản da này lời chứng của tôi về những sự kỳ diệu và sự kinh khủng mà tôi đã chứng kiến trong thời trai trẻ... mong truyền lại cho hậu thế các dấu hiệu và biểu tượng, để người đi sau xin nguyện cầu giải mã - tìm ra ý nghĩa của chúng”(4).

“Tôi” là một “biên ký viên” kể lại những ám ảnh về tội ác đã diễn ra trong bóng tối của một nhà thờ huyền bí. Dạng thức cái tôi chứng kiến này đã giúp người kể chuyện khám phá được nhiều vấn đề của lịch sử - tôn giáo, nhất là những tội ác kinh hoàng của tòa án dị giáo thời Trung cổ (Hành hình con người bằng những hình thức dã man: dùng kẹp lửa rứt từng mảng thịt, cắt mũi, chặt đứt dương vật)....

Mặt khác, ngôi kể này còn tạo điều kiện để người trần thuật bộc lộ những ám ảnh vô thức. Giấc mơ của Adso về bữa tiệc là sự thâu tóm tất cả những ấn tượng khủng khiếp mà tu sinh này nếm trải trong những ngày ở tu viện. Đó là một thế giới ghê rợn được lắp ghép từ chuỗi ký ức hằn sâu trong vô thức. Đó là Venantius với mình mẩy đỏ lòm, Fra Dolcino với hạ bộ đầy máu, Berengar hôn lên hậu môn của đàn ông cũng như đàn bà... Tất cả đều quay cuồng trong thế giới sa đoạ, vô luân, tàn nhẫn. Nơi diễn ra bữa tiệc được so sánh với “phần trong của một cái tử cung máu mủ sền sệt”. Có thể nói, bữa tiệc là bức tranh xã hội - tôn giáo thu nhỏ đi sâu vào tiềm thức nhân vật. Đặt điểm nhìn bên trong, Eco đã giải thiêng tôn giáo tạo ra tiếng cười mang màu sắc humour noir - uymua đen.

Người kể chuyện trong tác phẩm vừa khám phá những bí ẩn của nhà thờ, vừa khám phá thế giới bí ẩn của chính mình. Bao trùm lên tất cả là nỗi sợ hãi bất an của Adso trước tội ác của những tín đồ tôn giáo, là niềm khát khao cháy bỏng đối với tình yêu và đam mê nhục dục.

Tuy nhiên, người kể chuyện đồng sự (homodiégétique) trực tiếp đứng trong câu chuyện và tham dự vào cấp độ hành động nên tầm nhìn trần thuật bị hạn chế. Với yêu cầu mở rộng thông tin đối với tiểu thuyết lịch sử, người trần thuật đồng sự không thể bao quát hết mọi biến cố, sự kiện. Vì thế, tác giả đã khéo léo tạo ra sự trao quyền kể chuyện từ người trần thuật đồng sự sang người kể chuyện nhường vai tiếp sức. Dạng kể chuyện này đã giúp nhà văn khắc phục hạn chế về tầm nhìn trần thuật. Chính những vai kể này làm phát triển các tuyến phụ của cốt truyện. Nó có vai trò quan trọng trong việc mở rộng thông tin và phạm vi ý nghĩa của tác phẩm. Đặc biệt là Guillaume- người có vai trò rất lớn trong việc duy trì và phát triển của mạch truyện. Chính nhân vật song hành này đã soi sáng và làm rõ nhiều vấn đề đặt ra trong tiểu thuyết. Những cuộc tra vấn triền miên của cặp nhân vật song hành Adso - Guillaume đã mở ra nhiều vấn đề lý thú (về chân lý, thần học, ký hiệu học, về bản thể con người...).

Hình thức tự sự kép gắn với sự nhường vai, tiếp sức trong trần thuật làm cho cốt truyện chính (chuyện điều tra) bị gián đoạn, phân nhánh, tạo nên tính chất đa tuyến và nhiều khoảng trống để mời gọi người đọc tham gia luận giải. Mỗi câu chuyện là một bè riêng nhưng lại hướng đến bản hợp xướng về bản thể của con người.

Kết cấu âm nhạc bởi những bản thánh ca.

Eco sử dụng hình thức tổ chức trần thuật theo nhịp điệu kinh thánh: Những cái chết diễn ra trong bảy ngày ứng với lời sấm truyền của kinh Khải huyền; diễn ngôn của nhân vật cũng phù hợp với nhịp điệu, tiết tấu của những chầu kinh trong mê cung của nhà thờ; và “xen” làm tình của nhân vật Adso cũng được tổ chức theo những bản thánh ca và nhã ca. Eco gọi đó là: “kể chuyện trên những ngón tay với những bản nhạc”(3).

Câu chuyện chỉ diễn ra trong bảy ngày là một thử thách lớn đối với thể loại tiểu thuyết trinh thám - lịch sử. Mặt khác, kể chuyện theo nhịp điệu kinh thánh, buộc diễn ngôn trần thuật phải tuân theo thời gian giáo luật nghiêm ngặt của nhà thờ. Eco đã chọn hình thức diễn ngôn đối thoại song hành. Nhờ vậy, tác giả có thể điều tiết nhịp điệu trần thuật, đan lồng vào một dung lượng khá lớn về kiến thức lịch sử và tôn giáo. Người trần thuật đã dành nhiều thời gian diễn ngôn để giới thiệu văn hoá Ý, một nền văn hoá lâu đời, nổi tiếng về mặt kiến trúc. Những đoạn mô tả giáo đường, đại dinh, mê cung không chỉ làm chậm nhịp kể, đẩy tính hồi hộp, căng thẳng lên cao mà còn khiến người đọc sững sờ về một nền văn hóa cổ xưa. Hầm kho tàng với những thánh tích phong phú, huyền bí đã trở thành biểu tượng về sự giàu có của giáo hội. Mê cung - thư viện cho thấy một nền văn minh - học thuật bền vững và bảo thủ. Tất cả đan bện vào nhau cùng tái hiện nền văn hoá Ý rực rỡ.

Eco quan niệm rằng, một cuốn tiểu thuyết lớn là trong đó, tác giả luôn luôn biết hãm phanh và tăng tốc đúng lúc. Tên của đóa hồng quả thực là một bản nhạc tuyệt vời, được diễn tấu bởi một nhạc sĩ tài hoa - Umberto Eco.

Có thể nói, tính triết luận sâu sắc, kết hợp với sự lưỡng phân giữa tiểu thuyết trinh thám và lịch sử, khiến tác phẩm trở thành “một cú sốc của thể loại tiểu thuyết đương đại”(5).

Tên của đoá hồng là sự hội tụ nhiều tư tưởng triết học lớn của nhân loại. Trong đó, triết lý sâu xa nhất mà cuốn tiểu thuyết mang lại, đó là: Chân lý không phải là cái gì sẵn có, vĩnh cửu, mà chính con người là chủ thể làm nên chân lý. Con người, vì vậy cần phải biết “cười vào chân lý”...

Đáng tiếc, do dung lượng hạn hẹp của một bài báo, nhiều vấn đề buộc chúng tôi phải “bỏ ngỏ”. Một tác phẩm vĩ đại như Tên của đóa hồng mà chỉ diễn giải một vài điều như trên, thì e rằng có lỗi với thiên tài Umberto Eco.

H.S - N.A
(247/09-09)


---------------------
 (1) Histoire de la beauté, 2004; Histoire de la laideur, 2007 (Lịch sử cái đẹp; Lịch sử cái xấu, Nxb Flammarion 2004, 2007)
 (2) Sémiotique et philosophie du langage (1988) (Semiotica e filosofia del linguaggio, 1984)
 (3) Apostille au Nom de la Rose, Umberto Eco, 1983 (Lời dẫn cho Tên của đóa hồng; Xin xem thêm, Đi tìm sự thật biết cười, Umberto Eco, Vũ Ngọc Thăng dịch và giới thiệu, NXB Hội nhà văn - trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2004,
 (4) Le Nom de la rose, Umberto Eco- Par Jean - Noel Schifano, Édition Grasset et Fasquelle 1982 (Bản Pháp văn của dịch giả Jean - Noel Schifano, Nxb, Grasset và Fasquelle, 1982). Bản tiếng Việt: Tên của đoá hồng, Đặng Thu Hương dịch từ nguyên bản tiếng Ý, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1989.
 (5) http://livres.fluctuat.net/umberto-eco.html
 (6) Le Problème esthétique chez Thomas d’Aquin, Édition revue et développée, 1993 (Vấn đề mỹ học của Thomas d’Aquin- Luận án tiến sĩ của U. Eco, 1956)
 (7) L’Œuvre ouverte (Tác phẩm mở, 1965, seconde révision 1971).




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng